Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên; Khi Trật Tự Thế Giới Mới Chưa Có!

Khi Trật Tự Thế Giới Mới Chưa Có!

Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên

@www.saigonweeklyonline.com



Nó lú, nhưng chú nó khôn!

Người ta vẫn dễ dãi nói như thế để tự trấn an trước những mối lo về tương lai đất nước dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Donald Trump. Có người vẫn nghĩ ông Trump xem vậy chứ vẫn là người khôn đáo để (Chẳng phải hay sao ông vẫn tự khen mình có chỉ số thông minh IQ cao hơn hết thảy người chung quanh, khi bị ông ngoại trưởng của ông Rex Tillerson gọi ông là “moron” - Trâm lú), tập trung chung quanh ông những người tài giỏi chăm lo việc nước, cho nên được thư thả, rảnh đầu rảnh tay tweet tối ngày. Dĩ nhiên, người ta cũng cần phải cố lạc quan mới sống nổi thời này (Nguyễn Công Trứ từng “Than nghèo”, nhưng vẫn cố giữ niếm tin: “Còn trời, còn đất, còn non nước; Chẳng lẽ ta đây mãi thế này!), nhưng lạc quan quá, có khi đến sát bờ vực mà vẫn cứ tưởng xe lửa đã thấy ánh sáng cuối đường hầm!
Đối với một tổng thống như ông Trump, đối nội và đối ngoại, lĩnh vực nào thử thách nhiều hơn? Có người cho rằng đối nội, vì trong lĩnh vực này cuộc nội chiến giữa hai đảng khốc liệt nhất. Trong các vấn đề kinh tế, ngân sách, tài chánh, y tế, phúc lợi xã hội, di dân, súng đạn… hai đảng đều như chó với mèo, xung khắc quyết liệt về “ý thức hệ”, cho dù chưa hẳn ai cũng có ý thức. Tình thế ngày nay thực ra còn phúc tạp hơn thế bởi vì cả hai đảng đều đang ở trong tình trạng “năm cha bảy mẹ”. Trong đảng Cộng Hòa, phe chính thống establishment thì bị ông Trump gọi là vô tích sự. Phe “cuồng Trâm” mà Steve Bannon là lãnh tụ thì nhất quyết biến đảng Cộng Hòa thành đảng của Trump, và đang quyết liệt chống phe chính thống của ông Chủ tịch Cộng Hòa Thượng Viện Mitch McConnell bằng mọi giá. Trump đi theo đường lối của Bannon mặc dù từng giải nhiệm ông này khỏi chức vụ “cố vấn cao cấp”, nhưng về mặt lãnh đạo lại phải dựa vào vào cánh chính thống. Vấn đề là trong 52 người Cộng Hòa tại Thượng viện, ít nhất cũng có năm người đang chống Trump ra mặt (John McCain, Susan Collins, Lisa Murkowski, Jeff Flake, Bob Corker), bởi vậy thế đa số của Cộng Hòa tại Thượng Viện không “work”.Còn đàng Dân Chủ? Học giả Lee Iacoca từng lên tiếng “Lãnh đạo đâu mất cả rồi”. Cựu ứng cử viên tồng thống Bernie Sanders nay đã 76 - gần đất xa trời. Cựu Phó Tồng thống Joe Biden, chỉ kém ông Sanders 2 tuổi, vẫn mơ màng ảo tưởng của “một thời vang bóng”. Bà Elizabeth Warren đủ tư cách, nhưng có bao nhiêu người hiểu được bà ngay trong đảng của bà… Phe trung tâm đang yếu thế vì thiếu lãnh đạo, phe tả khuynh tự do (left wing liberal) thì chưa có được một lãnh tụ có sức thắng họ lại. Ông Barack Obama là người có thể vực dậy lại đảng, và cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua cho người ta ít  nhiều hy vọng.

