Hoàng Ngọc Nguyên
DÂN TÚY HAY CỰC HỮU?
Giorgia Meloni và Steve Bannon (người của Trump)
Bố già Berlusconi và Donald Trump
Kết quả của cuộc bầu cử ngày 25-9 vừa qua tại Ý, đưa đảng chính trị Huynh Đệ Ý của bà Giorgia Meloni lên cầm quyền, là những nét chấm phá cuối cùng để hoàn chỉnh bức tranh Thời Mạt Pháp. Bà là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ thủ tướng nước Ý - đặc biệt là lãnh đạo một chính đảng theo đường lối cực hữu quá khích.
Chuyển biến này chẳng phải là lạ lùng với giới quan sát. Cử tri ở nhiều nước châu Âu đã trở nên “hữu khuynh” - chuyển sang phía tận cùng bên phải.
Tại Ý, đảng Huynh Đệ vẫn được xem là chính đảng cực hữu nhất kể từ thời phát xít của Mussolini. Chẳng thế mà Silvio Berlusconi, bố già của đảng này, người từng là thủ tướng Ý lâu đời nhất, trong 9 năm không liên tục (từ 1994 đến 2011), trước ngày bầu cử ở Ý đã dám phát biểu không khác gì Donald Trump: “Putin bị đẩy vào cuộc chiến Ukraine. Ông bị áp lực từ người dân Nga, chính khách Nga, các chính đảng và ngay nội các của ông. Ông chỉ định đưa quân vào Ukraine thay thế chính phù Zellinskyi bằng những nhân vật có uy tín và rồi rút quân ngay”. Berlusconi, nay đã 85, lại đắc cử vào Thượng Viện trong kỳ bầu cử này.
Đàng Huynh Đệ Ý chỉ mới được thành lập từ năm 2012, và bà Meloni là người đứng đầu. Năm 2014, đảng chỉ được 3.4% số phiếu. Năm 2018: 4.5%. Năm nay, khoảng 20% - tức 1/5. Tuy nhiên, chính trị đa đảng của Ý không bắt buộc đảng thắng cuộc phải giành được 50% số phiếu, mà chỉ cần thiết lập một liên minh với các đảng khác để nâng tỷ lệ bách phân lên hơn một nửa. Sau lưng đảng này dĩ nhiên phải có Berlusconi, vì đảng trước đây của ông bị giải tán do những tai tiếng về trốn sưu lậu thuế. Ông Berlusconi có nhiều điểm giống cựu tổng thống Mỹ. Ví dụ ông đặc biệt có tình thân với Putin.
Vào ngày 1-8-2013, Berlusconi bị Tòa án giám đốc thẩm tối cao kết tội gian lận thuế. Bản án bốn năm tù của ông được xác nhận, và ông bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong hai năm. Ở tuổi 76, ông được miễn hình phạt tù trực tiếp, và thay vào đó ông chấp hành án bằng cách làm công tác phục vụ cộng đồng không được trả lương. Ở Ý, ba năm được tự động ân xá; ông đã bị kết án tù nặng hơn hai năm, và luật chống tham nhũng Severino, cấm ông sáu năm, đã trục xuất ông khỏi Thượng Viện. Berlusconi cam kết sẽ lãnh đạo đảng Forza Italia trong suốt thời gian bị án tù và cấm thi hành công vụ. Sau khi lệnh cấm kết thúc, Berlusconi được phép tranh cử và thắng cử vào Nghị viện Châu Âu năm 2019. Ông trở lại Thượng Viện sau khi giành được một ghế trong cuộc tổng tuyển cử ở Ý năm 2022. Câu chuyện Berlusconi cho thấy chẳng dễ gì hiểu được cử tri thời nay!
