Hoàng Ngọc Nguyên, KHI CHÚNG TA NHÌN LẠI

KHI CHÚNG TA NHÌN LẠI

Hoàng Ngọc Nguyên (www.saigonweeklyonline.com)




Trong tuần này, trong loạt bài đã kéo dài hơn một năm nay, “Vietnam 67”, tờ The New York Times đã đăng một bài viết có tựa “Tại sao người Nga có mặt ở Việt Nam”. (Why were the Russians in Vietnam) mà tác giả là Sergey Radchenko, một giáo sư lịch sử người Nga tại Đại học Wales, Anh quốc. Tôi đã đặc biệt chú ý đến bài viết này, và đương nhiên phải có lý do cho sự quan tâm này.

Nhật báo hàng đầu này của Mỹ đã tung ra loạt bài “VN ‘67” từ đầu năm ngoái, kỷ niệm 50 năm cuộc chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn khốc liệt nhất vì Mỹ đang gia tăng quân số ở Miền Nam và tiến hành chiến tranh “search and destroy” (lùng và diệt địch) nhằm vào du kich Việt Cộng cũng như quân Miền Bắc theo đường mòn Hồ Chí Minh đang “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” tăng cường cho “lực lượng giải phóng” ở Miền Nam. Bao nhiêu người trong chúng ta còn nhớ năm dó? May ra những người trong thế hệ “baby-doom” (“đẻ hết nổi” - sinh trong khoảng 1945-1953) hay thế hệ “tiền chiến” (trước 1945) còn có thể nói được đó là một năm chấm dứt căn bệnh xuống đường của môn phái tham sân si của Phật giáo, một năm có  bầu cử tổng thống và Quốc Hội lưỡng viện, mở màn cho Đệ nhị Cộng hòa của chúng ta. Về chiến tranh, chúng ta có thể nhớ đến những địa danh Khê Sanh, Cồn Thiên, Ashau, Bình Long… Và một thời buổi khó khăn kinh tế khi công chức phải tìm đến gạo Mỹ ở Tổng cục Tiếp tế… Còn những người nay dưới 55, họ biết gì? Và có cần biết chăng? Hỏi tức là trả lời!

Có người sẽ nói rằng nay chúng ta đã là “người Mỹ gốc Việt” rồi, có gì mà phải nhớ đến câu chuyện xa xưa đó.  Những người này hẳn quên rằng “người Mỹ gốc Việt” chỉ là cái vỏ bên ngoài, và bây giờ nhiều người không hẳn là chúng ta vẫn có thể gọi mình là người Mỹ gốc Việt. Cái ruột của chúng ta, hay cái gốc của chúng ta, cái căn cước, cái quá khứ đã làm nên hiện tại cho chúng ta, cho con cháu chúng ta, chính là những người Việt “tự do” hay người Việt “quốc gia”. Những người đã từng sống và chiến đấu dưới cách này hay cách khác cho công cuộc đấu tranh để tồn tại, sống còn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, và rồi phải bỏ nước ra đi,  nhiều người phải liều mạng sống để đi tìm một cuộc sống có những giá trị có tính lý tưởng: tự do và quốc gia. Tự do đối nghịch với sự áp bức, nô lệ trong chế độ cộng sản. Quốc gia tương phản với cộng sản ở chỗ chúng ta xem đất nước là trọng, trong khi địch chỉ nghĩ đến “chuyên chính vô sản” trên nền tảng ý thức hệ tam vô. Nước Mỹ vẫn xem “liberty” là một giá trị chính trị cao nhất trong nền dân chủ Mỹ, không thể thỏa hiệp được. Khi xac nhận chúng ta là người Việt tự do, người Việt quốc gia, đó cũng là cách chúng ta giải thích với người Mỹ tại sao chúng ta có mặt ở đất nưóc này “land of the immigrants”. Chúng ta qua cầu nhưng không rút ván!

