ĐẠI DỊCH ĐÃ QUA ĐỢT MỚI!
Hoàng Ngọc Nguyên
@www.saigonweeklyonline.comCả một tháng bảy đúng là chúng ta đứng ngồi không yên vì chuyện coronavirus. Con số người bị nhiễm vì COVID-19 cứ lên vùn vụt, và Arizona (gần 180.900 ca và 3.800 người chết) của Bút Tre nay đã được xếp hạng tám trong số những tiểu bang đại dịch nặng nhất (sau California, Florida, Texas, New York, Georgia, Illinois, New Jersey). Tổng thống Donald Trump cứ nói không sao, nó như cúm, cứ ở nhà một vài tuần rồi sẽ qua khỏi. Sự thực ông không biết, hay không cần biết, hay biết mà lờ đi, là nhà thương hết chỗ chứa, bác sĩ, y tá không có đủ, thuốc men không có, trang bị thiếu thốn, và những người già, người bệnh nay không biết làm sao đi khám bác sĩ được.
Ngày 1-8 là ngày đủ số liệu cho người ta tổng kết sơ khởi. Tính đến hết tháng bảy cả nước Mỹ đã có 4.620.182 trường hợp nhiễm bệnh với con số tử vong tổng cộng là 154.360. Mỹ đang dẫn xa các nước kém mở mang kinh tế nhưng cạnh tranh với Mỹ về coronavirus trên thế giới, như Brazil, Ấn, Nga, Nam Phi, Mexico, Peru... Trung Quốc đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng này, với gần 85.000 ca và 4.635 người chết. Cả thế giới có 18.4 triệu trường hợp. Và số người chết là 695.459. Dân số Mỹ chỉ vào khoảng 4% dân số thế giới nhưng số trưòng hợp nhiễm bệnh chiếm đến hơn 25%, số người chết 22.5%.
Cuối tháng sáu, tổng số ca nhiễm ở Mỹ chỉ có 2.683.300, có nghĩa là riêng trong tháng bảy đã có thêm gần 2 triệu ca. Tính ra, số ca tháng bảy đã chiếm đến 42% tổng số từ trước đến nay. Tính trung bình, số trường hợp mới trong tháng bảy là 62.480/ngày, trong khi tháng sáu là 29.064, tháng năm là 22.846, tháng tư 29.707 và tháng ba 6.835... Nếu theo dõi kỹ hơn nữa, chúng ta sẽ thấy sau ngày 26/6, số trường hợp tăng hơn 40.000 ca/ngày; sau ngày 1/7, cao hơn 50,000; và sau ngày 8-7, hơn 60.000. Theo tờ Washington Post, con số trường hợp thử nghiệm hàng ngày cũng đang tăng mạnh ở Mỹ, từ 600.000 đầu tháng bảy đến 820.000 như hiện nay đầu tháng tám. Vấn đề là tỷ lệ người bị dương tính trong thử nghiệm này là khá cao, đến 8%, tỳ lệ số người phải nhập viện cũng cao, cho nên phản ảnh tình trạng lây lan đang tăng mạnh. Con số người chết hàng ngày từ 7/7 cũng phần lớn trên 1.000. Có đến 26.316 người chết trong tháng bảy, chiếm đến 17% trong tổng số trường hợp tử vong 154.360 trong năm tháng. Vấn đề là ờ chỗ số người bất hạnh vẫn còn quá cao.
Tháng bảy kinh hoàng không ngờ, lý do rất dễ hiểu, chính là mở cửa kinh tế trở lại “thiếu kiềm soát” của chính quyền “dễ dãi”, và “thiếu kếm chế” của thị trường (đặc thù của chủ nghĩa tư bản). Vẫn còn rất nhiều người cứ cho rằng coronavirus là chuyện hoang đường, giả tưởng, đeo mạng không hẳn là cần thiết... Ngay Tổng thống Trump không đặt nặng vấn đề phải giữ khoảng cách ở nơi công cộng (nay chúng ta đã quen thuộc với chữ social distancing) và trong trường hợp nào cũng phải đeo mạng. Bất đắc dĩ, chỉ mới gần đây, khi thấy đại dịch bộc phát mạnh, Donald Trump sợ tai tiếng mới nói “đeo mạng là yêu nước” (wearing mask is patriotic), nhưng ông vẫn không chịu đeo, cứ sợ người ta tưởng ông nói thật.
