NGÔ THẾ VINH
KÊNH FUNAN TECHO, SAU ĐỊA CHẤN 05.08.2024
KẾT THÚC MỘT KHỞI ĐẦU, VẪN CÒN THỜI GIAN
ĐÒI CÔNG LÝ CHO 20 TRIỆU CƯ DÂN ĐBSCL
Gửi 20 triệu cư dân ĐBSCL bấy lâu
không được quyền cất tiếng nói
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
Hình 1: Lễ động thổ kênh Funan Techo với tràn ngập cờ xí tại ngôi làng nhỏ Prek Takeo, huyện Kien Svay, tỉnh Kandal ngày 05.08.2024, cũng là ngày sinh nhật của Hun Sen, do con trai ông, nay là Thủ Tướng Hun Manet chủ tọa; phía trước khu nhà máy là dàn khẩu hiệu tiếng Khmer cực lớn: “Chúng tôi ủng hộ Kênh Funan Techo”, đây là điểm khởi đầu của khúc kênh đào (1) dài 20 km, lấy nước từ Sông Mekong Hạ (Lower Mekong) là một dòng chính đầu nguồn Sông Tiền trước khi chảy vào ĐBSCL, Việt Nam. [nguồn: Khmer Times 05.08.2024]
Lời giới thiệu:
Thủ tướng Hun Manet với hậu thuẫn của cha ông, người đã đề xướng ra công trình kênh Funan Techo như một Đại vận hà của dân tộc Khmer, đồng thời là di sản triều đại của cha con họ. Về địa chính trị, tuyến đường thủy vận này cho họ phương tiện chuyển hàng hóa từ Phnom Penh ra biển, không còn phải theo tuyến đi trên Sông Tiền hay Sông Hậu, sẽ giải thoát họ khỏi sự phụ thuộc vào Việt Nam. Cha con Hun đã được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng khi đặt cho dự án này dưới tên Funan, khơi động lên tinh thần dân tộc bài Việt, và soi sáng lại lịch sử Đế chế Funan của họ. Theo giới chuyên gia quốc tế, và phân tích trên Viet Ecology Foundation, lợi ích kinh tế của công trình này chắc chắn không khả thi, tác động nặng trên môi sinh cho Cam Bốt và xuyên biên giới xuống Việt Nam nhưng đã bị chính quyền Phnom Penh giảm thiểu hóa và gạt bỏ. Phnom Penh không giải trình toàn bộ chi phí và việc di dời đền bù cho người dân họ như thế nào. Họ cung cấp thông tin bất nhất và sai lệch về dự án và không tuân theo các thủ tục ràng buộc của Hiệp Định Mekong 1995, mà họ đã long trọng ký kết với lân bang. Trước chọn lựa bang giao căng thẳng thay vì hợp tác của nước láng giềng Cam Bốt, chính quyền Việt Nam không thể bất lực như từng bất lực trước các dự án Mekong suốt 30 năm qua, không thể chờ đợi hứng chịu hậu quả con kênh Funan Techo sẽ giáng xuống trên 20 triệu cư dân ĐBSCL, nhất là khi Cam Bốt không xây dựng và vận hành dự án này đúng như thông báo mà không có biện pháp can thiệp. Bài khảo luận sau của nhà văn Ngô Thế Vinh, nhà hoạt động môi sinh bền bỉ trình bày một chiến lược với ý thức trách nhiệm lịch sử cần phải thực hiện để bảo vệ quyền lợi dân tộc. Viet Ecology Foundation
SAU ĐỊA CHẤN 05.08.2024
Thủ Tướng Hun Manet, cũng là con trai trưởng của cựu TT Hun Sen, đã phát biểu trong lễ động thổ long trọng xây dựng siêu dự án kênh Funan Techo sáng ngày 05.08.2024 tại tỉnh Kandal: “Kênh Funan Techo không chỉ là một đường thủy vận nhưng đó còn là một tượng đài sống động có ý nghĩa lịch sử về Đế chế Funan vĩ đại, như là tiền thân của đất nước Cam Bốt chúng ta ngày nay. Với đường thủy thuận lợi, đã từng là nơi trao đổi buôn bán với nước lớn Trung Hoa và cả với Đế quốc La Mã, con kênh này đã đóng một vai trò thiết yếu trong giao thương, và cả trong giao thoa với những nền văn minh từ xa. Nếu con kênh từng đem lại lợi ích cho tổ tiên chúng ta từ 2.000 năm trước, nó cũng hữu ích với chúng ta ngày nay”.
Funan là tên một Đế chế cổ đại trong vùng Đông Nam Á, xuất hiện từ thế kỷ thứ I trước Công Nguyên (CN) tới thế kỷ thứ VII sau CN. Funan đã từng có một thời kỳ huy hoàng.
