Hoàng Ngọc Nguyên
HIỂU MỘT THỜI ĐÃ MẤT
Saigon - trước 1975
Một chuyến tàu vượt biên
Đúng năm mươi năm đã trôi qua từ ngày người dân Miền Nam mất nước. Quê hương còn đó, nhưng ngày càng xa lạ, mịt mù. Có lẽ chỉ có những người thất thập, bát thập trong chúng ta còn có thể còn nhớ lại được ngày hôm đó, xe tăng của địch chạy tràn vào thủ đô Saigon như xe tang mang đi đất nước, tường rào Dinh Độc Lập ở trung tâm Saigon bị thiết giáp của địch xô ngã để tiến vào, và rãi rác trên nhiều con đường, những người lính Cộng Hòa thất thểu trên đường về nhà.
Đất nước phá sản
Đã 50 năm từ ngày đau thương không thể nào quên được đó! Năm thập niên hay nửa thế kỷ - một thời gian dài kinh khủng chẳng ai còn chờ đợi! Nếu tính từ ngày Hà Nội dấy lên cuôc chiến tranh “giải phóng” (xâm lược) ở Miền Nam cho đến ngày “Đại tướng” Dương Văn Minh với sự ủng hộ của các “thầy” ở chùa Ấn Quang lên cầm quyền (sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã “thức thời” tháo chạy), chỉ để không đánh mà đầu (hàng), thời kỳ tang tóc này (1958-1975) cũng kéo dài đến 17 năm. Cuộc chiến kéo dài đến độ một cường quốc hàng đầu thế giới như “đế quốc Mỹ” cũng phải bỏ chạy cả hai năm trước khi chinh chiến tàn.
Nói về cuộc chiến này, Trịnh Công Sơn đã để lại bài “Gia Tài Của Mẹ” nghe thì bùi ngùi (Hai mươi năm nội chiến từng ngày) nhưng không nói lên được, hay không dám nhìn thẳng vào, thực chất của cuộc chiến. Đó không phài là cuộc nội chiến, đó là cuộc chiến xâm lược do Cộng Sàn Hà Nội dấy lên với tham vọng thống nhất đất nước để áp đặt chế độ cộng sản lên cả Miền Nam. Măt trận Giài phóng Miền Nam chỉ là lực lượng do Cộng Sản Miền Bắc dựng lên, gài lại trong Miền Nam với những lãnh tụ bù nhìn như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát… sau khi có Hiệp định Genève năm 1954 giữa Pháp và Viêt Minh về chấm dứt cuộc chiến giữa hai bên và chìa cắt tạm thời đất nước sau khi Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ (Lai Châu, giáp biên giới Lào) vào ngày 7-5-1954.
Những thế hệ trẻ lớn lên sau này, ở trong nước hay ngoài nước, khó có thể hiểu biết chính xác một cách căn bản về lịch sử Việt Nam trong thời cân đại, sau Một ngàn năm nô lệ giặc tàu; một trăm năm đô hộ giặc tây. Đúng là nhờ có Đệ nhị thế chiến, thế lực thực dân Pháp suy yếu ở thuộc địa Đông Dương, phải nhường Đông Dương cho Phát xít Nhât, nhưng cuối cùng Nhật thất trận ở châu Á, phải đầu hàng Mỹ sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, và Nhật đơn phương rút khỏi Viêt Nam. Nhờ thế mà phong trào Việt Minh mới vùng lên đươc, làm cuộc “cách mạng tháng tám” năm 1945, dẹp chế độ quân chủ phong kiến của Hoàng đế Bảo Đại ở Huế từng được thực dân Pháp dàn dựng, cất nhắc, và cuối cùng Hồ Chí Minh lãnh đạo Việt Minh có cơ hội lịch sử đọc “Tuyên ngôn Độc lập” (sao chép phần nào Tuyen ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776) tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945, long trọng xác nhận sự ra đời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – có nghĩa là chấm dứt cả sự đô hộ của Pháp đồng thời chế độ quân chủ của vua Bảo Đại tại kinh đô Huế.
