Tạp Ghi Hoàng Ngọc Nguyên, NGƯỜI TA NAY ĐÃ QUÊN TRẺ EM VÔ TỘI

NGƯỜI TA NAY ĐÃ QUÊN
TRẺ EM VÔ TỘI

Tạp Ghi Hoàng Ngọc Nguyên






Mặc dù mùa xuân cuối cùng đã tới, nắng ấm nay đã sớm lên, nhưng tháng tư năm nay chẳng có chuyện gì vui, chỉ toàn những chuyện đáng âu lo, suy nghĩ. Người ta nói, thời buổi gì ghê gớm quá. Ngày nào cũng có bắn giết, không chừa cả trẻ em, những chuyện bạo lực xảy ra như cơm bữa ngay trên đất nước Mỹ văn minh này, người ta ngán ngẩm là phải!

Thảm kịch của thời đại nổi bật ở chỗ trẻ em nay đang trở thành những vật hy sinh, tế thần cho sự tàn bạo, phi nhân của con người trong thời buổi tồi tệ nhất của dân chủ. Có một thời cách đây không lâu, khoảng 25-30 năm trước,  những nhà lý luận chính trị vẫn mạnh dạn nói không có dân chủ thì không thể có phát triển kinh tế. Chủ nghĩa lý tưởng này đã bị nhiều nước độc tài trong thế kỷ 21 cười vào mũi. Dân chủ ngày càng tồi tệ khắp nơi, thế nhưng phải nói ở những nước chuyên chính, hoặc đảng trị, hoặc quân phiệt... cuộc sống của người dân có khá hơn, sự mong đợi cũng cao hơn, đô thị và làng mạc có mở mang hơn, và ở nhiều nơi chẳng mấy ai màng đến dân chủ. Ý thức chính trị của người dân đang đi xuống, cho nên ít người nói đến tính giai cấp hóa trong xã hội với khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn vì thiểu số thượng tầng (elite) ngày càng thu hẹp nhưng cũng càng giàu hơn trước nhiều lần.

Thế nhưng chúng ta nay phải suy nghĩ như thế nào về những gì đang xảy ra ở Myanmar, trưóc đây ta vẫn quen gọi là Miến Điện? Hay nói chung trên toàn thế giới?

Myanmar vẫn quen được xem là một nước Phật giáo thuần thành bậc nhất, người dân là tín đồ ngoan đạo, và các thầy, các cô có ảnh hưởng lớn về mặt xã hội và cả về mặt chinh trị. Người dân răm rắp nghe lời và các tưóng lãnh ở nước quân phiệt truyền thống này cũng nể trọng. Người ta vẫn nghĩ nhờ thế mà dân chủ Myanmar từ 6-7 năm qua đang trên đà phục hồi. Chậm còn hơn không.

Thế nhưng chậm mà vẫn không chắc.

Đám quân phiệt vẫn được ¼ số ghế trong hai viện của Quốc Hội (theo Hiến Pháp 2008), còn được độc quyền nắm ba bộ chính trong nội các (Quốc phòng, Nội vụ và Biên giới) và còn lập một đảng chính trị (Liên bang Đoàn kết và Phát triển) để có thể giành đưọc đa số kiểm soát chính quyền, nhưng đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi vẫn nắm quyền trong nhiệm kỳ qua vì người dân chủ yếu chỉ tín nhiệm đảng của bà và thành tích đấu tranh của bà. Trong bầu cử vào ngày 8-11 năm ngoái, đảng Liên đoàn Dân tộc Dân chủ của bà lại thắng lớn, làm cho mấy tướng tá bẻ mặt. Lấy cớ là “bầu cử gian lận”, đám quân phiệt ngày 1-2 vừa qua bắt bà cùng hàng trăm người cầm đầu của đảng này để “điều tra”.

