Hoàng Ngọc Nguyên, TRUMP MUỐN LÀM LỊCH SỬ

Hoàng Ngọc Nguyên

TRUMP MUỐN LÀM LỊCH SỬ

 

 

Tính đến giữa tháng tư này, Tổng thống Donald Trump đã trở lại Tòa Bạch Cung được ba tháng, một thời gian ngắn ngủi nhưng ông đã làm được nhiều chuyện lạ lùng, và ngoài những lo lắng mà có lẽ ai cũng có vì không biết chuyên gì xảy ra, dư luân cũng ít nhiều cảm kích vì ông đã cho người ta thấy, hầu như lần đầu tiên không những trong đời của họ mà cả trong lịch sử nước Mỹ, hệ thống chính trị của đất nước có thể dễ dàng hỗn loạn và hoảng loạn đến mức nào! Người ta những tưởng nay ông sẽ bắt đầu một nhiệm kỳ thứ hai một cách thuận lợi hơn vì đã có kinh nghiệm bốn năm qua suy tưởng về chuyện nước nhà (những vấn đề của đất nước, của xã hội đang đòi hỏi phải có hành động) và trách nhiệm của người điều hành ngành hành pháp xác định hướng đi của đất nước. Nhưng qua những gì ông đã làm được trong ba tháng qua, người ta chỉ thấy nổi rõ một cơ chế chính trị bế tắc của đất nước: không ai bảo được ông!

Đủ để thấy

Qua thái độ và hành động của Tổng thống Trump chỉ trong 1-2 tháng đầu, người ta cũng đã có thể thấy ông Trump chẳng có thay đổi gì trong cách hành xử, cho dù tóc tai, da mặt có vẻ như đã được chỉnh trang.

          Có lẽ nổi bật nhất là trong cách ông đối xử với Tổng thống Volodymir Zellinskyi của Ukraine, một người đang mất ăn mất ngủ vì vận nước điêu linh trước sự áp chế của bạo chúa Vladimir Putin của đế quốc Nga. Trước thời ông Trump, Tổng thống Joe Biden và nước Mỹ theo truyền thống của một đất nước lãnh đạo Thế giới Tự do đã tích cực ủng hộ Ukraine và Tổng thống Zellinskyi khi Putin (người được ông Biden gọi là “the killer”) cho quân Nga mở cuộc tấn công Ukraine vào ngày 24-2-2022 (Trước đó, năm 2014, Putin đã cho quân chiếm vùng Crimea ven biển bờ đông của Ukraine). Nhưng sau khi trở lại Tòa Bạch Ốc đầu năm nay, “tân” Tổng thống Mỹ (người từng hứa sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine chỉ trong ngày đầu nhậm chức) đã có thái độ khác lạ: ông có khi cho rằng Zellinskyi là một nhà độc tài và Ukraine cần có bầu cử để có lãnh tụ mới để dễ nói chuyên hơn với Nga; hòa bình bảo vệ sinh mạng cho người dân quan trọng hơn là lãnh thồ, cuộc chiến Ukraine chỉ có thể giải quyết nếu Ukraine chấp nhận để cho Nga giữ những vùng đất phía đông đã chiếm của Ukraine trong cuộc chiến hiện hữu; Hoa Kỳ không thể giúp Ukraine theo kiểu “tình cho không biếu không”, có nghĩa là Ukraine phải chịu mang nợ Hoa Kỳ (tính cả tiền lời) và để cho Hoa Kỳ quyền khai thác vùng đất hiếm… 

Những nước thuộc Liên Âu và khối NATO (Minh ước Bắc Đại Tây Dương) có ý phê phán cách xử sự của Trump trong cuộc khủng hoảng của Ukraine, và đồng thanh cam kết đứng sau Ukraine trong cuộc kháng chiến chống Nga. Có hai điều người ta chưa nói ra: Thái độ lạnh nhạt cố hữu của Trump đối với những nước châu Âu đồng minh xưa cũ của Mỹ từ thời Đệ nhị Thế chiến; Quan hệ bí ẩn giữa Trump và Putin làm người ta lại nhớ đến những câu chuyện tai tiếng được truyển tụng về thời Trump bắt đầu làm ăn ở Moscow… Ngoài chuyện tử tế đặc biệt với Putin cho dù bạo chúa không hợp tác trong vấn đề Ukraine, ông Trump lạnh nhạt ngay với cả hai nước láng giềng thân hữu lâu đời là Canada và Mexico. Ông cứ đòi tính thuế nhập với hàng từ Canada vào Mỹ, và công khai nói muốn cho nước láng giềng này trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ - xa gần nói đến việc dùng “vũ lực” để đạt ý nguyện. Ngay tức thì, Canada nói: từ nay không nhìn mặt Mỹ nữa. Trump cũng cho đổi tên Vịnh Mexico (Gulf of Mexico) thành Vịnh Hoa Kỳ (Gulf of America), cho nên bà Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cả cười, nói rằng nay bà cũng gọi nước Mỹ là Mexican America.  Một nơi xa xôi như Greenland của nước Đan Mạch cũng bị vạ lây. Đất của người ta mà ông cũng đe dọa đòi chiếm lấy. Tương tự như ông muốn chiếm lấy dãi Gaza của Palestine để dựng lên một vùng du lịch, người dân Palestine phải tìm đến mấy nước chung quanh mà sinh sống!

