Lê Tất Điều: Thư về Bloomington, Illinois: my hometown

Lê Tất Điều

Thư về Bloomington, Illinois: my hometown

 

Kính gửi Ms. Allison Petty

Chủ bút nhật báo The Pantagraph, Bloomington, Illinois.

 

Cho phép tôi nhắc lại chuyện cũ.

50 năm trước, miền Nam Việt Nam thất trận. Cùng những người Việt tị nạn Cộng sản đến Mỹ thủa ấy, đại gia đình tôi – cũng là gia đình đầu tiên – được định cư ở Bloomington, Illinois.

Trưa thứ Ba đến, sáng thứ Năm đi làm. Trại chủ những cánh đồng đậu nành ở Normal, thương chàng nhà văn tị nạn, cho cái job nhẹ hều. Với một dụng cụ, giống cái kéo có cán dài – chắc là một loại weed cutter – thong thả đi giữa các luống đậu, cắt những cây dại mọc lẫn với đậu. Chỉ làm buổi sáng, trung bình 4 tiếng.

Cắt cỏ đồng xanh là chuyện nhẹ hều, nhưng cắt vài ba giờ thì hóa nặng, vì vấn đề thời tiết. Buổi trưa, bụng và chân còn hưởng không khí mát mẻ, nhưng ngực và đầu đụng mặt trời, nóng dần lên. Cái xác phàm tự dưng lãnh đủ hai vùng khí hậu, rất khó chịu.

Phiền nhất là nạn đất bùn. Cánh đồng được tưới đều. Đôi khi các luống sũng nước, đặc quánh. Sau buổi làm, giày dép biến mất, lẫn với chân, tôi và lũ em phải tiến hành một cuộc tẩy rửa khá kỹ lưỡng. Bọn con trai nghe lệnh anh lớn “rửa giày đại khái thôi” hoan hỉ tuân hành ngay. Lũ con gái thì vô phương. Rửa chân đã kỹ, rửa giày còn kỹ hơn. Vừa bực vừa thương. Các tiểu thư Sài Gòn chưa quen việc đồng áng!

Tư thất của Bác sĩ Thú y Donald Wainscott, một trong những vị bảo trợ đại gia đình tôi, ở ngoại ô Normal, gần cánh đồng. Buổi trưa, chúng tôi chỉ cần lội bộ một quãng, băng qua một con đường, là đến vòi nước tưới cây vườn trước, tha hồ rửa chân, rửa giày.

Một hôm, có lẽ do hậu quả trận mưa chiều hôm trước, đoàn người tị nạn khá vất vả với bùn đất quê hương mới. Sau mấy giờ đánh vật với sự níu kéo rất vô duyên của những luống đậu nành, chúng tôi vừa mệt vừa đói. Đến vòi nước, tôi hạ lệnh: “Chỉ rửa chân tay thôi, giày thì hết cứu rồi, lại cũ xì, cứ vứt vào bụi rậm trước nhà, cho tiện việc sổ sách. Hôm trước đến kho của nhà thờ xin áo lạnh, đứa nào cũng kiếm được hai, ba đôi giày, dư sức qua cầu.”

Trưa hôm sau, xong việc đồng áng, chúng tôi trở lại vòi nước, thấy những đôi giày “hết thuốc chữa” đã được ai đó lôi từ bụi rậm ra, rửa sạch sẽ, để cạnh đó. Hóa ra bà Rena Wainscott, đã âm thầm, bằng mọi cách, giúp bọn tị nạn giảm thiểu sự nhọc nhằn trên quê hương mới.

Những người bảo trợ hết lòng giúp đỡ. Bloomington còn dành cho tôi một sự biệt đãi hiếm có.

Biết tôi là nhà văn, nhà báo, chủ bút the Pantagraph (lúc đó còn có tên là The Daily Pantagraph) đề nghị tôi viết nhật ký mô tả những chuyện về một gia đình tị nạn đang cố gắng hội nhập vào đời sống mới. Lúc đó đầu óc còn rối bời chuyện nước mất nhà tan, không làm nổi việc ấy, tôi đáp lễ bằng một chương trong bút ký “Ngưng bắn ngày thứ 492” (The 492nd Day of the Cease Fire), đã hoàn tất trong lúc miền Nam đang hấp hối. Chuyện bi thương về đứa em cùng hai con thơ tử nạn trong căn nhà, ở ngoại ô Biên Hòa, trúng đạn pháo kích của Việt Cộng, vào đêm mồng 3 tháng 6 năm 1974, một trong những ngày hai bên đã thỏa thuận ngưng bắn.

