Hoàng Ngọc Nguyên, MỘT THỜI HƯNG THỊNH CỦA BẠO CHÚA

Hoàng Ngọc Nguyên

MỘT THỜI HƯNG THỊNH
CỦA BẠO CHÚA



Putin đăng quang dù đơn độc, Benjamin “Bibi” Netanyahu


Chiến công của bạo chúa

Ngày chủ nhật 5/5 vừa qua, tại Điện Cẩm Linh ở trung tâm thủ đô Mạc Tư Khoa của Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã một lần nữa chịu khó tổ chức thêm một lần nữa lễ đăng quang cho mình. Đây là lần thứ năm Putin lên ngôi báu. Ông chẳng khác gì một hoàng đế, chỉ khác người thời xưa ở chỗ Nga hoàng chỉ cần một lần lên ngôi báu rồi ngồi chễm chệ trên ngai vàng suốt đời. Putin tuy trong thực tế cũng là tổng thống suốt đời của Nga, nhưng vì chế độ chính trị của Nga nay là “dân chủ”, không còn quân chủ mà cũng chẳng là cộng sản nữa, cho nên cứ 5-6 năm lại có bầu cử tổng thống một lần, và vì thế ông phải ra “tranh cử” trở lại, tuy đơn độc, nhưng chắc ăn, và rồi ông vẫn là người chủ của Điện Cẩm Linh như cũ. Cũng phải khen Putin khéo tay “tu chỉnh” luật pháp nước Nga thời hiện đại, cho nên nhiệm kỳ tổng thống nay được mở rộng tới sáu năm, và công dân Nga được quyền tự do đặc biệt, tranh cử tổng thống bao nhiêu lần cũng được và làm tổng thống bao nhiêu nhiệm kỳ cũng xong. Đúng là nước Nga có nền dân chủ độc đáo, như Putin vẫn nói: nhằm vào cai trị người dân hơn là hơn thua với các đảng phái hay chính khách đối nghịch. Hơn hẳn các nước phương tây có truyền thống dân chủ lâu đời hơn nhưng vẫn khắt khe không chịu cải cách những hạn chế.

      Thực ra, Putin từ bao lâu nay đã nổi lên như một hoàng đế thời hiện đại của nước Nga.  Ông đã bắt đầu nhiệm kỳ thứ năm tại một lễ đăng quang “hoành tráng”, không cần mời bất cứ nguyên thủ quốc gia nào, vì ông ghét nhất là mời mà người ta không đến. Thêm sáu năm nữa ông sẽ ngự trị Điện Cẩm Linh sau khi, như trước đây, tiêu diệt tất cả những đối thủ chính trị, (gần đây nhất trước bầu cử là cái chết được báo trước của nhà tranh đấu Alexei Navalny trong trại “học tập cải tạo” ở Tây Bá Lợi Á). Lý do ông nói ông cần thêm sáu năm nữa là để hoàn thành “chiến dịch hành quân” nhằm chinh phục nước Ukraine đồng minh láng giềng - cuộc “hành quân” này đã trở thành lịch sử vì kéo dài với thời gian kỷ lục, hơn hai năm với một viễn ảnh mù mịt chẳng thể hình dung được. Putin còn nhằm tiến xa hơn trong phát triển nền dân chủ lâu đời kiểu Nga: tập trung tất cả quyền lực vào tay người lãnh đạo để ông ta có thể rộng đường phục vụ người dân, không gặp trở ngại, chống đối. Người dân Nga thời nào cũng biết điều, chẳng riêng gì thời nay. Ngay trong những năm Cách mạng tháng Mười, lực lượng cộng sản đươc hình thành là nhờ ép buộc nông dân phải bỏ nhà bỏ cửa đi theo “cách mạng”.

Đến nay Putin đã cầm quyền gần cả một phần tư thế kỷ (từ năm 1999), là lãnh tụ Điện Cẩm Linh lâu năm nhất kể từ Josef Stalin (1924-1952) một trăm năm trưóc. Nhiệm kỳ mới của Putin sẽ kéo dài tới 2030, và đến lúc đó ông chỉ mới 78, còn trẻ chán, và hầu như chắc chắn ông sẽ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa, nhiệm kỳ thứ sáu (theo quyền hiến định) để tiếp tục hoàn thành những việc dân, việc nước còn dang dở. Thực ra, chúng ta đang sống trong một thời đâu đâu trên thế giới cũng chỉ có người già, càng già càng tốt, mới đủ quyền lực chính trị để nắm quyền lãnh đạo. Cho nên, nếu đến năm Putin 84 tuổi (2036), Putin còn ra nữa, nhiệm kỳ thứ bảy, thì cũng là “chuyện thường ngày ở huyện” (tựa một tiểu thuyết về nếp chính trị tại một nước cộng sản thời xưa). Chưa nói khi Putin được 90, đã ở trong Điện Cẩm Linh 42 năm, thì ông sẽ tính sao!

