TỤI CON CÁM ƠN CÔ
Hoàng Ngọc Nguyên
@www.saigonweeklyonline.com
Những ngày sau bầu cử 3-11 chắc chắn sẽ không thể nào quên được đối với dân Mỹ. Đó là những ngày người ta có thể biết chắc lịch sử đã sang trang, tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ sẽ là ai. Cũng là những ngày mà đại dịch đã đạt đến một kỷ lục mới, mở ra một chương mới khiến cho người ta càng thêm mất ăn mất ngủ. Dĩ nhiên không có Tổng thống Donald Trump trong số những người này, mặc dù lẽ ra ông phải là người mất ăn mất ngủ nhiều nhất khi xét đến trách nhiệm là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, và trách nhiệm cụ thể của ông trong việc để cho COVID-19 bùng phát hết đợt 1 đầu tháng ba đến đợt 2 hiện nay.
Đương nhiên, coronavirus phải là mối lo hàng đầu của người dân hiện nay - thực ra, đó cũng là mối lo hàng đầu của hơn 7.5 tỷ người trên toàn cầu. Cho đến nay, trên toàn thế giới có gần 50 triệu ca, 1.240.000 người chết. Hay cứ 40 người bệnh thì một người thiệt mạng. Riêng nước Mỹ, sau hơn tám tháng, Mỹ đã có xấp xỉ 10 triệu ca nhiễm, và số người chết khoảng 250.000 người. Tỷ lệ người chết/người bệnh ở Mỹ cũng tương đương với thế giới. Tính trung bình ở Mỹ, 40.000 trường hợp nhiễm, 1.000 người chết một ngày, đang dẫn đầu toàn cầu một cách an toàn – không sơ những nước xếp hàng sau như Ấn Độ, Brazil, Nga, Pháp... qua mặt. Đặc biệt ở Mỹ, cứ 100 người thì có gần 3 người nhiễm - không nước nào bắt kịp. Dân số nước Mỹ chỉ bằng 4% dân số thế giới, nhưng số ca nhiễm ở Mỹ tương đương với 20%, và số tử vong 19%. Đúng là nhờ Tổng thống Trump Mỹ mới có được những con số “Make America Great Again” như thế.
Thế nhưng tính đến ngày 8-11, tình hình càng trở nên tệ hại hơn bao giờ hết. Ngày 4-11, con số nhiễm nhảy vọt lên 104.004, lần đầu tiên vượt con số 100.000. Ngày 5-11 là một kỷ lục mới nữa: 116.707 – không thể tưởng tượng được! Chưa hết, ngày 6-11: 128.045 (chánh văn phòng của Trump, Mark Meadows, nằm trong danh sách này!). Và ngày 7-11: 134.377... Tính trung bình trong 10 ngày đầu tháng 11 này, số ca nhiễm một ngày hơn 109.000! Trong khi đó, trung bình số ca nhiễm trong thời gian từ đầu tháng ba đến cuối tháng chín chỉ có 35.000. Trung bình trong thời gian từ đầu tháng mười đến 10-11 (41 ngày) là 70.400! Con số tử vong hiện nay cũng trong khoảng ngàn người một ngày trong mười ngày qua. Cũng trong tuần qua, trường hợp phải nhập viện đã tăng mạnh ở 38 tiểu bang, và nhiều nơi đang lâm vào tình trạng hết chỗ chứa, phải dựng lều ngoài sân màn trời chiếu đất, ngay khi mùa lạnh đang ập tới! Những con số trung bình này trùng hợp với thời gian ông Trump cần đẩy mạnh vận động tranh cử (tháng mười), tập trung chỉ vào một việc. Me First, chẳng phải America First, cho nên ông hoàn toàn bỏ luống đại dịch - sống chết mặc bây!