Thời Pháp thuộc
Tuy nhiên, nhờ sự yểm trợ của Anh quốc với uy thế của Winston Churchill, Pháp trở lại Đông Dương nhanh chóng vào cuối năm 1945 và không che dấu ý định tái lập “chủ quyền” trên đất Việt Nam. Sau khi mất cả một năm điều đình, thương lượng, nhượng bộ nhưng không thành, Hồ Chí Minh phải rút toàn bộ lực lượng vào chiến khu Việt Bắc giáp biên giới Trung Quốc với chủ trương mà Trường Chinh Đặng Xuân Khu, lý thuyết gia số 1 của Việt Minh, đề cao “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”. Tình hình Trung Quốc trở nên cực kỳ thuân lợi cho Việt Minh khi Mao Trạch Đông đánh đuổi Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan, và dựng lên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Chiến khu Việt Bắc vửa trở thành một căn cứ an toàn cho Việt Minh, vừa là nơi dễ dàng tiếp nhận viện trợ của Trung Cộng. “Mao chủ tịch” còn “rộng lượng” gởi cho “bác Hồ” cố vấn quân sự Trung Cộng để xác nhận sự “bảo trợ” của Bắc Kinh cho Việt Minh.
Sự thất thủ của Điện Biên đã dẫn đến Hiệp định Genève và hậu quả chia cắt đất nước ra làm hai miền. Điện Biên Phủ chỉ là một vùng thung lũng nhỏ heo hút, núi rừng bao quanh nằm ở tinh Lai Châu sát biên giới nước Lào. Cuộc chiến kéo dài từ 13-3-1954 cho đến 7-5 là ngày quân Pháp đầu hàng sau 55 ngày tử thủ. Chọn Điện Biên Phủ là “chiến trường trắc nghiệm” là quyết định sai lầm, ngu xuẩn của tướng Pháp Henri Navarre muốn đạt chiến thắng ở đây để cho Pháp có thế mạnh trong thương lượng hòa bình. Rốt cuộc, ông ta chỉ cho Võ Nguyên Giáp một cơ hội tưởng rằng mình là một thiên tài quân sự để sau này ông ta thí quân thêm nữa trong vụ Mậu Thân 1968 tại Saigon. Tuy nhiên, tệ hại hơn chính là Hiệp định Genève chia cắt đất nước sau đó.
Có một điều rất lạ là vào thời điểm đó, giữa năm 1954, một nước lớn và văn minh như Pháp, vốn cũng là một đế quốc nổi bật trong thế kỷ thứ 19, nắm nhiều nước ở Á, Phi và châu Mỹ La-tinh, lại không hiểu được, hiểu đúng mức, sự đe dọa của Trung Cộng, nhất là sau khi đã xảy ra cuộc chiến tranh Bắc-Nam Triều Tiên mà Hoa Kỳ đã cố gắng giữ cho Nam Triều Tiên tồn tại trong khi Bắc Triều Tiên với sự yểm trợ tích cực của Bắc Kinh đã thí chốt hàng chục ngàn sinh mạng của người lính để cố bành trướng trên bán đảo Triều Tiên. Nếu có ý thức, Pháp đã không để xảy ra trận Điện Biên Phủ. Và nếu hiểu những đe dọa đến trật tự quốc tế ở châu Á, ở Đông Nam Á, sự đe dọa khi Trung Cộng có thể giúp Việt Minh chiếm cả nước Việt Nam và đe dọa cả vùng bán đảo Đông Dương thuộc Pháp, thì Pháp đã không hành động, quyết định rất khinh xuất trong thảo luận về Hiệp định Geneve.
