Hoàng Ngọc Nguyên
Trong ngày Lễ Độc Lập của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ năm nay, chúng ta có nhiều lý do để treo cờ, đốt pháo. Có thể vì cơn nóng mùa hạ bất thường năm nay cùng với nạn hạn hán khắp nơi khiến cho nhiều nơi cấm pháo hay chỉ cho phép hạn chế, nhưng người dân bình thường đều có thể thấy cuộc sống ở nưóc Mỹ đã bình thường và chan chứa hy vọng trở lại. Người ta không còn thấy cần phải đeo mạng nữa – nhất là những người đã chích ngừa. Hoạt động mua sắm đã nô nức trở lại vì “tiền chùa”, và nạn thất nghiệp đương nhiên đã giảm mạnh. Nói chung, người người nay có thể nhìn tương lai xa hơn tầm trước mắt.
Pandora Box
Trong lễ Độc Lập năm nay, nhiều người cũng có cảm tưởng an bình vì mối tai ương của đất nước bốn năm qua đã bị nhốt trở lại vào hộp Pandora – theo truyền thuyết “pandora box”, một cô gái vì lỡ tay đã mở ra nắp hộp khiến con quỉ bị nhốt mấy đời qua đã có dịp thoát ra. Hãy tưởng tượng đất nước Mỹ, xã hội Mỹ và cả thế gìới này sẽ ra thế nào khi ông ta vẫn còn đó và còn có khả năng đầu độc đại chúng với những cái tweet độc đáo mỗi buổi sáng khi còn nằm trên giường, không cần đánh răng, súc miệng, và nín cả chuyện lớn nhỏ - những cái tweet gian dối, bịa đặt, điên khùng, thể hiện một tư cách chẳng phải là hiếm có mà không thể có được ở một người gọi là “nguyên thủ” quốc gia.
Đại dịch
Dĩ nhiên trên đời nay chẳng có gì dễ dàng cả. Ví dụ như đại dịch coronavirus nay có thể được xem như đã được “kiểm soát”, cho dù người ta vẫn có những lý do chính đáng để lo ngại sự tái bùng phát. Mục tiêu của Tổng thống Joe Biden là đến ngày 4-7 sẽ có 70% người lớn được chích ngừa ít nhất một mũi và ít nhất 160 triệu người Mỹ (khoảng một nửa dân số) được chích ngừa đầy đủ. Biden đã không đạt được những chỉ tiêu đó – hay chỉ đạt được sau hạn kỳ. Lý do rất hiển nhiên, những người không chích, phần lớn là người Cộng Hòa, người cuồng Trump, suy nghĩ điên khùng, mặc dù ngay chính Trump cũng lén chích ngửa. Có người thực nghĩ là không cần; có người bị “đầu độc” bởi những dư luận tiêu cực (chích ngừa có thể bị hiếm muộn...), hoặc muốn phá (cho ông Biden “quê” chơi). Không ít người không hiểu được sự thực đơn giản: chích ngừa là vấn đề, hay nhu cầu an toàn của xã hội, của bao thế hệ, của lớp tuồi cha anh... Đây là một trường hợp “điển chứng” (case study) về sự xung đột truyền thống giữa quyền “tự do cá nhân” (personal liberty) bị lạm dụng và nhu cầu “dân chủ nhất trí”, gây phương hại đến lợi ích của đất nước, của xã hội. Nay thì bác sĩ Anthony Fauci, nhân vật lãnh đạo chống đại dịch, đã nói 99% trường hợp tử nạn vì đại dịch hiện nay là những người chưa có chích ngửa! Và ông Biden đang tính đến chuyện cho người đến từng nhà năn nỉ người ta chích. Nỗi lo sợ lớn nhất hiện nay là những biến chủng (variant) mới đang tràn đến và những người chưa chích đều có thể dễ dàng là nạn nhân cua những người khách lạ này. Điều nguy hiểm chính là ờ chỗ chính trị sai quấy đang tìm cách lái đất nước đi trở lại vào một con đường hầm đen tối sau khi chúng ta đã mon men thoát ra được.
