Tạp Ghi Hoàng Ngọc Nguyên, ĐỨC GIÁO HOÀNG VỚI TÌNH NGƯỜI  VÀ TRÒ ĐỜI

ĐỨC GIÁO HOÀNG
VỚI TÌNH NGƯỜI  VÀ TRÒ ĐỜI

Tạp Ghi Hoàng Ngọc Nguyên


www.saigonweeklyonline.com


Giáo Hoàng thường vui

Nhưng cũng có lúc không vui

Trong những ngày đầu tháng chạp này, thời tiết lạnh lùng khó tưởng. Có thể tương tự như mùa đông đầu tiên trên nước Mỹ chúng ta từng cảm nhận khi mới rời khỏi “Miền Nam mưa nắng hai mùa” để đến với “vùng đất của tự do và cơ hội”. Mặt trời chẳng hề ló dạng, nhìn vào thiên nhiên chỉ một màu xám ủ dột, bao giờ người ta cũng có cảm giác tuyết có thể đổ xuống bất cứ khi nào. Nếu không thấy cảnh tượng chung quanh người Mỹ nô nức đi mua sắm, trang hoàng cảnh trí để đón Giang Sinh, có lẽ chúng ta chẳng hiểu được những ngày Merry Christmas và Happy New year ấm cúng đang đến với mọi nhà.

       Thế nhưng năm nay, một nỗi thê lương ảm đạm từ cảnh tượng bên ngoài đến tâm sự bên trong đã không có chỗ cho sự mong đợi ấm cúng. Thiên nhiên có lẽ cũng thế, vạn vật có lẽ cũng thế, cho dù người ta đang nói đến hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Nhưng có vấn đề “thay đổi khí hậu” hay chăng chẳng phải là chuyện trưóc mắt để lo nghĩ. Trước mắt là mùa Giáng Sinh truyền thống đã quá quen thuộc bỗng dưng biến mất. Chúng ta không còn thấy cảnh tượng của phố phường, ở các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng rộn ràng mong đợi. Chúng ta không thấy hàng xóm  giăng đèn, giăng hoa và dựng cây Giáng Sinh ... Và chúng ta đều hiểu sự khác biệt lớn nhất của năm nay so với bao nhiêu năm trước là chúng ta không còn mong đợi đón tiếp con cháu, và cũng không nghĩ đến thăm viếng ai trong mùa Giáng Sinh năm nay. A not-so merry-Christmas. Một Giáng Sinh lủi thủi, thê lương!

       Chúng ta đang ở vào một thời khủng hoảng cùng cực, “siêu khủng hoảng đa diện”, mà những khủng hoảng trước đây lịch sử thường nhắc đến hay chúng ta đã sống qua đều kém xa.
       Chúng ta đã có khủng hoảng đại dịch trước đây, cách đây hơn trăm năm, được gọi là Spanish flu để khỏi mang tiếng “cúm Mỹ”. Chung quanh ta hiện nay chẳng ai còn nhớ được, nếu còn có người đã từng sống trong thời đó. Nhưng thời đó, người ta chỉ biết một nỗi lo về đại dịch khi không nước nào đạt được văn minh “y tế đại chúng”, cho nên mạnh ai nấy kiếm thuốc. Và đại dịch thời đó xem chừng dễ hiểu hơn đại dịch thời nay. Mười tháng sau khi được phát hiện, ngưòi ta chẳng biết coronavirus ở đâu ra, làm sao lan truyền, và ngăn chận và điều trị thế nào. Khủng hoảng hiện nay nghiêm trọng ở chỗ tính đến nay đã 10 tháng, số trường hợp nhiễm gần 16 triệu (5% dân số), số người tử vong gần 300.000 (295.546) (tức cứ 1.000 dân thì có một người chẳng may), và từ đầu tháng 11 đến nay, đại dịch càng bị lãnh đạo bỏ luống, càng phát tác, số trường hợp dương tính đến hơn 200.000 /ngày, số người chết hơn 3.000/ngày!

