Hoàng Ngọc Nguyên, CÓ CHÍ THÌ NÊN

Hoàng Ngọc Nguyên

CÓ CHÍ THÌ NÊN

 

Trái với sự lo sợ của rất nhiều người, cuộc bầu cử tổng thống ngày 5-11 đã êm thắm trôi qua và chấm dứt khá sớm một cách phẳng lặng. Người ta lo sợ là vì trước ngày bầu cử, cựu Tổng thống Donald Trump đã không ngừng cảnh báo “bầu cử gian lận” và đe dọa trừ phi ông trở thành “tổng thống tân cử”, những nhóm cử tri “dân túy” của ông (MAGA) sẽ không ngại vận dụng bạo lực khi cần thiết để “tái lập công lý”. Theo giới chuyên viên bầu cử, thông thường phải chờ 2-3 ngày sau bầu cử mới có kết quả đầy đủ, chính thức. Tuy nhiên, chỉ khoảng nửa đêm ngày 5-11, người ta đã biết ông Trump đã đạt được ý nguyện “president-elect” sau khi được ít nhất là 292 phiếu cử tri đoàn (tức quá con số cần thiết 270) cùng vượt trội đối thủ của ông, bà Phó tổng thống Kamala Harris, ít nhất là 4 triệu phiếu phổ thông. Cho đến ngày 10-11, ông Trump được xem như đã thắng ở Arizona, số phiếu cử tri đạt đến 312 so với 226 của bà Harris.

Chiến thắng của ông Trump lần này rõ ràng và dứt khoát hơn hai cuộc bầu cử trước đó năm 2016 và 2020. Năm 2016, ông Trump thắng bà Hillary Clinton chỉ nhờ vào số phiếu cử tri đoàn (304/227) nhưng thua bà khoảng 3 triệu phiếu phổ thông; bốn năm sau, ông Trump thua ông Biden cả số phiếu cử tri đoàn (306/232) và phổ thông (7 triệu phiếu). Ông Trump hố vì tưởng ông “đại thắng”, nên tổ chức ăn mừng ngay trong đêm bầu cử, sau đó cứ lầm bầm tố “bầu cử gian lận” từng ngày trong bốn năm liền sau đó, và ôm tất cả hồ sơ, giấy tờ, thư từ trong Tòa Bạch lên máy bay về quê nhà Mar-a-Lago (Florida), và bất kể tai tiếng không thèm ngênh đón, chúc mừng và bàn giao cho người kế nhiệm, vốn là môt tập tục chính trị văn minh lâu đời.

 Kể lại chuyện xưa tích cũ để hiểu hơn chính trị Mỹ. Năm 2000 Ông George W. Bush thắng Phó tổng thống Albert Gore của đảng Dân Chủ dù thua nửa triệu phiếu phổ thông nhưng hơn 1 (một) phiếu cử tri đoàn – 1 phiếu đáng tranh cãi cho đến ngày nay; bốn năm sau, ông Bush lại thắng ứng cử viên Dân Chủ John Kerry với phiếu cử tri đoàn mong manh 286/251 nhưng hơn 3 triệu phiếu phổ thông. Ông Barack Obama sau đó thắng rỡ ràng hai nhiệm kỳ liên tiếp, trở thành tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử chính trị nước Mỹ: Obama thắng Thượng nghị sĩ John McCain năm 2008, dẫn xa trên số phiếu phổ thông (10 triệu phiếu) và cử tri đoàn (365/173); năm 2012, trong tình thế khó khăn, đầy thử thách khi người da trắng đã dấy lên phong trào “Tiệc Trà” (Tea Party), và đảng Cộng Hòa cử Thượng nghị sĩ Mitt Romney của Utah ra tranh cử, Obama vẫn thắng với phiếu cử tri đoàn 332/206 và phiếu phổ thông hơn 5 triệu phiếu!

