Ông Trump và dự luật “giảm thuế” cho nhà giầu
Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên
Dự luật “giảm thuế” của Tổng thống Donald Trump, mà thực chất chỉ nhằm làm cho người giàu thêm giàu, chính phủ liên bang đã nợ thêm nợ.
Tổng thống Trump chống cộng nhưng chỉ thân được với các lãnh tụ cộng sản: từ trái qua phải: Putin (Nga), Trump, Trần Đại Quang (Việt cộng) và Tập Cận Bình (Trung Cộng) (Ảnh Asean 2017)
Năm 2017, năm nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, dân Hoa Kỳ tưởng rằng vẫn còn một số người Cộng Hòa tại Thượng Viện sẽ “làm lịch sử” khi họ chống lại một dự luật “giảm thuế” của Tổng thống Donald Trump, mà thực chất chỉ nhằm làm cho người giàu thêm giàu, chính phủ liên bang đã nợ thêm nợ. Nhưng rốt cuộc, đâu lại vào đấy, 52 Thượng nghị sĩ Cộng Hòa đúng ngày đầu tháng 12, 2017 đã bỏ phiếu thông qua luật này, chỉ trừ một người còn liêm sĩ. Bao huyền thoại về “12 angry men” (một phim nổi tiếng đúng 60 năm trước về 12 thành viên trong một bồi thẩm đoàn của một vụ án sát nhân vì bảo vệ công lý đã không kết luận dễ dàng trước câu hỏi “guilty or not guilty”) trong đảng Cộng Hòa mà dân Hoa Kỳ kỳ vọng đã sớm tan thành mây khói. Nội dung “lòng tham không đáy” của luật “giảm thuế” này cùng cách thông qua “thiếu liêm chính” (vô lại) của những người Cộng Hòa tại Thượng Viện làm cho người dân có đủ lý do lo ngại về nền dân chủ của Mỹ.
Còn ngoài nước, sau chuyến Tây Du tháng năm và Đông Du tháng 11/2017, Tổng thống Trump đã cho thấy đủ kiến thức “rất giới hạn” của ngài về trật tự thế giới là gì, trật tự quốc tế ngày nay ra sao, đang đe dọa hòa bình và ổn định thế giới như thế nào, và trong bối cảnh đó, chiến lược quốc tế, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ phải nhắm những mục tiêu tối thượng nào. Nhưng dường như ông vẫn nghĩ rằng phô diễn như thế chưa đủ, cho nên mới xảy ra vụ tai tiếng trên twitter của ông với những video bài xích Hồi giáo của một tổ chức cực hữu ở Anh, Britain First, khiến cho dư luận nước Anh nói riêng, và cả châu Âu nói chung phẫn nộ. Trước những thách thức của Bắc Triều Tiên và sự “làm ngơ kỳ lạ” của Hoa của Nga, lẽ ra Hoa Kỳ phải thể hiện sức mạnh đoàn kết của khối đồng minh phương tây truyền thống của mình. Nhưng ông đang làm cho quan hệ của Mỹ với các nước Anh, Pháp, Đức… chẳng ra làm sao cả. Ông từng mơ tưởng hão huyền có thể nói cho Bắc Kinh kềm chế Bình Nhưỡng. và ông cho rằng ông Putin đáng tin (hơn những cơ quan điều tra liên bang và tình báo quốc gia). Tất cả những lạ lùng trong chính sách này có thề được hiểu qua những diễn tiến mới nhất trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái! Sau khi cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn đã nhận tội khai gian dối trong chuyện ông gặp gỡ Đại sứ Nga tại Washington D.C. sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, người ta khó thể không nghĩ rằng chính ông Trump đứng đàng sau những hoạt động “đối ngoại” này, nhất là khi một người phụ tá cho ông Flynn thời chuyển giao, bà KT McFarland, đã viết trong email “Người Nga nói họ đã làm cho ông Trump đắc cử” (Russia has just thrown the election to him”)..
