VÁN BÀI LẬT NGỬA
Hoàng Ngọc Nguyên
www.saigonweeklyonline.com
Ảnh Reuters
Chắc chắn không ít người phải cảm thấy rối trí trước sự việc Quốc Hội lưỡng viện đã không đưa Tổng thống Donald Trump ra tòa án binh về tội phản quốc trong biến cố bạo loạn nổi dậy mà Hạ Viện Mỹ (ngày thứ tư 13-1) đã truy tội (impeach) ông “khích động” (incitement - xúi giục) hàng chục ngàn người kéo đến Capitol Hill và tràn vào tòa nhà Quốc Hội gây hỗn loạn nhằm hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống. Ông Trump gọi đó là một phong trào “ái quốc”, trong khi thực sự đó là một âm mưu phản loạn mà ông chủ mưu, nhằm cho ông tiếp tục cầm quyền bất kể hiến pháp, luật pháp và sự lựa chọn của người dân.
Ông đã từng công khai mơ ước được như những lãnh tụ trọn đời như Tập Cận Bình, Putin, Erdogan... Ông từng nói ông phải được ba nhiệm kỳ vì nhiệm kỳ đầu của ông bị hoang phí vì cứ phải đối phó với những chuyện điều tra, truất bãi của người Dân Chủ tại Hạ Viện. Và nay người ta đã thấy vụ bạo loạn ngày 6-1 chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên, Trump và các gia nô như Roger Stone, Rudy Giuliani, Michael Flynn, rõ ràng đã chủ mưu, toan tính, sắp xếp...Và không thiếu những con ngựa thành Troy trong tòa nhà Quốc Hội hôm đó, từ những dân biểu, thượng nghị sĩ Cộng Hòa (dơ bẩn nhất là bộ mặt của thằng Ted Cruz) đến các viên chức công lực cuồng Trump... Bởi vậy mà những nước có truyền thống dân chủ ở châu Âu đã tức thì lên án cuộc bạo động và vai trò xúi giục của Trump trong đó. Cái tội thực sự của ông ta là “chủ mưu gây bạo động để đảo chính”.
Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Hạ Viện nói riêng và chính giới nói chung đã không đi được bao xa trong quá trình định tội Donald Trump. Có lẽ vì chỉ còn một tuần nữa là Joe Biden nhậm chức tổng thống, cho nên người ta sợ “ném chuột vỡ đồ”. Có lẽ vì đảng Cộng Hòa vẫn tìm cách chống chế cho Trump, nói rằng bạo loạn này là “tự phát” và Trump vẫn có những lời lẽ “ôn hòa”, khuyến khích người ta “phản đối” nhưng đừng “bạo động”... Chớ quên rằng hơn 100 dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng Hòa trong phiên họp lịch sử 6-1 đó đã tham gia âm mưu hủy bỏ phiếu của cử tri đoàn! Và cũng có thể FBI cứ đưa ra những tin khối người da trắng thưọng đẳng đang tính chuyện “làm giặc” nữa, Vệ binh Quốc gia nay đã được đưa đến bảo vệ cho Capitol Hill, nằm la liệt trên sàn nhà, trước ngày Biden nhậm chức, cho nên người Dân Chủ cảm thấy bất an, chưa dám làm gì mạnh...
Bởi thế, người Dân Chủ tại Hạ Viện cứ muốn trước tiên Phó Tổng thống Mike Pence sẽ dựa trên Tu chánh án 25 để truất bãi ông Trump “vì thiếu năng lực” thì họ chẳng phải làm gì cả. Nhưng ông Pence cũng khôn đáo để. Tuy biết Trump có thể tính mưu sát mình trong biến cố 6-1, ông Pence chỉ để bụng. Nhưng ông sẽ không dọn cỗ cho bà Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi xơi. Nhất là khi ông nghĩ tới chuyện ra tranh cử bốn năm nữa, và ông tin rằng Trump đã tàn đời.
Bà Pelosi chỉ còn một cách: Hạ Viện bỏ phiếu luận tội Donald Trump “incitement of insurrection” (khich động nổi loạn) và đưa ra “tòa” Thượng Viện truất bãi. Cùng với 222 dân biều Dân Chủ, có 10 dân biểu Cộng Hòa, trong đó có bà Liz Cheney là nhân vật cao cấp thứ ba của đảng tại Hạ Viện, bỏ phiếu luận tội Trump. Bà là con gái của cựu Tổng thống Dick Cheney! Donald Trump nay là tổng thống đầu tiên bị impeached đến hai lần trong một nhiệm kỳ! Lần đầu là vào những tháng cuối năm ngoái, về tội tìm cách ép buộc chính phủ Ukraine bêu xấu cha con Biden. Trump chỉ muốn đi vào lịch sử. Dơ hay sạch không phải là vấn đề!