TT Hun Manet nói tiếp: “Thật là bất hạnh cho lịch sử Cam Bốt phải chứng kiến nhiều Đế chế và Vương quốc suy tàn do xâu xé nội bộ và chiến tranh. Chúng ta hiểu biết lịch sử, và sẽ không bao giờ để điều đó tái diễn ra trên đất nước chúng ta.” [nguồn: Khmer Times, August 5, 2024]
Hình 2: Vẫn là cận cảnh trước khu nhà máy, nhưng là 21 ngày sau lễ động thổ 26.08.2024, vẫn với dàn khẩu hiệu tiếng Khmer cực lớn: “Chúng tôi ủng hộ Kênh Funan Techo”. Đây là khúc đoạn đầu (1) con kênh đào Funan Techo (phải) lấy nước từ Sông Mekong Hạ – đầu nguồn Sông Tiền (trái), chạy dài 20 km tiếp nối với Sông Bassac – một dòng chính khác của Sông Mekong, đầu nguồn Sông Hậu.
Như vậy, rõ ràng kênh Funan Techo lấy nước từ cả 2 dòng chính (hay còn gọi là 2 phân lưu – distributaries) của Sông Mekong. Nhưng theo thông báo của Ủy Ban Quốc gia Mekong Cam Bốt (Cambodia National Mekong Committee) gửi tới MRC vẫn nói rằng kênh Funan Techo chỉ lấy nước từ con sông Bassac – mà họ cố tình gọi sai – misnomer: Sông Bassac chỉ là một phụ lưu* (tributary) của Sông Mekong. [sic]
*Theo định nghĩa về địa lý sông ngòi trong tiếng Anh, phụ lưu – tributary là để chỉ một dòng chảy phụ tiếp nước vào dòng chính; nhưng rõ ràng Sông Bassac là một dòng chính hay còn gọi là phân lưu* (distributary) của Sông Mekong. Theo MRC, tổ chức đầu não của Ủy Hội Sông Mekong 4 quốc gia Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, đã có định danh rất rõ ràng về con Sông Bassac – là một phân lưu lớn / một nhánh chính của Sông Mekong.
Near the Cambodian capital Phnom Penh, the Bassac River, the Mekong’s largest distributary, branches off. This is where the Mekong Delta begins as the Mekong and Bassac Rivers enter a large fertile plain in southern Viet Nam. In this area, known as the ‘Nine Dragons’, a series of smaller distributaries split off from the main stream of the Mekong and Bassac – Gần thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Sông Mekong phân nhánh thành Sông Bassac, một phân lưu lớn nhất của Sông Mekong; Sông Bassac đổ vào một vùng đồng bằng rộng lớn phì nhiêu của miền Nam Việt Nam, tiếp tục phân thêm các nhánh nhỏ hơn nên còn có tên là ‘Chín Con Rồng’ ở Việt Nam. [hết trích dẫn]
Đây là một luận điểm pháp lý quan trọng mà Việt Nam phải quyết tâm bảo vệ.\
Hình 3: Một khu nhà xưởng khác bên bờ con kênh còn dở dang, với dòng chữ Hán “Đặc Ngưu Cương Kết Cấu / 特牛钢结构” là một công ty sắt thép Trung Quốc có chi nhánh ở Cam Bốt với trách nhiệm hữu hạn thuộc tập đoàn xây dựng dân dụng làm khung sắt thép cho các công trình xây cất cầu đường và các dự án kỹ thuật khác. Nơi phân đoạn đầu (1) Kênh Funan Techo, sau 3 tuần lễ động thổ chỉ mới có hình hài của một con lạch. Tuy vẻ bề ngoài vắng lặng, nhưng bên trong khu nhà xưởng là các toán công nhân đồng phục đang vận hành những dàn máy lắp ráp những khung sắt thép cung cấp cho công trình xây dựng con kênh đào dài 180 km vào những ngày tháng tới.
