Hoàng Ngọc Nguyên
CUỘC CHIẾN HAMAS-ISRAEL
SẼ LÀM THAY ĐỒI
CUỘC DIỆN THẾ GIỚI?
Cuộc chiến tranh có tính cách tưởng như gây hấn điên rồ của tổ chức dân quân cực đoan Hamas được phát động từ Dải Gaza bên bờ tây của Do Thái vào ngày 7-10 là một biến cố lịch sử cho Do Thái, cho Mỹ, cho người Palestine, cho người Hồi giáo ở Trung Đông, và có thể cho cả thế giới. Sau hơn một tuần, cuộc chiến có những dấu hiệu dùng dằng, chưa hẳn chắc sẽ sớm chấm dứt, và chẳng biết chấm dứt như thế nào! Người ta đang sợ rằng nếu hai bên không tự chế, chiến tranh sẽ lan rộng giữa khi có những lo ngại thế giới đang trên bờ vực của một thế chiến thứ ba để đi tìm một “trật tự thế mới”. Vấn đề xem chừng ở chỗ không bên nào thấy có lý do phải tự chế!
Ngày 7-10 đúng là ngày kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Yom Kippur tại Trung Đông, vào khi một số nước Hồi giáo láng giềng của Do Thái mở một mặt trận không thành nhằm tiêu diệt một nước xa lạ do phương Tây dựng lên sau Đệ nhị Thế chiến, lại có tôn giáo “đối nghịch”, nằm lọt thỏm giữa “thế giới Hồi giáo” này. Cuộc chiến năm 1973 là cuộc chiến thứ tư giữa Do Thái và khối các nước Hồi giáo thù nghịch chung quanh. Với sự yểm trợ đắc lực, vô điều kiện của Hoa Kỳ, Do Thái bao giờ cũng đạt chiến thắng nhanh chóng nhờ những phương tiện chiến tranh hiện đại.
Nước Do Thái đã “mở mắt chào đời” được 75 năm, đương nhiên còn trẻ hơn hàng chục triệu người trên toàn cầu đang bước vào tuổi bát tuần xưa nay vẫn hiếm (thất thập còn cổ lai hy, huống gì!). Thế nhưng Do Thái ngày càng mạnh, và càng không để yên những người Palestine trong nước, trong khi những người Hồi giáo láng giềng bủa vây (trên miền bắc là Lebanon, đông bắc là Syria, đông và đông nam là Jordan, tây nam là Ai Cập và tây là Địa Trung Hải) cũng xem Do Thái như cái gai trước mắt.
Trong những năm gần đây, Jordan và Ai Cập cố giữ quan hệ không căng thẳng, không gây hấn dù không hòa hiếu với Israel, nhưng quan hệ giữa Do Thái với Lebanon và Syria còn phức tạp. Miền nam Lebanon là quê hương của Hezbollah, một đảng chính trị và nhóm chiến binh theo giáo phái Shiite có trụ sở tại Lebanon, nơi bộ máy an ninh, tổ chức chính trị và mạng lưới dịch vụ xã hội rộng khắp của tổ chức này đã thiết lập danh tiếng của Hezbollah là “một quốc gia trong một quốc gia”. Hezbollah được thành lập trong sự hỗn loạn của Nội chiến Lebanon kéo dài 15 năm. Đây là một nhóm được Iran, nước đứng đầu giáo phái Shiite (cũng như Saudi Arabia đứng đầu giáo phái Sunni) hậu thuẫn được thúc đẩy bởi sự chống đối Israel và khả năng chống lại ảnh hưởng của phương Tây ở Trung Đông.
