Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên
DẤU HIỆU GÌ ĐÂY?
Tổng thống nói khản cả cổ… Ai nghe?
Tháng này là tháng 8, tức gần bốn năm sau khi ông Donald Trump được bầu lên làm tổng thống nước Mỹ thay ông Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc. Trump là một doanh nhân với đầy đủ ý nghĩa của hai chữ “doanh nhân”, cho nên chiến thắng của ông trước hàng loạt chính khách chuyên nghiệp của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ba năm sau vẫn còn những âm hưởng bàng hoàng mạnh mẽ trong quần chúng.
Trước bầu cử, người ta đã biết ông là một nhân vật hiếm có về mặt “gây tranh cãi” (controversial) và tai tiếng (scandalous), chẳng ai nghiêm chỉnh nghĩ rằng ông sẽ là người đứng đầu ngành hành pháp quốc gia liên bang, nhìn lên chẳng có ai, nhìn xuống chẳng có ai bằng mình. Như thế mà chuyện không thể xảy ra đó vẫn cứ xảy ra, khiến cho người ta ngày càng tin ở thời mạt pháp. Trời ơi, biết làm sao bây giờ. Người dân đã có sự lựa chọn của họ – theo một cách nói tổng quát đơn giản. Mà ý dân là ý trời. Dân vi quí, xã tắc thứ chi. Người dân mà tầm bậy thì đất nước ráng chịu. Cho dù có một niềm “an ủi” nhỏ cho những người đau buồn vì vận nước nổi trôi: thực sự số người đi bỏ phiếu ngày đó chỉ có 55.7% trong tổng số 245.5 triệu người trong tuổi đi bầu, tức cả 45% không đi đến phòng phiếu, và gần 63 triệu phiếu thực sự ông Trump có, chỉ tương đương với khoảng ¼ tồng số cử tri. Con số này rất hợp lý, cho dù ông Trump vẫn nói bầu cử “gian lận” cho nên ông thua bà Clinton tính về số phiếu phổ thong. Bà Clinton hơn ông Trump đến 3 triệu phiếu.
Những kẻ sát nhân, tâm thần, độc ác,
khủng bố… ủng hộ NRA
Nói cho công bằng và dân chủ (trừ phi người ta bị ám, quên cả công bằng và dân chủ nghĩa là gì, cứ nhắm mắt khen luật bầu cử của Mỹ “chiếu cố những tiểu bang nhỏ, ít dân”), thì mỗi lá phiếu đều phải có giá trị như nhau. Và cách tính cử tri đoàn hoàn toàn lỗi thời, lạc hậu, lẽ ra phải bỏ ngay sau cuộc Nội chiến 1861-65. Nhưng biết làm sao bây giờ! Đây là một nước Mỹ có một hiến pháp tuy lạc hậu nhưng người ta vẫn tìm cách duy trì bằng mọi giá, nhân danh “những giá trị truyền thống của cuộc cách mạng lập quốc 1776”, nhưng sự thực là để duy trì những đặc quyền, đặc lợi lịch sử cua một chủng tộc tạm giữ đa số và đang sôi sục trong cuồng vọng “Make America White Again”, “Make America Ours Again”.
Thông thường, lịch sử thường sang trang ngay sau khi kết quà cuộc bầu cử được loan báo. Cuộc vận động tranh cử đã trở thành quá khứ, let bygones be bygones, trong khi người ta phải nhìn tương lai phía trước, để xem tổng thống mới có thể làm gì khá hơn cho đất nước. Bởi thế mà thông thường ngay trong đêm có kết quả bầu cử, người thua cuộc sẽ gọi điện thoại cho bên thắng cuộc chúc mừng và hứa ủng hộ. Và bên thắng cuộc sẽ cố bỏ lại sau lưng những chuyện “gây tranh cãi” hay “tai tiếng” trong thời tranh cử đề xây dựng tăm tiếng.
