HÃY TỈNH TÁO!
Hoàng Ngọc Nguyên
www.saigonweeklyonline.comHoa Kỳ là một nước đa dạng, đa chủng, nhưng bình thường trong các cuộc bầu cử quan trọng như tổng thống, thượng nghị sĩ hay dân biểu liên bang, người ta chỉ bàn đến sự lựa chọn của các khối cử tri da trắng, da đen và Latino/Hispanic... Người Mỹ da trắng “thuần chủng” (không có gốc Latino hay Hispanic) chiếm khoảng 60% dân số, da đen 13.5%, và Latino 18%. Tổng cộng xấp xỉ 92%. Đương nhiên các màu da này phải có ưu tiên trong tầm mắt người quan sát.
Theo thống kê, người Mỷ gốc Á có dân số vào khoảng 18.7 triệu, tương đương với 5.6% tống dân số nước Mỹ. Những khối dân tộc chính là người Hoa (3.8 triệu), Phi Luật Tân (3.4 triệu), Ấn Độ (3.18 triệu), Việt Nam (1.73 triệu), Hàn Quốc (1.7 triệu) và Nhật Bản (1.3 triệu). Tuy cùng chung tên gọi Mỹ gốc Á, những cộng đồng này quan hệ khá phức tạp, nếu không nhìn mặt nhau thì cũng không chơi với nhau, khó hội nhập vì vấn đề văn hóa, ngôn ngữ cùng tính địa lý chính trị của những nước này.
Năm nay là một năm đặc biệt – đại dịch làm toàn cầu tê liệt và nước Mỹ bị đột quỵ. Câu chuyện bầu cử năm nay cũng hết sức đặc biệt – Tổng thống Donald Trump 20 ngày trước khi Tổng thống tân cử Joe Biden nhậm chức vẫn còn điên vì “bầu cử gian lận” và lũ gian thần chung quanh cứ xúi giục “đảo chính”. Dân biểu hay nghị sĩ Cộng Hòa nào không đồng ý chuyện “lật đổ” vào ngày 6-1 năm mới thì bị chụp mũ “bất trung, bất hiếu”, “vô ơn”, “phản quốc”. Cho nên câu chuyện cử tri có hơi khác đi.
Đây là lần đầu tiên sau 30 năm một ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ thắng đưọc ở tiểu bang Georgia. Giới bình luận nay đang bàn đến lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Á sau khi đạt đến kết luận chính sự liên kết giữa các nhóm người Mỹ gốc Á tại tiểu bang Georgia đã giúp ông Biden đạt được 16 phiếu cử tri đoàn ở tiểu bang vẫn được xem là Cộng Hòa này. Thắng lợi này phần nào đã có ý nghĩa quyết định cho chiến thắng cuối cùng của Biden, mặc dù nếu thua ở đây, ông cũng còn 290 phiếu so với 248 của Donald Trump. Ý nghĩa của thắng lợi ở Georgia là ở chỗ khoảng cách giữa Biden và Trump khơi rộng khiến cho Trump khó khăn hơn trong việc tìm cách “đảo ngược” kết quả bầu cử - một chuyện chưa người thua cuộc nào dám làm trước đây trong lịch sử nước Mỹ.
Nhiều nhà bình luận đã vạch ra rằng ông Biden thắng được ở Georgia là nhờ lần đầu tiên khối cử tri da đen được khích động tấp nập đi bầu với ý thức về sự vùng dậy của phong trào Black Lives Matter. Và giúp người da đen ở tiểu bang từng nhìn nhận chế độ nô lệ trong thời Nội Chiến có ý thức nhập cuộc chính là bà Stacey Abrams, 47 tuổi, là một luật sư, chính khách và nhà đấu tranh cho quyền bỏ phiếu của người da đen. Bà là dân biểu tiểu bang từ 2007-2017, cũng là trưởng khối dân biểu thiểu số trong thời gian đó. Năm 2018, bà thua sít sao trong tranh cử thống đốc Georgia.
Không thể phủ nhận công trạng của bà Abrams trong chiến thắng ngoạn mục của Biden tại tiểu bang Cộng Hòa này. Nhưng cũng có một điều người ta phải nhìn nhận và đề cao là chính một “liên minh” giữa những nhóm người Mỹ gốc Á khác nhau đã có tính quyết định trong 16 phiếu cử tri đoàn của Biden.
