WHEN AMERICA
STOPPED BEING GREAT
Từng mơ ước được lên Đỉnh Rushmore, nay Trump đã biết nơi đến của mình là Fulton County Jail.
Người dân Mỹ đang rơi vào một hoàn cảnh thật đặc biệt. Khi nhìn lại lịch sử, người ta có thể thấy rất rõ chuyện đã qua. Khi nhìn vào chính trị nước Mỹ ngày nay, người ta lại có cảm tưởng chẳng thấy gì trước mắt. Từ nay, cuối tháng tám năm 2023, đến bầu cử tổng thống đầu tháng 11 sang năm, chẳng ai có thể biết được những chuyện gì sẽ xảy ra hay có thể xảy ra trong 14 tháng tới. Người ta có thể đếm từng ngày trong khoảng 420 ngày sắp đến.
Nay thì cựu Tổng thống Donald Trump hầu như chắc sẽ được đảng Cộng Hòa đề cử làm ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử sang năm. Mọi thăm dò đều cho thấy Trump đang dẫn xa các đối thủ chính của ông, từ Ron DeSantis (thống đốc Florida), Mike Pence (cựu phó tổng thống của Trump), đến Tim Scott (thượng nghị sĩ North Carolina), bà Nikki Haley (cựu đại sứ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời Trump), Chris Christie (cựu thống đốc New Jersey), Asa Hutchinson (cựu Thống đốc Arkansas), Doug Burgum (Thống đốc North Dakota), Vivek Ramaswamy (một doanh gia công nghệ).
Ưu thế của Trump đến mức ông ta đã từ chối không tham gia tranh luận trong vòng sơ bộ giữa các ứng cử viên Cộng Hòa chủ chốt. Nói rằng số người ủng hộ ông đã đến mức “thần thoại”, ông viết trên diễn đàn Truth Social của ông: “Công chúng biết tôi là ai rồi và thời Tổng thống của tôi đã thành công như thế nào, với thành tích Năng lượng Độc lập, Biên giới&Quân đội Mạnh, Cắt giảm Thuế và Luật lệ Lớn HƠN BẤT CỨ THỜI NÀO, Kinh tế Mạnh nhất trong Lịch sử, & và nhiều chuyện khác nữa. BỞI THẾ TÔI SẼ KHÔNG DỰ TRANH LUẬN”.
Lý do chủ yếu, tuy nhiên, có thể là ông sợ bị những đối thủ của ông bao vây, mà ông thì không thiếu gì chuyện cho người ta bươi móc mà ông không biết trả lời sao, nhất là bốn cáo trạng đang đưa ông ra tòa. Trong tám ứng cử viên nói trên, có ít nhất bốn người cho rằng Trump không thể và không được đại diện cho đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống sang năm. Thế nhưng nếu quần chúng theo Trump, người ta gọi là quần chúng MAGA, cứ nhất quyết đòi Trump phải ra thì đảng Cộng Hòa tính sao? Tuy không tham gia cuộc tranh luận do đài Fox News tồ chức, Trump đã chọn đúng ngày đúng giờ của cuộc tranh luận này (23-8) để có một cuộc phỏng vấn dành cho Tucker Carlson, rõ rệt với mục đích cạnh tranh, làm bỉ mặt hãng Fox. Carlson là một ngưòi cuồng Trump đã bị Fox sa thải vì từng cổ vũ cho thuyết âm mưu Trump thất cử vì bị “đánh cắp”.
Ông Trump đúng là một ứng cử viên tổng thống rất đặc biệt của đảng Cộng Hòa từ trước đến nay. Ông là một cựu tổng thống từng hai lần bị Hạ Viện buộc tội (impeachment) trong nhiệm kỳ: lần thứ nhất, tháng 12 năm 2019, tội lạm dụng quyển lực và cản trở Quốc Hội, dùng viện trợ Mỹ để ép buộc tổng thống Ukraine Zellinskyi phải cung cấp những chuyện tai tiếng về cha con ông Joe Biden tại Ukraine; và lần thứ hai, ngày 13-1-2021 tội gây bạo loạn ngày 6-1-2021 để ngăn chận Quốc Hội họp để chính thức hóa kết quả bầu cử tổng thống. Vì đảng Dân Chủ tại Thượng Viên không hội đủ túc số 2/3 (chỉ được 57/53) cho nên Trump mới chạy tội được trong cả hai lần. Tuy đã chạy tội nhưng thành tích của ông vẫn còn đó trong lịch sử: chưa tổng thống nào trước đây bì được với ông với hai lần bị luận tội.