Quyết định của ông Trump nhìn nhận Jerusalem, “vùng tạm chiếm” của Israel, là thủ đô của Do Thái đã nói lên tất cả về con người ông. Chúng ta sẽ ngu xuẩn nếu đơn giản xem đây là một quyết định “ngu xuẩn”. Chẳng phải cách đây tám mươi năm nhiều người vẫn ngây thơ cho rằng Hitler là kẻ ngu xuẩn? Nhưng rõ rệt đây là quyết định thâm độc, một quyết định “of choice” và đương nhiên không phải là “of necessity”. Israel được hình thành do một quyết định của Liên Hiệp Quốc năm 1948; Jerusalem, cổ thành của cà ba tôn giáo Do Thái, Thiên Chúa và Hồi giáo, được chia ra làm hai: Tây Jerusalem là phần Israel, Đông Jerusalem là của Palestine. Trong trận chiến Trung Đông năm 1967, Do Thai chiếm Đông Jerusalem, và sau đó tự dựng lên Jerusalem làm thủ đô, dù thế giới không nhìn nhận. Năm mươi năm đã trôi qua, và nay ông Trump làm quyết định lịch sử. Nay chúng ta có thể thấy trước phản ứng của Palestine và những nước A-Rập trước quyết định phá hoại này. Đây đúng là một quyết định phá hoại trật tự thế giới cũ để cùng với Nga và Trung Quốc đi tìm một trật tự thế giới mới - chỉ có điều ba ông Putin, Tập và Trump vừa dị sàng vừa dị mộng. Thế giới nay đi về đâu? Nhưng nguy hiểm không chỉ ở ông mà ở một nền dân chủ Mỹ nay đang đứng trước nguy cơ lạm dụng, băng hoại, bất lực. Cứ xem quyết định của Cộng Hòa thông qua luật “giảm thuế” và đảng Dân Chủ hoàn toàn tê liệt. Rồi quyết định Jerusalem này. Ai có ảo tưởng giáo dục Mỹ không có vân đề.
Câu chuyện dự luật giảm thuế (hay đúng hơn tăng phúc lợi quốc gia cho người giàu, giảm phúc lợi xã hội cho người nghèo) có thể tóm tắt như sau: ông Trump muốn tạo một “thành tích trời long đất lở” sau khi gần “năm hết tết đến”, mà ông làm gì cũng trật vuột, từ tiêu diệt Obamacare, xây tường Mễ, đuổi hết những người mộng mơ DACA, cấm cửa người Hồi giáo vào Mỹ… Cho nên ông muốn thúc đẩy dự luật giảm thuế này, và thúc giục người Cộng Hòa tại lưỡng viện đang nắm đa số tại đầu trên đầu dưới phải làm tới bằng bất cứ giá nào vì đây là cơ hội “ngàn năm một thuở”. Tổng thống Cộng Hòa nào cũng không cưỡng lại được dục vọng “cải cách thuế khóa”, bởi vì đây vừa là “ý thức hệ kinh tế” của đảng ta và vừa là chính sách “đấu tranh giai cấp” cũng của đảng ta. Lý thuyết kinh tế của người Cộng Hòa là “supply-side”, tức chính phủ phải tạo điều kiện cho người ta tăng sản xuất hàng hòa cung ứng cho thị trường tiêu thụ bằng cách giảm thuế cho doanh nghiệp, cho giới sản xuất, cho giới giàu có để họ sẵn sàng đầu tư thêm. Sự khơi rộng giàu nghèo chính là ở chỗ đó: giàm thuế, hay giảm thu thì chi ngân sách cũng giảm, và thiệt hại chính là những người đang nhận phúc lợi xã hội. Những người lợi tức quá kém cho nên chuyện giảm thuế chẳng dính líu gì đến họ, hay chỉ là chuyện khôi hài khi họ có thể một năm được bớt thuế vài chục, vài trăm, nhưng phải chi thêm tiền trường, tiền y tế, tiền mướn nhà… trong khi những người lợi tức hàng trăm ngàn hay hàng triệu được giảm hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn một năm… Khi nói đến các khoản thiếu hụt ngân sách vì giảm thuế, những nhà lý luận hay trấn an: Đừng lo, kinh tế tăng trưởng, người ta lại đóng thuế thêm, bù đắp thiếu hụt mấy hồi. Văn phòng Ngân sách Quốc Hội CBO (Congressional Budget Office) đã nói rằng tăng trưởng theo kế hoạch này không đủ bù đắp thiếu hụt, và tăng trưởng kinh tế chỉ là chuyện giả thuyết “nếu” – không chắc. Làm sao biết toàn cầu kinh tế biến chuyển thế nào?