Berlusconi là người đầu tiên đảm nhận chức thủ tướng mà không nắm giữ bất kỳ cơ quan hành chính hoặc chính phủ nào trước đó. Ông nổi tiếng với phong cách chính trị dân túy và ăn nói “bộc trực”. Trong nhiệm kỳ dài của mình, ông thường bị cáo buộc là một nhà lãnh đạo độc đoán. Berlusconi vẫn là một nhân vật gây tranh cãi, gây chia rẽ dư luận và các nhà phân tích chính trị. Những người ủng hộ nhấn mạnh kỹ năng lãnh đạo và quyền lực lôi cuốn của ông, chính sách ngân sách của ông dựa trên việc giảm thuế, và khả năng duy trì quan hệ đối ngoại chặt chẽ và bền chặt với cả Hoa Kỳ và Nga. Nói chung, các nhà phê bình nhằm đến hiệu suất cũng như đạo đức chính trị và kinh doanh của ông, bao gồm cáo buộc quản lý ngân sách nhà nước sai và làm tăng nợ của chính phủ Ý. Người ta cũng chỉ trích ông đã theo đuổi mạnh mẽ các lợi ích cá nhân của mình khi còn đương chức, bao gồm cả việc hưởng lợi từ sự phát triển của công ty do các chính sách ông thúc đẩy, có xung đột lợi ích lớn do quyền sở hữu một đế chế truyền thông, mà ông đã hạn chế quyền tự do. thông tin, và bị tống tiền với tư cách là lãnh đạo trong Rubygate và vì cuộc sống riêng tư đầy sóng gió.
Khi Giorgia Meloni nổi lên trên sân khấu chính trị vào năm 2006, phó chủ tịch trẻ nhất của đảng Liên minh Dân tộc (Nationalist Alliance), bà đã lựa chọn con đường chính trị cực hữu. Đảng này, trước đây là Phong trào Xã hội Ý (Italian Social Movement), đã chẳng ngượng ngùng xác nhận công khai là “tân phát xít” do những người đi theo Mussolini lập nên. Khi còn nhỏ, Meloni đã có tư tưởng sùng bái nhà độc tài phát xít này. Ngọn lửa ba màu của Mussolini đã nổi lên trên phù hiệu của đảng Huynh Đệ Ý mà bà đồng sáng lập năm 2012. Trong thời gian bốn năm qua, bà đã “bốc” nhanh chóng nhờ thường xuyên xuất hiện trên mạng truyền thông xã hội, và giữ vững lập trường cực hữu của đảng, đối với những vấn đề chủ chốt là chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc giáo (Christian nationalism), quyền của giới LGBT, quyền phá thai và chính sách di dân.
Tại sao người ta lại nói bà Meloni đang thiết lập một chế độ “Tân Quốc Xã” đầu tiên - kể từ thời Mussolini trở thành quá khứ, đi vào lịch sử. Chủ trương chính trị của bà được xem là “dân túy” (populism) - tức dựa trên tâm tình của đại đa số người dân - chủ yếu nhằm vào mục tiêu ngăn chận sự du nhập, tràn ngập của di dân vào nước Ý. Giống như Trump đề nghị làm một bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, bà Meloni đã nhiều lần nói đến một “cuộc phong tỏa hải quân” để ngăn dòng người vào châu Âu từ Địa Trung Hải. Một chủ điểm khác của bà Meloni là không chấp nhận sự phổ biến của phong trào “đa giới tính” LGBTO và quyền phá thai. Bà nêu lên mối ám ảnh phổ quát nơi nhiều người Thiên Chúa giáo trong một nước có Tòa Thánh La Mã là ý tưởng rằng các giá trị và cách sống truyền thống đang bị tấn công vì sức ép toàn cầu hóa do các làn sóng di dân người Hồi giáo cùng sự phố biến của hôn nhân đồng tính”.
Khi xét về bà Meloni hay chủ trương “tân phát xít” của bà, chúng ta cần nhìn lại người dân đứng sau lưng bà. Ít nhất có đến ¼ quần chúng “dân túy” ủng hộ bà thúc đẩy chủ trương “dân túy” của họ. Thất vọng với nếp dân chủ tự do mà nhiều người cho rằng gây sự hỗn loạn và mất đinh hướng, ngưòi ta nay thích nền dân chủ kiểu dân túy hoặc độc tài hơn. Giống như một thành phần người da trắng hiện nay ở Mỹ, người dân Ý thường nhấn mạnh đến Cơ đốc giáo và tầm quan trọng của chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc và vai trò của gia đình. Họ công khai vận động chống lại LGBTQ.
