TRĂN TRỞ CUỐI ĐỜI
Hoàng Ngọc Nguyên
Lần lửa mãi, cuối cùng Biên Niên Sử Cuộc Chiến Vô Đạo, tập đầu tiên trong bộ sách Trăn Trở Cuối Đời gồm ba tập, đã ra mắt và đến tay độc giả nhờ sự hỗ trợ hào hiệp đầy tình nghĩa của Bút Tre, một tạp chí hiếm hoi trong thời nay, nhất là đối với báo chí tiếng Việt trên chốn đất khách quê người. Bút Tre đã “đứng vững ngàn năm”, vừa qua 200 số, tức tồn tại cũng được hai thập niên. Bút Tre đã thành công trên hai mặt thời sự (phản ảnh những trọng đề về chính trị, kinh tế, xã hội, y tế... quan yếu đối với sự hiểu biết của người Mỹ gốc Việt của chúng ta), cùng văn đàn (thu thập những cảm hứng của những thân hữu còn muốn cầm bút để nói lên tâm tình của mình trong cuôc sống hiện nay cũng như đối với một thời đã mất).
Trăn trờ cuối đời là tâm sự ai cũng có ở cuối đoạn đường, nhất là những ngưòi từng lớn lên trên quê nhà và ít nhiều đã sống trong giai đoạn ngưòi Miền Nam chiến đấu tuyệt vọng cho sự tồn tại của đất nước, rồi sau đó phải trải qua những ngày tháng bế tắc và tuyệt vọng trong tâm trạng bị lưu đày sau 1975, dù trong trại “học tập cải tạo” hay ở ngoài, và niềm trăn trở cuối cùng hiện nay chính là nỗi thất vọng đối với đất nước “tạm dung” này - không thiếu gì người đã tưởng đã đến được thiên đàng ngay trên chốn địa ngục trần gian, nhưng nay thì ngày nào cũng phải đứng ngồi không yên vì những tin tức về bạo lực súng đạn và nạn kỳ thị chủng tộc đang tái phát.
Trăn Trở Cuối Đời chính là tâm sự của thế hệ “bộc phát”, những người sinh ra sau năm 1946, lớn lên trong chiến tranh ở Miền Nam và phải qua những năm tháng sống vong quốc ngay trên quê hương, rồi đến Mỹ chỉ để chứng kiến một nền dân chủ “tiến bộ nhất thế giới” đang trở nên lạc hậu, thoái hóa trong một thế giới toàn cầu hóa trật tự hỗn loạn. Tác giả cần đến ba tập để nói lên hết những trăn trở mà những ngưởi cùng thế hệ ở cuối đời đều ít nhiều phải trải qua: (1) Biên Niên Sử Cuộc Chiến Vô Đạo. Vô đạo nếu xét đến mục đích và dã tâm cũa Cộng Sản Hà Nội tàn sát, thí mạng hàng trăm ngàn người dân hai miền để đạt cho được mục đích đó; (2) Một chế độ vong bản, phản bội (chưa từng thấy). Chủ nghĩa xã hội Hà Nội đã xây dựng trong 45 năm qua tồi tệ trên tất cả các mặt: Chuyên chính vô sản là độc tài toàn trị, xã hội giai cấp, chính trị chia rẽ, chính quyền tham nhũng, dân chủ bị chà đạp... (3) Một nền dân chủ đổ đốn. Từ cái gốc lịch sử là thời lập quốc, văn hóa và cơ chế chính trị của Mỹ vẫn giữ nền tảng là độc quyền “liberty”, đề cao quyền lợi của cá nhân những người da trắng hơn là lợi ích chung của xã hội gồm các màu da khác. Sự ngụy tín, ngụy thiện đó đã dẫn đến sự bế tắc của chính trị Mỹ như chúng ta đã biết trong bốn năm 2017-2020.
Tập 1 là Biên Niên Sử Cuộc Chiến Vô Đạo khiến cho nước mất nhà tan và đưa Việt Nam vào thời văn hóa hủ bại. Biên Niên Sử do tác giả sưu tập và ghi chép là một phần cần thiết không những cho ai muốn biết về cuộc chiến để hiểu rõ hơn “căn cước chính trị” của mình, mà còn là bối cảnh soi sáng những luận điểm của những bài viết trăn trở sau đó về cuộc chiến đau thương không thể dễ quên này. Tập sách bạn đang có trên tay là về cuộc chiến vô đạo, để giúp tạo một kiến thức căn bản về cuộc chiến lịch sử của đất nước Việt Nam đưa đến hờn vong quốc hiện nay.