Hội nghị Genève (Thụy Sĩ) bắt đầu ngày 26-4-1954, được nhóm họp nhằm mục đích ban đầu là bàn về vấn đề khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương giữa khi quân Pháp không có lối thoát ở Điện Biên Phủ. Do bế tắc của hội nghị về vấn đề Triều Tiên (giữa Bắc Triểu Tiên theo chế độ cộng sàn được Trung Quốc bảo hộ và Nam Triều Tiên chủ trương tự do, dân chủ được Mỹ bảo vệ) nên từ ngày 8 -5, người ta chuyển qua vấn đề Đông Dương. Hiệp định hình thành sau 75 ngày đàm phán với 8 phiên khoáng đại và 23 phiên thu hẹp cùng các vận động trong hậu trường. Nên lưu ý là hội nghị có những thành viên chính sau đây: Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Minh), Anh, Mỹ, Nga, Trung Cộng. Có tham dự nhưng không có mặt, để cho Pháp đại diện là Quốc gia Việt Nam, Campuchia và Lào!!!
Hiệp định Genève được ký ngày 20-7-1954 chủ yếu giữa Pháp và Việt Minh mà kết quả chinh yếu như chúng ta đã biết là sự chia cắt đất nước Việt Nam ra làm hai với giả định hai năm sau đó hai bên Bắc-Nam sẽ tổ chức hiệp thương, tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ ba nước. Các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương. Các bên tham chiến thực hiện cam kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh. Dân chúng mỗi bên có quyền di cư sang lãnh thổ do bên kia kiểm soát trong thời gian quân đội hai bên đang tập kết. Lực lượng Việt Minh trước đó hoạt động ở trong nam cũng phải rút về bắc. Với quyết định này, Pháp dưới thời Thủ tướng Pierre Mendes France đã dứt khoát rút khỏi Đông Dương sau gần một thế kỷ xâm chiếm Việt Nam (năm 1858, quân Pháp tấn công vào cảng Đà Nẵng), một quyết định triệt thoái trước những biến chuyển địa lý trong vùng với sự nổi lên của Trung Cộng và Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ vào cuộc
Miền Nam Việt Nam (vào lúc đó dưới thời Thủ tướng Ngô Đình Diệm do Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm) và Hoa Kỳ đã từ chối không ký kết vào hiệp định này. Thủ tướng Diệm đã gọi ngày 20-7 là Ngày Quốc Hận. Tuy nhiên, việc chia cắt đất nước và di cư vẫn diễn ra. Miền Nam tự do và dân chủ được Mỹ tích cực yểm trợ (Pháp nay đã tính “đi chỗ khác chơi”, chuẩn bị nhường sân cho Mỹ, một nước đã xuất hiện sau Đệ nhị Thế chiến như lãnh đạo Thế giới Tự do chống lại thế lực bành trướng của Cộng sản Quốc tế) đã tiếp đón trên một triệu người di cư từ Bắc vào Nam với đủ lý do chính đáng: tôn giáo, kinh tế và chính trị. Trong đó, đến 80% là người Công giáo. Đó là môt điểm son của chế độ Miền Nam trong bước khởi đầu! Trong khi đó, ngay từ thời đó, Cộng sản Bắc Việt đã nổi tiếng với thủ đoạn đấu tố, cải cách ruộng đât, ở thôn quê để tạo sự bình đẳng xã hội: ai cũng nghèo đói như nhau! Dường như có một lý thuyết chính trị cho rằng người dân càng nghèo càng dễ trị! Đồng thời, những người Cộng sản từng hoạt động trong Miền Nam nay cũng “tập kết” (tập họp lại từng nơi để được đưa ra Miền Bắc), nhưng Cộng sản Miền Bắc đã gài lại vô số cán bộ “nằm vùng” không chỉ ở thôn quê mà còn trong giới trí thức, công nhân ở thnàh thị. Chính những thành phần này đã làm nên Mặt trận Giải phóng Miền Nam sau này.
