Thi Phương: “CƠ DUYÊN” OBAMA-DALAI LAMA


“CƠ DUYÊN” OBAMA-DALAI LAMA

Thi Phương




Ông Barack Obama vào đầu tháng 10/2018 đã mở một chuyến “tư du” đến các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Pháp. Ông không còn là tổng thống nữa cho nên nói gì chẳng ai hay, đi đứng thế nào chẳng ai biết. Sở dĩ chuyến đi này đang được nói đến là vì ông đã gặp Đức Đạt-lai Lạt-ma khi ghé thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Đây là lần thứ sáu ông gặp nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng. Khó nghĩ ra ông đã gặp một nhân vật quốc tế nào đến nhiều lần như thế - kể cả Đức Giáo Hoàng Francis, cho dù ông Obama là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành, cho dù Tổng thống hiện nay của Mỹ Donald Trump từng dấy lên phong trào truy lùng “sinh quán” cùng tôn giáo của ông Obama. Cho đến bây giờ, vẫn còn khối người chạy theo ông Trump vẫn cứ nói ông sinh ra ở Kenya và là người theo Hồi giáo. FYI, lãnh tụ phong trào birther hiện nay chính là ông Roy Moore, ứng cử viên vào ghế thượng nghị sĩ liên bang của tiểu bang Alabama, vừa bị đánh bại trong cuộc bầu cử ngày song thập nhị, dù cho Tổng thống Trump đích thân đến tận sát biên giới Alabama vận động. Dĩ nhiên, Moore là người “Co Dai” (tức Cổ Đại, không phải cỏ dại).

       Gặp nhau đến sáu lần, đúng là cơ duyên nhà Phật. Không chỉ là vấn đề hai người hơi trùng tên. Nói theo kiểu người sùng đạo, ông Obama sau tám năm mỏi mệt nhìn thế sự thăng trầm, sự sa đọa khủng hoảng của chính trị, và rồi nhìn đất nước tan hoang sau một năm dưới “chế độ mới”, nay ông phải tìm đến Đức Đạt-lai Lạt-ma như “quay về bờ giác”. Hay đúng hơn, cố tìm trong triết lý Phật giáo có ánh sang gì soi rõ màn đêm hiện nay. Trong tình hình đạo Phật như một tôn giáo đang quá bị “đa dạng” hóa, “phong phú” đến mức chùa này chùa nọ không nhìn mặt nhau, người ta cần hiểu rằng Đức Đạt-lai Lạt-ma phải được xem là biểu hiện cao nhất của Tam Bảo, “giáo hoàng” của Phật giáo, cho dù tôn giáo này không chủ trương tôn vinh một giáo chủ nào cả. Ông là một biểu hiện “nhập thế”, khi ông từng nói lên cuộc khủng hoảng mất niềm tin của con người ngày nay bị “đứng ngoài” cho nên phẫn nộ và gây bạo lực. Và mới đây, ông còn kêu gọi con người phải nghĩ đến ngày mai để có thể đứng vững được trong ngày hôm nay!

       Theo tin từ văn phòng của Đức Đạt-lai Lạt-ma, hai người gặp nhau “để thảo luận về vấn đề thúc đẩy hòa bình trên thế giới”. Đây đúng là vấn để rất đáng quan tâm, thậm chí phải quan tâm hàng đầu trong tình hình trật tự thế giới đảo điên hiện nay. Nhưng liệu trong thời đại ngày nay, “hiền nhân, quân tử” có tiếng nói hay chăng? Khi chính trị đã hỏng, truyền thông chính lưu đang bị lấn át bởi một thời “fake news” ngự trị trên mạng truyền thong xã hội, giới sĩ phu làm được gì? Hội đồng Bảo an của Liên Hiệp Quốc làm được gì khi các ông Trump, Putin, Tập Cận Bình khi găp nhau hồi tháng 11 vừa qua chưa hề để một phút nói về chuyện hòa bình thế giới mà chỉ bàn về sự chia cắt.

Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi ông Obama là một “người bạn cũ đáng tin cậy” sau khi đến gặp ông tại một khách sạn ở New Delhi. Lần thứ năm trước đó là vào tháng 7 năm ngoái khi Tổng thống Obama mời Đức Đạt-lai Lạt-ma đến Toà Bạch Ốc, làm cho Bắc Kinh phát điên, nghĩ rằng ông Obama muốn xúi giục dân Tây Tạng nổi dậy đòi độc lập, và họ trả đũa bằng cách trải thảm cỏ thay vì thảm đỏ đón ông Obama đến Bắc Kinh. Dĩ nhiên, chỉ có một người tán đồng cách chơi không đẹp này của Bắc Kinh! Theo bản tin của đài VOA, ông Obama và Đức Đạt Lai Lạt ma thảo luận “viễn kiến của mình về tương lai thế giới”. Đức Đạt Lai Lạt ma được trích lời nói:”Tôi nói với ông Obama rằng chúng ta cần cổ vũ cho tinh thần đoàn kết… có quá nhiều sự chia rẽ…” Ông nói rằng những người từng được giải Nobel Hòa bình (như hai người) cần đến với nhau để chia sẻ tâm tư và tìm kiếm “những thay đổi cho tương lai ngay trước mắt”. Ông bảo ông Obama: “Ông còn trẻ và có thể làm rất nhiều việc. Thế hệ của tôi có lẽ sẽ không được chứng kiến kết quả, nhưng thế hệ của ông chắc chắn sẽ trông thấy kết quả.”




Cũng theo tin VOA, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã ngỏ ý mong được gặp ông Obama khi ông cựu tổng thống đến New Delhi gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông nói rằng ông nay đã lớn tuổi (82), không còn mấy khả năng đi đứng đến Mỹ (nào ai cưỡng được qui luật sinh, bệnh, lão, tử). Tuy nhiên, có lẽ cũng có lý do, ông sợ rằng ông sẽ là “persona non grata” (người không được hoan nghênh) tại Mỹ dưới thời ông Trump. Đức Đạt-lai Lạt-ma từng bày tỏ quan ngại về tương lai nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đang ngày càng “ích kỷ” và “theo chủ nghĩa dân tộc”. “Tổ tiên của quý vị thật sự coi trọng tự do và dân chủ, nhưng tổng thống hiện nay, ngay từ đầu ông đã nói ‘Nước Mỹ trên hết’. Tôi nghe không được hay lắm”, tờ The Washington Post từng trích dẫn lời ông nói hai tháng trước đây. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng công khai phê phán các chính sách của chính quyền Trump về hiện tượng hâm nóng toàn cầu, nói rằng “Đương kim tổng thống không lưu tâm nhiều tới sinh thái”, nhưng ông kết luận “Tuy nhiên, dân Mỹ bầu chọn ông ấy, tôi phải tôn trọng điều đó.” Câu này đúng là “rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”! Ông Trump vừa mới rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định quốc tế về “global warming”. Nước Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất “triệt thoái” - một quyết định mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải “cúi đầu khâm phục”. Ông Trump cũng vừa đưa ra quyết định nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Nước Mỹ cũng là nước đầu tiên và duy nhất dời tòa đại sứ đến Jerusalem. Văn minh quá xá! Và bất kể phản ứng của Liên Âu phê phán, sự uất hận bạo động của bao nước A-Rập Hồi giáo, và sự tan vỡ của quá trình hòa đàm tìm giải pháp “một đất nước, hai nhà nước” cho khu vực phía tây sông Jordan.