Chúng ta đang sống trong một thời rất khó khăn trên nước Mỹ, luôn luôn phải đứng trước những câu hỏi “Who were you? Where did you come from?”. Có một sự thật không thể chối cãi là một thiểu số “da trắng thượng đẳng” (white supremacists) đang có tiếng nói lấn át và hành động thô bạo để xác định “chủ quyền” trên đất nước chung, “đất nước của di dân” (nation of immigrants - tựa một cuốn sách của John Kennedy, lúc đó năm 1958 đang còn là thượng nghị sĩ liên bang). Càng ngày càng gần gũi hơn với tư thế thiểu số, càng ngày họ càng hành động lồng lộn như một thành phân chủng tộc đa số.
Hiện nay, trong “cộng đồng” người Mỹ gốc Việt của chúng ta, phần lớn có một mẫu số chung về lý lịch, đó là những người bỏ nước ra đi sau 1975 và được Mỹ mở rộng vòng tay tiếp nhận với lý do tỵ nạn cộng sản, hay con cháu của những người tỵ nạn đó được bảo lãnh. Nhưng sự thật cũng là hiện nay có không ít những người đã qua đây và dễ dàng, nhanh chóng quên đi lý lịch, cội nguồn của mình. Như thể là người từ trên trời rơi xuống, hay dưới đất chui lên. Và khi không thực sự biết mình là ai (Nhất là những thế hệ trẻ hơn, không có những kinh nghiệm sống trong thời chiến tranh trước 1975 cũng như dưới chế độ mang tiếng cộng sản hiện nay; hay những người qua Mỹ nhờ “cơ hội đổi mới” hơn là nhờ “lý lịch”) vấn đề không chỉ là ở chỗ họ không thực sự có một xã hội của những đồng hương để lui tới mà còn ở chỗ họ không hiểu được “chính nghĩa di dân” của mình. Trước chủ trương “bài Hoa” của ngay chính quyền Joe Biden có vẻ đang thịnh hành hiện nay để đối phó với mưu đồ “Hoa Mộng” của Tập Cận Bình từ bao lâu nay, người Việt chúng ta càng nên hiểu phải hội nhập vào xã hội Mỹ để giảm thiểu những hoàn cảnh khó xử.
Đã 46 năm từ ngày mất nước. Thời gian có thể trôi qua rất nhanh và người ta (người Việt cũng như người Mỹ) có thể quên hết nếu chúng ta không nhắc nhở được lịch sử câu chuyện chúng ta có mặt ở đây. Bắt đầu từ cuộc chiến chống cộng sản Miền Bắc xâm lăng Miền Nam của chúng ta, tức Việt Nam Cộng Hòa. Trong cuộc chiến này, Mỹ là đồng minh chủ lực, chính yếu của chúng ta. Không có đồng minh Hoa Kỳ với viện trợ quân sự và kinh tế to lớn đối đầu với hai thế lực Liên Xô và Trung Cộng sau lưng Việt Cộng, chúng ta không đứng được đến năm 1975. Và nếu Hoa Kỳ không rút năm 1973, có lẽ đã không có 1975. Ngược lại, lịch sử cũng ghi nhận cuộc chiến tranh Đông Dương của Hoa Kỳ nhằm ngăn chận sự bành trướng của cộng sản quốc tế ở Đông Nam Á đã kéo dài 25 năm (1950-1975), và cái tiền đồn mà Mỹ phải bảo vệ cho Thế giới Tự do chính là Miền Nam Việt Nam.
Bởi thế, cuộc chiến chống Cộng của Miền Nam phải là một hiểu biết rất căn bản của người Việt ở hải ngoại nói chung và ở Mỹ nói riêng, cho dù thuộc thế hệ nào trong quá khứ và cả tương lai. Đó là “văn hóa lý lịch” làm nên con người mà mỗi người cần có (như mắt và con ngươi), và cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng cần hun đúc. Câu chuyện những du học sinh Việt Nam ở Úc, có lẽ từ con ông cháu cha của Cộng Sản Hà Nội, chà đạp lên lá cờ vàng ba sọc đỏ là một bài học cảnh giác, nhắc nhở chúng ta chớ bao giờ quên nguồn gốc, lý lịch của mình. Và thực ra đây là điều chẳng cần nhắc nhở mà trở thành một nhận thức tự nhiên, khi chúng ta đã và đang chứng kiến trong 46 năm qua sự bại hoại về chính trị, xã hội và văn hóa dân tộc mà Cộng Sản Hà Nội đã làm nên và ngày càng củng cố không thua gì các chế độ Nga và Trung Cộng.
Một nội dung chính của Biên Niên Sử Cuộc Chiến Vô Đạo là biên niên sử, tức ghi chép theo thứ tự thời gian những sự kiện xảy ra có tính lịch sử, những diễn tiến, biến cố có khả năng giải thích cho những chuyện đã xảy ra hay sắp đến. Biên niên sử (chronology) là một nội dung khó thể thiếu đối với một tập sách có tính nghiên cứu hay ghi nhận lịch sử.