Đối với Nước Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ là thử thách của một thời, cho dù là một thử thách có tính lịch sử cho nên họ nay đang nhắc lai - mỗi khi có dịp. Còn chúng ta? Cuộc chiến tranh này làm chúng ta mất nuớc, mang thiên thu mối hận ly hương thứ hai. Làm sao chúng ta lại có thể đang tâm làm ngơ trước một dịp “đối thoại với lịch sử” như thế? Khi nhìn lại quá khứ như thế, chúng ta mới có thể hiểu được hiện tại chúng ta phải sống như thế nào, phải làm gì, và đối với tương lai, chúng ta vẫn phải tâm nguyện, phải “cầu trời khấn Phật” cho một tương lai đất nước thế nào cho những thế hệ về sau này. Bởi vậy mà trong tất cả các dịp họp mặt cộng đồng hay giữa người Việt chúng ta, dù bất kể nơi nào, kể cả nhà thờ hay chùa, chúng ta vẫn phải mong chờ được nhìn thấy bay phất phới lá quốc kỳ một thời của chúng ta, và nghe bài quốc ca vẫn còn âm hưởng vang vang mãi mãi trong lòng chúng ta. Để có thể xác định được mình là ai và thấy được một điểm chung rất lớn để chúng ta có thể gần với nhau.

Những người Việt còn biết ít nhiều cuộc chiến tranh VN nay hẳn phải 60 hơn, phần lớn là trên 70. Loạt bài VN ’67 hẳn phải giúp chúng ta kiểm soát được những nguy cơ dementia (mất trí) của người già, để giúp chúng ta còn nhớ được mình là ai để cho mình có thể nghị đúng, làm đúng, lành cho sạch, rách cho thơm. Và sau khi theo dõi một thời gian dài như thế, chúng ta sẽ thấy tờ báo The New York Times này đã sai lầm khi mở ra loạt bài VN ’67 thay vì VN ’68. Và sai lầm một cách có ý thay vì vô tình. Tờ báo này đánh dấu 50 năm cuộc chiến bằng loạt bài này, vì họ cho rằng năm 1967 đánh dấu sự bế tắc, thất bại của người Mỹ tại VN. Không! Năm 1967 là năm mở ra một  hy vọng tràn trề cuộc chiến đang tiến đến một chương mới khi địch đã bị khống chế, đường phố Saigon đang yên ổn dần, chính trị Saigon đang ổn định và kinh tế đã có thễ thấy một hướng kỹ nghệ hóa hướng vể xuất cảng. Chính năm 1968 oái oăm thay đã mở ra một chương mới, nhưng không đúng như sự mong đợi xứng đáng cua chung ta, 1968 là năm khởi đầu của chương “Việt Nam hóa chiến tranh” dẫn đến sự bỏ cuộc “thiếu anh hùng” của Mỹ tại VN vào tháng giêng năm 1973.

Thay vì mở ra một loạt bài “what’s wrong with 1968” (Năm 1968 tầm bậy ở chỗ nào) để có thể soi sáng lịch sử,  người ta lại tung ra “VN ‘67”.



