Hoàng Ngọc Nguyên, NHÌN LẠI CHIẾN TRANH LẠNH

Hoàng Ngọc Nguyên

NHÌN LẠI CHIẾN TRANH LẠNH



Bộ ba (Stalin, Roosevelt, Churchill) tại Hội nghị Tehran năm 1943, Roosevelt còn khỏe mạnh


Bộ ba năm 1945 tại hội nghị Yalta, Roosevelt gần đất xa trời


Đệ nhị Thế chiến chính thức kết thúc vào ngày 2-9-1945, bại trận đương nhiên là phe Trục (Đức, Ý, Nhật), thắng trận hẳn phải là phía Đồng Minh, vươt trội là Mỹ, Anh, Liên Xô. Thế nhưng khi nhìn lại, vấn đề tranh cãi là trong ba nước chủ yếu này, nước nào thực sự thắng lợi nhất trong thế chiến?

    Câu trả lời đơn giản nhất là Hoa Kỳ. Vai trò quyết định của Hoa Kỳ không chỉ trong thời chiến mà còn trong thời bình “Chiến tranh Lạnh”, với sự hình thành của Thế giới Tự do thời hậu chiến mà Hoa Kỳ phải đảm đương trách nhiệm lãnh đạo, đương đầu với Thế giới Cộng sản chỉ mới hình thành sau khi - và nhờ -  Đệ nhị Thế chiến kết thúc.

    Người ta vẫn cho rằng Liên Xô và khối Cộng sản Quốc tế nói chung đã gây ra Chiến tranh Lạnh. Nhưng câu hỏi đúng ra là tại sao Liên Xô sau Thế chiến dám gây ra Chiến tranh lạnh? Từ câu hỏi đó, người ta có thể học được nhiều điều từ chính sách đối ngoại của Tồng thống Mỹ thời đó, Franklin D. Roosevelt…  
 

Stalin là bậc thầy của Putin

Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề theo một cách khác, phải nói rằng Liên Xô là nước thành công nhất, thắng lợi nhất trong Đệ nhị Thế chiến. Liên Xô cuối cùng đã bảo vệ đất nước của họ, cho dù Phát xít Đức đã bao vây Moscow trong một trận chiến kéo dài hơn 14 tuần (30-9-1941 đến 7-1-1942). Liên Xô đã trả một cái giá rất đắt để tồn tại: mấy trăm thành phố lớn nhỏ bị tàn phá, nền kinh tế sụp đổ và đến gần 25 triệu người đã nằm xuống, trong đó hơn 10 triệu là quân nhân. Những lãnh tụ Nga, thời trước cũng như thời nay, vẫn nhún vai với con số người chết vì chiến tranh (Mạng người vẫn được Vladimir Putin xem như cỏ rác trong trận chiến xâm lăng Ukraine hiện nay). Stalin nói rõ nếu không có chừng ấy người hy sinh, nước Liên Xô chẳng còn. “Tướng” Dương Văn Minh đã không hiểu điều đơn giản và ấu trĩ đó, cho nên mới có biến cố mất nước 30-4 của Việt Nam Cộng Hòa - Không nói gì những ông tướng lãnh đạo đất nước bỏ chạy nhưng quan tài vẫn phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Trong Đệ nhị Thế chiến, Anh quốc thiệt hại nhân mạng khoảng 450.000; Mỹ: 420.000… Đức: 4.2 triệu; Nhật: 1.972.000.  Nên nhớ rằng trong cuộc chiến Việt Nam mà Mỹ chủ yếu áp dụng chiến thuật “câu giờ”, Hoa Kỳ chỉ mất khoảng 58.000 người trong thời gian 15 năm, như thế mà dân Mỹ ngày đêm la làng khiến cho Tổng thống Johnson chán đời bỏ cuộc, Nixon phải bàn mưu tính kế để có “peace with honor”, nghĩa là “pullout without shame”.

