Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên: PHƯỚC BẤT TRÙNG LAI

Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên

PHƯỚC BẤT TRÙNG LAI
https://lh3.googleusercontent.com/-zp8jXOaIs0U/X6cgQusvXNI/AAAAAAAAIuA/x8LgR11DMA83mzjXtCx21VdTbpMuYCD6wCK8BGAsYHg/s512/2020-11-07.png

https://lh3.googleusercontent.com/-393-fC6xRms/X6i5ppHB-hI/AAAAAAAAIuw/pGfEo_NguOckmBoQ2M6ozXc67yU655-9QCK8BGAsYHg/s512/2020-11-08.png
Người sớm trở thành ma quỷ

Những ngày sau bầu cử 3-11 chắc chắn sẽ không thể nào quên được đối với dân Mỹ.  Đó là những ngày người ta có thể  biết chắc lịch sử đã sang trang, tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ sẽ là ai. Cũng là những ngày mà đại dịch đã đạt đến một kỷ lục mới, mở ra một chương mới khiến cho người ta càng thêm mất ăn mất ngủ. Dĩ nhiên không có Tổng thống Donald Trump trong số những người này, mặc dù lẽ ra ông phải là người mất ăn mất ngủ nhiều nhất khi xét đến trách nhiệm là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, và trách nhiệm cụ thể của ông trong việc để cho COVID-19 bùng phát hết đợt 1 đầu tháng ba đến đợt 2 hiện nay.

       Đương nhiên, coronavirus phải là mối lo hàng đầu của người dân hiện nay - thực ra, đó cũng là mối lo hàng đầu của hơn 7.5 tỷ người trên toàn cầu. Cho đến nay, trên toàn thế giới có gần 50 triệu ca, 1.240.000 người chết. Hay cứ 40 người bệnh thì một người thiệt mạng. Riêng nước Mỹ, sau hơn tám tháng, Mỹ đã có xấp xỉ 10 triệu ca nhiễm, và số người chết khoảng 250.000 người. Tỷ lệ người chết/người bệnh ở Mỹ cũng tương đương với thế giới.  Tính trung bình ở Mỹ, hơn 38.000 trường hợp nhiễm, hơn 940 người chết một ngày, đang dẫn đầu toàn cầu một cách an toàn – không sợ những nước xếp hàng sau như Ấn Độ, Brazil, Nga, Pháp...  qua mặt. Đặc biệt ở Mỹ, cứ 100 người thì có gần 3 người nhiễm - không nước nào bắt kịp. Dân số nước Mỹ chỉ bằng 4% dân số thế giới, nhưng số ca nhiễm ở Mỹ tương đương với 20%, và số tử vong 19%. Đúng là nhờ Tổng thống Trump, Mỹ  mới có được những con số “Make America Great Again” như thế.

Thế nhưng tính đến ngày 8-11, tình hình càng trở nên tệ hại hơn bao giờ hết. Ngày 4-11, con số nhiễm nhảy vọt lên 104.004, lần đầu tiên vượt con số 100.000. Ngày 5-11 là một kỷ lục mới nữa: 116.707 – không thể tưởng tượng được! Chưa hết, ngày 6-11: 128.045 (chánh văn phòng của Trump, Mark Meadows, nằm trong danh sách này!). Và ngày 7-11: 134.377. Tính trung bình trong tuần đầu tháng 11 này, số ca nhiễm một ngày hơn 104.000! Con số tử vong hiện nay cũng trong khoảng ngàn người (987) một ngày trong mười ngày qua. Cũng trong tuần qua, trường hợp phải nhập viện đã tăng mạnh ở 38 tiểu bang, và nhiều nơi đang lâm vào tình trạng hết chỗ chứa, bệnh nhân phải nằm ra hành lang, phải dựng lều ngoài sân màn trời chiếu đất, ngay khi mùa lạnh đang ập tới!