Thực ra, môt phần người dân Ý đã có thái độ chống di dân từ lâu, nhất là trong giới lao động nghèo và ít học.. Nước Ý có xấp xỉ 60 triệu dân, thu nhập trên đầu người vào khoảng 40.000 đô-la, đứng hạng 31 trên thế giới, và Thiên Chúa giáo là tôn giáo chính. Họ chống di dân vừa để bảo vệ những cơ hội kinh tế ngày càng khó khan, vừa là vì lý do tôn giáo (phần lớn di dân là người Hồi giáo), và văn hóa (ra đường che mặt…). Bắt đầu từ thập niên cuối của thế kỷ 20, nhưng cao điểm chính là “Mùa xuân A-rập” vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, người Hồi giáo lũ lượt tìm cách đồ vào các nước châu Âu, hoặc qua đường biển Địa Trung Hải đến với nước Ý, hoặc qua đường bộ đến với các nước Tây Âu giáp với Đông Âu như Hungary, Ba Lan, Romania, Thụy Điển… để từ đó tìm đường đến với các nước Tây Âu “quen thuộc hơn” như Anh, Pháp, Đức, . Bởi vậy Anh nay đã ra khỏi Liên Âu…
Cho nên, Ý cũng không phải là nước đầu tiên chống di dân Hồi giáo. Ở Thụy Điển, một đảng được mô tả là có “nguồn gốc tân Quốc xã” đã đánh vào tâm lý chống người nhập cư và giành được hơn 20% phiếu bầu trong cuộc bầu cử đầu tháng này, đủ để mang lại cho đảng này một số ảnh hưởng đối với chính phủ mới được thành lập.
Quốc hội Liên Âu gần đây đã tuyên bố Hungary không còn là một “nền dân chủ đầy đủ”. Hungary được dẫn dắt bởi Viktor Orban, con cưng của những người bảo thủ Mỹ. Ông đã được mời phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Texas vào mùa hè này. Orban đã ăn nói như Trump “(Hungary là Nhà nước Cô đơn của châu Âu) và ông chỉ trích những người theo chủ nghĩa tự do, các phương tiện truyền thông tin tức và Đảng Dân chủ. Trump đã mời Orban đến chơi tại câu lạc bộ golf Bedminster, New Jersey.
Tổng thống của Ba Lan là Andrzej Duda, người đã suýt tái đắc cử vào năm 2020 với trọng tâm là chủ nghĩa chống LGBTQ. Duda là một tín đồ khác của Trump’s.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy các chính trị gia cực hữu đã đạt được lợi thế ở châu Âu trong những năm gần đây. Ứng cử viên cực hữu ở Pháp, Marine Le Pen, đã thua trong cuộc đua với Tổng thống Emmanuel Macron vào đầu năm nay, nhưng bà ta đã giành được hơn 41% số phiếu, hơn nhiều so với năm 2017, cho thấy thông điệp chống di cư đang gia tăng ở Pháp.
Năm 2017 cũng là năm đảng Con đường Mới của Đức, AfD, chủ trương chống nhập cư, lần đầu tiên giành được ghế trong Quốc hội Bundestag. AfD kể từ đó bị giám sát chính thức vì người ta nghi ngờ đảng này cố gắng phá hoại hiến pháp dân chủ của Đức. AfD đã mất một số ghế trong Quốc hội Đức vào năm ngoái, nhưng vẫn duy trì được chỗ đứng.
Theo một nhà chính trị “tân Phát-xít” của Đức, “Chúng tôi đang có các điều kiện hoàn hảo cho một sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu”. Chữ “chủ nghĩa dân túy” nghe dễ hiểu hơn “tân Phát-xít” bởi vì tân Phát-xít đã là chuyện quá khứ. Và “tân Phát-xít’ là một chế độ căn bản là độc tài trong một thể chế quân phiệt không có hiện nay ở châu Âu. Dù sao đi nữa, cho dù đâu đâu ở châu Âu người ta cũng lo sợ chủ nghĩa cực hữu mới, nhưng nói cho cùng thì mức tối đa những đảng dân túy này kiểm soát cũng chỉ là 30% số phiếu cử tri. Có nghĩa là họ cũng cần liên kết với những đảng khác nếu có cơ hội cầm quyền.
Hơn nữa, những đảng trung dung, ôn hòa hay “tự do” (liberal) tại những nước châu Âu, dưới sự hỗ trợ của lãnh đạo khối Liên Âu, vẫn còn dư sức tạo ảnh hưởng để cho chủ nghĩa dân túy kiểu “tân Phát-xít” không thể khuynh loát được chính trị.
Xem chừng “tân Phát-xít” hay “cực hữu quá khích” đáng là mối lo lớn hơn cho sự an bình của nước Mỹ.