Vấn đề chính là ở chỗ nhờ thế chiến này, Liên Xô bỗng chốc thực hiện được giấc mơ khó tưởng, đó là tao đươc một khối các nước cộng sản Đông Âu và do đó có thể mở ra một cuộc chiến tranh lạnh với Tây Âu. Và tất cả là do công lao, bản lĩnh, mưu chước sáng tạo của bạo chúa Joseph Stalin. Với lý do “tạo một vùng biên giới an toàn” (giống như Putin nói hiện nay khi đi xâm chiếm nước Ukraine) gồm những nước lân bang thân thiện, Stalin đã cho quân Nga hung hãn tràn ngập những nước Đông Âu mà Đức phải rút lui, và đến cuối Thế chiến II, Liên Xô đã chiếm đóng Bulgaria, Romania, Hungary, Ba Lan và miền đông nước Đức (Đến năm 1948, đảng cộng sản Tiệp Khắc nhờ áp lực của Stalin cũng chiếm được chính quyền tại Prague). Liên Xô quyết tâm thành lập các chính phủ ở Đông Âu “thân thiện” (làm chư hầu) với Liên Xô. Trong khi chiến tranh vẫn đang diễn ra, quân đội chiếm đóng của Liên Xô đã hỗ trợ những người cộng sản địa phương đưa các chế độ độc tài Cộng sản ở Romania và Bulgaria lên nắm quyền. Nam Tư (Yugoslavia) và Albania ủng hộ sự nổi dậy của các chế độ độc tài cộng sản ở nước họ; tuy nhiên, cả hai quốc gia này vẫn nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Anh, Hoa Kỳ, Pháp và Liên Xô đã chia Đức và Berlin thành bốn khu vực chiếm đóng do bốn quốc gia quản lý. Năm 1949, Cộng hòa Dân chủ Đức Cộng sản được thành lập trong vùng chiếm đóng của Liên Xô. Các chế độ vệ tinh Đông Âu phụ thuộc vào sức mạnh quân sự của Liên Xô để duy trì quyền kiểm soát các chính phủ cộng sản của họ. Hơn một triệu binh sĩ Hồng quân vẫn đóng ở Đông Âu.

Vào ngày 5-3-1946, Winston Churchill, phát biểu tại Đại học Westminster ở Fulton, Missouri, có Tổng thống Harry S. Truman trên sân khấu với ông, đã tóm tắt tình hình ở Châu Âu bằng bài phát biểu được gọi là “Bức màn sắt”: “Từ Stettin ở Baltic đến Trieste ở Adriatic, một bức màn sắt đã hạ xuống khắp lục địa.”

Chính nhờ cuộc xâm lăng Đông Âu này trong “thời hậu chiến” mà Nga dựng lên được “Thế giới Cộng sản” ở châu Âu, làm tiền đề cho sự hình thành một Thế giới Cộng sản toàn cầu khi ở châu Á vào năm 1949 Mao Trạch Đông đuổi Tưởng Giới Thạch ra khỏi lục địa, chấm dứt chế độ Cộng hòa Trung Hoa, thay bằng Trung Hoa cộng sản dưới tên Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Chính Stalin/Liên Xô đã làm thay đổi trật tự châu Âu, trât tự thế giới, và đã làm cho thế giới lần đầu tiên thực sự chia rẽ và thù nghịch trong một thời Chiến tranh Lạnh ròng rã 40 năm?

Roosevelt không có s la chn?

Sau này, khi nhớ lại, Stalin có thể không bao giờ quên công ơn của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Chỉ có sự tin cậy của Roosevelt mới cho phép “Uncle Joe” (cách Roosevelt gọi Stalin thân mật) rảnh tay làm mưa làm gió mà sau này Tổng thống Harry Truman (kế nhiệm Roosevelt qua đời vì nan y) đã không trở tay kịp.

Thời thế tạo anh hùng! Tổng thống FDR vẫn được xem là người hùng của Đệ nhị Thế chiến. Nhờ ông đưa Hoa Kỳ vào cuộc chơi mà thế chiến kết thúc trong sự bại trận của phe trục phát xít, và nước Mỹ vươn lên vị trí lãnh đạo hàng đầu của Thế giới Tự do sau này.  Nhìn một cách khác, thì phải nói thế chiến đã cho ông một cơ hội vượt qua được Đại khủng hoảng những năm 30 và lập nên một kỷ lục của một tổng thống Mỹ có đến bốn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, một số sử gia thận trọng vẫn cho rằng ông có “trách nhiệm”, ít nhất là “gián tiếp”, để xảy ra chiến tranh lạnh vì đã im lặng để cho Thế giới cộng sản hình thành.

