Hoàng Ngọc Nguyên
THÙ TRONG, GIẶC NGOÀI
Trong những ngày giữa tháng mười này, chúng ta thật đứng ngồi không yên khi nhìn gần như nước Mỹ rồi lại nghĩ xa đến toàn cầu, 2-3 năm trước mắt rồi 5-10 năm xa hơn. Đúng là thời mạt pháp như người ta vẫn nói!
God Bless You, USA
Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ chỉ còn ba tuần nữa là khai diễn. Kết quả của nó có thể là những hậu quả nghiêm trọng của hiện tình chính trị, kinh tế và xã hội ngày nay.
Nói đơn giản, tại Hạ Viện, đảng Dân Chủ đang có 220 ghế, Cộng Hòa 212, và 3 ghế trống. Đảng Cộng Hòa chỉ cần thắng thêm 6 (sáu) ghế, đảng Dân Chủ sẽ mất thế đa số kiểm soát viện dưới. Bà Nancy Pelosi sẽ không còn là chủ tịch Hạ Viện nữa mà ghế đó sẽ phải trao cho Kevin McCarthy là một phần tử MAGA của Donald Trump. Trên Thượng Viện, đảng Cộng Hòa chỉ cần thắng thêm một ghế là giành được tỳ lệ 51-49, lá phiếu của bà Phó Tổng thống Kamala Harris nhằm đảo ngược tình thế sẽ trở nên vô hiệu, và Thượng nghị sĩ Mitch McConnell sẽ là chủ tịch khối đa số.
Thông thường, theo truyền thống dân chủ “checks and balance” (kiểm tra và cân bằng) của Mỹ, khi đảng này nắm quyền hành pháp thì người dân sẽ ủng hộ đảng đối lập để ngăn chận sự chuyên chế. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tiêu cực nhưng cũng khá phổ biến, cái cơ chế này là một công cụ phá hoại của đảng đối lập, dẫn đến sự bế tắc, đảng đối lập không hợp tác thì đảng nắm hành pháp cũng không “hành” được gì.
Tổng thống Joe Biden đang có nhiều vấn đề nan giải như lạm phát, giá xăng dầu, bội chi, di dân, chiến tranh Ukraine, thách đố của Trung Cộng… Không có sự ủng hộ hay hợp tác của đảng Cộng Hòa trong hai năm tới đây, chẳng những ông sẽ bó tay và chúng ta chẳng biết nước Mỹ sẽ đi về đâu, mà còn là một báo hiệu Tòa Bạch Ốc sẽ đổi chủ trong bầu cử năm 2024!
Cho đến giữa tháng mười, có thể vẫn còn “quá sớm” để nói đàng nào sẽ chiến thắng vào ngày 8-11 tới đây. Có điều chắc - trừ khi không chắc – là cử tri của hai đảng có thể sẽ nô nức đi bỏ phiếu: bên Dân Chủ là người trẻ và người da màu, bên Cộng Hòa là người MAGA, những thành viên của QAnon, Oath Keepers, Proud Boys, Patriots… Tuy nhiên, cũng có mối lo là nạn khủng bố, đe dọa một thành phần cử tri nào đó, ví dụ như những người muốn bỏ phiếu qua bưu điện.
Cuộc bầu cử này tuy chẳng phải là bầu cử tổng thống nhưng là một thử thách lớn cho ông Joe Biden. Một phần là vì ông đã “khá” lớn tuồi đến mức vừa qua ông đã phải lên tiếng chưa quyết định có tái ứng cử hay không – cho đến nay ông đã là tồng thống già nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hai năm tới, ông chỉ có thể già hơn nữa - tuổi già đến nhanh lắm. Ăn nói có khi lắp bắp, nói trước quên sau. Trí nhớ mòn mỏi cho nên cả ngày nhiều khi chỉ đi kiếm đồ thất lạc. Trong khi vận nước nhiễu nhương, loạn lạc ngày càng chĩu nặng.