Thế nhưng Tổng thống Trump này lạ lắm. Ông khác người. Ông chẳng giống ai. Bởi thế, ba năm đã trôi qua mà ông vẫn làm cho nhiều người phải nhắc nhở: bầu cử xong lâu rồi. Ông vẫn không ngớt cho mình là tổng thống vĩ đại nhất lịch sử, chiến thắng vang dội hơn xa những tổng thống trước đây. Trong chuyến Á du năm 2017, ông bạo miệng đổ thừa các tổng thống trước ông đã yếu đuối cho nên để cho Bình Nhưỡng làm trời; các tổng thống trước đã làm ngơ cho nên Hoa Kỳ mới chịu những quan hê ngoại thương bất lợi, thua thiệt bao nhiêu đời nay; ông Obama để lại cho ông “a mess”, may mà ông đủ sức chấn chỉnh lại tất cả. Ông Trump không ngớt tự ca ngợi mình đã thành công lịch sử về mặt thúc đẩy kinh tế phát triển, “chưa tổng thống nào trước đây làm nổi”, và trong khi đang ở Bắc Kinh ông vẫn tweet những con số về tăng trưởng Tổng sản lượng Quốc nội GDP, tỷ lệ thất nghiệp xuống mức kỷ lục và chỉ số chứng khoán lên cao – ông cố tình quên đi một thực tế đang thừa hưởng di sản phục hồi sau suy thoái cua ông Obama.
Tệ hại nhất là ba năm sau, ông vẫn còn gọi bà Clinton là “crooked Hillary”, cứ đòi bỏ tù bà và còn tệ hại hơn nữa, ông đang ra sức kêu gọi, thúc đẩy Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra về ông bà Clinton, liên hệ đến vụ một công ty Nga mua một công ty Canada chuyên khai thác quặng mỏ uranium ở Mỹ. Vụ mua bán này xảy ra dưới thời bà Clinton làm ngoại trưởng cho ông Obama. Ông Trump còn đòi phải có một công tố viên đặc biệt để điều tra vụ này - giống như công tố viên Robert Mueller đang điều tra vụ án ban vận động tranh cử của ông Trump năm ngoái có thể đã móc nối, thông đồng với người Nga để phá cuộc tranh cử của bà Clinton. Đây không phải là vấn đề ông Trump thiếu khả ái với phụ nữ. Hay với một người từng tranh cử đối nghịch với ông. Đây là sự biểu lộ một tư cách phủ nhận tất cả những giá trị về “văn minh chính trị” của nước Mỹ.
Có một điếu rất rõ ràng và nổi bật ở Tồng thống Trump là sở thích tweet của ông. Sáng trưa chiều tối. Sở thích này bộc lộ rõ ràng con người của ông, cho nên có thể nói chưa có một tồng thống nào mà người ta biết rõ như ông Trump, cho dù đó là điều ông quên nói: nhờ Tweting này mà đồng bào biết rõ chân tướng tổng thống hiện nay của mình hơn bất cứ tổng thống nào khác trưóc đây. Chỉ có điều, ông ham tweet quá (ông vẫn nói: tôi tweet, nên tôi hiện hữu) , thì thời giờ đâu mà suy nghĩ đến công việc, mà làm việc, và tổng thống mà không nghĩ, không làm thì làm sao thực sự hiện hữu nếu chỉ tweting?
Qua tweeting này, người ta thấy ông rất lì, không sợ gây ra những chuyện tranh cãi, thị phi và tai tiếng. Ngược lại là đàng khác. Gây tranh cãi và tai tiếng hàng ngày qua hàng loạt tweet mỗi buổi tối khi ngủ chẳng ngủ thức chẳng thức, hay mỗi sáng thức dậy còn ngái ngủ mắt nhắm mắt mở, suy cho cùng, là cách để cho ông vượt qua những chuyện tranh cãi, thị phi và tai tiếng dồn dập mà chính ông vẫn tạo ra hàng ngày cho mình để thu hút công luận chú ý đến mình nhưng không phải chịu trách nhiệm gì với những chuyện đó. Ông vẫn tự hào về “phương cách truyền thông xã hội hảo hạng của một tổng thống hiện đại thời nay” như ông vẫn nói, đề chống “fake news” nhằm vào ông, để giữ và thồi bùng, khơi cao ngọn lửa của thành phần ủng hộ ông để có thể luôn luôn tập trung được lực lượng trung kiên này. Tweeting chẳng phải là công cụ quảng bá, tuyên truyền, giải thích những chính sách, chủ trương, lập trường của ông. Mỗi lần tweet không được quá 280 chữ cái (characters), huống chi ông cố tình vắn gọn hơn nữa để tạo tác dụng mạnh, mỗi tweet của ông không quá 140 chữ cái, ông nói lên được gì?