Nay người ta lo là nếu phải áp đặt trở lại việc đóng cửa một phần, những con số về kinh tế như tăng trưởng, thất nghiệp... sẽ còn tệ hơn trong tháng này, tháng tới, là những tháng vận động tái tranh cử của ông Trump. Bởi vậy nếu ông có phát điên cũng chẳng trách ông được.
Ông Trump lãnh đạo công cuộc chống coronavirus như thế đó. Ông nói gì, làm gì ngoài chuyện đổ cho ông Obama không lo trước, qui trách cho Tàu dấu giếm và tìm cách ăn cắp phương thuốc trị liệu của Mỹ, cho WHO đồng lõa. Ông cho rằng phần lớn sự gia tăng trường hợp nhiễm bệnh là từ giới trẻ, mà giới trẻ thì không có gì phải sợ cả. Cứ coi như cảm cúm thông thường. Thậm chí vì thế mà ông cứ thúc ép học sinh (kể cả trẻ em) phải đi học trở lại, cho dù dư luận ngày càng chống đối mạnh mẽ chuyện này. Về số người chết, theo ông, phần lớn là người già, có tiền sử bệnh. Nhưng người già ai chẳng có quá khứ? Và ông Trump cứ quên rằng ông đã quá tuổi 74. Và nhìn ông người ta cũng biết ông có tiền sử. Ít nhất là bệnh phì (Ông nặng đến 243 pounds, hay 110 ký). Và tâm thần. Vả lại, ông cho rằng nhiều người già đã chết không phải vì đại dịch. Chinavirus bị oan. Vấn đề là ông có giọng điệu rất vô cảm trước định mệnh nghiệt ngã của người lớn tuổi trong cơn đại dịch này.
Người ta không lạ gì trong 100 cuộc phỏng vấn về sự lãnh đạo chống đại dịch của chính quyền, thì 100 lần ông Trump ca ngợi khả năng lãnh đạo tuyệt vời chống đại dịch của ông, và nhấn mạnh “chính phủ nắm vững tình hình” (everything is under control) mặc dù người ta đã nhắc nhở ông là COVID-19 đang phát triển mạnh ở Mỹ đến mức cả thế giới đang quan ngại. Trong mấy ngày qua ông nổi bật vì chuyện lại lên tiếng quảng cáo cho hydroxychloroquine cho bằng được. Một lũ bác sĩ cò mồi cho ông vào cuối tháng bảy ra trước Capitol Hill (Nhà Quốc Hội) ở Washington D.C. để giúp ông quảng bá, làm như không biết gì cảnh báo nghiêm trọng của FDA (Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm) không được dùng thuốc này. Thậm chí ông Trump còn nói lý do duy nhất mà người ta chống chloroquine là vì ông là người xướng xuất việc dùng thuốc này để phòng bệnh, chữa bệnh. Người ta cũng còn nhớ ngày 21-4, ông đã đề nghị trong một cuộc họp báo bệnh nhân đại dịch có thể chích thuốc tẩy uế (disinfectants) Lysol hay Chlorox (đang được dùng để lau chùi các bề mặt bằng gỗ hay kim loại) vào người để điều trị.
Sau ngày này, ông chấm dứt họp báo hàng ngày thông báo diễn tiến chống đại dịch, chẳng hiểu vì ngại người ta chất vấn về những ý kiến điên rồ độc đáo này, hay ông không muốn hợp tác với giới y tế nữa, nhất là với Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Dịch bệnh. Bác sĩ Fauci là nhân vật xuất hiện thường xuyên trước công luận, và ông không ngại ngùng nói lên quan điểm phải dè dặt, thận trọng trong việc mở cửa hoạt động trờ lại, cho học trò trở lại trường, phải cách ly, đeo mạng... Gần đây, ông cảnh báo những tiểu bang đang căng thẳng trầm trọng phải tính chuyện đóng cửa trở lại. Ông cho rằng nước Mỹ khinh xuất hơn các nưóc châu Âu, cho nên đang rất khó khăn kềm chế các con số nhiễm bệnh và tử vong. Ông cũng cho biết từ ngày 2-6 đến nay ông chẳng hề gặp ông Trump. Đương nhiên bác sĩ Fauci nghịch ý ông Trump, cho nên Trump không ngại lên tiếng công kích ông Fauci, và còn cho cố vấn kinh tế của mình Peter Navarro lên tiếng trong bàí bình luận trên USA Today là ông Fauci chẳng đáng tin.
