Hoàng Ngọc Nguyên, CUỘC BẦU CỬ KHÔNG LỐI RA

Hoàng Ngọc Nguyên

CUỘC BẦU CỬ KHÔNG LỐI RA





Tổng thống đầu tiên phải ra tòa


Mối lo nghĩ trong đầu của ứng cử viên tổng thống hiện nay

Dân chủ nước Mỹ rõ rệt đang thoái trào!

Nước Mỹ có nền dân chủ lâu đời nhất thế giới, cho dù HCQ Hoa Kỳ chỉ mới ra đời với Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 và Hiến pháp năm 1789. Đó là một sự thật hiển nhiên không ai tranh cãi. Đáng tranh cãi hay chăng chính là có phải dân chủ nước Mỹ hiện nay (vẫn) là văn minh, tiến bộ, hiệu quả nhất thế giới hay chăng? Dường như đó là câu hỏi ngày càng nổi cộm, nhức nhối đối với không chỉ những thức giả người Mỹ mà còn những quan sát viên chính trị khăp thế giới trong thời mạt pháp ngày nay – nhất là từ khi ở nước Mỹ nổi lên một tổng thống có tên là Donald Trump.  Nói thế nào đi nữa, cho dù không phải là một học giả, ông Trump vẫn có công rất lớn đối với người dân nước Mỹ: ông đã không mỏi mệt chứng minh cho mọi người thấy, nhất là cho thế giới thấy, đặc biệt cho Liên bang Nga của đồng chí Vladimir Putin và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc của đồng Tập Cân Bình, dân chủ nước Mỹ chỉ là một trò đùa hao cơm, tốn của (hay củi).Trường hợp điển hình chính là ông.

       Câu chuyện ông Trump thử thách nền dân chủ Mỹ có thể được xem là bắt đầu với cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Chiến thắng của ông từ vòng sơ bộ của đảng Cộng Hòa đến cuộc đối đầu với ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton đã gây ngỡ ngàng cho không những chính gìới của hai đảng mà còn cho cử tri nơi nơi. Lý do chính là “lý lịch” của ông. Trump, vào năm 2016 đã thất thập, là một nhà kinh doanh không có kinh nghiệm gì về chính trị, lại có một thành tích kinh doanh “khả nghi” và đời tư tiếng tăm đầy tai tiếng, thế nhưng ông lại đánh bại tất cả các chính khách tai to mặt lớn của đảng ra tranh cử, trong đó có cả Jeb Bush (có cha và anh đều là tổng thống Mỹ), Ted Cruz, Marco Rubio, John Kasich, Rand Paul, Mike Huckabee… Dĩ nhiên những nhà chính trị chuyên nghiệp bên đảng Cộng Hòa đều thấy bẻ mặt, nhưng người ta chưa hiểu được một thời buổi chính trị ly loạn đã mở ra.

Nói cho ngay tình, chẳng biết đánh giá Donald Trump thế nào cho đúng, ngoài những chuyện thông thường về ông mà ai cũng biết: chỉ quen chuyện không nói có, chuyện có nói không; khó khăn hơn khi phải nói thật, nhìn nhận sự thật, từ đó mới chế ra chữ “alternate fact”; hiếm có những lời tử tế nhân hậu vì xem ai cũng là “người làm”; không ngại ngùng chưởi rủa bất cứ ai nghịch ý mình (kẻ thù) ... Bởi thế ông vẫn quen nguyền rủa những người thuộc đảng Dân Chủ là “phát xít”, “cộng sản”, “xả hội chủ nghĩa”, “tả khuynh”…

       Đương nhiên, ông vẫn xem mình là anh hùng, một thiên tài rất ổn định, trước sau đều khó kiếm. Chẳng anh hùng, ông đã không đắc cử tổng thống năm 2016, đánh bật và làm mất mặt bao nhiêu chính trị gia chuyên nghiệp của đảng Cộng Hòa, và đánh bại luôn cả “Crooked Hillary”, ứng cử viên Dân Chủ có dư thừa kinh nghiệm. Trong khi đó, quá khứ của ông chỉ toàn là chuyện tai tiếng từ trường học đến trường đời, từ trong nhà ra khách sạn, từ chuyện làm ăn bịp bợm đến chuyện thuế má gian dối... Còn hiện tại? Cách ăn nói và hành động của ông cho thấy ông coi thường những nguyên tắc chính trị có tính đạo đức, văn minh (civility) và liêm chính... Như thế mà ông vẫn là thần tượng chính trị hiếm có của một khối quần chúng MAGA vẫn mơ tưởng ông là lãnh đạo duy nhất có khả năng “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” – chuyện rất hiếm có trong một thời người ta chỉ nhún vai khi nói đến những nhân vật chính trị. Có lẽ vì ông ta không thực là một nhà chính trị! Vấn đề nay người ta phải tìm hiểu chính là đảng Cộng Hòa, những nhà dân cử của đảng, và quần chúng cử tri đã bỏ phiếu cho ông ta. What’s wrong with them?