Lẽ ra Roosevelt phải thấy âm mưu cướp đất giành dân của Stalin để mở rộng phạm vi lãnh thổ trong tầm kiểm soát của Liên Xô ngay từ đầu Đệ nhị Thế chiến, khi Liên Xô thỏa hiệp với Đức Quốc Xã thôn tính Ba Lan. Vào ngày 17-9-1939, mười sáu ngày sau khi bắt đầu Đệ nhị Thế chiến và với việc quân Đức chiến thắng đã tiến sâu vào lãnh thổ Ba Lan, Hồng quân đã xâm chiếm miền đông Ba Lan, với lý do biện minh là "cần phải bảo vệ người Ukraine và người Belarus" ở đó. Kết quả là biên giới phía tây của các nước cộng hòa Xô viết Bêlarut và Ukraina đã được di chuyển về phía tây. Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Phần Lan về việc hoán đổi đất đai do Liên Xô đề xuất sẽ vẽ lại biên giới Liên Xô-Phần Lan cách xa Leningrad đã thất bại, và vào tháng 12 năm 1939, Liên Xô xâm lược Phần Lan, bắt đầu một chiến dịch được gọi là Chiến tranh Mùa đông (1939–1940). Cuộc chiến đã khiến Hồng quân thiệt hại nặng nề nhưng buộc Phần Lan phải ký Hiệp ước hòa bình Moscow và nhượng lại eo đất Karelian và Ladoga Karelia. Vào mùa hè năm 1940, Liên Xô lại đưa ra tối hậu thư cho Romania buộc nước này phải nhượng lại các lãnh thổ Bessarabia và Bắc Bukovina. Đồng thời, Liên Xô cũng chiếm ba nước vùng Baltic trước đây độc lập (Estonia, Latvia và Litva).

Hòa bình giữa Nga với Đức rất căng thẳng, vì cả hai bên đang chuẩn bị cho xung đột quân sự, và đột ngột kết thúc khi quân Trục do Đức dẫn đầu tràn qua biên giới Liên Xô vào ngày 22-6-1941. Đến mùa thu, quân Đức đã chiếm Ukraine, bao vây Leningrad và đe dọa thủ đô Moscow. Mặc dù thực tế là vào tháng 12-1941, Hồng quân đã đánh bật quân Đức khỏi Moscow trong một cuộc phản công, quân Đức vẫn giữ được thế chủ động chiến lược trong khoảng một năm nữa và tổ chức một cuộc tấn công sâu vào hướng đông nam, tiến đến sông Volga và Kavkaz. Tuy nhiên, hai thất bại lớn của quân Đức ở Stalingrad và Kursk đã mang tính quyết định và đảo ngược cục diện của toàn bộ Thế chiến khi quân Đức không bao giờ lấy lại được sức mạnh để duy trì các hoạt động tấn công của mình và Liên Xô giành lại thế chủ động cho phần còn lại của cuộc xung đột. Đến cuối năm 1943, Hồng quân đã chọc thủng vòng vây Leningrad của quân Đức và giải phóng phần lớn Ukraine, phần lớn miền Tây nước Nga và tiến vào Belarus. Trong chiến dịch năm 1944, Hồng quân đã đánh bại quân Đức trong một loạt chiến dịch tấn công được biết đến như mười đòn của Stalin. Đến cuối năm 1944, mặt trận đã vượt ra khỏi biên giới Liên Xô để tiến vào Đông Âu. Các lực lượng Liên Xô tiến vào miền đông nước Đức, chiếm Berlin vào tháng 5 năm 1945. Cuộc chiến tranh với Đức do đó đã kết thúc thắng lợi đối với Liên Xô.