Tại buổi lễ bên trong Cung điện Grand Kremlin mạ vàng, ông Putin đã đặt tay lên Hiến pháp nước Nga và thề sẽ bảo vệ hiến pháp còn non trẻ này (chỉ mới được 2-3 chục năm so với Hiến pháp Hoa Kỳ 235 năm) trước sự chứng kiến ​​của đám đông các chức sắc được tuyển chọn kỹ càng tham dự buổi lễ này. Putin hùng hồn phát biểu: “Chúng ta là một dân tộc đoàn kết và vĩ đại. Cùng nhau chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại, thực hiện mọi kế hoạch của mình, cùng nhau chúng ta sẽ giành chiến thắng”. Khi nhắc nhở người dân “giành chiến thắng”, ông đã mượn những khoảnh khắc đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ năm của mình để cảm ơn các “anh hùng dân tộc” trong cuộc chiến Ukraine của ông và chỉ trích phương Tây. Ông vẫn cứ nói Ukraine là một nước đồng minh truyền thống của Nga, “vừa là đồng chí vừa là anh em”, cuộc hành quân chỉ nhằm xác định Ukraine từng thuộc về nước Nga, và sở dĩ cuộc chiến kéo dài là vì sự can thiệp có tinh phá hoại của các nước phương Tây. Tuy nhiên, Nga là một nước “yêu chuộng hòa bình”, cho nên “không từ chối đối thoại với các nước phương Tây”. Đúng hơn, ông nói, “sự lựa chọn là của họ: họ vẫn có ý định tiếp tục cố gắng kiềm chế Nga, tiếp tục chính sách xâm lược, gây áp lực liên tục lên đất nước chúng ta thay vì tìm kiếm con đường hợp tác và hòa bình”.

Nước Nga là một nước có truyền thống đế chế và cả bạo chúa, cho nên hiện tượng Putin chẳng có gì là lạ: tàn sát đối lập, diệt chủng các dân tộc đối nghịch và xâm lăng các nước láng giềng nhằm mở rộng lãnh thổ, cho nên đương nhiên coi sinh mạng ngưòi dân, người lính của mình chẳng ra gì, và dĩ nhiên càng thẳng tay diệt chủng với người dân, người lính của người. Kể từ khi kế nhiệm Tổng thống Boris Yeltsin vào những giờ phút suy tàn năm 1999, Putin đã biến nước Nga từ một nước đang nổi lên từ sụp đổ kinh tế thành một quốc gia tự cô lập, ruồng bỏ sự hòa hợp với thế giới mới hậu chiến tranh lạnh, từ đó nước Nga “mới” có thể mạnh dạn đe dọa an ninh toàn cầu.

Putin chẳng che dấu tham vọng tái lập đế quốc Nga từng có dưới thời còn Liên Xô (14 tiểu quốc trong liên bang cùng với 7 nước vệ tinh Đông Âu) mà sự sụp đổ của Liên Xô năm 1990 đã làm cho đế quốc này tan rã. Cuộc xâm lược Ukraine từ tháng hai năm 2022 đã trở thành cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Đệ nhị Thế chiến, Nga đã bị phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ trừng phạt nặng nề và đang quay sang các chế độ khác như Trung Quốc, Iran và Triều Tiên để được hỗ trợ. May cho Ukraine là Donald Trump đã phải ra đi sau bầu cử năm 2020 cho nên Putin mất chỗ dựa. Câu hỏi bây giờ là ông Putin, 71 tuổi, sẽ làm gì trong sáu năm nữa, cả trong và ngoài nước. Lực lượng Nga đang chiếm ưu thế ở Ukraine, triển khai chiến thuật tiêu thổ khi Kyiv vật lộn với tình trạng thiếu quân và đạn dược. Cả hai bên đều đang chịu thương vong nặng nề. Ukraine đã đưa trận chiến vào đất Nga thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, đặc biệt là ở các khu vực biên giới.

