Hoàng Ngọc Nguyên, THÔNG ĐIỆP QUAN TRỌNG NHẤT

THÔNG ĐIỆP QUAN TRỌNG NHẤT

Hoàng Ngọc Nguyên




Người ta đang lo ngại điều người ta lo sợ bấy lâu nay đã thành sự thật: tổng thống anh minh của mình nay đã quẩn trí. Nói cách khác dễ hiểu hơn: ông đã phát điên! Thực ra, điều này cũng chẳng có gì là lạ. Nhiều người vẫn nghĩ ông “bất thường”, “không ồn định” từ lâu, giới khoa học tâm thần bao năm qua đã cảnh báo: phải đưa ông vào bệnh viện Biên Hòa để theo dõi. Nhưng mà Biên Hòa thì xa, quá xa.  Và bởi thế, điều mà người cháu gái của ông, Mary Trump, tiến sĩ khoa tâm lý học, đã từng lo sợ xem chừng có thể hiện thực bất cứ lúc nào: Donald Trump là người nguy hiểm nhất thế giới. Giống như người ta sợ một tên điên có súng trong tay, ông Trump là người mà nước Mỹ - và không riêng gì nước Mỹ mà cả thế giới – phải coi chừng, vì trong tay của ông vẫn có quyền lực vô hạn của một tổng thống nước Mỹ, là một trong những thế lực quốc tế hàng đầu kiểm soát trật tự thế giới. Một quyền lực mà sự lạm dụng tai hại có thể dễ dàng hơn chúng ta tưởng, khi liên hệ những gì ông đã làm, đã nói, đã phá trong bốn năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây sau bầu cử. Đặc biệt hiện nay! Cả hệ thống chính trị Mỹ xem chừng không có khả năng can thiệp kịp thời! Và cứ nói để bầu cử hãy hay!

       Hôm thứ tư 2-12, Tổng thống Trump đột nhiên đưa lên Facebook một bài diễn văn (hay điếu văn) ông đã thu sẵn trong một video, dài đến 46 phút. Ông nói ngay từ đầu đây là “thông điệp quan trọng nhất” của ông từ Tòa Bạch Ốc trong bốn năm qua. Quan trọng hơn cả thông điệp “Tình hình Liên bang” (State of the Union) các tổng thống Mỹ vẫn tường trình hàng năm vào đầu tháng hai. Người ta tưởng ông sẽ nói với quốc dân đồng bào hai trọng điểm của thời sự đất nước mà ai cũng lo lắng đêm ngày: đại dịch và đại suy thoái. Cùng trấn an người dân là ông đã sẵn sàng hòa dịu một cách “văn minh” (civilized), bàn giao êm thắm chính quyền cho Tổng thống tân cử Joe Biden. Chỉ có lạ là tại sao ông không phát biểu một cách long trọng, chính thức trên các hệ thống truyền thông đại chúng chính lưu với các nhân vật hàng đầu trong chính phủ đứng sau để chứng tỏ sự hỗ trợ và sẵn sàng hành động dù ông chỉ còn chưa đến 50 ngày: các bác sĩ hàng đầu trong công cuộc chống đại dịch hiện nay và các bộ trưởng ngân khố, chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang, Bộ trưởng Thương mại, chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế quốc gia...

Ai cũng biết COVID-19 đang ở vào thời điểm kinh hoàng nhất, và ngày thứ tư 2-12 ghi nhận những số liệu kinh khủng nhất về số người bệnh, số người chết, số người phải nằm viện. 100 ngày đầu tiên của đại dịch, tổng số người bệnh là 1 triệu. Nay chỉ cần 5 ngày đầu tháng 12 là đạt được “chỉ tiêu” này. Vào trưa ngày 5-12, số liệu thu lượm đưọc là gần 14.5 triệu người nhiễm bệnh, và suýt soát 280.000 người trong danh sách bất hạnh. Dân số Mỹ là 325 triệu, có nghĩa là gần 4% bị nhiễm. Và cứ 50 người bệnh thì có một người không may. Vấn đề không chỉ ở chỗ con số thực sự người đã chết vì coronavirus có thể đã lên tới 400.000, mà ở chỗ ngày lễ đăng quang 20-1 này của tân tổng thống của Mỹ sẽ ảm đạm vì con số người chết có thể lên đến mức chính thức là 400.000. Tình hình hậu bầu cử, cứ một ngày thêm trung bình 200.000 ca, có ít nhất 2.500 người tử nạn. Số người nằm viện vì COVID-19 đang qua mức 100.000. Những kỳ lục cứ nhanh chóng bị phá.  Vấn đề không phải chỉ ở chỗ đó. Vấn đề là não trạng đáng thương của thế hệ những người cao niên, cũng phải chiếm đến 1/6 dân số (trên 65), và nhất là vì phần lớn những người già ở Mỹ thường phài sống trong neo đơn! Người ta đang nói đến khủng hoảng tâm thần của thế hệ baby-boomers, sinh sau năm 1945, dẫn chứng quá rõ.