Ông Biden chỉ hơn Trump được 13.000 phiếu – đó là lý do tại sao ông Trump cứ đòi đếm phiếu đi, đếm phiếu lại ở đây, đến năm lần, nhưng kết quả không thay đổi. Nếu bầu cử chỉ giữa người da trắng và da đen, chắc chắn ông Trump đã thắng, vì số cử tri da trắng ờ đây đông hơn người da đen, và ngay cả trong số cử tri da trắng cũng có người theo đảng Dân Chủ, nhưng nói chung, cử tri theo ông Trump vẫn trội hơn cử tri chống ông trong khối da trắng và da đen cộng chung lại. Bởi vậy. chính lá phiếu của người Mỹ gốc Á đã lật ngược thế cờ, giúp ông Biden chuyển bại thành thắng.
Ở tiểu bang Georgia, có đến 300.000 cử tri gốc Á ghi danh, 185.000 người đi bỏ phiếu. Con số này hơn năm 2016 đến 63%. Trong 20 năm qua, dân số Mỹ gốc Á ở Georgia đã tăng gấp đôi. Cứ tưởng tượng nếu người Mỹ gốc Á không đi bỏ phiếu đông như thế, và chỉ cần số phiếu từ cử tri Mỹ gốc Á ủng hộ ông giảm khoảng 6.600 phiếu, kết quả ở đây sẽ đảo ngược mà ông Trump không cần phải khiếu nại gì cả.
Cử tri gốc Á và Thái Bình đảo quốc (AAPI) phần lớn là người Hoa, Hàn, Nhật, Ấn, Việt, Phi. Ngoài ra còn có Thái Lan, Bangla Desh, Pakistan, Indonesia... Tại sao năm nay người ta đi bò phiếu đông như thế, và tại sao người ta cần đi bỏ phiếu để tỏ thái độ với ông Trump?
Tác giả Nguyễn Thanh Việt, giáo sư người Việt được giải Pulitzer về văn học, từng gọi ông Trump là một tổng thống “chống chữ nghĩa” (anti-literary), có nghĩa là không chữ nghĩa, ăn nói bừa bãi, vửa viết trong một bài xã luận trên New York Times rằng người Mỹ gốc Á đã hình thành một liên minh chống Trump trong bầu cử vừa qua. Đúng hơn, có thể nói có một sự đồng cảm của phần lớn dân Mỹ gốc Á. Thứ nhất, người ta đồng ý Trump là một con người tệ hại không thể là tổng thống một nước mà người ta tìm đến như vùng đất cơ hội. Thứ hai, người ta cũng thấy người Mỹ gốc Á không thể ngồi yên và an toàn được trước những đe dọa của một con người nguy hiểm như Trump.
Trump là con người tệ hại là điều khó thể chối cãi. Chẳng phải đợi đến nay người ta mới nói ông là người khùng điên với căn bệnh NPD, tức Narcissistic Personality Disorder. Hỗn loạn nhân tính siêu cuồng tự mãn tự cao tự đại, chỉ biết có mình, tất cả đều là đồ bỏ, và không chịu ai hơn mình. Lâu nay, ông đã mang cố tật ưa bịa đặt, nói dối không ngượng miệng. Bao nhiêu chuyện tai tiếng từ bao đời bao nhiêu sách vở cũng không kể siết: Đi học thì học bạ giả mạo; ra trường thì trốn lính bằng khai man bệnh tật; trong gia đình thì dựa thế cha chèn ép anh chị em; làm ăn thì tìm mọi cách rút rỉa, qua mặt ngân hàng, người hùn hạp, kẻ cạnh tranh; thuế thì trốn tránh bằng mọi giá; gặp phụ nữ thì tận dụng mọi cách, mọi lúc, mọi nơi... Bước vào chính trường, chẳng cần biết văn hóa, lễ nghĩa chính trị tối thiểu mà cũng không cần học hỏi, thu lượm kiến thức gì về lịch sử và chính trị. Trong bốn năm ở Tòa Bạch Ốc, bao nhiêu sự lạm dụng quyền lực mọi cách dơ bẩn, nổi bật nhất là cho con gái và rể (những người mà vợ ông Melania Trump gọi là “rắn”) là “cố vấn tối cao” trong khi xem người làm việc cho mình như cỏ rác, thu dụng rồi sa thải các cố vấn cũng như các người “không trung thành” trong nội các như cơm bữa. Từ căn bệnh độc tôn này, ông đã có những ý muốn hợm hĩnh, điên rồ: xây “Trump Wall” giáp biên giới Mexico; xây tượng của ông trên Mount Rushmore góp mặt với bốn tổng thống vĩ đại George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, xây Trump Tower ở Moscow; thành lập Trump Airlines và mở phi trường quốc tế Donald Trump. Ông muốn tên ông có trên tất cả, như trường hợp trên chi phiếu tiền cứu trợ (stimulus check) hồi tháng tư – có lẽ trên cả giấy vệ sinh, để người ta trong trường hợp nào cũng nhớ ông.
