Hoàng Ngọc Nguyên
HIỂM HỌA MAGA
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.
Thật tình cờ ngày chủ nhật 18-9, hai tờ báo lớn nhất của nước Mỹ, The New York Times và Washington Post, đều có bài có tựa giống nhau và nội dung cũng khá giống nhau.
Tở NYT: “Echoing Trump, these Republicans won’t promise to accept 2022 results” (Nói theo Trump, những người Cộng Hòa (CH) này không hứa chấp nhận kết quả bầu cử 2022). “Sáu ứng cử viên CH tranh cử thống đốc và Thượng Viện tại những tiểu bang chủ yếu trong bầu cử giữa mùa, tất cả được Donald Trump ủng hộ, không cam kết chấp nhận kết quả tháng 11”.
Tờ WP: Republicans in key battlegrounds races refuse to say they will accept results” (Những người CH tranh cử tại những tiểu bang chiến địa chủ yếu từ chối nói sẽ chấp nhận kết quả). Trong 19 ứng cử viên CH mà WP đã phỏng vấn, đến 12 người từ chối trả lời hay không chịu cam kết. Phần lớn người Dân Chủ (DC) nói họ sẽ tôn trọng kết quả bầu cử.
Những ứng cử viên CH Maga theo ông Trump đương nhiên phải ăn nói, hành xử theo sách của Trump. Chưa có bầu cử mà đã nói như thể đã có bầu cử gian lận.
Ông cựu tổng thống vốn là người kinh doanh, nay đã là nhà chính trị nhưng vẫn để lộ gốc gác của mình. Ông chẳng phải là một nhà kinh doanh thành công lớn (Forbes đánh giá tài sản của ông chỉ có 2.5 tỷ, không đưa ông vào danh sách 400 người giàu nhất), nhưng tiểu sử cũng như các vụ án hiện nay đều thể hiện con người lươn lẹo, bòn rút của ông: thổi phồng tài sản để dễ vay mượn, khai thua lỗ để trốn thuế, và kỳ kèo đến phút cuối để trả giá… Ông vẫn mang phong cách đó khi bưóc vào chính trị với cuộc tranh cử tổng thống năm 2016 mà đối thủ là bà Hillary Clinton. Ông ta mạnh miệng nhờ ông thầy Vladimir Putin nắm chóp bà Clinton. Sau đó, chưa bầu cử mà ông cũng nói “bầu cử gian lận” vì cứ nghĩ ông ta sẽ thua. Sau bầu cử, tuy thắng được nhờ số phiếu cử tri đoàn, nhưng thua bà Clinton đến 4 triệu phiếu phổ thông, Trump đổ ngay cho “bầu cử gian lận”. Ông còn chỉ đích danh California, Virginia và New Hampshire, đương nhiên là những nơi ông ta thua phiếu (Làm sao ông ta thua phiếu được nếu không có bầu cử gian lận – lý luận đơn giản).
Trong bầu cử năm 2020, từ tháng năm (5-6 tháng trước ngày bỏ phiếu), Trump cũng nói “2020 sẽ là năm bầu cử gian lận lớn nhất trong lịch sử” (the greatest Rigged Election in history) bởi vì thăm dò đều cho thấy ông ta thua điểm ứng cử viên DC Joe Biden. Ông còn tố cáo hai tiểu bang chiến địa là Michigan và Nevada, đang giúp chuyện bầu cử gian lận bằng cách tạo điều kiện cho việc gởi phiếu qua thư (mail-in ballots). Trong ngày bầu cử 3-11, chỉ mới tối đầu tiên, vào khoảng 11 giờ đêm, Trump đã vội tổ chức tiếp tân, thông báo và ăn mừng chiến thắng mặc dù hàng triệu phiếu chưa được đếm và đến 5-6 tiểu bang tranh chấp có tính quyết định chưa công bố kết quả. Chỉ vài tiếng sau đó, vào khoảng 2:30 sáng thứ tư, bẽ bàng với những kết quả mới thuận lợi cho ông Biden, Trump đã đưa ra một phát biểu tại Tòa Bạch Ốc: “Đây là sự gian lận với công chúng nước Mỹ. Đây là sự phũ phàng đối với đất nước của chúng ta”. Sau đó, Trump leo thang, “phán quyết” ngay: “Chúng ta sẽ kiện lên đến Tối cao Pháp viện. Chúng ta muốn tất cả bầu cử phải ngưng lại”.