Lạm phát
Kinh tế đã hồi phục rõ ràng trong mấy tháng qua, hiển nhiên là nhờ sự chi tiêu “mạnh tay” của Tổng thống Joe Biden trong tiền cứu trợ. Tính ra, từ khi có đại dich, mỗi người đã nhận được $3.200, chưa kể những người thất nghiệp có được một hai chục ngàn. Những gia đình có trẻ con nay cũng gật gù thấy chuyện không hạn chế sinh đẻ là có lý. Bởi vậy, người ta cũng mạnh tay chi tiêu – thậm chí nhắm đến những khoản lớn như mua xe, mua nhà... Buôn bán phồn thịnh thì hoạt động sản xuất càng đẩy mạnh nhịp độ hoạt động. Tỷ lệ thất nghiệp đã từ mức trên 10% nay xuống dưới 6% là chuyện đáng mừng. Kinh tế có khả năng tăng trưởng đến mức tiền đại dịch. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn băn khoăn trước sự “bình thường” mới của kinh tế Mỹ. Nạn lạm phát đang trở thành hiển nhiên, chẳng thể xem thường được khi giá cả gia tăng đáng chóng mặt. Khó lường được giá cà sẽ tăng đến mức nào, nhưng xem chừng sự thiếu thốn hàng hóa (đầu ra) là điều có thật bởi vì người sản xuất thiếu cả nguyên vật liệu cùng lao động ở đầu vào. Khi giá nhà cửa và xe cộ tăng, đó là điều đáng “điên cái đầu” cho những nhà kinh tế. Khi tỷ lệ thất nghiệp còn cao mà nhiều doanh nghiệp vẫn đỏ mắt tìm không ra người làm, đó cũng là điều “điên cái đầu”. Bởi thế công xá đã tăng mà chính phủ không cần kêu gọi. Trong khi đó, giới kinh doanh cứ van nài chính phủ đừng tập hư cho người dân nữa. Nay đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội đang ngăn chận những kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cùng với chương trình hỗ trợ phát triển gia đình của ông Biden trị giá tổng cộng đến gần 3.000 tỷ. Thêm một lần nữa, người ta nhắc ông “dục tốc bất đạt”. Nhưng ở tuổi của ông, không “dục tốc” sao được. Ông mơ tưởng chinh đáng lớp nhà giàu và doanh nghiệp lớn rồi phải chịu gánh nặng ngân sách này để đất nước, xã hội có cơ vươn lên. Thế nhưng... còn lâu! Ông quên rằng đất nước này luôn luôn có những kẻ trốn thuế “vĩ đại”. Có người làm đến... tồng thống!
Obamacare
Trong cái kiếp người “sinh, lão, bệnh, tử”, điều đáng sợ nhất chính là bệnh – nhất là những người không có bảo hiểm y tế. Một “chân lý” khác nữa là không phải ai cũng có thể có bảo hiểm y tế - nhất là một thời giá phí dịch vụ y tế ngày càng leo thang vì giới cung cấp dịch vụ (nhà thương, bác sĩ, dược phòng...) ngày càng “hại điện” này cứ nghĩ bệnh nhân đã có các công ty bảo hiểm lo. Từ đó, dẫn đến chân lý thứ ba: một nhà nước có trách nhiệm phải có cách chăm lo sức khỏe cho những người không đủ khả năng chạy thầy chạy thuốc. Đó là nghĩa vụ nói chung của nhà nước, chẳng phải là chuyện của “chủ nghĩa xã hội” như những người Cộng Hòa ưa đổ vấy. Bảo hiểm y tế đại chúng (universal health care) chính là giải đáp chung cho câu hỏi về dịch vụ y tế cho người nghèo. Trong khi ở châu Âu người dân từ lâu đã có bảo hiểm đại chúng, người Mỹ phải chờ đến năm 2010 mới có Obamacare, thế nhưng trong 11 năm qua người Cộng Hòa cứ tìm cách xóa bỏ luật này mặc dù không đưa ra được luật nào thay thế. Cựu Tổng thống Donald Trump lên thay Obama tại Nhà Trắng năm 2017 càng tích cực tìm cách hủy bỏ Obamacare bởi vì cái tên Obama, mặc dù Trumpcare chẳng có. Trong vụ kiện mới nhất, vụ kiện thứ ba nhằm vào luật PPACA (Patients’ Protection and Affordable Care Act), người ta lo sợ Tối cao Pháp viện “mới” sẽ hủy bỏ Obamacare, vì nay đã có sáu thẩm phán được các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm (trong đó có ba người do Donald Trump cử), và nếu như thế đương nhiên sẽ có ít nhất 30 triệu người đang được bảo hiểm y tế ưu này điêu đứng. May thay, trong phiên tòa ngày 27-6, mấy ông bà thẩm phán của TCPV đã khôn khéo tránh được chuyện phải quyết định bỏ hay giữ khi họ bác bỏ đơn kiện bằng số phiếu 7-2 với lý do những người đi kiện chẳng có lý do gì để đi kiện. Người dân Mỹ, ít nhất là tầng lớp “bị bỏ quên”, nay co thể thở phào. Nhưng chúng ta chớ quên rằng những người đi kiện vẫn còn đó, Trump còn đó, và TCPV vẫn còn rất lúng túng, chưa hề dám nói y tế đại chúng là một định chế căn bản, bảo đảm sự an toàn xã hội, cần được bảo vệ chống lại tất cả những mưu toan phá hoại.
