Hoàng Ngọc Nguyên: NGƯỜI VIỆT MẮC VÀO NGHIỆP CHƯỚNG!

NGƯỜI VIỆT MẮC VÀO NGHIỆP CHƯỚNG!

Hoàng Ngọc Nguyên

www.saigonweeklyonline.com

Hoa Kỳ là một nước đa dạng, đa chủng, nhưng bình thường trong các cuộc bầu cử quan trọng như tổng thống, thượng nghị sĩ hay dân biểu liên bang, người ta chỉ bàn đến sự lựa chọn của các khối cử tri da trắng, da đen và Latino/Hispanic... Người Mỹ da trắng “thuần chủng” (không có gốc Latino hay Hispanic) chiếm khoảng 60% dân số, da đen 13.5%, và Latino 18%. Tổng cộng xấp xỉ 92%. Đương nhiên các màu da này phải có ưu tiên trong tầm mắt người quan sát.
Theo thống kê, người Mỷ gốc Á có dân số vào khoảng 18.7 triệu, tương đương với 5.6% tống dân số nước Mỹ. Những khối dân tộc chính là người Hoa (3.8 triệu), Phi Luật Tân (3.4 triệu), Ấn Độ (3.18 triệu), Việt Nam (1.73 triệu), Hàn Quốc (1.7 triệu) và Nhật Bản (1.3 triệu). Tuy cùng chung tên gọi Mỹ gốc Á, những cộng đồng này quan hệ khá phức tạp, nếu không nhìn mặt nhau thì cũng không chơi với nhau, khó hội nhập vì vấn đề văn hóa, ngôn ngữ cùng tính địa lý chính trị của những nước này.

Năm nay là một năm đặc biệt – đại dịch làm toàn cầu tê liệt và nước Mỹ bị đột quỵ. Câu chuyện bầu cử năm nay cũng hết sức đặc biệt – Tổng thống Donald Trump 20 ngày trước khi Tổng thống tân cử Joe Biden nhậm chức vẫn còn điên vì “bầu cử gian lận” và lũ gian thần chung quanh cứ xúi giục “đảo chính”. Dân biểu hay nghị sĩ Cộng Hòa nào không đồng ý chuyện “lật đổ” vào ngày 6-1 năm mới thì bị chụp mũ “bất trung, bất hiếu”, “vô ơn”, “phản quốc”. Cho nên câu chuyện cử tri có hơi khác đi.

Đây là lần đầu tiên sau 30 năm một ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ thắng đưọc ở tiểu bang Georgia. Giới bình luận nay đang bàn đến lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Á sau khi đạt đến kết luận chính sự liên kết giữa các nhóm người Mỹ gốc Á tại tiểu bang Georgia đã giúp ông Biden đạt được 16 phiếu cử tri đoàn ở tiểu bang vẫn được xem là Cộng Hòa này. Thắng lợi này phần nào đã có ý nghĩa quyết định cho chiến thắng cuối cùng của Biden, mặc dù nếu thua ở đây, ông cũng còn 290 phiếu so với 248 của Donald Trump. Ý nghĩa của thắng lợi ở Georgia là ở chỗ khoảng cách giữa Biden và Trump khơi rộng khiến cho Trump khó khăn hơn trong việc tìm cách “đảo ngược” kết quả bầu cử - một chuyện chưa người thua cuộc nào dám làm trước đây trong lịch sử nước Mỹ.

Nhiều nhà bình luận đã vạch ra rằng ông Biden thắng được ở Georgia là nhờ lần đầu tiên khối cử tri da đen được khích động tấp nập đi bầu với ý thức về sự vùng dậy của phong trào Black Lives Matter. Và giúp người da đen ở tiểu bang từng nhìn nhận chế độ nô lệ trong thời Nội Chiến có ý thức nhập cuộc chính là bà Stacey Abrams, 47 tuổi, là một luật sư, chính khách và nhà đấu tranh cho quyền bỏ phiếu của người da đen. Bà là dân biểu tiểu bang từ 2007-2017, cũng là trưởng khối dân biểu thiểu số trong thời gian đó. Năm 2018, bà thua sít sao trong tranh cử thống đốc Georgia.

