Trúc Giang MN: Giở lại hồ sơ của điệp viên Mỹ, EDWARD SNOWDEN

Trúc Giang MN

Giở lại hồ sơ của điệp viên Mỹ,

EDWARD SNOWDEN

đã từng gây sóng gió cho cả thế giới




Điệp viên Mỹ, Edward Snowden

Ngày 3-3-2015, truyền thông quốc tế đưa tin, cựu điệp viên Edward Snowden, đã có một thời làm rung động nước Mỹ và cả thế giới, có ý định muốn trở về Mỹ nếu được xét xử công bằng.


Trang mạng Sina trích lời của luật sư người Nga, Anatoly Kucherena, trong buổi họp báo cho biết: “Ông ấy mong muốn được trở về Mỹ nếu được xét xử công bằng và chúng tôi đang làm mọi việc để biến nó thành hiện thực”.

Snowden không muốn sống trên quê hương của mình nên quyết định đến sống ở Hồng Kông anh cho biết: “Tôi không muốn sống trong một xã hội mà mọi thứ tôi làm, tôi nói đều bị ghi lại”


Người thanh niên 30 tuổi nầy đã từng làm cho Tổng Thống Mỹ phải nhức đầu. Gây căng thẳng giữa Nga và Mỹ, gây xôn xao dư luận thế giới. Người binh vực cho anh là một anh hùng, kẻ phản đối thì cho anh là người phá hoại và phản quốc.


Sơ đồ di chuyển của Snowden: Từ Hawaii sang Hongkong, sang Nga và sau đó là tới Nam Mỹ

Quyết định đến sống ở Hongkong là một sai lầm rất lớn. Anh không biết rằng đã có phong trào người Hồng Kông đã tìm mọi cách để rời bỏ quê hương của họ trước khi được trao trả lại cho Cộng Sản Hoa Lục vào năm 1997. Và đang có phong trào sinh viên học sinh biểu tình đòi dân chủ và các quyền tự do mà sinh viên trẻ tuổi Hoàng Chí Phong (Joshua Wong Chi-fong) lãnh đạo.

Hồng Kông có đáp ứng được ý nguyện của anh không? Hồng Kông có tốt đẹp hơn nước Mỹ không? Câu trả lời là không. Vì ngày 1-7-2013, gần nửa triệu người Hong Kong đã biểu tình đòi dân chủ.

Cái sai lầm thứ hai của Snowden là chọn luật sư Albert Ho đại diện cho quyền lợi của mình. LS Ho là một nhà đấu tranh đòi nhân quyền ở Hongkong. Chế độ Cộng Sản nào cũng không ưa các nhà đấu tranh Nhân Quyền cả.

Sự lựa chọn sai lầm đưa số phận của anh vào con đường lận đận lao đao, bất ổn và mất tự do. Hongkong không chứa chấp, anh xin đến Ecuador, và trên đường đi, bị Nga áp chế, lợi dụng chống lại quê hương mà cha mẹ anh đang sinh sống. Cuối cùng, Ecuador từ chối, con đường đi tìm tự do của đương sự đầy gian nan, vô định và mất tự do.



I. Sự phức tạp về việc dẫn độ và tỵ nạn chính trị của Edward Snowden

I.1. Về việc dẫn độ

Chính phủ Mỹ yêu cầu Hồng Kông dẫn độ Snowden về Mỹ.

Mục đích của Edward Snowden là đến Hongkong sinh sống lâu dài, nhưng anh ta lại tiết lộ bí mật về việc tình báo Hoa Kỳ xâm nhập hệ thống máy tính của Trung Cộng trong nhiều năm qua, do đó Mỹ yêu cầu Hong Kong cho dẫn độ, tức là trục xuất anh ta về Hoa Kỳ.


Theo lịnh của Trung Cộng, Hong Kong không trục xuất mà cũng không cho tỵ nạn, nên đương sự quyết định đến xin tỵ nạn tại Ecuador. Nhưng tại trạm quá cảnh ở phi trường quốc tế Nga, Snowden lại gặp rắc rối, Nga không trục xuất viện dẫn lý do là anh ta chưa chính thức đặt chân trên lãnh thổ Nga, mà chỉ tạm trú ở trạm quá cảnh của phi trường quốc tế. Rắc rối hơn nữa là Nga không cho anh ta rời Nga vì lý do không có giấy tờ hợp pháp, passport bị Mỹ hủy bỏ. Nga lại buộc anh ta rút đơn xin tỵ nạn.

Không giải giao cho Hoa Kỳ, không cho tỵ nạn và không cho rời nước Nga.



I.2. Về việc tỵ nạn chính trị của Edward Snowden

Điều 14 của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (The Universal Declaration of Human Rights) ghi rằng: “Mọi người đều có quyền tìm kiếm và lánh nạn ở nước khác khi bị ngược đãi”  ( Ở quê nhà).

Xét theo nội dung nầy, thì Snowden chưa hề bị ngược đãi khi còn sống trên đất Mỹ. Anh ta là nhân viên làm việc cho chính phủ, lương khá cao, 122,000USD/năm. Anh được tự do đến Hong Kong, nhưng ở đó, anh tiết lộ bí mật tình báo do anh phụ trách, làm thiệt hại lớn lao cho nước Mỹ, vì thế Hoa Kỳ yêu cầu Hongkong cho dẫn độ anh về Mỹ.

