OBAMACARE TRƯỚC TRUMPSCARE
OBAMACARE TRƯỚC TRUMPSCARE
Lời giới thiệu: Bài viết này được nhà báo Hoàng Ngọc Nguyên viết vào tháng 9 năm 2017 khi tổng thống Trump bước vào Tòa Bạch ốc được 8 tháng. Khi đó, những định chế của Hiến Pháp Hoa Kỳ chưa bị ông Trump “vi phạm” trầm trọng với sự im lặng là đồng lõa” của đa số Thượng Viện Cộng Hòa như hiện nay. Khi đó, Hoa Kỳ chưa bị đại dịch Covid-19 “đánh tôi tả … Vào thời điểm đó còn có ít nhất 7 Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa lên tiếng không đồng thuận với đề nghị xóa bỏ hoàn toàn Obamacare khi chưa có một dự luật y tế nào khả thi để thay thế. Đại dịch Coronavirus đánh mạnh, đánh thẳng vào cộng đồng người Mỹ da màu lao động, những người không còn bảo hiểm y tế sau khi chánh quyền Donald Trump không còn bắt buộc mọi công dân Hoa Kỳ phải có bảo hiểm y tế như dưới trào Obamacare.
7 Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa không đồng thuận với ông Trump bãi bỏ hoàn toàn Obamacare
Trong đó có cố TNS John McCain
Văn phòng Ngân sách Quốc Hội (Congressional Budgetary Office – CBO) là một định chế lưỡng đảng (của cả hai đảng và không theo đảng nào) của Quốc Hội mà trách nhiệm cố vấn và soi đường chính sách ngân sách và kinh tế vẫn được coi là thiết yếu. Như chúng ta đã biết lâu nay, định chế này đã nổi bật trong hai nhiệm vụ chính: thẩm lượng những biện pháp mà chính phủ đang cân nhắc về tính khả thi và hiệu quả, và đánh giá những biện pháp đã được ban hành, đang được áp dụng. Những người lãnh đạo chính quyền thường phải dựa vào những báo cáo của CBO để có những sửa chữa, điều chỉnh thích hợp để tránh những quyết định có hại cũng như kịp thời tu chỉnh đối với những biện pháp hiện hữu.
Hôm giữa tháng, CBO đã đưa ra một báo cáo, “ca ngợi” Tổng thống Donald Trump đã thành công - thực ra hơn mức chúng ta tưởng – trong nỗ lực “thanh toán” Obamacare, mặc dù chính phủ vẫn chưa thông qua được dự luật y tế gì mới để thay thế luật cũ. Khi CBO đưa ra những ý kiến thuận lợi, ông Trump sẽ coi đó là bệ phóng để đi tới. Nhưng khi CBO nói chuyện không hay, ông tweet tức thì “fake news”. Như thế, trong trường hợp này, ông Trump sẽ “tweet” thế nào.
Thật ngây thơ khi chúng ta cho rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã thắng Tổng thống Donald Trump trên mặt trận Obamacare trong cuộc chiến tranh dai dẳng mà đương kim tổng thống vẫn theo đuổi ngày càng hăng say, quyết liệt - nếu không nói là điên rồ, bất kể - từ khi nhậm chức nhằm xóa hết “tàng tích” của người cũ để có chỗ dựng tượng đài cho người mới.
Dĩ nhiên, đã có bao nhiêu nỗ lực từ trước đến nay của người Cộng Hòa tại Thượng Viện và Hạ Viện đã thất bại trong việc dẹp bỏ Luật Chăm sóc Y tế Trong khả năng Người bệnh (ACA), gọi nôm na là Obamacare vì cựu Tổng thống Mỹ là người xướng xuất cách đây hơn bảy năm. Khi lên thay ông Obama tại Tòa Bạch Ốc, chẳng hiểu lòng thù hận kiếp nào hay ganh tỵ hay đố kỵ, ông Trump nhất quyết rằng luật y tế của Obama đang làm ngưòi dân khốn đốn, bảo phí tăng, người có bảo hiểm giảm, cho nên ông càng thúc đẩy việc hủy bỏ. Nhưng sự thực là ngược lại như thế.