Kinh nghiệm của Tổng thống Bush cha vì suy thoái mà chết giấc năm 1992; Ông Bush con còn sờ sờ ra đó: Năm 2001 và 2003, ông hai lần giảm thuế hí hửng nhơ Cộng Hòa nắm cà hai viện, sau vài năm thị trường địa ốc nổi bong bóng, người giàu nhanh chóng bốc lên, cơn Đại suy thoái (Great Recession) bùng lên vào năm 2007, thị trường nhà cửa tiêu tan, công ăn việc làm sụp đổ hàng loạt… Ông Bush ra đi năm 2008 manh giáp không còn, tan tác còn hơn Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy. Di sản này ông Obama ôm hết, như thế mới thấy sự vô ơn chính trị của người Cộng Hòa!
Cái xấu xa ghê tởm hơn nữa là người ta cố gài cho được trong dự luật này một điều khoản hủy bỏ một qui định căn bản (mandate) của Obamacare: ai cũng phải có bảo hiểm. Với lập luận điều khoản này vi phạm quyền tự do của con người trong “mua bán”, và sự nộp phạt không mua bảo hiểm là một loại “thuế” phải bỏ - nhất là đối với những người không có khả năng mua bảo hiểm! Như vậy, với những người không có khả năng mua bảo hiểm, ai đây sẽ lo cho y tế của họ? Và nếu 20-30 triệu người trẻ chẳng hạn liều không mua bảo hiểm, thì làm sao các công ty bảo hiểm cân bằng được thu chi, một khi nguyên lý của kinh doanh bảo hiểm là “lấy không chi bù chi”, thu bảo hiểm của những người khỏe mạnh để bừ đắp chi cho những người hao phí như tre em, phự nự, người già, bệnh…). Trong trường hợp đó, người ta phải tăng bào phí, tăng các khoản deductible, co-pay…
Đúng là trong tính toán ban đầu, có khoảng 12 hay ít nhất 5-6 người Cộng Hòa chống đối luật này hay không chơi với ông Trump nên đã đe dọa bỏ phiếu chống. Cộng Hòa có 52, Dân chủ có 48. Cộng Hòa có thể mất hai phiếu vì họ còn có người của giờ thứ 25: Phó Tổng thống Mike Pence. Giới truyền thông chính lưu chỉ có một cái lỗi trong tiên đoán sai lầm: họ có thể không nhìn sai người nhưng không sát thời thế của chủ nghĩa bộ lạc. Người ta tưởng rằng có thể kiếm ra ba “người hiền” trong số các ông bà John McCain, Jeff Flake, Bob Corker, Ben Johnson, Susan Collins, Lisa Murkowski, Marco Rubio, Rand Paul, Lindsey Graham…nhưng rồi chỉ trừ ông Corker, tất cả đều phản thùng. Những ông thượng nghị sĩ chuyên nghề chào hàng (lobbyist, vận động hành lang) như Chủ tịch Mitch McConnell, Orrin Hatch vô sĩ ở Utah đã đến với từng người “đối kháng” vừa dụ vừa dọa, đưa cho mấy ông bà cây bút bảo muốn sửa gì cứ sửa, thêm gì cứ thêm, miễn chút nữa đưa tay nói “Aye” là được. Dư luật này có đến 500 trang, chưa có ai có đủ thời giờ đọc, cho nên người ta thêm vào cho đúng ý mình, không cần biết những đoạn khác có phù hợp, nhất quán hay không. Như thế ai cũng hài lòng, lương tâm yên ổn, bất kể điều mình thêm vào có mâu thuẫn với những điều khác hay không và do đó khả thi hay không. Người ta nói ràng vì dự luật được “hiệu đính” tại chỗ bằng bút nguyên tử, cho nên bản cuối cùng đưa ra biểu quyết vào khoảng 3 giờ sáng 2-12 mắt nhắm mắt mở cũng nhiều đoạn có toàn chữ viết tay. Bên đảng Dân Chủ yêu cầu có thì giờ thảo luận thêm, người ta cũng bác. Họ yêu cầu có thêm thì giờ đọc và sửa chữa, bên Cộng Hòa cũng bác. Đúng là độc tài đảng trị dân chủ. Vá họ thưc hiện được điều mà người ta nói : một dự luật thông qua chỉ cần một bên đồng ý.