Theo lịnh của Trung Cộng, Hongkong không trục xuất mà cũng không cho tỵ nạn, nên đương sự quyết định lên đường đến xin tỵ nạn ở Ecuador. Đó là do sự vận động của Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, hiện đang tỵ nạn sống trong tòa Tổng Lãnh Sự Ecuador tại London. Viên Tổng lãnh sự tên Fidel Narvaez đã cấp một giấy thông hành cho Edward Snowden.

Giấy thông hành có mang quốc huy Ecuador, trong đó có tên tuổi, ngày và nơi sinh, màu tóc, màu mắt, chiều cao, tình trạng hôn nhân của Edward Snowden. Bên dưới ký tên Fidel Narvaez.
Kênh truyền hình Tây Ban Nha Univision, có trụ sở tại Mỹ, đã đăng bản photo của tờ giấy thông hành nầy.

Thế nhưng giờ chót, Tổng Thống Ecuador, Rafael Correa, tuyên bố passport không có giá trị, bất hợp pháp vì hành động vượt quyền của Tổng Lãnh Sự ở Anh Quốc, tuyên bố sẽ trừng phạt ông ta.

Tại sao Ecuador thay đổi thái độ đột ngột như thế? Đó là do Phó Tổng thống Joe Biden gọi điện thoại trò chuyện rất thân mật, mua chuộc cảm tình, đồng thời gợi ý là Mỹ đang cứu xét việc giảm tiền thuế hải quan cho Ecuador mỗi năm trên 300 triệu USD vào số hàng hóa của nước nầy nhập vào Mỹ. Đồng thời, các nhà nông Ecuador đang lo ngại mặt hàng chủ yếu của họ là bông hồng có thể bị mất ở thị trường số một của họ là Hoa Kỳ.

So sánh giữa Snowden và quyền lợi kinh tế quốc gia thì Snowden chả có giá trị nào cả. Trung Cộng và Nga lợi dụng Snowden, trái lại đương sự chả có giá trị nào để Ecuador lợi dụng cả.

Julian Assange còn xuất quỹ Wikileaks đài thọ tiền ăn ở của Snowden trong suốt 34 ngày ở Hongkong và tiền vé máy bay đi Ecuador, quá cảnh Nga trên đường đi. Julian Assange cũng cử cố vấn pháp lý Wikileaks là cô Sarah Harrison, quốc tịch Anh, đến Hongkong để tháp tùng Snowden đến Ecuador.



Julian Assange
(Wikileaks)


I.3. Snowden xin tỵ nạn chính trị ở 21 quốc gia

Trang web Wikileaks tiết lộ, Snowden đã xin tỵ nạn ở 21 quốc gia, gồm có: Venezuela, Brazil, Ecuador, Cuba, Nicaragua, Áo, Phần Lan, Na Uy, Ireland, Hoà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Pháp, Trung Cộng, Nga, Đức, Italy, Iceland, Ấn Độ…


Theo điều 14 của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền LHQ, thì Snowden chưa hề bị ngược đãi trên quê hương của anh ta là Hoa Kỳ. Đương sự là nhân làm việc cho chính phủ, tiền lương cũng khá cao (122,000 USD/năm).

Khi đến Hong Kong, đương sự vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, nên Mỹ yêu cầu Hongkong cho dẫn độ anh ta về Mỹ để ra trước công lý. Chính người cha, ông Lonnie Snowden cũng kêu gọi đương sự về Mỹ để công lý xét xử.

Tóm lại, đương sự không phải là người bị đàn áp ở nước mình mà xin tỵ nạn chính trị ở nước ngoài. Do đó, nhiều quốc gia từ chối cho đương sự được tỵ nạn. Đó là về nguyên tắc pháp lý, chưa kể việc áp lực của Hoa Kỳ, và hơn nữa chấp nhận cho một anh báo cô, cà tửng vào quốc gia, chả có lợi lộc tí nào cả.

Lý do từ chối phổ biến nhất là chính đương sự phải có mặt trên lãnh thổ của họ khi nạp đơn thì mới được cứu xét. Một số quốc gia trả lời rằng họ chưa nhận được đơn xin tỵ nạn, một số khác cho biết, họ đang cứu xét và phải chờ một thời gian khá lâu mới biết kết quả.

Những nước đã từ chối gồm có: Ba Lan, Pháp, Anh, Iceland, Ấn Độ, Áo, Phần Lan, Na Uy, Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha, Brazil, Đức, Ý, Ecuador…



II* Vài nét về Edward Snowden

II.1. Tiểu sử



Edward Joseph Snowden sinh ngày 21-6-1983 tại thành phố Elizabeth City, North Carolina. Cha là Lonnie Snowden, sĩ quan của Lực Lượng Phòng Vệ Ven Biển Hoa Kỳ, mẹ làm thư ký tòa án Maryland.

Năm 1999, Snowden theo học chương trình vi tính tại đại học cộng đồng Anne Arundel nhưng không được cấp chứng chỉ tốt nghiệp vì bị bịnh phải bỏ học nhiều tháng.

Năm 2011, học hàm thụ trực tuyến được cấp bằng thạc sĩ vi tính.

Gia nhập quân đội, phục vụ tại căn cứ Mỹ đóng ở Nhật. Snowden rất thích thú về văn hoá và võ thuật của Nhật, học tiếng Nhật và cả tiếng Quảng Đông. Theo Phật giáo.



II.2. Về sự nghiệp

Ngày 7-5-2004, gia nhập Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ nhưng phải bỏ cuộc vì bị gãy xương hai chân do tai nạn trong lúc huấn luyện.