Tuy Chủ tịch khối đa số Thượng Viện hiện nay Mitch McConnell (ông còn ngồi ghế này đến 20-1) đã sẵn sàng hơn bao giờ hết đưa Trump ra trước “vành móng ngựa” (vợ ông Elaine Chao đã từ chức bộ trưởng giao thông ngay từ ngày 7-1), có hai vấn đề ở đây: (i) Để phế truất Trump, phải có 2/3 thượng nghị sĩ có mặt biểu quyết thuận, điều này chưa hẳn dễ dàng vì phài có ít nhất 17 người Cộng Hòa tại Thượng Viện bỏ phiếu chống Trump; (ii) Thượng Viện tới ngày 19-1 mới nhóm, có nghĩa là có truất bãi được Trump hay không thì ông ta cũng chẳng còn đó. Ý nghĩa của quyết định của Thượng Viện, tuy thế, có thể là không cho Trump được giữ bất cứ chức vụ gì trong chính quyền tưong lai, có nghĩa là ông ta sẽ không được tranh cử vào năm 2024.
Trump có thể đắn đo suy nghĩ. Hoặc ông ta tin rằng Thượng Viện không làm sao có đủ 65-67 người truất phế ông, do đó ông cứ “quậy phá tuổi già”, chờ đợi bốn năm nữa. Trong những ngày cuối, ông chỉ cần tập trung vào những việc ông còn có thể làm: hành xử quyền khoan hồng (pardon), gài người vào bộ máy chính quyền của Biden, công bố báo cáo của Ủy ban 1776 (1776 Commission) về Giáo dục Lòng yêu nước (viết lại lịch sử Mỹ, đề cao chủng tộc da trắng, bác bỏ chuyện đất nước phân hóa vì lịch sử kỳ thị)... Hoặc ông nghe lời một vài cố vấn của ông, cứ từ chức ngay để cho Thượng Viện khỏi mất công phán quyết, và sau đó ông cũng cứ chờ bốn năm tới. Hoặc Trump không chắc nghĩ gì đến chuyện bốn năm nữa, mặc dù ông ta cứ hăm he. Ông có rất nhiều chuyện trước mắt – chính là một di sản rối bời. Bởi vậy, có thể ông muốn được bỏ qua để bớt một mối lo trong những ngày sắp đến. Cũng có thể ông đang bị áp lực của những người chung quanh, cho nên ngày 13-1 đưa ra một bài diễn văn hòa hoãn, gây xúc động nếu có người tin, “trở mặt” kêu gọi “hòa hợp, hòa giải dân tộc”, và đe dọa những phần tử bạo động ngày 6-1 luật pháp sẽ không tha - trừ phi ông còn là tổng thống thì ông tha cho hết (nhưng phải đóng góp cho “quỹ vận động khoan hồng”). Ông nói những phần tử bạo lực không phải là thành viên “ái quốc” của cuộc đấu tranh “Save America”, nhưng đương nhiên ai cũng biết những tên ngưu đầu mã diện này mà không phải là thành viên của phong trào “Chống Dân Chủ Cứu Nước” của Trump dựng lên thì còn ai vào đây nữa?
Nay ván bài đã lật ngửa, chúng ta có thời giờ để nhận rõ hơn âm mưu cực kỳ nguy hiểm của Trump, con người cực kỳ nguy hiểm, trong vụ bạo loạn nổi dậy ngày 6-1. Nhất là hiện nay, công tố viên trong vụ điều tra biến cố nổi loạn này đã kết luận những kẻ xâm nhập vào Capitol Hill đã có ý đồ đi tìm những nhà dân cử để sát hại!
