Hoàng Ngọc Nguyên: NAY JOE BIDEN CŨNG LÀ SỰ NAN GIẢI CỦA NƯỚC MỸ

 
Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên
NAY JOE BIDEN CŨNG LÀ
SỰ NAN GIẢI CỦA NƯỚC MỸ


Tính đến ngày 20-9 này, Tổng thống Joe Biden đã vào Nhà Trắng được tám tháng! Chưa được một năm. Nhìn thời gian đã trôi qua, sao nhanh thế. Và nhìn thời gian trước mắt, dài đăng đẳng! Bao nhiêu thử thách cho ông, vẫn còn đó. Bao nhiêu hứa hẹn, mong đợi, dường như xa dần.

Vào ngày 11-9, nước Mỹ có dịp tưởng niệm đúng 20 năm biến cố 11-9 tại Tòa Tháp Đôi New York. Tổ chức khủng bố Al Qadeda mà đầu đảng là Osama Bin laden, thuộc một gia đình quyền thế ở Saudi Arabia, đã thực hiện âm mưu sát nhân táo tợn nhất chẳng ai ngờ: không tặc bốn chiếc phản lực đang bay trên vùng trời New York để cho những chiếc máy bay này với hàng trăm hành khách ở trên lao vào Tòa Tháp Đôi, Ngũ Giác Đài… Kết quả kinh hoàng, Twin Tower bị sập, gần 3.000 người Mỹ chết dưới núi gạch vụn, Ngũ Giác Đài cũng bị đổ một phần…

 Ai cũng biết có thể đàng sau Al Qaeda là hai nước Sunni đồng minh với Mỹ (Saudi Arabia và Pakistan), nhưng chắc chắn đỡ đầu cho tồ chức khủng bố Hồi giáo này đang nhằm vào Mỹ chính là chính quyền Taliban tại Kabul - thủ đô của nước Afghanistan. Al Qaeda đang được Taliban chứa chấp, đóng tại vùng núi của nước này. Và “môn phái” này đã ương ngạnh khi Mỹ đưa ra yêu cầu Taliban phải giao nộp Al Qaeda cho Mỹ. Bởi thế mới có biến cố Mỹ và một số đồng minh truyền thống nhanh chóng đánh đuổi Taliban ra khỏi Kabul và lập nên một chính quyền mới, chế độ mới được người dân Afghanistan ùng hộ.

Vấn đề ở đây không chỉ là Al Qaeda mà còn là Taliban, một lực lượng Hồi giáo phi nhân, chuyên chế, áp bức, có những qui luật tôn giáo khắt khe lạc hậu đã bị đánh đuổi. Bởi vậy mà chính quyền mới ở Kabul được Mỹ dựng lên đã được người dân hậu thuẫn nồng nhiệt. Rõ rệt hơn cả là chế độ mới đã mở ra chân trời mới cho phụ nữ Afghanistan, vốn bị Taliban áp chế lâu đời, bị bắt đeo mạng (cho dù chẳng phải vì đại dịch COVID-19) không cho ra đường, không cho đi làm, không cho đi học…
Đã gần 20 năm từ ngày ấy. Và ai cũng biết ngay khi chế độ của Mỹ vẫn còn ở Kabul, Taliban vẫn còn đó trong khu núi đồi biên giới, và có vẻ mạnh hơn với súng ống hiện đại, và có uy thế hơn. Ngoài những nước Hồi giáo theo Sunni (Hai môn phái Hồi giáo chính đang đánh nhau chết bỏ, một số nước theo Sunni, mà thủ lãnh là Saudi Arabia, một số theo Shia mà lãnh đạo là Iran) đang ngầm yểm trợ Taliban trở lại Kabul, nước Nga, mà người lãnh đạo đầy tham vọng 20 năm qua là trùm KGB Vladimir Putin, đang muốn giúp Taliban đẩy Mỹ ra khỏi Afghanistan. Nga đã từng bị Taliban (!) đánh đuổi ra khỏi Afghanistan cho nên muốn Mỹ cũng phải ra đi. Ngoài ra, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình hiện nay cũng đang muốn có ảnh hưởng ít nhiều trong thế giới Hồi giáo để có thể đe dọa Ấn Độ… Trong khi đó, chính quyền Kabul mà Mỹ bảo trợ đã không cho thấy có sức mạnh ý chí để đối đầu với hiểm họa Taliban – cho dù Mỹ đã bỏ ra hàng trăm tỷ cho nước này và giúp Kabul có một quân lực (trên giấy) là 300.000 người được Mỹ huấn luyện. Vấn đề là nước Afghanistan chưa hề có một chế độ dân chủ phương tây cho nên cố vấn Mỹ cũng lúng túng và bỏ mặc.

