Hoàng Ngọc Nguyên
UKRAINE - CHỈ CÓ BƯỚC ĐẦU LÀ KHÓ
Tổng thống tân cử Donald Trump không phải là người duy nhất nhận được những lời chúc tụng nồng nhiệt từ những người ủng hộ sau khi kết quả bầu cử được công bố. Tại Moscow, người ta nói ông Putin cũng vui mừng không kém và hân hoan trước những lời chúc mừng ông đón nhận như thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Trước chiến thắng của ông Donald Trump trong bầu cử tổng thống ngày 5-11 vừa qua đưa ông trở về mái nhà xưa, trong dân chúng Mỹ đương nhiên kẻ khóc người cười, và những người hiểu biết chính trị ít nhiều đều có chung một quan tâm: quan hệ đối ngoại của Mỹ sẽ biến chuyển như thế nào và thế giới ngày nay đang rơi vào cái bẩy của toàn cầu hóa vốn không mấy có trật tự sẽ hỗn loạn thêm chừng mực nào!
Vấn đề đơn thuần là nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden có chính sách đối ngoại khác, nước Mỹ dưới thời ông Trump trước đây (2017-2020) đã có chính sách đối ngoại khác, và nước Mỹ sắp đến cũng dưới thời ông Trump (2025-2028) trong chính sách đối ngoại sẽ ít nhiều trở lại chính sách trưóc đây của ông, có nghĩa là sẽ rất khác với chính sách chúng ta đã thấy dưới thời ông Biden.
Cụ thể, ông Biden vẫn gọi ông Putin của Nga là kẻ sát nhân (He’s a killer!), và chủ trương tích cực hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO (North Atlantic Treaty Organization) của những nước Tây Âu để giúp Ukraine chống Nga. NATO được hình thành từ năm 1948 sau Đệ nhị Thế chiến để chống lại ý đồ mở rộng thế lực cộng sản quốc tế của Stalin, lãnh tụ Liên Xô. Mỹ là lãnh đạo của khối này, đã tồn tại 76 năm. Trong khi đó, vì những lý do người ta vẫn chưa biết mà chỉ có thể đoán, ông Trump vẫn xem Putin còn gần gũi hơn cả bạn. Giống như ruột thịt. Ông vẫn không che dấu sự thán phục Putin (He’s a genius), ông vẫn cho rằng Ukraine nên “chịu thua đi” (tìm giải pháp thỏa hiệp và chấp nhận sự thua thiệt để tái lập hòa bình thay vì kéo dài chiến tranh khiến cho đất nưóc tan hoang cùng tao ra nguy cơ Đệ tam Thế chiến). Ông Trump cũng từ lâu không che dấu thái độ lanh nhạt với khối NATO, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ. Ông cho rằng Mỹ bị một số nước trong NATO lợi dụng, lạm dụng… Cũng như ông muốn ở Biển Đông Thái Bình Dương, Nam Triếu Tiên, Đài Loan… phải đóng góp nhiều hơn cho sự phòng thủ chống sự xâm lấn của Trung Cộng… Do đó, người khéo lo mới đặt ra câu hỏi ông Trump sẽ dắt nước Mỹ đi về đâu và thế giới đi về đâu.
Thực ra, bình thường nước Mỹ cũng có thể an tâm về chính sách đối ngoai, vì tổng thống nước Mỹ, dù Cộng Hòa hay Dân Chủ, thứ nhất bao giờ cũng phải đặt quyền lợi nước Mỹ lên trên hết, và thứ hai chia sẻ tầm nhìn về cuộc diện và trật tự thế giới và mục tiêu đối ngoai của nước Mỹ. Chính vì trật tự đó và mục tiêu đó mà bao nhiêu đời qua, từ Đệ nhị Thế chiến đến nay, Mỹ đã có những quan hệ đồng minh chiến lược ở châu Á, châu Âu, Trung Đông cũng như cảnh giác cao độ trước những thế lực quốc tế đối nghịch và đối đầu – chính là Nga và Trung Quốc, không chỉ trong thời Chiên tranh Lạnh trước đây mà cho cả ngày nay thời “toàn cầu hóa” (globalization).
Dù thế giới được xem là đã bước vào kỷ nguyên mới “bốn bể là nhà”, thì Trung Quốc vẫn là Trung Cộng, và nước Nga ngày nay vẫn lạc hậu về chính trị như xưa - đến mức ông Vladimir Putin làm thủ tướng, tổng thống từ năm 2000 đến nay và đang tính sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga cho đến năm 2040 – nếu nhờ ơn trên phù hộ ông vẫn còn đó.
Nước Nga sau khi bị mất tất cả các nước vệ tinh, chư hầu sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990, nay dưới sự lãnh đạo của Putin, người vẫn thầm coi mình như là một hoàng đế thời “dân chủ kiểu Nga”! Nga hoàng đời mới đang có tham vọng cầm quyền ba bốn chục năm đang muốn biện minh tham vong đó bằng mưu đồ tái lập đế chế Liên Xô bằng cách xâm lăng những đất nưóc đã thoát khỏi Liên Xô và nay là những nước độc lập. Ukraine chỉ là bước đầu thử nghiệm có tính quyết định cho dù nhiều người vẫn dễ dãi quên điều đó.