Nhưng Trump còn là một cựu tổng thống cho đến nay đã bị đưa ra tòa với bốn cáo trạng (indictments) lớn: (i) Lạm dụng quỹ vận động tranh cử để trả tiền bịt miệng cho một “nữ diễn viên phim người lớn”; (ii) Lạm quyền tổng thống, oa trữ hồ sơ của Tòa Bạch Cung; (iii) Gây bạo loạn ngày 6-1 nhằm mục đích đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống, và; (iv) Hành động băng đảng nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống tại tiểu bang Georgia và một số tiểu bang khác. Đương nhiên chưa có tổng thống nào ngoài ông đạt được thành tích và kỷ lục này!
Mặc dù Trump vẫn cứ cho mình là một “thiên tài ổn định”, một người lãnh đạo đất nước lỗi lạc có tầm cỡ với Tổng thống Abraham Lincoln, xứng đáng được tạc tượng trên đỉnh Rushmore, South Dakota, Trump đã chỉ cho thấy ông ta là một người “rất ổn định” trong khả năng lãnh đạo với trí tuệ mê muội. Cho đến nay ông cứ nhắm mắt ca ngợi không ngừng nước Mỹ hưng thịnh dưới thời ông làm tổng thống, nhưng người ta rất dễ nhớ sư suy đồi kinh tế với 2.9 triệu việc làm bị mất và tấn thảm kịch COVID ông gây ra cho nước Mỹ với hơn 400.000 nạn nhân tử vong. Nạn thất nghiệp dưới thời ông tăng 1.6%, lên đến mức kỷ lục 6.3%; thâm hụt ngoại thương về hàng hóa và dich vụ đã lên đến mức kỷ lục kể từ năm 2008, tăng 40.5% do với năm 2016. Số người không có bảo hiểm y tế tăng 3 triệu. Nợ công liên bang tăng từ 14.4 ngàn tỷ lên đến 21.6 ngàn tỷ. Số di dân bất hợp pháp cũng gia tăng, đưa đến gia tăng nơi bắt bớ giam cầm ở biên giới tây nam tăng 14.7% vào năm 2020 so với 2016 - đặc biệt là chính sách của Trump cách ly trẻ em với cha mẹ của chúng. Trong quan hệ đối ngoại dưới thời Trump, người ta không thể quên được sự sủng ái Trump dành cho Putin và Nga cùng thái độ rẻ rúng khối NATO là đồng minh lâu đời và sống còn của Hoa Kỳ từ thời bắt đầu Chiến tranh Lạnh. Tội lỗi lớn nhất của Tổng thống Trump chính là làm cho nước Mỹ tan nát, phân hóa, ở đâu cũng thấy hai nước Mỹ, từ đảng phái đến tiểu bang đến chủng tộc đến tôn giáo…
Trump cứ phàn nàn Joe Biden lên thay ông ta đã làm hỏng nước Mỹ mà ông đã mất bao nhiêu công lao xây dựng. Chỉ có điều nếu ông ta đã hay ho như thế, tại sao người ta lại bầu cho Biden làm tổng thống năm 2020 thay vì lưu giữ Trump lại một nhiệm kỳ nữa như ý ông muốn. Trump quen thói đổ thừa bầu cử gian lận mặc dù bầu cử này được tổ chức dưới thời của Trump và Trump thua tại một số tiểu bang mà đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát - cụ thể là Georgia. Ông vẫn không chịu nhìn nhận hay không chịu hiểu thái độ phi nhân của ông trước sự xâm nhập sát hại của COVID vào nước Mỹ đã quyết định lá phiếu của người dân trong năm 2020.