Thế nhưng... ai cũng biết, Tổng thống Donald Trump ngay từ đầu đã biết sự tình, nhưng cũng ngay từ đầu đã quyết định dứt khoát chẳng làm gì cả, vì ông sợ cho người dân biết sự thật thì rúng động lòng dân, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Ông đặt trọng tâm vào chính trị (vận động tái tranh cử) cho nên dẹp giới khoa học qua một bên (nhóm đặc nhiệm chống COVID-19 của Tòa Bạch Ốc kể như giải tán từ tháng tư, không còn họp báo hàng ngày nữa; bác sĩ trưởng Viện Quốc gia chuyên dị ứng và bệnh gây nhiễm Anthony Fauci thì bị ông Trump gọi là “tai họa” và “ngu xuẩn” (theo cách ăn nóibạt mạng, bất kể văn minh, lịch sự của ông). Ông Trump tuyên bố đại dịch coronavirus như một loại cảm cúm thông thường, không chết người như cúm H1N1 mấy năm trước “dưới thời Obama” (theo lời ông). Người chết thì ông nói ngưòi già phải tới số chết. Người trẻ bị nhiễm thì ông nói “tốt” – theo thuyết “âm mưu” của ông: người mắc bệnh càng nhiều thì sẽ sớm tiến đến giai đoạn miễn nhiễm tập thể (herd immunity). Là người lãnh đạo cao nhất, ông chỉ một lần nói: “Đeo mạng là yêu nước”, nhưng bao giờ cũng làm gương về chuyện không đeo mạng, không cách ly, cứ tụ họp đông người. Nhũng cuộc tập họp tranh cử của ông có đến hàng ngàn người không mang mạng chen chúc tham dự. Ông cứ nói coronavirus là một đại dịch toàn cầu, đâu cũng có, Mỹ không thể làm gì khác hơn! Đại dịch đang tới khúc quanh, mọi con số đang đi xuống, rồi sẽ tự nhiên biến mất! Cứ yên chí, “vài tuần” nữa sẽ có vaccine, rồi sẽ yên ổn cả!

Bởi vậy, trong những ngày bầu cử căng thẳng đầu tháng 11 này, đặc biệt những người cao niên tiếp nhận hung tín về đại dịch với lo sợ và mỏi mệt. Lo sợ vì chẳng biết với 80% nạn nhân của coronavirus là người trên 65 thì bao giờ tới phiên mình, mệt mỏi vì không biết phải làm gì và cũng chẳng trông mong được gì ở người lãnh đạo đất nước tán tận lương tâm, vốn chủ trương bỏ luống, và nay càng có lý do để bỏ luống.

Vì thế, người ta nói có lẽ cử tri không cần xét gì đến những chính sách đối nội  về di dân, bảo hiểm y tế, bạo lực súng đạn, lạm dụng ngân sách, phân biệt chủng tộc... Cũng không cần nhìn đến trật tự quốc tế đảo điên, hỗn loạn theo hướng Putin đứng sau lưng xếp đặt. Và cũng chẳng cần đọc lời cảnh báo nghiêm trọng mới đây của người cháu: Giới khoa học tâm thần phải can đảm nhận lãnh trách nhiệm giám định ông chú nguy hiểm của tôi...  Chỉ cần nhìn đến đại nạn COVID-19 cũng có thể biết cử tri sẽ nên bỏ phiếu cho ai.

Ngày 30-10, tạp chí The Economist của nước Anh đã có một bài xã luận rất hàm xúc, nói rõ và đơn giản lý do vì sao họ sẽ bỏ phiếu cho ông Biden nếu được bỏ phiếu.

“Đất nước Hoa Kỳ từng bầu cho Donald Trump năm 2016 là một đất nước bất mãn và phân hóa. Đất nước ông đang yêu cầu bầu cho ông lần nữa nay đang bất mãn hơn, phân hóa hơn. Sau gần bốn năm dưới sự lãnh đạo của ông, chính trị càng thêm phẫn nộ, và phân hóa đảng phái càng không tự chế. Đời sống hàng ngày thêm điêu đứng vì đại dịch, đã khiến hơn 230.000 người chết, trong khi người ta cứ cãi cọ, đổ lỗi cho nhau và nói dối. Phần lớn những chuyện này là do Trump làm ra, và nếu ông thắng vào ngày 3-11 tới đây, ông sẽ tiếp tục cách làm đó”.