[nguồn: Hình 2 & 3 YouTuber/@phamminhnhut, ghi chú của Ngô Thế Vinh]
Hình 4: Sơ đồ 3 phân đoạn 1.2.3 kênh Funan Techo; phân đoạn (1) màu đỏ dài 20 km nối Sông Mekong Hạ đầu nguồn Sông Tiền với Sông Bassac, phân đoạn (2) màu trắng dài 30 km là một khúc Sông Bassac, phân lưu thứ hai của Sông Mekong đầu nguồn Sông Hậu, phân đoạn (3) màu đỏ dài 130 km nối Sông Bassac với tỉnh duyên hải Kep trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan. Ba vòng đen là vị trí 3 âu thuyền (shiplocks) với chức năng thay đổi mực nước của con kênh cho tàu thuyền di chuyển. [nguồn: bản đồ MRC VN, với ghi chú bổ sung của Ngô Thế Vinh]
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
VỀ KÊNH FUNAN TECHO
Kênh Funan Techo có chiều dài 180 km, đi qua 4 tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep với kinh phí là 1,7 tỷ USD, với dự trù nguồn vốn ban đầu là từ Công ty Cầu Đường Trung Quốc (BRC / Bridge and Road Corporation) thuộc Sáng Kiến Một Vòng Đai và Một Con Đường [BRI / Bridge and Road Initiative]. Nhưng trước làn sóng chỉ trích từ nhiều phía là với Kênh Funan Techo, Cam Bốt sẽ rơi vào bẫy nợ Trung Quốc; nên vào tháng 6/2024 TT Hun Manet trấn an dân chúng rằng 51% vốn sẽ từ các nhà đầu tư Campuchia.
Với con số 1,7 tỷ USD theo nhận định của các chuyên gia cho là quá thấp. Bởi vì qua kinh nghiệm của con Kênh Bình Lục (平 陸 運 河 / Pinglu) của TQ với chiều dài 135 km từ tỉnh Quảng Tây nối sông Châu Giang xuống tới Vịnh Bắc Bộ, kinh phí đã lên tới 10,1 tỷ USD, như vậy kinh phí cho con kênh Funan Techo 180 km phải cao hơn 1,7 tỷ USD rất nhiều!
KS Phạm Phan Long, người sáng lập Việt Ecology Foundation (VEF) có cùng một nhận định, “Kênh Funan Techo có chiều dài như đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville tốn kém kinh phí đã lên tới 2 tỉ USD, nhưng với con kênh rộng hơn gấp 3 tới 4 lần. Cấu trúc con kênh phải được thiết kế sao cho có thể chịu được áp suất của nước và sự dao động do di chuyển của những con tàu trọng tải tới 5.000 DWT. Sức chứa nặng như thế đòi hỏi con kênh phải có một đáy vững chắc hơn mặt đường cao tốc.” KS Phạm Phan Long nói thêm, một con kênh tương tự bên Trung Quốc chỉ với chiều dài hơn 100 km cần kinh phí lên tới hơn 10 tỷ USD để xây dựng, như vậy con số 1,7 tỷ USD là quá thấp”.
Hình 5: Kênh Bình Lục (平 陸 運 河 / Pinglu) của TQ với chiều dài 135 km từ tỉnh Quảng Tây nối sông Châu Giang xuống tới Vịnh Bắc Bộ, kinh phí lên tới 10,1 tỷ USD, như vậy kinh phí cho con kênh Funan Techo chiều dài 180 km chắc chắn phải cao hơn 1,7 tỷ USD rất nhiều. [nguồn: Bộ Giao Thông Vận tải Quảng Tây, ghi chú của Ngô Thế Vinh]
Con kênh sẽ nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh duyên hải Kep. Bắt đầu từ con kênh Takeo nối với Sông Mekong Hạ (Lower Mekong / thượng nguồn Sông Tiền) qua Prek Ta Ek, Prek Ta Hing, nối với Sông Bassac, một phân lưu khác của Sông Mekong / Sông Bassac thượng nguồn Sông Hậu) đi qua 4 tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep, và cuối cùng chảy ra Vịnh Thái Lan.
Kênh Funan Techo chiều rộng 100 m ở thượng nguồn và 80 m phía hạ nguồn, chiều sâu 5,4m (chiều sâu di chuyển 4,7 m và có khoảng cách an toàn 0,7 m), với hai làn di chuyển ngược chiều nhau với các tàu trọng tải (DWT / deadweight tonnage) 3.000 tấn lên tới 5.000 tấn. Theo dự án ban đầu thì sẽ có 3 âu tàu (shiplocks), lượng nước xả tối đa 3,6 m3/ giây, 11 cây cầu, với 208 km đường biên (sidewalk), cùng với các cơ sở hạ tầng yểm trợ khi cần.
Công trình Funan Techo được chia ra làm 3 phân đoạn [Hình 4]
_ Phân Đoạn Một (20 km): nối dòng chính Sông Mekong Hạ (phân lưu thứ nhất của Sông Mekong / là thượng nguồn Sông Tiền)
_ Phân Đoạn Hai (30 km): con kênh theo dòng chảy tự nhiên của Sông Bassac (phân lưu chính thứ hai của Sông Mekong / thượng nguồn của Sông Hậu)
_ Phân Đoạn Ba (130 km): con kênh đào nối Sông Bassac xuống cảng Kep đổ ra Vịnh Thái Lan.