Ngay tức thì, người dân Myanmar đã phản ứng quyết liệt không ngờ, họ xuống đường hàng ngày để phản đối chế độ quân phiệt và đòi phải trả tự do ngay cho những người bị bắt giữ. Quân đội đã đàn áp thẳng tay, dùng súng có đạn thật (loại súng chiến đấu đang rất thông dụng ở Mỹ trong nạn bạo lực trên đường phố) bắn thẳng vào người biểu tình. Cùng lúc, lính tráng đến bố ráp từng khu xóm, lục soát từng nhà, khủng bố, bắn bỏ, bắt giữ những kẻ tình nghi. Tính đến nay, ngày 8-4, tức xấp xỉ 10 tuần đàn áp, đã có 614 người ngưòi bị bắn chết, và trong đó có đến 48 trẻ dưới 15 – tương đương với 7.8% người thiệt mạng. Đến hơn 2.800 người bị bắt giữ.

Chúng ta bàng hoàng trước tinh thần đấu tranh cho dân chủ của người dân Myanmar. Họ đã xuống đường với đầy đủ khí thế trong gần 70 ngày qua. Chắc chắn chúng ta khó thấy được ở người dân nước nào thời nay. Chắc chắn không thấy được ở nước “ra ngõ gặp anh hùng”. Ở  Đông Nam Á, chỉ có người dân Thái Lan có thể được so sánh phần nào, nhưng họ vẫn lúng túng giữa quân phiệt và quân chủ lạc hậu. Người dân Phi-líp-pin thời chống đối Marcos cũng anh hùng, nhưng nay trước Rodrigo Duterte, họ im hơi lặng tiếng! Có lẽ ngưòi dân Myanmar quá chán ghét chế độ độc tài quân phiệt, và họ hiểu một khi chế độ chuyên chính trở lại, phải tốn bao nhiêu thời gian và xương máu để tái lập dân chủ.

Sự im hơi lặng tiếng của giới lãnh đạo Phật giáo ở một nước Phật giáo là điều đáng thất vọng. Báo chí đưa tin và hình ảnh một nữ tu Thiên Chúa giáo đứng dang hai tay, chận lại một số ba bốn người lính có vũ trang đang muốn tràn vào nhà giữ trẻ của bà. Bà nói: “Hãy bắn tôi đi. Đừng bắn mấy trẻ vô tội”. Trước tai họa đang giáng xuống hàng trăm ngàn Phật tử trên đường phố, không có tin bất cứ nhà sư nào tự thiêu để cầu hòa bình cho người dân. Thế nhưng người dân bất kể sự “bất hợp tác” của giáo hội. Họ hẳn phải biết mối quan hệ qua lại lâu đời giữa hai thế lực quân đội và Phật giáo. Nhưng người dân vẫn xuống đường, dù biết những hiểm nguy đang chờ đợi họ.

Tại sao giới quân phiệt lại quyết tâm đảo chánh bằng mọi giá, bất kể sự nổi dậy của người dân. Nói vắn tắt, họ cảm thấy được kích thích, khích lệ bởi vì sống trong một thế giới toàn cầu mà dân chủ suy tàn nơi nơi. Nhất là họ nhìn chung quanh, nhìn lên và nhìn xuống. Họ đương nhiên không ngờ phản ứng của người dân. Theo nhận định của một quan sát viên tại chỗ, bà Clarissa Ward của CNN, giới quân đội của Myanmar đã đánh giá thấp về sức mạnh, ý chí và lòng dũng cảm của ngưòi dân”. Bởi thế cuối cùng họ quyết định phải mạnh tay. Chỉ một ngày thứ bảy 27-3, đã có hơn 100 người đi biểu tình bị bắn chết tại thành phố lớn Yangon! Tuy nhiên, Con số kỷ lục thực sự có thể vào ngày 10-4, khi hơn 80 người bị bắn chết tại Bago, một thành phố nhỏ, nhưng nhiều nhân chứng nói rằng lính đàn áp đã dùng loại “vũ khí nặng” (heavy weapon) và bắn vào bất kỳ đối tượng đang di động. Lính đã kéo đi nhiều tử thi cho nên số người chết thực sự có thể cao hơn nhiều con số 80 này.