“Ông Joe Biden hoàn toàn ngược lại Trump. Joe Biden không có phép mầu gì để chữa trị  nước Mỹ. Nhưng ông là người tốt, sẽ tái lập sự bình tâm và văn hóa cho nước Mỹ. Ông được trang bị để bắt đầu một công việc lâu dài và khó khăn, là kết hợp lại một đất nước đã rệu rã. Không chắc ông sẽ thành công. Khó lắm. Nhưng ông sẽ vào Tòa Bạch Ốc, hứa hẹn món quà quí giá nhất mà những chế độ dân chủ có thể ban phát: sự khôi phục ”.

Tuần báo nước Anh này đã nói thay cho người dân Mỹ. Nhưng chưa nói hết. “Ngu dân” là một dã tâm có tính tội ác của Donald Trump ngay từ đầu, vì ông ta đã thành công trong chủ trương đó trong kinh doanh và trong gia đình. “Bất nhân” là sự phản bội người dân lớn nhất như chúng ta đã thấy – không chỉ qua đại dịch COVID-19 hiện nay, mà cách ông xem sinh mạng con người. Từ sinh mạng người lính Mỹ từ các cuộc chiến cho Thế giới Tự do trước đây đến các cuộc chiến gìn giữ trật tự thế giới ngày nay (gọi những người tử trận trong thế chiến, trong chiến tranh Việt Nam... là “losers”, “suckers”...), đến những người chết vì bạo lực súng đạn từ gia đình đến trường học và đường phố, trong đó sự lạm dụng quyền lực của cảnh sát nay đúng là vấn đề.  

Cũng lạ là không ít người Việt, trong nước cũng như tại Mỹ... vẫn “ái mộ nồng nhiệt” (tránh dùng chữ “cuồng”) một ông tổng thống Mỹ từng trốn lính vì “sưng gót chân” (bone spur) và vô kiến thức về chính trị và lịch sử đến mức dám nói “I was never a fan of that war”. Vấn đề không chỉ ở chỗ ông này vẫn không hiểu được cuộc chiến Việt Nam đã đẩy lui hiểm họa cộng sản bành trướng ở Đông Nam Á. Vấn đề còn ở chỗ chúng ta phải đặt câu hỏi về “nhân dạng” và tâm thần của những người Việt “yêu nước”, “ủng hộ Trump vì Trump chống Trung Quốc” này!

Sáng thứ bảy 7-11, bốn ngày sau khi bầu cử kết thúc, những kết quả dự phóng được giới truyền thông chính lưu đưa ra hàng loạt, từ CNN, New York Times, USA Today, Washington Post, Fox News... đến bên  ngoài như BBC, RFI... Thậm chí Thủ tướng Anh Boris Johnson là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện thoại chúc mừng tân tổng thống Mỹ Joe Biden và mong rằng lãnh đạo hai nước sẽ hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Đúng là cả “chục triệu người vui, chục triệu người buồn”. Người vui vì điều họ mong đợi ngày đêm cuối cùng đã thành sự thật, người ta bỗng dưng thấy một cảnh tượng tươi sáng trước mắt. Còn người buồn là vì điều họ lo sợ bấy lâu, nay đã thành sự thật – một nỗi tuyệt vọng họ chưa từng biết trong bốn năm qua khi “thần tượng” của họ bị sụp đổ.

Trước bầu cử, theo lý luận thông thường, ông Joe Biden phải thắng. Mọi thăm dò trong 2-3 tháng qua hầu như đều có kết luận giống nhau: ông Biden sẽ thắng, thậm chí thắng áp đảo. Nhiều người vận lo sợ, nhắc rằng năm 2016 bà Clinton dễ ngươi mà mất mạng, cho nên coi chừng những dự đoán quá lạc quan sẽ khiến một số cử tri Dân Chủ ở những tiểu bang “tranh chấp” sẽ không đi bỏ phiếu, trong khi cử tri “cuồng Trump” càng đổ xô đến phòng phiếu, vừa tăng số phiếu cho Trump vừa tìm cách ngăn chận người khác. Sự thật thì cả hai bên đều cảnh giác, ra sức bỏ phiếu, cho nên bầu cử tổng thống năm nay đạt số phiếu cao kỷ lục – có đến 145 triệu theo tính toán sơ khởi, so với lần bầu cử trước khoảng 127 triệu.
Tại sao người ta tính rằng Joe Biden phải thắng? Đơn giản: ở những nơi tranh chấp, những cử tri “Anyone But Hillary” không còn nữa, trong khi với thành tích lãnh đạo coronavirus và tư cách “chân chính” mà ông Trump đã không sợ phơi bày trong nhiệm kỳ đầu, số cử tri “Never Trump”  ngày càng đông.