Ngày 21-7, trước tình hình căng thẳng của đại dịch, ông Trump họp báo trở lại, nhưng độc đáo ở chỗ chung quanh ông không còn bất cứ một chuyên viên y tế nào nữa. Ông Trump độc diễn. Tự biên tự diễn. Điều này nói lên thực tế là ông đang kịch liệt chống người ta, không tin người ta nữa - ngưòi ta đây là giới hữu trách về y tế chuyên ngành phòng và trị dịch, như bác sĩ Fauci; bác sĩ Deborah Birx, người phối trí nhóm đặc nhiệm chống đại dịch; hay bác sĩ Robert Redfield, giám đốc Trung tâm CDC; bác sĩ Stephen Hahn, lãnh đạo cơ quan quản trị FDA... Thậm chí, trong ngày 30-7, ông Herman Cain, một người da đen, vốn là chủ công ty God Pizza, từng là ứng cử viên tổng thống năm 2012 nay ủng hộ ông Trump tích cực, chết vì coronavirus sau khi tham dự buổi tập họp quần chúng ủng hộ Trump tại Tulsa, Oklahoma, vào ngày 20-6, nhưng vì lý do “tế nhị” cho nên ông Trump không có một lời chia buồn.
Nhưng tình hình trở nên căng thẳng khi tháng tám lừng lửng đi tới.
Ngày chủ nhật 2-8, bà Nancy Pelosi chủ tịch Hạ Viện than phiền ông Trump là người đưa những tin tức bậy bạ, tắc trách về đại dịch và bà Birx phải chịu trách nhiệm trong tội lỗi của ông Trump. Một phần công luận vẫn nói bác sĩ Birx lâu nay đã im lặng đống lõa. Bởi thế, nay đã đến lúc bà phải lên tiếng.
Ngay trong ngày “chủ nhật buồn đi lê thê” đó, bà Birx nói với CNN bà là bác sĩ chuyên ngành và phải nói trên căn cứ khoa học. Nước Mỹ, theo ý bà, đang tiến vào một giai đoạn mới phức tạp hơn trong công cuộc chống đại dịch. Bà nói bệnh dịch đang “lan rộng khác thường” (extraordinarily widespread) khắp nước và là mối đe dọa lớn hơn so với lúc khởi đầu tháng ba, tháng tư. Nay nó đang tấn công vào vùng nông thôn cũng như các đô thị lớn. Không có cộng đồng thôn quê nào an toàn. Người ta phài tập trung hơn vào chuyện cách ly và đeo mạng – ngay cả khi ở trong nhà. Nhất là trong những gia đình đa thế hệ rất cần đeo mạng ngay cả khi ở trong nhà. Bà cũng lo ngại tuổi trẻ ham vui, quên cả người già ở nhà sinh mệnh mong manh trong mủa dich này. Người ta ham đi nghỉ mát ở những “điểm nóng”, đông đúc, chen chúc, không biết gì đến những hiểm nghèo khi trở lại gia đình có cha mẹ, ông bà đang cố thủ. Bà không bác bỏ cảnh báo của cựu Ủy viên FDA Scott Gottlieb là đến cuối năm nay con số chết vì đại dịch có thể lên đến cả 300.000 người!