Sự tàn nhẫn của quân đội trong đàn áp biểu tình của người dân là điều khó ngờ. Khó ngờ hơn nữa là sự nhẫn tâm của người cầm súng bắn vào trẻ em. Không chỉ trẻ đi theo cha mẹ xuống đường. Cả những trẻ đang ngơ ngác khi lính ồn ào, la hét tràn vào nhà. Như em bé trong hình này, em sợ hãi chạy đến với cha, và một người lính bắn em chết ngay. Rất khó hiểu cấp chỉ huy của người lính này đã dặn dò như thế nào. Bắn bỏ hết cho người ta sợ, không còn dám “chống phá cách mạng” nữa? Ngay cả thời lính lê dương tràn vào thôn quê đất nước chúng ta trong cuộc chiến Đông Dương thứ nhất, chúng cũng không cư xử như thế với trẻ con. Có một câu hỏi khó thể trả lời: Tại sao người lính Myanmar có thể nhắm mắt thi hành lệnh sát nhân nhằm vào những người đồng chủng, đồng bào của mình, nhất là trong đó có bao nhiêu phụ nữ, trẻ em?

Một số đại sứ của các nước dân chủ phương tây tại Rangoon (Ngưỡng Quảng) ngày 7-4 đã đưa ra một bản tuyên bố chung ca ngợi những người biểu tình: “Chúng tôi cảm thấy thán phục trước sự can trường và nhân cách của người dân Miến Điện”.  Và thay mặt chính phủ của họ, những sứ giả này nói: “Chúng tôi thống nhất với nhau trong sự ủng hộ những hy vọng cũng như nguyện vọng của tất cả những người tin tưởng vào một Myanmar tự do, công bằng, hòa bình và dân chủ. Bạo lực phải chấm dứt, tất cả những người bị giam giữ vì lý do chính trị phải được trả tự do và nền dân chủ phải được khôi phục”. Những đại sứ này đến từ các nước: Hoa Kỳ, Anh, EU, Canada, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và nhiều nước châu Âu khác. Tổng thống Joe Biden đã quyết định một số biện pháp chế tài nhưng xem chừng không có hiêệu quả gì!

Các nước Đông Nam Á chung quanh vẫn im hơi lặng tiếng, xem đó là chuyện riêng tư, “chuyện nhà của người ta”. Việt Nam hay Phi-líp-pin hay Thái Lan nói được gì? Tất cả đều nghẹn họng.. Ngay cả bất cứ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an cũng có thể bị phủ quyết bởi hai nước thành viên chủ yếu: Nga và Hoa. Nói chung, chúng ta cũng hiểu Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh chưa hề lên tiếng kêu gọi dân chủ ở bất cứ nưóc nào. Huống gì trong tình huống hiện nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, trùm KGB lãnh đạo nước Nga từ năm 2000, đầu tháng tư vừa qua đã đích thân “tu chỉnh” hiến pháp để ông có thể ở mãi trong Điện Cẩm Linh đến khi chết. Hay đến năm 2036, nhờ trời, nếu còn sống, ông chỉ mới 84 tuổi! Những phong trào xuống đường đòi dân chủ ở Nga bị dẹp thẳng tay. Có đâu mà đòi. Các người đấu tranh luôn luôn có chỗ trong nhà tù Tây Bá Lợi Á! Gần đây, ông Biden gọi Putin (người bạn thân đáng nể nhất của Donald Trump) là “kẻ sát nhân”. Putin chỉ cười, còn nói giỡn lại, “Chỉ có kẻ sát nhân mới biết ai là kẻ sát nhân”. Hiến Pháp của đất nước người ta linh hoạt như thế, muốn sửa là sửa ngay, có phải cứng nhắc như Hiến pháp nước Mỹ, chỉ có một tu chánh án cả 150 năm trước về quyền sở hữu súng của “militia” (dân quân) nay bị lạm dụng để khuyến khích bạo lực súng đạn mà hoài không sửa được.