Dưới thời Tổng thống George Bush, quân Mỹ tại đây là 30.000. Qua thời Obama, tổng thống leo thang đến 100.000 nhằm mục đích sớm kết thúc cuộc chiến, và điều được ghi nhận là Joe Biden, lúc đó là phó tồng thống, đã chống lại chuyện gia tăng quân số này. Vào tháng năm 2011, Obama có thành tích là giết được Osama Bin Laden đang trốn tại vùng ngoai ô thủ đô Islamabad của Pakistan (Theo luật pháp trong một nước, người nào chứa chấp kẻ sát nhân sẽ bị tội hình sự… Pakistan chứa chấp cả Bin Laden và Al Qaeda rồi Taliban mà Mỹ không làm gì cả!). Obama cũng muốn rút quân, nhưng vẫn không quyết đoán hành động như thế nào với Taliban. Obama công bố chấm dứt hoạt động chiến đấu vào 31-12-2014, Hoa Kỳ chuyển qua nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ lực lượng an ninh của Afghanistan. Nhưng một năm sau, khi sắp hết nhiệm kỳ, Obama thấy rằng tình hình an ninh không ổn, Taliban thêm khủng bố hung hăng,  nên Mỹ không thể rút quân hoàn toàn được. Ông để lại đến 10.000 quân và mở ngỏ cho người kế nhiệm hành động.

       Tồng thống Donald Trump thay Obama chủ tâm rút quân khỏi Afghanistan cũng như tại những nơi khác ở Trung Đông như Syria và Iraq. Người ta nói Nga đang muốn tìm lối vào Trung Đông, và Trump thì không muốn đụng tới Putin đề giữ tình giao hảo Bá Nha-Tử Kỳ hiếm có này. Đầu tháng chín năm 2019, Trump tính làm chuyện ngoạn mục trước ngày kỷ niệm 11-9 (tương tự những phiên hài kịch ông đã diễn chung với Kim Jong-un tại Singapore, Việt Nam và Bàn Môn Điếm), cho nên bí mật tổ chức hòa đàm tay ba Mỹ-Kabul-Taliban tại Camp David. Tuy nhiên chuyện vỡ lỡ: Kabul không đến, Taliban thì gia tăng đánh bom vào các khách sạn tại Kabul để đánh dấu sự kiện lịch sử này, cho nên Trump phải hủy bỏ cuộc họp bệnh hoạn này, lỡ cơ hội bằng vàng tổng thống Mỹ đầu tiên dám điên rồ ngồi nói chuyện với khủng bố quốc tế tại Nhà Trắng.

Và mặc dù Taliban ngày càng gia tăng khủng bố và tấn công, cùng mối đe dọa của một Nhà nước Hồi giáo (IS) mới ở nước này, chưa kể Al Qaeda vẫn còn đó, Trump cũng tìm cách đạt được thỏa hiệp với Taliban vào tháng hai 2020 là Mỹ sẽ rút toàn diện vào ngày 31-5-2021 với “điều kiện” Taliban “giảm bạo lực” và “cắt quan hệ với các tổ chức khủng bố”. Hai điều này có tính cách giả nhân giả nghĩa nếu không nói là bịp bợm với chế độ thân Mỹ tại Kabul và người dân Afghanistan đang sống trong cơn ác mộng Taliban sẽ trở lại. Bịp bợm, bán đứng và phản bội cho nên trong thương thảo này không có đại diện và chữ ký của Kabul! Và ngay cả một điều khoản phải có thương thảo giữa Kabul và Taliban trong hướng hòa hợp hòa giải cũng không có!

