Thi Phương, Những điều nên “bổ sung” về Phan Văn Khải

Chuyện đời xưa, chuyện thời nay, Thi Phương
NGÒI BÚT ĐÂM TOẠC TỜ GIẤY

Những điều nên “bổ sung” về Phan Văn Khải


Lê Khả Phiêu (trái) và Phan Văn Khải (mặt)

Bài viết này đương nhiên viết về ông Phan Văn Khải, cựu thủ tướng của Bắc Cộng, đã qua đời vào ngày 17-3-2018 tại quê nhà ông ở Củ Chi, nhưng chẳng thực sự nhắm vào ông Khải (để cho ông yên), mà chỉ nhằm “bổ túc”, “bổ sung” những gì báo chí nhà nước đã và đang hùa nhau nói hay viết về ông. Hà Nội đã tổ chức đình đám đảng tang, quốc tang cho ông, đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng ra làm trưởng ban nghi lễ.  Đám tang của ông cũng “to” xấp xỉ ông Nguyễn Văn Linh (1998), Võ Nguyên Giáp (2113), Võ Văn Kiệt (2008)… Trong tương lai, sẽ đến phiên ông Đỗ Mười (nay đã 101), hay Lê Đức Anh (97). Thực ra, ở Việt Nam, mấy ông lãnh đạo chết đều được làm đám lớn, có lẽ vì đó là dịp hiếm có cho người dân biết những người từng lãnh đạo đất nước là ai.
Báo chí đã tự do nhắm mắt nhắm mũi viết những lời ca ngợi ông thủ tướng ngưòi nam Phan Văn Khải, và nhiều vị “thức giả’ cũng đã mạnh dạn lên tiếng tán tụng ông. Ông là thủ tướng trong gần mười năm (1997-2006) trước khi phải từ chức sớm một năm và về hưu; trưóc đó ông là phó thủ tướng cho ông Kiệt. Ông Khải cũng là chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1989) ở Hà Nội – thay Đậu Ngọc Xuân ở ngoài Bắc. Dân Saigon ít nhiều biết ông qua những vai trò tương ứng trong Ủy ban Nhân dân Thành phố và Thành ủy từ năm 1975 cho đến khi ra Hà Nội (1989). Người viết “Bên Thắng Cuộc”, Huy Đức, đã kể lại tỉ mỉ sự nghiệp của ông trong bài “Con đường trở thành Thủ tướng”. Bà Phạm Chi Lan, “chuyên gia kinh tế” ở Hà Nội, tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương của miền bắc năm 1966, từng cầm đầu Phòng Thương mãi và Công nghiệp Việt Nam, đã gọi ông là “nhà lãnh đạo kỹ trị” (technocrat) lỗi lạc có công trạng xây dựng cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại học Sydney còn trao cho ông bằng “tiến sĩ danh dự” vì đã có công “xây dựng dân chủ hóa kinh tế và chính trị Việt Nam”.