Trong kết quả bầu cử năm nay, tuy kết quả đầy đủ phải chờ 2-3 ngày nữa sau ngày bầu cử, nhưng kết quả đầu tiên này đã đủ để kết luận ông Trump đã làm lịch sử trong bầu cử 2024 và sẽ trở lại Tòa Bach Ốc vào tháng giêng sang năm. Ông đã làm lịch sử không chỉ vì ông là tổng thống thứ nhì thắng hai nhiệm kỳ không liên tục - người thứ nhất là Grover Cleveland, tổng thống thứ 22 (1885-89) và thứ 24 (1893-97). Ông Trump làm lịch sử là vì ông là tổng thống duy nhất khi tranh cử đã vướng vào bốn vụ án, và đã bị bồi thẩm kết án ít nhất trong môt vụ (tiền bịt miệng). Thực ra, ông Trump là tổng thống độc đáo nhất nước Mỹ, chính là điều ông muốn.  Như tạp chí Vanity Fair trên bìa báo đặc biệt giới thiệu tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, đã đưa lên hình ảnh ông Trump chụp khi phải làm thủ tục bị can trước tòa, và liệt kê những thành tích của Tổng thống tân cử: 34 trọng tội, 1 kết án, 2 vụ án chưa xử, 2 lần bị truất bãi, 6 lần phá sản, 4 năm nữa tại Nhà Trắng… Người ta lại nhớ đến cuốn hồi ký của cháu gái kêu ông bằng chú: Too much and Never Enough: How My Family Created the World’s Most Dangerous Man.

Đây là một cuộc bầu cử kỳ lạ. Cho đến ngày bầu cử, giới truyền thông và dư luận quần chúng vẫn đinh ninh trước mặt chỉ có một con đường: ông Trump sẽ thua và bà Harris sẽ là nữ tồng thống đầu tiên cua nước Mỹ, nhtấ là một nữ tổng thống vừa có gốc Phi vừa có gốc Á…  Từ đầu cho đến cuối, người ta thường nói đến thăm dò ngang ngửa giữa ông Trump và bà Harris, nhưng trong thăm dò nào người nhình hơn đến 2-3 % cũng chính là bà Harris. Nếu cho đến khi ông Joe Biden tuyên bố rút lui, chấm dứt tranh cử vào ngày 21-7 “vì lợi ích của đảng và của đất nước”, ông Trump có ưu thế rõ rệt trong thăm dò so với tổng thống đương nhiệm, thì khi bà Harris vào cuộc thay ông Biden, bà đã nhanh chóng bắt kịp ông Trump trong thăm dò và trong tháng cuối cùng còn có phần lấn lướt. Thăm dò cuối cùng trước ngày bầu cử, bà Harris được 49% so với 47% của ông Trump, làm tăng sự tự tin nơi bà phó tổng thống.

Giáo sư sử học Allan Lichtman, tốt nghiệp Đại học Harvard và đang giảng dạy tại American University of Washington, vốn nổi tiếng vì những tiên đoán chính xác về 10  cuộc bầu cử tổng thống trước đó (năm 2016 ông tiên đoán ông Trump thắng bà Clinton; năm 2020, ông nói Trump sẽ thua Biden; ông chỉ có sai lầm trong đường tơ kẻ tóc về bầu cử năm 2000 khi ông cho rằng ông Gore sẽ thắng, nhưng đó là lỗi của ông Bush con) đã xác nhận nhiều lần nghiên cứu của ông cho thấy bà Harris sẽ thắng – và ông khằng định sự tiên đoán này cho đến hai ngày trước bầu cử. Trước bầu cử cũng hai ngày, một bà giáo sư cũng tiên đoán bà Harris sẽ thắng ở Iowa, là tiểu bang thường khó chơi cho người Dân Chủ… Bởi thế mà phía Dân Chủ vào cuộc ngày 5-11 với sự phấn chấn rõ rệt, cho đến khi…