       Hay đúng hơn, what’s wrong with American democracy?

       Cố Tổng thống Abraham Lincoln từng được sử sách xếp hàng đầu trong số 46 tổng thống nước Mỹ đã có vì quyết tâm của ông trong bảo vệ dân quyền của người da đen, chống lai chế độ nô lệ và sự phân biệt chủng tộc. Các sử gia vẫn thường nhắc lại phát biểu của ông về sự thách đố đối với nền dân chủ của Mỹ, thể hiện ở “một chính phủ của dân, do dân và vì dân”. Ông xác quyết rằng một chính phủ như thế không thể thất bại ở nước Mỹ. Tuy nhiên, sự đe dọa đối với một chính phủ như thế đang rất hiển nhiên khi phải đối mặt với những hiện tượng lạ lùng: Dân chủ Mỹ tưởng như đang mất trí, khi càng ngày người ta càng thấy rõ hơn ông Trump, thế nhưng đảng Cộng Hòa đang có khuynh hướng trở thành đảng của Trump, quần chúng Cộng Hòa trở thành quần chúng MAGA, và chẳng ai dám chắc rằng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp đến, nước Mỹ rồi đây sẽ đi đâu, về đâu.

Trong hai tháng tư và tháng năm này, Trump hầu như phải ra trước vành móng ngựa hàng ngày vì những tội trạng dơ bẩn không chỉ dính líu đến gái làng chơi mà còn gian lận tiền bạc. Thế nhưng lạ thay quần chúng MAGA không mấy quan tâm đến vấn đề đạo đức chính trị, thậm chí họ còn cho rằng đó là những phiên tòa “ngụy tạo” mà Tổng thống Joe Biden dựng lên. Nghe lời Trump, họ chỉ có một “cảnh báo” chuyện không có: bầu cử có thể gian lận trong năm nay như bốn năm trước, Trump vẫn cứ một luận điệu: ông ta thất cử năm 2020 vì “cuộc bầu cử bị đánh cắp”.

Sớm hay muộn, cả hai chính đảng sẽ phải đối mặt với di sản chính trị của Trump, một di sản ngày càng trở nên tồi tệ hơn bởi những vấn đề cố hữu trong hệ thống chính trị của Mỹ. Trong vài năm qua, chúng ta đã thấy được những bất trắc rõ ràng của nền dân chủ Mỹ - nghiêm trọng nhất là cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6-1-2021. Đáng lo ngại nhất là Quốc hội đã không ban hành luật ngay cả khi cần thiết để duy trì hoạt động của chính phủ; đáng mất ăn mất ngủ  nhất là sự chia rẽ đảng phái đã lây nhiễm vào mọi khía cạnh của đời sống người Mỹ.

Chúng ta đang chứng kiến ​​nền dân chủ Mỹ bị rạn nứt, các quyền tự do bị xói mòn và hệ thống chính trị bị phá vỡ. Chúng ta có đủ lý do để bi quan về sự hữu hiệu của cơ quan tòa án hiện nay trong cac vụ án mà bị can là Trump. Hầu như chắc chắn chưa thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm. Và hầu như chắc chắn Trump sẽ ra tranh cử vào tháng 11 này, và hầu như chắc chắn chẳng thể biết chắc ai sẽ là tổng thống nước Mỹ trong nhiệm kỳ tới.

Hoa Kỳ thực ra đã đối mặt với những cuộc khủng hoảng tương tự trước đây: vào những năm 1790, với sự đối đầu căng thẳng giữa những người theo chủ nghĩa Liên bang và những người theo chủ nghĩa Cộng Hòa; những xung đột đảng phái trước, trong và sau Nội chiến 1961-65; trong thời kỳ Jim Crow những năm 1890, dân Mỹ cũng chứng kiến ​​năm tổng thống liên tiếp được bầu với thiểu số phiếu phổ thông; và sau những tiết lộ về vụ Watergate của Tồng thống Nixon. Do đó, hệ thống chính trị Hoa Kỳ ngày càng trở nên phức tạp, rối rắm hơn bởi các vấn đề thời thế và các nhà lãnh đạo đặc trưng của từng thời đại.