Trong khi đó, quan hệ đối ngoại là chuyện người Mỹ ít biết, và chớ nên tưởng rằng các vị dân cử, nhất là những người ở Hạ Viện, biết gì hơn người dân, bởi vì lĩnh vực đối ngoại cũng có cái phức tạp của nó. Ví dụ như về kinh tế đối ngoại, không đơn giản chỉ là chuyện ngoai thương, buôn bán, thiếu hụt như ông Trump vẫn nói. Mỹ có thể mua nhiều hàng hóa bên ngoài, nhưng cũng đã đầu tư ở ngoài nhiều, mở nhà máy, siêu thị, cửa hàng dịch vụ ở ngoài cũng tràn lan. Xác đinh lợi thế cạnh tranh của Mỹ để “Buy America, Hire America” trong thời buổi toàn cầu hóa, nói thì dễ làm không phải dễ. Coi chừng chỉ mở đường cho người Hoa, người Ấn, người Việt, người Hồi… tràn vào nước Mỹ và kỹ nghệ phát đạt nhất là kỷ nghệ rửa tiền. Bình thường, về quan hệ đối ngoại, các nhà dân cử cứ hô khẩu hiệu một cách máy móc, nhưng  người ta cứ nương theo đường lối đối ngoại lâu nay của Mỹ, tìm cách duy trì một cách tuyệt vọng vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới trong chừng mực an toàn, ít rũi ro nhất cho Mỹ. Đó là đường lối lâu nay mà hai đảng dễ đạt thỏa hiệp với nhau hơn so với tìm sự đồng thuận trong chính sách đối nội.

Nhưng dưới thời ông Trump, xem chừng đối ngoại là lĩnh vực thử thách nhiều hơn đối nội. Về mặt đối nội, đúng là chúng ta đang chứng kiến nhiều bế tắc, ông Trump chẳng thay đổi gì được đáng kể trong bất cứ lĩnh vực nào, cho dù ông đang cố tạo một “bình thường mới” với sự có mặt của ông. Hóa ra lại hay. Thành công ông vẫn tự ca tụng là kinh tế, thế nhưng thực ra là di sản Obama. Về y tế, ông Trump vẫn chưa hủy được Obamacare - chỉ làm suy yếu thì cũng chỉ có người dân chết, nói như ông: “I don’t care!’. Về di dân, chương trình DACA căn bản vẫn còn đó. Thành công duy nhất xem chừng là tuy bao vụ nổ súng bắn vào đám đông đã xảy ra, bao nhiêu người đã nằm xuống chỉ trong năm đầu tiên của ông Trump, nhưng đây là một phần của sự “bình thường mới” ở nước Mỹ, con người không hẳn đã vô cảm nhưng bất lực, và luật pháp vẫn bảo vệ chặt chẽ quyền có súng của con người có từ thời “tiền sử”…

Trong khi đó, về đối ngoại, ông Trump rất muốn làm chuyện ngoạn mục để cho người ta thấy ông đã “Make America Great Again” – đúng hơn là “Make America White Again”. Sau một năm ông được bầu vào Tòa Bạch Ốc, thế giới rõ rệt vẫn chưa chịu thấy điều đó, mà chỉ thấy ngược lại. Nhưng không thiếu gì những người ở Mỹ - không riêng gì ngưòi da trắng - cho rằng nước Mỹ đã vĩ đại trở lại nhờ ông Trump - những người dĩ nhiên tự bịt mắt, bịt tai. Vừa qua, chúng ta có dịp chứng kiến một thử thách về hoạt động đối ngoại của ông Trump đề có thể thấy I.Q. của ông Trump đến chừng nào. Đó chính là trường hợp chuyến Á Du vừa qua của Tổng thống Trump trong 13 ngày đầu tháng 11 vừa qua. Chuyến đi này là một trắc nghiệm lớn về năng lực đối ngoại của chính quyền Trump nói chung và ông Trump nói riêng. Ông Trump vẫn mở sân golf ở Ireland, tổ chức thi hoa hậu hoàn vũ ở Nga, đương nhiên có lẽ cũng biết nhiều thế giới, nhưng chúng ta phải cảnh giác: cái biết của một nhà kinh doanh có thề rất khác cái biết của một nhà chính trị, và ứng dụng sai lầm cái biết này có thể tai hại khôn lường!