Chúng ta cũng đã có khủng hoảng kinh tế trước đây. Đó là thời Đại khủng hoảng (Great Depression) trong những năm đầu thập kỷ 30, cách đây 90 năm. Nhưng với sự lo lắng của chính quyền Franklin Roosevelt, tổng thống đưa ra lần đầu tiên luật về An ninh Xã hội (Social Security) để cho người lao động không bị bế tắc hoàn toàn khi bị thất nghiệp, kinh tế dần dần phục hồi, nhưng cũng đến 10 năm sau tỷ lệ thất nghiệp mới bình thường hóa (xuống dưới mức 10%), từ múc cao kỷ lục 24.9% năm 1933. Kinh tế đầu thời Tổng thống Reagan cũng bị khủng hoảng đến mức 10.8%. Kinh tế dưới thời Tổng thống Obama thay thế George Bush ở Tòa Bạch Ốc cũng bị ảnh hưởng về suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp10% vào tháng 10/2009.  Nhưng trong cả hai khủng hoảng này, sự bình thường hóa đã nhanh chóng phục hồi, vì người lao động còn niềm tin và còn cơ hội và xã hội và chính trị bình an. 

Trong khủng hoảng suy thoái vì nhiều ngành phải ngưng hoạt động (du lịch, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, bán lẻ...), nay đang nổi lên đe dọa lạm phát, tức giá cả gia tăng. Số người thất nghiệp hiện nay vào khoảng 12.5 triệu người, nhưng nếu bao gồm cả những người thất nghiệp “không khai báo” (còn được gọi là thất nghiệp trá hình – disguised unemployment), con số lên tới 19 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp đã loại bỏ yếu tố “theo mùa” (seasonal effect) là khoảng 6.7%. ở mức đó vì số người từ bỏ lực lượng lao động đã tăng mạnh trong vài tháng qua. Người ta tính cũng phải 3-5 năm sự lành mạnh của lao động mới có cơ trở lại. Có nghĩa là trong khoảng thời gian đó, chúng ta phải chứng kiến một thành phần không nhỏ trong xã hội phải sống mong chờ trợ cấp. Ngân hàng Thực phẩm nay đang hoạt động cật lực và hết hơi, vì số người cần food stamps và food banks lên đến mức 55 triệu người – khoảng 1/6 dân số nước Mỹ. Đi quyên sự đóng góp của người từ tâm đã khó vào lúc này, tìm cách phân phối an toàn cho người cần cũng khó. Một nước Mỹ đúng là chúng ta chưa hế tưỏng được. Người ta tính là đến 70% người thuê nhà đang gặp khó khăn lớn trong việc trả tiền thuê hàng tháng.

Gọi là “siêu khủng hoảng đa diện” vì người già sống mòn mỏi trầm cảm trong đại dịch, người trẻ không thể vươn lên được trong học hành cũng như sự nghiệp, hàng chục triệu người thất nghiệp hay bán thất nghiệp vì suy thoái kinh tế, ngót nghét trăm triệu người trở nên nghèo đói sồng chỉ mong đợi trợ cấp và tem phiếu thực phẩm và ngân hàng phát chẩn... Một siêu  khủng hoảng đưa đến sư điên loạn và bạo lực trong gia đình, trong xã hội. Siêu khùng hoảng dưới thời Tổng thống Donald Trump kinh khủng hơn hết thảy vì gồm cả đại dịch COVID-19, cả kinh tế suy thoái không trỗi dậy được vì đại dịch, và đặc biệt hơn nữa cả chính trị phân hóa mê muội đến mức giống như những dấu hiệu của một cuộc nội chiến tệ hại trở lại sau 160 năm! Người ta còn gọi là “tân Quốc xã” (neo-fascism) ở Mỹ! Vì tổng thống đương nhiệm là Donald Trump, một nguyên thủ quốc gia đặc biệt, trước chưa từng có, sau có lẽ cũng không, sau bốn năm ở Tòa Bạch Ốc vẫn chưa hiểu được trách nhiệm lãnh đạo đất nước của mình. Chính khủng hoảng chính trị, đích thực là khủng hoảng của nền daân chủ Mỹ, đã làm cho lãnh đạo không lý gì đến đại dịch và suy thoái kinh tế, mà chỉ tìm cách lạm quyền để duy trì quyền hnàh.

       Ngày 11-12, Tối cao Pháp viện đã bác bỏ vụ kiện thứ 62 của ông Trump hay giới cuồng Trump đưa ra. Trong vụ này, Texas với 17 tiểu bang Cộng Hòa khác ủng hộ đã kiện cách bầu cử tại bốn tiểu bang then chốt mà ông Joe Biden đã thắng: Pennsylvania, Wisconsin, Georgia, và Michigan, bởi lẽ ông Trump cứ nói cho bằng được đây là những tiểu bang của ông, Biden không thể thắng được. Vụ kiện này cũng có đến 126 dân biểu Cộng Hòa điên rồ ủng hộ. Nhưng tòa án tối cao này, dù có đến sáu thẩm phán Cộng Hòa bổ nhiệm (trong đó Trump có ba) đã bác khuớc đơn kiện, lý do đơn giản: chuyện người ta, đừng dính vào! Trước đó đầu tuần, tòa án này cũng bác bỏ một vụ kiện của dân cử Cộng Hòa tại Pennsylvania về kết quả bỏ phiếu ở tiểu bang này.