Năm 2007, phục vụ trong cơ quan Tình Báo Trung Ương (CIA), được cử đến Geneva, (Thụy Sĩ), dưới cái vỏ bọc là một nhà ngoại giao, phụ trách hệ thống an ninh mạng của CIA.

Năm 2009, từ giã CIA, vào làm nhân viên hợp đồng cho cơ quan An Ninh Quốc Gia (NSA=National Security Agency) đóng tại Nhật Bản. Phục vụ cho cơ quan nầy 12 tháng.

Tháng 2 năm 2013, vào làm nhân viên hợp đồng cho cơ quan Booz Allen Hamilton thuộc NSA tại Hawaii, phụ trách quản lý cả hệ thống máy tính mà mục đích xâm nhập vào các hệ thống internet và điện thoại trên toàn thế giới. Tiền lương 122,000 USD/năm.

Ngày 10-6-2013, Cơ quan NSA địa phương cho biết đương sự bị cho nghỉ việc vì đã vi phạm điều luật và chính sách của cơ quan, đồng thời vì tư cách cá nhân, là khai không đúng sự thật trong bản Résumé, ghi là đã tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins University, nhưng thật ra không có học tại đó.




Vũ nữ múa cột Lindsay Mills, bạn gái của Snowden

III. Hành trình trở thành kẻ phản bội quê hương

Tháng 1 năm 2013
Edward Snowden, xin được giấu tên, cung cấp những bí mật về hoạt động tình báo gián điệp của chính phủ Mỹ cho nhà làm phim, bà Laura Pointras.

Tháng 2 năm 2013
Snowden, xin được giấu tên, cung cấp tài liệu mật về hoạt động tình báo Mỹ cho nhà bình luận Glenn Greenwald của tờ The Guardian (Anh) và cho biên tập viên Barton Gellman của tờ Washington Post.

Tháng 3 năm 2013
Trong thời gian sống tại Hawaii, Snowden làm nhân viên khế ước cho công ty tư vấn công nghệ Booz Allen Hamilton, một cơ sở của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) ở Hawaii.

Ngày 20-5-2013
Edward Snowden âm thầm đáp chuyến bay từ Hawaii đến Hong Kong. Vì nguyên tắc của NSA, nhân viên muốn ra nước ngoài thì phải xin phép trước 30 ngày và sẽ bị giám sát, đồng thời đương sự thông báo cho bạn gái là sẽ vắng mặt một thời gian khoảng hai tuần lễ nhưng không cho biết rõ lý do.

Ngày 6-6-2013
Sóng gió nổi lên khi tờ Washington Post lần đầu tiên công bố một tài liệu bí mật về Toà án Giám sát Tình báo Nước ngoài FISC (The United States Foreign Intelligence Surveillance Court-FISC), tiếp theo tờ The Guardian (Anh) cũng tiếp tục công bố một số tài liệu mật về các hoạt động tình báo của Hoa Kỳ, mà người cung cấp là Snowden, việc nêu tên là do yêu cầu của đương sự.

Ngày 9-6-2013
Tại Hong Kong, Edward Snowden công khai ra mặt, trả lời phỏng vấn của báo The Guardian Hong Kong. Đương sự cho biết lý do tiết lộ những tài liệu mật về tình báo Mỹ là vì bị sự giám sát kinh khủng của NSA, anh ta nói: “Tôi không thể sống trong một thế giới mà mọi thứ tôi nói và tôi làm đều bị ghi lại”. Sau đó, Snowden biến mất tại Hong Kong.

Ngày 12-6-2013
Snowden tái xuất hiện trên Internet Hong Kong, trả lời phỏng vấn của tờ South China Morning Post, đương sự khẳng định rằng đã nắm trong tay đầy đủ bằng chứng về việc Hoa Kỳ đã ăn trộm tin tức của Trung Cộng trong nhiều năm qua. Khi được hỏi, Snowden trả lời anh ta không có ý định rời Hong Kong, còn việc Hoa Kỳ yêu cầu dẫn độ, thì anh ta cho biết là số phận và tương lai của anh ta nằm trong bàn tay của chính quyền và người dân Hong Kong.

Ngày 14-6-2013
Bộ Nội vụ Anh yêu cầu các hãng hàng không của Anh không được phục vụ cho Snowden vì cá nhân nầy bị từ chối cho nhập cảnh vào nước Anh.

Ngày 16-6-2013
Để trả đủa, Snowden lại tố cáo chính phủ Anh đã giám sát máy tính và nghe lén điện thoại của các quan chức và chính trị gia các nước khi họ đến Anh dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 hồi năm 2009. Lời tố cáo nầy đưa ra đúng thời điểm mà nước Anh xin đăng cai tổ chức Hội nghị G-8 sắp tới. Điều nầy làm cho nước Anh rất tức giận.

Ngày 20-6-2013
“Kẻ phản bội nước Mỹ” lại một lần nữa làm cho giới lãnh đạo nước Mỹ phải bị một phen lận đận lao đao, khi đương sự công bố bằng chứng về những quan toà đã ký tên vào các văn kiện cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) xử dụng những thông tin mà Chương Trình Giám Sát Prism đã thu nhận một các trái phép.


Tổng thống Obama nhức đầu vì vụ Snowden

Ngày 21-6-2013
Chính phủ Mỹ đưa ra lịnh bắt giữ Edward Snowden trong thời gian anh ta sống ở Hong Kong.