       Không thể phủ nhận công trạng của bà Abrams trong chiến thắng ngoạn mục của Biden tại tiểu bang Cộng Hòa này. Nhưng cũng có một điều người ta phải nhìn nhận và đề cao là chính một “liên minh” giữa những nhóm người Mỹ gốc Á khác nhau đã có tính quyết định trong 16 phiếu cử tri đoàn của Biden.

       Ông Biden chỉ hơn Trump được 13.000 phiếu – đó là lý do tại sao ông Trump cứ đòi đếm phiếu đi, đếm phiếu lại ở đây, đến năm lần, nhưng kết quả không thay đổi. Nếu bầu cử chỉ giữa người da trắng và da đen, chắc chắn ông Trump đã thắng, vì số cử tri da trắng ờ đây đông hơn người da đen, và ngay cả trong số cử tri da trắng cũng có người theo đảng Dân Chủ, nhưng nói chung, cử tri theo ông Trump vẫn trội hơn cử tri chống ông trong khối da trắng và da đen cộng chung lại. Bởi vậy. chính lá phiếu của người Mỹ gốc Á đã lật ngược thế cờ, giúp ông Biden chuyển bại thành thắng.
Ở tiểu bang Georgia, có đến 300.000 cử tri gốc Á ghi danh, 185.000 người đi bỏ phiếu. Con số này hơn năm 2016 đến 63%. Trong 20 năm qua, dân số Mỹ gốc Á ở Georgia đã tăng gấp đôi. Cứ tưởng tượng nếu người Mỹ gốc Á không đi bỏ phiếu đông như thế, và chỉ cần số phiếu từ cử tri Mỹ gốc Á ủng hộ ông giảm khoảng 6.600 phiếu, kết quả ở đây sẽ đảo ngược mà ông Trump không cần phải khiếu nại gì cả.
Cử tri gốc Á và Thái Bình đảo quốc (AAPI) phần lớn là người Hoa, Hàn, Nhật, Ấn, Việt, Phi.  Ngoài ra còn có Thái Lan, Bangla Desh, Pakistan, Indonesia... Tại sao năm nay người ta đi bò phiếu đông như thế, và tại sao người ta cần đi bỏ phiếu để tỏ thái độ với ông Trump?

       Tác giả Nguyễn Thanh Việt, giáo sư người Việt được giải Pulitzer về văn học, từng gọi ông Trump là một tổng thống “chống chữ nghĩa” (anti-literary), có nghĩa là không chữ nghĩa, ăn nói bừa bãi, vửa viết trong một bài xã luận trên New York Times rằng người Mỹ gốc Á đã hình thành một liên minh chống Trump trong bầu cử vừa qua. Đúng hơn, có thể nói có một sự đồng cảm của phần lớn dân Mỹ gốc Á. Thứ nhất, người ta đồng ý  Trump là một con người tệ hại không thể là tổng thống một nước mà người ta tìm đến như vùng đất cơ hội. Thứ hai, người ta cũng thấy người Mỹ gốc Á không thể ngồi yên và an toàn được trước những đe dọa của một con người nguy hiểm như Trump.    