Một người lên tiếng cần được để ý là cựu Tướng John Allen, người đã từng “lãnh đạo tất cả lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan trong những năm 2011-13” (như ông tự giới thiệu) và  nay là  chủ  tịch của tổ chức nghiên cứu chinh trị  hàng đầu ở Mỹ  Brookings Institute, Ông phản ứng ngay tức thì sau thỏa ước Trump-Taliban:“Tôi có  viễn kiến riêng về thỏa thuận này, trên nền tảng kinh nghiệm thực tế và trong cuộc. Như tôi đã công khai phát biểu, Taliban là lực lượng không tin được; học thuyết của họ là không thỏa hiệp với thời hiện đại và qquyền lợi của phụ nữ; trong thực hành, họ không có năng lực huy động sự kiểm soát nội bộ cần thiết và kỷ luật tổ chức cần thiết để thực hiện một thỏa thuận bao quát như thế. Cái gọi là “Thỏa ước về đưa hòa bình đến cho Afghanistan” chẳng những sẽ không được Taliban tôn trọng, nó cũng sẽ chẳng mang hòa bình đến”. Trump những tưởng ông ta sẽ có nhiệm kỳ thứ hai để làm lễ lớn Mỹ ra đi và ông là tổng thống chấm dứt cuôc chiến 20 năm này và làm nên trật tự hoàn toàn mới ở Trung Đông: Mỹ rút khỏi địa bàn chiến lược này và nhường sân chơi cho Nga. Đó là một chiến lược mạo hiểm cho cả Mỹ, Trung Đông và Nga, nhưng vì Trump ra đi “vội vàng” quá, cho nên trong một nghĩa nào đó, ông ta may mắn.

       Đến phiên Biden vào Tòa Bạch Ốc, mở ra niềm hy vọng của thế giới về việc hủy bỏ hiệp ước giữa Trump và Taliban để duy trì trật tự quốc tế ở khu vực đó, duy trì một nước Afghanistan không có chế độ Taliban khủng bố thống trị, và trấn an bao nhiêu phụ nữ nơm nớp lo sợ. Nhưng cuối cùng, Biden chỉ làm đồng minh thất vọng, ngao ngán; làm thế giới nhún vai, lắc đầu khi nhìn nước Mỹ co rút ngày nay; và làm kẻ thù gục gặc tán thưởng. Và nhất là làm cho người dân Afghan đáng thương rơi vào ác mộng – nhất là phụ nữ, như chúng ta đã thấy qua những cuộc xuống đường đòi quyền sống bất chấp bạo lực của kẻ cầm quyền Taliban.

Biden đúng là tổng thống thứ tư trong cuộc chiến hai thập niên này (sau Bush, Obama và Trump), và ông nói ông nhất quyết sẽ hành động để không có người thứ năm phải mắc kẹt vì chiến tranh Afghanistan. Ngay cả trước khi vào Tòa Bạch Ốc vào tháng giêng năm nay, ông Biden đã hiểu Afghanistan sẽ là một quyết định lớn của ông. Theo báo chí, các cố vấn chính trị và quân sự của ông (Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin)  đã cảnh báo rút hết quân Mỹ sẽ dẫn đến hậu quả chính quyền Kabul sẽ sụp đổ nhanh chóng và Taliban lên nắm quyền tức thì. Quân Mỹ ở lại thì đương nhiên sẽ chịu sự tấn công khủng bố của Taliban. Người ta không nghe, hay không được biết, ý kiến của giới quân sự trong Hội đồng An ninh Quốc gia là thế nào. Nhưng Biden đã có định ý, cho nên vẫn công bố quyết định 2.500 quân Mỹ còn lại ở Afghanistan sẽ về lại Mỹ trong hạn kỳ 11-9-2021, đúng 20 năm sau biên cố khủng bố ở New York dẫn đến cuộc chiến nơi xa này. Biden nói mục tiêu của Mỹ đã đạt được, và “nước Mỹ sẽ không còn việc gì có thể làm để xây dựng Afghanistan thành một nền dân chủ vững mạnh”.