Home sweet home!
Mỹ nay đã nhanh chóng trở lại với thế giới! Sự nhanh chóng bình thường hóa trở lại quan hệ giữa Mỹ với những nước đồng minh truyền thống ở phương tây cũng như Đông Á, đồng thời “bình thường hóa” quan hệ với Liên bang Nga và Trung Cộng – có nghĩa là nhìn nhận trở lại hai nước đại cường phi dân chủ và đầy tham vọng bá quyền này vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng cho trật tự thế giới, đã là những bước chiến lược mở đường cho Mỹ “trở về mái nhà xưa”, tái xác định vai trò của Mỹ trong thế giới ngày nay. Dưới thời điên khùng, mất trí, Mỹ hầu như muốn rút khỏi vị trí lãnh đạo trong khối NATO (Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương) vốn đã hình thành từ khi chiến tranh lạnh khởi diễn ngay sau Đệ nhị Thế chiến. Mỹ cũng lạnh nhạt với hai nước đồng minh chiến lược ở Biển Đông Thái Bình Dương là Nhật và Nam Hàn. Mỹ cũng rút khỏi Thỏa ước Quốc tế về Thay đổi Khí hậu mà Tổng thống Barack Obama đã ký từ năm 2015, và cũng hủy bỏ Hiệp ước Quốc tế các nước phương tây ký với Iran. Trong khi đó, Mỹ nuôi dưỡng những quan hệ “bệnh hoạn” với Nga, với Tàu và nhất là với Băc Hàn. May thay ông Biden đã nhanh chóng đưa Mỹ trở lại với trật tự thế giới, với gia đình NATO, với quan hệ huynh đệ đỡ đầu cho Nam Hàn và Nhật Bản. Ông Biden đã lỡ lời nói điều ông nghĩ: “Putin là kẻ giết người”, “Trung Quốc thật khó chơi”.... Chúng ta đã thấy các nước châu Âu đã hoan hỉ tiếp đón ông Biden như thế nào trong chuyến Âu du của ông vào tháng sáu. Ngay cả Đức Giáo Hoàng Francis cũng mở rộng vòng tay đón nhận sự trở về của “đứa con hoang đàng”.
Tấn bi kịch Afghanistan
Tuy thế, quyết định của Biden thúc đẩy việc quân Mỹ rút khỏi Afghanistan với hạn kỳ là 31-8 đáng làm cho chúng ta nhớ lại chuyện Nixon đã nhất quyết rút quân ra khỏi Việt Nam sau khi đạt được thỏa hiệp “tình cho không, biếu không” giữa Mỹ và Bắc Việt. Thượng nghị sĩ Biden vào năm 1975 biết rằng Miền Nam đang lâm nguy vì chiến dịch “Đại Thắng Mùa Xuân” của Văn Tiến Dũng, nhưng vẫn ủng hộ chuyện Mỹ cắt đứt quân viện cho Miền Nam. Ngày nay, Tổng thống Biden biết rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan giờ phút này là phản bội một quần chúng đang ngày đêm lo sợ sự tàn bạo, khủng bố và chà đạp phụ nữ của lực lượng Taliban – nhân danh Hồi giáo. Mỹ rút khỏi nơi này còn là mở thêm đường cho Putin vào Trung Đông, sau khi Nga đã xâm nhập vào vùng Hồi giáo A-Rập này qua ngõ Syria, Iran... Quyết định của Biden chỉ làm cho một người duy nhất vui, đó là vị cựu tổng thống từng im lặng trước chuyện Nga treo giải thưởng cho những phiến quân Taliban giết được lính Mỹ ... và từng mời Taliban đến Mar-a-Lego ký hòa ước nhưng không thành...