Theo những câu chuyện này, ông Khải sinh năm 1933 là dân Củ Chi, năm 14 tuổi (1947) đã “theo cách mạng”, tập kết ra bắc vào năm 1954. Chẳng hiểu làm sao mà phải đợi đến năm 23 tuổi (tháng 9-1956), “ông Phan Văn Khải nhận được thư của Ban Tổ chức Trung ương kêu về học trường Bổ túc Công nông Trung ương”. “Nhận được thư mời đi học bổ túc văn hóa của Ban Tổ chức Trung ương? Đúng là ông đã lọt vào mắt xanh của lãnh đạo đảng. Đảng có mắt tinh đời nhìn đến nhu cầu gần 40 năm sau! Theo lời ông kể, “Học hết cấp III tôi thi đậu vào bách khoa, định sẽ làm kỹ sư điện nhưng vừa nhận chức lớp trưởng thì có quyết định qua trường ngoại ngữ, ở đó, 1/3 sinh viên học tiếng Trung Quốc, 2/3 học tiếng Nga. Tôi học tiếng Nga rồi đi Liên Xô học ngành kinh tế kế hoạch”. Học hết cấp 3 đã hăm mấy, ông thi đậu ngay vào bách khoa! Thông thường, người ta học bổ túc công nông là cốt cho “có văn hóa” - giống như thời nay mấy cái bằng tiến sĩ, giáo sư đang “gây tranh cãi” ở Hà Nội. Nhưng ông PVK tốt nghiệp đến cấp 3 khi mới hăm mấy tuổi, rồi thi đậu ngay bách khoa. Rồi học được tiếng Nga là tiếng khó nuốt. Hẳn ông phải học hành thông minh, giỏi giang lắm về toán và khoa học và cả sinh ngữ. Nếu không thì bị ép đi học. Nhưng những người phân tích chính trị chớ quên ông “hay” nhưng ít nhất cũng có hên. Là thành phần tập kết, có lẽ gốc lớn, cho nên ông đưọc “chiếu cố”, hay đúng hơn nếu chúng ta dùng chữ “qui hoạch” hay “cơ cấu”. Đúng là cũng nên đặt câu hỏi ông Khải con cái nhà ai.  Không gốc lớn thì sức mấy.
“Qui hoạch” hay “cơ cấu” là chữ “chuyên môn” nói về sự đầu tư chính trị của tổ chức đảng cho những người được nhắm đến sẽ có vị trí lãnh đạo trong tương lai. Bởi thế mà người ta cho ông Khải đi học ở Liên Xô về kế hoạch kinh tế, ngõ hầu mai sau miền nam có được “giải phóng”, thì Hà Nội sẽ có người lãnh đạo kinh tế ở miền nam quen thuộc với công việc kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa theo kiểu của Nga là kiểu thịnh hành. Thời nay, người ta đang phê phán nạn “con ông cháu cha” (con vua thì lại làm vua; con sãi giữ chùa thì quét lá đa), trong đảng, nhưng thực sự, từ xưa, hay từ bản chất, trong lãnh đạo đảng yếu tố “con dòng cháu giống” là mạnh nhất. Con cái của những ông lớn (ngay cả Hồ chí Minh cũng có Nông Đức Mạnh), như Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Trường  Chinh, Nông Đức Mạnh, và Nguyễn Tấn Dũng ngày nay, đều được “cơ cấu” vào chức vụ lãnh đạo cả. Tức được đề bạt, được mở đường đi lên, hay dọn cỗ sẵn chỉ chờ lúc xơi. Cho nên, ông Khải thừa hiểu khi trở về từ Nga, tốt nghiệp hay không (chẳng nghe ai nói ông là “phó tiến sĩ” hay là “phó giáo sư”), ông cứ thong dong chờ thời. Những người viết về đời ông Khải chớ bỏ qua chi tiết “lãnh đạo đảng” đã có tầm nhìn xa cho nên đầu tư vào ông rất sớm!
Năm 1965, ông Khải về nước “muốn đi dạy nhưng bà Sáu (vợ ông), lúc ấy làm ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, muốn ông về cùng. Ba năm sau ông được cử giữ chức trưởng phòng”. Và đúng là ông đã được “cơ cấu”: “Đến năm 1972, chuẩn bị ký Hiệp định Paris, ông Lê Duẩn có kế hoạch lập chính phủ ba thành phần, ông Khải cùng một số cán bộ được đưa vào Trung ương Cục. Khi kế hoạch này bất thành, hè năm 1973, ông ra Bắc trở lại nhận một chức vụ phó ở Ủy ban Thống nhất”. Đầu năm 1976, ông lại vào Saigon, làm phó chủ nhiệm Ủy ban kế hoach Thành phố. Lúc đó, ông Võ Văn Kiệt là chủ tịch của Ủy ban Nhân dân kiêm nhiệm Ủy ban Kế hoạch này. Ông PVK kể về chuyện ông mất ăn mất ngủ vì trọng trách mới đảm nhận: “Khi ở Liên Xô về, tôi cân nặng 52 kg, vào Thành phố một thời gian còn 43 kg, Thành phố cho ra Thanh Đa an dưỡng lên được 3 kg”. Đúng là miệng nhà quan có gang có thép – nói sao cũng được, bất kể người ta có tin hay không. Ông Khải cao cũng hơn 1.6 mét mà chỉ nặng 43 kí. Chẳng lẽ Saigon vào thời đó đã thiếu ăn đến thế sao? Cán bộ cao cấp như ông đã có tiêu chuẩn đến 21 kí gạo/tháng.  Và làm sao người ta có thể giảm trọng lượng nhanh như thế mà không có gì phải lo. Hoặc là cái cân của ông hư hoặc pin yếu, nếu không thì ông phải mắc bệnh gì đó.