Và nay là lúc người ta có thể nhìn đến tấn kịch chính trị tiếp theo: Thượng Viện của người Cộng Hòa rồi phải thảo luận về cắt giảm phúc lợi xã hội, Medicare, Medicaid, CHIP (y tế trẻ em), để làm giảm thiếu hụt ngân sách.
Đó là món quà Giáng Sinh mà ông Trump đã hứa cho người dân trong tháng 12 này!
Nhưng món quà lớn hơn mà ông đang gói ghém cho không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới là trât tự thế giới mới mà ông đang muốn là người đao diễn với mot “scenario” có thể kinh hoang nhất trong lịh sữ đất nưóc này và cả thế giới này.
Ông có lẽ hiểu được những vấn đề sơ đẳng. Sau khi khối Cộng Sản Quốc tế sụp đổ vào năm 1990, thế giới hiện nay vẫn chưa có một một trật tự mới. Và đây là một thách đố rất bức bách (bức bách, không phải “bức xúc”) đang đặt ra với lãnh đạo Mỹ, có lẽ lớn hơn bất cứ vấn đề nào khác trong nước, bởi vì hàng ngày chúng ta vẫn được nhắc nhở dưới cách này hay cách khác Liên bang Nga, Trung Quốc và các thế lực Hồi giáo… đang muốn cho trật tự thế giới này biến hình, biến dạng theo sắp xếp đầy tham vọng của họ: Nga thì muốn tái lập đế chế Sa hoàng lan rộng khắp Đông Âu, Địa Trung Hài và lan xuống Trung Đông; Trung Quốc thì tái lập thiên triều mà các nướ Đông Á, Đông Nam Á, Trung Á đều phải thần phục, và Hồi giáo muốn chứng tỏ sức mạnh của một tôn giáo chiếm đến 23% dân số thế giới. Khi trât tự thế giới này đang rơi vào sự xáo trộn, Hoa Kỳ phải đối diện với một thực tế là nói không ai nghe, không có bất cứ đại cường nào đang cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ đi theo những giá trị của Mỹ. Không những thế, có mọt thực tế chúng ta chẳng những không được phép làm ngơ mà còn không được phép xem nhẹ. Đó là âm mưu xích hóa của Nga của Tàu nhằm vào nước Mỹ theo những cách khác nhau nhằm làm Mỹ suy yếu về chính trị, về kinh tế, về an ninh xã hội… Người dân có thể có người đã thấy, có người chưa thấy; người đã thấy cũng có thể suy diễn cách này hay cách khác. Nhưng người lãnh đạo mà không thấy thì sự đui mù của họ sẽ dẫn đất nưóc này đến sự phân hóa, suy yếu, rã rời.
Sự tìm kiếm một “trật tự thế giới mới” hàm ý lịch sử đã sang trang, có thay đổi ý thức hệ hay thế giới quan đậm nét trong tư tưởng chính trị quốc tế và cán cân quyền lực. Nó cũng có nghĩa một sự kiểm soát trật tự toàn cầu với nỗ lực phối hợp của nhiều nước để nhận diện, hiểu biết, và giải quyết những vấn đề thế giới ngoài khả năng hành động đơn phương của các nước. Vấn đề chính là những thế lực này đều bác bỏ vai trò lãnh đạo “unipolar” của Mỹ. Người ta đều thấy Mỹ đang yếu đi về kinh tế trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu hóa, yếu đi về chính trị vì liên minh với châu Âu đang trở nên mong manh do sự thiếu kính trọng, mất tin tưởng nơi hệ thống chính trị Mỹ, văn hóa chính trị của Mỹ nói chung và lãnh đạo Mỹ nói riêng.