 Những tác giả tham gia loạt bày này đều khá quen thuộc, và quan điểm của họ còn quen thuộc hơn nữa – chúng ta đã từng nghe trong những năm chiến tranh, và cả những năm sau đó. Tựu trung, họ đã qui chụp cho Tổng thống Johnson tội lừa dối người dân Mỹ (trong vụ Vịnh Hạ Long thang 8-1964), đổ lỗi cho ông Johnson phiêu lưu, đã làm cho nước Mỹ sa lầy ở chiến tranh VN, một cuộc chiến không có chính nghĩa, người dân Miền Nam không đồng tình, lãnh đạo ở VN không tập trung, người Mỹ không có chủ trương rõ rệt, trong khi Cộng Sản Miền Bắc được dân chúng ủng hộ, có quyết tâm và sẵn sàng hy sinh theo kiểu Hồ Chí Minh (Còn non còn nước còn người). Ví dụ như họ phê bình bầu cử ở Miền Nam năm 1967 “không tự do”, nhưng đồng thời lại chỉ ra số phiếu của ứng cử viên tổng thống có chiêu bài “hòa bình” và “thỏa hiệp” là Trương Đình Dzu như một chỉ dấu người dân không tán đồng chiến tranh. Và không bao giờ đặt ra câu hòi ở Miền Bắc có bầu cử hay không!
Trong tác phẩm “The closing of the American Mind”, tác giả Allan Bloom đã nói đến sự kiện đầu óc người Mỹ đã khép lại vì lối giáo dục đại học hiện nay. Trái với suy nghĩ lâu nay của chúng ta là giáo dục Mỹ khuyến khích suy nghĩ tự do, độc lập, sáng kiến, theo tác giả người giảng dạy đã tìm cách giới han sự suy nghĩ của người học trong cách “populist” (đại chúng) có tính “tập quán tư duy”. Có nghĩa là giới “thức giả” của Mỹ đã tự hủy trong những thành kiến, và không chịu nghĩ rằng với thời gian, người ta có thể nhìn lại những suy nghĩ, kết luận mình từng có. Lãnh đạo cộng sản Liên Xô Nikita Khruschev trước đây nhờ chủ nghĩa xét lại mà nước Nga thoát khỏi bóng ma Stalin. Ở Mỹ hình như người ta không bàn đến chuyện xét lại (Đệ nhị Tu chánh án cứ còn đó). Bởi thế mà chúng ta thấy trong cách các sử gia hay tác giả chính trị Mỹ nhìn lại cuộc chiến tranh VN, người ta đã “vũ như cẩn” thay vì thích nghi với những thay đổi trong tình thế nước Mỹ và thế giới trong nửa thế kỷ qua.

Hãy xem lại cuộc chiến tranh Việt Nam. Chúng ta còn khá hơn nhiều người Mỹ vì ít nhất chúng ta đã dám “điều chỉnh” nhãn quan của mình. Sau gần 43 năm cuộc chiến chấm dứt, chúng ta đã có thể có một cái nhìn không hẳn là mới hơn, nhưng đã được mở rộng về cuộc chiến của chúng ta. Ví dụ: đó đúng là cuộc chiến trước hết là của chúng ta, do đó trước hết chúng ta phải nhận trách nhiệm của mình là chính, trước sự thất bại đến mức phải bỏ nước ra đi. Trách nhiệm của chúng ta là cách nói chung chung; mỗi thành phần trong xã hội, trong đất nước phải nghiêm chỉnh thấy phần “lỗi tại tôi” của mình. Và đương nhiên, chúng ta cũng phải có cách nhìn về trách nhiệm của người Mỹ. Một điều dễ thấy nhất là chúng ta hãy thừ đặt câu hỏi người Mỹ có “biết người biết ta” chăng.

Biết ta phải bao gồm chính mình và đồng minh. Có lẽ người Mỹ chưa biết đủ mình, bằng chứng là phong trào phản chiến cùng sự lãnh đạo mâu thuẫn mà ta đã biết qua Pentagon Papers. Người Mỹ càng không biết được đồng minh Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, bởi thế mà họ không đối thoại một cách thẳng thắn được với những người ở Saigon, từ hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, đến những tướng tá nhếch nhác sau này như Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh…”Đây là cuộc chiến sống còn của Miền Nam của quí vị cho nên quí vị phải tự liệu. Chúng tôi chỉ giúp khi quí vị thực sự sẵn sàng. Chúng tôi chỉ giúp khi quí vị tập hợp được sức mạnh toàn dân”. Lãnh đạo và người dân Miền Nam chưa được sự dứt khoát, cứng rắn chúng ta đã thấy ở Nam Triều Tiên.

Chúng ta cũng thấy người Mỹ chẳng “biết người” (know thy enemy). Họ không hiểu những người ở phía bắc vĩ tuyến 17. Họ không hiểu được bản chất phản bội, lừa dối, sát nhân của Cộng Sản Hà Nội trong tham vọng bá chủ Đông Dương. Sự nghèo đói ở miền bắc, chết chóc của người dân ở cả hai miền không làm cho Việt Cộng nao núng. Đến bây giờ họ cũng chẳng biết gì hơn về “người”. Cho nên ông Trump có thể đi Hà Nội gặp Kim Jong Un, chủ tịch của Bắc Triều Tiên, là nước đồng minh ẩn mặt lớn nhất của Miền Bắc trong cuộc chiến tranh VN.