Nhiệm kỳ tổng thống của Trump rõ ràng đã làm tổn hại nền dân chủ Mỹ. Dưới thời của ông, Hoa Kỳ đã bị International IDEA, một tổ chức nghiên cứu về dân chủ châu Âu, gán cho nhãn hiệu “một nền dân chủ thụt lùi”. Trong một số năm, Tạp chí Economist đã xếp hạng Hoa Kỳ trong số “các nền dân chủ còn thiếu sót” như Hy Lạp, Ba Lan và Brazil.

Tình hình hiện tại được cho là nghiêm trọng hơn các cuộc khủng hoảng dân chủ trước đây vì có quá nhiều mối đe dọa đi kèm. Có sự chia rẽ đảng phái lan rộng; xung đột về phân biệt chủng tộc, nhập cư và chủ nghĩa bản địa; bất bình đẳng kinh tế xã hội ngày càng tăng; sự xói mòn quyền bầu cử, đặc biệt là quyền của người thiểu số; nỗ lực của các nhà lập pháp nhằm làm suy yếu sức khỏe sinh sản, quyền của người LGBTQI+, chương trình giảng dạy ở trường và sách thư viện; và vô số lời dối trá và bóp méo được đưa ra nhanh chóng được coi là sự thật.

Một số mối đe dọa này đã được hình thành trong nhiều thập kỷ. Người Mỹ từ lâu đã hoài nghi về quyền lực của chính phủ liên bang: niềm tin vào quyền lực chính phủ liên bang bắt đầu suy giảm trong chiến tranh Việt Nam và tiếp tục suy giảm trong bối cảnh vụ bê bối Watergate đầu những năm 1970, đang ở mức thấp lịch sử. Chưa đến 20% người Mỹ tin tưởng chính phủ liên bang quyết định và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích đất nước.

Nước Mỹ có “tam quyền phân lập”, nhưng sự tín nhiệm của người dân đối với các ngành tư pháp va lập pháp cũng bị xói mòn. Uy tín của Tòa án Tối cao đã bị tổn hại bởi những phán quyết gần đây trái ngược với quan điểm phổ biến. Niềm tin vào các cơ quan liên bang như Bộ Tư pháp, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Cục Dự trữ Liên bang đã bị xói mòn. Thật đáng sợ khi niềm tin của người dân vào quân đội, cảnh sát và hệ thống y tế ngày càng giảm sút. Những rắc rối này chồng chất lên những vấn đề nội tại của nền dân chủ Mỹ: cơ chế bất thường, như một cử tri đoàn để bầu tổng thống; đại diện bình đẳng cho các bang tại Thượng Viện bất kể dân số có khác nhau nhiều hay không; bổ nhiệm trọn đời các thẩm phán Tối cao Pháp viện; và thiếu một hệ thống quốc gia để giám sát bầu cử. Vì không tin tưởng vào bỏ phiếu phổ thông, thời lập quốc đã tạo ra cử tri đoàn và các biện pháp bảo vệ cơ cấu chống lại “quần chúng thiếu hiểu biết chính trị”. Bởi vậy trong thế kỷ này, người được cử tri đoàn bầu làm tổng thống đã hai lần thua phiếu phổ thông (George W. Bush năm 2000 và Trump năm 2016), và điều đó có thể xảy ra lần nữa vào năm 2024.

Bởi vì các bang nhỏ, ít dân số và chủ yếu là người da trắng như Wyoming, Montana, North và South Dakota có cùng số lượng thượng nghị sĩ như các bang đông dân và đa dạng như Texas, New York và California, nên đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện trong thế kỷ này chưa bao giờ đại diện cho đa số trong dân số. Tác động của họ đến việc xác nhận các ứng cử viên tư pháp và những người được bổ nhiệm ở nhánh hành pháp cấp cao là rất sâu sắc.

Cuối cùng là sự phân cực ngày càng sâu sắc trong hệ thống chính trị Mỹ. Điều này bắt đầu sau vụ Watergate, được thúc đẩy bởi Newt Gingrich và Tea Party, và ngày nay được minh chứng bởi Nhóm Tự do Hạ Viện, phong trào MAGA và Nhóm Cấp tiến của Quốc hội. Sự phân cực ngày càng sâu sắc này được đánh dấu bằng sự chuyển dịch mạnh mẽ sang cánh hữu giữa mỗi nhóm các nhà lập pháp mới của Đảng Cộng Hòa, phản ánh sự khác biệt ngày càng lớn giữa các bang đỏ và xanh cũng như sự phân chia chính trị giữa thành thị và nông thôn ngày càng gia tăng. Trong đầu óc của một số thành viên Cộng Hòa tại Hạ Viện, như Marjorie Taylor Greene, tiên nhất hiện nay là chia Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ thành hai miền bắc nam độc lập, tự do.