Thật ra, cũng khó tưởng tượng được ông Trump sẽ thắng sau khi ông Biden rút lui. Trump cứ đòi mãi Biden phải tiếp tục cuộc chơi mà không được, cho nên chuyển qua công kích  bà Harris, một người “tỷ lệ thông minh quá thấp” cho nên “thắng bà này sẽ dễ hơn”. Ông Trump không che dấu sự lo sợ cuộc chơi đã đổi chiều, bà Harris sẽ thắng, cho nên ông miễn cưỡng chấp nhận tranh luận với bà vào ngày 10-9. Sau khi tỏ ra sút kém trong cuôc tranh luận này, Trump cương quyết từ chối tranh luận một lần thứ hai, cho rằng ông đã thắng cho nên tranh luận không còn cần thiết. Đồng thời, ông dồn cuộc vận động tranh cử  vào việc “tố cáo” ông Biden đã làm cho kinh tế trở nên lụn bại từ sự “hưng thịnh” dưới thời ông Trump (ông cố tình quên rằng sở dĩ ông Biden thắng ông trong năm 2020 là vì ông đã để cho COVID bùng nổ trên đất Mỹ, giết chết hàng trăm ngàn người và kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái với nạn thất nghiệp lên mức kỷ lục); ông cũng tố ông Biden mở cửa biên giới cho di dân tràn vào khiến cho “kinh tế khủng hoảng, công ăn việc làm thiếu hụt, thất nghiệp gia tăng mạnh, an ninh quốc gia tồi tệ với nạn cuớp bóc và giết chóc do di dân lậu gây ra”. Đáng ghi nhớ là ông đã cảnh cáo di dân đã lấy mất “black jobs” và “Hispanic jobs”, ngụ ý những việc làm chân tay của người da đen và người Latino. Ông và ứng cử viên phó tổng thống của ông (J. D. Vance) cũng lập đi lập lại lời tố cáo di dân từ Puerto Rico, một “hòn đảo rác rưởi”, đã tràn vào Mỹ, và di dân lậu từ đảo này tràn vào Ohio ăn cắp chó mèo của người dân để ăn thịt. Ông thống đốc tiểu bang này, dù là người Cộng Hòa, phải lên tiếng phủ nhận những cáo buộc của Trump và Vance.

Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump có những phát biểu làm cho cử tri mũi lòng, ví dụ “chưa có tồng thống nào lo cho người Latino như tôi”, “Chưa có tổng thống nào lo cho người da đen như tôi”, “Chưa có tổng thống nào lo cho người già như tôi”, và ông còn cao hứng, bổ sung “Tôi sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ phụ nữ, dù họ muốn hay không”… Đối với ngưòi già, thì ông nói “chỉ có người ngu và điên mới bổ nhiệm người cao niên vào những chức vụ liên bang”. Ý của ông là những thẩm phán TCPV phải dưới 70, trong khi ông quên tuổi của ông sẽ lên đến 82 sau bốn năm nữa trong Nhà Trắng.

Trong cuộc tranh cử của ông Trump, có hai nhân vật bỗng nhiên nổi trội: Robert Kennedy Jr và Elon Musk. Kennedy là một nhân vật tâm thần trong gia đình Kennedy, từng bác bỏ chuyện chích ngừa COVID “vì chỉ thấy nó làm người ta chết mà chưa thấy cứu sống được ai”. Sau khi đến gần bà Harris không được, Kennedy bỏ chạy qua Trump.cho dù họ hàng, anh chi em ghét bỏ. Trump hứa sẽ cho ông Kennedy này một cái ghế nào đó. Elon Musk, ngưòi giàu nhất thế giới, lại là một hiện tượng khác. Với tham vọng và tính toán vô bờ bến, ông ta tung tiền kiếm phiếu cho Trump, cũng cả trăm triệu, bằng trò chơi bỏ phiếu và xổ số, nhưng nay Musk có thể kiếm lại được hàng chuc tỷ vì Trump đã thắng cử, cổ phiếu Tesla lên, và  Trump có chủ trương thuế nâng đỡ tài phiệt. Cứ xem hình chup gia đình ông Trump mà lại lọt vào Elon Musk và đứa con trai ông ẳm thi biết (lạ lùng thay, ông ta lại đứng cạnh Kimberley Guilfoyle, vợ chưa cưới của Eric Trump cả chục năm nay).