Đúng là ông Khải đã được cơ cấu từ lâu. Bình thường, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nhân dân làm chủ thì ai làm chủ tịch quốc hội cũng được - bắc trung nam. Nhưng “đảng lãnh đạo” thì bình thường “cơ cấu” tổng bí thư đảng phải là người bắc để giữ được thế “tập trung dân chủ” (trừ ông Lê Duẩn, từng bị Lê Đức Thọ kềm kẹp). Để cho cân bằng bắc nam, thủ tướng, người “nhà nước quản lý”, thường phải là người nam, được cơ cấu cách đó. Các thủ tướng sau năm 1990 đều là người nam, nhưng ông Khải được Bắc Bộ Phủ “cơ cấu” chặt chẽ nhất cho chắc ăn: được nuôi dưỡng và trưởng thành trong bộ máy chính quyền ở Hà Nội và được huấn luyện chuyên môn tại Nga. Theo tác giả Huy Đức, ông Khải  được Lê Đức Thọ xếp vào diện “cán bộ nguồn” từ năm 1976. Cán bộ nguồn tức người được tổ chức đảng lựa chọn để nâng đỡ đi lên. Chúng ta cũng nên hiểu trong hệ thống đảng lãnh đạo này, muốn đi lên phải là “cán bộ nguồn” (grooming), phải được cơ cấu, cho dù mật ít ruồi nhiều, được cơ cấu chỉ là bước đầu, không phải là tất cả. Ông Khải được cơ cấu vì là người miền nam nhưng được lớn lên, đào tạo, trưởng thành trong văn hóa chính trị ở miền bắc. Lãnh đạo đảng trong tay người miền bắc cần phải có một khuôn mặt người nam, và ông Khải đúng là người lý tưởng. Bởi thế, để tăng điềm cho ông so với những đối thủ người nam sau này, ngưòi ta còn đưa ông Khải đi đào tạo ở Nga.
Một số tác giả (Phạm Chi Lan, Tương Lai) đã xem ông Khải như là một nhà lãnh đạo chủ trương hay ủng hộ đồi mới. Nếu nghiêm chỉnh nhìn lại một cách phân tích thì nên nhìn nhận rằng ông phải là “người cuối cùng” trong lãnh đạo thành phố Saigon đi theo ông Kiệt trong những thăm dò, tìm kiếm, thử nghiệm những giải pháp “cởi trói”, bắt đầu từ trước Đại hội V của đảng (1981), trong khi PVK phải đợi đến “Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, ông, một người được đào tạo về kinh tế kế hoạch hóa ở Liên Xô, bắt đầu nhận thấy nhu cầu tìm hiểu nền kinh tế của các nước phương Tây”. Đến năm đó mới thấy được nhu cầu? Và trước đó ông chẳng hiểu gì cả? Quá trễ, bởi vì thử nghiệm đổi mới thực ra đã bắt đầu rãi rác khắp cả nước từ cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 (kinh tế nhiều thành phần, ba kế hoạch, bù giá vào lương, hợp tác xã tín dụng…). Người ta cũng bắt đầu bàn đến những định chế trong kinh tế thị trường cần được đưa vào kinh tế xã hội chủ nghĩa để có thể khai thác các tiềm năng kinh tế về nhân lực và cơ sở vật chất.   Từ đó công ty lương thực của bà Ba Thi mới ra đời, giải quyết nạn đói của thành phố trong một thời đói ăn khoai, đau uống xuyên tâm liên.