Pantagraph đăng hồi ký với lời giới thiệu, có đoạn cuối như sau: “The two of them (tôi viết bút ký, nhà tôi viết hồi ký), in failing to write a diary, created a set of articles that strike us as unusually honest and moving – a most untraditional set of story to offer our reader.”

Như thế, chỉ trong vòng mấy tháng, trong lúc tôi làm quen với nước Mỹ qua Bloomington thì cư dân của thành phố đôi Normal – Bloomington cũng có dịp nhìn thấy tôi: hắn là một người tị nạn thứ thiệt. Hắn đã góp phần bảo vệ quê hương suốt 20 năm qua, cho đến lúc thế cùng, dù lực còn chưa kiệt.

Và nhờ chút tài mọn văn chương, hắn đem đến cho độc giả một trong muôn ngàn nỗi cơ cực của một đất nước chìm trong binh lửa. Một trong những gai nhọn kinh khiếp của chiến tranh, xuyên qua mái ngói căn nhà gần cầu Vạc, Biên Hòa, đã xé nát linh hồn hắn, đè lên tim hắn nỗi bi thương phải gánh chịu suốt những ngày còn lại trên đời.

Trong lúc khốn cùng, được Bloomington cưu mang. Chuyện buồn riêng, được dịp tâm sự với độc giả của thành phố, như một năm trước, đã từng chia sẻ nỗi niềm với độc giả Việt, qua tạp chí Bách Khoa. Thành phố hồi ấy còn rất nhỏ, chỉ ít ngày đã thấy thân quen với mọi ngả đường. Khi tôi quyết định rời chốn này để Tây tiến, thân phụ và một đứa em gái tôi đã ở lại Bloomington, trong nghĩa trang Xanh Mãi Muôn Đời.

Do đó, tôi quyến luyến, yêu mến Bloomington như thành phố Hà Đông nơi tôi chào đời. Từ ngày đó, tôi có hai “home town”.

Chuyện “Ngưng bắn…” kể cho độc giả Bloomington ngày ấy, đã là chuyện quá khứ. 30 tháng Tư năm sau, cuộc chiến trên đất Việt tàn. Chủ nghĩa Cộng sản, nguyên nhân của nạn binh đao, dìm quê hương tôi trong biển máu hàng thập kỷ, cuối cùng đã hưởng hết 70 năm tuổi thọ. Tưởng chuyện đau thương trong một ngày ngưng bắn của gia đình, vì sự an toàn, phúc lợi của loài người, phải trở thành cổ tích.

Vậy mà hôm nay, trong thời đại này, chuyện buồn chiến tranh của tôi đang tái diễn trên đất nước Ukraine.

Nửa thế kỷ trước, Cộng sản quốc tế cung cấp cho những người Cộng sản Việt vũ khí của Nga, của Tàu, để quyết liệt tấn công miền đất tự do cuối cùng của dân tộc Việt.

Tấn công Ukraine bây giờ, chỉ có vũ khí của Nga.

Những người Cộng sản Việt năm xưa, phóng hỏa tiễn vào những căn nhà gần cầu Vạc, giết em, cháu tôi, đã chiến đấu cho một Thiên Đường mơ ước. Những người lính Nga hôm nay nỗ lực phóng hỏa tiễn tàn sát các em, các cháu trên đất nước Ukraine, thì chỉ để phục vụ cho giấc mơ tái lập Liên bang Xô viết của ngài Tổng thống Putin.

Với ý niệm vô cùng nhân bản như thông điệp của chính Thượng Đế, “mọi người sinh ra đều bình đẳng”, các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã tạo nên bản hiến pháp tuyệt hảo để bảo vệ “con người”. Trong tinh thần đẹp đẽ ấy, từ ngày lập quốc, công dân Mỹ tỏa ra khắp mặt địa cầu, chống lại tất cả những hiện tượng gây tổn hại cho người. Thiên tai như khí hậu, bệnh tật, nghèo đói… Nhân tai như những đầu óc ngông cuồng, bệnh hoạn lại có sức, có thế để gây thương tổn, hay tiêu diệt con người. Nói nôm na là bảo vệ con người, chống kẻ ác.

Khi Putin tấn công Ukraine, Tổng thống Biden đã cùng hầu hết quốc gia trên thế giới, giúp Ukraine bảo vệ lãnh thổ. Nhưng khi Tổng thống Trump lên ngôi, tinh thần cao đẹp của nước Mỹ – bảo vệ người Ukraine chống kẻ ác – đột ngột tắt ngấm.