Người ta còn tính sẽ có những thành phần dứt khoát không bỏ phiếu cho Trump: phụ nữ (vì ông đã quá thừa), giới trẻ (còn sáng mắt hơn người già), người da đen (chẳng ai tin ông nói “Chưa có tổng thống nào lo cho người da đen hơn tôi - trừ Lincoln”), người Latino (mặc dù ông chỉ mướn người Latino, di dân bất hợp pháp càng tốt, ở trung tâm giải trí Mar-a-Lego - vừa trả lương thấp, vửa không phải lo phúc lợi cho họ). Thậm chí giới quan sát chính trị còn nói người già năm nay sẽ không bỏ phiếu cho ông nữa. Ông có biết đến cảnh ngộ người già trong đại dịch khủng khiếp hiện nay đâu? Theo giới phân tích, khối cử tri của ông Trump sẽ không thay đổi, khoảng 35-40% số cử tri đi bầu: ngưởi da trắng ít học hay sức học trung bình, trung lưu công nhân hay nông dân ở những khu vực ngoại ô hay nông thôn, cảm thấy bất an với vấn đề chủng tộc và muốn phục hưng quyền lực chính trị và xã hội của người da trắng “siêu đẳng” (white supremacists).

Thế nhưng những kết quả ban đầu ghi nhận được vào giữa đêm ngày bầu cử, rạng sáng ngày 4-11, làm cho nhiều người đứng ngồi không yên. Khoảng nửa đêm, Tổng thống Trump đã tập họp một đám gia nô cả 400 người để tuyên bố chiến thắng - mặc dù cho đến giờ phút đó ông chỉ mới được 214 phiếu cử tri đoàn (số phiếu cần thiết là 270), mới thắng ở hai tiểu bang chiến lược Florida (29 phiếu) và Ohio (18 phiếu), còn cả loạt tiểu bang tranh chấp chưa có kết quả (Pennsylvania 20, Wisconsin 10, Michigan 16, Arizona 11, North Carolina 15, Georgia 16, Nevada 6). Biden lúc đó đã được 223 phiếu, nếu thắng ở Florida và Ohio thì coi như xong. Nhưng Florida và Ohio là hai tiểu bang Cộng Hòa mà bà Clinton đã thua. Trong năm 2016 ông Trump đã thắng ở PA, Mic, Wis, nhưng đó vẫn là những tiểu bang Dân Chủ. North Carolina, Arizona và Georgia là Cộng Hòa. Nevada cũng Dân Chủ. Cho nên, tính toán bắt đầu phức tạp, không đơn giản như ông Trump nghĩ. Câu hỏi đặt ra là tại sao Trump loan báo thắng cử vừa sớm sủa, vừa không căn cứ (bịa đặt)? Câu trả lời: làm cho những nạn nhân chính sách “ngu dân” tưởng thật, cho nên mọi kết quả sau này ngược lại sẽ bị coi là “gian lận”.