Tại sao một nước vĩ đại như Mỹ mà lại quá bất lực trước đại dịch? Trả lời cho câu hỏi này ai cũng biết, tuy rằng có người thích nói ra, có người chỉ nói “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Là người lãnh đạo đất nước mà ông tổng thống cứ nói ra và chẳng làm gì cả, mà không làm gì cả thì làm sao nói bất lực được? Tình hình đã cực kỳ tồi tệ từ đầu tháng 11 đến nay, khi ông Trump  nhất quyết bỏ luống vì bầu cử, và rồi vì kết quả bầu cử bất như ý. Nay chính quyền liên bang phải làm gì, chính quyền tiểu bang phải làm gì, để ít nhất có thể chận đứng sự bùng phát mạnh mẽ dịch bệnh, và liệu vaccine đang được nói đến có thể hiệu quả, an toàn (nhất là cho người già)  và đủ cho người dân hay chăng? Thứ tự ưu tiên chích vaccine là thế nào (Người già ở viện dưỡng lão chết nhiều quá)? Làm sao đây để giữ an toàn cho đến ngày được chích? Thực sự, những người biết sợ coronavirus nay chẳng biết làm sao để giữ mình, nhất là những ngưòi già đang chiếm tỷ lệ đến 80% trong số những người mạng vong tại bệnh trường, nhất là trong những tháng “chiều chưa đi màn đêm rơi xuống”. Giới y tế đã khẩn thiết kêu gọi đeo mạng, cách ly và ở nhà, bệnh viện đã bị tràn ngập rồi. Nhưng những lời kêu gọi đó phải chăng như những tiếng nói trong sa mạc. Bởi vì có quá nhiều người không tin, không sợ đại dịch – theo kiểu ông Trump!
Người già thì phát điên vì đại dịch. Trẻ hơn, đang đi làm thì phát điên vì công ăn việc làm. Khi ông Trump lên tiếng trong “thông điệp lịch sử” này, chắc chắn ông cũng đã biết báo cáo mới nhất về tình cảnh kinh tế ảm đạm. Nếu ông giám đốc về vaccine dám nói nay ta đã có thể thấy ánh sáng cuối đường hầm, chẳng ai dám lạc quan tương tự khi nói về nền kinh tế.
Con số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần lễ đầu của tháng 12 vẫn ở mức cao trên 700.000. Nếu con số này xuống dưới 500.000, thị trường lao động mới có thể bình thường được. Một con số khác được đưa ra, mức thu dụng lao động mới trong tháng 11 chỉ đạt 245.000, so với mức các nhà kinh tế mong đợi là 465.000, là mức phải đạt để kinh tế có thể hồi phục lành mạnh. Một con số khác nữa được giới thống kê lao động đưa ra: tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 6.9% xuống còn 6.7%. Tuy nhiên, sự sụt giảm này chẳng có gì đáng lạc quan, bởi vì tỷ lệ thất nghiệp là từ con số người thất nghiệp và đang kiếm việc làm trên lực lượng lao động (labor force). Lực lượng này không tính đến số người không có việc làm nhưng “bỏ cuộc chơi”, không kiếm việc nữa – hoặc vì già, hoặc vì kiếm việc hoài không ra nên ở nhà để chờ thời thế. Báo cáo chính thức cho thấy  số việc làm hiện nay so với con số tháng hai năm nay, tức trước khi đại dịch bùng nổ, khác nhau đến đến -9.8 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp thời đó khoảng 3.5%! Tỷ lệ tham dự lao động thời đó với khoảng 164.6 triệu lao động trên dân số lao động (labor population - những người trên 16 tuổi) vào khoảng 63.5%. Nay là 61.5% với lực lượng lao động khoảng 159.5 triệu).