       Phía Trump đã đưa ra hàng chục vụ kiện “bầu cử gian lận”, nhưng vụ nào cũng nhanh chóng bị bác bò. Nhưng tật xấu khó bỏ, Trump vẫn cứ nói mình thắng, bầu cử gian lận, và ông ta sẽ kiện đến chết. Như mặc cả trong làm ăn hay kỳ kèo khi tính thuế. Ngày 12-12, 4 giờ sáng, Trump tweet: “I WON THE ELECTION IN A LANDSLIDE, but remember, I only think in terms of legal votes, not all of the fake voters and fraud that miraculously floated in from evrywhere! What a disgrace”. Tôi đã thắng cử áp đảo, nhưng nhớ rằng, tôi chỉ tính số phiếu hợp lệ, không phải những cử tri giả mạo và gian lận đã kỳ diệu trôi vào từ mọi nơi. Thật xấu hổ”. Vấn đề chúng ta có thể thấy từ bầu cử năm 2016: bầu cử gian lận trừ phi Trump thắng. Ngay cả số phiếu phổ thông bà Clinton thắng bốn năm trưóc, theo Trump, cũng từ “cử tri bất hợp pháp”. Bởi thế năm nay, Tồng thống Trump được báo chí Đức tặng danh hiệu “Loser of the Year”. Thế mới thấy uy tín quốc tế của nhân vật Make America Great Again vĩ đại đến chứng nào.

       Bầu cử tổng thống nói riêng, và bầu cử dân chủ ở Mỹ nói chung, là một nếp dân chủ tốt đẹp có từ bao đời. Không ứng cử viên nào, nhất là một tổng thống đương nhiệm, đi kiện lui kiện tới, kiện nơi nơi như Trump. Nhưng ông bất kể mang tiếng là “sore loser”. Và không thèm tính đến chuyện không thể nào thắng được. Vấn đề là bốn năm qua ông đã kỳ diệu từ từ nắm cả hồn lẫn xác đảng Cộng Hòa khiến cho dân chủ Mỹ suy thoái, bế tắc. Vân đề nghiêm trọng hơn nữa, nguy hiểm hơn nữa, là ông Trump đã nắm được cả một khối quần chúng da trắng “hơn người” (supremacist) đến hàng chục triệu người, bằng cach khích động cho họ sợ, cho họ ghét nhũng gì không phải là họ. Di dân, người da đen, người Latino, người Hồi giáo, người nghèo phải sống nhờ phúc lợi xã hội ... Những người bạch chủng này nghĩ rằng chẳng có chính khách nào dám đụng đến những nhóm quần chúng này, cho nên họ khâm phục sự quả cảm của ông Trump. Bởi vậy mà có đến 70 triệu cử tri bỏ phiếu cho ông Trump - một con số kinh khủng nói lên sự nguy hiểm của thời chúng ta đang sống.

       Trước những khủng hoảng dồn dập như thế, chúng ta phải làm sao?

Lẽ thường, chúng ta phải đi tìm sự bình tâm, yên tĩnh cho tâm trí nơi những lời lẽ có tính huấn từ từ những người lãnh đạo tinh thần vẫn được tôn kính. Bởi thế, bài viết của Đức Giáo Hoàng Francis vào đầu tháng 12, được đăng trong mục “Quan điểm” (Op-Ed) của tờ The New York Times, chắc chắn chúng ta không thể bỏ sót. Giáo Hoàng Francis được cử lên năm 2013, là lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội thuộc dòng Jesuit, đến từ châu Mỹ, một nước Nam Mỹ Latino... Người ta cũng hay nói về cuộc đời của Ngài, xuất thân từ một gia đình nghèo ở Buenos Aires, phải đi làm gác dan cho một hộp đêm, năm 21 tuổi bị mổ suýt chết, mất cả cuốn phổi... Trong bảy năm qua, Ngài được tiếng là giáo hoàng “bình dân” quen đi xe buýt, đến với những người cùng khổ trong xã hội. Giáo hoàng cũng chủ trương bắt tay với Hồi giáo để làm giảm những căng thẳng tôn giáo trên thế giới. Ngài cũng chủ trương các nước châu Au nên mở cửa cho di dân tỵ nạn từ Trung Đông tao loạn. Đối với giáo hội của mình, ông đã mạnh dạn thanh lọc tham nhũng, lạm dụng đồng thời lên án những nhà tu phạm giới... 