Để hiểu cho đúng mức vai trò chủ mưu của Trump trong vụ án này, chúng ta chỉ cần nhớ ông ta là người có “dòng máu anh hùng” NPD trong người. Narcissistic Personality Disorder, tức Hỗn loạn nhân cách tự tôn. Ta là nhất trong tất cả mọi chuyện. Ông ta vẫn quen nói: Chuyện này chỉ có ta mới nghĩ ra, mới có được giải pháp, và chỉ một mình ta là đủ rồi. Me First. Only Me! Tất cả mọi người đều là đồ bỏ, chỉ là phương tiện, nhất là lũ gia nô. Ông không chịu cho ai hơn mình, và sẽ làm cho bằng được mọi cách để triệt hạ đối thủ. Bởi vậy, ông ta là “người nguy hiểm nhất thế giới”, đúng như Mary Trump, cháu ruột của ông, nói. Lòng tham không đáy, cho nên “đã có quá nhiều nhưng không bao giờ thấy đủ” (Too much and never enough). Bởi vậy mà giới khoa học tâm thần đã nhiều lần mạnh dạn lên tiếng đề nghị ông phải vào nhà thương điên tạm trú để cho đất nước được yên. Nhưng làm sao đưa được ông vào “dưỡng trí viện” khi ông không có lý trí để dưỡng?
Tính háo thắng NPD này đã thể hiện trong cách ông làm ăn, mặc cả đến cùng, bóp chẹt đối thủ tận mạng – cho dù “đối thủ” có khi là “anh hai” trong nhà. Trong cách ông trốn xâu, lậu thuế mà ông vẫn tự hào. Trong hai năm 2016 và 2017, ông ta chỉ trả $750 thuế lợi tức liên bang. Trong 15 năm trước đó (2001-2015), có mười năm ông cũng chẳng trả thuế đồng nào – chuyện khó tin mà có thật. Đó là nhờ khai thua lỗ liên miên cùng tài trốn thuế (chronic losses and years of tax avoidance) - như tờ New York Times báo cáo hồi cuối thang chín năm 2020. Ông Trump nhún vai: “Fake news”, nhưng không nói như thế thì ông đã trả bao nhiêu!!!
Và tính háo thắng này cũng thể hiện rõ hơn và nguy hiểm hơn khi ông làm chính trị. Trong kinh doanh, dù sao, “kẻ thù ta đâu có phải là người; Giết người đi thì ta ở với ai” (Tâm Ca – Pham Duy). “Ở với ai” là làm ăn, mua bán với ai. Trong chính trị, cạnh tranh sống chết, “kẻ thù ta chắc chắn phải là người; Giết bớt người đi ta chẳng còn sợ ai”. Cứ xem cách ông “đối thoại” với bà Hillary Clinton trong kỳ vận động tranh cử năm 2016 – ông cứ đi qua lại sau lưng bà, mặt lườm lườm nhìn bà, hẳn phải làm cho đối phương phân tâm, không tập trung được vào chuyện hỏi-đáp. Có điều lạ là người Mỹ “văn minh” là thế, nhưng chẳng phải ai cũng thấy ông ta dơ! Ông cứ nhìn mình trong gương rồi thấy thế nào thì mạt sát kẻ thù như thế đó: Crooked Hillary, Sleepy Joe, “one of the dumbest people” (John Bolton)... Thậm chí, mới đây, ông còn gọi Phó Tổng thống Mike Pence là “pussy”, mà chữ “pussy” có nghĩa từ thanh tao như con mèo, hèn nhát đến thô tục (khi Trump lên giường cùng Stormy Daniels)...
Với kẻ thù chính trị thì Trump chủ trương phải tiêu diệt bằng mọi giá. Ai cạnh tranh hay tranh chấp với ông là kẻ thù không đội trời chung. Ai không nghe lời ông cũng là kẻ thù một còn một mất. Bởi vậy ông từng công khai mượn tay Putin tiêu diệt bà Clinton trong tranh cử năm 2016 và nay vẫn bắt nước Mỹ phải báo đáp bằng mọi giá cho chủ nhân Điện Kremlin. Cuộc điều tra của Biện lý đặc biệt Robert Mueller lẽ ra phải dứt khoát hơn thay vỉ kết luận ỡm ờ là phải điều tra thêm. Rồi đến chuyện Trump cho tay sai như Rudy Giuliani móc nối, mua chuộc chính phủ Ukraine để phá Joe Biden trong bầu cử 2020. Ngày 18-12-2019, sau bốn tháng luận tội, Hạ Viện đã bỏ phiếu lập cáo trạng Trump vào hai tội: lạm dụng quyền hành (abuse of power) và cản trở Quốc Hội (obstruction of Congress). Đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện nắm thế đa số đã cứu ông Trump khỏi bị truất bãi (cũng như đảng Dân Chủ đầu năm 1999 đã cứu Clinton nhờ nắm đa số tại Thượng Viện sau khi Clinton bị Hạ Viện luận tội ngày 19-12-1998) đầu năm nay. Rồi có chuyện ông cựu cố vấn an ninh quốc gia Bolton tố cáo là Trump từng yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc điều tra việc làm ăn của cha con ông Biden ở bên Tàu, đổi lại Trump sẽ duy trì hợp tác quốc tế Mỹ Hoa – đặc biệt để yên vụ Vũ Hán. Tập không tin lời Trump khiến Trump nổi giận, đổi giọng (gọi coronavirus là China virus), từ đó tấn công Bắc Kinh mọi mặt.