Ngoài ra, ông Trump cũng thường xuyên nhắc nhở có tính đe dọa mối thù mà ông sẽ trả ngay sau khi đắc cử đối với những người theo ông Biden đã “dựng lên những vụ án chính trị” để đưa ông ra tòa. Thực sự đây chỉ là những vụ án tổ chức bạo loạn (6-1), phá hoại kết quả bầu cử (Fulton, Georgia), lạm dụng hồ sơ của nhà nước, xúc phạm phụ nữ (Jean Carroll), và ăn bánh trả tiền (Stormy Daniels) …  Hệ thống tư pháp của Mỹ đang bị thử thách nghiêm trọng, và suy cho cùng ông Trump cần đắc cử, phải đắc cử để xếp lại những vụ án này để cho thấy ngành tư pháp (kể cả Tối cao Pháp viện) nằm trong tay ông.

Để thắng cử, ông Trump cũng nói ngay trong ngày đầu tiên, ông sẽ giải quyết ngay cuộc chiến giữa Nga và Ukraine (bằng cách thuyết phục Ukraine hãy chịu thua đi vì hòa bình là trên hết), ông sẽ mở một chiến dịch để lùa di dân lậu ra khỏi nước (đương nhiên phải mở rộng lực lượng vệ binh quốc gia), và có những hành động ơn đền oán trả, trong đó nổi bật là chuyện ân xá tất cả những người “anh hùng” bị ngồi tù vì tội tham gia bạo loạn 6-1, và chuyện “thanh lọc” hàng ngũ các quan tòa tư pháp và công chức liên bang. Ông cũng nói sẽ sử dụng quân đội để “trấn áp kẻ nội thù” (enemy from within) - những người xuống đường phê phán chính phủ. 

Cuộc vận động tranh cử của bà Harris nhấn mạnh vào hai điều chính: bà không phải là ông Biden để gánh chịu sự công kích của Trump, và bà cũng có đường lối kinh tế riêng, nhìn nhận những khó khăn trong đời sống của người dân hiện nay, và bởi thế bà muốn tập trung vào những chương trình tăng cường cơ hội kinh tế và phúc lợi cho tầng lớp trung lưu. Đó là một chính sách kinh tế được xem là “liberal, radical” (tự do, cấp tiến)… Hai điểm này, sau khi đã có kết quả bầu cử, bị giới phê bình nhìn đến một cách “tiêu cực”, có nghĩa là góp phần vào việc bà bị mất phiếu.

 Nên để ý rằng trong cuộc vận động của bà, đặc biệt nhiều nhân vật chính trị lỗi lạc của đảng Cộng Hòa đã lên tiếng kêu gọi cử tri Cộng Hòa phải cảnh giác về nguy cơ chính quyền của nước Mỹ rơi vào tay một con người “nguy hiểm” như ông Trump. Được nhắc đến không chỉ là bà Liz Cheney, cựu dân biểu và là con gái của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney của ông Tổng thống Gdeorge Bush. Bà Cheney trong mấy tuần cuối trước bầu cử đã sát cánh với bà Harris, và “người lắm chuyện” cũng không ưa “hiện tượng” này. Trong những nhân vật Cộng Hòa lên án Trump phá hoại nền dân chủ Mỹ còn có cựu Phó Tổng thống Mike Pence (của Trump), các cựu bộ trưởng của Trump như John Bolton, Mark Esper, Jim Mattis, Chánh văn phòng John Kelly (là người đã nói đến con người “fascist” của ông Trump)…