Nhưng tập sách này cũng mạnh dạn bàn đến những chủ điểm phê phán. Đương nhieên, tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Giới lãnh đạo quân đội ở Saigon đã không có ý thức phải lãnh đạo cuộc chiến, giao cả cho đồng minh để cho có đủ thì giờ và mưu lược tranh giành quyền hành. Giới chính trị thì lạc đường trong cơn mê danh vọng cho nên cũng quên cả thách đố sống còn là mối đe dọa thường trực của Việt Cộng, họ chẳng làm gì để vân động toàn dân trong cuộc chiến đấu chống Cộng vì mãi chạy theo cái bả chính trị. Giới lãnh đạo tôn giáo, nhất là các thầy, thì sân si còn hơn cả chúng sinh cho nên nghiệp chướng không thể tiêu trừ được và làm cho đất nước mang họa. Đồng minh Mỹ giành lãnh đạo cuộc chiến nhưng lại không đủ ý thức biết người biết ta cho nên chỉ một vụ Mậu Thân cũng làm cho họ bỏ cuộc chơi mặc dù có thê đang trên đà thắng lợi. Cho đến nay, nhiều người Mỹ vẫn chưa hiểu được ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến tranh VN, bằng chứng là một tổng thống như Donald Trump mà còn mở miệng nói chuyện ngu xuẩn vì sao mình trốn lính (I was never a fan of that war!). Và vô đạo chinh là những kẻ chủ mưu, khởi xướng cuộc chiến bằng mọi giá: Cộng Sản Hà Nội, cố khiến cho “bao xưong tan máu rơi” nhằm gây “lòng hận thù ngất trời” .
Chúng ta đả từng phải chiến đấu trong một cuộc chiến ròng rã 15 năm - kết cuộc vẫn là sự đau thương mất nước. Sau năm 1975, chúng ta ngày càng hiểu hơn và thấm hơn. Đã gần nửa thế kỷ kể từ khi cuộc chiến Miền Bắc chủ xướng nhằm xích hóa Miền Nam chấm dứt. Đúng hơn, đã 46 năm rồi từ khi người dân Miền Nam mang hận vong quốc. Chúng ta đã chiến đấu cả 15 năm (1960-75), kết quả chỉ như thế đó là hậu quả từ đâu? Cuộc chiến này vẫn phải là một niềm trăn trở đối với tất cả chúng ta, không chỉ riêng của nhũng người đang cảm thấy chẳng có cuộc sống phía trước, mà cả những người đang nghĩ rằng có thể quên quá khứ đề chỉ biết đến hiện tại.
“Biên Niên Sử Cuộc Chiến Vô Đạo” chính là niềm trăn trở đó.
Vô đạo là chẳng những không biết đến những nguyên tắc có tính đạo đức phổ quát được nhìn nhận từ bao đời qua mà còn làm ngược những nguyên tắc đó. Cuộc chiến vô đạo là một cuộc chiến có tính quân phiệt mà mục đích dùng sức mạnh quân sự, thay vì sự lựa chọn của người dân, để áp đặt một thể chế lên đất nước, không cần biết đến những hy sinh, mất mát của người dân về sinh mạng, về cuộc sống an lành, hạnh phúc và no ấm. Một cuộc nội chiến cũng có thể qua đi, như Nội chiến Mỹ hơn bốn năm, nếu người ta không có cảm tưởng mất nước. Người dân da trắng ở những tiểu bang Miền Nam nước Mỹ đương nhiên biết rằng họ đã thua cuộc, nhưng cuối cùng họ vẫn là một thế lực chính trị hùng mạnh ở nước Mỹ (không mạnh thì không làm sao làm nổi cuộc nổi loạn ngày 6-1-2021 tại Capitol Hill, Washington D.C.). Người dân ở cá c tiểu bang Miền Nam nước Mỹ chẳng phải là công dân hạng hai. Thực ra, chúng ta cứ nhìn ở nhũng nước cộng sản cũ ở Đông Âu. Chẳng nơi nào có sự đối xử kỳ thị, phân biệt đối với người dân từng có lý lịch theo cộng sản. Thế nhưng sau khi cuộc chiến tranh “giải phóng” thống nhất đất nước kết thúc, hàng trăm ngàn người ở Miền Nam phải đi “học tập mút mùa”, bao nhiêu cuộc cải tạo tư sản, tiểu thương làm cho kinh tế tê liệt, bao nhiêu người trắng tay, bao nhiêu gia đình khốn đốn, và hàng triệu người không thề yên thân dưới chế độ mớí – chế độ cộng sản. Bởi thế mới có cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản trên đất Mỹ và trên một số nước khác như Úc, Pháp, Anh, Đức...
Biên Niên Sử Cuộc Chiến Vô Đạo chính là những lời tâm sự về những trăn trở đó.
(Muốn liên lạc với tác giả, xin gởi đến email: nhoang_46@yahoo.com)
TRĂN TRỞ CUỐI ĐỜI Hoàng Ngọc Nguyên
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Hoàng Khoa
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều. Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404