Bởi thế, vụ bạo loạn ngày 6-1 ở Capitol Hill thật ra chẳng đáng ngạc nhiên tí nào - thậm chí suy cho cùng chẳng có gì bất ngờ. Trump thua, đương nhiên phài có gian lận! Trump nhìn đâu cũng thấy gian lận (có tật giật mình) – ngay cả khi ông ta thắng. Năm 2016, Trump thắng phiếu cử tri đoàn (tương tự như năm 2020: 306-232) nhưng thua bà Clinton đến hơn 3 triệu phiếu phổ thông, theo Trump, đó là vì “bầu cử gian lận”! (Bà Clinton nay bị xem là hơi “stupid” khi không tập trung ở những tiểu bang quyết định). Huống chi nay Trump thua Biden, “bầu cử gian lận” là “đương nhiên”. Thời thế đã đổi thay, và Biden đã tập trung vào những tiểu bang “chiến địa” như Georgia, Michigan, Arizona, Wisconsin, Pennsylvania, Nevada...Sáu tiểu bang này cộng lại, Biden chỉ hơn Trump 310.000 phiếu! Arizona, Georgia, Wisconsin, phiếu cử tri đoàn cộng lại là 37, Biden chỉ hơn Trump 44.000. Nếu thắng được ở ba nơi này, Trump sẽ được 269 phiếu (trong trường hợp đó, Quốc Hội sẽ định đoạt ai là người thắng cuộc, và có nhiều khả năng Thượng Viện sẽ dành phiếu cho Trump). Trong bầu cử năm 2016, Trump hơn bà Clinton khoảng 80.000 phiếu ở ba tiểu bang này!
Thực sự, có thể Trump chẳng ngờ mình thua ở cả sáu nơi mình từng thắng bốn năm trước đây. Tối 3-11, ông ta vội ăn mừng, sau đó bẽ bàng, cứ nhất quyết “bị đánh cắp” và nhất quyết không nhìn nhận kết quả bầu cử, nhất quyết tìm cách đảo ngược kết quả. Rudy Giuliani chính là luật sư đại diện cho Trump trong kiện cáo (ăn tiền mỗi ngày 20.000 đô la), và nhờ vụ kiện cáo lung tung này mà quỹ yểm trợ pháp lý cho Trump gom được gần 300 triệu chỉ trong thời gian một tháng rưỡi. Cho nên Trump càng hung hăng đi kiện. Nhưng cả 62 vụ kiện từ tòa liên bang đến phá án đến Tối cao Pháp viện đều bị bác bỏ nhanh chóng vì “cáo buộc vô cớ” (without merit). Rồi Trump trực tiếp làm áp lực lên các tiểu bang “tranh chấp”, cụ thể là Georgia, một tiểu bang Cộng Hòa, yêu cầu thống đốc Brian Kemp, rồi bộ trưởng bang vụ (secretary of state) Brad Raffensperger rồi tòa án tiểu bang, đếm phiếu lại, tìm thêm phiếu cho Trump, đưa ra kết quả bầu cử mới, bác bỏ cử tri đoàn đã có. Ông ta đã tìm cách gọi trực tiếp cho các viên chức ở Georgia đến 18 lần. Trump muốn Georgia “làm gương” cho các tiểu bang khác làm chuyện chưa từng có trong lịch sử là thay đổi kết quả phiếu cử tri đoàn. Trump nói với ông Raffensperger “Chẳng có gì sai trái khi ông nói ông đã tính lại” (there’s nothing wrong with saying, you know, you’ve recalculated). Nhưng ông Raffensperger đáp: “Tôi rất tin tưởng ở kết quả đã có ở Georgia. Đó là một sự thật khó chịu nhưng hiển nhiên” (I'm very confident in the results we have here in Georgia. And that's the cold hard truth).