Có một bài hát mà ngay cả học sinh lớp năm thời đó (1953) nay 70 năm sau cũng có thể còn nhớ, bài hát đã nói lên cuộc vận động thần tượng hóa ông Ngô Đình Diệm thời đó:
Ai bao năm từng lê gót nơi quê người
Cứu đất nước, thề tranh đấu cho tự do
Người cương quyết chống cộng,
Bài phong kiến bóc lột
Diệt thực dân gieo rắc bao tàn khốc
Ngô Đình Diệm từng làm quan triều Nguyễn thời vua Bảo Đại, một thời gian sau đó làm Thủ tướng cuối cùng của Quốc gia Việt Nam, rồi trở thành Tổng thống Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 sau khi chính ông tổ chức trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại. Việt Minh biết ông cũng khá rõ: chính họ có lúc đã bỏ tù ông năm 1945 và tìm cách giết ông năm 1950. Cho nên họ đã vài lần đề nghị hiệp thương giữa hai miền bắc-nam theo Hiệp định Genève, nhưng Ngô Đình Diệm bác bỏ. Ông bác bỏ không chỉ vì những kinh nghiệm cá nhân của ông với Cộng sản Miền Bắc. Ông bác bỏ vì lý do đơn giản: một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý trên cả hai miền là không thể thực hiện được với sự kiểm soát của Cộng sản với người dân Miền Bắc và sự xâm nhập, phá hoại của Cộng sản ở Miền Nam. Vả lại, ông bác bỏ vì ông hiểu, và mọi người đều hiểu, nay Hoa kỳ đã vào cuộc.
Từ thời Tổng thống Mỹ Harry Truman (1945-1952), Hoa Kỳ đã bắt đầu thấy ngày càng rõ vai trò, trách nhiệm, chức năng của mình là lãnh tụ Thế giới Tự do phài đương đầu với sự bành trướng của Cộng sản Quốc tế, từ Nga và Trung Cộng đến các nước chư hầu như Cộng sản Bắc Việt. Tổng thống Eisenhower vào Tòa Bach Cung năm 1953 bước đầu đã lúng túng khi để cho Pháp thua trận Điện Biên Phủ và Miền Bắc Việt Nam bị rơi vào tay Việt Minh, mà sau Việt Minh chính là Trung Cộng. Nếu Mỹ lại để Miền Nam rơi vào tay Cộng sản, thì chẳng những Đông Dương sau đó sẽ bị nhuộm đỏ mà cả Đông Nam Á cũng bị đe dọa. Bởi vậy mới có sự hình thành của khối SEATO (Tổ chức Minh ước Đông Nam Á - Southeast Asia Treaty Organization) và Hoa Kỳ phải nhanh chóng vào cuộc chơi và xác nhận vai trò, vị thế của mình.
Trong ảo vọng, Hà Nội vừa tìm cách thương thuyết với chế độ Ngô Đình Diệm vừa kêu gọi những phe phái “trung lập” tạo áp lực trên chính trường Saigon. Nhưng Ngô Đình Diệm là một lãnh tụ chống Cộng lý tưởng của Miền Nam vào một lúc người dân Miền Nam cần sáng suốt thấy nguy cơ đất nước có thể bị nhuộm đỏ nhanh chóng nếu mắc mưu của Cộng sản Miền Bắc đòi hai miền hiệp thương. Trong một thư gởi cho Tổng thống Diệm, Thù tướng Hà Nội Phạm Văn Đồng lại đề nghị đại diện hai bên gặp nhau càng sớm càng tốt để thảo luận về việc hai bên giảm quân số và thiết lập quan hệ giao thương để mở đường cho việc thống nhất đất nước sau này. Bức thư cũng mạnh mẽ lên án sự can thiệp của Mỹ vào nội tình chính trị của những nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Đáp lai, chính phủ Saigon bác bò đề nghị của Phạm Văn Đồng. Xác đinh ý muốn bình thường hóa quan hệ giữa hai miền, nhằm tiến tới thống nhất đất nước, Saigon nói rằng đề nghị của Miền Bắc là “giả tạo”, “tuyên truyền” và đưa ra một loạt điều kiện cởi mở chính trị tại Hà Nội để mở ra thảo luận giữa đôi bên. Đây là lần cuối cùng hai bên trao đổi ý kiến trước khi cuộc chiến khủng bố của Việt Cộng bắt đầu ở Miền Nam!