Hình 6: Sông Bassac, một phân lưu chính (distributary) của Sông Mekong, với tàu bè và xà lan tấp nập di chuyển. Một khúc đoạn 30 km của con Sông Bassac này sẽ là phân đoạn 2 của kênh Funan Techo dài 180 km chảy ra vịnh Thái Lan. Sun Chantol khi còn là Bộ trưởng Bộ Công chánh và Giao thông vận tải, từ rất sớm 19.02.2023, đã có sáng kiến: “Chỉ cần đào một đoạn kênh khoảng 7 km nối Sông Bassac với vùng cảng biển Kampot-Kep là chúng ta có một đường thủy vận chuyển hành khách và hàng hóa ra vào Vương quốc Cam Bốt mà không cần phải qua ngả Việt Nam.” Điểm đáng chú ý Phnom Penh Post là một tờ báo gần như duy nhất và hiếm hoi đã gọi đúng tên con Sông Bassac là một “distributary / phân lưu” của Sông Mekong. [source: Phnom Penh Post]
DỰ ÁN FUNAN TECHO ĐÃ PHÓNG ĐI – NHƯNG LIỆU CÓ THỂ HOÀN TẤT NHƯ ĐÃ RẦM RỘ QUẢNG BÁ?
Thật khá ngạc nhiên là chỉ 2 ngày sau lễ động thổ kênh Funan Techo, người ta được đọc một bài báo khác vẫn trên tờ Khmer Times ngày 07.08.2024 với nhan đề: “Dự án Funan Techo đã được phóng đi – nhưng liệu có thể hoàn tất như đã quảng bá”, mà ai cũng biết Khmer Times là một tờ báo thân chính quyền Phnom Penh bấy lâu, nhưng đây là một bài viết “ngược dòng” bày tỏ sự hoài nghi về khả năng thực hiện dự án vĩ mô này.
Lễ động thổ được tổ chức chu đáo, đã diễn ra rất hoành tráng, và được đánh giá là thành công với hơn 10 ngàn người tham dự tại ngôi làng nhỏ Prek Takeo, huyện Kien Svay, tỉnh Kandal, dưới sự chủ tọa của Thủ Tướng Samdech Moha Bovathibodi Hun Manet, và Đệ Nhất phu nhân là Bác sĩ Pich Chanmony, cùng sự hiện diện của Nội các gồm các Phó Thủ Tướng và những Bộ Trưởng.
Điểm đáng chú ý là sự vắng mặt của cựu TT Hun Sen, nay đang là Chủ tịch Thượng viện trong lễ hội này – được xem là một chọn lựa khôn ngoan về chính trị và ngoại giao đối với Việt Nam. Khi mà dư luận báo chí ngoại quốc cho rằng “Siêu dự án Funan Techo là chỉ dấu cho thấy Vương quốc Cam Bốt đang xích lại gần hơn với Trung Quốc, đồng thời hạ thấp mối liên kết với Việt Nam. Điều mà ông Hun Sen đã lên tiếng phản bác.
Ai cũng biết Hun Sen gốc Khmer Đỏ, đào ngũ sang Việt Nam và đã được quân đội Việt Nam trợ giúp trong công cuộc lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và sau đó đưa ông lên nắm chính quyền Cam Bốt 38 năm cho tới nay.” [nguồn: Sega 08.05.2024, Bulgarian newspaper]
MỐI LO NGẠI CỦA CƯ DÂN VEN KÊNH
Theo cư dân Khmer làng Prek Takeo, huyện Kien Svay, tỉnh Kandal – nói chung là các nhóm dân chúng sống trong 10 ngàn ngôi nhà thuộc vùng dự án – có lẫn cả người Việt, người Chăm, tuy đã qua gần một tháng sau lễ động thổ, nhưng họ vẫn chưa được hay biết gì về kế hoạch đền bù (compensation) và tương lai tái định cư (resettlement) của họ sẽ ra sao. Nhà cửa của họ rồi ra sẽ bị san bằng và họ không biết sẽ được đưa về đâu. Có tin đồn là giới đầu tư bất động sản đã tìm cách đầu cơ mua đất với giá rẻ của người dân thiếu hiểu biết sống hai bên bờ kênh để sau này sẽ bán lại với giá nhiều lần cao hơn, khiến chính phủ Phnom Penh đã phải ra lệnh ngăn cấm. TT Hun Manet vẫn hứa hẹn là rồi ra, người dân sống hai bên ven kênh sẽ được đền bù thỏa đáng (fair compensation) và họ sẽ được tái định cư giống như với các nhóm cư dân sống quanh dự án đường Cao Tốc Phnom Penh – Sihanoukville trước đây.