Một phần là vì những vấn đề của ông phần lớn là thừa kế “di sản” của người tiền nhiệm bất hảo Donald Trump, không chỉ là đại dịch (vì thế mà vừa qua ông đã hối hả tuyên bố đại dịch đã chấm dứt trong khi nhiều người vẫn thấy nó còn hiển hiện trước mắt), là còn là lạm phát và suy thoái… mà ngay cả cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đánh vào Ukraine. Chẳng mấy người nhớ được rằng lạm phát và suy thoái hiện nay là đại nạn toàn cầu, chẳng phải riêng gì ở Mỹ. Mặt khác, Mỹ đang lãnh đạo cả thế giới dân chủ ủng hộ Ukraine chống lại Nga xâm lăng, thì thử thách ngày càng lớn lao cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất cho phía Dân Chủ chính là sự bộc phát của “phong trào” MAGA đang đưa Donald Trump lên vị thế lãnh tụ. Sự nguy hiểm của phong trào này không chỉ thể hiện ở cuộc bạo loạn ngày 6-1-2021 tại Tòa nhà Quốc Hội (Capitol Building), mà còn ở những “hậu chấn” của cuộc bạo loạn này.
Đúng như Ủy ban Điều tra Hạ Viện kết luận ngày 13-10, Trump vẫn là một “clear and present danger” – hiểm họa rõ ràng và trước mắt. Trump chính là đầu não hoạch định vụ bạo loạn. Và biến cố 6-1 “có thể tái diễn” trong thời gian hai năm tới đây. Cho đến nay, Trump cũng đang bị điều tra về âm mưu bất thành đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống tại tiểu bang Georgia, và mới đây nhất là chuyện không giao nộp đầy đủ mà âm mưu chiếm đoạt hồ sơ, tài liệu của Thư khố Quốc gia (National Archives) khi ông ta không còn là tổng thống. Thế nhưng ông ta vẫn “khác người” ở chỗ vẫn nhất định lảm nhảm cho bằng được ông ta thất cử năm 2020 vì “bầu cử bị đánh cắp”. Để lấy tiếng, ông ta đang kiện phía bà Clinton, đảng Dân Chủ, cựu giám đốc FBI James Comey… trong năm 2016 đã “vu cáo” ông trong mùa bầu cử là thông đồng với Nga khiến cho ông ta không thắng được phiếu phổ thông. Ông ta còn kiện hãng tin CNN về tội triền miên “vu khống” ông ta quen nghề “nói dối khủng khiếp” (the big lie) khiến ông mất uy tín với quần chúng, đòi CNN bồi thường 247 triệu… Trong khi đó, Tòa án New York đã tuyên án ông và con ông làm ăn gian lận, trốn thuế, khai gian… trong việc điều hành kinh doanh Trump Organization, xử phạt 275 triệu. Ông còn sắp ra tòa khai chứng (deposition) về tội mấy chục năm trước cưỡng hiếp một nhà báo trong thang máy… Có thể ông ta lì (cũng đúng), hay điên (càng đúng), nên ngày 13-10, Trump lại lập công ty mới, Trump Organization II, thay cho Trump Organization bị sập tiệm! Cũng trong ngày đó, Ủy ban điều tra của Hạ Viện ra lệnh Trump phải ra điều trần về tội ác bạo loạn. Hạ hồi phân giải!