Chủ tịch Tập Cận Bình lên thay Hồ Cẩm Đào từ năm 2011 nay cũng ổn định được tương lai vì đã chủ động tích cực sửa đổi điều lệ của đảng, không còn đặt giới hạn nhiệm kỳ cho tổng bí thư và chủ tịch nước, cho nên ông có thể ở Trung Nam Hải mút mùa. Ông cũng quá bận rộn việc trong nhà, việc ngoài nhà, thời giờ đâu mà để ý chuyện Myanmar. Trong nhà: trại tập trung cải tạo to lớn ở Tân Cương dành cho người Hồi giáo Uighur; trấn áp phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong để chấm dứt một cách dứt khoát ảo tưởng dân chủ của người dân ở lãnh địa này. Bên ngoài: Đài Loan vẫn còn vùng vẫy, các nước chư hầu trên Biển Đông chưa chịu khuất phục thiên triều...Hơn nữa, và quan trọng hơn hết, Myanmar là một chư hầu trong Đông Nam Á được Bắc Kinh bảo trợ. Cho nên, dân chủ cho Myanmar chẳng là điều Bắc Kinh phải bận tâm.

Nếu câu chuyện của Myanmar chưa đủ bi thảm và người ta chỉ còn mong rồi có một ngày, chính những người cầm súng nổi dậy, chúng ta hãy đọc câu chuyện sau đây:
“Những tên chuyên buôn lậu người đã bị thu hình đang thả hai trẻ nhỏ từ trên đỉnh một bức tường thành cao hơn 4 mét ngăn đôi Mỹ và Mễ. Cơ quan Quan thuế và Biên phòng của Mỹ đã đưa ra video cho thấy hai tên này đưa trẻ đến tường biên giới phía Mexico tối thứ ha 30-3. Một tên trèo lên tường và thả trẻ em xuống phía đất Mỹ. Sau khi hai trẻ xuống mặt đất, tên đang ở trên cao leo trở lại xuống phía đất Mễ và cả hai sau đó bỏ chạy. Những tên chuồi người qua biên giới này được bóng đêm che khuất, nhưng một viên chức biên phòng đã thu hết hoạt cảnh  này qua một cellphone camera sử dụng kỹ thuật dạ quang. Những nhân viên biên phòng khác đã được báo động về việc này và họ tìm đến nơi hẻo lánh này gần Santa Teresa, tiểu bang New Mexico, nơi họ đang cứu hai bé gái di dân chẳng có ai đi cùng – một 5, một 3. Hai chị em đến từ một gia đình ở Ecuador. Các trẻ đều “giật mình” khi thấy có nhân viên biên phòng tới”.

Người ta gọi đó là một sáng kiến táo bạo, vì bọn chuyên nghề đưa lậu trẻ em vào Mỹ hiểu rằng bước qua thời Joe Biden, ông sẽ chẳng bắt trẻ “thất lạc” trên đất Mỹ phải trở lại “nguyên quán”. Những trẻ này đang mếu máo, làm sao biết nguyên quán và gia đình là đâu? Bởi thế, hiện nay, nước Mỹ đang giữ khoảng 29.000 trẻ lạc này, chỉ tính từ đầu tháng 10 năm ngoái đến nay!

Nưóc Mỹ là đất nước của di dân (“nation of immigrants” như cố Tồng thống John F. Kennedy từng gọi), là “vùng đất của cơ hội” (“Land of Promise”, như tựa đề của một tác phẩm của Michael Lind, “an economic history of the United States”). Nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi làm sao xem những trẻ này là di dân được, khi chúng đang ở vào lứa tuổi chưa trưởng thành để có thể tự quyết định. Và cơ hội mà chúng ta nói ở đây phải chăng chỉ là cơ hội mà trẻ mở ra cho cha mẹ chúng về sau khi chúng đã thành công dân Mỹ để đón cha mẹ qua, nhưng với cái giá nào mà chính những trẻ này phải trả – Những trẻ này nay không còn gia đình chung quanh và đang lớn lên mất mát, thiếu vắng bất cứ người thân thích, ruột thịt nào chung quanh. Chắc chắn một thời niên thiếu kém vui mà chỉ toàn sợ hãi. Làm sao người ta không nghĩ được đến sự hình thành lối sống sau này từ những ngày hôm nay?