Một số tiểu bang “đỏ” chạy theo Trump như Texas, Missouri, Alabama... cũng đi kiện, đòi các tiểu bang “tranh chấp” này đếm phiếu lại. Tòa án đương nhiên bác bỏ vì đòi hỏi “vô duyên”: nguyên đơn không có thẩm quyền! Hai ngày 8-12 và 14-12, cử tri đoàn các tiểu bang chính thức kiểm phiếu và tập họp lại để xác định người thắng cuộc. Trump muốn các thống đốc của các tiểu bang “tranh chấp” này “tự tay chọn lấy cử tri đoàn mới”, nhưng người ta không thể làm chuyện ngược ngạo, vi hiến như thế. Qua ngày 14-12, dư luận lạc quan nghĩ rằng thế là xong, nhất là sau khi Bộ trưởng Tư pháp William Barr, người vẫn được xem là trung thành bậc nhất của Trump, xác nhận: không cần cử công tố đặc biệt điều tra thêm về bầu cử. Và ngay sau đó ông Barr từ chức, bắt đầu từ ngày 23-12, cho thấy ông chẳng muốn dính líu gì nữa, nhất là vì ông hẳn phải biết âm mưu gây nổi dậy, bạo loạn của Trump.
Luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani
Đúng vậy! Sau khi thấy những nỗ lực lạm quyền nhưng “êm thắm” không đi đến đâu, Trump chi còn con đường “bạo lực cách mạng” – và ông ta đã tính trước. Quanh ông ta ngoài Rudy Giuliani (người đang kiếm tiền bằng cách nhồi nhét vào đầu Trump chuyện phài chống “bầu cử gian lận”) còn có 2-3 nhân vật Trump vừa lạm quyền ân xá để tăng cường nhóm tham mưu khủng bố chính trị: Roger Stone là người đi cổ động các nhóm bạo lực quá khích cực hữu ở các tiểu bang như MAGA, QAnon, Proud Boys; cựu tướng Michael Flynn là người đưa ra thuyết “thiết quân luật”, cho rằng Trump có thể làm thay đổi tình hình, áp đặt tình trạang khần trương, hủy kết quả bầu cử và tổ chức bầu cử lại ở các tiểu bang tranh chấp; Steve Bannon là người đề nghị phải có “xuống đường”, Stephen Miller là tên luật sư đặc biệt cho Trump trong việc ngăn chận di dân bằng mọi giá ... Ông ta cũng nghĩ Trump có thể bác bỏ kết quả bầu cử! Cho nên mới có biến cố bạo lực ngày 6-1!
Sự lựa chọn ngày 6-1 là “tuyệt hảo”. Đó là ngày Quốc Hội lưỡng viện bỏ phiếu xác nhận, theo thủ tục, kết quả bầu cử mà cử tri đoàn đã thông qua. Người điều hành phiên họp là Phó tổng thống Mike Pence, với tư cách là chủ tịch Thượng Viện. Một khi ông đã xướng lên kết quả bầu cử ở tưừng tiểu bang, mọi sự đã an bài. Không có bạo lực nào làm thay đổi được kết quả đó. Cho nên, cần có một biến cố nào đó ngăn chận biểu quyết này - đình chỉ, gián đoạn, hủy bỏ... Đó chính là ý nghĩa của cuộc bạo loạn nổi dậy của hàng ngàn người xuống đường, tập trung trước Tòa Bạch Ốc chờ “lệnh xuất quân” của ông Trump, rồi sau đó đổ xô đến Tòa Quốc Hội, không chỉ đứng ngoài biểu tình phô trương khí thế, mà để tấn công thẳng vào nơi này, tràn ngập nơi nơi làm ngưng phiên họp của Quốc Hội biểu quyết kết quả bầu cử... Chúng ta đã biết nhân viên công lực bảo vệ an ninh đã không đủ lực lượng để chống cự đám người tràn vào, và cũng không được tiếp viện kịp thời. Tuy nhiên, họ đã lùa các nhà dân cử lưỡng viện đi vào hầm trốn theo cách “bỏ của chạy lấy người” (bà Nancy Pelosi bỏ lại cái laptop trên bàn, để cho bị lấy cắp)...