Từ năm 1943, Roosevelt và Churchill đã thảo luận về tình hình tại châu Âu và châu Á sau khi Đức Quốc Xã và Nhật Bản bại trận. Churchill đã cảnh báo Stalin sẽ tìm cách đưa quân Nga đến những vùng được giải thoát từ Đức và Nhật. Tuy nhiên, FDR lại không tin tưởng Churchill vì cho rằng Churchill chỉ biết bêu xấu Stalin trong khi lại không có ý giải thể chế độ đế quốc Anh. Roosevelt vẫn muốn Anh trả lại độc lập cho những nước thuộc địa nhưng Churchill chưa muốn bàn đến chuyện đó. Trong khi đó, Roosevelt lại xem thường hiểm họa cộng sản dù cho Stalin cổ vũ cách mạng dân tộc xã hội chủ nghĩa tại những thuộc địa châu Phi và châu Á. FDR và những cố vấn của ông còn tin rằng chủ nghĩa xã hội dân chủ là giải pháp cho những vấn đề của những nước chưa phát triển của thế giới.

    Roosevelt ủng hộ chủ trương tăng cường kiểm soát của chính phủ trung ương và nhìn Stalin như một lãnh đạo xã hội chủ nghĩa dân chủ yêu chuộng hòa bình. Dĩ nhiên, Stalin rất khoái cách người ta nhìn mình như thế đó, nhưng nhiều người Mỳ đã cảnh báo ông Roosevelt phải hết sức thận trọng với Stalin. Tại hội nghị Yalta, một thành phố ven biển nghỉ mát ở vùng Crimea của Nga, Roosevelt lúc đó đã bệnh lắm rồi (ông qua đời chưa đến hai tháng sau đó), cho nên ông đã mệt mỏi để cho Stalin lợi dụng. Churchill biết mà không làm gì được. Sau này người ta mới khám phá ra một trong những cố vấn thân cận nhất của Roosevelt tại Yalta là Alger Hiss, một lãnh đạo cộng sản cốt cán tại Hoa Kỳ.

    Người Mỹ vào thời đó chỉ không chơi với cộng sản là vì chế độ cộng sản không cho người ta tự do làm ăn và làm giàu, nhưng ít người hiểu đó là một chế độ phi dân chủ, độc tài, truy bức con người về chính trị. Chế độ cộng sản của Stalin giết và bỏ tù người dân còn tàn nhẫn hơn Đức Quốc Xã của Hitler. Và riêng Stalin thì nổi tiếng về chuyện thủ tiêu người đối lập – cũng giống như Putin thời nay. Trong thập niên 20 và đầu thập niên 30, đến hơn 10 triệu người Nga chống đối chế độ bị hành quyết, hay bị giam đói đến chết, hay bị đầu độc và bị đày ải đến vùng Tây Bá Lợi Á. Vào thập niên 40, vô số người Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và những nhân vật quân sự và chính trị đối lập bị truy bức và sát hại bởi tổ chức KGB của Stalin.

    Điều lạ lùng là khi quan hệ với Stalin để lập “bộ ba” (Roosevelt, Churchill và Stalin), Tổng thống Mỹ dường như chẳng nghĩ gì đến những chuyện đó trong đầu. Có lẽ vào thời đó, và ngay cả bây giờ, người Mỹ chưa hiểu hết ông Roosevelt. Vốn là người đơn chiếc và bị ám ảnh bởi trọng bệnh tê liệt từ 39 tuổi, ông sống trong một thế giới riêng. Có thể ông mang những ý nghĩ cải cách chính trị khá lãng mạn, không tưởng cho nước Mỹ, cho thế giới, một chủ nghĩa xã hội kềm chế được những thế lực tư bản lộng hành và phục vụ cho những người bất hạnh trong xã hội (già, nghèo, bệnh…). Cho nên ông tán đồng những chuyện như cho nước Nga tự do kiếm thêm những nước láng giềng đồng minh sau thế chiến để vừa củng cố an ninh cho Nga vừa tạo cơ hội cho những nước nhỏ quanh nước Nga vừa được bảo vệ vừa có cơ hội “dân chủ hóa theo con đường chủ nghĩa xã hội”.
    Vả lại, Roosevelt vốn nghĩ Mỹ, hay là mình, là đạo diễn, là người lãnh đạo khối “đồng minh” (cho dù có thể đồng sàng dị mộng), cho nên phải khéo tổ chức phân công chiến lược trong trận chiến quốc tế phức tạp vô cùng mà lần đầu tiên Mỹ phải bận tâm. Nhờ Nga/Stalin đảm nhận và cầm cự lâu dài ở mặt trận phía đông, chịu những tổn thất trầm trọng, Mỹ mới đủ sức và đủ thì giờ tiến hành các mặt trận ở châu Phi, rồi qua Ý và cuối cùng giải phóng Pháp, đồng thời phải đương đầu với Nhật Ban thập phần nguy hiểm ở mặt trận Đông Á. Khi hiểu rằng Nga đã giữ chân Đức đến năm 1944 cho dù đã thiệt mấy triệu nhân mạng, thì Roosevelt hầu như “thông cảm” những âm mưu xâm lược của Stalin nhằm vào những nước láng giềng Đông Âu.