Cũng trong lối nói bất kể liêm sĩ, giữa khi phải đối mặt với công lý trong cáo trạng thứ tư của Fulton County (Georgia) về tội huy động băng đảng của ông tìm cách gian lận kết quả bầu cử tại tiểu bang Georgia để tìm 11.700 phiếu, ông vừa phải nộp tiền thế chân 200.000 Mỹ kim để được tại ngoại, vừa huênh hoang: “Trong bầu cử năm 2020, tôi đã thắng áp đảo tại Alabama và South Carolina. Cho nên, thua ở Georgia là chuyện không bao giờ tôi tin được”. Ông còn hứa tổ chức một cuộc họp báo lớn vào ngày thứ hai 21-8 để đưa ra bằng chứng ông đã thắng lớn ở Georgia “và sau đó, vụ án của Fulton County đương nhiên sẽ bị hủy bỏ và mọi bị can sẽ được tức thì trắng án”. Nhưng cuối cùng thì những luật sư của ông đã khớp mỏ ông lại trước cảnh cáo của tòa án. Tuy thế, ông vẫn vớt vát: ông chỉ sử dụng quyền ăn nói được Đệ nhất Tu chánh án bảo vệ. Và ông phải lên tiếng vì quyển lợi sống còn của người dân, cho nên trước mùa bầu cử đang đến, Joe Biden đã dùng bộ máy quyền lực để trấn áp ông. Ông đã bao nhiêu lần nói đó là “witch hunt” – săn bắt phù thủy. Tóm lại, vì người dân mà ông bị “khổ nạn”.
Dĩ nhiên, Trump là một một tổng thống không tiền khoáng hậu. Từng mơ ước được lên Đỉnh Rushmore, nay Trump đã biết nơi đến của mình chỉ là Fulton County Jail. Chiều tối ngày 24-8, cũng như 18 tòng phạm của ông trong vụ án âm mưu gian lận bầu cử, ông đã phải vào đầu thú ở nhà tù của Fulton County, lăn tay, chụp hình và hoàn thành thủ tục đóng tiền thế chân để được tại ngoại hầu tra sau khi ký cam kết không lợi dụng tự do tạm để ăn nói đe dọa, khủng bố những tòng phạm cũng như những người chống đối mình. Trong lịch sử nước Mỹ, ông là tổng thống duy nhất có lưu “chân dung” tại nhà giam. Khi rời khỏi nơi đây, ông vẫn nói “I did nothing wrong”, vụ án của ông là “trò đùa của luật pháp” (travesty of justice) và “thật là một ngày buồn cho nước Mỹ” (A sad day for America). Đúng ra, đó là “một shameful day” cho nước Mỹ khi có một ông tổng thống phải đi chụp hình “mug shot” tại nhà tù. Tuy nhiên, là một người không ngừng có sáng kiến, ông quyết định đưa bức hình này ra làm đề tài tranh cử: ông là một người vì dân vì nước mà phải vào tù; và ông “cảnh cáo” người dân: nếu không ủng hộ ông, số phân của họ sẽ sớm tương tự. Chỉ trong hai ngày sau đó, những chiếc áo, ly uống nước… có mug-shot của ông đem về cho ông 7.1 triệu đô-la – dư cho ông đóng tiền thế chân!
Trong những lời bình phẩm vể chân dung trong tù của Trump, đáng chú ý là phát biểu của John Bolton, từng là cố vấn an ninh quốc gia của Trump: “Ông ta có thể cười. Ông ta có thể trông như vô hại. Nhưng ông ta không làm thế, ông ta trông giống như một tên tội phạm hung dữ”. Bolton còn nói bức hình này hầu như được tính toán cẩn thận, như phần lớn mọi việc quanh Trump. “Tôi nghĩ bức hình nhằm chuyển đi một dấu hiệu đe dọa nhắm vào những công tố và quan tòa”.
Nếu nhìn vào mặt Trump trong bức hình rồi nghĩ đến hai cuộc hành trình phiêu lưu của ông trong thời gian 14 tháng tới (bốn vụ án chính phải ra trước vành móng ngựa cùng với cuộc vận động tranh cử tổng thống “ngoài khuôn khổ”), người ta mới thấy một thời kỳ có thể rất hỗn loạn trước mắt. Không phải cho Trump mà cho người dân Mỹ, cho chính trị nước Mỹ, cho dân chủ nước Mỹ, cho xã hội nước Mỹ.