Nếu quan sát quá trình tweeting này lâu nay của ông, thì ông Trump theo đuổi công việc này nhằm ba mục đích chính: đề cao mình, đốp chát với kẻ thù, và gieo trồng fake news có lợi cho mình. Giáo sư Julian Zelizer chuyên về lịch sử và công vụ của Đại học Princeton, cũng có ý đó, ông nhấn mạnh phài coi những tweets của Tổng thống Trump như “hành vi chính trị”, không chỉ là “ẩn ức ngông cuồng”. Theo ông Zelizer, đó là những hành vi cố tình gây chia rẽ, hận thù, phân hóa chính trị; lăng nhục, triệt hạ những người không đồng tính với mình, cho dù đó là bạn hay thù; và loan truyền những tin thất thiệt. Ông Trump chẳng có gì khó hiểu: Ông là người muốn được đề cao, tán tụng (chúng ta còn nhớ ông triệu tập một phiên họp hội đồng nội các chỉ để cho mỗi thành viên có dịp lên tiếng ca ngợi “toàn dân Cờ Hoa nhớ ơn Trump tổng thống, Trump tổng thống, Trump tổng thống muôn năm”) nhưng nhiều người ngượng miệng không làm việc đó, không ai làm cả thì ông làm vậy, tự khen, tự sướng. Chì có tweeting mới có cách làm cho ông có thể tự đề cao thường xuyên và không thấy ngượng như Xuân tóc đỏ vì không phải nhìn thẳng vào mặt ai. Lăng nhục, triệt hạ người khác cũng vậy. Nói với báo chí thỉ sợ bị chất vấn. Nói với ngưòi khác thì lộ mặt hàm hồ, xấu tính, mất nết. Thôi thì tweeting có cái lợi là tha hồ tru tréo như Chí Phèo mà không phảỉ nằm vạ hay nhìn thẳng vào mặt ai. Loan tin thất thiệt một cách tự nhiên, như chẳng hay biết gì, chẳng phải bị tra gạn, củng là điều hay.
Chúng ta cứ chọn một ngày lịch sử 15-11-2017 chẳng hạn. Ông Trump trở về Washington, D.C. sau 13 ngày Đông du châu Á! Và ông nghĩ mình đang chót vót, “top of the world”. Thành công quá cở, thắng lợi vượt bậc, đã làm Nước Mỹ vĩ đại trở lại trong mắt Tập Cận Bình, Putin, Rodrigo Duterte, Trọng Lú “mátdây in Vietnam” … ai cũng sợ, cũng nể nước Mỹ vì có một ông tổng thống phi thưòng “như ta đây”, và vì vậy từ rày về sau không dám làm ăn bóc lột người Mỹ nữa. Thế nhưng báo chí thì cứ cho rằng ông Trump đã làm trò cười cho thiên hạ và mắc mớp từ Tập đến Putin và cả Nguyễn. Ngay cả giáo sư Zelizer nói ở trên có một bài “móc họng”: “Trump absolves Putin and shoots himself in the foot” (Trump giải tội cho Putin và tự bắn vào chân mình).
Bực bội vì mang mặc cảm, vào ngày hôm đó, mới 5 giờ 30 sáng, ông tweet: “Our great country is respected again in Asia. You will see the fruits of our long but successful trip for many years to come! (Đất nước vĩ đại của chúng ta được kính trọng trở lại ở châu Á. Mọi người sẽ thấy cái quả của chuyến đi dài ngày nhưng thành công của chúng tôi trong nhiều năm tới).
Mười phút sau, 5 giờ 40 sáng, Trump còn ngứa, nên tweet tiếp: “.@foxandfriends will be showing much of our successful trip to Asia, and the friendships & benefits that will endure for years to come! (Hãng truyền thông Fox sẽ cho thấy nhiều chuyến đi thành công của chúng ta đến châu Á, và các quan hệ thân hữu và lợi ích sẽ bền vững trong nhiều năm tới đây).
Ông vẫn còn ngứa miệng, cảm thấy nói chưa hết, nên năm phút sau đó (5:45), lại tweet thêm: “While in the Philippines I was forced to watch @CNN, which I have not done in months, and again realized how bad, and FAKE, it is. Loser! (Trong khi ở Philippines tôi bị bó buộc phải xem CNN, mà tôi đã không xem mấy tháng nay, và lần nữa nhận ra hãng này tệ và GIẢ đến thế nào. Tệ hại!).