Ông PVK thận trọng cũng có lý do để biện minh. Thứ nhất, ông là người khôn khéo, tế nhị, nhờ đã ở lâu năm ngoài Hà Nội trước khi vào nam. Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống. Ông không muốn mất lòng “các anh ở Bắc Bộ Phủ” giáo điều, sùng tín, trong khi các đồng chí miền nam lại muốn xé rào. Ông muốn đứng vững thì cần người nam nâng, người miền bắc đỡ. Cho nên, ông không làm gì để gây tranh cãi. Thứ nhì, ông đã bị nhồi sọ về kinh tế kế hoạch, về cơ chế tập trung quan liêu bao cấp (trên rót xuống, dưới gom lên), về chủ trương trong “thời kỳ  quá  độ”: “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đồng thời phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ” (chẳng biết tiểu công nghiệp là gì),về cơ chế vận hành kinh tế xem như chẳng có nội thương, ngoại thương, chỉ co phân phối bên trong, trao đổi với bên ngoài…Đó chính là “tín ngưỡng kinh tế” của ông trong một nước vô thần chỉ có một tôn giáo là đảng. Thứ ba, vai trò phó chủ nhiệm (rồi chủ nhiệm) đặc trách Ủy ban Kế hoạch Thành phố mà trung ương đặt ông vào đó, chính là cơ hội “hành đạo” của ông với đảng. Ông đã gắn bó với chủ trương của đảng “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền nam”. Thứ tư, ông khác ông Kiệt ở chỗ ông không biết gì về kinh tế miền nam, chỉ nghĩ đó là “phồn vinh giả tạo”, sống nhờ viện trợ Mỹ. Ông quen chấp nhận lối nghĩ kinh tế khó khăn vì hết viện trợ My thì hàng hóa không có, nguyên liệu cạn kho, sản xuất suy thoái, thất nghiệp lan tràn. Cái học của Liên Xô thực ghê gớm: người theo học bao nhiêu năm cũng chẳng có ý niệm gì về kinh tế thị trường!
Ông Kiệt làm chủ tịch rồi bí thư thành ùy Saigon cho đến năm 1982 (sau Đại hội V) mới ra bắc làm phó thủ tướng và chủ nhiệm ủy ban kế hoạch nhà nước. Khi ông Kiệt rời khỏi thành phố, ông Linh từ vị trí Ủy viên Bộ Chính trị bị “đẩy” vào Saigon làm bí thư thành ủy vì có quan điểm phải cho  địa phương quyền tự chủ rộng hơn trong khó khăn kinh tế thời đó. Sự nghiệp đổi mới của ông Kiệt ở Saigon được ông Linh tiếp tục. Những năm cuối thập niên 70, kinh tế cả nước cực kỳ khó khăn, ngưng trệ vì người ta không biết làm sao cho kinh tế “chạy”. Chỉ có mỗi một chuyện “người nam nhận họ người bắc nhận hàng”. Cứ hối lộ mãi thì núi cũng phải lỡ. Cho nên năm 1979 mới có Hội nghị lần thứ VI của Trung ương Đảng khóa 4 với Nghị quyết thường được gọi trước đây là Nghị quyết 6. Thành ủy Saigon mới chế ra Nghị quyết 9 về đổi mới cơ chế, tăng cường quyền chủ động kinh doanh và tự chủ tài chánh của cơ sở. Ý tưởng đổi mới được hình thành từ năm này, và đâu đâu người ta cũng nói chuyện xé rào, cởi trói. Người ta nói đó là tinh thần quật cường của người nam bộ. Phải chăng có thể xếp ông PVK vào “diện” đó?