Bởi vì những chuyện điên đảo của nước Mỹ cứ xảy ra hàng ngày trên twitter, nên ông Obama hẳn có một ý đồ trong chuyến đi này. Cứ xem ba chặng ngừng chân của ông thì chúng ta cũng có thể đoán được: Trung Quốc với 1.38 tỷ dân, Ấn Độ 1.32 tỷ, và nước Pháp, thay mặt Liên Âu cũng cả 600 triệu - gần cả một nửa dân số thế giới. Thông điệp của ông Obama là quan điểm của ông: Trật tự thế giới đang đảo điên, rối loạn, sự hiểm nghẻo đang ngày càng đẩy nhân loại đến bờ vực trong trò chơi của Tổng thống Mỹ hiện nay; nếu tất cả chúng ta đều điên cả, thế giới này sẽ rớt xuống vực; an bình và ổn định trong khu vực và trong mỗi nước phải là một mục tiêu hàng đầu vì đây chính là lợi ích phát triển và sống còn của từng nước.

Ông Obama đã tới Thượng Hải phát biểu tại một hội thảo về kinh doanh trước khi tới thủ đô Bắc Kinh để lên tiếng tại một sự kiện về giáo dục và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo Tân Hoa Xã, ông Tập đã ca ngợi nỗ lực phát triển quan hệ Trung – Mỹ của ông Obama khi cựu nguyên thủ Mỹ còn đương chức. Ông Tập “đã có các nhận xét tích cực” về nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương của ông Obama. Chủ tịch Trung Quốc được dẫn lời nói: “Duy trì việc phát triển mối quan hệ Trung – Mỹ ổn định, lành mạnh và lâu dài là mối quan tâm của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng như các nước khác trên thế giới”. Điều quan trọng là gì: ông Obama tin rằng có thể đối thoại với Tập Cận Bình, vì người lãnh đạo Trung quốc dù sao đang muốn có một sự ổn định bình thường để thúc đẩy giấc mơ Trung Quốc của ông. Ông có thể muốn nắm cả Biển Đông, nhưng ông không muốn một cuộc khủng hoảng có thê phương hại cho sự bành trướng lâu dài của Thiên triều.

Ông Obama cũng tìm cách nói chuyện với Ấn Độ vì vai trò chiến lược của nước này ở  Ấn Độ Dương, vừa làm trái độn vừa ngăn chận hai thế lực hai bên: Hồi giáo ở Trung Đông và Trung Quốc ở Biển Đông. Ông đã gặp Thủ tướng Narendra Modi. Cả hai nhà lãnh đạo đã xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp sau khi ông Modi lên nắm quyền, giúp thúc đẩy mối quan hệ Mỹ Ấn tiếp tục lớn mạnh từ đó. Sau cuộc họp mặt, Thủ Tướng Modi viết trên trang twitter:”Thật là hạnh phúc khi được gặp lại cựu Tổng thống Obama, và được nghe về những sáng kiến mới đang được xúc tiến tại Quỹ Obama dưới sự lãnh đạo của ông, cũng như được lắng nghe quan điểm của ông về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ- Hoa Kỳ.” Giới quan sát đặc biệt chú ý đến phát biểu của ông Obama, nhấn mạnh Ấn Độ nên trân trọng và chăm sóc cộng đồng Hồi giáo đông đảo cư ngụ tại Ấn Độ, những người đã hội nhập vào xã hội và tự coi mình là người Ấn.Tổng Thống Obama lên tiếng tại một thời điểm khi mà giới chỉ trích bày tỏ ra quan ngại về thái độ bất khoan dung ngày càng tăng trong các nhóm Ấn giáo kể từ khi Đảng cánh hữu Bharatiya Janata của ông Modi lên nắm quyền ở Ấn Độ.