Putin đúng là một bạo chúa khủng khiếp nhất thế giới hiện nay trong một thế kỷ 21 người ta tưởng là an bình vì chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Đương nhiên Mỹ và tổng thống Joe Biden phải xem Putin là mục tiêu số 1 trong chiến lược sống còn mà Mỹ phải dồn sức vào chống những thế lực quốc tế độc tài quân phiệt (Nga, Tàu, Iran, Bắc Triều Tiên) đang muốn tiêu diệt những giá trị độc lập, dân chủ toàn cầu, mà trước mắt chính là thách đố phải bằng mọi giá giúp cho Ukraine xua đuổi quân Nga xâm lược trong ý đồ tàn nhẫn của bạo chúa Putin.

Hãy tưởng tượng Mỹ và Tây Âu vào đầu cuộc chiến (ngày 22-2-2022) bỏ rơi Ukraine để cho Nga xâm chiếm nước này, từ đó Putin mở rộng sự bành trướng đế quốc không chỉ trên vùng Liên Xô và Đông Âu cũ mà còn nhòm ngó cả những nước Địa Trung Hải và Trung Đông (Liên Xô từng lao vào Afghanistan cách đây nửa thế kỷ!). Hiểu như thế chúng ta mới thấy sự ngu xuẩn vô kể của dân biểu MAGA số 1 Marjorie Taylor Greene khi nhất quyết đòi truất phế Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson vì ông ta “phản bội” đảng Cộng Hòa khi “đi với” đảng Dân Chủ trong chủ trương tăng viện cho Ukraine. Chúng ta còn nhớ năm ngoái, cũng chỉ vì Cộng Hòa đình hoãn viện trợ cho Ukraine mà nước này nay cạn kiệt vũ khí. Nay MTG cũng muốn làm “nữ anh hùng MAGA” cho nên vung tay múa chân, thế nhưng ngày 8/5, Hã Viện đã bác bỏ luận điệu ngu ngốc đó với số phiếu 359/43 để ông Johnson giữ ghế chủ tịch của mình.

Ít nhất 50.000 quân Nga đã bỏ mình trên đất Ukraine khiến cho quân số nước Nga thiếu hụt trầm trọng. Người dân Ukraine thì đang điêu đứng sống trong đe doa thường trực của chiến tranh, và ít nhất hàng ngàn thường dân đã bỏ mình. Mặt khác, theo thông báo cách đây gần ba tháng (21-2), 31.000 quân Ukraine đã tử trận. Biết bao thành phố đã sụp đổ - cả hai bên. Bạo chúa nào nao núng trước cảnh ngộ đó của đất nước!

Thế nhưng Putin không phải là bạo chúa duy nhất mà ông Biden với tư cách là tổng thống Mỹ, là lãnh đạo Thế giới Tự do, phải đương đầu. Thế giới này vẫn còn không ít bạo chúa (Nguyễn Phú Trọng chẳng hạn), nhưng chẳng phải tên nào cũng có thể làm cho chúng ta lo lắng. Putin dĩ nhiên cũng đáng lo nhưng không mới, không lạ.

Một bạo chúa được xem là mới nổi, cho dù đã hiện lên từ lâu, đáng được nói hơn, cần phải quan tâm nhiều hơn, chính là người lãnh đạo một nước đồng minh gần gũi nhất của Mỹ: Israel. Tuy Do Thái vẫn được xem là một nước dân chủ gần gũi với phương Tây, Benjamin Netanyahu ngày càng làm người ta ngán ngẩm nước này và thấy bế tắc trong sự tìm kiếm giải đáp cho cuộc khủng hoảng trên vùng đất Gaza.

Trước hết, đã từ lâu, Netanyahu không che dấu bản mặt bạo chúa của mình. Về chính trị nội bộ, ông ta chủ trương độc tài, cho những đảng đối lập đứng ngoài, hạn chế vai trò của Tối cao Pháp viện. Năm nay 75, ông đã cầm quyền ít nhất ba lần tại Tel Aviv. Đối với người Palestine, Netanyahu chủ trương dồn ép cho họ di cư đến những nước Hồi giáo láng giềng để cho người Do Thái chiếm hết đất trong nước. Cụ thể, ông khuyến khích người Israel đổ xô đi định cư ở vùng đất Tây ngạn sông Jordan, xua dân (Palestine), lấn đất (của người Palestine) nơi nơi. Ông ta cũng chủ trương cô lập người Palestine ở dãi Gaza đề cho họ không ngóc đầu lên được. Phải thấy chính chính sách bạo ngược đối với người Palestine trên một đất nước trước đây là của họ khiến cho phiến quân Hamas nổi dậy.