Điều hiểm nghèo cho nước Mỹ là tuy Trump mang tiếng là người Cộng Hòa, đảng Cộng Hòa chẳng nói gì được ông tuy đã nhiều lần cứu ông. Chớ nên quên rằng ông từng là người Dân Chủ và có lúc còn chạy theo ông bà Clinton trước khi phản thùng quay qua đảng Cộng Hòa và tranh cử chống Hillary. Sự bất lực của đảng Cộng Hòa đối với ông là rõ rệt khi ông từ chối không tham dự tranh luận của cac ứng cử viên Cộng Hòa mặc dù bà chủ tịch đảng Ronna Romney McDaniel là người hết lòng theo ông. Chủ tịch Cộng Hòa tại Thượng Viện là ông Mitch McConnell từng ném phao cho ông ít nhất hai lần nhưng nay không nhìn mặt ông. Nhưng McConnell nay đã già (81) và đang bị hội chứng đứng ngồi không vững, giống như bà Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein 90 quá già bên đảng Dân Chủ. McConnell và bà Feinstein là đặc trưng cho sự thụ động tiêu cực – nếu không nói là bất lực – của Thượng Viện thời nay. Hạ Viện liên bang cũng chẳng khá hơn vì chủ tịch Kevin MacCarthy nay phải ngậm bồ hòn làm ngọt, đang dở khóc dở cười. Tuy nhóm MAGA theo Trump tại Hạ Viện không đông, nhưng họ chính là những người đã có lá phiếu quyết định đưa McCarthy lên ghế hiện nay. MAGA không nắm đa số ngay trong đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện (chỉ khoảng 15%), nhưng MAGA cũng làm cho đảng mất hướng đi.
Để hiểu nước Mỹ trước mắt, chúng ta đương nhiên cần chú mục vào Trump, cho dù cần nhớ rằng Trump là “hậu quả”, không phải là “nguyên nhân”, của sự suy đồi dân chủ ngày nay ở Mỹ. Bởi thế chúng ta phải luôn nghĩ đến quần chúng da trắng thượng đẳng và chủ nghĩa dân tộc bạch chủng Cơ Đốc (white Christian nationalism) của họ đang là môt đe dọa nghiêm trọng đến sự hợp chủng của Hoa Kỳ ngày nay. Đó là một vấn đề nghiêm trọng “khi nước Mỹ bắt đầu hết thời”, như sự quan tâm của nhà báo nổi tiếng của BBC Nick Bryant nêu ra trong tác phẩm có tựa “When America Stopped Being Great”.
Một con người như Trump không phải là hiếm lắm. Nhưng một con người như thế mà vẫn tồn tại bao đời thì thật là hiếm. Và đương nhiên phải có những lý do cho sự tồn tại của ông ta – cho đến nay. Chúng ta không khỏi nghĩ tới Adolf Hitler, ông trùm độc tài phát-xít Đức Quốc Xã đã giết hàng triệu người Do Thái tại Đức và sau đó gây ra Đệ nhị Thế chiến giết chết hàng chục triệu người. Khối quần chúng theo chủ nghĩa phát-xít Đức quốc xã không đông, chưa đến 20% dân số nước Đức thời đó. Thế nhưng chủ nghĩa này đã bộc phát sau khi tìm ra được Hitler. Hitler vừa đứng sau lưng họ, vừa dẫn dắt họ trên con đường “MGGA” – làm cho nước Đức vĩ đại trở lại như trước Đệ nhất Thế chiến bằng cách tàn sát di dân và xâm chiếm các nước láng giềng.
Lịch sử nước Mỹ cho thấy tuy Mỹ là một nước đa chủng (nhiều màu da, nhiều dân tộc), nhưng đông đảo người Mỹ da trắng từ “ngàn xưa” đã tin vào thuyết “Manifest Destiny” đã có từ đầu thế kỷ 19, số trời đã định, nước này là của người Mỹ da trắng, những sắc dân khác chỉ là phụ thuộc. Bởi thế, người da trắng , nhất là da trắng “lớp dưới”, đã không ít lần vùng dậy đòi chính phủ da trắng đóng cửa biên giới cùng truy bức những sắc dân khác đang có trong nước mỗi khi người da trắng cảm thấy bất an vì đang bị lấn át, mất mát những cơ hội kinh tế bởi “di dân” tràn ngập, mặc dù nưóc Mỹ vẫn được xem là nước của di dân và nhờ di dân kinh tế mới được khai thác hưng thịnh.