Riêng với các cộng đồng ngư dân sống trong vùng Prek Toal quanh Biển Hồ họ tỏ ý lo ngại là con kênh Funan Techo sẽ làm sút giảm thêm lượng nước Sông Mekong chảy ngược vào Biển Hồ qua con Sông Tonlé Sap, mà bấy lâu nay ai cũng biết Biển Hồ đang bị thiếu nước, thiếu cá và trong thực tế chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện về những tác hại môi sinh này.
Khác với tuyên truyền trên truyền thông báo chí, không phải là toàn dân Cam Bốt ủng hộ siêu dự án kênh Funan Techo này, nhưng họ rất sợ bị “ngài Hun Sen” trừng phạt và không dám công khai có tiếng nói. Để giải tỏa mối hoài nghi của dân chúng, TT Hun Manet đã nhiều lần khẳng định dự án kênh Funan Techo là một dự án đầy ý nghĩa, không chỉ phát triển hệ thống hậu cần (logistics), mà còn nhằm thăng tiến lợi ích quốc gia; dự án không làm chúng ta mất đất vì con kênh nằm trong lãnh thổ Cam Bốt, có ranh giới rõ ràng và với hàng triệu người dân Khmer sinh sống trong đó.
TT Hun Manet cho biết, con kênh sẽ được điều hành theo phương thức BOT / Build-Operate-Transfer: xây dựng, vận hành, chuyển giao, có nghĩa là Cam Bốt không vay nợ của Trung Quốc nhưng qua ngả đầu tư tư nhân (private investment). Hun Manet nói thêm, dự án không phải 100% do ngoại quốc sở hữu – ám chỉ Trung Quốc, nhưng được các công ty Cambodia nắm giữ 51%. [Khmer Times Fresh News]
NHIỀU MỐI LO NGẠI TỪ PHÍA VIỆT NAM
Kể từ ngày 8 tháng 8 năm 2023, Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong 4 quốc gia (MRC Secretariat) đã nhận được Thông báo (Notification) từ Ủy Ban Mekong Quốc gia Cam Bốt (Cambodia National Mekong Committee) về dự án kênh Funan Techo, với ghi nhận là đã được hình thành “sau 26 tháng khảo sát tính khả thi của dự án” [sic] và dự trù kênh Funan Techo sẽ hoạt động vào năm 2028. Tuy nhiên, trong một phát biểu khác vào tháng 5/2024, TT Hun Manet cho rằng dự án có thể sẽ cần tới 6 năm (2030) để hoàn tất, và giới quan sát cũng có nghi vấn phải chăng là do còn thiếu ngân sách.
Không phải chỉ có 1,6 triệu cư dân Cam Bốt sống hai bên bờ kênh lo âu, dự án Funan Techo đã làm dấy lên rất nhiều mối lo ngại từ phía Việt Nam, nhất là với hơn 20 triệu cư dân ĐBSCL đang sống khốn khó trên ruộng đồng đang thiếu nguồn nước ngọt, cộng thêm nạn nhiễm mặn ngày một trầm trọng hơn.
Phía Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã 3 lần chính thức lên tiếng là, “Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Cam Bốt theo tinh thần của Hiệp Định Mekong năm 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy Hội Sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Chúng tôi mong rằng Cam Bốt tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy Hội Sông Mekong để chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp..."
Việt Nam đã hơn một lần minh định là không phản đối dự án kênh đào Funan Techo, và chỉ yêu cầu Cam Bốt cung cấp thêm thông tin về siêu dự án này cùng với những ảnh hưởng môi sinh xuyên biên giới (Transboundary Environmental Impact Assessment / tsEIA) từ con kênh đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long, trước sau vẫn là nguồn an ninh lương thực của cả nước. [ Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Phạm Thu Hằng 05.05.2024, 09.05.2024, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt 08.08.2024…]
Hình 7: Tài liệu MRC, trái, (1) Hiểu biết về Hiệp Định Sông Mekong 1995 và Năm Bước Thủ tục; với phương châm: Đáp ứng Nhu cầu. Duy trì Cân bằng / Understanding the 1995 Mekong Agreement and the Five MRC Procedures / Meeting the need. Keeping the balance; phải, (2) Hướng dẫn Lượng giá ảnh hưởng Xuyên Biên giới trong Lưu vực Dưới Sông Mekong / Guidelines for Transboundary Environmental Impact Assessment in the Lower Mekong River Basin.
Tuy lễ động thổ chính thức là ngày 05.08.2024 nhưng thực ra, khúc đoạn đầu con kênh 20 km (1) nối Sông Mekong Hạ với Sông Bassac đã được chính phủ Cam Bốt âm thầm cho khởi công trước đó nhiều tháng, để tạo một hình hài ban đầu con kênh như trong ngày lễ hội vừa qua.