Thế nhưng cho đến nay, ông ta vẫn bình chân như vại, còn quậy chuyện này chuyện khác để cho báo chí có dịp nhắc đến ông ta hàng ngày. Có lẽ sự nghi ngờ dân chủ Mỹ có hiệu quả hay không chính là ở chỗ đó. Ông ta còn đe dọa nếu chẳng may ông ta bị truy tố, kết tội vì cuộc “săn bắt phù thủy” (witch hunt) của đảng Dân Chủ, … những nhóm MAGA sẽ sẵn sàng gây bạo loạn, nội chiến. Đó có thể không chỉ là đe doa. Những nhóm MAGA có khuynh hướng phát xít ủng hộ ông ta vẫn có một luận điệu theo chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc (Christian nationalism) để tập họp lực lượng người Mỹ da trắng theo chủ thuyết “nước Mỹ của người Mỹ (da trắng)”. Hay thuyết “da trắng thượng đẳng” (white supremacy) - người Mỹ da trắng Anglo-Saxon Tin Lành là trên tất cả (White Anglo-Saxon Protestants). Và nhiều ứng cử viên Cộng Hòa trong bầu cử sắp đến cũng mang chiêu bài MAGA, được Trump đề bạt, bắt chước Trump sớm ca bài “bầu cử gian lận” - ngụ ý đầy đe dọa: nếu họ đắc cử thì không sao, nếu thất cử, đó cũng là vì bầu cử gian lận. Chỉ có điều người ta vẫn chưa hiểu được cụ thể bầu cử gian lận nghĩa là gì và tại sao ở một nước vẫn được xem là dân chủ số một thế giới lại có bầu cử gian lận.
Bởi thế, cuộc bầu cử chỉ còn 3-4 tuần nữa rồi cũng qua đi, nhưng những chuyện nó tạo ra sẽ còn đó dông dài. Đảng Cộng Hoa khó ngồi yên, có thể sẽ có hai nhánh: Cộng Hòa MAGA theo Trump (ông ta từng tinh lập ra một đảng Cộng Hòa riêng) và Cộng Hòa ôn hòa. Những nỗ lực phá hoai dân chủ tiếp tục, và các băng nhóm MAGA nghĩ rằng thời mình đã đến, sẽ lộng hành với súng đạn chờ đợi bầu cử tổng thống năm 2024!!! Trong khi đó, chúng ta thực chưa biết rồi đây, lạm phát sẽ thế nào, các chủng tộc ở Mỹ sẽ có thể “sống chung hòa bình” hay chăng và cuộc chiến xâm lăng của Nga tại Ukraine sẽ ngã ngũ như thế nào.
World Apocalypse
Dĩ nhiên, những nhà quan sát quốc tế theo phương Tây, thậm chí cả một số thức giả ở nước Nga, vẫn tin rằng cuộc chiến xâm lược của Nga đánh chiếm Ukraine từ ngày 24-2 càng kéo dài càng cho thấy sự sai lầm và thất bại nghiêm trọng của lãnh chúa, Sa hoàng, nhà độc tài, kẻ sát nhân (như cách Tổng thống Biden gọi)… Putin. Vấn đề là nếu cuộc chiến đang qua một giai đoạn mới, chuyện gì đây sẽ xảy ra?
Câu chuyện tám tháng qua rất đơn giản: quân Nga vừa lạc hậu, vừa không thiện chiến, vừa miễn cưỡng tham chiến, trong khi Ukraine lãnh đạo và quân dân anh hùng, dũng cảm, quyết bảo vệ đất nước từng tấc đất, tấc vàng, nhờ vào sự ủng hộ vũ khí hiện đại của các nước phương Tây trong khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO, chủ lực như Mỹ, Đức, Pháp, Anh… Cho nên, Ukraine vận giữ vững được những thành phố chiến lược mà còn tạo những tổn thất to lơờn cho quân Nga, đến mức Putin đang rơi vào thế bế tắc trên nhiều mặt chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự, lãnh đạo…
Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Mỹ trong sự tái lập của “Thế giới Tự do” cho dù thế giới cộng sản không còn nữa. Cho đến nay, hầu như cả nước Mỹ đồng tình với sự hỗ trợ của Mỹ mà Biden đã dành cho Ukraine. Trừ Trump, những người theo Trump và những nhóm MAGA. Trong một phỏng vấn gần đây, Trump cáo buộc nước Mỹ và cách hành động của ông Biden đã buộc Nga phải ra tay tiến hành cuộc chinh phạt Ukraine. Trump đổ cho “Biden thực sự chế nhạo ông Putin. Nước Mỹ và cái gọi là lãnh đạo của chúng ta đã chế nhạo ông Putin. Họ đã buộc Putin phải hành động.” Hai ngày trước khi Putin tiến hành xâm lăng Ukraine, Trump xem sự công nhận độc lập đối với hai khu vực ly khai ở Đông Ukraine (Donetsk và Luhansk) trước khi Putin xâm lăng nước này là hành động “thiên tài, thông minh và khôn khéo.” Thời còn làm tổng thống, ông Trump thường khen ngợi và muốn có quan hệ thân thiết với ông Putin. Tướng Michael Flynn của Trump cũng het lời khen ngoi Putin, gọi Putin và Dmitry Medvedev, cựu thu tướng vaà tong thong Nga, là “những nhà lãnh đạo táo bạo, hành động bằng mọi giá để bảo vệ đất nước của họ.” Flynn còn lên tiếng nhạo báng ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, người được cả thế giới ngưỡng mộ vì quyết tâm chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của Nga, bằng từ ngữ miệt thị “kẻ ngu ngốc, một kẻ ngu ngốc nguy hiểm.” Flynn từng cho rằng “độc lập của Ukraine không phải là vấn đề Mỹ phải can dự vào”. Đúng là một sự ngu xuẩn bất lương không có giới hạn. Chủ của ông ta, Donald Trump, vẫn nói rằng nếu ông ta còn đó, Putin sẽ không bao giờ cất quân đánh Ukraine. Đúng thôi, Putin đã nắm được Trump, thì cần gì Ukraine nữa!
Putin đương nhiên chẳng bao giờ nhìn nhận sự thất bại của mình. Ông ta đã hoạch định cuộc xâm lăng này từ khi lên cầm quyền tại Điện Cẩm Linh thay Boris Yeltsin. Nói vắn tắt, giống như các Sa hoàng trước đây của Nga, ông ta chủ trương phải mở rộng lãnh thồ để phô trương sự vĩ đai của đế chế Nga. Putin thì nói khác một tí: tái lập những vùng đã bị mất đi khi Liên Xô tan rã năm 1990, nhằm mục đích tăng cường an ninh cho Liên bang Nga. Ông ta cũng có thể biết phần nào hay dè dặt phần nào thời thế đã thay đổi, nhưng lại cứ cho rằng Nga có sức mạnh quân sự vô địch. Như chúng ta đã thấy: Nga tái chiếm Chechnya năm 1999, Grudia (Georgia) năm 2008, và Crimea, bán đảo chiến lược của Ukraine, năm 2014.
Nhưng giấc mộng lớn của Putin là Ukraine, và khi thấy phương Tây bất động trong vụ Crimea, Putin quyết định xâm lăng Ukraine vào tháng hai năm nay - trước khi Putin bước qua 70 và tin rằng Biden bước qua tuồi 80 sẽ chẳng phản ứng gì!
Sai lầm căn bản nhất của Putin là ông ta tưởng chỉ cần một cuộc “hành quân đặc biệt” là xong, không ngờ phản ứng quyết liệt của lãnh đạo và quân dân Ukraine. Và không ngờ cả cam kết của khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết không bỏ rơi Ukraine. Quân Nga bị đẩy lùi trên tất cả mặt trận. Bởi thế cho nên Putin phải đổi chiến thuật, đổi mục tiêu.
Thứ nhất, Nga rút về giữ bốn vùng đã chiếm từ lâu vá sát nhập những vùng này vào nước Nga. Bốn vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia gồm 15% lãnh thổ của Ukraine, nếu tính thêm Crimea, thì đến 20% đất đai của nước này. Sự sát nhập này cho Nga một lý do quân sự để hành động “bảo vệ lãnh thổ”. Đương nhiên, Ukraine phải tìm mọi cách để tái chiếm.