Tuy nhiên, những ngày nghỉ nhân Lễ Độc Lập năm nay cũng là dịp cho chúng ta chiêm nghiệm để thấy nước Mỹ không bao giờ yên chuyện vì cơ chế chính trị của Mỹ không cho phép giải quyết thực sự bất cứ vấn đề gì - cứ nói dân chủ là thế đó. Chẳng ai làm gì được, chẳng ai làm được gì, vì nhiệm kỳ, vì sự phân hóa chính trị cùng cực trong xã hội, giữa các bang đỏ và xanh, giữa các màu da (trắng thượng tôn, đỏ, nâu, đen, vàng, mỗi người một vẻ), giữa các đảng phái, các tôn giáo, các giai cấp với sự bất bình đẳng lợi tức ngày càng khơi rộng.
Trump còn đó
Lịch sử rồi đây sẽ phải phán quyết Donald Trump là người tạo ra thời thế ngày nay, tức là kẻ chủ mưu, hay thời thế làm ra ông ta, Trump chỉ là sản phẩm của thời đại. Đương nhiên Trump vẫn tin, hay vẫn nói dù chưa chắc đã tin, chỉ có ông ta mới “làm cho Mỹ vĩ đại trở lại” (Ma-gà), đáng được tượng hình trên Đỉnh Rushmore. Có tác giả Mỹ gần đây đã thố lộ người hùng trong mộng của Trump chinh là Hitler, và Trump cứ day dứt: “Tại sao Hitler làm được Đức Quốc Xã, mà Mỹ Quốc Xã của người da trắng còn xa vời?” Nhưng Hitler thì không ai lật đổ được, trong khi Trump đã bị người dân Mỹ loại bỏ trong bầu cử năm 2020. Người ta tưởng đã yên, nhưng sự thực thì Trump vẫn còn đó. Chẳng biến mất dễ dàng. Bởi vì ông ta vẫn điên khùng không tin mình đã thất cử, cho nên cứ lải nhải “bầu cử gian lận”. Trong bốn năm làm tổng thống ông ta bị ba phiên xử truất bãi. Sau khi thất cử, phải rút về Mar-a-Lego, Florida, chơi golf suốt ngày, ông đang đứng trước ít nhất là hai vụ án: thứ nhất, đại công ty Trump Organization mang tội gian lận và tham nhũng, trốn thuế trong 15 năm liên tiếp; thứ hai, nặng hơn, là vụ án bạo loạn tại Capitol Hill ngày 6-1 nhằm uy hiếp những nhà dân cử lưỡng viện nhằm hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử thất bại của Trump. Đáp lại, Trump “tố cáo” những vụ án này là chuyện “ngụy tạo” của những người Dân Chủ “cộng sản”, “xã hội chủ nghĩa” dựng lên... Ngày 3-7, trước Lễ Độc Lập, ông ta lại tập họp đám cuồng Trump tại Saratosa, Florida, để lại vung vít chuyện “75 triệu phiếu” của ông và “bầu cử gian lận” – chỉ có điều ông ta đã cho thấy rõ con người của mình khi không hề đề cập đến tai nạn thảm khốc tòa nhà 12 tầng Champlain Towers ỏ Surfside, Florida, đột ngột sụp đổ vào ngày 24-6, tính ra có đến 140 người đã tử nạn, cho dù đến ngày 9-7 người ta chỉ mới tìm ra được 78 thi thể và mới xác định được danh tính của 47 người trong đó. Ông chẳng bao giờ hiểu được lẽ vô thường của kiếp sống của con người. Cũng như ông ta luôn luôn quên trách nhiệm của ông trong cái chết của hơn 600.000 người Mỹ vì COVID-19. Trong “âm mưu” quậy phá để cho công luận quên đi những vụ án, Trump lại vừa đưa đơn kiện các phương tiện truyền thông như Facebook, Twitter, Google... đã không cho ông sử dụng những diễn đàn này, tức xâm phạm quyền “tự do ngôn luận” của ông. Ngay tức thì, nhóm của ông cũng mở ra việc gây quỹ để “kiện tới cùng”. Lại có tin mấy người con của Trump nay đang sợ dính líu đến Trump trong mấy vụ án cho nên sẽ có “động thái” thích hợp. Dù sao, Melania Trump có phải là mẹ chúng đâu, mà ngay cả bà này cũng đang im hơi lặng tiếng! Hiện nay, người ta nói khủng hoảng tâm thần (mental health crisis) không phải là một tội ác, và nhà tù không phải là chỗ thích hợp. Đó là hy vọng thực sự của Trump...