Tờ Tin Sáng (bị đóng cửa vào cuối tháng sáu năm 1981 vì người ta sợ “đổi mới” bị “lạm dụng”) thời đó được phép viết nhiều về những thử nghiệm này trong kinh doanh của những đơn vị quốc doanh hay cá thể (Vũng Tàu Côn Đảo), cùng đưa lên những ý kiến mạnh dạn về những vai trò, chúc năng của ngân hàng, tiền tệ, tín dụng, ngoại thương trong nền kinh tế. Đồng thời ông Võ Văn Kiệt đã mượn cơ sở của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Thành phố tổ chức hàng loạt hội thảo kinh tế với sự tham dự của cả “trí thức tại chỗ”. Đó chính là bước đầu trong quá trình ông thành lập Văn phòng Công tác Kế hoạch 29 đường Tú Xương, quận 1 (giải thể vào năm 1985).  Ông PVK tuyệt nhiên chẳng “dính líu” gì đến những chuyện này. Người ta chưa hề thấy ông viết bất cứ một bài lý luận nào về đổi mới kinh tế. Ông cũng chẳng hề gặp gỡ, tiếp xúc gì với giới trí thức tại chỗ. Hoặc đó là một thái độ chính trị “khôn ngoan”, hay là vì ông không có nhu cầu mở rộng kiến thức?
Ông PVK có nhận xét “Ông Linh cũng đổi mới nhưng không phải bắt đầu bằng sự lăn lộn, nghiên cứu, tổng kết như ông Kiệt”. Ý kiến này chỉ đưa ra sau khi ông Linh đã qua đời. Trong cả thập niên 80, hai ông Linh và Kiệt đã tranh chấp nhau khá căng thẳng. Ông Linh vẫn xem ông Kiệt ít học, ít đọc, đổi mới phiêu lưu không có bài bản. Ông Đỗ Mười thì cho rằng “ai cũng đổi mới, chẳng riêng gì ông Kiệt”. Rốt cuộc, khi Thủ tướng Phạm Hùng bất đắc kỳ tử vào đầu năm 1988, Võ Văn Kiệt lên làm quyền thủ tướng vài tháng, rồi Nguyễn Văn Linh tìm cách ép uổng ông Kiệt đưa Đỗ Mười lên thay chính thức. Đó là mối hận thiên thu của ông Kiệt. Điều cần nói là trong suốt thời gian thử nghiệm đổi mới, từ tư tưởng đến hành động, trong khoảng 1979 đến 1985, với cái mốc Giá Lương Tiền làm cho Tố Hữu tiêu tan sự nghiệp, ông Khải chủ yếu thủ thế, không thấy bóng dáng ở đâu. Bởi vì cái background của ông. Và bởi vì vị thế chính trị “tế nhị” của ông.
Thế nhưng người ta nói khi phải thay ông Kiệt vào năm 1997, ông Khải là một “nhà kinh tế hàng đầu” cho nên người ta phải lựa chọn ông. Thực ra, sau khi ông Kiệt ra đi, cái ghế đó đương nhiên là của ông. Ông Lê Khả Phiêu thay ông Đỗ Mười là người ngoài Bắc (Thanh Hóa), đương nhiên cái ghế thủ tướng phải là của người miền Nam. Sau âm mưu ngu xuẩn đưa Nguyễn Hà Phan (vốn là bí thư Hậu Giang) lên bất thành, làm sao có sự lựa chọn nào khác cho cả hai bên Bắc-Nam. Ông Kiệt thật ra cũng chẳng có ai. Chẳng có ai ở Saigon được Trung ương tín nhiệm. Người ta sợ người Saigon. Và những người ngoài Bắc chẳng thể vui hơn với sự lựa chọn ông Khải, người của người ta mà cũng như là người của mình.
Còn nói ông Khài đã cho thấy ông là người đổi mới, tiến bộ? Cái thời thế đã như thế. Ông Khải không thể làm khác. Và ai khác cũng không thể làm khac. Cho dù tổng bí thư thời đó là con người bảo thủ nổi tiếng. Bởi thế ông Khài được xem là nhà “kỹ trị” cho có vẻ mới thay vì thư lại.
Những người viết về ông Khải thường nhắm vào ông Khải những năm ông đã là thủ tướng mà ít biết ông Khải trước đó. Chẳng trách họ không nhìn thấy ông Khải đầy đủ, đúng đắn.
Thi Phương
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top