Thứ nhì, Putin lại ra lệnh tồng động viên chủ yếu nhằm vào giới thanh niên và cựu quân nhân. Khi tiến hành một cuộc chiến xâm lăng mà phải tổng động viên, đó tất nhiên là thú nhận một sự thất bại nghiêm trọng. Và hậu quả: thanh niên Nga nô nức vượt biên để trốn lính.
Thứ ba, Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng các nước NATO đã trả lời ngay, nếu Nga dùng vũ khí nguyên tử sẽ có hậu quả “ăn miếng trả miếng” tức thì.
Vừa qua, chiếc cầu dài đến 15 miles (khoảng 18 kilômét) nối Crimea và nước Nga bị đánh sập một phần, làm đứt đoạn đường tiếp tế của Nga vào Ukraine. Nga nổi giận cho pháo kích vào một loạt các khu dân cư của nhiều thành phố Ukraine làm cho số thường dân thiệt mạng đến 22 người. Các nước phương Tây đều lên án vô nhân đạo và quyết định tăng cường viện trợ quân sự phòng chống không kích. Sự lên án bằng thừa đối với một kẻ thực sự sát nhân, gây ra một cuộc chiến vô lý đã có ít nhất 50.000 người đã chết, nhưng Putin chẳng bao giờ màng. Thậm chí ông ta còn không sợ phản ứng của giới tướng lãnh, quân đội, tài phiệt, người dân… trong nước. Tướng lãnh hay tài phiệt nước Nga đều do Putin làm ra trong hơn 20 năm qua. Còn dân chúng? Bộ máy đàn áp của Nga từ bao đời nay vẫn mạnh nhất thế giới. Putin vẫn nổi tiếng với bao chữ đ về ông ta. Độc địa. Điếm đàng. Điên đảo. Đần độn. Ông ta đang dựng chuyện vì sức ép của giới tài phiệt vá tướng lãnh mà ông ta phải leo thang chiến tranh - thậm chí phải dung vũ khí nguyên tử… Thực ra, người ta đang sợ trong sự bế tắc hiện nay, ông ta có thể phát điên và sẵn sàng làm những viêc không ngờ nhất. Hay ông ta đang bắt chước người bạn đời bên Mỹ của mình, giả vờ điên khùng để làm người ta sợ!
Nhưng vấn đề thực sự là bàn cờ thế giới, trật tự thế giới đang trở nên cực kỳ phức tạp. Chúng ta đều hiểu Nga và Trung Quốc đều muốn xóa bỏ trật tự thế giới có dưới thời hậu chiến tranh lạnh để lập nên trật tự mới đa thế lực. Bởi thế mới có sự gần gũi giữa Nga và Tàu hiện nay. Tuy thế, trong cuộc gặp gỡ tay ba Putin, Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, lãnh tụ Ấn Độ đã công khai lên tiếng phê phán cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.
Trong khi đó, khối OPEC+, chủ yếu là Saudi Arabia, vốn là đồng minh của Mỹ trước đây, vừa qua lại ra quyết định “phá Mỹ” bằng cách hạn chế sản xuất dầu khiến cho giá xăng dầu gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Mỹ - nhất là trong mùa bầu cử. Chắc chắn lãnh đạo Saudi Arabia, Mohammed bin Salman Al Saud, vẫn ôm mối hận về chuyện Mỹ lên án ông ta trong vu giết hại nhà báo Khamal KhasJamal Khashoggi vào tháng 10 năm 2018… Nhưng vấn đề chính là những nước Hồi giáo này cũng muốn có một tiếng nói trong một trật tự quốc tế mới.
Trong khi đó, dường như nước Mỹ cứ mơ tưởng MAGA (Make America Great Again) bằng cách ngày càng quanh quẩn trong chuyện nhà, chẳng biết gì chuyện ngoài đường…
Hoàng Ngọc Nguyên