Có một điều khiến nhiều người nói chung và người Mỹ gốc Á nói riêng không thể ngồi yên được là ở chỗ ông là con ngưòi nguy hiểm tột cùng – đúng như cháu ruột của ông cảnh báo. Những cử tri gốc Á đều hiểu ông đã khoanh tay trước đại dịch cho dù đến nay đã gần 20 triệu người nhiễm, hơn 330.000 người chết. Ông có biết gì đến cả 20 triệu người đang thất nghiệp và nền kinh tế đại suy thoái này biết đến bao giờ mới thấy ánh sáng cuối đường hầm? Ông biết gì đến hơn trăm triệu người nghèo đói, nợ tiền nhà chồng chất sợ bị trục xuất, có bệnh không dám đi bác sĩ... Ông biết gì nỗi tuyệt vọng của hàng chục triệu ngưòi già “thất thập cổ lai hi” trước đại dịch và đơn chiếc?
Cử tri cũng chẳng thể nào quên được ông thực sự chỉ có ba người bạn: Kim Jong-un Bắc Hàn, Vladimir Putin Nga, và Benjamin Netanyahu Do Thái. Chẳng riêng gì người Đại Hàn mà người gốc Á nào cũng phải ớn vì chuyện ông đến Bàn Môn Điếm để mong đưọc gặp Kim lãnh tụ. Chẳng những ông mở đường cho Nga vào Trung Đông và bỏ rơi những đồng minh trong vùng này mà còn cho tình báo Nga tự do phá hoại hệ thống mạng an ninh của nước Mỹ. Người Nhật và ngườỉ Đại Hàn cũng lắc đầu khi ông muốn o ép đồng minh bất kể trật tự lâu nay ở khu vực Biển Đông để kềm chế cả Nga và Trung Cộng. Nhưng điều mà nhiều người Mỹ gốc Á thấy nguy hiểm nhất chính là chính sách di dân của ông cùng tấn kịch “bài Hoa” mà ông đã khích động các nhóm “da trắng thượng đẳng” có một mục tiêu hành động vũ trang... Làm sao những ngưòi da trắng này phân biệt được trong những người Mỹ gốc Á, ai là Hoa ai không phải là Hoa. Làm sao người Hoa và những người trông giống người Hoa có thể yên ổn học hành, làm ăn, đi lại và nhà cửa an toàn...
Theo thống kê của giới nghiên cứu bầu cử, ngoài lý do người Mỹ gốc Á tấp nập đi bầu, đến 75% những cử tri này bỏ phiếu cho Biden, bởi vậy mà Trumnp hụt hẩng. Đặc biệt, ở Georgia, dân số Mỹ gốc Ấn đông nhất, và họ chỉ nghĩ đến bà Kamala Harris khi đến phòng phiếu. Nhưng nếu người ta phải để ý đến sự đồng tâm nhất trí “không hẹn mà gặp” của người Mỹ gốc Á, khiến họ trở thành một khối cử tri mà có lẽ từ rày về sau nhũng người tranh cử không thể xem nhẹ, thì họ cũng không thể bỏ sót một sự kiện khá độc đáo: cử tri Mỹ gốc Việt đa số vẫn “trung thành” với ông Trump. Người ta tính ra có đến 65% cử tri gốc Việt ủng hộ tổng thống đương nhiệm. Lý do của sự “độc lập” của người Mỹ gốc Việt với người Mỹ gốc Á? Phải chăng là vấn đề “khoảng cách thế hệ” (generation gap), người Việt mới đến đây từ 1975, còn “quá trẻ” chăng so với người Nhật, người Hàn, người Phi đã có mặt ở nước Mỹ cũng hơn một thế kỷ?