Ai cũng biết, Tổng thống Trump ngay từ đầu đã biết sự tình, nhưng cũng ngay từ đầu đã quyết định dứt khoát chẳng làm gì cả, ông sợ cho người dân biết sự thật thì rúng động lòng dân, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Ông đặt trọng tâm vào việc chính trị (vận động tái tranh cử) cho nên dẹp giới khoa học qua một bên. Nhóm đặc nhiệm chống COVID-19 của Tòa Bạch Ốc kể như giải tán từ tháng tư, không còn họp báo hàng ngày nữa, sau khi ông Trump “lỡ dại” rao bán thuốc trị hydroxychloroquine) và còn nói có thề uống thuốc tẩy trùng như Clorox để ngừa trị coronavirus. Bác sĩ trưởng Viện Quốc gia chuyên dị ứng và bệnh gây nhiễm Anthony Fauci thì bị ông Trump gọi là “tai họa” và “ngu xuẩn” (theo cách ăn nói bất kể “văn hóa” của ông) bởi vì ông Fauci nhất quyết nói ngược lại ông Trump, ngày đêm cứ cảnh báo phải đeo mạng, phải cách ly, phải coi chừng việc cho trẻ đi học trở lại...
Ông Trump thì vẫn nói đại dịch coronavirus như một loại cảm cúm thông thường, không chết người như cúm H1N1 mấy năm trước “dưới thời Obama” (theo lời ông). Người chết thì ông nói người già phải tới số. Người trẻ bị nhiễm thì ông nói “tốt”, càng nhiều càng cho thấy khả năng xét nghiệm của Mỹ rộng rãi. Ông cũng quảng bá thuyết “âm mưu” của ông: người mắc bệnh càng nhiều thì sẽ sớm tiến đến giai đoạn miễn nhiễm tập thể (herd immunity). Là người lãnh đạo cao nhất, ông chỉ một lần nói: “Đeo mạng là yêu nước”, nhưng bao giờ cũng làm gương về chuyện không đeo mạng, không cách ly, cứ tụ họp đông người. Thậm chí ông còn chế diễu những người “hèn nhát”, nhắm vào ông Joe Biden, bao giờ cũng đeo mạng. Những cuộc tập họp tranh cử của ông có đến hàng ngàn người không mạng chen chúc tham dự. Ông cứ nói coronavirus là một đại dịch toàn cầu, đâu cũng có, Mỹ không thể làm gì khác hơn! Đại dịch đang tới khúc quanh, mọi con số đang đi xuống, rồi sẽ tự nhiên biến mất! Đừng có sợ, cứ nhìn trường hợp của ông, cũng bị nhiểm COVID-19 như ai, nhưng có thầy có thuốc, rồi cũng nhanh chóng qua đi! Cứ yên chí, “vài tuần” nữa sẽ có vaccine, rồi sẽ yên ổn cả! Sự việc càng rõ ràng hơn sau khi Mark Meadows, chánh văn phòng của ông Trump, ngày 24-10 đã nói thẳng “Chính quyền sẽ không kiểm soát đại dịch. Chúng tôi sẽ chỉ kiểm soát thời điểm có thể có vaccine...” Giữa khi ai cũng lo sợ đại dịch bùng phát mạnh mẽ vì thời tiết lạnh hơn bên ngoài, khô hơn trong nhà...
Ông Trump đã dứt khoát: ông nhất quyết không làm gì cả. Bởi vậy, trong những ngày bầu cử căng thẳng đầu tháng 11 này, đặc biệt những người cao niên tiếp nhận hung tín về đại dịch với lo sợ và mỏi mệt. Lo sợ vì chẳng biết, với 80% nạn nhân của coronavirus là người trên 65, thì nay bao giờ tới phiên mình, mệt mỏi vì không biết phải làm gì và cũng chẳng trông mong được gì ở người lãnh đạo đất nước táng tận lương tâm, vốn chủ trương bỏ luống, và nay càng có lý do để bỏ luống. Đây là chuyện sống còn của từng người, nhất là của người già! Bà bác sĩ Angela Dunn, nhân vật đứng đầu nhóm chống đại dịch ở tiểu bang Utah, hôm thứ hai 9-11 đã nói trong xúc động: “Xin hãy nghĩ đến những người già. Họ bị cô lập. Sinh mệnh bất trắc. Sống trong lo sợ, khủng hoảng”. Khi người ta sống trong hãi hùng trước sự biến mất đột ngột của bao nhiêu người - một sự hoang vắng chết chóc!