Từ hơn 30 năm qua, nước Mỹ bị mắc kẹt vào một cuộc khủng hoảng của quần chúng “da trắng thượng đẳng” (white supremacists) trong thời thế giới toàn cầu hóa. Reagan (1980-88) là một thời vàng son đã mất của người da trắng. Sau đó, Chiến tranh Lạnh chấm dứt với sự tan rã của Liên Xô (1990), thế giới hết phân cực giữa Tự do và Cộng sản, và Hoa Kỳ bất đắc dĩ mà chẳng hay đương nhiên trở thành một nước lãnh đạo thế giới, và “đất nước của di dân” sẵn sàng hơn mở cửa cho người ngoài vào. Những người lãnh đạo nước Mỹ qua bao thời không thấy được đầy đủ sự thách đố của thời đại mới bởi vì họ đã quen nhìn gần, không nhìn xa, nhìn ngắn hạn trong giới hạn nhiệm kỳ. Đồng thời tư tưởng độc tôn của nước Mỹ làm cho người ta không đủ sức nhìn thấy những cuộc vận động của các nước khác như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, đang muốn xây dựng một trật tự quốc tế mới nhằm giảm ảnh hưởng của “đế quốc Mỹ”.
Chính thời buổi toàn cầu hóa khởi đầu từ thập niên cuối của thế kỷ 20 và sự mở cửa của nước Mỹ cho di dân - lớp nghèo đói đến từ các nước Trung-Nam Mỹ qua biên giới Mexico, lớp giàu có tràn đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam - làm cho một số đông người da trắng lớp dưới (nông dân và công nhân) bất bình và lo lắng trên nhiều mặt. Một mặt là cơ hội việc làm, mặt khác là gánh nặng xã hội mà chính phủ phải cưu mang cho di dân, và mặt khác nữa là ưu thế của một số di dân mới (kinh tế, giáo dục, xã hội). Bởi vậy, dấu hiệu đe dọa hiển hiện của một phong trào chống đối theo chủ nghĩa dân tộc da trắng đã có từ thời Obama, khi một phong trào Tea Party đời mới nổi lên chống chính sách phúc lợi và bảo hiểm y tế (Obamacare) của Tổng thống “da màu” đầu tiên của nước Mỹ vào khoảng cuối tháng ba năm 2010.
Donald Trump là nhân vật điển hình và lý tưởng của cái gọi là chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hay chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc giáo (tuy hai mà một). Ông ta hiểu phong trào da trắng thượng đẳng chưa bùng lên được vì thiếu lãnh đạo có đủ quyền lực gây cảm hứng. Tuy nhiên, sự bất mãn của một thành phần người da trắng trong xã hội lo sợ di dân làm “mất nước Mỹ”, nhất là tại những tiểu bang đỏ, là chuyện có thật. Trump nắm bắt được tình hình chuyển biến này cho nên ông ta ra tranh cử năm 2016.
Trump là một ứng cử viên lạ lùng, một nhà kinh doanh vừa vào tuổi thất thập cổ lai hi nhưng chưa hề có kinh nghiệm chính trị, và trong kinh doanh cũng chỉ nổi tiếng là một người làm ăn nhiều thủ đoạn, lắm mánh khóe. Thế nhưng trong vòng sơ bộ, ông ta đã vượt qua những nhân vật chính trị dày dạn kinh nghiệm của đảng Cộng Hòa như Jeb Bush, Ted Cruz, Marco Rubio, Rand Paul, Mike Huckabee… Ai mà hiểu nổi! Trong vòng cuối, ông ta đã thắng được bà Hillary Clinton là một đối thủ cực mạnh từ đảng Dân Chủ bằng những thủ đoan bôi bẩn trên mạng. Bà Clinton hơn ông 3 triệu phiếu (65.8/62.9) nhưng thua cử tri đoàn (227/304). Một số nhà bình luận cho rằng Trump thắng là vì một số cử tri không ưa bà Clinton cho nên nhắm mắt bỏ cho Trump. Sự thực thì cử tri Cộng Hòa đã thể hiện sự bất mãn với giới chính trị chuyên nghiệp trong đảng cho nên chuyển qua một chính khách tài tử. Tuy nhiên, điều người ta ít nghĩ đến, hay quên nghĩ đến, là khối cử tri “da trắng thượng tôn” đã quyết định đứng sau Trump, coi như họ cuối cùng đã chọn được một lãnh tụ cần thiết.