Ngày 23-6-2013
Edward Snowden rời Hong Kong trên một chuyến bay đến Moscow (Nga). Chính quyền Hong Kong cho biết họ không có căn bản pháp lý nào để bắt giữ và để cấm Snowden rời Hong Kong cả.



IV. Tình trạng của Edward Snowden khi ở Hongkong


Biểu ngữ ủng hộ Edward Snowden trước Tổng lãnh sự Mỹ ở Hongkong

Edward Snowden đã bí mật đến Hongkong. Xuất hiện trước báo chí rồi lại biến mất. Xuất hiện trở lại trên internet rồi lại bí mật đến Moscow, do đó có rất nhiều câu hỏi khi Snowden đang ở Hong Kong: Ở Hong Kong bao lâu?, vấn đề dẫn độ thế nào? Và ai đã giúp Snowden rời Hong Kong?


IV.1. Edward Snowden sống ở Hongkong bao lâu?

Snowden bí mật đến Hong Kong ngày 20-5-2013 và cũng bí mật rời khỏi Hong Kong đến Nga ngày 23-6-2013, như vậy Snowden sống ở Hong Kong 34 ngày.

Luật sư của Snowden là Albert Ho, một nhà hoạt động nhân quyền Hong Kong, đã cho phóng viên BBC Juliana Liu biết nội dung như sau.

Khi nhận bảo vệ cho Snowden thì người phụ tá của ông là Jonathan Man đã bí mật hộ tống Snowden rời khỏi khách sạn Mira Hotel đến một chỗ ở bí mật.

LS Ho cho biết, Snowden muốn sống lâu dài ở Hong Kong, đương sự tuyên bố với báo chí: “Hong Kong là nơi lý tưởng để bảo vệ tự do ngôn luận”.

Vì muốn tỵ nạn ở Hong Kong, nên Snowden yêu cầu luật sư Ho thăm dò ý kiến của chính quyền sở tại. LS Ho đã liên lạc với những quan chức cao cấp có thẩm quyền, nhưng tất cả đều im lặng, không ai trả lời cả. Snowden bắt đầu lo ngại.



IV.2. Về vấn đề dẫn độ (Extradition)

Dẫn độ là khi một quốc gia chuyển một nghi can hoặc một cá nhân đã bị kết án hình sự cho quốc gia khác, theo thoả thuận giữa hai bên bằng một hiệp ước (Extradition treaty) Hong Kong đã ký thỏa thuận dẫn độ (Extradition treaty) với Hoa Kỳ năm 1996, trước khi Hong Kong được trao trả lại cho Bắc Kinh vào năm 1997. Hiện nay, Hong Kong vẫn còn ý định thực hiện hiệp ước đã ký với Hoa Kỳ.

LS Ho cho thân chủ của ông biết rằng việc dẫn độ rất phức tạp và mất rất nhiều thì gian, và trong khi chờ đợi kết quả thì Snowden bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, cũng có thể chờ đợi trong nhà tù.

Thoả ước dẫn độ thường chỉ áp dụng cho những nghi can hoặc những cá nhân đã bị kết án về tội hình sự mà thôi. Trái lại, tội về chính trị thì đa số các quốc gia không áp dụng việc dẫn độ.

Về trường hợp của Snowden thì Hoa Kỳ đã nạp đơn kết tội hình sự, đưa ra toà về 3 tội: ăn cắp tài sản của chính phủ, tiết lộ trái phép thông tin quốc phòng, tiết lộ thông tin tình báo đã được bảo mật.

Snowden là nhân viên làm việc cho cơ quan chính phủ, đã vi phạm nguyên tắc của cơ quan là ăn cắp tài sản, tiết lộ thông tin mật thuộc về phần hành của mình, thì không thuộc về chính trị.

Sự phức tạp về việc dẫn độ trong trường hợp nầy là làm sao xác định về tội hình sự hay tội chính trị. Trận chiến pháp lý giữa hai bên có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm, trong thời gian tranh cãi đó, bị cáo phải được quản lý chặt chẽ, có thể ở trong một nhà tù nào đó. LS Ho cho biết như thế.

Bà nghị sĩ Hong Kong Regina Ip nói, chính quyền Hong Kong có nghĩa vụ thi hành hiệp ước đã ký với Hoa Kỳ. Tốt nhất là Snowden phải rời Hong Kong.

Thật sự việc dẫn độ nầy rất đơn giản, Hong Kong chi giao Snowden cho sứ quán Mỷ là xong ngay, nếu dân chúng có phản đối thì mọi việc cũng đã rồi. Và Snowden đã rời Hong Kong vào ngày 23-6-2013.



IV.3. Ai đã giúp Snowden rời Hongkong?

LS Albert Ho cho biết, một quan chức nhân danh chính phủ Bắc Kinh đã nhắn với những người ủng hộ Snowden là “nếu đương sự muốn đi khỏi Hong Kong thì sẽ không bị bắt từ lúc rời nơi trú ngụ bí mật đến phi trường”. Câu nói trên là một gợi ý muốn “đuổi khéo” và hâm dọa, được hiểu là nếu rời Hong Kong thì không bị bắt, nếu không rời, thì bị bắt.

LS Ho tiết lộ, ngày 23 tháng 6, Snowden ra phi trường trong tâm trạng hoang mang, lo sợ, nhưng việc làm thủ tục lên phi cơ và qua cổng an ninh không gặp một trở ngại nào cả. Trong khi đó chính quyền Hong Kong cũng cho biết là họ không muốn Snowden quay trở lại hòn đảo nầy.