Phát biểu của bác sĩ Birx khiến ông Trump giận dữ, và đương nhiên tật xấu khó bỏ, ông tức thì tweet trả đũa ngay sáng thứ hai 3/8. Trump lâu nay vẫn xem bà Birx là người tâm phúc, sau khi ông đã gạt bác sĩ Fauci ra rìa. Nay chàng tweet: “Nancy Pelosi điên khùng đã nói xấu kinh khủng về bác sĩ Deborah Birx, tấn công bà vì bà đã có ý kiến quá tích cực về công việc rất tốt đẹp chúng ta đang làm để chống lại Vi khuẩn Tàu, bao gồm vác-xin và chữa trị. Để đáp trả Nancy, Deborah ăn phải bả & đánh vào chúng ta. Tội nghiệp!”.
Như phát hiện dù thực sự chẳng có gì mới lạ, qua cuộc phỏng vấn nay có tính lịch sử của hãng truyền thông Axios của HBO với Tổng thống Trump, người phỏng vấn là nhà báo sắc sảo người Úc Jonathan Swan, ông Trump nói năng vấp váp khi đề cập đến đại dịch, cho thấy ông chẳng biết, chẳng đọc, chẳng nghe gì về coronavirus, cho nên ông cứ nhất quyết “China virus chỉ ảnh hưòng vài nơi ở Mỹ”, “đại dịch này rồi sẽ qua đi như mọi chuyện”, “chính quyền đã thành công tuyệt vời trong ngăn chân đại dịch”... Khi ông Swan hỏi ông có biết số người chết hiện nay là bao nhiêu không, thì ông trả lời mơ hồ “It is what it is” – con số này hẳn phải như thế. Và ông cho thấy chẳng có ý niệm gì về những tỷ lệ cho thấy sự nghiêm trọng của đại dịch ở Mỹ: số người nhiễm bệnh trên số trường hợp được thử, số ngưòi chết trên số người nhiễm bệnh, số người chết trên dân số, số ngưòi nhiễm trên dân số... Ông còn nói “trẻ em được miễn nhiễm” trong khi giới y tế bắt đầu lo lắng chuyện trẻ em đi học trở lai sẽ có những hậu quả gì...
Sự thực, sự gia tăng con số tử vong đang gây chấn động cho ngành y tế cà nước. Tại Houston, vốn là một trong những nơi bị nặng nhất, ngưòi trưởng Trung tâm Y tế Khai tử (United Memorial Medical Center), ông Joseph Varon nói với hãng ABC chưa bao giờ ông phải ký giấy khai tử nhiều như cuối tháng bảy vừa qua. “Tôi đã trải qua thời động đất, khủng bố đánh bom, bão lụt, nhưng chưa bao giờ tệ như hiện nay”. Ông cho rằng con vi khuẩn này đã vượt ngoài tầm kiểm soát vì nhiều người đã bỏ ngoài tai đến những chỉ dẫn của ngành y tế. “Hiên nay tôi đang phải chiến đấu trên hai mặt trận: covid và sự ngu xuẩn. Vấn đề là ở chỗ trên mặt trận thứ nhất, tôi có ít nhiều hy vọng chiến thắng. Mặt trận thứ hai, tình hình ngày càng khó khăn để hành động”.
Một cáo phó trên báo ở Texas, người qua đời là ông David Nagy, 79 tuổi, ở Jefferson, Texas, gia đình của ông đã nói cái chết của ông vì coronavirus là “không nhất thiết”. Và họ cho những người chịu trách nhiệm là Tổng thống Trump, Thống đốc Texas Greg Abbott, và những nhà chính trị đã xem thường hiểm nguy của đại dịch với con người. Ông mất ngày 22-7. Cáo phó còn qui trách “nhiều người ngu xuẩn, ích kỷ, chỉ biết có mình, đã không chịu nghe giới chuyên ngành y tế, họ nói quyền khong mang mạng là quan trọng hơn chuyện giết những người vô tội”. Ông Nagy đã bị nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ông đang dưỡng bệnh và đang hồi phục. Bà Stacey Nagy kể lại “ông chết đơn độc, chẳng có ai chung quanh, khong ai thăm viếng, “Dave đã làm tất cả những gì ông phải làm, nhưng các người đã không làm gì cả. Xấu hổ thay cho tất cà các người. Rồi các người sẽ thấy nghiệp báo như thế nào”.
Hoàng Ngọc Nguyên