Với Obamacare, con số người không có bảo hiểm y tế đã giảm từ khoảng 47 triệu còn 25 triệu. Bất cứ chính phủ nào có lương tâm, hay không nhất thiết phải la chính phủ, bất cứ người dân nào có suy nghĩ, đều phải thấy đó là một tiến triển đầy khích lệ, vì lần đầu tiên nước Mỹ đã mò mẫm trên con đường y tế đại chúng (universal health care), thay vì bỏ luống sau khi đã lo được bảo hiểm y tế Medicare cho ngưòi già. Dĩ nhiên, Obamacare chẳng phảỉ là hoàn hảo, tuyệt đối, bởi vì trong quá trình hình thành, phe thuận đã phải tìm cách thỏa hiệp với phe chống cho nên một số điều khoàn chỉ đạt nửa vời. Nhưng ý hướng của luật này là tất cả mọi người đều phải có bảo hiểm, tức thành phần trẻ phần nào sẽ chia sẻ gánh nặng của người già, con cái được an toàn ăn theo bảo hiểm của cha mẹ, những người không có khả năng tài chánh sẽ được chính phủ hỗ trợ, một số dịch vụ phòng ngừa bệnh phải được bảo đảm để cho người dân có thể sống an toàn, lành mạnh hơn, và những người có sẵn bệnh vẫn phải được bảo hiểm y tế nhận. Hướng thực hiện của Obamacare là bảo phí phải xuống, giảm thiểu sự lạm dụng trong cung cấp dịch vụ y tế (nhà thương, bác sĩ, dược phẩm), và các công ty bảo hiểm sẽ có thể chịu sự cạnh tranh của một định chế bảo hiểm của nhà nước trong hướng “chỉ có một đầu thanh toán”.
Thực tế, Obamacare chưa hẳn là hoàn hảo (trên đời này có gì là hoàn hảo, ngay cả ông Donald Trump!), nhưng đảng Cộng Hòa đã không “replace” nó được thì làm sao “repeal”, hay nói cách khác, không “repeal” nó được vì không có gì “replace”! Ông Trump ngay tình chẳng có gì mấy trong đầu về bảo hiểm y tế. Ông chưa hề có cả kinh nghiệm bản thân, chưa hề hiểu được những kinh nghiệm nhức đầu, bối rối của người dân để hiểu bảo hiểm y tế là gì đối với cuộc sống con người phải lành mạnh. Ông chưa hiểu không có bảo hiểm là thế nào, càng không hiểu tại sao có người có bảo hiểm cũng như không. Ông chỉ biết cái luật này mang tên kẻ thù “bất cộng đái thiên”. Giả dụ đổi tên lại là Trumpcare, “it’s OK then!” Nhưng còn một vấn đề khác nữa. Những ngưòi theo ông, người da trắng quốc xã, cho rằng Obamacare này chỉ nhằm phục vụ lợi ích của lớp người da đen và di dân Latino “hopeless”, muốn lợi dụng “hảo tâm” của chính quyền. Người ta quên rằng không ít người da trắng lợi tức thấp cũng cần Obamacare. Không hiễu tất cả sự phức tạp của 95% người dân lớp dưới của Mỹ, ông Trump chỉ ca cẩm (whining) qua tweets trước khi đi ngủ hay sau khi thức dậy, chưa kịp đánh răng, rửa mặt… Như khi ông thống trách hai người lãnh đạo của đảng Cộng Hòa tại cả hai viện, Mitch McConnell và Paul Ryan, “vô (nhân) dụng”, chỉ mỗi một việc hủy bỏ Obamacare mà làm không xong. Và như chúng ta đều biết, đầu tháng chín, ông quyết định “sleeping with the enemy” đến mức một số người Cộng Hòa chưng hửng, phát khủng và tố ông “bất trung” với đảng. Sự thực không phải thế: ông là ông, chẳng phải Dân Chủ, chẳng Cộng Hòa, cũng chẳng “của dân, do dân, vì dân”. Đúng nhất, ta là “của ta, do ta, vì ta”.