Thời điểm này khiến cho Ngũ Giác Đài đẩy mạnh nhịp độ rút quân nhanh hơn. Ngày 2-7, Mỹ trao lại cho quân đội Afghanistan phi trường quân sự Bagram, được xem là một “biểu tượng của sức mạnh quân sự” của Hoa Kỳ. Trong khi đó, Taliban thoải mái chiếm lấy tỉnh này đến tỉnh khác, không có sự kháng cự nào của quân đội Kabul. Vào ngày 15-8, Taliban tiến vào Kabul và nắm quyền lực sau khi Tổng thống Ghani bỏ chạy trốn – một sự sụp đổ mà các giới chức Hoa Kỳ thú nhận nhanh cấp kỳ, ngoài sự tưởng tượng của họ. Ông Biden sau này cũng thú nhận tương tự để bào chữa cho sai lầm của mình. Hoa Kỳ và đồng minh bắt đầu vội vàng di tản công dân của mình cũng như những người Afghan đã giúp họ trong thời chiến. Biden phải gởi trở lại 6.000 lính để bảo vệ phi trường Hamid Karzai trong giai đoạn rút lui đầy hỗn loạn này… Tuy nhiên, dưới áp lực của Taliban, Biden lại phải chiều lòng, giữ hạn kỳ chót là 31-8!  Ngày 25-8, một nhóm khủng bố đã chơi bom tự sát, giết chết 13 lính Mỹ và 169 người đang chờ được lên máy bay. Ông Biden hai hôm sau khoe rằng đã trả thù bằng cách cho máy bay không người lái (drone) hạ sát người cầm đầu khủng bố. Nhưng đến giữa tháng chín, chính quyền Mỹ phải thú nhận vụ phục hận và “tiêu diệt khả năng khủng bồ” của địch là “một mistake” (nếu không nói là dối trá) khủng khiếp nhất: chỉ có mười thường dân chết oan trong vụ trả thù này, trong đó có đến 7 trẻ em. Làm sao chỉ trong một ngày mà có thể oán trả như thế? Không lẽ ông Biden bây giờ cung bắt chước tính cua ông Trump!
 

Tất cả phát biểu của Biden đều là ngụy biện.

Ông nói chỉ thực hiện một thỏa thuận của tổng thống tiền nhiệm với Taliban. Ông không nhất thiết phải thi hành thỏa thuận đó nếu cảm thấy không ổn - nhất là ông có thể đoán đây là  “cái bẩy” của Trump.

Hay ông nói không muốn có tổng thống thứ năm dính vào. Nhưng ông cũng không nhất thiết phải hành động khinh xuất cách đó, Ông còn tới hơn ba năm trong nhiệm kỳ đầu của ông để hành động.

Ông nói Al Qaeda không còn nữa ở Afghanistan, tức mục tiêu của Mỹ đã đạt được. Còn lâu. Chẳng những Al Qaeda còn sờ sờ mà Nhà nước Hồi giáo cũng đã mọc lên ở đây.

Không một tổng thống Mỹ nào đủ can đảm nói phải tiêu diệt Taliban, một lực lượng chính trị phi nhân, là một mục tiêu chính nghĩa bị bỏ sót trong 20 năm qua.

Ông nói không ngờ tổng thống Afghan bỏ trốn và lực lượng quân đội Kabul tan hàng quá mau. Ông phải hỏi chính ông: lực lượng Mỹ rút quá nhanh và giống như tháo chạy vả bỏ rơi. Đó chính là lỗi “kém nghĩ’ của ông không tạo một “decent interval” (tác phẩm của Frank Snepp, chuyên viên tình báo Mỹ ở tòa đại sứ Mỹ ở Saigon năm 1975, viết về việc Nixon rút Mỹ ra khỏi VN) cho Mỹ rút quân, hai phía Taliban và Kabul đã không đạt được thỏa thuận ngưng bắn tạm thời” và xây dựng một chính phủ liên hiệp mới… 

Ông đã không tỏ ra nhân đạo và tình cảm với người dân Afghan, đã từng phấn khởi làm quen với một chế độ dân chủ trong gần hai thập niên qua, nay lại phải trở lại chốn địa ngục trần gian của một chế độ tôn giáo khắc nghiệt, lạc hậu.. Phải chăng điều này ngoài sức ông, một người Mỹ da trắng tuy tin ở “Manifest Destiny” nhưng chưa biết hội nhập với thế giới.
Ông phải biết Afghanistan dù sao cũng là tiền đồn của “Thế giới Tự do” vừa chống sự bành trướng của khủng bố Hồi giáo vừa ngăn chận sự xâm nhập của các thế lực ma quỉ quốc tế của thời đại (Nga và Trung Quốc)… Ông là lãnh đạo nước Mỹ, phải biết trật tự quốc tế đang lung lay muốn sụp đổ từ 2-3 thập niên qua sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Cho nên giữ Afghanistan là một phần của sự tìm kiếm trật tự mới…