Syria là một nước Hồi giáo hỗn loạn vì lãnh đạo nước này theo giáo phái Alawite - chẳng phải là Sunni (cho dù đa số dân Syria theo Sunni), cũng chẳng là Shiite - cho nên cần được Nga bảo trợ, che chở để chống lại các phe nhóm chinh trị, dân tộc và giáo phái khác nổi lên chống chế đô độc tài nổi tiếng từ đời cha đến đời con dòng họ al-Assad. Trong số những đe dọa đối với chế độ Syria là tổ chức của người dân tộc Kurd được Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ, và tổ chức khủng bố ISIS của Sunni đến từ Iraq. Không thể kể hết bao nhiêu tổ chức khủng bố của người Hồi giáo đã ra đời vừa để chống người Do Thái vừa để chống nhau! Chính nhóm khủng bố al-Qaeda của Osama Bin Laden đã gây ra vụ 11-9 ở New York 22 năm trước đây!
Do Thái vốn là một nước có hai sắc dân (Do Thái và Palestine), hai tôn giáo (Do Thái giáo và Hồi giáo), nhưng đương nhiên Do Thái có quyền lực chính trị và sức mạnh quân sự lấn lướt, không chỉ trong nước mà cả vùng Trung Đông. Sau bao nhiêu cuộc chiến giữa Do Thái và các nước láng giềng từ ngày “lập quốc” năm 1947, diện tích Do Thái ngày càng mở rộng, quyền hành càng áp đặt lên người Palestine đang “chung sống” nhưng “không hòa bình”.
Người Palestine ngày nay cũng “vô tổ quốc” giống như người Do Thái trước khi Do Thái được Liên Hiệp Quốc cho phép thành lập nước năm 1947 và chung sống với người Palestine. Người Palestine đột nhiên mất nước từ đó, và sau 75 năm bị chính quyền Tel Aviv dồn qua Dải Gaza “nhỏ như lỗ mũi” giáp Địa Trung Hải, và Bờ Tây (West Bank) của Jordan. Bờ Tây là tên chính thức của người Hồi giáo chỉ lãnh thổ nằm ở phía tây của sông Jordan được chiếm đóng năm 1948 và sát nhập vào nước Jordan năm 1950.
Trong cuộc chiến (thứ ba) của người Do Thái chống các nước Hồi giáo láng giềng năm 1967 (nổi tiếng vì chỉ kéo dài 6 ngày), chính quyền Tel Aviv đã ngang nhiên sát nhập cả Dải Gaza (của Ai Cập) và Bờ Tây vào nước Do Thái với lý do tạo đất sống cho người Palestine bị đuổi khỏi Israel vì họ quá đông, sợ làm “nhiễu “ giống dân Do Thái trong nước Do Thái. Tổng dân số Palestine hiện nay cũng phải đến 14.3 triệu, sống ở Gaza 2 triệu, Bờ Tây 3 triệu, trong nước Israel khoảng 2 triệu, còn lại ở Jordan, Ai Cập, Lebanon…
Dài Gaza chỉ dài khoảng 41 km và chiều ngang 10 km, tức diện tích khoảng 410 cây số vuông (tương đương 139 dặm vuông), gần gấp đôi diện tích thủ đô Washington D.C. của Mỹ. Trong khi đó, diện tích Do Thái cũng chỉ có 8.550 dặm vuông, bằng 1/15 diện tích Việt Nam (128.066 dặm vuông). Dân số Gaza gần 2.5 triệu, trong khi dân số Do Thái là 9.5 triệu, trong đó 73% là người Do Thái và 21% là người A-Rập. Những con số nói trên giải thích phần nào Do Thái cứ tìm cách mở rộng khu vực định cư cho người Do Thái ở Bờ Tây bất kể phải đụng độ với người A Rập/Palestine ở đó, và người Palestine ở Gaza cũng thấy tù túng, chật hẹp vì không có đủ đất sống.