Dưới thời Trump, phong trào “dân tộc bạch chủng” đã phát triển cực thịnh và những gì Trump đã làm cho thấy ông tuyệt đối trung thành với “ý thức hệ” này. Các nhóm “dân tộc bạch chủng” như Patriots, Proud Boys, Oath Keepers, Three-Percenters… tin rằng chỉ có bạo lực chính trị mới tái lập được một nước Mỹ Cơ Đốc giáo của họ. Nổi bật là vụ xuống đường tại Charlottesville, Virginia, vào hai ngày 11-12 tháng tám năm 2017. Cuộc biểu tình Kết hợp Hữu khuynh (Unite the Right rally) là của những nhóm “bạch chủng thượng đẳng”, tham dự gồm những người hữu khuynh mới, Liên bang mới (neo-Confederates), phát-xít mới, dân tộc bạch chủng, Quốc xã mới, KKK, và dân quân cực hữu. Họ mang cờ xí, biểu ngữ, huy hiệu, và cả vũ khí tác chiến, đi reo hò trên đường phố. Cuộc biểu tình vĩ đại này nhằm thống nhất phong trào dân tộc bạch chủng Hoa Kỳ và chống quyết định dời tượng Tướng Robert Lee, vốn là một tướng trong quân Miền Nam phản loạn trong Nội chiến Mỹ năm 1861) khỏi Công viên Lee ở Charlottesville. Khi có một nhóm biểu tình chống đối cuộc biểu tình hữu khuynh này, một phần từ hữu khuynh đã lái xe lao vào đám đông chống đối, khiến một người chết và 19 người bị thương. Khi được hỏi, Tổng thống Trump đã lên án cả hai bên, nhưng lại nhấn mạnh rằng “bên nào cũng có người tốt”. Tuy nhiên, mọi người đều thấy trong bốn năm tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump đã làm hết sức mình để thể hiện sự sùng bái chủ nghĩa dân tộc bạch chủng thượng đẳng. Có thể kể ra việc ông xây tường biên giới và ngăn chận, bắt bớ di dân – ngay cả trẻ con; sự quyết liệt của ông đối với các cuộc xuống đường của người da đen đến mức ông định kêu gọi quân đội trợ lực đàn áp; sự ủng hộ hết mình cho quyền có súng và mang súng…
Quần chúng dân tộc bạch chủng vẫn nghĩ lãnh tụ của mình sẽ ngự trị trên ngai vàng cũng tám năm, tha hồ cho những người thượng đẳng làm mưa làm gió. Bởi thế, sự thất cử của Trump trong năm 2020 là một điều không may cho phong trào bạch chủng thượng đẳng. Trong bầu cử này, Trump thua Biden đến 7 triệu phiếu (81.2/74.2), và thua cử tri đoàn đến 74 (306/232) vì thua tại một số nơi ông đã thắng bốn năm trước: Georgia (16), Arizona (11), Wisconsin (10), Michigan 16, Pennsyklvania (20)… Cho nên, trong gần ba năm qua Trump bị nhập tâm, cứ nói lui nói tới “bầu cử gian lận”, cho dù nay ông phải ra tòa vì âm mưu bầu cử gian lận của chính ông ta tại Georgia. Tuy nhiên, cần để ý rằng số phiếu của Trump năm 2020 còn hơn năm 2016 đến 11.3 triệu. Điều này cho thấy quần chúng “cầm chưông” trong bầu cử năm 2020 còn đông hơn trước. May cho đảng Dân Chủ là người ta, nhất là ngưòi da đen và người trẻ, đi bỏ phiếu cũng đông hơn trước.
Vấn đề còn lại là quần chúng “white supremacists” xem chừng đã quyết không bỏ Trump – nhất là sau khi ông tuyên bố từ tháng mười năm 2022 sẽ ra tranh cử năm 2024. Người ta đã mang tên là MAGA thì làm sao họ bỏ Trump được! Thực ra, nếu bỏ Trump thì làm sao trên đời này tìm ra được một người tương xứng để tôn sùng và lãnh đạo “đảng MAGA”. Trump đã ra và không có đối thủ trong đảng Cộng Hòa. Người MAGA cũng tin rằng Trump có thể thắng ông “Bí-đần” bên đảng Dân Chủ dễ dàng là vì ngay cả người Dân Chủ cũng chán ông Biden lụ khụ. Về phần Trump, đương nhiên ông ta cũng cần lực lượng MAGA này hơn bao giờ hết.