CÔNG LÝ CHO 20 TRIỆU CƯ DÂN ĐBSCL
Cho dù lễ động thổ 05.08.2024 đã diễn ra như một cơn địa chấn, nhưng cho đến nay qua gần 2 tháng, xem ra “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”. Với giới am hiểu tình hình vẫn cho rằng, đây mới chỉ là “kết thúc một khởi đầu / the end of the beginning”. Chúng ta vẫn còn thời gian và cơ hội để đòi “Công Lý cho 20 triệu Cư Dân ĐBSCL”, trong khuôn khổ của Hiệp Định Sông Mekong 1995 và Công Ước Liên Hiệp Quốc 1997.
NHỮNG ĐIỀU CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CẦN LÀM
_ Cần thành lập ngay một Toán Đặc Nhiệm (Task Force) như một Think Tank, bao gồm các chuyên gia môi trường ĐBSCL, các luật gia về bang giao quốc tế. Không khác điều mà người viết đã đề nghị cách đây hai thập niên là thành lập một Phân Khoa Mekong nơi Đại Học Cần Thơ
_ Cần “châu thổ hóa / deltazation” các thành viên của Ủy ban Quốc gia Mekong Việt Nam, bằng những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm sinh ra và lớn lên nơi ĐBSCL. Đây cũng là điều mà Ủy hội Quốc tế Sông Mekong đã làm từ 2016, khi họ “lưu vực hóa / ripanization” các Chủ tịch / CEO của Ban Thư ký MRC bằng những chuyên gia người bản địa.
_ Cần có ngay Tùy viên Môi sinh nơi các tòa đại sứ hay lãnh sự quán 6 quốc gia Mekong, để kịp thời phát hiện và theo dõi từ rất sớm những biến động trên Sông Mekong trên toàn lưu vực, thay vì thụ động trước những thông tin muộn màng như hiện nay, luôn luôn đặt Việt Nam “trước một sự đã rồi”.
CĂN BẢN PHÁP LÝ MRC
Điểm pháp lý cơ bản cần nhấn mạnh là: kênh Funan Techo không lấy nước từ một phụ lưu (tributary) – như Thông Báo của Ủy ban Quốc gia Mekong Cam Bốt mà lấy nước từ hai dòng chính (distributaries) Sông Mekong, cũng là đầu nguồn của 2 con Sông Tiền, Sông Hậu – vốn là mạch sống (Life Line) của hơn 20 triệu cư dân ĐBSCL, Việt Nam. Theo tinh thần Hiệp Định Sông Mekong 1995 mà Cam Bốt là một trong 4 thành viên đã ký kết, khi lấy nước ra khỏi dòng chính Sông Mekong, họ có nghĩa vụ phải thực hiện các điều khoản được quy định trong Hiệp Định Sông Mekong 1995, nhưng ngay từ đầu chính phủ Phnom Penh đã tỏ thái độ bất hợp tác, dứt khoát từ chối không làm – đó là một vi phạm nghiêm trọng đối với Hiệp Định Sông Mekong 1995 mà Cam Bốt chính thức là một trong số 4 thành viên của Ủy Hội Sông Mekong (MRC).
Các Điều Khoản 5, 6, 7, trong Hiệp Định Sông Mekong 1995:
ĐIỀU 5: Sử dụng nước công bằng và hợp lý; ĐIỀU 6: Duy trì dòng chảy trên dòng chính; ĐIỀU 7: Ngăn ngừa và ngừng ảnh hưởng có hại.
Sử dụng nước trong lưu vực cần phải tham vấn trước để đi đến thỏa thuận trong Ủy ban Liên hợp. Bất kỳ dự án chuyển nước ra khỏi dòng chính Sông Mekong ra ngoài lưu vực, làm thay đổi dòng chảy, cần phải thực hiện quy trình PNPCA được quy định rõ ràng trong Hiệp định Sông Mekong 1995: Thông Báo Trước / Prior Notification – Tham Vấn Trước / Prior Consultation – và Thỏa thuận / Agreement, được Ủy ban Liên hợp nhất trí đồng ý cụ thể cho từng dự án trước khi tiến hành chuyển nước như đã đề xuất. Do dự án kênh Funan Techo lấy nước từ cả hai dòng chính Sông Mekong, Cam Bốt có nghĩa vụ phải thi hành thủ tục 3 bước PNPCA này. Khi có bằng chứng rõ ràng về một công trình đang gây ra các thiệt hại đáng kể cho một hoặc nhiều quốc gia ven sông khác, thì quốc gia sở tại đó phải ngừng ngay nguyên nhân gây hại đó cho tới khi dự án được chỉnh sửa.