Khi bàn về năng lực và những chinh sách đối ngoại của ông Trump, chúng ta không thể không nói đến trật tự thế giới (world order) trong thời nay. Ông Max Baucus, từng là thượng nghị sĩ của tiểu bang Montana trong 36 năm cho đến khi được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh từ năm 2014 và rút lui đầu năm 2017, đã có ý kiến Tổng thống Trump “dường như chẳng có ý niệm gì về trật tự thế giới ngay nay cho nên ông không thực sự có chính sách gì về đối ngoại”. Đó là một nhận định nếu đúng sẽ cho chúng ta thấy ông Trump cực kỳ nguy hiểm. Và đáng buồn thay, chính những người của ông cũng có ý đó: các ông tướng trong Bộ Quốc phòng, ông bộ trưởng ngoại giao dám gọi tổng thống của mình là “thằng ngu”, và nay những người trong Thượng Viện đang sợ tổng thống táy máy bấm bậy, đến mức Tướng Không quân John Hyten nói: “Chúng tôi chẳng phải ngu… Nếu thi hành một lệnh trên phi pháp, chúng tôi sẽ phải đi tù”. Và ông nói rõ sẽ chống lại một lệnh bất hợp pháp tấn công hạt nhân của ông Trump.

“Trật tự thế giới” là một ý niệm phải có nơi bất cứ ai có hiểu biết căn bản về chính trị quốc tế - dễ hình dung nhưng diễn tả phức tạp. Đó là một sự thỏa hiệp giữa những đại cường có những ảnh hưởng lớn rộng trên thế giới sẽ làm việc với nhau để duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới, giải quyết những đe dọa chiến tranh giữa các nước trên căn bản những đại cường này chấp thuận sự độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thồ của những nước đang hiện diện trên thế giới. Liên Hiệp Quốc chính là một tổ chức hệ thống hóa những thỏa hiệp đó. Giống như một nước phải có luật pháp, tòa án, cảnh sát gìn giữ trật tự xã hội, trên thế giới có Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an đảm nhận chức năng bảo vệ trât tự thế giới đầy tham vọng này. Theo một định nghĩa ngắn gọn hơn: Trật tự thế giới là “một hệ thống kiểm soát những biến cố trên thế giời, đặc biệt là một bộ những sắp xếp được thiết lập trên quốc tế để giữ gìn sự ổn định chính trị toàn cầu”.

Chúng ta đã từng biết trật tự thế giới trong thời Chiến tranh Lạnh, một trật tự phần nào đã được tăng cường và ổn định sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon đi thăm Trung Cộng và Liên Xô vào năm 1972. Những cuộc gặp gỡ giữa Nixon và Mao vào tháng hai, Nixon và Brzehnev vào tháng năm năm đó có ý nghĩa “Chúng ta cam kết sẽ không phá nhau nữa”.  Điều mỉa mai là chính từ sự ổn định trật tự này mà Mỹ đã yên tâm bỏ rơi Miền Nam của chúng ta vào tay Cộng Sàn Bắc Việt, với sự tin tưởng Trung Cộng sẽ không làm gì các nước Đông Nam Á sau đó. Chúng ta lại cũng cần nhớ rằng sau Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, người ta cũng mất cả gần hai thập niên để đi tìm một trật tự thế giới trong thời Chiến tranh Lạnh. Tính lưỡng cực (bipolar) ngày càng rõ giữa Thế giới Tự do một bên và Cộng Sản Quốc tế một bên. Cộng Sản thì chủ trương bành trướng (expansionism) và Thế giới Tự do thì ra sức lập “tiền đồn”, ngăn chận (contentionism). Miền Nam Việt Nam có thể đã mất từ năm 1960 nếu Hoa Kỳ không cương quyết tăng quân viện và viện trợ kinh tế, gởi cố vấn, và sau cùng là đưa quân đến. Nhiều trí thức, học giả, sử gia, nhà báo của Mỹ từ bao lâu nay không nhận chân điều đó, và chúng ta nói có khan cổ, nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên họ vẫn không nghe. Cái ngu khó bỏ. Điều rõ nhất là Tổng thống Donald Trump cũng nói “Cuộc chiến tranh Việt Nam là điều sai trái” cho nên ông phải xin hoãn dịch vì “gót chân bị đóng vôi” khó nhúc nhích” sau hai lần hoãn dịch vì lý do học vấn! Khi trật tự the giới bắt đầu được ổn định từ đầu thập niên 70, cũng là điều khôi hài, trong thời Chiến tranh Lạnh này, người ta nói chung không thấy có một đe dọa nào cho cái trật tự lưỡng cực này của thế giới – cho dù có một khối các nước “thứ ba”, các quốc gia “không liên kết” làm trái độn không cần thiết.