 Chuyện trong nước.

Giữ lời hứa với cử tri da trắng thuộc đảng Cộng Hòa, Tổng thống Trump đã ra tay càn quét “di dân lậu”. Ông ta đã được sự tiếp tay tích cực của nhà tỷ phú bậc nhất Elon Musk, được giao cho “Bộ” DOGE (Department of Government Efficiency - Bộ Hiệu quả Chính quyền, do Musk tự chế và dĩ nhiên được Trump đồng ý nhưng không qua quá trình chuẩn thuận của Quốc Hội). Trump có sự nể trọng đặc biệt đối với Musk, có lẽ còn hơn cả mối thâm tình của Trump đối với Putin.  Putin có thế, Musk có tiền. Thế lực và tài lực đều quan trọng! Chính Musk đã bỏ ra mấy trăm triệu kiếm phiếu cho Trump trong bầu cử năm ngoái. Sự càn quét di dân từ những tiểu bang sát biên giới làm cho nhiều người vô tội bị oan, hoặc bị đưa ra vùng biên giới, hoặc bị đưa đến một số nước Trung Mỹ như Honduras, El Salvador… Có đến hơn 100.000 đã bị bắt và đưa ra khỏi nước Mỹ, cùng gần 600.000 di dân hợp pháp bị tước chế độ tạm cư vì lý do nhân đạo hay chính trị…

Một “phong trào” khác của Trump cũng là theo lời của Musk và để cho Musk làm, đó là “tinh giản bộ máy nhà nước liên bang”. Khoảng 150.000 công chức liên bang từ các ngành y tế, giáo dục, di dân, lao động, thương mãi, thuế vụ… đã bị bất ngờ cho thôi việc, mặc dù các toán thanh tra của “bộ” DOGE của Musk đang bị coi là phi pháp: DOGE chưa được Quốc Hội thông qua, và cũng không có quyền gì dòm ngó các bộ khác. Những công việc Musk đang đeo đuổi chủ yếu là để phô trương “năng lực” của Musk về cải cách và quản lý bộ máy nhà nước và “quyền lực” của ông ta với Trump khi Trump cứ lẳng lặng để yên cho Musk phá phách.Có ba điều người ta không nói tới: (i) Bộ máy nhà nước bao giờ cũng luộm thuộm nhưng không dễ gì cải cách; (ii) Một số tổng thống trước đây có khi phải mướn người để làm giảm áp lực thất nghiệp và tăng cường kinh tế; (iii) Cho nghỉ việc tràn lan theo kiểu Musk (như ông ta đã có thể  làm với các doanh nghiệp của ông ta) sẽ gây những khủng hoảng gia đình, xã hội.