Chúng ta đều biết cả thế giới từ hơn hai năm nay đứng ngồi không yên vì cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đánh vào nước láng giềng Ukraine. Nga bắt đầu cuộc xâm lăng từ tháng hai năm 2022, và Ukraine đã anh dũng chống trả và đang cố gắng với ít nhiều tuyệt vọng giành lai lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng, có đến 1/5 đất đai của Ukraine, nổi bật nhất là bán đảo Crimea mà Ukraine đã mất từ năm 2014. Sự yểm trợ vũ khí tích cực của các nước phương tây trong khối NATO đã giúp cho Ukraine còn sức chiến đấu – đó là sự thực không thể phủ nhân được. Một sự thực khác là dưới thời ông Trump, quan hệ giữa Mỹ và NATO (khối quân sự của Tây Âu + Hoa Kỳ) trở nên lợt lạt; may cho Ukraine Tổng thống Biden khi lên cầm quyền năm 2021 đã thắt chặt trở lại tình thân giữa Mỹ và NATO qua sự hợp tác giúp Ukraine chống Nga. Dù Ukraine vẫn còn nhiều lúng túng chưa ca được khúc khải hoàn, đứng trên bờ vục chính là nước Nga, khi tổn thất của Nga đã lên đến 600.000 lính, Putin phải đến bao nhiêu nước, kể cả Việt Nam, để xin hỗ trợ nhưng chỉ có Bắc Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của một kẻ tâm thần và mất trí như Kim Jong-un đồng tình gời quân tới giúp Nga (có lẽ khoảng 10.000 lính) để đổi lấy một hiệp ươc hợp tác quân sự giữa Moscow và Bình Nhưỡng…
Nhưng cuộc chiến của Ukraine vẫn chưa xong, và ông Trump trở lại. Các nước châu Âu tuy đứng ngồi không yên nhưng cũng đã phần nào tiên liệu cái kết cuộc tệ hại này của bầu cử và dân chủ ở Mỹ. Không có Mỹ, các nước đứng đầu Tây Âu như Anh, Pháp, Đức… vẫn phải tìm cách ngồi chung bàn để giúp Ukraine chống Nga để tồn tại. Như nhận đinh của nhật báo The Guardian, Tây Âu đã quen với “tính khí thất thường của ông Trump trước đây.” Tính thất thường khó đoán của Trump và niềm tin viễn vông vào khả năng thuyết phục của ông đã khiến các nhà ngoại giao châu Âu lúng túng, khó khăn trong hoạt động. Nhưng điều họ thực sự lo sợ chính là tính khí của Trump sẽ tác động như bơm chất dễ cháy vào một thế giới vốn đã bùng nổ. Hai cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt, một cuộc chiến bao gồm quân đội Triều Tiên chiến đấu bên cạnh Nga và cuộc chiến còn lại vẫn có khả năng khiến Iran chống lại Israel. Và thêm vào đó Trung Quốc đang xuất hiện. Các chuyên gia đối ngoại của Mỹ và cả Tây Âu đều lo chẳng biết ông Trump sẽ xử trí sao đây khi cả hai cuộc chiến là khó kham nổi.
Chiến dịch tranh cử của Trump cho người ta rất ít manh mối về cách ông sẽ thực hiện chính sách đối ngoại. Thông thường ông chỉ nêu những tiêu đề đơn thuần - chẳng hạn như kết thúc chiến tranh ở Ukraine trong 24 giờ (chẳng ai tin); trục xuất tức thì 10 triệu người di cư (mission impossible); hoặc mâu thuẫn, liên quan đến cam kết với NATO và chủ trương cứ để Nga làm bất cứ điều gì họ muốn với những nước cũ thuộc về Nga.
Phần lớn phân tích của ông Trump về những vấn đề nội bộ của nước Mỹ đều xuất phát từ những thất bại trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Mối quan hệ giữa chính sách đối ngoại và đối nội xem chừng là bận tâm của các chuyên gia chính sách đối ngoại thân cận nhất với ông, đặc biệt là phó tổng thống đắc cử JD Vance. Ông Vance đã lập luận: “Từ Iraq đến Afghanistan, từ cuộc khủng hoảng tài chính đến cuộc Đại suy thoái, từ biên giới mở cửa đến tiền lương trì trệ, những người cai trị đất nước này đã thất bại và thất bại lần nữa… Họ thất bại vì đã tin vào một lý thuyết của thế giới xem nhẹ lợi ích của Hoa Kỳ lên hàng đầu và trung tâm”. Ông Trump đã tuyên bố vào năm 2016 khi chuẩn bi bước vào Nhà Trắng, ‘Chủ nghĩa Mỹ, không phải chủ nghĩa toàn cầu, giờ đây sẽ là tôn chỉ của chúng tôi.”