Tuy nhiên, lúc ban đầu người ta cũng nghi ngờ những cuộc thăm dò trong thời gian qua, nhất là trước hai sự thật hiển nhiên: trong bầu cử Thượng Viện, phía Dân Chủ không đại thắng như tính toán của CNN, khó lòng giành được thế đa số 53-47 hay 52-48; trong bầu cử Hạ Viện, mặc dù Dân Chủ còn duy trì thế đa số, nhưng đang mất ít nhất năm ghế. Phải chăng thăm dò đã không tính được có thêm người da trắng bất bình vì phong trào Black Lives Matter mà chuyển qua dồn phiếu cho ông Trump?  Giới phân tích chính trị gọi đó là hiện tượng “xuất huyết” của cử tri da trắng trong đảng Dân Chủ, không chỉ vì câu chuyện không ưa và sợ người da đen mà có thể vì một số chính sách về phúc lợi mà người Cộng Hòa thich tố cáo là “xã hội chủ nghĩa”. Thậm chí ông Trump nay gọi người Dân Chủ là cộng sản!

“Hiện tượng” người Latino tại Texas và Florida ủng hộ ông Trump cũng cần được để ý. Người Cuba (Latino) ở Florida vẫn chạy theo Cộng Hòa vì cho rằng Dân Chủ thỏa hiệp với chế độ Cuba cộng sản. Họ cho rằng Fidel Castro lên được là vì Tổng thống Kennedy thời đó nhát - mặc dù sau đó thì ông đã cứng rắn với cả Cuba và Nga trong cuộc khủng hoảng Vịnh Cuba năm 1962! Chúng ta cũng biết Tổng thống Obama chủ trương hòa hiếu với chế độ Cuba hiện nay, nhưng ông Trump đã đảo ngược hoàn toàn chính sách đó trong vài năm qua – đương nhiên người Cuba ở Florida phải hả dạ. Trong khi đó, người Latino tại Texas vẫn xem người da đen là một lực lượng chủng tộc tranh chấp. Họ cho rằng người Dân Chủ “ve vãn” người da đen quá mức mà bỏ quên người “da nâu”. Bằng chứng là Tổng thống Trump đi xin phiếu của người Latino, ông Biden thì không! Đó là lý do mà đảng Dân Chủ không thể nắm được tiểu bang Texas đất rộng, người đông này (38 phiếu cử tri đoàn). Và cũng nên nhớ dân số Latino trên nước Mỹ đạt đến tỷ lệ 18%, dân số da đen chỉ vào khoảng 13% (Dân số Mỹ: khoảng 330 triệu hiện nay).

Chúng ta cũng có thể kết luận: lá phiếu bầu tổng thống không nhất thiết phải “đồng dạng” với lá phiếu địa phương bầu dân biểu hay thượng nghị sĩ. Năm 2016, cử tri Dân Chủ có thể chán bà Clinton mà bỏ cho ông Trump, nhưng sẽ không vì thế mà bỏ phiếu cho một ứng cử viên dân biểu hay thượng nghị sĩ Cộng Hòa. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể nghĩ các thượng nghị sĩ Cộng Hòa Mitch McConnell hay Lindsey Graham... dơ quá, nhưng họ vẫn tái đắc cử dễ dàng. Hay bà Susan Collins ở Maine người Cộng Hòa cũng chẳng hề hấn gì dù bà chống ông Trump!

Sáng 4-11, ông Biden kêu gọi mọi người bình tâm chờ đợi. Sáng thứ năm, Biden thắng ở Hawaai (4), Wisconsin (10), và Michigan (16), được thêm 30 phiếu cử tri đoàn (253). Trump hết ảo vọng hai tiểu bang Dân Chủ Wisconsin và Michigan lại theo ông lần nữa. Ông bắt đầu kêu gào “gian lận, gian lận” - như một người điên có tật kêu la “cháy nhà, cháy nhà”. Ông Biden đã được 253 phiếu. Sáng 7-11, tình thế ở Pennsylvania đảo ngược hoàn toàn và ngã ngũ. Trump không còn dẫn, và nay bị dẫn ở mức đến. Biden có thêm 20 phiếu nữa. Cùng lúc Nevada hoàn thành đếm phiếu. Biden thắng luôn ở đây. Ông đã được 279 phiếu, qua mức 270 cần thiết, nhưng chưa ngừng ở đó: ông chắc thắng ở Arizona (11) và cả Georgia (16). Hầu như chắc chắn ông sẽ được 306 phiếu cử tri đoàn – con số mà Trump từng thắng “Crooked Hillary” năm 2016. Người thì nói quả báo! Kẻ thì bảo “Tiền Trump Hậu Kiết (Biden)”!
 