Một điều bận tâm rất lớn của Tổng thống Trump là ân đền oán trả. Bởi thế ông đã ra lệnh ân xá cho nhiều người vì ông mà bị án tù vì chuyện tham gia bạo loạn tấn công vào tòa nhà Quốc Hội ngày 6-1-2021. Mặt khác, ông đã tìm cách trừng phạt hay hành động cách này hay cách khác đối với những người mà ông ta cho là liên quan đến việc buộc tội ông trong bốn vụ án được nói đến thường xuyên dưới thời Joe Biden nhưng lai không đưa ra xử đến nơi đến chốn (trả tiền bịt miệng cho nữ diễn viên phim “gợi cảm” Stormy Daniels; tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử ở Fulton County, Georgia; tổ chức bạo loạn ngày 6-1; lạm dụng hồ sơ của Nhà Trắng). Trump cũng kết tội Biden “gian lận bầu cử” khiến ông ta thua trong bầu cử năm 2020. Trong danh sách mục tiêu này có cả con trai và con gái của Joe Biden, và Trump ra tay: không cho cơ quan mật vụ tiếp tục bảo vệ Hunter và Ashley Biden. Danh sách những mục tiêu của Trump rất dài, bao gồm cả một số trường đại học, các công ty luật, các hãng thông tấn và báo chí, các cơ quan tư phap từng thụ lý các vụ án lien quan đến Trump…  Cho nên cả nhiệm kỳ này không dễ gì ông làm hết. Bởi vậy ông cứ nói ông cần thêm một nhiệm kỳ thứ ba nữa (2029-2032) để làm cho xong việc, cho dù người ta cứ nhắc nhở ông mãi: Hiến pháp không cho phép tổng thống Mỹ có một nhiệm kỳ thứ ba. Và ông đừng bắt chước bài ca: “Bác tuy già nhưng còn mạnh khỏe” khi ông đã 83.

Chiến dịch thuế quan

Nền kinh tế của Mỹ đang được xem là phát triển một cách ổn định từ thời Biden để lại. Mức độ  tăng trưởng và tỷ lệ lao động đều tốt đẹp mà Tổng thống Trump đang thừa hưởng từ người đi trước. Nhưng ông Trump đã quyết không để yên. Đúng hơn, ông không thể ngồi yên được. Một phần là vì ông muốn được đi vào lịch sử như một tổng thống vĩ đại, tầm cỡ George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Ted và Franklin Roosevelt… Nhưng đó là những người xưa lắm rồi. Ông là người thời nay. Cho nên ông nghĩ đến chuyện mở ra một chế độ thuế quan Mỹ chưa từng có, ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế Mỹ mà còn hai nước láng giềng bắc và nam, và không chỉ ảnh hưởng đến Canada và Mexico mà còn đến cả thế giới, cả Trung Cộng, cả châu Âu – chỉ chừa nước Nga của Putin khả kính.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang tìm cách xé bỏ bộ quy tắc về thương mại đã tồn tại hơn 50 năm. Vòng thuế quan toàn diện mới nhất của ông, ban đầu được tính sẽ có hiệu lực ngay sau nửa đêm thứ tư 2-4, nay tạm thời dời đến 90 ngày nữa (khoảng đầu tháng bảy), đánh vào hàng hóa từ một số đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ bao gồm Trung Quốc và Liên minh Châu Âu với mức tăng mạnh về thuế nhập khẩu.

Trump rất hài lòng đã làm cho cả thế giới hoảng sợ phải tìm cách nói chuyện với ông để cho ông nghĩ lại. Biện pháp trì hoãn này không áp dụng đối với Trung Quốc, là nước mà Trump cho là đã ương ngạnh không chịu đàm phán với ông ta. Điều này đã gây ra một sự trả đũa mạnh mẽ từ Trung Quốc, nước này đã tăng mạnh thuế quan của mình đối với hàng nhập từ Hoa Kỳ - nhanh chóng leo thang cuộc chiến thương mại mới nhất của hai nước.

Tổng thống và các người của ông cho biết thuế quan là cần thiết để khôi phục cơ sở sản xuất của Hoa Kỳ, mà họ coi là thiết yếu đối với an ninh quốc gia.Nhưng đây vẫn là một hành động có khả năng gây chấn động, ảnh hưởng đến hơn 2 nghìn tỷ đô la giá trị hàng nhập khẩu,  đẩy mức thuế quan thực tế chung ở Hoa Kỳ lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ.

Tại Hoa Kỳ, giá các mặt hàng tiêu dùng chính có thể tăng mạnh, bao gồm ước tính 33% đối với quần áo. Các nhà phân tích đang cảnh báo về thiệt hại kinh tế toàn cầu gần như chắc chắn khi doanh số bán hàng tại Hoa Kỳ giảm, thương mại thu hẹp và sản xuất ở nước ngoài giảm.

Khi thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo, các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ và áp lực chính trị gia tăng, Nhà Trắng đã nỗ lực xoa dịu sự lo lắng bằng cách đưa ra khả năng đàm phán thương mại - mở ra thương thảo với Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc. Nhưng Trump đã cho biết phản đối các loại miễn trừ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, và ngay cả khi các cuộc đàm phán này cuối cùng có hiệu quả, thì việc thực hiện thỏa thuận theo từng quốc gia chắc chắn sẽ mất thời gian. Tuy nhiên, người ta nói rằng đối với Trump thì không có gì chắc chắn!

Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang trên đà xung đột với Trung Quốc - nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn thứ ba của Hoa Kỳ vào năm ngoái. Căng thẳng gia tăng sau khi Nhà Trắng xác nhận sẽ tiếp tục kế hoạch tăng thuế đối với các sản phẩm đến từ Trung Quốc lên 104%. Bắc Kinh đã phản pháo, cho biết họ cũng sẽ đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ với mức thuế mới là 84%. Trong một tuyên bố trước khi mức thuế quan mới được công bố, một phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã gọi động thái của Trump là "bắt nạt" và cảnh báo rằng "đe dọa và tống tiền không phải là cách đúng đắn để giao dịch với Trung Quốc".

Sự thay đổi nhanh chóng đã làm rung chuyển các doanh nghiệp Hoa Kỳ có nhiều thập kỷ quan hệ với Trung Quốc, hiện đang bị tê liệt và không chắc chắn về cách thức cuộc chiến thương mại leo thang này có thể kết thúc. Đó là lý do khiến chúng ta thấy Elon Musk ban đầu giữ im lặng và nay đang chưởi rủa Peter Navarro, cố vấn kinh tế của Trump đang chủ trương chơi Bắc Kinh hết mình.

Giá cổ phiếu Hoa Kỳ đã giảm liên tiếp trong nhiều ngày sau hành động của Trump. S&P 500 hiện đang ở mức thấp nhất trong một năm qua, sau khi ​​khoảng 12% giá trị bị xóa sổ kể từ thông báo vào tuần trước. Thị trường chứng khoán từ Nhật Bản đến Đức cũng bị ảnh hưởng khi các nhà đầu tư đánh giá những tác động rộng hơn của các hành động này. Ngày 11-4, chỉ số Dow Jones chỉ còn 38.822, mất hơn 1.700 điểm so với ngày trưóc đó. Ngày 2-4, chỉ số này là 42.225.

Ernie Tedeschi, giám đốc kinh tế của Phòng Ngân sách tại Yale, cho biết sự bất định đang làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế. Người ta dè dặt trong dự đoán suy thoái ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn dự kiến ​​mức thuế được công bố cho đến nay trong năm nay sẽ khiến Hoa Kỳ mất 600.000 việc làm và dẫn đến mức giảm khoảng 3.800 đô la vào sức mua của một hộ gia đình trung bình. Theo nhât báo New York Times, biến động trên thị trường không hẳn là thiệt hại kinh tế do thuế quan gây ra mà chính do sự không chắc chắn. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng không biết mức thuế quan sẽ là bao nhiêu...

Khi quyết định một thời hạn 90 ngày để thương thuyết với giới kinh doanh, Trump vô cùng tự hào người ta đang phủ phục dưới chân ông để xin ông nhẹ tay. Sự thực, chính sự nhắm mắt phiêu lưu của ông trong trò chơi này làm cho ngưòi ta vừa lắc đầu kinh ngạc vừa lo sợ cho cả nước Mỹ và cả thế giới trước sự kinh dị của lãnh đạo. Người ta chưa hiểu cuộc chiến thương mại sẽ kết thúc cách nào. Ngay cả khi chính quyền muốn lùi bước vì thấy sự điên rồ của mình phải có giới hạn, làm sao người ta có thể giữ thể diện theo cách mà tất cả các bên liên quan đều có thể chấp nhận được?

Mỹ-Tàu thương chiến

Trước mắt chúng ta vẫn là cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ trở thành chiến tranh tiền tệ. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng", và Trump cũng thề sẽ thẳng tay “trừng phạt”. Xung đột thương mại leo thang vô cớ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với đời sống người dân Mỹ và nền kinh tế thế giới?

Hoa Kỳ và Trung Quốc nhập khẩu những gì từ nhau?

Theo một báo cáo từ tờ New York Times, năm 2024, hàng xuất lớn nhất từ ​​Hoa Kỳ sang Trung Quốc là đậu nành - chủ yếu nhằm  nuôi khoảng 440 triệu con lợn của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng gửi dược phẩm và dầu mỏ đến Trung Quốc. Ngược lại, từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ là khối lượng lớn đồ điện tử, máy tính và đồ chơi. Một lượng lớn pin, vốn rất quan trọng đối với xe điện, cũng được xuất khẩu.  Danh mục hàng nhập lớn nhất của Hoa Kỳ từ Trung Quốc là điện thoại thông minh, chiếm 9% tổng số. Một tỷ lệ lớn trong số điện thoại thông minh này được sản xuất tại Trung Quốc cho Apple, một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ.Thuế quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm giá trị thị trường của Apple trong những tuần gần đây, với giá cổ phiếu của công ty này giảm 20% trong tháng qua. Tất cả các mặt hàng Hoa Kỳ nhập từ Trung Quốc đã trở nên đắt đỏ hơn đáng kể đối với người Mỹ do mức thuế 20% mà chính quyền Trump đã áp đặt đối với Bắc Kinh.