    Churchill đặc biệt dị ứng với mối đe dọa của Liên Xô thể hiện qua Stalin, nhưng Anh quốc sức lực kiệt quệ, quan hệ thì không nói được với Roosevelt. Một số cố vấn chính trị của Tổng thống Mỹ đã mỏi mệt vì chiến tranh và muốn thỏa hiệp với Stalin. Giới chính khách từng ủng hộ New Deal của Roosevelt cũng có cảm tình với chủ nghĩa xã hội của Stalin - hầu như người ta vẫn mù mờ về chuyện người cộng sản đều là con cháu chú Cuội. Thậm chí, chính Roosevelt đã bỏ rơi Tưởng Giới Thạch khi đồng ý cho Nga chiếm Mãn Châu và cho quân cộng sản của Mao Trạch Đông nắm lấy Mông Cổ để đền đáp Nga và Mao đã đánh Nhật.

Căng thẳng giữa các nước Đồng Minh là vấn đề ranh giới sau chiến tranh. Sự thất bại của quân Đức là hiển nhiên vào đầu năm 1945. Tin tưởng vào chiến thắng gần kề, vào tháng 2 năm 1945, Roosevelt, Churchill và Stalin gặp nhau tại Yalta để thảo luận về việc tổ chức lại châu Âu thời hậu chiến. Churchill muốn có bầu cử tự do và công bằng sẽ dẫn đến các chính phủ dân chủ ở Trung và Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan. Stalin muốn các chính phủ trung thành và thân thiện với Liên Xô hoạt động như một vùng đệm chống lại sự xâm lược tiềm tàng của Đức trong tương lai. Cuối cùng, ba bên đồng ý rằng Ba Lan sẽ được tổ chức lại dưới một chính phủ lâm thời cộng sản và các cuộc bầu cử tự do sẽ được tổ chức vào một ngày sau đó. Hội nghị cũng đạt đến thỏa thuận  rằng Đức và Berlin sẽ được chia thành bốn khu vực chiếm đóng giữa Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô. Từ ngày 17-7 đến 2-8 năm 1945, một hội nghị khác được tổ chức tại Postdam, Đức. Vào thời điểm đó, Roosevelt đã qua đời, và tân Tổng thống Harry Truman lại rất nghi ngờ các hành động của Liên Xô. Ông không tin tưởng Stalin và đặt câu hỏi về ý định thực sự của ông ta.

Truman muốn hành động, nhưng đã trễ. Cho nên, khối Cộng Sàn Quốc tế ở châu Âu ra đời, chỉ vài năm trước đó có thể khó tin nhưng nay đã thành sự thật. Liên Xô cũng là một “hiệp chủng quốc” gồm 16 nước (có cả Nga và Ukraine), và còn có sáu nước vệ tinh che chắn biên giới cho Liên Xô (Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan, Rumania, Bulgari). Ngoài ra còn có hai nước “đồng chí” là Albany và Nam Tư. Đến năm 1949, Trung Cộng đuổi Tưởng ra Đài Loan.  Nga cũng nắm được Bắc Hàn từ đó có Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) … Thất bại của Trung Hoa Quốc gia và sự chia cắt Triều Tiên cho thấy Chiến tranh Lạnh là một thách đố sẽ kéo dài và nhiều thử thách…

Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ đã vụng về trong thử thách đó!

Hoàng Ngọc Nguyên


 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top