Tổng Thống Obama cũng đã gặp tổng thống nước Pháp Emmanuel Macron trong một buổi ăn trưa riêng tư. Nội dung cuộc trao đổi giữa hai người không được tiết lộ, có lẽ vì sự tế nhị của tình hình hiện nay liên quan đến chủng tộc, đến màu da, đến tôn giáo, đến quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Nhưng chúng ta có thể nhớ rằng hai ông đã có những quan điểm tương đồng về trật tự thế giới ngày nay và nhu cầu phải củng cố sự đoàn kết, thống nhất của Liên Âu, nhất là trong tình hình ở nước nào cũng đang có những đảng phái cực hữu đang tìm cách dấy lên một phong trào nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc bạch chủng bài Hồi giáo. Thử thách này đang diễn ra ở Mỹ, ở các nước trong khối Liên Âu, điều khác biệt duy nhất là ở chủ trương của người lãnh đạo ở những nước này làm cho chính trị căng thẳng thêm đến mức nào. Những cái tweet về các video của nhóm “Britian First” mà người đưa ra chiêu bài “America First” đưa lên đã cho thấy Mỹ và Liên Âu đang rất khó thống nhất – nhất là sau khi ông Trump đưa ra quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel như kiểu chế dầu vô lửa trong mùa Giáng Sinh. Trong một Liên Âu đang bị khủng hoảng về lãnh đạo khi bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đang còn phải chật vật xác định vị thế của mình, ông Macron mới 39 tuổi đang nổi lên như một khả năng thay thế với trọng trách với toàn khối phương tây dân chủ, tự do.

Người duy nhất ông Obama không gặp là Sa Hoàng Putin. Ông Obama không nói “Tôi không tin ông ấy” (đối lại với khẳng định của Tổng thống Trump: “Tôi tin ông ấy”), nhưng rõ ràng khi ông Putin đã quyết định ra tranh cử để tiếp tục làm tổng thống nước Nga đến năm 2024 (tính đến năm đó, ông Putin đã ở trong Điện Cẩm Linh tới 24 năm), thì không có cách nào cho ông Obama nói chuyện được với Putin mà có sự đồng cảm. Chuyện rành rành mà ai cũng thấy trừ ông Trump là Putin chủ trương phá nền dân chủ các nước phương tây – những người lãnh đạo ở Anh, ở Đức… đã nói lên điều này, trừ ra ông Trump. Cuộc điều tra về sự can dự, phá hoại của Nga vào bầu cử tồng thống Mỹ năm ngoái dường như đang đến hồi kết cuộc, và bao nhiêu câu hỏi mà ông Trump cố tránh trả lời đang dồn dập và ông không thể nói mãi “Tôi đã bao không là không”. Nói đến ông Trump ở đầu này, làm sao có thể lơ được ông Putin ở đầu kia. Chuyến đi này của ông Obama chính là nhằm kêu gọi sự cảnh giác với cái trật tự thế giới mà hai ông Putin và Trump đang muốn có, tuy có khác nhau ở hình dạng, nhưng hai người vẫn sẵn sàng lập nên một trục để tiếp tay nhau.

Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói đúng về ông Obama: “Cậu còn trẻ”. Có nghĩa là tương lai vẫn còn mở (rộng) trước mặt đối với một người có một quá khứ dày đặc, buồn nhiều hơn vui (như ta hiểu được qua những hồi ký ông ghi lại cùng những lá thư đầy day dứt ông viết khi còn là sinh viên cho một người bạn gái) trong một quá trình khắc khoải tìm kiếm nhân dạng theo một khảo hướng tiếp cận với cộng đồng, với xã hội, và một hiện tại cũng không ngừng hoạt động để cho sự hiện hữu của mình có ý nghĩa, được nhìn nhận. Ông Obama hẳn phải là một trong số ít những tổng thống trẻ nhất khi rời Tòa Bạch Ốc. Đương nhiên phải trẻ hơn tất cả những người chúng ta đã biết sau Đệ nhị Thế chiến: Franklin Roosevelt, Harry Truman, Dwight Eisenhower, Lyndon Johnson, Richard Nixon, Gerard Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, George H.W. Bush, Bill Clinton, George W. Bush (Chỉ trừ John Kennedy bị ám sát khi đương nhiệm). Vì thế ông Obama khó thể rửa tay gác kiếm như nhiều người khác. Một đàng vì ông còn trẻ quá. Một đàng khác vì di sản của ông, do hoàn cảnh lịch sử của thời hậu Chiến tranh lạnh, đã quá phức tạp nặng nề và nay đang thêm rối rắm vì sự phá hoại bên trong.