Đó chính là thảm kịch “vô thường”, thầm lặng nhất trong vô vàn thảm kịch đang xảy ra ở vùng biên giới.

Chúng ta đã thấy chính sách di dân biên giới bất nhân dưới thời Donald Trump phi nhân. Nhưng chúng ta cũng phải thấy chính quyền Joe Biden còn phải định nghĩa rõ ràng chính sách biên giới của mình, bắt đầu bằng cách xác định nước Mỹ quan niệm thế nào là di dân trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay! Bà Phó Tng thống Kamala Harris không phải là giải pháp chỉ vì bà có nhiều gốc di dân.

Thế nhưng chúng ta chớ quên nói đến thảm kịch của trẻ nhỏ ở ngay trên nước Mỹ, nơi thịnh hành của bạo lực súng đạn cho dù đó là chuyện tai tiếng muôn thuở và tàn tệ nhất ở nước Mỹ lâu nay mà người ta vẫn chưa giải quyết được – hay làm ngơ, không giải quyết vì lá phiếu dơ bẩn và văn hóa chính trị lạc hậu. Chỉ trong năm nay, tính đến 11-4, đã có 140 vụ nổ súng nhằm vào “đám đông” (mass shooting - theo định nghĩa có trên 5 người) 175 người chết, 535 người bị thương. Đã có quá nhiều vụ liên quan đến trẻ em bị chết oan, nhưng cũng có nhiều trường hợp kẻ sát nhân nhằm vào trẻ nhỏ. Gần đây nhất, một người mẹ trẻ cầm dao giết chết ba đứa con 1, 3 và 5 tuổi – không nghe nói đến cha của chúng là ai;  hai anh em 21 và 19 tuổi tại Allen, Texas, người gốc Hồi giáo Bangladesh, giết hết gia đình, gồm cha mẹ, em gái, bà ngoại, rồi tự sát; một người da đen cầu thủ bóng chày ở South Carolina, cầm súng giết cả gia đình hàng xóm, gồm một bác sĩ, vợ ông, và hai đứa bé 7 và 9 tuổi; ở New York City, một người da trắng giết bạn gái, con chung của hai người mới 1 tuổi, và hai con gái riêng của cô, mới 3 và 5 tuổi; ở Orange County, Cali., một tên cầm súng vào nhà một người từng làm ăn địa ốc với mình, bắn chết bốn người trong nhà, trong đó có một trẻ 9 tuổi...

Chúng ta nói mãi, kể như bằng thừa: Trong thời buổi ngày nay, con người càng ngày càng ngu dại, càng điên rồ, càng hung dữ, và càng khinh thường những giá trị nhân bản đến mức càng dễ có cảm hứng bởi chủ nghĩa anh hùng với bạo lực súng đạn... Nếu nước Mỹ nói chung mà chưa hiểu được điều ấu trĩ đó để có những luật pháp thích hợp kiểm soát quyền sở hữu súng đạn và ngăn cấm buôn bán vũ khí sát thương hàng loạt chỉ dùng cho chiến trận, thì lãnh đạo nước Mỹ ngày nay, thời nay sẽ mang những vết nhơ lịch sử đời đời. Không chỉ vết nhơ lịch sử là chuyện mai sau, mà còn sự ô danh, tủi nhục khi những nước văn minh nhân bản chẳng làm sao có thể hiểu được tại sao nước Mỹ vẫn xem giá trị con người quá rẻ so với “quyền kinh doanh súng đạn” – nhân danh hay lạm dụng Đệ nhị Tu chánh án.

Và bao giờ người ta mới biết nhấn mạnh lời kêu gọi, thình cầu “Trẻ thơ vô tội” – Hay Children’s  Lives Matter. Xin đừng đụng đến.

Hoàng Ngọc Nguyên

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top