Giới chuyên viên, học giả kinh tế gia cũng lên tiếng cảnh báo về đường lối kinh tế của ông Trump, chủ yếu hai điểm là cắt giảm thuế cho mọi tầng lớp (ông vẫn nổi tiếng vì trong  nhiệm kỳ trước, ông đã giảm thuế mạnh mẽ cho giới giàu, trong đó có gia đình ông, bất kể thâm thủng ngân sách) và đánh thuế mạnh trên hàng nhập để bảo vệ hàng trong nước. Đặc biệt để thu hút phiếu từ giới lao động, ông nhấn mạnh vào việc cắt thuế thu nhập trên tiền “tip” cũng như tiền kiếm được từ giờ làm thêm của tầng lớp lao động. Khoảng 80 kinh tế gia hàng đầu của nước Mỹ, trong đó có một số nhân vật đã được giải Nobel kinh tế học, đã đưa ra một văn bản nhận định về sự nguy hiểm và rủi ro của đường lối này: cắt giảm thuế kiểu này sẽ làm cho bội chi ngân sách thêm năng nề, ảnh hưởng đến phúc lợi của người già, người nghèo… và đánh thuế nhập cảng sẽ chỉ làm cho giá cả trong nước gia tăng, hàng xuất thêm khó khăn vì những biện pháp trả đũa của nước ngoài và thúc đẩy lạm phát…

Trong cuộc vận động tranh cử của bà Harris, người ta cũng để ý lần đầu tiên, giới nghệ sĩ (ca sĩ, diễn viên điện ảnh…) đã đua nhau xuất hiện trên sân khấu nói những lời ủng hộ chân tình với bà Harris. Tuy nhiên, phần lớn là những người da màu. Người ta cũng chứng kiến vai trò vận động tích cực hiếm có của những nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị. Nổi bật nhất là hai vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama đã đi đây đi đó khản tiếng để nói với cử tri mối đe dọa của sự trở lại của Trump. Ngoài ra, hai vợ chồng cựu Tổng thống Clinton tuy tuổi già sức yếu cũng đã có mặt nơi nơi nói lên với cử tri những cơ hội bà Harris mở ra cho nền dân chủ Mỹ, đang bị đe dọa cùng cực nếu Trump trở lại.

Như vậy tại sao bà Harris lại thua cuộc?

Trước hết, người ta nói ông Biden cứ trù trừ, rút lui chậm quá, vì bị áp lực mới rời khỏi sân khấu chính trị. Cách ông Biden lựa chọn người thừa kế là bà Harris cũng không phải là thượng sách. Bà Harris không hẳn là ưu tiên số 1 của đảng Dân Chủ, và bà cũng có quá ít thời gian để tiến hành vận động – chưa kể đến kinh nghiệm và quan hệ giới hạn của bà. Bà cũng bị lúng túng khi bị xem như là cái bóng của Biden, mà ông Biden thì không phải là một tổng thống gần gũi với quần chúng, đến mức ít người thấy chính sách phúc lợi cũng như thành quả kinh tế của ông. Người ta chỉ thấy lạm phát, chỉ thấy ông chi tiêu quá nhiều, như thể rãi tiền để tranh cử! Ngoài ra, xc ũng c ần nói

Theo một số nhà phân tích, tuy miệng thì nói OK, nhưng nam giới nước Mỹ, trắng cũng như đen, vẫn chưa muốn có một nữ tổng thống. Phải nhìn và lịch sử nước Mỹ để thấy sự miễn cưỡng chính trị đối với nữ giới! Sự thất bại của bà Hillary Clinton vào năm 2016 ít ra phải là một cảnh báo, một bài học cần nghiên cứu, nhưng người ta lại nhún vai bỏ qua. Lần này, bà Harris còn có vài điều bất lợi so với bà Clinton. Đó là background, identity chính trị của bà! Bà da màu, lai gốc Ấn Độ, và chưa có sự lỗi lạc của bà Clinton. Nên nhớ rằng Trump đang khai thác sự ủng hộ của một quần chúng da trắng, dân tộc chủ nghĩa, Thiên Chúa giáo. Quần chúng MAGA. Bởi vậy, không phải như suy nghĩ ban đầu của giới phân tích, chẳng phải nữ giới trắng đen nâu vàng đều bỏ phiếu cho bà Harris. Sự kỳ thị chủng tộc đã nằm trong máu của không ít số người. Khó tin là phụ nữ nào cũng bỏ phiếu cho bà Harris vì bà là một phụ nữ. Nên nhớ số người đi bỏ phiếu năm nay cũng thấp hơn bốn năm trước, 154 triệu năm 2024 so với 158 triệu năm 2020, và phần lớn sự thiếu sót này là do người Dân Chủ chỉ có khoảng 55% đến phòng phiếu.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            