       Trump là con người tệ hại là điều khó thể chối cãi. Chẳng phải đợi đến nay người ta mới nói ông là người khùng điên với căn bệnh NPD, tức Narcissistic Personality Disorder. Hỗn loạn nhân tính siêu cuồng tự mãn tự cao tự đại, chỉ biết có mình, tất cả đều là đồ bỏ, và không chịu ai hơn mình. Lâu nay, ông đã mang cố tật ưa bịa đặt, nói dối không ngượng miệng. Bao nhiêu chuyện tai tiếng từ bao đời bao nhiêu sách vở cũng không kể siết: Đi học thì học bạ giả mạo; ra trường thì trốn lính bằng khai man bệnh tật; trong gia đình thì dựa thế cha chèn ép anh chị em; làm ăn thì tìm mọi cách rút rỉa, qua mặt ngân hàng, người hùn hạp, kẻ cạnh tranh; thuế thì trốn tránh bằng mọi giá; gặp phụ nữ thì tận dụng mọi cách, mọi lúc, mọi nơi... Bước vào chính trường, chẳng cần biết văn hóa, lễ nghĩa chính trị tối thiểu mà cũng không cần học hỏi, thu lượm kiến thức gì về lịch sử và chính trị. Trong bốn năm ở Tòa Bạch Ốc, bao nhiêu sự lạm dụng quyền lực mọi cách dơ bẩn, nổi bật nhất là cho con gái và rể (những người mà vợ ông Melania Trump gọi là “rắn”) là “cố vấn tối cao” trong khi xem người làm việc cho mình như cỏ rác, thu dụng rồi sa thải các cố vấn cũng như các người “không trung thành” trong nội các như cơm bữa. Từ căn bệnh độc tôn này, ông đã có những ý muốn hợm hĩnh, điên rồ: xây “Trump Wall” giáp biên giới Mexico; xây tượng của ông trên Mount Rushmore góp mặt với bốn tổng thống vĩ đại George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, xây Trump Tower ở Moscow; thành lập Trump Airlines và mở phi trường quốc tế Donald Trump. Ông muốn tên ông có trên tất cả, như trường hợp trên chi phiếu tiền cứu trợ (stimulus check) hồi tháng tư – có lẽ trên cả giấy vệ sinh, để người ta trong trường hợp nào cũng nhớ ông.

Có một điều khiến nhiều người nói chung và người Mỹ gốc Á nói riêng không thể ngồi yên được là ở chỗ ông là con ngưòi nguy hiểm tột cùng – đúng như cháu ruột của ông cảnh báo. Những cử tri gốc Á đều hiểu ông đã khoanh tay trước đại dịch cho dù đến nay đã gần 20 triệu người nhiễm, hơn 330.000 người chết. Ông có biết gì đến cả 20 triệu người đang thất nghiệp và nền kinh tế đại suy thoái này biết đến bao giờ mới thấy ánh sáng cuối đường hầm? Ông biết gì đến hơn trăm triệu người nghèo đói, nợ tiền nhà chồng chất sợ bị trục xuất, có bệnh không dám đi bác sĩ... Ông biết gì nỗi tuyệt vọng của hàng chục triệu ngưòi già “thất thập cổ lai hi” trước đại dịch và đơn chiếc?

Cử tri cũng chẳng thể nào quên được ông thực sự chỉ có ba người bạn: Kim Jong-un Bắc Hàn, Vladimir Putin Nga, và Benjamin Netanyahu Do Thái. Chẳng riêng gì người Đại Hàn mà người gốc Á nào cũng phải ớn vì chuyện ông đến Bàn Môn Điếm để mong đưọc gặp Kim lãnh tụ. Chẳng những ông mở đường cho Nga vào Trung Đông và bỏ rơi những đồng minh trong vùng này mà  còn cho tình báo Nga tự do phá hoại hệ thống mạng an  ninh của nước Mỹ. Người Nhật và ngườỉ Đại Hàn cũng lắc đầu khi ông muốn o ép đồng minh bất kể trật tự lâu nay ở khu vực Biển Đông để kềm chế cả Nga và Trung Cộng. Nhưng điều mà nhiều người Mỹ gốc Á thấy nguy hiểm nhất chính là chính sách di dân của ông cùng tấn kịch “bài Hoa” mà ông đã khích động các nhóm “da trắng thượng đẳng” có một mục tiêu hành động vũ trang... Làm sao những ngưòi da trắng này phân biệt được trong những người Mỹ gốc Á, ai là Hoa ai không phải là Hoa. Làm sao người Hoa và những người trông giống người Hoa có thể yên ổn học hành, làm ăn, đi lại và nhà cửa an toàn...