Sau khi khối Cộng Sản Quốc tế sụp đổ vào năm 1990, đương nhiên thế giới phải đi tìm một trât tự mới.  Và ông Trump nên hiểu rằng 27 năm qua, cái trật tự đó có thể đã thử bao nhiêu hình dạng, nhưng chưa rõ nét, chưa ổn cố được, bởi vì tham vọng của các thế lực đại cường chính yếu. Và có một điều Tổng thống Trump cũng cần nhìn để thấy, khi trât tự thế giới này đang rơi vào sự xáo trộn, Hoa Kỳ phải đối diện với một thực tế là nói không ai nghe, không có bất cứ đại cường nào đang cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ đi theo những giá trị của Mỹ.

Có thể gọi thế giới hiện nay đã mất trật tự. Tức thế giới ngày nay đang hỗn loạn. Thay vì world order, nay là world disorder. Hay nói cách khác có vẻ êm thắm hơn, trật tự thế giới mới đang hình thành nhưng chưa rõ hình dạng. Theo một tác giả cố đơn giản hóa vấn đề, đó là “một tinh trạng chính trị trong đó những nước trên thế giới không còn phân hóa vì nước theo Mỹ, nước  theo Liên Xô, mà nay cùng nhau tìm cách giải quyết nhũng vấn đế quốc tế” trong thời chủ nghĩa cộng sản sup đổ ở Đông Âu và chấm dứt Chiến tranh Lạnh vì Liên Xô không còn nữa và Trung Cộng đang tìm cách “hội nhập toàn cầu” để mở mang kinh tế (hay nói rõ hơn, bán hàng cho khắp nơi trên thế giới này). Khi nói đến sự tìm kiếm một “trật tự thế giới mới”, người ta cũng hàm ý lịch sử đã sang trang, có thay đổi ý thức hệ hay thế giới quan đậm nét trong tư tường chính trị quốc tế và cán cân quyền lực. Nó cũng có nghĩa một sự kiểm soát trật tự toàn cầu với nỗ lực phối hợp của nhiều nước để nhận diện, hiểu biết, và giải quyết những vấn đề thế giới ngoài khả năng hành động đơn phương của các nước.

Liên quan đến chủ điểm nảy, chúng ta có thể nhớ lại rằng Tông thống George H.W. Bush (Bush cha) hưng phấn với sự sụp đổ của cộng sản Đông Âu và từng mở ra Chiến tranh Vùng Vịnh (Gulf War) được sự bảo trợ của các nước đồng minh phương tây năm 1991 đánh vào Iraq trừng trị Saddam Hussein vào tội xâm lăng Koweit, ông đã từng vội vàng kết luận thế giới đang trở thành đơn cực với sự thống trị của Mỹ và ông nói “chẳng có gì thay thế được sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ” - nhất là sau Chiến tranh Vùng vịnh “Nay chúng ta có thể thấy một thế giới mới đang xuất hiện. Một thế giới trong đó có một viễn ảnh rất thực của một trật tự thế giới mới”. Nhiều học giả cho rằng ông Mikhail Gorbachev mất quyền lực đã làm cho trât tự này không hình thành được. Ý kiến này chỉ đúng một phần.