Đảng của Trump còn đây
Thành tích phi thường của Trump mà có lẽ không một tổng thống nào trước đây, Dân Chủ hay Cộng Hòa, làm được, là đã biến đảng Cộng Hòa thành đảng của Trump. Nhờ thế mà Trump đã sống sót được qua ba lần bị luận tội: thông đồng với Nga để phá bà Clinton 2016, áp lực với Ukraine để phá Biden 2019, gây bạo loạn để hủy kết quả bầu cử 6-1. Tưởng rằng sau bầu cử đảng Cộng Hòa sẽ tỉnh mộng, hoàn lương. Nhất là sau khi chính một số nhân vật Cộng Hòa xém chết vì vụ bạo loạn tại Tòa nhà Quốc Hội. Nhưng không, lãnh đạo đảng nghĩ đến bầu cử năm 2022 và “uy tín” cua Trump với cử tri cuồng Trump. Cho nên, Chủ tịch Kevin McCarthy đã phải xuống nước, đích thân đến tận Mar-a-Lego “triều cống” Trump và còn nói Trump là yếu tố quyết định cho thắng lợi của Cộng Hòa trong bầu cử 2022. Hiện nay, đảng Cộng Hòa dường như chỉ có một mục tiêu là giành lại thế đa số tại Hạ Viện và Thượng Viện, và đàng Dân Chủ cũng chỉ có chừng đó chuyện, mục tiêu giữ thế đa số mong manh tại viện trên và viện dưới, cho nên làm sao nói chuyện hai đảng nhìn mặt nhau, ngồi lại với nhau để cùng tính việc nước? Ở một loạt tiểu bang đỏ (có Georgia, Arizona...), người ta đã sửa lại luật bầu cử để hạn chế cơ hội bỏ phiếu của những người “dị chủng”. Đảng Cộng Hòa có lẽ đang thiếu một số khuôn mặt có tư cách (đếm trên đầu ngón tay, như Thượng nghị sĩ Mitt Romney, Lisa Murkowski hay các dân biểu Liz Cheney, Adan Kinzinger...) nhưng lại thừa những nhà dân cử dơ bẩn như Mitch McConnell, Majorie Taylor Greene, Tom Cotton, Rand Paul, Lindsey Graham, Tim Scott chẳng hạn.