Snowden đã sai lầm khi chọn Hong Kong là nơi đến có thể ở lâu dài, và sai lầm hơn nữa là tưởng rằng, khi đã tố cáo Mỹ để lập công với Trung Cộng thì sẽ được hưởng đặc ân đó. Ở Hong Kong, Snowden đã tiết lộ Mỹ đã xâm nhập hàng ngàn máy chủ của Trung Cộng trong nhiều năm qua. Những tiết lộ của đương sự làm thay đổi cuộc diện trước đây, đó là Mỹ và các nước đã cáo buộc tin tặc Trung Cộng xâm nhập mạng lưới vi tính, ăn cắp kỹ thuật và thu thập tin tức tình báo.



IV.4. Sai lầm chiến lược của Snowden về Hong Kong

Edward Snowden không hiểu được rằng mặc dù Hong Kong là một đặc khu hành chánh của Trung Cộng nhưng quyền lực chính trị và ngoại giao của Hong Kong vẫn nằm trong tay của đảng Cộng Sản Trung Hoa ở lục địa.

Snowden được dân Hong Kong biểu tình hoan nghênh, ủng hộ như là một nhà đấu tranh cho nhân quyền và bất đồng chính kiến của Hoa Kỳ, thế nhưng những cụm từ “nhân quyền”, “bất đồng chính kiến” là những điều mà đảng CS Trung hoa rất đại kỵ. Cụ thể là tường lửa Trung Cộng ngăn chặn tất cả những văn bản nào có những cụm từ nói trên vào mạng lưới Internet của nước nầy. Rõ ràng hơn nữa là những nhà đấu tranh nhân quyền như Lưu Hiểu Ba đang bị tù, Ngải Vị Vị đang bị trù dập, khủng bố, và trước đây, luật sư mù Trần Quang Thành cũng bị như thế.

Sự thật là, người Hong Kong biểu tình ủng hộ nhà đấu tranh nhân quyền Snowden chỉ có một phần thôi, mà chủ yếu là lấy cớ để đòi đảng CS Trung hoa trả lại dân chủ lại cho dân Hong Kong. Bằng chứng rõ ràng là vào ngày 1-7-2013, nhận dịp kỷ niệm 16 năm (1997-2013) trao trả Hong Kong cho Bắc Kinh, đã có 400,000 người biểu tình đòi dân chủ.

Ngoài ra, còn một ý đồ thâm độc là Trung Cộng muốn lợi dụng Snowden, để cho đương sự được tự do đi khắp nơi tiếp tục tiết lộ những hoạt động tình báo của Hoa Kỳ chống lại các nước khác. Vì thế, không bắt giữ, không dẫn độ, mà cũng không cho tỵ nạn.

V. Số phận của Edward Snowden trên đất Nga



Đang mắc kẹt ở Moscow       * Snowden đang gây sóng gió quan hệ Mỹ – Nga, Mỹ – Trung

V.1. Vì sao Snowden chọn Nga làm nơi quá cảnh?

Là một nhân viên tình báo rất thông minh, không phải vô tình hay ngẫu nhiên chọn Nga làm nơi quá cảnh trên đường đến tỵ nạn tại Ecuador, Nam Mỹ.

Sự lựa chọn phát xuất từ hai điểm: một là Nga rất thèm muốn những bí mật tình báo Mỹ mà Snowden mang theo trong những máy tính. Hai là giữa Nga và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ, đồng thời có thể lợi dụng sự chống đối giữa hai nước nầy trên các vấn đề quốc tế như: về Syria, Iran, về lá chắn hỏa tiễn ở châu Âu chỉa vào Nga, và cũng do Hoa Kỳ ủng hộ những nhà đấu tranh nhân quyền ở Nga hiện nay.

Nhiều nhà bình luận cho rằng đó là những lý do khiến cho Snowden chọn Nga làm nơi quá cảnh, nhưng nước cờ nầy cũng không chắc ăn, vì Nga muốn lợi dụng đương sự để khai thác về tình báo Mỹ, khai thác xong thì có thể phủi tay, vì giữ một cá nhân như thế chả có lợi lộc gì cho nước Nga cả, mà còn gây căng thẳng với Mỹ nữa.




Tổng thống Vladimir Putin có nói như để xoa dịu Mỹ: “Nếu anh ta muốn ở lại đây thì chỉ có một điều kiện là anh ta phải ngừng làm những việc có mục đích tổn hại nước Mỹ, là một đối tác của chúng tôi”.

Ngày chủ nhật 23-6-2013, Edward Snowden đến Nga, quá cảnh một đêm để hôm sau, thứ hai, lên đường đi Cuba, nhưng hãng tin Reuters lại thắc mắc, đặt câu hỏi: “Không biết vì lý do gì mà ông không rời khỏi Nga?.


Hong Kong tuyên bố không trục xuất về Mỹ, nhưng để tự do ra đi. Nga cũng tuyên bố không trục xuất đương sự về Mỹ, nhưng lại không cho đi. Đó là ý đồ để chơi Mỹ một đòn sát ván.