Chính vì thất bại trong mưu định xúc tiến hiệp thương giữa hai miền cho nên từ năm 1958 Hà Nội nhanh chóng chuyển qua lá bài tẩy, cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ngóc đầu dậy chủ yếu ở vùng thôn quê trong Miền Nam. Và đến tháng ba năm 1960, Đại hội thứ ba của Đảng Lao Động VN (tức đảng Cộng Sản sau này) thông qua cương lĩnh ủng hộ nổi dậy có vũ trang ở Miền Nam do Tổ chức Mặt trận Dân tộc Thống nhất dựng lên. Với nghị quyết chính thức hóa cuộc chiến ở Miền Nam, đến ngày 20-12 năm đó, MTDTGPMN được chinh thức thành lập ở Miền Nam, nhằm vào những thành phần chống chế độ Saigon, sử dụng chiêu bài “hiệp thương” và “thống nhất” một cách hòa bình.
Thay cho lời kết
Chúng ta ở Miền Nam đều biết ngay từ thời đó Miền Bắc chủ trương huy động toàn lực nam nữ, già trẻ lớn bé, cho vào cuộc chiến như lời di chúc của “Bác Hồ” (“Còn non, còn nước, còn người, Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!). Với vũ khí hiện đại Liên Xô và Trung Cộng rót vào không tiếc cho “chiến trường trắc nghiệm” này, Miền Bắc đã miệt mài lao vào cuộc chiến “giải phóng” trong nam bất kể sinh mệnh và hạnh phúc của người dân. Người ta đã bất kể cuộc chiến kéo dài trong bao lâu và bao nhiêu người đã nằm xuống… Bởi vì đích thực cuộc sống của người dân dưới chế độ cộng sản đã quá bế tắc, cùng quẫn; cơm ăn, áo mặc, nhà ở… đều là những mối lo đêm ngày. Năm 1995, Việt Nam công bố ước tính chính thức về số người thiệt mạng trong Chiến tranh Việt Nam: có tới 2.000.000 thường dân ở cả hai bên và khoảng 1.100.000 chiến binh Bắc Việt và Việt Cộng. Quân đội Hoa Kỳ ước tính rằng có từ 200.000 đến 250.000 lính Miền Nam thiệt mạng.
Trong khi đó, Miền Nam chi biết tự vệ trong một cách giới hạn. Chính quyền cứ thay đổi lãnh đạo thì đúng là chiến tranh không có lãnh đạo. Mỹ tuy cũng đã cho quân đến Miền Nam để giúp Miền Nam tự vệ, nhưng lại cũng tự giới hạn trong mức độ can thiệp vào cuộc chiến…Chính quyền Miền Nam đã không lãnh đạo được cuộc chiến vì cứ trông chờ vào Mỹ. Từ thời Ngô Đình Diệm cũng như cả về sau này, chính quyền Saigon đã không chủ động được. Tướng Nguyễn Khánh từng có ý cho rằng quân Saigon phải đánh ra Bắc - ít nhất để trừng phạt và chấm dứt sự bắt nạt - nhưng tướng Maxwell Taylor của Mỹ cứ cản vì sợ Trung Cộng phản ứng như trong cuộc chiến Triều Tiên trước đây. Cho nên cuộc chiến cứ bị giới hạn một phía, thay vì phải mở rộng cuộc chiến vì sự sống còn của Miền Nam. Bởi vi thực chất cuộc chiến là một mất một còn nhưng người ta cứ cố lơ đi sự phũ phàng đó.
Trong cuộc chiến Mậu Thân năm 1968, lẽ ra Miền Nam phải chủ động mở rộng cuộc chiến ra Bắc. Vào năm 1972, Nixon đã cho máy bay oanh tạc tan nát Hà Nội, lẽ ra ông ta phải tiến xa hơn nữa, thay vì chỉ nghĩ chuyện Watergate mai sau…
Lẽ ra, lẽ ra…
Hoàng Ngọc Nguyên