Tổng thống Joe Biden từng có một bài phát biểu căng thẳng vào giữa năm 2022 để cảnh báo về hiểm họa chính trị cho dân Mỹ đến từ những người bạch chủng thượng đẳng. Trump đang đứng trước hai thử thách nghiêm trọng trong năm nay và năm tới: Thứ nhất là bốn cáo trạng đang bủa vây ông ta - nghiêm trọng vì ông ta phải trả lời và không biết trả lời sao cho nên cứ tìm cách khất mãi. Thứ hai là cuộc bầu cử đầy thách đố: nếu Trump thắng, các phiên tòa đều sẽ phải tạm ngưng ít nhất trong bốn năm. Muốn thắng, Trump cần nắm tối đa số phiếu của phía Cộng Hòa và của cả những cử tri độc lập. Quần chúng da trắng số 1 này hiện nay có thể làm chùn bước mấy ông biện lý và cả chánh án trong bốn vụ án vì những mối đe dọa bạo lực - kể cả bạo lực súng đạn. Quần chúng da trắng thượng đẳng này cũng bảo đảm cho Trump số phiếu “ắt có tuy chưa đủ” mà Trump cần.
Khối quần chúng dân tộc bạch chủng hiện đang xem mấy vụ án là một cơ hôi lớn cho họ tập họp xuống đường để cho thấy sự ‘thủy chung” đối với Trump. Ngay cả những nhà dân cử MAGA cũng muốn lập thành tích với Trump. Dân biếu Jim Jordan, chủ tịch Ủy ban Pháp lý Hạ Viện, đang đòi điều tra bà biện lý Fani Willis thuộc quận Fulton, Georgia, để tìm hiểu vì sao bà cứ nhất định “triệt” ông Trump. Dân biểu Marjorie Taylor Greene thì lên tiếng cho rằng khi người ta cứ nhất định truy bức Trump “vì sợ Trump ra tranh cử”, ý họ đã muốn có “two Americas”, và bà ta gợi ý rằng có lẽ “tạm thời phải chấp nhận tách đôi nước Mỹ để tránh xung đột”. Sarah Palin, từng là ứng cử viên phó tổng thống cho Thượng nghị sĩ John McCain (nay đã qua đời) năm 2008, nay sự nghiệp và gia đạo tan nát nhưng vẫn muốn được Trump kết nạp làm người “cầm chuông”, cũng lên tiếng “cảnh cáo” – giọng điệu giống hệt Trump: “Chúng ta cần vùng dậy giành lại đất nước. Sự kết án Trump sẽ đưa đất nước đến một sự chia rẽ và bạo loạn. Phải chăng người ta đã sẵn sàng đưa đất nước đến nội chiến? Đó là điều có thể xảy ra, vì chúng ta không thể chịu mãi cảnh ngộ này”. Bà cũng lên án những người RINO (Republican in name only) không “đủ trung thành” với Trump – Cộng Hòa chỉ ở cái tên mà thôi.
Gần đây, có những dấu hiệu cho thấy một số người da trắng “tranh đấu” muốn đẩy mạnh phong trào chủng tộc của họ khi người ta làm sống dậy thuyết “Great Replacement”: người da trắng đang dần dần bị “thay thế” tại một nưóc vốn là của họ bởi vi dân số da trắng ngày càng giảm trong khi dân số da đen hay Latino ngày càng tăng ở Mỹ. “Sự thay thế vĩ đại” là một trong những thuyết âm mưu theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng nguy hiểm nhất hiện có. Mặc dù nó đã tồn tại trong các phòng truyền thông phân biệt chủng tộc khá lâu, nhưng ngày nay - từ Fox News (thuộc sở hữu của ông trùm truyền thông gốc Úc Rupert Murdoch) đến miệng của các chính trị gia trên toàn cầu - nó có mặt ở khắp mọi nơi. Và khi các nhân vật cực hữu chủ trương lý thuyết cực đoan, nguy hiểm của người da trắng này, các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt lấy cảm hứng từ nó tiếp tục gia tăng.
