Nhà Biên Khảo Văn Học
TRẦN BÍCH SAN
vừa qua đời
www.saigonweeklyonline.comTRẦN BÍCH SAN
vừa qua đời
Nhà biên khảo Trần Bích San, một tên tuổi quen thuộc trong làng văn học hải ngoại vừa qua đời tại thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ vào ngày Thứ Bảy 9 tháng 1, 2021 sau một cơn bạo bệnh.
Ông cộng tác với nhà báo Hoàng Dược Thảo trong việc thành lập hệ thống báo Saigon Nhỏ từ những ngày đầu và là chủ biên tuần báo Saigon Nhỏ tại thành phố New Orleans từ năm 1987 đến năm 2016. Đây là một trong những ấn bản thành công nhất của hệ thống báo này. Ông cũng là người đã viết lời tựa cho tập truyện ngắn Tiểu Thư, Con Gái Nhà Ai của Hoàng Dược Thảo xuất bản năm 1995.
Nhà biên khảo Trần Bích San tên thật là Trần Gia Thái, sinh năm 1940 Mỹ Lộc, Nam Định, Việt Nam. Tốt nghiệp Luật Khoa Saigon. Ông nhập ngũ khóa 3/69 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Cấp bậc và đơn vị cuối cùng là Trung Úy SĐ 5 Bộ Binh.
Tị nạn tại Hoa Kỳ từ năm 1975. Tốt nghiệp Cử Nhân ĐH George Washington năm 1979. Tốt nghiệp Cao Học ĐH Tulane University ngành Quản Trị Y Tế 1995. Tốt nghiệp Tiến Sĩ cùng ngành năm 2009.
Ông là Giám Đốc BioMedical Department tại bệnh Viện Touro, New Orleans từ năm 1990.
Chủ bút nguyệt san Lên Đường (New Orleans (1987, Chủ biên cơ sở văn học Cỏ Thơm và đại diện cho tuần báo Saigon Nhỏ tại New Orleans từ năm 1987.
Với nhà biên khảo Trần Bích San, Văn không có nghĩa là Văn Pháp mỹ miều thuần túy ở phương diện thưởng ngoạn mà còn là Văn Đạo mở đường cho sinh lực sáng tạo, từ nguồn tới ngọn… Văn Khảo theo ông là nổ lực tìm cái Chân đàng sau cái Mỹ nên ngoài việc tôn trọng cái Đẹp của ngôi nhà văn hóa Việt Nam, ngoài việc quan sát và so sánh giá trị của từng địa hạt sáng tạo, của từng mẫu mực kiến trức tư tưởng, nhà biên khảo Trần Bích San còn khai mở những nền móng ẩn chìm dưới tòa nhà văn hóa, để đo lường và phân tích những vấn đề văn học để lại cho đời sau vì theo ông “văn học là việc của muôn đời”.
Tác phẩm cuối cùng đã xuất bản năm 2018 của ông là quyển Văn Học Việt Nam dày 1200 trang gồm những bài biên khảo về văn học Việt Nam trong 20 năm. Ông đã đặt lại vị trí của Chữ Việt Cổ, Chữ Hán, Chữ Nôm và Chữ Quốc Ngữ trong hệ thống ngôn ngữ và tư tưởng để so sánh và khơi mào những dữ kiện chủ yếu, những thành tố căn bản liên quan tới công trình sáng tạo nhân văn. Ông cho rằng tuy tư tưởng và tôn chỉ Nho Giáo đã ảnh hưởng sâu sa đến kẻ sĩ Việt Nam trong việc đem sở học ra gánh vác việc đời, thực hiện những công việc ích quốc, lợi dân nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tinh thần ái quốc của dân tộc Việt Nam qua những vần thơ ái quốc thời nào cũng có, những tác phẩm văn hóa tồn tại qua nhiều thế kỷ đã xuất hiện ngay cả trong những giai đoạn giao thời, khi ý thức hệ dân tộc trở thành một nghi vấn để bàn cãi. Ông đã đánh giá quan trọng việc viết những biên khảo về văn học vì ông cho rằng tình hình đất nước tạo ra những thiếu sót và sai lầm trong việc ghi nhận những vấn đề về văn học đã tạo ra những thách đố cho người sống vì chữ nghĩa, trọng chữ nghĩa phải vượt qua để giảm thiểu đi những ngộ nhận không cần thiết cho thế hệ đi sau khi đọc những gì được gọi là “văn học sử Việt Nam” thời cận đại.
Đối với tôi, nhà biên khảo Trần Bích San không chỉ là một bạn văn, một người bạn đồng hành trên con đường văn học và chính trị mà ông còn là một người anh vì trên tất cả, cuộc đời của ông rất xứng đáng với 4 chữ “sĩ phu nước Việt”. Nhà biên khảo Trần Bích San theo tôi là một sĩ phu nước Việt hiếm hoi còn sót lại sau cuộc đổi đời bi thảm của một người cầm bút của Việt Nam Tự Do sau 1975.
Trong dịp đau buồn này, Hoàng Dược Thảo xin thành thực chia buồn cùng tang quyến. Hy vọng ở thế giới bên kia, tâm thức của ông sẽ tìm được nơi chốn bình an cho những trăn trở của ông về quê hương, đất nước và dân tộc, những điều ông đã không tìm thấy được ở thế giới này khi phải sống đời lưu vong của một sĩ phu Việt Nam yêu nước.
Hoàng Dược Thảo