Nếu phải tạm gác những suy nghĩ phức tạp về thị trường lao động,  người bình thường phải nhìn thế nào vể hiện tình kinh tế của đất nước? Vì đại dịch kéo dài trong mười tháng qua, chắc chắn ảnh hưởng đến kinh tế phải nghiêm trọng: nhiều ngành kinh doanh phải đình đốn, phá sản, nhiều loại công việc bị mất và không thể phục hồi được. Những ngành như du lịch (các hãng mày bay chẳng hạn), khách sạn, nhà hàng, bán lẻ, dịch vụ cá nhân... thất bát, đã làm cho cả mấy triệu người thất nghiệp. Ngay cả dịch vụ y tế, bác sĩ, y tá cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Thứ đến, phải nhìn đến tác động dây chuyền hay “hiệu quả số nhân” (multiplier effect), trên đầu ra, đầu vào của các kỹ nghệ và dịch vụ này. Bởi thế, Tổng sản lượng Quốc nội (GDP) của Mỹ đi xuống là chuyện tất yếu. Và đại suy thoái cũng thể hiện trên hai con số xuất cảng và nhập cảng. Ông Trump có đánh thuế trên hàng nhập từ Trung Quốc thì chỉ có người tiêu thụ chịu và cuối cùng tạo thêm áp lực trên lạm phát.
Cũng nhờ đại suy thoái vì đại dịch hiện nay chúng ta mới sáng mắt trước cuộc sống bấp bênh của giới hạ-trung lưu (lower middle class) và lao động ở Mỹ. Không đi làm, người ta không có tiền mua thức ăn, trả tiền tiện ích gia cư (utility điện, nước, sưởi, rác),  tiền thuê nhà, tiền mua nhà (mortgage), tiền bảo hiểm y tế... Ít nhất 80 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ người lớn đến trẻ con. Bởi thế mà từ tháng ba chính phủ đã phải đưa ra gói cứu trợ cả 2.200 tỷ đô la giúp mọi người, và đặc biệt trợ cấp cho người thất nghiệp. Donald Trump từng gây thâm hụt ngân sách khi đưa ra biện pháp giảm thuế cho người giàu vào năm 2017 tuy kinh tế đang hưng thịnh và họ không cần. Nay công quỹ càng thêm thiếu hụt, đến mức 3.100 tỷ trong năm tài chánh 2020, hơn gấp ba lần thiếu hụt năm 2019. Thiếu hụt năm nay lên đến 15.2% Tổng sản lượng quốc gia, là mức thâm hụt lớn nhất từ 1945. Dưới thời ông Trump, thâm hụt năm nào cũng tăng, mặc dù đảng Cộng Hòa vẫn tự ca ngợi giáo điều “thăng bằng ngân sách”, không lạm chi vào phúc lợi xã hội!
Nay niên tài 2021 (fiscal year) đã bắt đầu từ ngày 1-10-2020. Và Quốc Hội đang tìm cách thỏa hiệp gấp rút với một gói cứu trợ khẩn cấp mới khoảng 900 tỷ vì người dân đã cạn túi. Tổng thống Donald Trump chẳng thúc đẩy gì nữa việc cứu trợ cho hàng chục triệu người đang gặp khó khăn, dù rằng ông phải chịu trách nhiệm trước sự đình đốn kinh tế này. Chính ông đã để cho đại dịch tệ hại, không kiểm soát được khiến cho kinh tế bị sụp đổ vào tháng 3-4 năm nay (hơn 20 triệu người thất nghiệp vào cao điểm)! Nhưng cũng như COVID-19, khủng hoảng kinh tế không nằm trong suy nghĩ của người lãnh đạo đất nước hiện nay, cho dù rồi mai đây ông sẽ thất nghiệp!