Cuộc điều tra của FBI ngày càng cho thấy những chi tiết khủng khiếp. Trump tuy chỉ bị tố là “khích động bạo lực”, nhung đúng ra là chủ mưu gây bạo loạn một cách công phu, chi tiết và cực kỳ nguy hiểm. Sau cử tri đoàn đã có ý kiến chung quyết ngày 14-12, Trump cũng quyết phải có “biện pháp mạnh”.
Biết ý Trump, ngày 17-12, Michael Flynn công khai gợi ý Trump có thể huy động quân đội để áp đặt thiết quân luật và tổ chức lại bầu cử ở một số nơi Trump không vừa lòng.
Ngày 19-12, Trump chính thức bắt đầu tập họp sự ủng hộ ở các tiểu bang để có một lực lượng ủng hộ đến Washington D.C. trong ngày 6-1, là ngày theo thủ tục Quốc Hội chính thức xác nhận kết quả bầu cử. Trump tweet: “Về mặt thống kê khó có chuyện đã thua bầu cử 2020. Phải đấu tranh mạnh mẽ tại D.C. ngày 6/1. Chúng ta hãy đổ đến đó và quyết liệt”.
Ngày 27-12, Trump lại tweet: “Hẹn gặp nhau tại Washington DC ngày 6/1. Đừng quên. Sẽ có thêm chi tiết”.
Ngày 28-12, một cựu viên chức Tòa Bạch Ốc Olivia Troye nói bà “rất lo sẽ có bạo động ngày 6-1 vì chinh tổng thống kích động”.
Từ ngày 1-1, khắp nơi đã chuẩn bị và sẵn sàng đổ về Washington D.C. trong ngày 6-1, khi những người da trắng thượng đẳng đều nghĩ đây là cơ hội ngán năm một thuở “giành lấy chính quyền vào tay nhân dân” (như Việt Cộng) và tò lòng dạ trung thành với Trump. Có những nguồn tin nói rằng những nhóm tham gia cuộc nổi loạn này đã được tài trợ để có tiền lo cho những người tham dự tiền đi lại và ăn ở trong cuộc phiêu lưu này.
Như chúng ta đã biết, người ta tập họp lúc ban đầu tại bên ngoài Tòa Bạch Ốc để nghe Trump phủ dụ. Trong đó có cả những nhóm phụ nữ chống phá thai. Những nhóm tôn giáo cực hữu. Ông ta đã chuẩn bị sẵn “sân khấu” bên ngoài, có cả cờ xí, loa phát thanh, bục nói chuyện... Quanh ông còn có cả Giuliani và mấy đứa con tiếp đón lực lượng “ái quốc” này. Giuliani nói trước, tố cáo “bầu cử gian lận” va nói chỉ có con đường “giác đấu’ (trial by combat) để giành lại cuộc bầu cử. Con trai của Trump cũng lên tiếng, nói đảng Cộng Hòa bảo thủ nay không còn nữa, nay chỉ còn “đảng Cộng Hòa của Trump”, và “ngày hôm nay chúng ta phải vùng dậy”. Bài diễn văn của Trump kéo dài 75 phút, toàn là những lời lẽ xúi giục, khích động, ép buộc những nhóm quá khích cực hữu phải mạnh dạn sử dụng bạo lực để đạt mục đích: tràn vào Quốc Hội đi tìm cho ra kẻ thù để xử tội.
“Chúng ta thắng trong bầu cử, chúng ta thắng cách biệt lớn lao”.
“Chúng ta phải tiến đến Tòa Nhà Quốc Hội”.
“Chúng ta phải ngăn chận sự cướp đoạt, đánh cắp”.
“Chúng ta không thể giành lại đất nước bằng sự yếu đuối. Chúng ta phải cho thấy sức mạnh. Chúng ta phải mạnh”.
“Chúng ta phải chiến đấu một mất một còn”.
“Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc. Chúng ta sẽ không bao giờ nhượng bộ. Đây là chuyện sẽ không xảy ra”.
“Chúng ta không nhìn nhận thua cuộc vì đây là chuyện ăn cắp. Đất nước chúng ta đã chịu đựng quá đủ. Chúng ta sẽ không thể chấp nhận được nữa”.
“Nếu chúng ta không chiến đấu một mất một còn, chúng ta sẽ không còn giữ được đất nước này nữa”.
“Chúng ta sẽ tiến đến Capitol và chúng ta sẽ tung hô các thượng nghị sĩ và các ông bà dân biểu dũng cảm, nhưng có lẽ chúng ta sẽ không ca ngợi những người khác”.