Ảnh người Việt biểu tình bằng xe ở Houston để yểm trợ ông Trump (ảnh trên Facebook)

Theo thống kê của giới nghiên cứu bầu cử, ngoài lý do người Mỹ gốc Á tấp nập đi bầu, đến 75% những cử tri này bỏ phiếu cho Biden, bởi vậy mà Trumnp hụt hẩng. Đặc biệt, ở Georgia, dân số Mỹ gốc Ấn đông nhất, và họ chỉ nghĩ đến bà Kamala Harris khi đến phòng phiếu. Nhưng nếu người ta phải để ý đến sự đồng tâm nhất trí “không hẹn mà gặp” của người Mỹ gốc Á, khiến họ trở thành một khối cử tri mà có lẽ từ rày về sau nhũng người tranh cử không thể xem nhẹ, thì họ cũng không thể bỏ sót một sự kiện khá độc đáo: cử tri Mỹ gốc Việt đa số vẫn “trung thành” với ông Trump. Người ta tính ra có đến 65% cử tri gốc Việt ủng hộ tổng thống đương nhiệm. Lý do của sự “độc lập” của người Mỹ gốc Việt với người Mỹ gốc Á? Phải chăng là vấn đề “khoảng cách thế hệ” (generation gap), người Việt mới đến đây từ 1975, còn “quá trẻ” chăng so với người Nhật, người Hàn, người Phi đã có mặt ở nước Mỹ cũng hơn một thế kỷ?

Theo tổng kết trên tờ New York Times, phần lớn cử tri người Việt bỏ phiếu cho ông Trump là cao niên hoặc trung niên đứng tuổi và có vấn đề về tiếng Anh, trong khi đó phần lớn ủng hộ Biden là lớp trẻ, tiếng Anh thông thạo, sinh ra hoăc lớn lên ở Mỹ, học ở Mỹ. Những người gốc Việt lớn tuổi ủng hộ Trump có lẽ khác với người Mỹ gốc Á khác ở chỗ họ không biết, không quan tâm đến giá trị văn hóa chính trị truyền thống Khổng Mạnh (dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh), nên chẳng bận tâm về con người, tư cách, nhân phẩm và những chuyện tai tiếng đầy rẫy về ông Trump. Có lẽ vì họ đã trải qua những thời từ trước 1975 và sau 1975 mà những người lãnh đạo không làm nổi bật được những phẩm chất thường phải có nơi những người lãnh đạo đất nước theo những giá trị Á Đông truyền thống? Hoặc tuy là người da vàng, họ cũng tin như những người “chủ nhà” đây là đất nước của người da trắng, cho nên trước đây họ có thể chống một “tổng thống da đen” vì không tương xứng với mong đợi cua họ, và nay họ chống Biden mà một trong những lý do là bà Harris?  Hoặc một phần lớn những người ủng hộ ông Trump vẫn tin là chỉ có tổng thống Cộng Hòa mới chống cộng, còn một tổng thống Dân Chủ vẫn mang tội sát hại Tổng thống Ngô Đình Diệm của họ. Nhiều người vẫn chưa hiểu Trump là người “phản chiến” trốn lính, chính Kennedy và Johnson (hai tổng thống Dân Chủ) đã từng tích cực bảo vệ “tiền đồn của Thế giới Tự do”, trong khi Tổng thống Nixon Cộng Hòa thì chủ trương “hòa bình trong danh dự” rút quân Mỹ ra khỏi Miền Nam từ năm 1969.

(Còn phần 2)

www.saigonweeklyonline.com

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top