Obamcare chưa hẳn là hoàn hảo, nhưng căn bản của đạo luật này là đạo lý nhân bản, đúng hướng, và đặt nền tảng và dựng sườn nhà cho nền y tế đại chúng của Mỹ, cho nên một lãnh đạo có ý thức, lương tâm và trách nhiệm cần phải củng cố niềm tin nơi người dân về sự bền vững của một đạo luật y tế như thế. Nhưng ông Trump chỉ nhìn thấy Obamacare như một cái gai trước mắt. Mỗi buổi sáng đứng trước gương, ông cứ như thấy có chữ Obamacare hiện lên trên mặt kính. Ông đấm bể mặt kính này, thay kính mới, chữ đó vẫn hiện ra. Bởi thế ông đã có lời thề, nếu không hủy bỏ được Obamacare qua con đường Quốc Hội hợp pháp, ông sẽ làm cho luật này “nổ tung” bằng cách gì… chúng ta đã biết.
Trong trận chiến sinh tử giữa Trump và Obama không đồng cân sức, dĩ nhiên người sau phải yếu thế. Ông Obama không còn ngồi ở Tòa Bạch Ốc nữa, quyền lực đâu nữa để đối chọi; trong khi đó, quyền lực tổng thống chính là vũ khí lợi hại nhất, nhất là khi người ta đã chủ tâm lạm dụng nhất. Một mặt khác, một bên mục tiêu là xây dựng, một bên mục tiêu là đạp đổ, đương nhiên công việc của ông Trump dễ dàng hơn nhiều. Ông cứ việc gieo tiếng oán kiểu “Tăng Sâm giết người”, chính là sở trường của ông. Nếu mọi người tâm thần bất ổn, như người sống trong khủng bố, ai cũng sợ Obamacare sẽ đổ, bảo phí sẽ tăng, dịch vụ sẽ cắt... thì đương nhiên, ai còn hăng hái, tích cực đi theo Obamacare. Và một khi tuổi trẻ vừa chán ngán vừa thấy không cần bảo hiểm, thì Obamacare đủ chết.
Theo phúc trình được công bố ngày thứ năm 14-9, cơ quan CBO đã có một quan điểm không lạc quan khi nhìn về tương lai. CBO tiên đoán rằng những chính sách (phá hoại) của chính quyền Trump nhằm vào Obamcare có thể giúp ông Trump đạt mục tiêu (phá hoại) vì chúng làm bảo phí (premium) gia tăng, và làm giảm số người ghi tên mua bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm cá nhân trong năm tới. Phúc trình này đã đề cập đến nhiều chính sách mà Tòa Bạch Ốc đang thúc đẩy để diễn giải tại sao bảo phí trung bình của Obamacare sẽ tăng đáng kể trong năm 2018.
Phúc trình CBO đã nêu lên sự bất định ở những khoản trợ giá mà chính phủ trả cho các công ty bảo hiểm, vì ông Trump cứ hăm he nhiều lần ông có thể sẽ chấm dứt những khoản chi trả này. Các công ty bảo hiểm do đó đã tăng phí cho người có bảo hiểm. Do chính quyền Trump không bảo đảm hay cam kết thực hiên những khoản trợ giá này, cùng sự giảm sút trong quảng bá thông báo cho ngưòi dân về các thị trường và cắt giảm số nhân viên làm việc để giúp những người muốn ghi danh mua bảo hiểm, hiện trạng này chính là lý do khiến cho số người không có bảo hiểm nay tìm mua bảo hiểm theo chương trình Obamacare bị giảm. Khi dự phóng cho năm 2026, báo cáo mới công bố so với báo cáo tháng ba năm 2016 của CBO cho thấy một sự điều chỉnh tệ hại cho Obamacare: dự phóng con số những người được bảo hiểm có trợ giá thông qua các thị trường cá nhân giảm đến 4 triệu người, trong khi con số người không có bảo hiểm tăng thêm 3 triệu người.
Người ta có thể nhớ ông Trump đã từng đe dọa chấm dứt trợ giá sau khi những người Cộng Hòa tại Thượng Viện đã không thông qua được biện pháp hủy bỏ ACA. Trump từng tweet vào tháng bảy: “Nếu luật y tế mới không được chấp thuận nhanh chóng, thì việc trợ giá cho các công ty bảo hiểm và trợ cấp cho các thành viên Quốc Hội sẽ chấm dứt rất sớm”.