Chúng ta người Việt Tự do đã thay đổi suy nghĩ của chúng ta, nhưng phần lớn người Mỹ không thay đổi mấy cách nhìn của họ 50 năm trước về Chiến tranh VN. Người ta đã “vũ như cẩn” thay vì thích nghi với những thay đổi trong tình thế biến chuyển đổi đời của nước Mỹ và thế giới trong nửa thế kỷ qua. Lẽ ra người ta phải thấy như thế nào sự tan hoang của Miền Nam nói riêng và VN nói chung vì biến cố 1975. Ít nhất họ phải hiểu vì sau hàng trăm ngàn người đã tức thì bỏ nước ra đi! Họ đã thấy ASEAN đứng vững được như thế nào trong các thập niên 60 và 70 nhờ Chiến tranh VN. Họ đã thấy sự sụp đổ của khối Cộng Sản quốc tế vào cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 nhờ một thế giới tự do đứng vững và c2ấm chân địch - chỉ hy sinh một tiền đồn. Họ càng phải thấy sự lạc hậu và thoái hóa, suy đồi chính trị của VN hiện nay để suy gẫm về cuộc chiến VN, “bên thắng cuộc” bản chất, bộ mặt “trọng nghĩa” thật là thế nào.

Một trong những đề tài nhiều tranh cãi về cuộc chiến tranh VN là tại sao Mỹ không dám làm tới, làm nhanh, đánh mau, đánh mạnh mà cứ “tự chế”. Người bình thường đều có thể thấy Nga và Tàu (Liên Xô và Trung Cộng) đứng sau lưng Bắc Việt, ủng hộ Hà Nội hết mình về vũ khí cũng như về kinh tế. Bởi thế mà vũ khí của địch luôn luôn đầy đủ, thừa thải và hiện đại hơn Miền Nam. Súng AK47 địch có từ lâu, trong khi Miền Nam sau 1968 súng M16 mới phổ biến. Địch tha hồ đánh pháo vào thành phố và các đơn vị đóng quân của chúng ta. Rõ rệt chiến tranh VN là một chiến trường trắc nghiệm cho cả Lien Xô lẫn Trung Cộng. Với chính sách đi giây xiếc thành công của Bắc Việt lợi dụng xung đột Nga Hoa sau thời Stalin, Nga và Trung Cộng đổ khí giới và lương thực vào Miền Bắc không giới hạn, gạo cho người ta ăn, đủ hay dư súng đạn cho ngưòi ta đánh. Trong khi đó, Mỹ cứ sợ làm cho Moscow và Bắc Kinh mất lòng, cho nên chủ trương chiến tranh giới han, chiến địa không dám mở ra bắc, oanh tạc không dám sát biên giới Hoa… Tổng thống Richard Nixon vẫn được xem là Tricky Dick, nhưng khá ngu xuẩn trong hai chuyến đi Bắc Kinh và Moscow trong năm 1972, cho nên chẳng những ra về tay không mà còn bị ràng buộc về chuyện rút quân, giải giới… Sau này, như ta đã hiểu, chính vì chuyện hai nước Nga Hoa kể công với Hà Nội mà có xung đột hơn cả thập niên giữa Hoa Việt. Moscow lại đổ tiền ra để chi viện cho Việt Nam Cộng Sản đứng vững, lại còn mắc cuộc chiến Afghanistan. Bởi thế cuôi cùng Liên Xô sụp đổ vì không thể làm người hùng           quốc tế như Mỹ.

Bài báo “Tại sao người Nga có mặt ở VN” có lẽ cũng không ngoài những gì chúng ta vẫn nghĩ, nhưng người Mỹ thời đó không dám nhìn thẳng vào sự thật do đó không có đáp án thích đáng trước sự thách đố của hai nước cộng sản đứng đầu: Liên Xô và Trung Cộng.         
Hoàng Ngọc Nguyên


 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top