Theo tổng kết trên tờ New York Times, phần lớn cử tri người Việt bỏ phiếu cho ông Trump là cao niên hoặc trung niên lớp trên và có vấn đề về tiếng Anh, trong khi đó phần lớn ủng hộ Biden là lớp trẻ, tiếng Anh thông thạo, sinh ra hoăc lớn lên ở Mỹ, học ở Mỹ. Những người gốc Việt lớn tuổi ủng hộ Trump có lẽ khác với người Mỹ gốc Á khác ở chỗ họ không biết, không quan tâm đến giá trị văn hóa chính trị truyền thống Khổng Mạnh (dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh), nên chẳng bận tâm về con người, tư cách, nhân phẩm và những chuyện tai tiếng đầy rẫy về ông Trump. Có lẽ vì họ đã trải qua những thời từ trước 1975 và sau 1975 mà những người lãnh đạo không làm nổi bật được những phẩm chất thường phải có nơi những người lãnh đạo đất nước theo những giá trị Á Đông truyền thống? Hoặc tuy là người da vàng, họ cũng tin như những người “chủ nhà” đây là đất nước của người da trắng, cho nên trước đây họ có thể chống một “tổng thống da đen” vì không tương xứng với mong đợi cua họ, và nay họ chống Biden mà một trong những lý do là bà Harris? Hoặc một phần lớn những người ủng hộ ông Trump vẫn tin là chỉ có tổng thống Cộng Hòa mới chống cộng, còn một tổng thống Dân Chủ vẫn mang tội sát hại Tổng thống Ngô Đình Diệm của họ. Nhiều người vẫn chưa hiểu Trump là người “phản chiến” trốn lính, chính Kennedy và Johnson (hai tổng thống Dân Chủ) đã từng tích cực bảo vệ “tiền đồn của Thế giới Tự do”, trong khi Tổng thống Nixon Cộng Hòa thì chủ trương “hòa bình trong danh dự” rút quân Mỹ ra khỏi Miền Nam từ năm 1969.
Để hiểu những người Việt bỏ phiếu cho Trump là ai, vì sao có sự tín nhiệm ngây thơ này, chẳng phải là chuyện đơn giản.
Khi bị buộc phải có những trả lời cụ thể vì sao họ bỏ phiếu cho Trump, nhũng người này sẵn có những câu trả lời máy móc.
Ông Trump là người “yêu nước”- America First – và làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA). Trước sự “bất lực” của các tổng thống đảng Dân Chủ, ông phải nhập cuộc, cho dù đã hơn 70 và phải từ bỏ cuộc sống an vui với vợ đẹp con khôn và của cải đầy mình. Ông không hưởng lương, cho thấy “đạo đức” cùa ông (Tuy nhiên, báo cáo gần đây cho thấy trong bốn năm tại Tòa Bạch Ốc, ông đã mất đến 315 ngày chơi golf ở nơi này nơi nọ, phần lớn ở Mar-a-Lego, Florida, và đã phung phí đến 151 triệu đô la của công quỹ cho việc giải trí cuối tuần của mình);
Ông Trump đã làm cho kinh tế hưng thịnh trong bao nhiêu năm (họ không đủ hiểu biết ông chỉ thừa hưởng sự hưng thịnh trước đó dưới thời Obama và lạm dụng ngân sách cho chính sách giảm thu tăng chi của ông);
Trump đã ngăn chận Trung Quốc thao túng kinh tế Mỹ và giúp Việt Nam chống Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong vùng Đông Nam Á (người hiểu biết hẳn phải nói: “Còn lâu”. Ông Trump xá gì người dân Việt Nam khi ngay chính người Mỹ ông cũng coi chẳng ra gì);
Trump đã ngăn ngừa di dân (chống dân Latino) cùng mạnh tay với người da đen bạo động (Black Lives Matter) để giữ sự ổn định xã hội, kinh tế (trong thực tế, bất ổn xã hội là từ mối đe dọa bạo lực do chính Trump đã châm ngòi liền tay; mặt khác, đây không phải là lúc di dân là gánh nặng kinh tế cho “nước của di dân”);
Trump đã “Make America Great Again” trên trường quốc tế (sự thật, ông đã giúp Putin phá tan hoang trật tự quốc tế mà Mỹ từng lãnh đạo lâu nay, khiến cho quốc tế phải chạy mặt thì đúng hơn)...