Ngày 25-6-2013, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Snowden chưa vào lãnh thổ Nga, mà chỉ ở nơi quá cảnh của phi trường quốc tế. Snowden ở nơi quá cảnh thì cũng giống như bao nhiêu hành khách khác, tự do nghỉ ngơi chờ chuyến bay đi tiếp. Chưa vào lãnh thổ thì không khai quan thuế, không xuất trình chiếu khán nhập cảnh và không nằm dưới sự quản lý của chính quyền. Nhưng Nga đã mâu thuẩn trong việc nầy, là dành lấy quyền quản lý một người chưa bước chân lên lãnh thổ Nga.

Ngày 27-6-2013, Tổng thống Putin khẳng định: không trục xuất đương sự về Mỹ và đương sự cũng không có thể rời Nga, vì không có giấy tờ hợp pháp. Rõ ràng là có âm mưu cầm giữ và khống chế Snowden.


Ngày 2-7-2013, phát ngôn viên Điện Kremlin tuyên bố: “Snowden đã chính thức xin tỵ nạn tại Nga, nhưng đã thay đổi ý kiến và rút đơn”. Như vậy là Nga không cho tỵ nạn mà cũng không cho rời khỏi Nga, nên tình trạng của đương sự là một người không có quốc tịch, vô tổ quốc, cho nên không có toà đại sứ nào can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho công dân Snowden cả.

V.2. Cựu điệp viên gây chấn động thế giới biến mất tại Moscow


Sân bay Nga thu hút báo chí quốc tế vì vụ Snowden    /  Phòng nghỉ tạm ở sân bay

Ngày 23 tháng 6, Snowden đã đến Nga và theo kế hoạch thì ngày 24 tháng 6 đương sự sẽ đáp máy bay đến Nam Mỹ, nhưng tờ  AFP (Pháp) đưa tin, Snowden không hề lên máy bay của hảng hàng không Nga Aeroflot bay đến Cuba, chiếc ghế số 17A của anh bỏ trống.


Ghế số 17A đi Cuba bỏ trống

Chính phủ Mỹ lại một phen hoang mang, bối rối vì không biết anh ta đang trốn ở đâu để có những biện pháp cụ thể về việc dẫn độ và tỵ nạn.

Việc mất tích được phóng viên Tân Hoa Xã (Xinhua) tường thuật một cách ly kỳ như chuyện gián điệp trên phim.

“Ngày 24-6-2013, hai tiếng rưởi đồng hồ trước khi phi cơ cất cánh đi Nam Mỹ, một ô tô của sứ quán Ecuador xuất hiện trên xa lộ ở Moscow hướng về phía sân bay quốc tế Sheremetyevo. Đó là chiếc BMW màu đen mang quốc kỳ Ecuador chở 3 người đàn ông. Chính chiếc xe nầy ngày hôm qua đã đón Snowden ra khỏi phi trường về nơi trú ngụ.

Chiếc xe thình lình ngừng lại bên lề đường cao tốc, một người đàn ông áo đen bước xuống xe, quan sát cả hai phía. Rồi chiếc xe tiếp tục phóng đi với 3 người đàn ông trên đó, nhưng đặc biệt là lá cờ Ecuador không còn gắn trước đầu xe nữa. Chiếc BMW phóng thẳng đến cổng F mà hôm qua Snowden ra khỏi phi trường bằng cổng nầy của hảng máy bay.

Chiếc BMW chạy vài vòng quanh cổng F nhưng đặc biệt là không có bất kỳ ai trên xe bước ra khỏi xe cả.



Chiếc BMW của sứ quán Ecuador                  Tổng thống Ecuador Rafael Correa

Chiếc phi cơ mà Snowden đặt vé đến Cuba cất cánh trễ 40 phút. Bí mật bao trùm. Snowden đang ở đâu?

Ecuador đã và đang cho Julian Assange, người sáng lập Wikileaks trú ngụ trong sứ quán của họ tại thủ đô London của Anh Quốc từ hơn một năm qua.

Chính phủ Mỹ lại hoang mang không biết Snowden đang ở đâu? Ở Nga hay trong sứ quán Ecuador? để có biện pháp trực tiếp và cụ thể trong việc dẫn độ và tỵ nạn của Snowden.



V.3. Con cá Snowden nằm trên tấm thớt Nga

Tin tức cho biết, Snowden đang bị mật vụ Nga cố tình giữ chân đương sự lại để thẩm vấn.


Thượng Viện Nga đã thành lập một nhóm công tác đặc biệt do Nghị sĩ Ruslan Gattarov cầm đầu, để điều tra và duyệt xét những cáo buộc về hoạt động của tình báo Mỹ, và Snowden “được mời” tham gia. Nghị sĩ Gattarov cho biết: “Chúng tôi mời Edward Snowden làm việc với chúng tôi để cung cấp bằng chứng về việc tình báo Mỹ tiếp cận các máy chủ của các công ty internet trên thế giới.

Ông Gattarov tiết lộ nhóm của ông gồm nhiều nghị sĩ, các nhà ngoại giao, các công tố viên, các quan chức ngành truyền thông. Kết quả điều tra sơ bộ của nhóm sẽ có trong tháng 10 năm 2013.


Edward quyết định ra đi để được tự do sống trong một chế độ không có “vi phạm nhân quyền như nước Mỹ”, anh cho biết: “Tôi không thể nào sống trong một thế giới như thế nầy được. Tôi không thể sống trong một xã hội mà mỗi lời nói và việc làm của tôi đều bị ghi lại”. Nhưng rủi ro cho anh, là anh mang thân đến một nước Trung Hoa Cộng Sản và một nhà độc tài cựu Đại tá KGB của chế độ độc tài Liên Xô, Vladimir Putin. Sai nước cờ nên thê thảm.