Trump cứ nói rằng ông không chủ trương, hô hào bạo động, chỉ nói về quyền tự do ngôn luận theo Đệ nhất Tu chánh án. Nhưng sự thật rõ ràng là ông ta đã kêu gọi, thúc giục người ta tràn vào Quốc Hội, đạp đổ các rào cản, tấn công và đẩy lùi nhân viên công lực để đi tìm các thượng nghị sĩ và dân biểu hỏi tội, trong khi yểm trợ các nhà dân cử làm con ngựa thành Troy, không nhìn nhận kết quả bầu cử. Nếu không có đám nghị sĩ như Ted Cruz, Josh Hawley, không có một đám dân biểu Cộng Hòa đặt vấn đề ở tiểu bang này, tiểu bang nọ, Phó Tổng thống Pence có thể đã chấm dứt trước khi đám bạo động tràn vào, và sau khi đã ổn định cũng phải làm việc thâu đêm suốt sáng mới xong việc chuẩn thuận kết quả này. Tuy nhiên, nói qua cũng phải nói lại, nhờ vụ bạo động này mà Trump đã lộ mặt thật với những người lãnh đạo của Cộng Hòa. Họ đã thấy Trump sẵn sàng để người xuống đường bắt họ, đánh đập họ, thậm chí có thể giết họ để đạt mục tiêu của Trump. Bởi vậy mà chúng ta thấy rõ các ông Pence, McConnell, Kevin McCarthy (lãnh tụ phe Cộng Hòa thiểu số tại Hạ Viện) ... đã thay đổi thái độ đối với Trump.
Nay thì Hạ Viện đã biểu quyết luận tội Donald Trump, và chuyển cáo trạng này sang Thượng Viện vào ngày thứ hai 25-1 cho họ phán quyết. Chưa biết phiên xử sẽ bắt đầu khi nào, vì ông McConnell muốn phía bị cáo có thêm thì giờ chuẩn bị ra tòa. Ông Chuck Schumer, chủ tịch khối Dân Chủ đa số tại Thượng Viện, đã nói phiên tòa này sẽ không bắt đầu trước ngày 9-2 vì Thượng Viện cần thời gian để thông qua nội các của Biden.
Chính trường sẽ tràn đầy kịch tính trong một vài tháng tới. Tổng thống Biden đang muốn có thì giờ tập trung vào việc hủy bỏ hàng loạt chính sách của Trump trước đây và đưa ra những đường lối mới liên quan đến việc chống đại dịch như một cuộc chiến “toàn dân, toàn quân”, phục hồi kinh tế là một mục tiêu khó nói trước về thời điểm, giúp đỡ các thành phần khó khăn kinh tế đúng là một thách thức lớn cho ngân sách vốn đã thiếu hụt trầm trọng, và xây dựng lại những quan hệ quốc tế của Mỹ nhằm tái lập trật tự quốc tế mà Trump đã đạp đổ trước đây... Tuy nhiên, phía Dân Chủ vẫn cứ muốn trước hết Trump phải ra trước vành móng ngựa. Trong khi đảng Cộng Hòa thì bồn chồn trước những thay đổi mạnh dạn của tổng thống mới và sự suy yếu của “đảng ta”.
Dù sao, qua vụ bạo loạn ngày 6-1, mà Trump đáng và cần phải trả lời về tội phản nghịch dân chủ, phản bội lời thề bảo vệ hiến pháp, chúng ta có thể tạm kết luận ba điều:
1.Trump tưởng rằng mình có toàn quyền làm lịch sử bằng cách cầm quyển như một bạo chúa và cướp chính quyền như thủ lãnh một đám bạo loạn nổi dậy, làm nên một biến cố thử thách chưa từng có ở nước Mỹ. Ông vẫn chưa hiểu được dân chủ Mỹ là như thế nào, hiến pháp là thế nào. Điều này cho thấy sự vô hạn trong cái ngu, cái điên của ông. Cái điên, cái ngu vô hạn này vì vậy đã làm cho ông trở thành con người cực kỳ nguy hiểm, là điều lẽ ra người Mỹ phải thấy hết từ lâu. Ông là một con người tổng thống tàn bạo và phi nhân đến mức ông ta xem mạng sống con người như cỏ rác. Với sự tin tưởng ngu xuẩn ở quyền hành tuyệt đối của một tổng thống như một bạo chúa (ông ta từng nói nếu ông có bắn chết người ở Fifth Avenue, NY, thì cũng chẳng mất lá phiếu nào), ông đã để cho bao nhiêu người đã trực tiếp hay gián tiếp chết trong tay ông, từ những người lính chết ngoài tiền tuyến (Syria, Iraq, Afghanistan), đến trẻ em bị bỏ rơi trong những trại giam giữ di dân, nhưng nặng nề nhất là hơn 400.000 người chết vì COVID-19, và bao nhiêu người có thể chết nếu âm mưu bạo loạn của ông ta thành công?