Biden không có tất cả những suy nghĩ đó. Người ta nói Biden coi vậy mà cũng giống Trump: America First!
Ông Joe Biden xuất thân từ Delaware, một tiểu bang trước là Cộng Hòa cả thế kỷ, nay chuyển qua Dân Chủ, nhưng chủ yếu là bảo thủ, thuộc thành phần người da trắng về đối nội ủng hộ giới kinh doanh và  đối ngoại thì  ít quan tâm, chỉ  có  “khi vui thì vỗ tay vào”.

Quyết định của ông làm người ta liên tưởng đến câu chuyện 1975. Khi Tổng thống Ford mời một đám thượng nghị sĩ Dân Chủ để hỏi ý kiến về Việt Nam, Thượng nghị sĩ còn trẻ măng Biden quyết liệt nói: Tình hình VN là vô vọng, Mỹ phải rút càng nhanh càng tốt.

Ngày nay, ông nói: Lính Mỹ không có bổn phận hay trách nhiệm gi với phụ nữ Afghanistan.

Vấn đề là ở chỗ, ông là người lãnh đạo, ông phải hiểu ưu tiên việc gì phải làm, việc gì chưa cần làm, cái thuận lợi hay bất lợi trong mỗi quyết định.

Theo thăm dò được hãng Reuters công bố vào giữa tháng chín, khoảng 44% số người được thăm dò còn tín nhiệm ông Biden, nhưng đến 50% thất vọng về ông. Vấn đề không phải là con số 44% là thấp - các tổng thống tiền nhiệm trong năm đầu cũng chẳng khá gì hơn. Vấn đề là ở chỗ lẽ ra ông có thể khá hơn thế, bời vì chỉ mới tháng trước, ông còn 52%!. Thăm dò của Quinnipiac University còn tệ hơn: chỉ có 3 trong 10 người tín nhiệm ông. Có lẽ vì về mặt đối ngoai, ông quậy lên nơi nơi bất kể mà không kiểm soát được hậu quả, về đối nội, ông cứ ỷ y vào một đa số mong manh mà không đi tìm sự hợp tác với đảng đối lập (trong nội các của ông không có ai theo đảng Cộng Hòa), cho nên các vấn đề đại dịch, kinh tế và di dân đều bị tắc tị, trong khi trong xã hội, giới “da trắng thượng đẳng” vẫn còn tin tưởng ở thời vận mà “thiên mênh” đã sắp xếp cho chùng tộc của mình gần ba thế kỷ qua.

Biden không phải là một nhà chính trị theo nghĩa tốt đẹp nhất của hai chữ chinh trị. Ông nói như muốn khóc khi dự lễ truy điệu 13 người lính Mỹ, trong đó có hai nữ quân nhân, đã tử nạn vì khủng bố đánh bom tự sát tại phi trường Kabul. Ông nói cái chết của những người lính trẻ này làm ông nhớ đến con ông. Nhưng con ông chết vì ung thư, Cho nên một người cha của một binh sĩ đã nói: Ông nói về con ông nhiều hơn về những người lính đã chết. Xin ông đừng đem con ông vào đây.  Con chúng tôi chết vì đất nước, vì một quyết định sai lầm, tắc trách…

Ông Biden cũng không bao giờ có thể hiểu được nỗi bi thương của những người bị mất nước và phải sống dưới một chế độ làm cho người ta lạc hồn lạc vía. Như người Miền Nam trước đây, người Afghanistan ngày nay!

Ông chẳng biết thế, mang cái lẩm cẩm của người đã giáp 80, cứ nghĩ mình muốn làm gi cứ làm, chẳng biết con đường mình đi còn bao xa, cho nên bế tắc trong việc chống đại dịch cũng như trong việc quảng bá, thúc đầy mấy gói kinh tế 3.500 tỷ… là phải.
Hoàng Ngọc Nguyên



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top