CHIẾN LƯỢC 3 BƯỚC ĐÒI CÔNG LÝ CHO 20 TRIỆU CƯ DÂN ĐBSCL
_ Bước thứ nhất: với Ban Thư Ký và Ủy ban Liên hợp MRC
Ban Thư ký MRC là nơi đã nhận Thông Báo của Campuchia về Dự án Funan Techo từ ngày 08.08.2023. Đây là cơ quan thường trực được đặt dưới sự giám sát của Ủy ban Liên hợp MRC bao gồm một ủy viên của mỗi quốc gia thành viên, có chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng về hành chính và kỹ thuật. Ủy ban Liên hợp thực hiện các quyết định và chỉ đạo của Hội đồng Bộ Trưởng, trong quy hoạch phát triển lưu vực, giám sát hoạt động của Ban Thư ký và vận động tài trợ.
Hình 8: trái, TS Anoulak Kittikhoun, CEO của Ban Thư ký MRC hiện nay, nhiệm kỳ 2022-2024. TS Anoulak Kittikhoun, là người Lào đầu tiên và là người bản địa (riparian) thứ ba giữ chức vụ này. [Hai người kia theo thứ tự trước sau, là TS Phạm Tuấn Phan, Việt Nam 2016-2018, TS An Pich Hatda, Cambodia 2019-2021]. Với trình độ học vấn và nhiều năm kinh nghiệm hoạt động dày dạn như vậy, TS Anoulak được nhiều người kỳ vọng trong vị trí lãnh đạo Ban Thư ký MRC; phải, Trụ sở MRC tại Thủ đô Vientiane.
Với thời gian đã qua hơn một năm, kể từ ngày nhận được Thông Báo của Ủy ban Mekong Quốc gia Cam Bốt 08.08.2023, tiến trình làm việc và trao đổi giữa Ban Thư ký và Ủy ban Liên hợp với phía đối tác Cam Bốt đã không đạt kết quả cụ thể nào, khi mà thẩm quyền quyết định chính về con kênh Funan Techo là Phó Thủ tướng Sun Chanthol, kiêm Đệ nhất Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển Cam Bốt.
_ Bước thứ hai: với cấp Hội Đồng Bộ Trưởng MRC
Bước thứ nhất với Ban Thư ký và Ủy ban Liên hợp coi như đã thất bại, trong trường hợp bế tắc như vậy, Bước thứ 2 là trách nhiệm của cấp thẩm quyền cao hơn, đó là Hội đồng Bộ Trưởng MRC gồm một ủy viên cấp Bộ Trưởng từ mỗi quốc gia thành viên, thường là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, có chức năng chỉ đạo, đề ra các chính sách, và thúc đẩy hợp tác và thực hiện Hiệp định Sông Mekong 1995.
Nhưng trong trường hợp quá đặc biệt như hiện nay, có lẽ phải cần tới một Phó Thủ tướng đồng cấp với Phó TT Sun Chanthol của Cam Bốt, người được xem như đang chi phối toàn bộ dự án kênh Funan Techo. Phía Việt Nam, trên danh sách đại diện thường trực của Việt Nam trong Hội đồng Bộ trưởng vẫn là tên ông Trần Hồng Hà, hiện là Phó Thủ tướng tuy không còn là Bộ trưởng TN&MT, mới giữ chức vụ này là ông Đỗ Đức Duy nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Báy. Trong cuộc đấu tranh pháp lý giai đoạn này, khả năng “kỹ trị” của cấp lãnh đạo là quan trọng chứ đây không thuần là một nhiệm vụ chính trị.
Dĩ nhiên đi cùng với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng TN&MT là một “Toán Đặc Nhiệm / Task Force” đầy khả năng, dày dạn về chuyên môn sông ngòi và am tường về luật pháp quốc tế, có khả năng ứng phó với mọi tình huống.
Dự trù rằng khi vấn đề kênh Funan Techo sẽ được khai thông ở cấp Hội đồng Bộ trưởng, đạt được một sự đồng thuận trong Tinh thần của Hiệp định Sông Mekong 1995.
Trong trường hợp tệ hại nhất (worst scenario), là Bước thứ hai này vẫn bế tắc, trước nguy cơ Hiệp định Sông Mekong 1995 bị Cam Bốt phá vỡ, vạn bất đắc dĩ Việt Nam phải thi hành thêm một Bước thứ ba, đưa vấn đề Funan Techo ra trước Tòa Án Quốc Tế dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc 1997 về sử dụng các nguồn nước quốc tế.