Rồi Trump tạm nghỉ vì chưa biết phải tweet gì thêm. Đến 10:11 sáng, máy twitter trong người ông hoạt động trở lại. Ông Trump bực tức vì chưa ai đề cao việc ông xin tha cho ba thành viên đoàn bóng rỗ UCLA của Mỹ lỡ dại bị bắt vì tội ăn trộm hàng trong siêu thị Hong Kong. “Do you think the three UCLA Basketball Players will say thank you President Trump? They were headed for 10 years in jail! (Quí vị có nghĩ ba thành viên bóng rỗ UCLA sẽ nói cảm ơn ông Tống thống Trump? Mấy người này suýt bị tù mười năm đấy (nếu tôi không can thiệp). Ông Trump không đủ kiên nhẫn, bởi vì chỉ khoảng một tiếng sau đó, tại San Francisco, trường UCLA đưa ba sinh viên này ra họp báo, họ nhận lỗi, chịu hình phạt (không được chơi trong đội tuyển trường nữa), và cám ơn ông Trump đã xin Tập Cận Bình tha cho họ.
Vào khoảng 11:35 trưa, ông Trump lại lên tweet “chơi” tờ New York Times về việc dám “đàm tiếu” thành công của ông trong Á du: “The failing @nytimes hates the fact that I have developed a great relationship with World leaders like Xi Jinping, President of China..... (Tờ New York times đang xuống dốc ghét sự thực là tôi đã phát triển những quan hệ vĩ đại với các lãnh tụ Thế giới như Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc…).
Ông không dám nói đến tên Putin! Đến 11:40, ông phân bua: ..They should realize that these relationships are a good thing, not a bad thing. The U.S. is being respected again. Watch Trade! (Người ta phải nhận thức được rằng những mối quan hệ này là tốt, không phải xấu. Nước Mỹ nay được kính trọng trở lại. Hãy theo dõi chuyện buôn bán của Mỹ đi!).
Ông nghĩ nói thế chưa đủ, nên đến 11:52 lại tấn công nữa: “It is actually hard to believe how naive (or dumb) the Failing @nytimes is when it comes to foreign policy...weak and ineffective! (Thực sự khó mà tin được tờ New York Times đang đình đốn đã ngu, đã đần như thế nào khi nói đến chính sách đối ngoại… yếu ớt và vô hiệu!). “Naïve” và “dumb” là chữ người ta dùng cho ông Trump nhiều nhất, nên ông phải thải bớt!
Tweeting chẳng phải là cái bệnh của riêng gì ông Trump mắc phải. Cứ xem bao nhiêu người thời nay cứ “quẹt” suốt ngày, xem như thế là hiện đại, không cần học hay đọc gì cả! Nhưng chúng ta cũng phải thấy có thể đó là một “thủ thuật” để ông dẫn dắt dư luận ra xa khỏi những vấn đề thực sự của đất nước (mà ông không làm nổi), nhất là những vấn đề thực sự của ông (mà ông né tránh).
Những vấn đề của ông? Cuộc điều tra về quan hệ câu kết giữa người của Putin và người của ông Trump trong bầu cử năm 2016. Ông Trump đã gặp Putin tại Đà Nẵng ngày 11-11-2017, và khoe đã hỏi thẳng Putin “Ông có giúp tôi trong bầu cử hay không?”, Putin khẳng khái đáp “Không bao giờ”, và ông Trump hoan hỉ: “Tôi tin ông Putin”.
Có nghĩa là ông không tin những cơ quan điều tra của ông CIA, FBI, NSA. Ngay cả bao bằng chứng đã được đưa ra, ít nhất ba người đã bị truy tố, ông Trump vẫn cương quyết, giống như ông Nixon năm 1973-74 “Có ít xít ra nhiều”. Bà Thủ tướng Anh Theresa May đã phải nói lớn tiếng cho ông Trump nghe: “Nga đã tìm cách phá bất cứ cuộc bầu cử nào ở châu Âu!”. Crazy! Dumb! Naïve!
Và còn những vụ tai tiếng về tâm thần của ông (ai cũng sợ ông bấm bậy mấy cái nút nguyên tử), phụ nữ (đúng là ông “khéo chạy” và lì hơn Harvey Weinstein và Kevin Spacey), cách làm ăn khéo “tránh” thuế (ông là tác giả cuốn “Art of the Deal), và sự lạm dụng quyền lực chính trị để mở mang chuyện làm ăn, mà người ta tóm gọn bằng chữ corruption (ai muốn gặp ông đều phải ở khách sạn Mar-a-Lego, tiến ngân sách trả!