Chúng ta cũng hiểu rằng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người thời nay đang lâm cơn tuyệt vọng và có những lập luận điên khùng. Ví dụ như một số phần tử cực tả nay cho rằng phải bắt giữ ông Obama vì tội đã cho “nghe lén” ông Trump trong cuộc điều tra về việc người của ông Trump thông đồng với người Nga trong vận động tranh cử tổng thống. Rồi mới đây, Lou Dobbs, người dẫn một chương trình hội thoại của Fox News, cho rằng các viên chức công lực  phải theo dõi và bắt giam ông Obama về tội “một tổng thống nói xấu một tổng thống đương nhiệm” chỉ vì tại Ấn Độ, ông Obama phát biểu: “Phải suy nghĩ truớc khi nói, phải suy nghĩ trước khi tweet”. Chúng ta chỉ cần nhắc lại rằng ông Trump từng tweet: “Tổng thống Obama sẽ đi vào lịch sử Mỹ có lẽ là một tổng thống tồi tệ nhất của nước Mỹ”. Donald Trump vẫn được tiếng là người không đọc. Nên ông không biết các sử gia nhìn ông Obama như thế nào. Thật ra, trong một thăm dò mà 91 sử gia về Tòa Bạch Ốc tham dự, được tiến hành vào tháng hai năm nay, Tổng thống thứ 44 Barack Obama được xếp hạng thứ 12 (Lincoln 1, Washington 2, F. Roosevelt 3, T. Roosevelt 4, Eisenhower 5, Truman 6, Jefferson 7, Kennedy 8, Reagan 9, Johnson 10, Wilson 11). Một thăm dò chỉ mới đây cũng cho thấy, tổng thống thứ 45 được xếp hạng 45!
Cũng rất đông người như chúng ta cũng có nỗi tuyệt vọng khác, khi nghĩ đến có thể làm được gì để chấn chỉnh cái hỏng của nền dân chủ hiện nay. Chẳng lẽ hỏi tức là trả lời?
Ông Obama đã tím cách trả lời bằng hành động. Ngày thứ sáu 8-12, nói chuyện trước diễn đàn Câu lạc bộ Kinh tế Chicago, ông cảnh báo một hiểm họa “phát xít, quốc xã’ khắp nơi nếu “chúng ta không biết chăm bón cho khu vườn dân chủ đang khô hạn hiện nay”, và nhấn mạnh bắt đầu là trách nhiệm của cử tri. Một ngày trước khi có bầu cử ở Alabama, ông đã mở “điện thoại tự động” (robocall) nói thẳng, kêu gọi cử tri Alabama hãy bỏ phiếu cho ông Jones. “Cuộc bầu cử này là nghiêm trọng. Quí vị không thể ngồi ngoài”. Đến hơn 30% người đi bỏ phiếu là người da đen. Ông Trump đương nhiên có nhiều lý do thêm hận thù Obama!
Nhưng cuối cùng, có lẽ chúng ta phải tin tưởng ở những cơ duyên. Chẳng phải tự nhiên mà một già một trẻ gặp nhau. Người chân trời người góc biển. Người Phật giáo không tin có Chúa ở trên trời, người Thiên Chúa giáo. Một người Mỹ, một người Tây Tạng. Có lẽ vì ông Obama cảm thấy có ánh sáng nơi lời nhắn nhủ: là con người, ai cũng mong được hiện hữu qua sự nhìn nhận của xã hội. Chúng ta cần trải tấm lòng với nhau thay vì phủ nhận nhau. Và chúng ta cần nhìn tới trước. Đó là những chân lý cơ bản để làm khởi điểm cho hành trình đi tìm hướng hành động.
Tất cả những thay đổi thường bắt đầu từ những cơ duyên như thế.
Thi Phương

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top