Vân vân và vân vân...
Tại sao người ta chống Biden? Bắt chước “Cuồng Trump” là lý do chính! Và để cho có “chính nghĩa”, người ta không ngại nói những lời được ông Trump mớm:
Biden sẽ dựng lên “chủ nghĩa xã hội” ở nước Mỹ (đó là quan điểm ngu xuẩn và lừa bịp mà Trump muốn nhồi nhét vào đầu óc người Mỹ, ai ngờ người Việt cũng bị dính); Biden “vô thần”, không phải “con của Chúa” như Trump (nhiều người ngây thơ, tin thật); Biden sẽ làm kinh tế Mỹ kiệt quệ vì chi tiêu như nước cho di dân, cho người da đen (nhưng chính dưới thời Trump, ngân sách thiếu hụt kinh khủng nhất trong lịch sử, hơn 3.000 tỷ...); Biden sẽ mở cửa cho di dân vào Mỹ thả dàn; Biden sẽ để cho người da đen tự do phá nước Mỹ. Biden còn có tội đã “phản bội VN” khi từng chủ trương ngưng viện trợ cho Miền Nam vào thời điểm ngặt nghẻo 1975 và không cho di dân tỵ nạn vào nước Mỹ (Người ta chẳng học và đọc gì về chính trị và lịch sử chiến tranh Việt Nam trong năm 1975 đó). Thậm chí, họ nói những người ủng hộ Biden là “Việt Cộng nằm vùng” trong khi sự thực thì không những Bắc Bộ Phủ mà cả người Việt trong nước đều “cuồng Trump”. Chính nhờ Trump “chơi” Trung Quốc mà Việt Nam mới trở thành nước xuất hàng qua Mỹ đứng hàng thứ nhì. Và “Việt Cộng nằm vùng” ở Mỹ thực ra cũng chỉ biết có Trump. Thậm chí, có nhiều người nói Biden già quá, làm được gì, trong khi người ta chẳng thấy quanh Trump chỉ là một lũ gia nô, nịnh thần, gian thần, tội phạm. Và Trump thực ra trong 3-4 năm qua chẳng quan tâm gì đến những vấn đề đích thực của nước Mỹ, vì ông chỉ tweet vô văn hóa mà chẳng đọc, chẳng nghe ai, ngay cả những người mang tiếng là cố vấn của ông.
Chúng ta có thể kết luận gì về những người Việt ưu ái ông Trump, đến mức ngay cả nhiều phụ nữ cũng “quả cảm”, không sợ, cứ lạc quan nghĩ rằng ông già rồi, làm được gì! Điều đáng buồn nhất là ngôn ngữ phỉ báng mà những người cuồng Trump đã học theo “God’s son” để ném vào những người chống Trump. Chúng ta không nghe cách nói đó từ những người đối nghịch, trẻ hơn, có học hơn.
Thứ nhất, nói chung, người Việt chúng ta kiến thức còn hạn hẹp về lịch sử, hiến pháp, chinh trị, cơ chế chính quyền của nước Mỹ, nhất là hiểu biết một cách phê phán thời cận đại – hậu chiến tranh lạnh. Một chuyện căn bản nhất, là sự xung đột giữa hai mục tiêu về “civil liberties” của người da trắng và “civil rights” của những chủng tộc khác hình thành nước Mỵ ngày nay. Ngay cả lớp trẻ lớn lên ở Mỹ, học ở Mỹ, không phải ai cũng quan tâm đến những vấn đề chính trị và lịch sử có tính sống còn này đối với nền dân chủ Mỹ. Những thế hệ đầu tiên không sinh ra ở Mỹ nói chung hiểu biết còn giới hạn hơn. Người ta không biết tính chất của những khuynh hướng văn hóa chính trị tả và hữu, cấp tiến và bảo thủ, và sự bất an nguy hiểm của các chủ trương cực đoan, quá khích, tả cũng như hữu... Nhiều người vẫn nghĩ đến với khối bạch chủng thượng đẳng là con đường hội nhập dễ dàng nhất, nhưng quên đi một sự kiện đảng Cộng Hòa không mấy ưu ái người “dị chủng”;
Thứ hai, chúng ta chẳng có sách hay báo in tiếng Việt để đọc và để hiểu thêm thực trạng nước Mỹ. Sự thực là người gốc Việt viết chính trị và lịch sử Mỹ vốn đã chẳng có bao nhiêu nay chẳng còn bao nhiêu. Ngay cả những người có thể đọc tiếng Anh, chẳng bao nhiêu người chịu tìm hiểu qua báo chí chính lưu hay thư viện. Nhiều người Việt nay cũng bắt chước Trump, xem những phương tiện truyền thông ngôn luận chính lưu là “enemy of the people”. Bởi thế, như nhà bình luận Brian Stelter của CNN nhận định, người Mỹ đang “uống phải một giếng thông tin bị nhiễm độc”, chính là “social media”, và một số không ít người Việt cũng uống theo! Chiến dịch bôi nhọ báo chí của Trump hẳn phài có những hiệu quả lâu dài, bởi lẽ đơn giản người ta thời nay không đọc báo nữa!