Những công ty bảo hiểm phải căn cứ trên tiền chính phủ trợ giá cho người được bảo hiểm để hạ thấp mức được khấu trừ (deductible - một khoản tiền được xác định mà ngưòi được bảo hiểm phài trả trước khi công ty bảo hiểm phải thanh toán mọi hóa đơn bảo hiểm) và đồng chi trả (co-pay) của những người ghi danh cá nhân kiếm được ít hơn $30.000 một năm và gia đình bốn người kiếm được khoảng $61.000. Những khoản trợ giá này riêng biệt với trợ giá bảo phí mà chính phủ trả để hạ thấp bảo phí.
Trong thời gian trước mắt, sự mù mờ, bất định này có nghĩa là sẽ có thêm người dưới 65 tuổi sẽ không có bảo hiểm, theo CBO nhận định. Từ năm 2017 đến 2018, con số người không có bảo hiểm sẽ tăng 2 triệu, theo dự phóng này, chủ yếu là vì bảo phí trên thị trường cá nhân sẽ cao hơn, có thể tăng đến 15%.
Sau 2018, sự gia tăng tiếp tục trong số người không có bảo hiểm được giải thích bởi nhiều yếu tố: người ta tính rằng sẽ có những công ty chấm dứt chuyện cho nhân viên bảo hiểm, thêm nhiều người được Medicaid (do đó không cần mua bảo hiểm y tế), và nói chung một tỷ lệ ghi danh mua bảo hiểm đi xuống. Cũng theo báo cáo này, trong khi bảo phí sẽ tăng, khả năng được tiếp cận với các công ty bảo hiểm gia tăng. Trong mấy tháng qua, tại hàng chục quận hạt, nhất là ở Nevada, Virginia và Ohio, ngưòi ta sợ răng các công ty bảo hiểm sẽ tránh xa, không hiện diện. Tuy nhiên, nay một số công ty đã tham dự.
Phúc trình của CBO kết luận trong năm 2019, nếu luật này ổn định hơn (có nghĩa là không bị phá), bảo phí Obamacare có thể thấp hơn mức năm 2018.
Nhưng làm sao chúng ta có thể tưởng rằng luật này có bao giờ có thể được ổn định, diễn tiến vững vàng! Một khi hai đảng, chẳng riêng gì đảng này hay đảng nọ, vẫn còn điên! Ngày càng cho thấy cả hai đều thiếu lương tri! Nhất là chúng ta đang vào mùa bảo hiểm y tế.
Người ta chưa biết ông Bernie Sanders liệu có ra tranh cử lần nữa vào năm 2020 hay chăng sau khi bà Hillary Clinton tố ông là Dân Chủ giả hiệu, nhưng vừa qua ông lại đưa ra một dự luật về bảo hiểm y tế đại chúng, ai cũng có bảo hiểm, và hệ thống bảo hiểm mới này giống các nước châu Âu ở chỗ chỉ có một người chi trả: đó là nhà nước! Điểm đặc biệt là cũng có hơn 10 nhân vật tai to mặt lớn trong đảng tại Thượng Viện đã lên tiếng ủng hộ dự luật này, như các thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (MA), Kirsten Gillibrand (NY), Kamala Harris (CA), Cory Booker (NJ), Sheldon Whitehouse (RI), Ryan Schatz (HI), Tammy Baldwin (WI). Nhưng chủ tịch nhóm thiểu số Chuck Schumer đã thận trọng cho nên giữ im lặng, không nói lên quan điểm của mình. Vì đó là việc khó, không tưởng vào thời điểm này. Trước hết, mục tiêu trước mắt của đảng Dân Chủ là phải chung sức, đồng lòng bảo vệ và chấn hưng Obamacare. Chiến lược gia nào của đảng Dân Chủ cũng có thể thấy sự sai lầm, hoang tưởng trong việc đưa ra dự luật này. Thứ hai, hệ thống chính trị liên bang-tiểu bang của Mỹ, cùng với sự phân cực chính trị vì ý thức hệ cùng ảnh hưởng mạnh mẽ của ngành bảo hiểm lên Quốc Hội khó lòng cho một chế độ “one payer health care” được thông qua, và thông qua lại được áp dụng suông sẻ. Đề nghị này là không thực tế. Thứ ba, Luật An sinh Xã hội ra đời từ năm 1933 là vì Franklin Roosevelt là một tổng thống mạnh, đảng Dân Chủ thời đó cũng mạnh và tình thế thuận lợi (Đại khủng hoảng kinh hoàng). Cũng tương tự, những luật về Medicare và Medicaid của Tổng thống Lyndon Johnson được ban hành năm 1965, vì đảng Dân Chủ mạnh, ông Johnson cũng mạnh và tình huống chính trị thuận lợi (imperial presidency). Năm nay, Sanders không phải là tổng thống. Đảng Dân Chủ không cầm quyền và đang suy yếu. Và tình thế chẳng có gì thuận lợi cho dự luật này khi phong trào bạch chủng dân tộc đang phủ nhận lợi ích của những nhóm chủng tộc khác. Sanders có lẽ cũng có vấn đề tâm thần chăng, hay quá già nên lẩm cẩm?