Chúng ta đều biết Trump đã nhập tâm thế nào với chuyện “bầu cử bị đánh cắp” – cho đến giờ phút này – và đã phản ứng tai tiếng như thế nào. Ông ta tìm cách buộc Bộ Tư Pháp bác bỏ cuộc bầu cử mặc dù Bộ trưởng Tư pháp thời đó William Barr đã khẳng định “Không có bằng chứng bầu cử gian lận” và từ chức; lại đi năn nỉ xin lãnh đạo tiểu bang Georgia kiếm thêm cho ông phiếu hơn 11.000 phiếu để thắng Biden ở tiểu bang này nhưng câu trả lời là “Kkông có làm sao kiếm”; và tệ hại nhất là tổ chức bạo loạn cho hàng ngàn phần tử Cộng Hòa Maga tràn ngập Capitol Hill để phá hoại việc Quốc Hội chính thức công bố kết quả bầu cử vào ngày 6-1 – tai tiếng nhất là ông ta lên tiếng đồng tình với việc người bạo động đòi treo cổ Phó Tổng thống Mike Pence.
Những ứng cử viên theo Trump đương nhiên thừa biết hơn một năm nay Hạ Viện đã có một ủy ban đặc biệt tiến hành điều tra Trump chủ mưu gây bạo loạn 6-1 tại tòa nhà Quốc Hội, đồng thời tiểu bang Georgia cũng đang điều tra Trump về âm mưu gian lận phiếu để ông ta thắng cử tại tiểu bang này. Thế nhưng những ứng cử viên này, thay vì phải tránh xa chuyện đó, thì lại mạnh miệng nói “không sẵn sàng chấp nhận kết quả bầu cử”.
Donald Trump và những người cuồng Trump nói theo ông về “bầu cử gian lận” không có ý thức về sĩ diện quốc gia. Nước Mỹ không phải là một nước độc tài chuyên chính, cũng không phải là một nước “cộng hòa chuối” (banana republic) ở Trung Mỹ hay Nam Mỹ. Nước Mỹ vẫn đưọc thế giới tôn trọng là một nước dân chủ lâu đời nhất và bầu cử dân chủ ở Mỹ là một nét đặc thù hiếm có. Và nay thì người ta phải lắc đầu chẳng thể tưởng được ở nước Mỹ mà có được hiện tượng Trump và quần chúng cuồng Trump! Tuy nhiên, thực ra, CH Maga, quần chúng cuồng Trump là một “thực thể” đã có từ lâu nếu chúng ta nhận chân chủ trương “white supremacy” (da trắng thượng đẳng) lâu đời, từ thời người ta tin ở “Manifest Destiny” (Số trời đã định) và phát động nội chiến… Thực chất của niềm tin này là “Christian nationalism” (chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc giáo) mà người da trắng ở Mỹ đã cổ xúy từ lâu. Thời thế đã làm tái bùng phát chủ nghĩa chủng tộc cực đoan của người da trắng, từ đó nổi lên Donald Trump, nhưng Trump cũng là yếu tố kích thích sự bùng phát của thời thế.
Một câu hỏi thú vị là ai cần “bầu cử gian lận”? Trả lời câu hỏi đó, chúng ta còn phải tìm giải đáp cho câu hỏi khác: “Bầu cử gian lận” là gì theo những người tố cáo? Một vài phần tử Maga vẫn vu cáo có những viên chức tổ chức bầu cử hay đếm phiếu đã tìm cách thủ tiêu những phiếu bỏ cho Trump bằng cách này hay cách khác. Họ cũng đặt điều người ta ôm những thùng phiếu của những nơi ủng hộ CH bỏ vào thùng rác. Những tố cáo này không có được một bằng chứng nào cả. Rồi có những lời tố giác một vài lá phiếu mang tên của những người đã chết, trong khi vấn đề thực sự là muốn chứng minh bầu cử gian lận, người ta phải nêu ra được một cách có hệ thống có hàng trăm, hàng ngàn lá phiếu bất hợp pháp.
Vấn đề đối với những ứng cử viên CH Maga là ở chỗ nếu chỉ dựa vào quần chúng của mình, người ta có thể sẽ không đủ phiếu. Ít nhất, người CH không theo Maga là cần đối với nhửng ứng cử viên CH Maga, nhưng càng ngày càng khó tin những người CH ôn hòa lại bỏ phiếu cho người “cầm chuông”. Trong khi đó, những ứng cử viên Maga phải đối mặt với khối cử tri DC, gồm không chỉ người DC da trắng, mà còn Mỹ da đen, Mỹ Latino, hay Mỹ-Á … Cho nên họ phải tìm cách loại bớt những phần tử “bầu cử gian lận” trong khối này, nhất là vì họ vẫn có niềm tin “truyền thống” chỉ có người da trắng mới được Thượng Đế cho quyền công dân đi bầu.