Thứ ba, chúng ta đang sống một thời mà đa số quần chúng bị “fake news” từ các mạng truyền thông xã hội (social media) thao túng mãnh liệt, nhất là dưới thời ông Trump. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều “nhà báo độc lập” như thời nay. Chưa bao giờ những “nhà truyền thông xã hội” bịa đặt dễ dàng và sẵn sàng như thời nay. Bởi vì trên các mạng này không ai đặt ra vấn đề trách nhiệm. Ai tin, rán chịu. Những nhà “truyền thông” quá xem nhẹ quần chúng và quá dễ mang ảo tưởng về mình. Trong khi đó, nhiều người Việt mang mặc cảm đứng ngoài, nhưng lại không biết lối vào hay chỗ đứng của mình khi vào trong.
Thứ tư, sự tan rã trong cộng đồng người Việt ở nhiều nơi, khi lớp cao niên thì ngày càng thưa thớt và chia rẽ, lớp trẻ thì thiếu định hướng, thiếu được dẫn dắt, dẫn đến sự bế tắc, tê liệt trong sinh hoạt của các tổ chức cộng đồng người Việt.
Vân vân và vân vân...
Ngày chủ nhật 27-12, tờ Washington Post đưa ra một bài phân tích dài: “Sau một năm đại dịch, phản kháng, và một cuộc bầu cử lớn, nước Mỹ vẫn phân hóa như bao giờ”. After a year of pandemic and protest, and a big election, America is as divided as ever. Đại dịch chẳng làm thay đổi tâm tình và tâm tính nước Mỹ. Ngược lại, chỉ làm sâu sắc thêm những phân hóa chia rẽ, như chúng ta đã thấy qua cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Thắng lợi của Biden với 81.3 triệu phiếu rất đáng ngạc nhiên, mà con số 74.2 triệu phiếu Trump có cũng thật rùng rợn và đáng phục cho Trump. Có những cái nhất trong những con số này. Biden đạt kỷ lục với số phiếu của người thắng cuộc. Trump đạt kỷ lục với số phiếu của một tổng thống đương nhiệm. Tổng số phiếu trên 159 triệu là một kỷ lục (lần đầu tiên trên 140 triệu người đi bỏ phiếu), và con số 66.7% cử tri đi bỏ phiếu (2 trong 3 người) cũng là một kỷ lục. Những con số này nói lên tính “một mất một còn” giữa quần chúng “Never Trump Again” và “No-one but Trump”. Biden được 52.2%, Trump 47.8%. Những con số này nói lên sự phân hóa quyết liệt đáng ngại trong quần chúng.
Mọi thăm dò trước đây cho thấy Trump chỉ được chừng 35-40% cử tri ủng hộ. Số cử tri tín nhiệm ông Trump càng thấp thì khả năng tái thiết ngôi nhà nước Mỹ càng cao. Nhưng với con số 47.8% đã được nêu ra ở trên, chắc chắn Trump và những người của ông phải thấy nức lòng và quyết nhắm mắt đi tới. Nhất là một cuộc thăm dò của Gallup công bố vào ngày cuối năm cho thấy Trump là người được ái mộ nhất trong năm 2020, là năm ông ta chẳng làm gì cả! Lý do là người Cộng Hòa dồn phiếu cho Trump được 18% số phiếu, trong khi thăm dò cho thấy sự “chia rẽ” trong hàng ngũ những người Dân Chủ nên cựu Tồng thống Barack Obama chỉ được 15%. Ít nhất cũng làm cho đảng Cộng Hòa phân vân, khó xử, bỏ thì thương, vương thì tội, chẳng biết đi theo hướng nào. Bằng chứng là rất nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã không dám khẳng định kết quả bầu cử, không ít người còn nói theo Trump: “bầu cử gian lận”.