Tổng thống Donald Trump đang đứng trước những thách đố lớn lao của lịch sử. Hoặc ông sẽ làm nên lịch sử, hoặc lịch sử sẽ chôn vùi ông. Tất cả tùy thuộc vào nhận thức, hiểu biết của ông về trật tự thế giới hiện nay và đối sách của ông nhằm xây dựng một trật tự mới hòa bình, ồn định hơn, phù hợp với những giá trị dân chủ nhân bản hơn. Tiếc thay, hai chuyến Tây Du tháng năm và Đông du tháng 11 cho thấy ông chưa nhận thức đủ về trật tự này cho nên không hiểu đủ những gì phải làm. Hay những gì không được làm. Và nếu chúng ta chưa chắc lắm với kết luận đáng lo ngại này, thì câu chuyện “re-tweet” sáng thứ tư 29-11 của ông đã cho thấy sự đúng đắn trong những lo ngại đó.
Trong chuyến Tây Du, vẫn được xem là một cơ hội thể hiện “mặt trận phía tây vẫn yên tĩnh”, ông lại gây hiềm khích với Thủ tướng Đức Angela Merkel, gây nghi ngại, hoang mang nơi những đồng minh trong khối NATO, và gây tổn thương cho những quan hệ giao thương với Liên Âu… Bà Merkel đã nói rõ: “Cái thời mà chúng ta có thể tin hoàn toàn người khác đã phần nào không còn nữa, như tôi đã thấy trong vài ngày qua” (the times when we could completely rely on others to some extent are over, as I have experienced in the past few days).
Trong chuyến Đông Du, ông ca ngợi lên mây xanh những kẻ thù đang cố lợi dụng sự háo hức tuyệt vọng của ông. Ông sẵn sàng bốc tất cả, Bắc Kinh, Moscow, Hà Nội, Manila, để được đáp lễ tương xứng, để cho ông “có cơ sở” ca ngợi chuyến đi “lịch sử” của mình (chưa tổng thống Mỹ nào trước đây được kính trọng như thế!”). Nhưng chẳng ai không thấy đây là một màn chính trị lừa bịp với bao đại diễn viên, từ Trump đến Putin đến Tập Cận Bình, các diễn viên phụ như Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Rodrigo Duterte, Hun Sen: người dân các nước Đông Á ngưỡng mộ chào đón ông Trump, và ông Trump ca ngợi sự thành công của các nước Đông Á…
Ông quên là Nga và Hoa đang là hai trong ba thế lực quốc tế đang nhằm “làm sụp đổ trật tự thế giới hiện nay để xây dựng trât tự mới” theo ý họ. Ông quên Điện Cẩm Linh, Trung Nam Hải, Bắc Bộ Phủ… đều là những “mô hình” độc tài của thời nay, đang trắng trợn chà đạp lên những giá trị dân chủ lý tưởng mà nước Mỹ và người dân Mỹ vẫn coi trọng. Ông ca ngợi Việt Nam là một trường hợp “phát triển kỳ diệu” và tuyên dương sự thành công của lãnh đạo Hà Nội. Lẽ nào ông không biết gì, và người của ông không nói gì cho ông biết, câu chuyện ngày 30-4-1975 Mỹ bỏ rơi Miền nam mở ra một chương bức tử, bức hại người dân Miền Nam với hàng trăm ngàn người bị tập trung “cải tạo”, hàng triệu người bị đày đọa như “công dân hạng hai”, một quá trình đổi mới kinh tế chỉ duy trì sự thắt họng quyền tự do dân chủ của người dân, đề cho người trong đảng tự do thao túng làm giàu, và nay bắt chước người Hoa nô nức đến Mỹ rửa tiền. Ông không biết người ta đang ghê tởm chế độ Hà Nội với vụ cho người sang Đúc bắt cóc kẻ thù, giam cầm hàng trăm người đấu tranh cho dân chủ, bỏ tù Me Nấm mười năm cho dù các nước phương tây, trong đó có Mỹ, đã kêu gọi nhân quyền … Tham dự APEC và Asean mà ông không biết xu hướng độc tài áp bức đang lan tràn ở Đông Nam Á, cho nên không một lời đá động đến quyền làm người, quyền làm dân ở vùng Đông Nam Á rộng lớn này. Vừa qua có ông tiến sĩ ngây thơ nằm mơ cho rằng Mỹ sẽ đổ tiền vào Việt Nam để “cân bằng” thế lực người Hoa; ông không biết Hà Nội đã bắn 21 phát đại bác chào mừng Tập, trong khi ông Trump chỉ được cái nắm tay bệnh hoạn của ông “Fook”.