Những quan sát viên chinh sách đối ngoại đang cảnh báo rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump phải khác vì những thách thức đã thay đổi. Ông Trump sẽ bước vào một đấu trường địa lý chính trị nguy hiểm hơn đấu trường mà ông ấy đã rời khỏi bốn năm trước đó. Chỉ khôi phục chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông chẳng những không thể giúp điều hướng một môi trường phức tạp trong đó các đối thủ của Mỹ đang vũ trang với tốc độ nhanh chóng và, trong trường hợp của Nga và Iran, đang tham gia vào các cuộc chiến tranh khu vực. Theo con đường cũ sẽ chỉ làm cho người ta lạc lối bởi vì như nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo, “đây không còn chỉ là một cuộc cạnh tranh; những cuộc xung đột ngày nay có thể là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn.”
Xem chừng trong hiện tình thế giới, nước Mỹ phải đối diện không biết bao nhiêu vấn đề phức tạp, giải đáp chưa có hoặc quá khó, và nước Mỹ không như ngày xưa để làm người hùng gánh vác hết tất cả, bất kể khả năng của mình, trong đó phải tính đến những vấn đề chủng tộc, kinh tế, xã hội trong nước. Phải hiểu chính trị bầu cử của Mỹ để bỏ đi lối nghĩ kỳ vọng lãnh đạo Mỹ sẽ có thể làm tất cả mọi chuyện động trời. Tổng thống Mỹ chỉ có bốn hay tám năm. Ngồi chưa nóng chỗ đã tính chuyện ra đi. Và bị níu kéo từ mọi phía đến mức chẳng làm được gì cụ thể. Ít ra đó là một phần nếu không phải là tất cả suy nghĩ của ông Trump sau nhiệm kỳ đầu về thời thế ngày nay (Gặp thời thế thế thời phải thế) để nêu lên những khẩu hiệu “America First”, Make America Great Again”. Hay nếu ông Trump cạn nghĩ, những lớp cố vấn mới của ông cũng có thể gởi gắm đến ông những lo ngại, lo nghĩ đó.
Ưu tiên của ông Trump vẫn là chuyện trong nước (America First), vẫn là khối cử tri đã ủng hộ ông cũng như khối cử tri đã thất vọng vì đảng Dân Chủ mà miễn cưỡng quay qua bỏ phiếu cho ông. Tuy nhiên, để giải quyết chuyện đối nội, ông phải lo trước chuyện đối ngoại, một trật tự thế giới mới. Ông hẳn phải nghĩ ông Putin sẽ giúp ông trong việc tạm ổn định chuyện bên ngoài để tập trung lo chuyện bên trong. Và chuyện bên ngoài trước mắt là hai cuộc chiến.
Bởi vậy, tuy người ta vẫn cười chế nhạo khi ông nói “giải quyết cuộc chiến Ukraine trong 24 giờ”, nhưng có lẽ ông nói thế vi ông tin rằng ông có giải pháp thỏa hiệp cho đôi bên, Nga và Ukraine, để chấm dứt chiến tranh. Ngay sau khi đắc cử và được ơng Putin chúc mừng, ông Trump đã nói chuyện nhiều lần với Putin. Ông cũng đã nói chuyện với Zellinskyi, tổng thống Ukraine, không chỉ để trấn an “tôi chẳng bán đứng Ukraine đâu” mà chính yếu là nói “Tôi đã có giải pháp, miễn là ngài thực tế chịu thua thiệt một tí, đừng nói nữa phải giải phóng hết mới có hòa bình”. Và khi Trump nói chuyện voi Zellinskyi thì có Elon Musk bên cạnh, một bảo đảm xác nhận ông Musk sẽ hỗ trợ cho kinh tế Ukraine một khi hòa bình trở lại. Ukraine mất Crimea là chuyện lịch sử, đã rồi, phải lơ đi, đừng nói đến nũa, chỉ thất vọng, tuyệt vọng và bế tắc mà thôi. Về phía Nga, có được Crimea cũng là giữ đươc mặt mày, danh dự, nhưng Nga có thể phải trả lại những vùng khác mới chiếm sau này để cho Putin có thể hạ cánh an toàn.
Để xem ông Trump đủ sức thuyết phục hai ông Zellinskyi và Putin ngồi bên nhau để đạt một thỏa hiệp như thế hay không để cho Nga rút và Ukraine hết giặc giã và có thể xây dựng đất nước trở lại. Ông cũng có thể trấn an Putin Mỹ sẽ buộc Israel tự chế với Iran và tím cách chấm dứt cuộc chiến ở Gaza!!!
Chỉ có bước đầu là khó. Nếu ông Trump đi được bưóc đầu này, ông có thể xây dựng lại uy tín trong nước, ngoài nước, và nghĩ đến chuyện tiến xa hơn, dù ông nay đã 78!