Còn những vấn đề của đất nước?
Ông tự ca ngợi mình đã khôn khéo xây dựng quan hệ “bằng hữu” với Tập Cận Bình và làm cho những nước Đông Á kính nể. Cố vấn của ông chẳng lẽ “dumb and naïve” đến mức không chỉ ra được cho ông thấy Tập Cận Bình đã khéo giăng bẩy, cho ông uống thuốc độc có đường, buộc ông phải nhìn nhận, tung hô sự đăng quang của Chủ tịch Tập không chỉ ở Trung Quốc mà còn trong cả vùng Thái Bình Dương, một trật tự quốc tế mới Trung Quốc đang xây dựng như một Hoa Mộng (Chinese Dream) với vai trò mẫu nghi toàn cầu mà chính Hoa Kỳ cũng tung hô – một thành công của Bắc Kinh đối với Washington cũng chỉ với lá bài Bình Nhưỡng trong tay áo! Nguyên cà chuyến Đông du này, ông Trump chẳng nói gì đến vấn đề nhân quyền ở Phi, ở Việt, ở Trung Quốc, ở Miên, ở Mã! Lưu Hiểu Ba chắc chắn không nhắm mắt! Ông lôi kéo Ấn Độ vào một trò chơi mà Ấn Độ ở Nam Á thực sự chẳng có vai trò gì. Và ông giang xa những đồng minh cũ chiến lược ở châu Âu trong ảo tưởng xích đến gần được với những nước Đông Nam Á và Đông Á để làm ăn mai sau!Còn những vấn đề của đất nước?
Súng đạn bạo lực khủng bố vẫn nổ và những người vô tội vẫn nằm xuống. Thế nhưng người ta vẫn nói súng đạn vô tội, chỉ có con người điên hơn, ngu hơn, độc hơn thì phải rán chịu? Sự thù hận chủng tộc bỗng dưng sống dậy, nội chiến dường như đang diễn ra từ trên cao xuống tận dưới. Nhưng ông Trump rõ rệt hiểu biết rất ít lịch sử Mỹ! Ông vẫn tìm cách thúc đẩy giảm thuế cho người giàu cho dù những nhà nghiên cứu đã nói mãi thành phần trung lưu và lao động sẽ là nạn nhân của sự ngu xuẩn này. Bài học ông Bush con giảm thuế năm 2001 vẫn còn đó! Ông Trump vẫn tìm cách phá Obamacare cho bằng được ngay trong mùa ghi danh bảo hiểm y tế bằng cách lại đưa ra đề nghị hủy bỏ điều khoản bảo hiêm bắt buộc, có nghĩa là số người bỏ bảo hiểm sẽ tăng, và bảo phí do đó đương nhiên cũng phải tăng! Về kinh tế, ông Trump đang rước vào “con ngựa thành Troy” từ Hoa Lục đưa đến: cứ nhìn thị trường nhà cửa, bán lẻ và dịch vụ trong những năm tới đang vào tay ai nếu không phải từ những người đang mở chợ, mở tiệm buffet để rửa tiền!
Bà Nancy Koehn, một giáo sư sử và khoa lãnh đạo của Harvard Business School, đã viết: “Chỉ mới chưa được mười tháng trong nhiệm kỳ của Donbald Trump, một đa số đáng kể công dân Mỹ xem tổng thống thứ 45 của họ là một thứ nghịch-lãnh-đạo (anti-leader), khuyến khích những phần tử tệ hại nhất trong nước làm những chuyện xấu xa, phá hoại những nhà ngoại giao của chính mình, an ủi tàn nhẫn những góa phụ đau buồn, làm ngơ mối quan hệ với Nga của ngưòi của mình, và gieo cấy sự bất đồng và bất ổn ở bất cứ nơi nào ông ta đặt chân.
Tương lai đất nước thế nào? Đó chính là câu hỏi chĩu nặng tâm hồn chúng ta.
Dù sao, ông Trump cũng đã 74. Khi chỉ trích người khác nhưng ông lại lẩm cẩm quên trước, quên sau điều vừa nói, đó chính là dấu hiệu Alzheimer! Nhưng chẳng ai không biết tuổi của ông! Và nhất là không ai không nhìn thấy cá tính “vĩ đại” của ông!
Hoàng Ngọc Nguyên