Utah là tiểu bang Mormon cũng đặc biệt: từ con số trung bình ba-bốn trăm một ngày trong ba tháng đầu, nay nhảy lên trên 2.200 ca một ngày. Có ngày lên đến con số 2.956! Như thể người ta bảo nhau: Đừng lo, có Chúa đón! Ngày 26-10, tin chấn động: bệnh viện Utah sẽ phải áp dụng chính sách “gạn lọc” bệnh nhân, chỉ giữ lại những người “đáng giữ”, xét về mặt tuổi tác, sức khỏe, bệnh trạng... Còn trẻ quá hay đã quá già, bệnh quá nặng... đều không có ưu tiên. Trong phòng ICU, nếu phải chọn giữa người trẻ và người già, ưu tiên phải dành cho người còn có thể sống 50-60 năm nữa! Đương nhiên, nhiều người xanh mặt vì chính sách này!
Bà bác sĩ Dunn từng nhiều lần khẳng định chính quyền Utah phải “kiểm soát” đại dịch, phải đưa con số nhiễm bệnh xuống được mức dưới 300 một ngày mới an toàn, nay nói rằng: “Chúng ta thấy đó, trong vài tuần qua, hệ thống y tế của chúng ta đã tận dụng hết mức (at capacity). Tôi nay chẳng biết phải làm gì hơn. Tôi không có ý đe dọa ai. Tôi chỉ cố cho biết chuyện đang xảy ra và cho mọi người biết sự thật”. Thống đốc Gary Herbert, mặt nhăn nhó, nói ông chỉ có một ước mong: Người dân cần nghiêm chỉnh nhìn thực tại này. Ông nói nhiều người vẫn chưa hiểu được sự cần thiết của đeo mạng, cách ly và không tụ họp đông đúc. Bởi thế, đêm 9-11, đúng chín giờ rưỡi tối, ông Herbert, nay sẽ rời khỏi chức vụ thống đốc vào tháng giêng sang năm cho nên bớt sợ khối quần chúng Cộng Hòa theo Trump, ban bố tình trạng khẩn trương với bốn biện pháp khẩn cấp: phải đeo mạng, phải cách ly, cấm tụ họp, cấm học sinh và sinh viên chơi bóng trong sân trường, và tất cả trong lứa tuổi 15-24 đều phải thử nghiệm COVID-19. Ông Herbert nhấn mạnh tình trạng ngặt nghèo của các bệnh viện, bác sĩ và điều dưỡng. Và cả sự bế tắc của nhũng người mang những chứng bệnh khác nhưng nay không dám đi bệnh viện...
Vì thế, người ta nói cử tri không cần xét gì đến những chính sách đối nội về di dân, bảo hiểm y tế, bạo lực súng đạn, lạm dụng ngân sách, phân biệt chủng tộc... Cũng không cần nhìn đến trật tự quốc tế đảo điên, hỗn loạn theo hướng Putin đứng sau lưng xếp đặt. Và cũng chẳng cần đọc lời cảnh báo nghiêm trọng mới đây của người cháu: Giới khoa học tâm thần phải can đảm nhận lãnh trách nhiệm giám định ông chú nguy hiểm của tôi... Chỉ cần nhìn đến đại nạn COVID-19 cũng có thể biết cử tri sẽ bỏ phiếu cho ai. Chỉ cần ác mộng coronavirus cũng khiến người ta hiểu lá phiếu của mình mục đích là gì...
Coronavirus là một thế lực thù nghịch, tàn sát loài người chưa từng có, chưa từng thấy. Kinh hoàng hơn cả thiên tai. Có nhiều người “mê tín” sợ rằng đó là sự trừng phạt nặng nề nhất của Thượng Đế đối với một loài người bất trị đang ngày càng bỏ rơi tình người, tính người. Chống đại dịch là một cuộc “nội chiến” cực kỳ phức tạp. Chỉ cần nhìn con số 250.000 người đã bỏ mình trong thời gian chưa đến chín tháng: gấp năm lần con số lính Mỹ đã tử trận trong cuộc chiến Việt Nam. Khi cuộc chiến này chỉ mới có mức tử vong khoảng 30 ngàn người (Tết Mậu Thân 1968), nhiều người Mỹ đã phát điên - nhất là giới trẻ nhiều người không dám ra chiến trận đến mức phải khai “sưng gót chân”. Trong cuộc chiến hiện nay, những người phát điên, tâm thần thật sự chính là người già. Cuộc chiến COVID-19 chẳng có chiến tuyến, chẳng có hậu phương. Kẻ thù cực kỳ nguy hiểm, chết người, trước hết vì COVID-19 vẫn là vô hình. Ngay cả giới khoa học, nói năng lung tung, nhưng thực sự vẫn chưa nhận diện được kẻ thù, không dám nói có thể tiêu diệt được chúng hay không. Ngoài chuyện đeo mạng, cách ly, rửa tay, thì người ta vô phương chống đỡ.