Ít nhất cũng có một khối cử tri đã không ủng hộ bà Harris: đó là người Latino, người Hispanic. Trước hết, một số người Latino/Hispanic không ưa gì người da đen vì thế lực chính trị và xã hội quá mạnh của người da đen, vì cả lối sống của ngưòi da đen. Khi cả hai ông bà Obama đều đi vận động tích cực cho bà Harris, nơi người Latino có một sự “phản cảm”. Họ muốn cho thấy thế lực của lá phiếu của họ.  Người Latino cũng không tán đồng chính sách mở cửa biên giới của ông Biden vì di dân tràn vào, dù là di dân Hispanic, cũng làm cho đời sống của họ khó khăn hơn, và mặc cảm của họ lớn hơn cùng với lo sợ chính sách đối với di dân của chính quyền. Và người Latino có thể không cần biết Trump là ai, Harris là ai, Cộng Hòa là đảng của ai, Dân Chủ là đảng của ai. Họ chỉ thấy dưới thời ông Biden/Harris, lạm phát gia tăng, giá cả lên chóng mặt, cho nên người ta ngoảnh mặt với bà Harris. Và có lẽ cũng cần nói thêm về sự không may của bà. Cuộc chiến của Netanyahu thủ tướng Israel đánh cho tan nát vùng Gaza và Lebanon từ tháng mười năm ngoái cho đến nay đã làm cho cử tri Hồi giáo phẫn nộ trước sự bất lực của chính quyền Biden/Harris. 

Cuối cùng, giới phê bình cũng nói về đảng Dân Chủ ngày nay đã khác đảng Dân Chủ ngày xưa. Ngày xưa, đảng Dân Chủ là của đa số dân lao động trung lưu và hạ lưu. Ngày nay, người ta nói “đảng ta” là của một thiểu số trí thức cấp tiến muốn xây dựng môt chủ nghĩa xã hội trong giấc mơ. Bởi thế mà Hạ Viện và Thượng Viện Mỹ đang dần dần rơi vào tay Cộng Hòa.

Hãy nghe lời than thở của một cử tri Dân Chủ trên mạng: “2016 cho đến 2020 là một khoảng thời gian quá nhức nhối đối với tôi. Tôi không thể nào trở lại khoảnh khắc đó trong cuộc sống một lần nữa. Điều duy nhất tôi phải làm bây giờ là tránh xa chuyện chính trị trong bốn năm tới để cho khỏi điên đầu. Tôi đã mất niềm tin vào chính trị nước Mỹ. Tôi không muốn nghe chuyện chính trị nữa. Tôi không muốn phải đọc chuyện chính trị nữa. Tôi không muốn nói chuyện chính trị nữa. Tôi cũng không muốn viết chuyện chính trị nữa”.

Sau khi có kết quả bầu cử tổng thống năm nay, một số người có kết luận tiêu cực: người ta không cần có trí, chỉ cần có chí thì việc gì cũng xong. Có người thì đổ thừa cho ông trời. Nếu không có ông trời, ông Trump đã không thoát được từ vụ này đến vụ khác, nhất là hai âm mưu ám sát, không kể đến bao nhiêu vụ án ông vẫn trót lọt thoát được, để cuối cùng vẫn đạt được đến đích mà thực ra chẳng mấy ai ngờ. Và nay ông chẳng những trở lại Tòa Bạch Cung mà còn có đảng của ông đang giành được thế đa số tại lưỡng viện sau lưng. Có tổng thống nào sướng hơn ông không kể từ Đệ nhị thế chiến đến nay?

Vận nước đã đến rồi, người ta nay chẳng biết nước Mỹ rồi đây sẽ thế nào, thế giới rồi đây sẽ thế nào - một hai năm tới. Và liệu chúng ta còn tin có ông trời (Thượng Đế) nữa không?

 

 

 

Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top