_ Bước thứ ba: Tòa Án Quốc Tế / International Court of Justice và Công Ước Liên Hiệp Quốc 1997 / UN Convention 1997
Công Ước Liên Hiệp Quốc 1997 với tên gọi đầy đủ là Công ước Liên Hiệp Quốc 1997 về sử dụng các nguồn nước quốc tế với mục đích phi giao thông (non-navigational) là một khung pháp lý cho các hoạt động sử dụng nguồn nước liên quốc gia. Với các nguyên tắc chung cơ bản của luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia bao gồm: (1) Sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế; (2) Không gây hại trong việc sử dụng các nguồn nước quốc tế và (3) Nghĩa vụ hợp tác trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế.
Mekong là con Sông Quốc tế (International River) lớn thứ 11 trên thế giới chảy qua 7 quốc gia kể cả Tây Tạng*, Trung Hoa, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia, và Việt Nam.
Riêng 4 quốc gia hạ lưu Lào, Thái Lan, Cam Bốt, và Việt Nam đều là thành viên của Ủy Hội Sông Mekong (MRC) đã cùng nhau thỏa thuận và ký kết Hiệp Định Sông Mekong 1995.
Các nguyên tắc này đều được quy định trong Hiệp Định Sông Mekong 1995 và trong Công ước Liên Hiệp Quốc 1997. Riêng với Hiệp định Mekong 1995 mà trong đó cả Cambodia và VN đều là thành viên nên có tính ràng buộc về mặt pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế nên cả hai quốc gia này phải có nghĩa vụ tuân thủ – điển hình là ứng dụng cho quy tắc ứng xử đối với dự án kênh đào Funan Techo.
Hình 9: trái, Trụ sở Tòa án Quốc tế / ICJ thuộc Liên Hiệp Quốc, cơ quan LHQ duy nhất không có trụ sở ở New York, mà tại Cung Hòa Bình (Peace Palace), Hague, Hòa Lan. ICJ hoạt động từ 1947, cho tới ngày 13.11.2023, đã xử 191 vụ kiện tụng; phải, phù hiệu chính thức của International Court of Justice.
Đòi công lý cho 20 triệu cư dân ĐBSCL phải là nghĩa vụ của nhà nước CS Việt Nam trước lịch sử, không thể khác.
Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, câu nói của GS Hoàng Xuân Hãn năm 1974, sau khi quần đảo Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm, trong tình cảnh Việt Nam đang bị chia cắt và Nam Bắc phân tranh: “Một gương sáng lịch sử là mỗi khi thế nước suy hèn vì chia rẽ và nội loạn thì mỗi khi lân bang lấn cõi. Ngày nay vụ Hoàng Sa bị chiếm là triệu chứng cụ thể gây nên bởi sự bất hoà của nhân dân ta tuy rằng nhiều chứng xưa nay, trong ngoài bảo rằng đó là đất Việt”. [Hoàng Xuân Hãn, CLCD BĐDS, XV, tr. 364]
California, 08.08.2023 – 23.09.2024
*Những bài viết liên quan:
1/ Từ đế chế Phù Nam Khmer tới con kênh lịch sử Funan Techo của Vương quốc Cam Bốt. Ngô Thế Vinh https://vietecologypress.blogspot.com/2023/10/tu-e-che-phu-nam-khmer-toi-con-kenh.html
2/ Phù Nam Con Kênh Lịch sử và những bước tiến hành dự án giữa triều đại Cha và Con. Ngô Thế Vinh https://vietecologypress.blogspot.com/2023/11/phu-nam-techo-con-kenh-lich-su-va-nhung.html
3/ RFA Phỏng vấn BS Ngô Thế Vinh về Kênh Funan và Đồng Bằng Sông Cửu Long
https://vietecologypress.blogspot.com/2023/12/rfa-phong-van-bs-ngo-vinh-ve-kenh-funan.html
4/ Dự án Kênh Đào Funan Techo Ứng Xử Giữa Việt Nam và Cam Bốt Cảnh Đồng Sàng Dị Mộng. Ngô Thế Vinh https://vietecologypress.blogspot.com/2024/04/du-kenh-ao-funan-techo-ung-xu-giua-viet.html
5/ Chuông Nguyện Hồn Ai, Ngày 5 Tháng 8 Năm 2024 Lễ Động thổ Kênh Funan Techo https://vietecologypress.blogspot.com/2024/07/chuong-nguyen-hon-ai-ngay-5-thang-8-nam.html
BS Ngô Thế Vinh, tác giả 2 cuốn sách: Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng [2000] và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch [2007] và nhiều bài khảo luận liên quan tới các vấn đề môi sinh và phát triển Lưu vực sông Mekong và ĐBSCL. Đây là bài viết thứ 6 liên quan tới Dự án Kênh đào Funan Techo đã được khởi công từ ngày 05.08.2024. (Hình tác giả đang băng qua Biển Hồ, tới khu Bảo Tồn Sinh Thái Tonlé Sap).