Nhưng ở Nga, anh được một an ủi là người thiếu nữ cụu gián điệp đẹp nghiêng thành đổ nước, Anna Chapman ngưỡng mộ và tuyên bố muốn kết hôn với anh. Trong tâm trạng như thế, không biết Snowden còn hứng thú về người đẹp đồng nghiệp đó không? “Kết” với Anna Chapman thì xem như suốt đời sống trong bàn tay của “KGB”.


Nữ cụu gián điệp Nga Anna Chapman

Snowden đang sạch túi. Julian Assange của Wikileaks tiết lộ, quỹ của ông đã bỏ tiền ra để trả những chi phí về chỗ ăn, chỗ ở và tiền vé máy bay để anh đến Moscow. Một cố vấn pháp lý của Wikileaks là Sarah Harrison, quốc tịch Anh, được cử đến Hong Kong để tháp tùng Snowden đến Nga.



VI. Về việc giám sát điện thư và nghe lén điện thoại của tình báo Mỹ

VI.1. Trát toà án bí mật bị tiết lộ

Ngày 25-5-2013, một bản copy trát tòa án đề ngày 25-4-2013 được Snowden gởi cho báo The Guardian (Anh), nội dung trát của Toà án Giám Sát Tình Báo Nước Ngoài, ra lịnh cho công ty dịch vụ điện thoại Verizon phải cung cấp cho Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA) hồ sơ những cuộc điện đàm hàng ngày trong và ngoài nước.

Tòa Án Giám Sát Tình Báo Nước Ngoài (The United States Foreign Intelligence Surveillance Court-FISC) được thành lập do Đạo Luật Giám Sát Tình Báo Nước Ngoài (Foreign Intelligence Surveillance Act (FISA), ban hành ngày 25-10-1978.

Toà án nầy phát ra những trát (warrant) được bảo mật, khi có yêu cầu của hai cơ quan NSA và FBI. Đó là trát chống lại những người bị tình nghi làm gián điệp ngoại quốc, bao gồm người Mỹ và người ngoại quốc đang sống trong nước Mỹ.

Toà án được thành lập cách đây 35 năm (25-10-1978), trụ sở đặt ở lầu 6 toà nhà Robert F. Kennedy của Bộ Tư Pháp. Từ năm 2009 đến nay, toà đặt tại trụ sở E. Barrett Prettyman, WA, D.C.



VI.2. Chương trình giám sát Prism

Prism là chương trình giám sát điện tử do Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA) thực hiện từ năm 2007. Chương trình phục vụ cho mục đích của NSA, là thu thập, xử dụng, giải mã các tín hiệu điện tử, từ email đến điện thoại. Toà Án Giám Sát Tình Báo Nước Ngoài (FISC) kiểm soát chương trình nầy bằng cách phát ra những trát tòa về việc cho cơ quan điều tra NSA và FBI được phép thực hiện các biện pháp theo dõi những đối tượng bị nghi ngờ, đồng thời ra lịnh cho những cơ quan, những công ty dịch vụ internet và điện thoại, cung cấp thông tin cho hai cơ quan điều tra nêu trên.

Những công ty dịch vụ như Google, Yahoo, Youtube, Facebook, Microsoft, Apple, Dropbox…đều được lịnh phải cung cấp tài liệu mà NSA và FBI yêu cầu.

Toà Án và chương trình Prism hoạt động hợp pháp bởi những đạo luật, nhưng trên thực tế thì sự việc trở nên phức tạp hơn. Đó là việc nghe lén điện thoại và đọc lén email của những đối tượng bị tình nghi. Phức tạp ở chỗ, không phải tất cả những người bị tình nghi đều là những người phạm pháp, làm gián điệp, khủng bố…do đó, những công dân tốt nghĩ rằng mình có thể bị nghe lén, đọc thư lén, xâm phạm tự do cá nhân và đời tư… Tổng thống Obama cho rằng đó là những biện pháp cần thiết để bảo đảm nước Mỹ được an toàn.


VI.3. Chương trình Prism ngăn ngừa khủng bố

Sau vụ tố cáo của Edward Snowden, Trung tướng Keith B. Alexander, Giám đốc Cơ Quan Anh Ninh Quốc Gia (NSA) ra điều trần trước Quốc Hội HK, cho rằng Chương trình Prism rất cần thiết và có hiệu quả. Prism đã giúp ngăn chặn được 50 vụ tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ và các đồng minh, trong đó có 10 vụ bị khám phá ở Mỹ.

Ông Sean Joyce, Phó Giám đốc Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, cho biết, một trong những âm mưu đánh bom tấn công HK là kế hoạch đánh bom vào Sở Giao Dịch Chứng Khoán New York đã bị phát hiện và ngăn chặn. Ông Joyce còn tiết lộ, do thông tin của NSA cung cấp, FBI đã bắt giữ Khalid Ouazzani ở Kansas, Missouri, và bị can thú nhận đã cung cấp tin tức cho một tổ chức khủng bố. Đương sự bị đưa ra toà năm 2010.

Ông Joyce cũng xác nhận là chương trình theo dõi đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn khủng bố, cụ thể như kế hoạch đánh bom đường xe điện ngầm ở New York hồi năm 2009 đã bị phá vở và người chủ mưu là Najibullah đã bị bắt.