Thực tế là những chiến lược gia quốc tế của đảng Cộng Hòa từng soi đường cho hai cha con ông Bush đã không thấy thế giới đang thay đổi và nước Mỹ đang bị thách đố nghiêm trọng trước những thay đổi đó. Nếu sớm nhận thức được thế giới đang biến chuyển hỗn loạn, có thề Mỹ đã tránh được cuộc chiến Iraq 2003. Ít nhất có ba yếu tố phải xét đến.
Thứ nhất, thế giới Hồi giao ngày càng cực kỳ nhiễu loạn, trở nên cực kỳ nguy hiểm với sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế nhằm vào các nước phương tây, đống thời hai giáo phái Sunni và Shiite càng tương tàn, và các cuộc “nội chiến tử vì đạo ở nhiều nước Trung Đông và châu Phi. Mỹ thực ra không còn khả năng can thiệp như trước, đang bị đẩy ra ngoài  cho dù từng có ý nghĩ Mỹ có thể sắp xếp bàn cờ ở Trung Đông, Bắc Phi, Trung Phi theo ý mình.

Thứ hai, trong hơn hai thập niên qua, Trung Quốc đã lớn mạnh cả về kinh tế (GDP nay đã xấp xỉ với Mỹ) và quân sự, khiến cho lãnh đạo ở Trung Nam Hải vừa thấy muốn vừa thấy phải theo sách lược “bành trướng Đai Hán”, từ toàn cầu hóa kinh tế đến toàn cầu hóa chính trị. Nuôi dưỡng, khuyến khích ngầm và làm ngơ trước sự điên rồ của Bình Nhưỡng để có thể khống chế, mặc cả với Mỹ và các nước đồng minh với Mỹ tại Đông Á (Nam Triều Tiên, Nhật Bản),  Bắc Kinh dưới triều Tập Đế đã cho thấy “Giấc mơ Trung Quốc” làm bá chủ thiên hạ.

Thứ ba, Putin tại Điện Cẩm Linh ngày càng cho thấy tham vọng của Sa Hoàng thời hiện đại. Cho dù Nga là nước “dân chủ”, Putin đã tại vị 17 năm, xem chừng ông có thể ngồi trên ngai vàng 15 năm nữa, khi đó ông chỉ mới 80, và với 32 năm tại Điện Cẩm Linh, ông sẽ phá kỷ lục 30 năm của Joseph Stalin (chết năm 1953, khi chỉ mới 75). Có hai ý thức căn bản làm nền tảng chính sách đối ngoại của Putin: (i) Dân chủ pbương tây là dân chủ giả hiệu, dân chủ Nga mới đích thực vì chẳng có ai (dám) chống đối; và (ii) Sai lầm lịch sử lớn nhất chính là sự sụp đổ của Liên Xô mà Gorbachev gây ra làm cho Nga mất bao nhiêu nước chư hầu và vệ tinh cho dù Putin cũng chẳng thiện cảm gì mấy với chủ nghĩa cộng sản. Putin tự cho mình sứ mệnh lịch sử chuộc lại lỗi lầm đó bằng cách kéo lại những nước cũ từng trong hệ thống đại đế Slavia và muốn mở rộng Nga khắp nơi. Bởi thế mà ta đã chứng kiến Putin, với kinh nghiệm dày dạn của một KGB thứ thiệt, đã tím cách phá hoại không ngừng không chỉ nền dân chủ Mỹ mà cả các nước Liên Âu, không ngại ngùng xâm chiếm Crimea, xâm lăng Grudia và Ukraine, bảo vệ bằng mọi giá chế độ Assad ở Syria, bắt đầu “giao lưu” với Iran, và xâm nhập Trung Mỹ, Nam Mỹ, ải địa đầu là Venezuela.

Vấn đề chính là những thế lực này đều bác bỏ vai trò lãnh đạo “unipolar” của Mỹ. Người ta đều thấy Mỹ đang yếu đi về kinh tế trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu hóa, yếu đi về chính trị vì liên minh với châu Âu đang trở nên mong manh do sự thiếu kính trọng, mất tin tưởng nơi hệ thống chính trị Mỹ, văn hoa chính trị của Mỹ nói chung và lãnh đạo Mỹ nói riêng.
Câu chuyện đối ngoại chưa ngừng ở đây, nhưng Tồng thống Donald Trump chia sẻ đến chừng mực nào những nhận thức này sau 4 năm cầm quyền?

Hoàng Ngọc Nguyên

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top