Gaza được cai trị bởi Hamas, một nhóm chiến binh Hồi giáo nổi lên cách đây ba giáp với cam kết hủy diệt Israel. Hamas bị Anh quốc cùng nhiều cường quốc khác và cả Ai Cập coi là nhóm khủng bố quốc tế. Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối cùng của người Palestine vào năm 2006 và giành quyền kiểm soát Gaza vào năm sau bằng cách lật đổ đối thủ chính là phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas là nhóm đang cai quản Bờ Tây. Kể từ đó, các chiến binh ở Gaza đã tiến hành một số cuộc chiến với Israel với phương châm Israel là kẻ tử thù. Israel cùng với Ai Cập duy trì phong tỏa một phần dải đất này để cô lập Hamas và cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công, đặc biệt là việc bắn tên lửa bừa bãi vào các thành phố của Israel. Người Palestine ở Gaza cho rằng những hạn chế của Israel và các cuộc không kích của nước này nhằm vào các khu vực đông dân cư là hình phạt tập thể.
Năm nay là năm đẫm máu nhất đối với người Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Nhưng đặc biệt, cuộc tấn công có tính tàn sát và khủng bố của lực lượng Hamas nhằm vào một số thị trấn Do Thái nằm sát vùng Gaza đã có tính cách lịch sử. Ngày 7-10, lực lượng Hamas, nhóm Palestine quá khích ra đời từ năm 1987 và thống trị Dải Gaza hơn 30 năm qua, đã mở một cuộc tấn công chưa từng có, với hàng trăm đặc công xâm nhập vào các cộng đồng người Do Thái sống dọc theo biên giới với Dải Gaza. Chấn động nhất là cuộc thảm sát của những đặc công cảm tử này xâm nhập vào một lễ hội âm nhạc của thường dân Do Thái, giết chết ít nhất là 250 người dân vô tội, trong đó hơn một nửa là phụ nữ và trẻ em và người già. Nơi nào Hamas đến, họ cũng lùng sục từng nhà, giết hết người dân, bất kể già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà… đang sợ hãi trốn chui trốn nhủi mọi nơi trong nhà. Tổng kết lại, ít nhất là 1.300 người đã bị giết, phần lớn là Do Thái. Ước tính cũng có 30 người Mỹ bị giết, và 5 người bị bắt, trong số ít nhất 125 người lính và thường dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em, bị bắt làm con tin. Đáp lại, Do Thái đã không kích và pháo kích các khu vực dân cư của người Palestine tại Gaza, với thành tích hơn 2.500 thường dân đã bỏ mình.
Hamas đã âm mưu, ít nhất từ hai năm qua, mở một cuộc tổng tấn công khủng bố đánh vào Do Thái (như Viêt Cộng đánh trân Tết Mâu Thân) để mở mang uy thế và xác định chỗ đứng lịch sử của mình. Cơ hội tốt nhất là thời điểm hiện nay, khi Hoa Kỳ đang vướng vào trận chiến Ukraine, Do Thái thì gặp lúc người dân đang bực bội vì chủ trương độc tài của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, và Tel Aviv đang có chủ trương “giao lưu” với một số nước A-Rập Sunni thân Mỹ như Saudi Arabia chẳng hạn. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chẳng phải có tiếng là người “mê” Do Thái như người tiền nhiệm Donald Trump.
Một tuần đã trôi qua từ khi cuộc chiến giữa “phiến quân” Hamas và Israel bắt đầu. Nay thì Do Thái mới hoàn toàn kiểm soát được tình hình, và đang chuẩn bị một chiến dịch trả thù đánh thẳng vào Dải Gaza với lời de dọa nghiêm trọng: sẽ làm thay đổi hoàn toàn tình thế ở vùng đất đang bị cô lập hoàn toàn và đang bị cắt cả điện và nước và các nguồn tiếp tế lương thực và y tế. Tuy nhiên, tính đến ngày 15-10, Do Thái vẫn chưa động thủ gì, sau khi cảnh cáo 2 triệu dân Palestine phải nhanh chóng di tản xuống Miền Nam trong vòng 24 tiếng đống hồ trước khi quân Do Thái dội bom xuống khắp vùng phía bắc và cho quân tràn vào tiêu diệt lực lượng Hamas. Israel đã phong tỏa toàn bộ Dải Gaza, và 2.3 triệu người dân Gaza sống trong kinh hoàng bom đạn và tình cảnh ngặt nghèo thiếu thốn trăm bề. Đáp lại, Hamas nói rằng nếu Do Thài tràn vào Gaza, họ sẽ lần lượt cho chặt đầu những con tin trong tay họ - tính ra có đến hơn 200 người.
Cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc nói với BBC rằng Gaza đang "bị đẩy xuống vực thẳm". Trong một biểu hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Biden đối với Do Thái, Mỹ đã cử tàu sân bay thứ hai tới khu vực để "ngăn chặn các hành động thù địch chống lại Israel". Trong khi đó, Iran một mặt phủ nhận nước này là kẻ chủ mưu cuộc tấn công khủng bố ngày 7-10, nhưng mặt khác không phủ nhận sự ủng hộ đối với Hamas. Tehran đã cảnh báo về "hậu quả sâu rộng" nếu Israel tiếp tục tấn công. Và căng thẳng cũng đang gia tăng ở biên giới phía bắc của Israel với Lebanon khi lực lượng Hezbollah củng sẵn sàng đối đầu với những đe dọa tấn công từ Tel Aviv.
Tính ra, hơn 1.300 người thiệt mạng ở Israel cuối tuần trước khi các chiến binh Hamas vượt biên giới tấn công dân thường và binh lính. Chính quyền Palestine thì cho biết hơn 2.300 thường dân đã thiệt mạng trong chiến dịch ném bom Dải Gaza của Israel sau đó. Israel đã phong tỏa Dải Gaza, ngừng nhập lương thực và tuyên bố sẽ tiếp tục bao vây cho đến khi Hamas trả lại hàng chục con tin bị bắt vào cuối tuần trước. Vùng lãnh thổ bị phong tỏa do Hamas cai trị đã rơi vào tình trạng hỗn loạn hôm thứ Bảy trong bối cảnh lệnh sơ tán sâu rộng bao trùm khoảng một nửa dân số Gaza. Gaza cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước ngày càng gia tăng khi người Palestine đang phải vật lộn để sơ tán khỏi miền bắc Gaza bằng cách đi bộ, ô tô và xe lừa. Các nhóm nhân đạo cho biết những người sơ tán không còn nơi nào để đi. Con đường khác để rời Gaza, vào Ai Cập, dường như cũng bị phong tỏa, trong bối cảnh có sự nhầm lẫn về việc liệu quốc gia láng giềng có cho phép bất cứ ai rời khỏi Gaza hay không. Thành phố Gaza, khu vực đô thị có mật độ dân cư đông thứ 63 trên thế giới.
Số công dân Hoa Kỳ thiệt mạng trong cuộc xung đột đã tăng lên 29 người, theo một tuyên bố hôm thứ bảy 14-10 từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Con số này đã tăng so với 22 người được báo cáo đã thiệt mạng vào hôm thứ tư 11-10. Ngoài ra, 15 công dân Mỹ vẫn còn mất tích.
Tổ chức Y tế Thế giới đã lên án lệnh sơ tán của Israel đối với 22 bệnh viện ở phía bắc Gaza, nơi có hơn 2.000 bệnh nhân đang được điều trị. Tổ chức này cho biết việc buộc bệnh nhân bị bệnh và bị thương phải di chuyển "có thể tương đương với bản án tử hình". Bệnh nhân và nhân viên y tế của Bệnh viện Al Awda ở Gaza đã phải trải qua một đêm trên đường phố “với bom rơi rất gần”, theo lệnh sơ tán khỏi cơ sở của Israel, nhóm hỗ trợ y tế Bác sĩ không biên giới cho biết.