Ông Trump chịu nhiều ơn sâu của Putin. Chỉ riêng việc dùng mọi thủ thuật tuyên truyền giúp ông đắc cử hai nhiệm kỳ đã là chuyện cần nhớ đời.

Cuộc hội kiến diễn ra trong Bạch ốc là một dịp ông Trump mắng mỏ ông Zelenskyy tơi bời. Ông bảo: “Nhà anh đang giỡn mặt với đại chiến thứ ba!” Ngụ ý rằng Putin tấn công cướp nước thì phải quy hàng ngay lập tức, để khỏi mang cái lỗi tày trời là tạo Thế chiến thứ ba. Ông Zelenskyy tỏ lòng oán hận Putin giết chóc, tàn phá đất nước ông suốt ba năm nay, thì ông Trump lập tức mắng là kém ngoại giao, phải nói năng khéo léo tế nhị, để ngài Putin khỏi mất lòng, may ra mới xin ngưng chiến được.

Xỉ vả, mắng nhiếc nạn nhân đã đời rồi, ông chưa hài lòng: ông vu cho ông Zelenskyy là nhà độc tài, đã gây chiến trước! Và trước diễn đàn Liên hiệp quốc, Nước Mỹ bất ngờ chọn về phe với Putin, nghĩa là về phe kẻ ác.

Tôi tin ông Trump không phải là người độc ác.

Khi cần trả đũa Iran – sau khi Iran pháo kích vào trại quân của Mỹ – như các vị Tổng thống khác, ông Trump cân nhắc kỹ chuyện gây tổn thất sinh mạng cho đối phương, rồi cuối cùng, ông bỏ qua.

Ông thật tình thương người dân, người lính Ukraine và cả lính Nga, như hầu hết mọi người trên thế gian. Và dù nể phục Putin, đôi khi ông Trump đã thực sự bất bình.

Không ác độc, nhưng vì ơn sâu nghĩa nặng, ông chọn đứng với kẻ tàn ác.

Là Tổng thống, chọn lựa của ông trở thành chọn lựa của nước Mỹ. Như thế, ông Trump đã bất công với ít nhất một nửa nước. Ông cũng bất công với chính cộng đồng MAGA, vì nhiều vị trong nhóm này, dù rất yêu quý ông, cũng không muốn đứng cùng hàng ngũ với kẻ ác.

Ông cũng bất kính với tiền nhân, những người sáng lập nên quốc gia này. Các vị ấy luôn luôn bảo vệ con người, muốn nước Mỹ tiếp tục bảo vệ con người, chống kẻ ác, bằng mọi giá.

Chuyện đáng buồn nhất: chọn lựa của ông đã khuyến khích tội ác. Ở đây là tội ác chống nhân loại.

Vì xót thương em Gấm, hai cháu Khánh Linh, cu Tý năm xưa, vì xót xa cho dân tộc Ukraine anh hùng đang bị kẻ ác dìm trong biển máu hôm nay, Bloomington yêu quý, hãy cùng tôi cầu nguyện.

Cầu xin rằng những bọn cùng hung, cực ác, những đứa coi mạng người như cỏ rác, sẽ không bao giờ tìm được đồng minh trong tòa nhà cao quý nhất của nước Mỹ.

 Lê Tất Điều

(26/4/2025)

 

 

Đức Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88
Theo Đức Hồng y Kevin Farrell, chánh VP của tòa thánh thì Giáo hoàng Francis, 88 tuổi, qua đời vào ngày 21 tháng 4 vì đột quỵ não và suy tim mạch. Vào tháng 2 năm nay, sau khi bị viêm phế quản, ngài đã nhập viện tại thành phố Rome với nhiều biến chuyển phức tạp tiếp theo, theo các viên chức Vatican. Trong những năm gần đây, sức khỏe ngài suy giảm đáng kể, ngài đã bị nhiễm trùng đường hô hấp, đã phải phẫu thuật đại tràng và bụng, khả năng vận động ngày càng giảm, nhiều lúc ngài phải sử dụng gậy và ngồi xe lăn.Phớt lờ lệnh của bác sĩ là phải dưỡng bệnh trong hai tháng và tránh đám đông, ngài tiếp tục nhiệm vụ của mình, xuất hiện trước công chúng và tổ chức các buổi tiếp kiến ​​trước và trong lễ Phục sinh. Vào Chủ Nhật 20 tháng 4, một ngày trước khi qua đời, ngài đã gặp riêng Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance và sau đó di hành qua đám đông 35.000 tín đồ tại Quảng trường Thánh Peter trên xe của giáo hoàng.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top