Nếu người già điên vì đại dịch, người trẻ điên vì đại suy thoái, thì người già và người trẻ đều cùng điên vì chính tình tệ hại và Tổng thống Trump chủ đích phá hoại sự ổn định cần thiết để vượt qua những khủng hoảng chưa từng có này. Chẳng cần nói thêm, ông thực sự đã thành công vượt bậc trong bốn năm của ông theo đuổi những mục tiêu, chỉ trừ trường hợp bị thua trong bầu cử mà nay ông tuyệt vọng tìm cách đảo ngược tình thế bằng cách liên miên đi kiện “bầu cử không liêm khiết” (chữ của ngưởi quên tiếng Việt) ở khắp nơi và cứ khẳng định ông đã thắng ở tất cả tiểu bang tranh chấp then chốt mà thực tế ông đều ngã ngựa tại những nơi đó, dẫn đến kết quả cử tri đoàn 306-232. Ông đã nắm rất chắc khối người Cộng Hòa tại Hạ Viện và Thượng Viện đến mức chỉ có khoảng 27 dân biểu và nghị sĩ dám nói bầu cử đã ngã ngũ, ông Biden đã thắng. Ngày 8-12, những người lãnh đạo Cộng Hòa tại lưỡng viện cũng bác bỏ một nghị quyết Quốc Hội công nhận kết quả bầu cử! Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Texas, Ken Paxton (dĩ nhiên người Cộng Hòa) cũng cho biết đã kiện lên Tối cao Pháp viện, bốn tiểu bang Georgia, Wisconsin, Michigan, và Pennsylvania, đã thay đổi luật lệ bầu cử khiến cho ông Biden thắng!
Ngoài sự phân hóa chưa từng có giữa hai đảng tại Quốc Hội khiến cho người ta không nhìn mặt nhau, Tổng thống Trump đã gây chia rẽ cùng cực trong xã hội giữa người da trắng và các sắc dân khác; giữa người bảo thủ và người ôn hòa hay cấp tiến; giữa người già và trẻ; người có học và ít học; thậm chí lợi dụng được tôn giáo trong những chuyện về đại dịch (đeo mạng, cách ly, tụ họp...). Điều chúng ta có thể thấy rất rõ là càng ngày người Mỹ càng không thích đối thoại với nhau. Nguy hiểm hơn cả vào thời buổi này là chuyện ông đã nhân danh quyền mang súng (Tu chánh án Đệ nhị) để khuyến khích những nhóm ủng hộ mình (White supremacists - Da trắng Thượng đẳng) xuống đường vũ trang bằng súng tác chiến. Từ đó mới có chuyện Bộ trưởng Bang vụ Michigan báo động nhà bà bị hàng chục người có vũ trang bao vây và la ó. Tại Georgia, Bộ trưởng bang vụ cũng cảnh cáo Trump đang khuyến khích người ta xuống đường gây bạo lực để làm áp lực...
Những người lo lắng tình hình đất nước do đó mong đợi Tổng thống Trump sẽ tận dụng  “thông điệp quan trọng nhất” để chứng tỏ mình chẳng phải là người mà người ta vẫn tưởng (một “sore loser”), chẳng phải là người “Me First” mà thực sự là một lãnh đạo “America First”, tất cả chỉ nhằm “MAGA” (Make America Great Again), và sẽ làm lịch sử với một thông điệp  hiếm có trước khi khăn gói ra đi. Dù sao, con số hơn 70 triệu phiếu ông đạt được là một thắng lợi ngoài mong đợi, hơn con số người ta vẫn nói ông chỉ có được 35-40% người ủng hộ. Và ông cũng có thể hiểu điều tối thiểu, ông đã hết thời, sau khi cả 50 vụ kiện bầu cử của ông tại sáu tiểu bang, kiện lui kiện tới, đều rơi rụng.  Do đó ông cần một nghĩa cử cao đẹp ở phút cuối để người ta nhớ, như Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Ben Sasse ở Nebraska kêu gọi. Trong “thông điệp quan trọng  nhất” này, ông có thể có những lời ân cần nhắc mọi người chớ quên đeo mạng, trấn an vaccine nay đã có; ông có thể nói sẽ làm hết sức để người dân có gói cứu trợ mới trước ngày Giáng sinh;  trong những ngày còn lại, ông sẽ cố sức để lại một di sản chính trị nhằm tạo sự hợp tác, thỏa hiệp giữa hai đảng... Nếu ông Trump có một luật sư cố vấn lưong thiện, không nhẵn mặt ham tiền như Rudy Giuliani, hẳn người ta phải nói với ông “Enough is enough, Excellency”.