Chúng ta cần biết thêm gì nữa?
       Cựu Tổng thống George W. Bush đã gọi điện chúc mừng, và cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Mitt Romney cũng lên tiếng kêu gọi dân Mỹ sẵn sàng đứng sau lưng tân tổng thống mới. Ông phản bác quan điểm “có bầu cử gian lận” mà Tổng thống Trump đang theo đuổi và được sự ủng hộ của hai thượng nghị sĩ Lindsey Graham (South Carolina) và Ted Cruz (Texas). Ngay trước bầu cử, Trump đã kêu gào “bầu cử gian lận”. Ông thắng bà Clinton năm 2016, ông cũng nói nếu không có bầu cử gian lận, ông đã thắng số phiếu phổ thông mặc dù ông Trump thua bà Hillary 3 triệu phiếu. Mặc cả, kỳ kèo, lì lợm... đến cùng là thủ thuật kinh doanh của một “thiên tài rất ổn định”, thủ thuật vay nợ ngân hàng không trả, thủ thuật chạy thuế, trốn thuế của ông. Cho nên ông sẽ “tranh đấu” đến cùng, tạm gác chuyện COVID-19 qua một bên như trước đây. Ông có tên đầu xỏ Rudy Giuliani trong chiến dịch khủng bố, phá hoại kết quả bầu cử. Sự phá hoại này sẽ không chỉ trong tranh tụng pháp lý (kiện tụng) mà còn có thể diễn ra trên đường phố trên một đất nước mà chuyện mang súng M16 trên đường phố là quyền tối thượng của con người “văn minh”!
Donald Trump được hai người con trai vô lại ủng hộ, xúi giục cha kiện đến cùng. Hai ông con này còn lên tiếng sỉ nhục những người Cộng Hòa đã im lặng không lên tiếng ủng hộ cha. Nhưng cũng có tin Jared Kushner, chàng rể, và Melania Trump, đệ nhất phu nhân, lại khuyên Donald rút lui êm thắm để giữ gìn mày mặt và bảo vệ việc kinh doanh của đại gia đình. Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Trump, tin rằng việc chuyển giao quyền lực sẽ êm thắm. Lại cũng có tin hai cậu con quí tử, Donald và Eric, “đe dọa” sẽ ra tranh cử năm 2024. Rồi cũng có tin từ cựu chánh văn phòng Mick Mulvaney của Trump là ông Donald Trump sẽ ra tranh cử trở lại năm 2024, khi ông chỉ mới 78, nghị lực còn “sung”, và sức khỏe chỉ có vấn đề “obesity – mập phì”. Trong khi đó, ai cũng biết Ivanka Trump, con gái rượu của ông, cũng muốn là nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Không lẽ trong cùng một gia đình mà có đến bốn người đều ra tranh cử tổng thống. Chỉ nhắm làm cho đảng Cộng Hòa đã điên trong bốn năm qua nay sẽ điên hơn bốn năm tới.
      
Một người điên rõ rệt là Steve Bannon, cựu cố vấn thân cận nhất của Donald Trump. Ông ta phải thôi chức cố vấn cho Trump từ năm 2018 sau khi bị điều tra về tội ăn chận tiền tranh cử. Nhưng Bannon, người có mạng tin giả Breibart mà một số người vẫn tin, vẫn là người “tâm huyết” nhất của Trump. Ngày thứ sáu, 6-11, ông ta đưa ra ý kiến phải xử tội những người phá Trump trong bầu cử, đòi “cắt cổ, bêu đầu” bác sĩ Fauci (chuyên gia hàng đầu chống đại dịch), và giám đốc FBI Christopher Wray: Fauci về tội làm cho dân Mỹ sợ corona không bỏ phiếu cho ông Trump, Wray (được Trump bổ nhiệm) về tội không điều tra Biden trong bầu cử.