Người CH Maga đều là con cháu của Tào Tháo, cho nên vẫn mang dòng máu đa nghi: họ tố người DC da trắng là “người Mỹ tả khuynh xã hội chủ nghĩa” trong khi thực ra con người “xã hội chủ nghĩa” ngày càng hiếm, ngay cả ở Nga, ở Tàu, ở Việt Nam cũng không còn nữa; họ xem dân Latino ai cũng là di dân lậu và chế diễu luật “giấc mơ Mỹ” mà cựu Tổng thống Barack Obama từng sáng chế cho thanh thiếu niên Latino bất hợp pháp lớn lên ở Mỹ; họ cũng cho rằng người da đen không có quyền bỏ phiếu mặc dù luật pháp đã cho người da đen đi bỏ phiếu từ sau Nội chiến (1870) và phụ nữ da đen từ năm 1965 (dưới thời Johnson). Lý do người da trắng nói người da đen không được bỏ phiếu? Không biết đọc, không đóng thuế (vì lợi tức quá thấp)…
Theo báo cáo của Pew Research Center chuyên về nghiên cứu bầu cử, năm 2016 chỉ có 59% người trong độ tuổi cử tri đi bỏ phiếu. Những người không đi bầu thường là người trẻ (35% những người không đi bỏ phiếu dưới 30 tuổi, 70% dưới 50), người thiểu số (Latino, da đen…), người nghèo (đến một nửa những người không bỏ phiếu có lợi tức gia đình chưa đến $30.000/năm), ít học (hơn 60% chưa lên đại học)… Năm 2014, bầu cử giữa mùa, chỉ có 46% cử tri đi bỏ phiếu. Người ta không đi bỏ phiếu phần lớn vì không nối kết với tình thế chính trị đương thời. Năm 2020, Trump thua trận chính là vì có đến 66.8% số người đi bầu, cao hơn bốn năm trước đến 7%. Đặc biệt, có đến gần 60% số cử tri gốc Á, gần 70% cử tri phụ nữ…
Bởi vậy, làm sao cho ít người phía Dân Chủ đi bỏ phiếu chính là mục tiêu của người Maga trong bầu cử giữa mùa năm nay. Trong khi người Maga “đi đông, bầu đúng, cử xứng”, họ đang bài bác chuyện bỏ phiếu qua thùng thơ, chống nới rộng giờ bỏ phiếu, và tìm cách dọa nạt hay bài bác những người thiểu số “ít học”, không có quyền công dân, đang hưởng phúc lợi xã hội mà “đòi đi bỏ phiếu”. Theo một thăm dò, những nhà “chiến lược” Maga này mong rằng tối đa sẽ chỉ có 50% người đi bỏ phiếu.
Trong khi đó, những nhà chiến lược phía DC tính rằng phải vận động cho cử tri đi bỏ phiếu để đạt được tỷ lệ tối thiểu là 60%. Những người vận động đang nhấn mạnh đến chuyện đi bỏ phiếu không chỉ là hành xử một quyền dân chủ, mà quan trọng hơn còn là môt bổn phận chính trị và lịch sử có ý thức. một khi đã là công dân nước Mỹ. Người ta đang hô hào “tri hành hợp nhất”, “nói thì phải làm”: đã biết hiện tình chính trị có tính cách “nội chiến” ở Mỹ mà lại khoanh tay đứng ngoài, ảo tưởng mình có thể là người ngoại cuộc…
Rồi đây chúng ta sẽ thấy được hai chỉ tiêu 50% và 60% con số nào gần sự thực hơn, có hiệu quả hơn. Và kết quả bầu cử cách này hay cách khác chắc chắn phải nói lên hết những điều chúng ta đang lo lắng, quan tâm về thời cuộc đất nước trong hai năm tới. Phải chăng CH Maga sẽ thành công trong việc đưa Trump trở lại sân khấu chính trị để mở ra một “thời đại quốc xã” nước Mỹ chưa từng biết, hay nước Mỹ sẽ cho thấy sức mạnh dân chủ vô song của một nước hợp chủng đủ sức vượt qua một cuộc khủng hoảng có tính sống còn.
Hoàng Ngọc Nguyên