2. Một điều chúng ta phải suy nghĩ về nước Mỹ ngày nay chính là tại sao có đến 74 triệu người đã bỏ phiếu cho ông ta dù cho qua bốn năm ông ta tại vị, người dân đã đủ thời giờ để thấy bộ mặt thật của ông? Ai là sản phẩm của ai? Khối người này đã làm nên Trump hay Trump đã làm nên khối người này? Nếu Trump không thắng đươợc trong năm 2016 chắc chắn tình hình nước Mỹ đã khác đi nhiều! Cho nên câu hỏi không tránh được là khối quần chúng bỏ phiếu cho ông Trump nghĩ gì, muốn gì đối với xã hội này, đất nước này?
3. Cuộc bạo loạn nổi dậy tại Capitol Hill ngày 6-1 cho thấy sự nguy hiểm vô hạn trong lực lượng quần chúng sau lưng Trump. Những nhóm “white supremacists” làm như họ sẵn sàng mở một cuộc nội chiến vì họ là những “patriots” có sứ mạng “save the country”. Kẻ thù của họ chính là những người không phải là họ. Đó là điều suy cho cùng đáng kinh sợ cho những người không phải là họ - có thể là người Hồi giáo, có thể là người Hoa hay những ai trông giống người Hoa, cũng có thể là người Latino, hay người da màu - , và chỉ có những người ảo tưởng điên rồ và ngu xuẩn mới tưởng được rằng một khi đã cầm lá cờ vàng ba sọc đỏ có mặt ở Capiotl Hill thì có thể tự đồng hóa mình với người!
Lịch sử sẽ có cái nhìn phê phán chính trị thời nay, vì chính trị chính là đạo diễn tất cả tấn kịch của ba ngày thứ tư vừa qua: 6-1 (bạo loạn), 13-1 (luận tội), 20-1 (nhậm chức). Đảng Cộng Hòa thất bại vì quá sức dung túng Trump. Đảng Dân Chủ thất bại trong những nỗ lực truất bãi do một cơ chế chính trị không hiệu quả. Chưa bao giờ sự phân hóa chính trị trong xã hội và trên chính trường cùng cực đến mức như ngày nay.
Và ngày nay tân Tổng thống Joe Biden nói chuyện đoàn kết để xây dựng đất nước. Đoàn kết chính trị là hòa giải, hòa hợp, là thỏa hiệp. Nhưng muốn hòa giải, hòa hợp, thỏa hiệp, điều quan trọng trước tiên là thiện chí - tấm “lòng thành” - thực sự. Người Việt Miền Nam chúng ta đã có kinh nghiệm cay đắng về chuyện này, đến mức phải bỏ nưóc ra đi, tha phương cầu thực. Thiện chí cần phải được thể hiện nơi thái độ ngay thực, lương thiện, và nhận lãnh trách nhiệm. Honesty and accountability. Ít nhất đối với hiện tại - nếu không nói chuyện quá khứ.
Sự đoàn kết phải được thể hiện nếu người ta chịu nhìn thẳng vào sự thật về con người ngu, điên, độc của Trump, về bầu cử mà ông ta cứ nhắm mắt cáo buộc gian lận, và bạo loạn mà ông chủ mưu phản nghịch. Đối lại, đảng Dân Chủ cần bình tĩnh, quyết liệt trong cuộc chiến chống đại dịch, thận trọng trong chính sách phục hồi kinh tế giúp người dân trong khó khăn, và sẵn sàng trong sự tái lập trật tự xã hội quốc nội và quốc tế.
Nếu được như thế, nền dân chủ Mỹ mới có thể có cơ hội chứng tỏ sự trưởng thành khi người ta có thể ngồi lại với nhau như người lớn để nói về những chuyện này.
Hoàng Ngọc Nguyên