Trong cuộc tấn công khủng bố bất ngờ ngày 7-10-23 của phiến quân Hamas, số người Do Thái bị chết là 1.139. Sau đó thì Israel đã kiểm soát toàn bộ cuộc diện và truy bức quân địch trong hơn sáu tháng qua. Nhưng không chỉ truy kích địch, Israel mượn dịp này để tàn sát người Palestine và xua họ vào cõi chết - không chỉ trên dãi Gaza mà còn qua vùng Tây ngạn sông Jordan. Số người dân Palestine đã chết nay lên đến 35.000 - phần lớn là đàn bà và trẻ em.

Netanyahu có đủ lý do để ngưng chiến vì phiến quân Hamas đã tan tác, đời sống người dân Palestine ở dãi Gaza đã khốn cùng, nhà cửa sụp đổ, công ăn việc làm không có và đói rét lan tràn. Thế nhưng Netanyahu nhất định xem đây là cơ hội diệt chủng đối với người Palestine. Bởi thế mới có chuyện bắn giết hàng trăm người Palestine đang chen chúc nhận cứu trợ. Hay tiêu diệt cả đoàn xe của những người giàu lòng nhân ái sẵn sàng đi vào chốn lửa đạn cứu trợ những người vô phước. Netanyahu cũng biết Mỹ không bao giờ dám bỏ Israel vì nhiều lý do ở ngay Washington D.C. Những thế lực chính trị, kinh tế, giáo dục của Israel khiến cho ông Biden cứ phải lắp bắp nói không ra lời. Trên nhiều đại học ở Mỹ, chúng ta đã chứng kiến một cuộc “nội chiến” phức tạp, lạc lỏng, xa lạ: những cuộc xuống đường và nằm vạ trên các sân trường của nhũng người da trắng chống Do Thái chưa bao giờ tràn ngập như thế, và những người ủng hộ Israel cũng không vừa, cũng xuống đường phản ứng. Tuy nhiên phản ứng có hiệu quả, nguy hiểm hơn chính là từ giới quyền thế và tài phiệt ở Mỹ.

Đó chính là lý do khiến cho nhiều người cứ phải mong đợi “Rồi có một ngày, sẽ một ngày, chinh chiến tàn”. Thế nhưng Netanyahu không thấy được, không hiểu được đã đến lúc ông ta nên vỉ đất nước mà ngừng tay, ông ta nên vì lợi ích của nước Mỹ bảo trợ mà ngưng tay (nước Mỹ còn bao nhiêu điều khác phải lo nghĩ, ông Biden đang còn mất ăn mất ngủ vì bao chuyện sống còn của đất nước Mỹ và của chính ông). Nhưng Netanyahu không nghĩ gì cả, chỉ biết nghĩ đến mình.

Thử thách hầu như cuối cùng đã đến cho Mỹ và Israel khi Netanyahu muốn tấn công vào vùng Rafah ở phía cực nam của dãi Gaza mà ông ta vẫn xem là “căn cứ địa” địch. Thực ra, đó là địa phận sống còn cho người dân Palestine tuyệt vọng đang muốn tìm sinh lộ. Nhưng Biden xem cuộc tấn công này là giọt nước tràn ly. Cho nên ông đưa ra lời cảnh cáo ngắn gọn, không đủ và không cần hay không tiện giài thích thêm nhưng người ta vẫn có thể hiểu tại sao có “tối hậu thư” này: “Nếu Israel tấn công vào Rafah, Mỹ sẽ ngưng viện trợ vũ khí hạng nặng”.

Đáp lại, Benjamin Netanyahu tuyên bố có vẻ “thiếu tính nghĩa”: Israel có thể "đứng vững", sau khi Mỹ cảnh báo các chuyến hàng vũ khí có thể bị dừng lại nếu ông ra lệnh tấn công toàn diện vào Rafah ở Gaza. Hàng ngàn người đã chạy trốn khỏi thành phố phía nam sau khi quân đội Israel bắt đầu cái mà họ gọi là chiến dịch "có giới hạn". Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần cảnh báo hoạt động này, cho rằng nó sẽ vượt qua "ranh giới đỏ". Tuy nhiên, ông Netanyahu đã bác bỏ cảnh báo của Mỹ và nói rằng Israel sẽ tiếp tục chiến đấu. Thủ tướng nói: “Nếu cần… chúng tôi sẽ đứng một mình. Tôi đã nói rằng nếu cần, chúng tôi sẽ chiến đấu bằng móng tay của mình”. Điều đáng nói là Netanyahu được mấy ông thượng nghị sĩ Cộng Hòa của Mỹ ủng hộ. Họ nói rằng ông Biden đã “hành động quá đáng”.

Lẽ ra hai bên phải “đóng cửa dạy nhau”. Khi mở cửa như thế, gió lùa vào. Ai đây phải chịu?

Hoàng Ngọc Nguyên

 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top