Trong cuộc chiến này, Donald Trump là tổng tư lệnh tối cao. Một tổng tư lệnh quái dị. Không có tướng lãnh nào dưới trướng, và đương nhiên cũng chẳng có quân sĩ. Cũng chẳng màng thành lập một bộ tham mưu. Một đàng vì ông vẫn điên rồ tin rằng trong bất cứ việc gì, một mình ông, một thiên tài rất ổn định, cũng đủ – chẳng cần thêm ai. Một đàng khác, ông không sợ đại dịch, không xem đó là một trận chiến. Ông chỉ có một trận chiến duy nhất: đánh bại Joe Biden trong bầu cử. Có thể ông cũng biết hơn 200.000 người đã chết. Nhưng ông chắc lưỡi, xem con số đó quá nhỏ so với dân số. Nhất là những người già nay – ông không cần. Bởi thế, trong cuộc chiến chống COVID-19, ông chẳng đến với người dân với những lời dặn dò và an ủi. Người ta nói bàn tay ông đã nhuốm máu. Nhưng ông nói “I don’t care”.
Bởi thế, người ta đang nhìn khoảng thời gian từ nay đến 20-1-2021 với bao nỗi lo sợ. Sau ngày 3-11 vừa qua, ông không nghĩ đến chuyện sẽ lãnh đạo đất nước thế nào trong hơn 70 ngày còn lại để mang đến sự bình an cho người dân. Ông chỉ nghĩ đến chuyện “cướp chính quyền” bằng cách mở ra khắp nơi chiến dịch kiện tụng “bầu cử gian lận” bất kể vẫn chưa tìm ra băằng chứng. Đồng thời ông bắt đầu những biện pháp trả thù bằng cách đuổi những người trong chính quyền không phục tùng ông trong thời gian qua mà ông cho rằng vì thế mà ông thua cuộc. Hãy xem cách Donald Trump giải nhiệm Mark Esper, bộ trưởng quốc phòng. Bởi vì Trump bổ nhiệm Esper, sau khi “đuổi” Tướng James Mattis vì trái ý ông, cho nên Trump cũng nghĩ mình có quyền đuổi Esper vì trái ý ông trong việc ông muốn bố trí quân đội giải tán biểu tình của người da đen. Mặc dù lý do không “chính đáng”, nhưng cho nghỉ việc là quyền của ông, và ông vẫn chủ trương là tổng thống thì ông tha hồ lạm quyền (ngay cả bắn chết người trên đường phố New York).
Những con số vê đại dịch đang lên cao hơn nữa. Ngày 11-11 là một kỷ lục mới, tạm thời khủng khiếp nhất: 145.835. Cùng 1.549 người chết. Với đà này, đến ngày đăng quang của tổng thống mới, 20-1-2021, ông sẽ lãnh tổng số ca nhiễm ở Mỹ, dư sức lên đến mức 20 triệu, thay vì chỉ 10 triệu như hiện nay. Và số người chết cũng có thể xấp xỉ 350-400 ngàn người.
Bởi thế bầu cử vừa qua khó tránh bầu cử gian lận. Ông Trump thì nói không “bầu cử gian lận”, không làm sao lật đổ được một bạo chúa trong một chế độ dân chủ. Phía đối nghịch nói đơn giản hơn, bạo chúa không làm sao có thể có một nhiệm kỳ thứ hai nếu không tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử, phá hoại nền tảng dân chủ của chế độ.
Suy cho cùng, phải cám ơn Cô, Cô-Vy.
Hoàng Ngọc Nguyên