Và ông Trump tự tấm tắc về chuyến đi này. Và không ít ngưòi Việt tỵ nạn trên đất Mỹ nay cũng quên mình là ai cũng vỗ tay theo ông.
Bởi thế, chúng ta đừng lấy làm lạ khi ông Trump đưa lên mạng twitter của ông mấy video bài xích người Hồi giáo của tổ chức Britain First, tương đương với America First của ông.
Sư thực đơn giản là thế này:
Ông chạy theo Tập trong ảo tưởng Tập sẽ kềm chế Kim. Chưa đến hai tuần sau khi ông về, Bình Nhưỡng lại bắn thử hỏa tiễn có khả năng đến đất Mỹ. Ông mơ tưởng Hà Nội sẽ ủng hộ ông chống Bình Nhưỡng, nhưng chính Hà Nội và Bình Nhưỡng từng là đồng minh truyền thống từ thời chiến tranh Việt Nam, và Hà Nội từng học nhiều sách của Bình Nhưỡng, như trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức chẳng hạn.
Ông nói “tôi tin Putin”, không sợ người ta cười, khi Putin nói không can dự gì đến bầu cử Mỹ. Sự thực thì nay cuộc điều tra đang đến giai đoạn cho thấy chẳng những Putin chủ trương phá hoại dân chủ Mỹ và dân chủ ở những nước Phương Tây khac, mà chính người của ông Trump (nếu không phải là ông) đã “rước voi dày mã tồ”. Ngày 1-6, tồng thống chưa kịp vui vì Thượng Viện thông qua luật tăng “phúc lợi cho người giàu”, chứng tỏ ông có thể quên đại đa số người dân nhưng không bỏ rơi đám thiều số này, thì đã bị giáng những đòn chí tử: Michael Flynn đã nhận tội gian dối trong lời khai về chuyện gặp gỡ đại sứ Nga sau khi ông Trump đắc cử. Câu hỏi còn lại như đùa: “Ai chỉ đạo ông Flynn đi gặp đại sứ Nga?”.
Nếu chấp lại những chuyện lắt nhắt này lại, chúng ta phải thấy ghê sợ trước một âm mưu phát xít toàn cầu hóa điên khùng nhưng nguy hiểm: giống bạch chủng Ki-tô giáo ở các nước phương tây dấy lên một cuộc “đại cách mạng” có tính tân phát xít, quốc xã truy đuổi người Hồi giáo ra khỏi Mỹ, khỏi Đức, khỏi nước Anh, khòi Pháp… Thế giới có khoảng 2.2 tỷ tín đồ Cơ Đốc, 1.6 tỷ tín đồ Hồi giáo. Nhưng chưa một nước Phương Tây nào sản sinh được một lãnh tụ cho cuộc đại cách mạng toàn cầu này – vì dù sao cũng còn mắc kẹt dân chủ. Tuy nhiên, dù sao cuộc cách mạng này xem chừng đã phát sinh từ Mỹ, lãnh đạo cũng có thể từ đó mà ra. Để xem dân chủ Mỹ còn cầm cự được bao lâu!!!
Cái chuyện hoang tưởng này thật khiếp, nhất là nếu có người nghĩ cần phải bắt tay với Putin để lập nên trục tân phát-xít!
Hoàng Ngọc Nguyên