Bài viết có tựa: “A crisis reveals what is in our hearts”. Một cuộc khủng hoảng cho thấy trong tim của chúng ta thế nào. Ngài đã lên tiếng trước những quan tâm đầy day dứt về sự tắc trách của nhiều người và nhiều chính phủ trước đại dịch coronavirus.
Bài viết bắt đầu bằng cách nhấn mạnh con người thời nay khổ lắm:

Trong năm biến động vừa qua, đầu óccon tim tôi đã bị tràn ngập vì nỗi đau của mọi người. Những người tôi nghĩ đến và cầu nguyện, và đôi khi khóc cùng, những người có tên và khuôn mặt, những người đã chết mà không từ biệt những người yêu thương, những gia đình khó khăn, thậm chí đói khát vì không có việc làm.

Sau đó Đức Giáo Hoàng nói đến những thách đố bất trắc thời đại đặt ra cho con người:
“Mỗi người trong chúng ta đều có thời điểm dừng lại của riêng mình, hoặc nếu chưa có, một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy: bệnh tật, thất bại trong hôn nhân hoặc kinh doanh, một số thất vọng lớn hoặc bị phản bội. Như trong đại dịch Covid-19, những khoảnh khắc đó tạo ra căng thẳng, một cuộc khủng hoảng bộc lộ những gì trong lòng chúng ta.

       Ngài nhắc lại ngay từ thời trẻ, ngài đã biết được câu chuyện “đời là bể khổ mênh mông”, nhưng chính tình người, chính là phần Thiên Chúa ban cho, đã làm cho chúng ta vượt qua được những thử thách không cùng này. Chính từ kinh nghiệm thập tử nhất sinh này ông mới liên hệ được tình cảnh con người trong đại dịch hiện nay. Và chúng ta không thể quên công đức của những người trên “bệnh trường” đang chiến đấu với virus ở bệnh nhân hàng ngày, hàng giờ để giành lại sinh mạng của biết bao người. Đức Giáo Hoàng đã mạnh dạn phê phán thái độ vô tâm, vô đạo, xem thường mạng sống cũng như nỗi lo của con người giữa khi đại dịch hoành hành mà giới hữu trách cứ loay hoay, không biết phài làm sao để phòng ngừa hay kềm chế.

Các trường hợp ngoại lệ là một số chính phủ đã phủ nhận bằng chứng đau đớn về những cái chết gắn liền với những hậu quả đau buồn không thể tránh khỏi. Nhưng hầu hết các chính phủ đã hành động có trách nhiệm, áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự bùng phát. Tuy nhiên, một số nhóm đã phản đối, từ chối giữ khoảng cách, tuần hành chống lại các hạn chế đi lại - như thể các biện pháp mà các chính phủ phải áp dụng vì lợi ích của người dân tạo thành một loại tấn công chính trị đối với quyền tự chủ hoặc tự do cá nhân!

Hướng đến lợi ích chung không chỉ là tổng hợp những gì tốt cho cá nhân. Nó có nghĩa là quan tâm đến mọi công dân và tìm cách đáp ứng hiệu quả nhu cầu của những người kém may mắn nhất. Tất cả đều quá dễ dàng đối với một số người để đưa ra một ý tưởng - trong trường hợp này, chẳng hạn như quyền tự do cá nhân - và biến nó thành một hệ tư tưởng, tạo ra một lăng kính để họ đánh giá mọi thứ. ..Hãy nhìn chúng tôi ngay bây giờ: Chúng ta đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và những người khác khỏi một loại vi rút không thể nhìn thấy. Nhưng còn tất cả những loại vi-rút vô hình khác mà chúng ta cần biết để bảo vệ mình thì sao? Chúng ta sẽ đối phó như thế nào với những đại dịch tiềm ẩn của thế giới này, đại dịch đói và bạo lực và biến đổi khí hậu? Nếu chúng ta muốn thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này ít ích kỷ hơn so với khi chúng ta bước vào, chúng ta phải để cho mình cảm động trước nỗi đau của người khác.

Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến nhân tính của con người trước mọi khủng hoảng: phải vận dụng con tim và khối óc để tìm đủ mọi cách để thoát ra.
 “Có một câu trong tác phẩm “Hyperion” của Friedrich Hölderlin nói với tôi mối nguy hiểm đe dọa trong một cuộc khủng hoảng là không bao giờ toàn diện bởi vì luôn luôn có một lối thoát... Con người luôn có cách để thoát khỏi sự hủy diệt. Nhân loại phải hành động ở đâu, chính xác là ở mối đe dọa; đó là nơi cánh cửa mở ra. Đây là thời điểm để ước mơ lớn, để suy nghĩ lại về các ưu tiên của chúng ta - những gì chúng ta coi trọng, những gì chúng ta muốn, những gì chúng ta tìm kiếm - và cam kết hành động trong cuộc sống hàng ngày theo những gì chúng ta đã mơ ước.

Những kết luận Đức Giáo hoàng dành cho bài viết này mạnh dạn hơn những gì chúng ta có thể tưởng được ở một người cao niên như Ngài. Những gì chúng ta đã có trước đây có thể chỉ là giả tạo, “vô thường”, cho nên “Chúa yêu cầu chúng ta mạnh dạn làm ra một cái gì đó mới.

Chúng ta không thể quay trở lại những an toàn giả tạo hay sai lầm của hệ thống chính trị và kinh tế mà chúng ta đã có trước cuộc khủng hoảng. Chúng ta cần những nền kinh tế cho phép mọi người tiếp cận với thành quả của tạo hóa, những nhu cầu cơ bản của cuộc sống: đất đai, chỗ ở và lao động. Chúng ta cần một nền chính trị có thể hòa nhập và đối thoại với người nghèo, những người bị loại trừ và dễ bị tổn thương, giúp mọi người có tiếng nói trong các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Chúng ta cần phải sống chậm lại, cân nhắc và thiết kế những cách tốt hơn để cùng chung sống trên trái đất này.
Đại dịch đã phơi bày một nghịch lý rằng trong khi chúng ta kết nối nhiều hơn, chúng ta cũng chia rẽ nhiều hơn. Chủ nghĩa tiêu dùng cuồng nhiệt phá vỡ mối ràng buộc chúng ta thuộc về nhau. Nó khiến chúng ta tập trung vào việc bảo vệ bản thân và khiến chúng ta lo lắng. Nỗi sợ hãi của chúng ta càng trở nên trầm trọng và bị lợi dụng bởi một loại chính trị dân túy tìm kiếm quyền lực trên xã hội. Thật khó để xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ, trong đó chúng ta gặp gỡ với tư cách là những người có phẩm giá chung, trong bối cảnh một nền văn hóa vị kỷ, xem hạnh phúc của người già, người thất nghiệp, người tàn tật và trẻ sơ sinh ngoại vi đối với cuộc sống hanh phúc của chúng ta.
Không thể có cách nhìn nào mạnh dạn hơn, trung thực hơn vào chính trị và xã hội thời nay, nhất là ở Mỹ mà có lẽ Đức Giáo Hoang đã nhắm vào một cách thẳng thắn và trung thực:
Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này tốt hơn, chúng ta phải khôi phục kiến ​​thức rằng với tư cách là một người, chúng ta có chung một điểm đến. Đại dịch đã nhắc nhở chúng ta rằng không ai thoiát được đơn lẻ một mình. Điều ràng buộc chúng ta với nhau là cái mà chúng ta thường gọi là đoàn kết. Tình đoàn kết không chỉ là những hành động hào hiệp, quan trọng như chính chúng; đó là lời kêu gọi để nắm lấy thực tế rằng chúng ta bị ràng buộc bởi những ràng buộc có đi có lại. Trên nền tảng vững chắc này, chúng ta có thể xây dựng một tương lai con người tốt đẹp hơn, khác biệt hơn.
Vấn đề chúng ta đang suy nghĩ nhiều sau bài viết của Ngài chính là chuyện con tim và khối óc trong đời sống. Trí óc điều khiển con tim hay tim điều khiển óc. Đức Giáo Hoàng đã đặt nặng và nhấn mạnh con người sống phải có con tim, chính con tim điều khiển khối óc để tìm hành động thích hợp. Một con tim nhân ái.
Và đúng là qua siêu khủng hoảng thời nay chúng ta mới thấy được con tim “Me First” của một người có trách nhiệm phải sống cho toàn dân.
 

Hoàng Ngọc Nguyên


www.saigonweeklyonline.com






 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top