Tuy nhiên, có hai bước phát triển khiến chúng ta có thể nức lòng.
Thứ nhất, mặc dù chưa có kết quả bầu cử chính thức, lãnh đạo các nước lớn nhỏ trên thế giới (Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada, Iran...) tấp nập gởi điện văn chúc mừng tân tông thống của Hoa Kỳ và bày tỏ sự mong đợi hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ. Người ta có cảm tưỏng thế giới nay đang mở rộng vòng tay tiếp đón sự trở lại của đứa con lưu lạc (The return of the prodigal). Người ta mong đợi trật tự quốc tế sẽ được vãn hồi và Mỹ sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới như trước đây. Chỉ có hai người đang còn lưỡng lự, chưa lên tiếng: Tập Cận Bình và Putin. Đương nhiên, còn có cả Kim Jong-un - người bạn đáng tin cậy của Tổng thống Trump bấy lâu nay.

Thứ hai, giới truyền thông chính lưu đã thay mặt toàn dân nói lên sự mừng vui có tính cách “thở ra nhẹ nhõm” (sigh of relief). Đất nước đã có thể trở lại sự bình an, bình tâm, đã có thể tập trung vào việc chống đại dịch, đã có thể dồn sức lo cho những thành phần người dân đang gặp khó khăn, khủng hoảng kinh tế... Nước Mỹ nay có một lãnh đạo mới cam kết tìm cách tạo sự đoàn kết, thỏa hiệp, hợp tác, chống lại sự ghét bỏ, đố kỵ, thù hận, phân hóa đảng phái, phân hóa chủng tộc - một nguy cơ nội chiến đêm ngày như trong bốn năm qua.

Đương nhiên, mọi chuyện trước mắt khó khăn, phức tạp nhiều hơn dễ dàng, hanh thông. Nếu trời xanh không có mắt, đảng Cộng Hòa giữ được đa số ở Thượng Viện, Mitch McConnell, nay đã qua 79, vẫn mãi mê với sứ mạng lịch sử của mình, Joe Biden với tuổi già gần 80, chắc chắn càng thêm mất ngủ. Ông sẽ làm được gì trước những bài toán đều nan giải: COVID-19, kinh tế suy thoái, xã hội bất bình đẳng, phân hóa chủng tộc...

Dù sao, có niềm tin rằng với sự khôi phục, trổi dậy của nền dân chủ Mỹ, ông Trump sẽ có nhiều lý do để lo lắng, đứng ngồi không yên, không dám tweet mỗi buổi sáng nữa, không chỉ vì ông sẽ không gian lận nổi kết quả bầu cử, mà ông còn phải đứng trước vành móng ngựa trả lời cho bao nhiêu tranh tụng pháp lý mà ông là bị cáo.  Một tương lai “xứng đáng” đang chờ đón ‘vị thiên sứ nhà Trời!
Hoàng Ngọc Nguyên

Tái Bút: Hãy xem cách Donald Trump giải nhiệm Mark Esper, bộ trưởng quốc phòng. Bởi vì Trump bổ nhiệm Esper, sau khi “đuổi” Tướng James Mattis vì trái ý ông, cho nên Trump cũng nghĩ mình có quyền đuổi Esper vì trái ý ông trong việc ông muốn bố trí quân đội giải tán biểu tình của người da đen. Mặc dù lý do không “chính đáng”, nhưng cho nghỉ việc là quyền của ông, và ông vẫn chủ trương là tổng thống thì ông tha hồ lạm quyền (ngay cả bắn chết người trên đường phố New Yorkrk). Nhưng hãy xem cái tweet của ông: “Tôi hài lòng thông báo Christopher C. Miller, ông giám đốc được kính trọng của Trung tâm Quốc gia chống khủng bố (Thượng Viện hoàn toàn ủng hộ), sẽ là Quyền Bộ trưởng Quốc phòng, có hiệu lực tức thì. Chris sẽ làm nhiệm vụ xuất chúng. Mark Esper đã được ngưng chức. Tôi cám ơn ông ta”.
Một tổng thống như thế xứng đáng bị  “bầu cử gian lận” truất phế! Cuộc bầu cử vừa qua có thể xem như một cuộc cách mạng lật đổ một bạo chúa, thời xưa như Neron, thời nay như Sukarno, Marcos, Pinochet chẳng hạn.
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top