Trong quần chúng vẫn có những người sẵn sàng mang súng ống xuống đường ủng hộ âm mưu của Trump đảo ngược kết quả bầu cử. Trump vẫn bức bách những nhà dân cử Cộng Hòa tại Thượng Viện và Hạ Viện chống cử tri đoàn từ các tiểu bang gởi đến để xác nhận kết quả chiến thắng của Biden vào ngày 6-1-2021 sắp đến. Thậm chí một dân biểu ở Texas Louie Gohmert hôm thứ hai đi kiện Phó Tổng thống Mike Pence ở một tòa liên bang, đòi tòa phải phán quyết ông Pence chỉ được chấp nhận những cử tri đoàn “hợp pháp và hợp lệ” (legally and legitimately) và bác bỏ những đại cử tri từ những tiểu bang đã bầu cho Biden. Thượng nghị sĩ Josh Hawley của Missouri hôm thứ tư (30-12) đã nói sẽ chống lại khi người ta đếm phiếu cử tri đoàn ngày 6-1, buộc lưỡng viện phải bỏ phiếu tán đồng kết quả bầu cử hay chăng của cử tri đoàn...
Dĩ nhiên, đó là những đòi hỏi điên rồ, ngu xuẩn, tạo những tiền lệ nguy hiểm cho hiến pháp và nền dân chủ Mỹ. Nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã lên tiếng bac bỏ vũ kiên ký quái này. Nhưng Trump vẫn làm như thể ông sẽ chiến đấu đến kỳ cùng bằng mọi giá, ngay cả sẽ nằm vạ trong Tòa Bạch Ốc trong ngày 20-1, miễn là những người theo ông ta chịu khó đóng góp vào quỹ kiện cáo kết quả bầu cử của ông. Quỹ này đã lên đến 300 triệu, đủ cho ông bỏ túi phần lớn. Trump để phần lớn thì giờ tweet sáng sớm lên án Tối cao Pháp viện, các tòa án liên bang, các nghị sĩ Cộng Hòa, chủ tịch khối đa số Thượng Viện Mitch McConnell, Bộ trưởng Tư pháp nay đã ra đi William Barr... không chịu đảo ngược kết quả bầu cử vừa qua.
Ngoài chuyện dựng lên chuyện bầu cử gian lận để gây quỹ, Trump còn ra sức phá hoại những nỗ lực tiếp nhận chính quyền của Biden bằng cách ngăn cản các cơ quan then chốt như quốc phòng, ngoại giao, y tế... tiến hành bàn giao và báo cáo tình hình. Trong những tuần cuối cùng, nước Mỹ càng thêm khốn đốn về đại dịch và kinh tế, nhưng Trump chủ yếu là rút về Mar-a-Lego chơi golf. Trong việc chính phủ đưa ra những “gói” cứu trợ, Trump chẳng nói lên sự đồng cảm với hàng chục triệu người đang gặp khó khăn. Trái lại, ông tìm đủ cách gây khó dễ, trả giá như con buôn cho việc thông qua những luật cứu trợ này.
Tuy nhiên, tai tiếng nhất cho Trump trong những ngày cuối này chính là sự lạm dụng đặc quyền tổng thống để thả tù, xóa tội cho hàng loạt tội phạm từng làm việc bất lương cho ông. Ông chẳng những đã giữ lời hứa với băng đảng, mà nay với bao nhiêu gian thần tề tựu đông đảo trở lại: Steve Bannon, Michael Flynn, Roger Stone, Paul Manafort, ..hợp cùng những tên như Rudy Giuliani, Stephen Miller... , chúng có thể tái nhóm một băng đảng mafia chính trị trong thời gian bốn năm sắp đến. Đố ai trong đảng Cộng Hòa dám ra tranh cử... Và người ta đành phải chờ xem trong hàng loạt các vụ kiện trốn thuế, làm ăn bất chánh, lạm dụng công quỹ, xúc phạm phụ nữ... sắp đến, Trump sẽ đối phó như thế nào.