Sự thay thế vĩ đại” là gì và tại sao nó lại nguy hiểm? Thuyết âm mưu Sự thay thế vĩ đại là một khái niệm theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng, bài ngoại và chống người nhập cư, cho rằng người da trắng đang bị thay thế bởi những người nhập cư, người Hồi giáo và những người da màu khác ở những quốc gia được gọi là “quê hương” của họ. Âm mưu này thường đổ lỗi cho giới “tinh hoa” và người Do Thái đã dàn dựng những nhân khẩu học đang thay đổi này. Tư tưởng “Sự thay thế vĩ đại” được hình thành bởi Renaud Camus, một người Pháp đã phổ biến ý tưởng này trong cuốn sách Le Grand Remplacement năm 2011 của mình. Khái niệm này lan truyền như cháy rừng ở châu Âu, đặc biệt là thông qua nhóm cực đoan da trắng xuyên quốc gia “Generation Identity” (Lý lịch Thế hệ) và các tài khoản mạng xã hội của nhóm này. Người da trắng cũng đang tìm cách làm im tiếng “thuyết chủng tộc phê phán” (critical race theory – CRT) của người da đen. Thuyết này lên án người da trắng đến nay vẫn chưa tỉnh ngộ về lịch sử bức hiếp người da đen từ 5-6 thế kỷ qua. Vẫn còn đông người da trắng tin rằng nhờ sự cưỡng hiếp mới có những người da đen lai giống tiến bộ, nhờ di dân người da đen mới có “chân trời mới”, và nhờ làm nô lệ người da đen mới học đươc nghề và biết lao động!!!
Bởi vì Trump và quần chúng của Trump, nay đã thâm nhập không ít vào bộ máy chính quyền (kể cả cảnh sát và quân đội) cũng như các ngành tư pháp và lập pháp của Mỹ, đang âm mưu khuynh loát ngành tư pháp qua bốn vụ án của Trump sẽ diễn ra trong hai năm tới và khuynh loát bầu cử tổng thống năm 2024, cho nên rất đúng đắn khi cho rằng thêm một lần nữa nền dân chủ của Mỹ bị đe dọa – sau biến cố 6-1-2021. Và thật sự chẳng thể nghĩ gì, chẳng biết nói sao khi Trump lại được tranh cử, và lại chiến thắng, và bốn vụ án được đình chỉ!!!
Đúng là nền dân chủ pháp trị của Mỹ đang bị đe dọa và đã tỏ ra tê liệt, bất lực phần nào trong bao năm qua khi Trump vẫn tồn tại mặc dù tội lỗi của ông ta chồng chất. Đúng là sức mạnh dân chủ cũng không thể hiện được qua bầu cử không chỉ tổng thống mà cả các vị dân cử khi chúng ta thấy trong Quốc Hội có những người như George Santos, Greene, Boebert, Jordan, Mike Lee…
Từ lâu, người ta đã nói dân chủ Mỹ không đủ mạnh. Tu chánh án Đệ nhất được phổ biến trong sự lạm dụng đưa đến bạo loạn chính trị. Tu chánh án Đệ nhị được phổ biến gây tang tóc, bạo loạn trong xã hội, trong trường học, trong gia đình… Nền dân chủ của Mỹ thường được tự ca ngợi “hơn người”, nhưng sự thực trong bao nhiêu năm qua không giải quyết được sự khập khiểng trong cơ chế, làm cho ngày càng hình thành rõ rệt hai nước Mỹ, nói lên sự nổi lên sự phân hóa không thỏa hiệp được giữa hai đảng, giữa những tiểu bang xanh và tiểu bang đỏ, giữa quyền hạn liên bang và chủ quyển tiểu bang, giữa những người khác chủng tộc, khác màu da, khác tôn giáo… Nước Mỹ vẫn tự hào về “bản chất” đa văn hóa trong xã hội, nhưng điều này chỉ làm cho người ta ngày càng xa nhau và sống không cần nhau. Civil liberties của cá nhân trở thành đối nghịch với lợi ích civil rights của xã hội.
Lịch sử đang mở ra trước mắt hai scenarios: hoặc là bất lực trước Trump và quần chúng của Trump; hoặc người dân Mỹ phải cho Trump và quần chúng của Trump một bài học để đời.
Một số tác giả vẫn nói nước Mỹ đã đi xuống vì Trump đi lên, nước Mỹ đã hết vĩ đại vì bị khống chế bởi hình ảnh của Trump. Nếu người ta buộc được Trump đi xuống và nước Mỹ sẽ nhanh chóng quên đi hình ảnh điên cuồng của ông ta, liệu đất nước này có thể trở lại được như xưa?
Nhiều người đang mất ăn mất ngủ vì không biết lịch sử sẽ chọn scenario nào trong thời gian trước mắt!
Hoàng Ngọc Nguyên