Cho nên bạo lực trở thành bạo loạn
Bạo lực súng đạn là chuyện thường tình ở Mỹ, nhưng chuyện thường tình này ngày càng tệ hại, bởi vì những nhà dân cử cứ vin vào Tu chánh án Đệ nhị để chẳng hành động gì cả, người Mỹ ngày càng tin phải có vũ khí để phòng thân, vũ khí thì ngày càng nguy hiểm vì loại súng sát thương chiến trường (như AR-15) ngày càng phổ biến, và con người ở Mỹ ngày càng điên hơn, dữ hơn, tuyệt vọng hơn, độc ác hơn. Con nít thời nay táy máy nhiều hơn trước cho nên trẻ chết oan cũng nhiều hơn. Bắn giết tập thể (Mass shooting) cũng đang trở nên phổ biến. Cứ xem chuyện hàng ngày, bất cứ ở đâu, ngay cả ở nhà trường hay nhà thờ hay nhà chứa, người ta cũng dùng đến súng để thị uy vô nghĩa – như thể nước Mỹ đang sống trở lại thời “wild, wild West” hoang dã, luật pháp nằm trong tay người biết rút súng nhanh (fastest gun alive). Tuy nhiên, qua biến cố ngày 6-1 tại Capitol Hill, chúng ta phải biết lo sợ một cách chính đáng bạo lực đang trở thành bạo loạn. Sở dĩ Trump còn đó và đảng Cộng Hòa nay trở thành đảng của Trump là vì sự nổi dậy của một lực lượng quần chúng da trắng thượng đẳng (white supremacists), vốn đã có từ thời Obama (Tea Party groups 2010), và nay họ đã có một người để tôn thờ là “lãnh tụ quốc xã” và một đảng làm ma đưa lối, quỉ dẫn đường - đứng sau lưng họ để hậu thuẫn, và trước mặt họ để dẫn đường. Có thể họ chỉ chiếm một nửa số người da trắng, nhưng điều nguy hiểm là ở chỗ họ tin rằng phải vùng dậy trong phong trào “ta-bà” (Take America back again) để bảo đảm chủng tộc của họ giữ thế thượng phong trong đất nước, trong xã hội và không để những chủng tộc khác, tôn giáo khác, “thao túng” quyển lực - nhất là sau khi những lực lượng như Al-Qaeda của Osama Bin Laden và Taliban làm cho nổi lên phong trào di dân tỵ nạn của người Hồi giáo từ Trung Đông tràn đến châu Âu. Trump đã từng kích thich sự thù ghét người da đen. Nay thì chúng ta đang thấy manh nha sự thù ghét người da vàng – cụ thể là người Hoa, nhưng làm sao để phân biệt được trong số những người da vàng đi ngoài đường, ai Hoa ai không Hoa. Nước Mỹ là nước của di dân, nhưng nay người ta phải nói “Non-white lives matter”. Và mặc dù thế, di dân vẫn tràn đến từ các nước nghèo đói và áp bức ở Trung Mỹ, Nam Mỹ... và phải nói thế nào đây về “nation of immigrants”? Nước Mỹ cần di dân hay di dân cần nước Mỹ? Nói thế nào đi nữa, không kiểm soát được di dân thì càng khó kiểm soát bạo loạn. Những “anh hùng” từng tham gia biến cố 6-1 nay đã tiết lộ âm mưu thành lập những toán dân quân vũ trang để nhằm vào một số mục tiêu... Thậm chí, người ta còn mơ tưởng dù hão huyền: Phải chăng có thể có một cuộc nội chiến mới 160 năm sau? Một sô tiểu bang nay có thể tách ra “độc lập”?
Từ sân cỏ đến ngoài đời
Vừa qua ngày 6-7, có trận bán kết giải túc cầu vô địch châu Âu giữa Ý và Tây Ban Nha, hai nước láng giềng. Ý đã thắng sau 120 phút bất phân thắng bại, phải đá phạt đền hên xui may rủi. Đây là một trận hay vì hai đội này nằm trong số bảy đội mạnh nhất châu Âu (Ngoài ra còn có Đức, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Anh) Điều nổi bật trong trận này là sự thân thiện giữa một đội nói tiếng Ý, một đội nói tiếng Tây Ban Nha - thân thiện từ đầu đến cuối còn hơn mức anh em ruột thịt trong nhà. Không chơi xấu trên sân cỏ. Luôn bắt tay, ôm nhau, cười hòa nhã với nhau. Khi Ý thắng, cầu thủ Ý đến với các cầu thủ Tây Ban Nha thay vì đến với nhau, có những lời an ủi. Ước gì chuyện này bao giờ cũng xảy ra trên sân cỏ. Uớc gì chuyện này cũng có thể xảy ra được ngoài đời - nhất là trên chốn chính trường.
Chỉ có điều, cả hai đội này rất đặc biệt, không có đội nào có cầu thủ gốc Phi châu – cho dù chỉ có một người.