Nước Mỹ đang vướng vào một “đại nghiệp (chướng)”. Chúng ta đang chứng kiến một đại khủng hoảng tâm thần của một số quần chúng. Người ta nói sự phân hóa, khủng hoảng tâm thần này đã có thể có từ lâu, trong máu của những người Mỹ da trắng vốn tin mình là “thượng đẳng” trong đất nước này. Và chính thế giới toàn cầu hóa hậu chiến tranh lạnh đã dẫn tới “hậu họa” ngày nay khi người Hồi giáo và người da vàng đi tìm “vùng đất hứa” và tin “Thời của Cơ hội” đã tới. Người da trắng ở Mỹ bắt đầu rúng động. Bởi thế họ quyết không để cho các chủng tộc khác vươn lên. Chúng ta đã có thể thấy những dấu hiệu từ dưới thời Obama. Từ năm 2010 khi họ dấy lên phong trao “Tea Party” mới. Chính Marco Rubio, thượng nghị sĩ ở Florida, là một biểu tượng của phong trào dân tộc chủ nghĩa này. Nhưng dưới thời Trump, sự khủng hoảng trở nên bộc phát, nguy hiểm vì người ta tin tưởng đã có người của mình ở Tòa Bạch Ốc. Trump làm cho họ thêm điên rồ và nguy hiểm. Và quần chúng này ngược lại đã kích thích cho Trump thêm nguy hiểm. Và bởi thế Trump càng làm cho họ thêm nguy hiểm.
Vụ cho nổ bom tự sát ở Nashville, Tennessee, vào ngày Giáng Sinh 25-12 thể hiện sự nguy hiểm có tính nghiệp chướng của một số không ít những người Mỹ thời nay. Thế hệ baby boom (những người sinh sau 1946-1964) chủ trương đơn độc, không muốn lập gia đình, và nay cuộc sống xã hội đa chủng, đa văn hóa đang làm cho họ cảm thấy cô đơn. Bởi thế Anthony Warner, 63 tuổi (sinh năm 1957), một chuyên viên giỏi điện toán, không vợ con, không gia đình thân thuộc, chỉ nghĩ đến chuyện sẽ có một ngày đi vào lịch sử, sẽ đưa Nashville của miình vào lịch sử, cho nên ông ta chỉ tập trung vào một chuyện chế bom để đặt trong chỉếc RV của ông – một mưu đồ nung nấu cũng 1-2 năm qua. Và nói lên tâm sự của mình, ông mượn bài Downtown, nổi tiếng từ năm 1964 trong thời oông lớn lên, qua tiếng hát của Petula Clark cách đây 56 năm, mà Warner vặn lên trước khi bom nổ:
When you're alone
And life is making you lonely
You can always go
Down town.
When you've got worries
All the noise and the hurry
Seems to hurt, I know.
Down town.
May mà thực tâm Warner khủng bố nhưng không có ý sát nhân. Lẽ ra ông chỉ nên nghe bài hát day dứt “Those were the days” qua giọng ca của Mary Hopkin để dịu tấm lòng. Và hiểu tất cả sẽ “Blowing in the wind” như bài ca nổi tiếng của Paul, Peter and Mary.
Yes, and how many times must a man look up
Before he can see the sky?
And how many ears must one man have
Before he can hear people cry?
Yes, and how many deaths will it take 'til he knows
That too many people have died?
The answer, my friend, is blowin' in the wind
The answer is blowin' in the wind
Cuộc sống đã đủ nghiệp chướng do “tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc”.
Cuộc đời sống trước mắt thì ngày càng thu ngắn và ảm đạm.
Nghiệp chướng hận thù, ghét bỏ này là của người Mỹ da trắng.
Chúng ta đang ở trên đất nước tạm dung này, đừng thấy ách giữa đàng mà quàng vào cổ.
Di dân người Việt ở Mỹ còn “quá trẻ”, chưa có đủ sự cứng cáp trước thử thách này.
Hãy tỉnh táo!
Hoàng Ngọc Nguyên
www.saigonweeklyonline.com