Trong hiện tình của đất nước đưa ông Trump trở lại bối cảnh này, chúng ta sẽ thấy bộc lộ rõ ràng những điểm yếu của cả hệ thống chính trị cũng như hàng rào bảo vệ của nền dân chủ. Trump đã từng mưu toan lật ngược kết quả bầu cử hợp pháp năm 2020 (và có thể sẽ làm như vậy một lần nữa), khuyến khích bạo lực và phân biệt đối xử, tấn công các phương tiện truyền thông và các tổ chức chính phủ, làm suy yếu đội ngũ nhân viên và quan chức làm việc cho ông ta, tán tỉnh những kẻ độc tài và tỏ ra ủng hộ lợi ích nước ngoài, nói dối, đồng thời thu lợi từ chức vụ công của mình.

Thật đáng ngạc nhiên đa số đảng viên Đảng Cộng Hòa vẫn tin rằng Biden không được bầu một cách hợp pháp. Bất chấp nhiều cáo trạng và nguy cơ pháp lý của Trump, người ta vẫn sẵn sàng bỏ phiếu cho ông một lần nữa. Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội ngày càng làm theo mong muốn của ông về những điều luật quan trọng, và ngay cả những nhà lập pháp mà ông coi thường và bôi nhọ cuối cùng cũng tán thành ông. Nếu tái đắc cử, Trump sẽ ít bị ràng buộc và có nhiều khả năng đạt được những mục tiêu đen tối so với nhiệm kỳ trước. Lời hùng biện của ông về con đường tranh cử năm 2024 – đen tối, bạo lực, độc tài và báo thù – đã gây ra cảnh báo.

Người ta đang lo rằng nếu đắc cử, Trump sẽ nhanh chóng xây dựng một chế độ, một chính phủ độc tài. Những nhà độc tài được bầu chọn duy trì vẻ bề ngoài của nền dân chủ trong khi làm mất đi bản chất của nó. Nhiều nỗ lực của chính phủ nhằm lật đổ nền dân chủ là “hợp pháp”, theo nghĩa được cơ quan lập pháp chấp thuận hoặc được tòa án chấp nhận.

Biện pháp phòng ngừa rõ ràng nhất nằm ở thùng phiếu - mặc dù điều đó chỉ có thể loại bỏ Trump chứ không phải chủ nghĩa Trump. Và bản thân cử tri Mỹ cũng thể hiện một số xu hướng đáng lo ngại. Theo một nghiên cứu và thăm dò, đến 75% người Mỹ tin rằng “tương lai của nền dân chủ Mỹ đang gặp nguy hiểm trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024”. Hơn 80% người Mỹ coi dân chủ là một hệ thống chính trị “khá tốt” hoặc “rất tốt”; nhưng nghiên cứu nhấn mạnh rằng chỉ có khoảng 27% người Mỹ ủng hộ một cách nhất quán và thống nhất các chuẩn mực dân chủ trong nhiều đợt khảo sát. Phản ứng này khác nhau bởi lòng trung thành chính trị: 45% đảng viên Đảng Dân chủ luôn ủng hộ các chuẩn mực dân chủ nhưng chỉ có 18% đảng viên Độc lập và 13% đảng viên Cộng hòa.

Nhiều cử tri bảo thủ biện minh sự ủng hộ bất đắc dĩ họ dành cho Trump là vì họ hậu thuẫn các thẩm phán bảo thủ, luật chống phá thai, chống các hiệp định thương mại không công bằng, bảo vệ lợi ích về thuế và quyền tự do có súng, mang súng… Tuy nhiên, nếu có những đảng viên Cộng Hòa coi Trump là “mối đe dọa cực kỳ đối với nền dân chủ” thì cũng có những cử tri từng theo Obama nay coi Trump là “cơ  hội cuối cùng để  khôi phục nước Mỹ”.

Bởi thế, trước tính hình chính trị rối bời hiện nay không có giải pháp cho những vấn đề trọng đại quốc nội cũng như đối ngoại, chún ta cần hiểu rằng cuộc bầu cử sáu tháng nữa có thề sẽ chỉ làm cho nền dân chủ của đất nước chịu thêm nhiếu thử thách ngoài sức chịu đựng của một nước Mỹ còn quá “non trẻ’.

Hoàng Ngọc Nguyên



 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top