Hậu quả của cuộc chiến không đơn giản vì nguyên nhân của nó cũng rất phức tạp. Một trong những lý do nguyên nhân phức tạp chính là ở chỗ cả Do Thái và Mỹ hầu như chẳng chuẩn bị gì cả cho biến cố này, cho dù có những tin tức cho biết giới tinh báo của cả hai nước Mỹ và Israel đều đã cảnh báo đây là chuyện có thể xảy ra - xảy ra sớm! Mỹ và Israel đều thiếu chuận bị, không nói có ý định đánh phủ đầu, là vì có lẽ cả hai lãnh đạo Mỹ và Israel không tin, hay không muốn tin có chuyện đó. Chẳng ai ngờ được chuyện châu chấu đá voi này - cả Do Thái và cả Mỹ, ngay cả sau khi có cảnh báo từ Ai Cập trước đó chỉ có ba ngày. Israel tin rằng quân đội của họ đã kiểm soát chặt chẽ bức tường biên giới. Vả lại người ta cũng cho rằng dân chúng bên Gaza nghèo nàn, kinh tế cùng quẫn, đến một nửa dân số lao động không có công ăn việc làm, quân lực của Hamas ô hợp, thì làm được gì? Điều lạ lùng là đặc công khủng bố của Hamas đã thực tập tấn công ngay cả trước mắt người dân sống dọc theo biên giới, như thế mà Israel chẳng hành động gì!
Bao giờ cuộc chiến này chấm dứt? Thông thường thì Do Thái có thể kết thúc những cuộc chiến như thế này “trong nháy mắt”. Nhưng tình hình đã thay đổi vì quân khủng bố trà trộn trong dân. Và vì Hamas đang bắt giữ con tin không chỉ người Do Thái mà còn có cả người Mỹ. Quan trọng hơn cả, trong thời buổi này, Do Thái và Mỹ chưa hẳn đã nắm ưu thế quyết định bởi vì Iran có thể cung cấp cho Hamas những hỏa tiễn tấn công cực kỳ nguy hiểm. Bởi thế, người ta cho rằng cuộc chiến này có thể kéo dài thời gian thăm dò. Nhưng chưa chắc người dân Do Thái cho phép sự kéo dài…
Đây là “chuyện không vui” cho Tổng thống Biden, nhất là trong khi ông lúng túng mất ăn mất ngủ vì không biết cuộc chiến Ukraine sẽ đi về đâu, và liệu Mỹ có thể tiếp lực cho Kyiv mãi hay không. Bây giờ vướng vào cuộc chiến của Do Thái, Mỹ có thể làm được gì cho Tel Aviv khi kho vũ khí có thể đã cạn kiệt? Bên Cộng Hòa càng thúc bách Mỹ phải bỏ Ukraine để dồn lực cho Do Thái, nhưng đó không phải là một quyết định đơn giản. Mỹ còn mặt mũi gì nửa nếu làm như thế, và trật tự thế giới rồi sẽ như thế naào đây?
Điều phải suy nghĩ thêm nữa là cả Nga và Trung Quốc đều nói rằng họ đang nhằm vào việc mở ra một trật tự mới cho thế giới mà Mỹ không thể bác bỏ sự sụt giảm uy thế của mình. Cả Moscow và Bắc Kinh đều tìm cách bảo vệ chế độ độc tài của họ bằng cách đơn giản: chế giễu nền dân chủ què quặt, ngày càng tê liệt, bất lực của Mỹ. Sau Chiến tranh Lạnh chấm dứt vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước với sự sụp đổ của Liên Xô, nước Mỹ vẫn cứ mê ngủ trong vị trí lãnh đạo độc tôn không nước nào tranh chấp nổi. Cho nên giới chính trị Mỷ cứ tưởng có thể rãnh tay để cho hai đảng xâu xé nhau từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, và khai thác sự mê muội “đa văn hóa” của quần chúng, nhất là sự thịnh hành của chủ nghĩa dân tộc bạch chủng Cơ Đốc giáo. Nay thì Nga và Trung Cộng đã phơi bày tham vọng của Moscow và Bắc Kinh, bắt Mỹ phải tiếp nhận một trât tự quốc tế mới với cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga và con đường vành đai của Trung Cộng.
Mỹ có đủ ý thức cảnh giác và đủ thời gian để khẳng định đã đến lúc “một mai qua cơn mê” chăng?