Nhưng mọi mong đợi rốt cuộc chỉ là chuyện nằm mơ. Ông Trump xả láng trong suốt 46 phút, giận dữ, kêu ca, kể ra bao nhiêu “âm mưu” của đảng Dân Chủ và ông Biden “đánh cắp” cuộc bầu cử này, nói rằng những tiểu bang Biden thắng là tiểu bang của ông, và các phiếu bầu cho Biden đều bất hợp pháp. Ông cho rằng việc đếm phiếu phải ngừng ngay đêm bầu cử, các phiếu qua bưu điện đến sau đó không được tính. Ông nói các máy đếm phiếu đã “gian lận” chuyển phiếu của ông thành của Biden. Ông chẳng kể gì các nơi đã kiểm phiếu lại và xác nhận chẳng có thứ máy móc như ông nói, và càng đếm phiếu lại, số phiếu của Biden càng được xác nhận. Ông nói như một người điên, ngày càng thể hiện điều mà giới phân tâm học gọi là sự “hỗn loạn nhân cách tự kỷ (NPD - narcissistic personality disorder).
Các nhà bình luận nêu ra nhiều giả thuyết cho sự bấn loạn này:
Ông chẳng thèm nói gì đến đại dịch vì xem đó là cái giá người ta phải trả vì “phản bội” ông trong bầu cử.
Ông cũng chẳng thèm nói gi đến trợ cấp cho giới lao động vì họ cũng làm ông thất vọng.
Ông chẳng hề quan tâm gì đến sự xích lại gần nhau giữa hai đảng. Ông thực sự chẳng cần đảng nào cả. Sống chết mặc bây. Ông là nhà kinh doanh, khách hàng là quan trọng, chính là khối quần chúng da trắng thượng đẳng - quá đủ với ông.
Ông phát điên vì hai người có thể gần gũi nhất và có thẩm quyền nhất đã nói  “không có bằng chứng gian lận” (Bộ trưởng Tư pháp William Barr và Giám đốc cơ quan an ninh mạng Chris Krebs). Như thế thì ông Trump còn nói gì được!
Nhiều viên chức lãnh đạo bầu cử ở các tiểu bang chiến lược theo đẳng Cong Hoa (Georgia, Pennsylvania, Wisconsin...) cũng khẳng định “Kết quả Biden thắng đã được kiểm phiếu xác nhận”. Người ta còn bác bỏ âm mưu của ông thuyết phục các nhân vật Cộng Hòa sẽ bỏ phiếu cử tri đoàn chuyển sang bỏ phiếu cho ông bất kể kết quả bầu cử phổ thông!!!
       Người ta bắt đầu nói đến hàng loạt những vụ án ông và con và rễ sẽ phải đối diện (thâm lạm công quỹ, trốn thuế, làm ăn bất chánh, xâm phạm phụ nữ) sau khi rời Tòa Bạch Ốc.
Cuộc vận động gây quỹ cho ông đài thọ các vụ án và có thể tái tranh cử cần ông “cứng rắn” hơn với kết quả bầu cử để dễ móc túi quần chúng cuồng Trump...
Ông đang tập trung vào nhiều việc trước khi phải rũ áo từ quan, như rút quân My ra khỏi Trung Đông và châu Phi như ý muốn của Putin Nga, chống phá Iran theo hướng dẫn của Do Thái qua con rễ Jared Kushner, đặc xá cho những người của ông theo đặc quyền tổng thống, nhờ thế cũng kiếm được tiền hối lộ  “phòng thân” sau này...
Ông cũng có thể đang tính đặc xá trước cho con, rễ, bất kể tội trang chưa được kể, và rồi từ chức để Phó tổng thống Mike Pence lên thay và đặc xá cho ông...
Ông đang còn phải toan tính nhiều chuyện quá, phát điên cũng phải. Và ôntg cũng cần chuyển hướng dư luận  nhằm vào kiện tụng bầu cử, để có thể rảnh tay làm những chuyện còn lại.
 Nói thế nào đi nữa, “thông điệp quan trọng nhất” của Tổng thống Trump đã trở thành “thông điệp tai tiếng nhất” của ông và là một dẫn chứng của chứng NPD nơi con người của ông..
Lịch sử bao đời sau không thể viết khác đi được về tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.







www.saigonweeklyonline.com

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top