Bây giờ thuế quan đã tăng lên 145% theo tin mới nhất ngày 10-4, tác động có thể lớn hơn gấp năm lần. Và hàng của Hoa Kỳ vào Trung Quốc cũng sẽ tăng giá do thuế quan trả đũa của Trung Quốc, cuối cùng gây tổn hại cho người tiêu dùng Trung Quốc theo cách tương tự. Nhưng ngoài thuế quan, còn có những cách khác để hai quốc gia này cố gắng gây tổn hại cho nhau thông qua thương mại. Cũng theo tờ New York Times, Trung Quốc có vai trò trung tâm trong việc tinh chế nhiều kim loại quan trọng cho ngành công nghiệp, từ đồng và lithium đến đất hiếm. Bắc Kinh có thể đặt ra những trở ngại trên con đường đưa những kim loại này đến Hoa Kỳ. Đây là điều mà họ đã làm trong trường hợp của hai vật liệu gọi là germani và gali, được quân đội sử dụng trong hình ảnh nhiệt và radar. Đối với Hoa Kỳ, họ có thể cố gắng thắt chặt lệnh phong tỏa công nghệ đối với Trung Quốc do Joe Biden khởi xướng bằng cách khiến Trung Quốc khó nhập khẩu loại vi mạch tiên tiến - rất quan trọng đối với các ứng dụng như trí tuệ nhân tạo - mà nước này vẫn chưa thể tự sản xuất. Cố vấn thương mại của Donald Trump, Peter Navarro, tuần này đã gợi ý rằng Hoa Kỳ có thể gây sức ép lên các quốc gia khác, bao gồm Campuchia, Mexico và Việt Nam, không giao dịch với Trung Quốc nếu họ muốn tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Điều này có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác như thế nào?

Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng nhau chiếm một phần lớn trong nền kinh tế toàn cầu, khoảng 43% trong năm nay theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nếu họ tham gia vào một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của họ, hoặc thậm chí đẩy họ vào suy thoái, điều đó có thể gây hại cho nền kinh tế của các quốc gia khác dưới hình thức tăng trưởng toàn cầu chậm hơn. Đầu tư toàn cầu cũng có khả năng bị ảnh hưởng.

 

Có những hậu quả tiềm ẩn khác.

Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới và đang sản xuất nhiều hơn nhiều so với mức dân số tiêu thụ trong nước. Nước này hiện đang có thặng dư hàng hóa gần 1 nghìn tỷ đô la - nghĩa là nước này đang xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang phần còn lại của thế giới so với nhập khẩu. Và nước này thường sản xuất những hàng hóa đó với giá thấp hơn chi phí sản xuất thực tế do trợ cấp và hỗ trợ tài chính của nhà nước, như các khoản vay giá rẻ, cho các công ty được ưu đãi. Nếu những sản phẩm của Trung Quốc không thể vào Hoa Kỳ, các công ty Trung Quốc có thể tìm cách "bán phá giá" chúng ra nước ngoài. Điều đó có thể có lợi cho một số người tiêu dùng, nhưng cũng làm suy yếu sản xuất ở những nước nhập hàng Trung Quốc.

Tác động lan tỏa của một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ sớm được cảm nhận trên toàn cầu - một tác động sẽ rất tiêu cực.

Hoàng Ngọc Nguyên

 

Trần Kiêm Đoàn, HÒA HỢP HÒA GIẢI DÂN TỘC 50 NĂM SAU VỪA TẦM HAY ĐÃ MUỘN
Kỷ niệm 50 năm, ngày chấm dứt chiến tranh, Việt Nam thống nhất đất nước; nhưng dân Việt vẫn còn phân hóa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi vậy mới có vấn đề “Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc” đặt ra 50 năm sau như một vấn nạn dân tộc chưa có một giải pháp đồng thuận, vừa tầm hay một cách tiếp cận hài hòa cho cả hai phía thắng và thua, trong nước và ngoài nước.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top