Đảng Cộng Hòa lại còn độc hơn nữa. Đã bao năm nay họ chủ tâm hủy bỏ Obamacare bằng bất cứ giá nào nhưng không thành, nhưng sau bao lần thất bại, họ vẫn không nản chí. Hay đúng hơn, họ đang xem hiện nay như cơ hội cuối cùng. Hoặc là để giữ ông Trump lại cho đảng. Hay chuẩn bị một người có thành tích sẵn sáng thay ông Trump lãnh đạo. Cho nên khi thấy ông Trump phá mãi Obamacare mà chưa dứt khoát được, nay họ lại âm mưu đưa ra một dự luật mới. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (SC) và Bill Cassidy (LA) nay đưa ra một dự luật nhằm hủy bỏ hay sửa đổi nhiều nội dung chính của luật cải cách y tế. Nếu thành công, đương nhiên Graham sẽ là ngôi sao trên vòm trời tối đen của đảng, và ông hẳn phải thấy tham vọng tái tranh cử năm 2020 chẳng phải là chuyện không tưởng. Dự luật này có những nôi dung chính như sau: (i) Hủy bỏ qui định buộc mọi nguời phải mua bảo hiểm và chủ nhân phải cấp bảo hiểm cho người làm; (ii) Hủy bỏ trợ giá Obamacare và chấm dứt tài trợ cho việc mở rộng Medicaid; (iii) Nới lỏng những qui định “khắt khe” của Obamacare về bảo hiểm cho những người có bệnh từ trước; (iv) Cải ổo việc tài trợ cho Medicaid toàn diện; (v) Cho phép tiểu bang thực hiện đòi hỏi người xin Medicaid phải có hồ sơ lao động; (vi) Hủy bỏ một số thuế tài trợ cho bảo hiểm; (vii) Hủy bỏ quỹ giúp người “kế hoạch hóa gia đình” (planned parenthood); và (viii) Gia tăng mức đóng góp tối đa cho các tài khoản tiết kiệm y tế.
Chưa bàn đến nội dung, ý nghĩa cua những điều khoản trên đây, thì vấn đề hiện nay của dự luật này là ở chỗ, nếu Thượng Viện muốn thông qua dự luật này theo cách “thỏa hiệp” giản đơn (chỉ cần một nửa, hay 50 phiếu) thì việc bỏ phiếu phải tiến hành chậm nhất là ngày 30-9. Tuy nhiên, Văn phòng Ngân sách Quốc Hội cho biết phải cần nhiều tuần mới đánh giá được lợi hại của dự luật này. Liệu người ta có sẵn sang chờ hay không và chịu bỏ thời giờ ra tranh luận một cách công khai, thẳng thắn cho người dân biết hay chăng?
Như vậy thế nào đây? Bỏ phiếu tức thì thì đúng là nhắm mắt bỏ phiếu, là chuyện vô lương tâm và ngu xuẩn.
Còn nếu chờ CBO thì số phiếu tán thành phải cần đến 60, không phải là 50. Và cơ hội “ngàn năm một thuở” này có thể vuột dễ dàng khòi tay.
Sự bất nhân của sự lạm dụng quyền lực có thể đến chừng nào?
Hoàng Ngọc Nguyên
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Hoàng Khoa
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày 27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840. Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404