VII. Tin tặc Trung Cộng xâm nhập hệ thống máy tính Hoa Kỳ




Mỹ phát lịnh truy nã 5 tin tặc Trung Cộng

Chính quyền Tổng thống Obama đã nêu đích danh tin tặc Trung Cộng xâm nhập hệ thống máy tính, ăn cắp tài liệu của Hoa Kỳ.

Ngày 3-11-2011, một bản báo cáo của 11 cơ quan tình báo HK chỉ đích danh gián điệp Trung Cộng đã gia tăng cường độ xâm nhập và là mối đe dọa của một số công ty quan trọng của Mỹ.

Dân biểu Mike Rogers, Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện cho biết, một dự luật đang chờ QH biểu quyết, cho phép chính phủ “chia xẻ” thông tin bí mật với các công ty, để chống lại tin tặc Trung Cộng.

Năm 2009, công ty Google và 34 công ty lớn khác bị tấn công, nhưng chỉ có 2 công ty cung cấp chi tiết là Intel và Adobe System Inc.

Ngày 18-7-2011, Phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng HK, ông William J. Lynn III công bố một tin tức động trời là, 24,000 tài liệu của bộ nầy bị đánh cắp. Đại tá Gary McAlum thuộc Bô Chỉ Huy Chiến Lược HK trình bày tại Quốc Hội rằng Bộ QP/HK (NSA) đã phát hiện 54,640 vụ tấn công trên mạng rất nguy hiểm trong năm 2009.

Ngày 5-3-2012, ông Paul K. Martin, Tổng Giám đốc NASA xác nhận từ năm 2010 đến 2011, NASA đã hứng chịu 5,408 “sự cố” an ninh máy tính.

Tóm lại, Hoa Kỳ đã bị tin tặc xâm nhập vào hệ thống máy tính thuộc Bộ Quốc Phòng, cơ quan CIA, FBI, NASA, Sony, Google, Intel, Lockheed Martin…

Khi bị tấn công thì những biện pháp phòng thủ và phản công trả đủa là việc bắt buộc trong cuộc chiến tranh mạng, vì hệ thống máy tính điều khiển những vũ khí và chiến lược quân sự. Vấn đề đang tranh cãi là tự do cá nhân và lợi ích và an toàn của nước Mỹ.




VIII. Phim tài liệu về nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden

Ngày 10-10-2014, một phim tài liệu về cuộc đời của Edward Snowden được trình chiếu trong dịp Liên Hoan Điện Ảnh New York đạo diễn là bà Laura Poitras.

Cựu nhân viên tình báo nầy nổi tiếng là đã gây sóng gió cho cả thế giới vì đã cung cấp cho truyền thông thế giới hàng ngàn tài liệu mật tố giác hoạt động do thám của các cơ quan mật vụ Hoa Kỳ.

Trong phim Snowden không nhận là kẻ phản bội, trái lại đạo diễn mô tả anh là một người yêu nước, là người bảo vệ tự do ngôn luận và nhận thấy những điều anh làm là rất có ích.

Cuối phim, cô bồ múa cột Lindsay Mills đã sang Nga sống với anh.

Kết luận

Trước đây, Edward Snowden chỉ là một người bình thường, xem như vô danh tiểu tốt, nhưng anh ta đã quậy tưng bừng, làm náo động cả thế giới và trở nên một nhân vật nổi tiếng mà các cơ quan truyền thông theo dõi mỗi ngày.


Giới lãnh đạo Hoa Kỳ cũng nhức đầu và mất mặt vì anh. Anh đã tạo ra sự căng thẳng giữa Mỹ-Trung, Mỹ-Nga, và Mỹ với Ecuador, Bolivia. Mỹ mất mặt với Liên Âu và Liên Hiệp Quốc.



Ông Lonnie Snowden cha của Edward Snowden

Người cha, ông Lonnie Snowden tha thiết kêu gọi con mình: “Cha hy vọng, cha cầu nguyện, và cha xin con đừng tiết lộ bất cứ một bí mật nào có thể dẫn tới tội phản quốc”. Ông cũng kêu gọi con ông hãy về nước đối mặt với công lý. Ông Lonnie Snowden phát biểu trong phỏng vấn của đài Fox News như thế.

Không nghe lời cha, Edward Snowden đe dọa sẽ tiết lộ thêm những bí mật quan trọng hơn nữa của tình báo Hoa Kỳ. Như thế, rõ ràng là đương sự đã phản bội tổ quốc.


Một cá nhân đang sạch túi mà công khai thách thức chống lại một cường quốc thì chỉ tự làm khổ thân thôi. Đương sự là một thanh niên thông minh, có tài mà không biết phân biệt quốc gia nào là bạn, là thù, để cho Trung Cộng và Nga lợi dụng đánh phá quê hương của mình.

Ecuador là nước tích cực hô hào sẽ cho anh tỵ nạn chính trị, nhưng giờ chót, vì quyền lợi quốc gia, đã trắng trợn từ chối, hủy bỏ lời hứa trước đây của họ, do đó con đường tương lại của anh mịt mù và đầy bất ổn.

Ngày Thứ Hai 26 tháng 9, 2022, theo đài CNN tổng thống Nga Vladimir Putin cho phép cựu điệp viên Edward Snowden được trở thành công dân Nga. Tính toán sai lầm, xem như rụt tùng trên chiếu bạc. Giờ chót xin về ở tù tại quê hương về tội phản quốc có lẻ còn sung sướng hơn là công dân Nga trong tình thế hiện nay.



Trúc Giang
Minnesota ngày 6-3-2015



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top