Hoàng Ngọc Nguyên, CHIẾN LƯỢC ĐỐI NGOẠI CỦA TT TRUMP: HUYỀN THOẠI VÀ THỰC TẾ

CHIẾN LƯỢC ĐỐI NGOẠI CỦA TT TRUMP:

HUYỀN THOẠI VÀ THỰC TẾ

Hoàng Ngọc Nguyên 

@www.saigonweeklyonline.com



Quân đội Bắc Hàn

Trong lịch sử cận đại của nước Mỹ, Rex Tillerson có lẽ là một trong những ngoại trưởng được người dân biết đến nhiều
nhất, chẳng phải vì ông là một nhà ngoại giao xuất chúng, cũng chẳng chỉ vì những thử thách của một tình thế toàn cầu hỗn tạp, mà vì những quan hệ éo le của ông với ông tổng thống bổ nhiệm mình.

Quan hệ đối ngoại luôn luôn là một vấn đề tế nhị. Đó là những chính sách, biện pháp nhằm những mục đích mà Tổng thống Trump vửa nói đến trong “Chiến lược An ninh Quốc gia” mà ông vừa công bố cuối năm ngoái: duy trì hòa bình (bằng sức mạnh, chủ yếu là hung hổ đe dọa), thúc đẩy sự thịnh vượng quốc gia (nhưng lại rút khỏi những hiệp định thương mãi quốc tế như TPP, NAFTA…), mở rộng ảnh hưởng của đất nước (nhưng lại nổi tiếng về khẩu hiệu “America First” làm cho Mỹ càng ngày càng tự cô lập) và bảo vệ an ninh quốc gia trước những đe dọa từ bên ngoài (nhưng không thấy nguy cơ cho an ninh quốc gia chính là từ sự phân hóa trong người dân). Đương nhiên, đất nước nào cũng có đồng minh để cùng nhau xây dựng và duy trì trật tự quốc tế đồng thuận, và cũng có những thế lực đối nghịch muốn xây dựng một trật tự quốc tế kiểu kgác – như Nga và Trung Quốc hay cả Hồi giáo hiện nay. Đối với đồng minh, như các nước phương tây hay Nhât Bản, Nam Triều tiên, phải tìm cách tăng cường sự tín nhiệm và đoàn kết. Đối với “cường quốc đối nghịch” (power rivals - chữ của Tổng thống Trump để gọi Nga và Trung quốc), chúng ta không thể tạo sự mơ hồ trong phát biểu và hành động khiến cho người ta có thể coi thường quyết tâm và sức mạnh của mình. Và quan trọng nhất là mối quan hệ chặt chẽ giữa tổng thống và ngoại trưởng của mình: tổng thống là người quyết định, chỉ đạo, ngoại trưởng là người tư vấn và hành động. Chẳng thể có sự khác biệt, mâu thuẫn giữa hai người, trong phát biểu cũng như trong hành động. Tất cả phải phù hợp, tuân thủ những giá trị chính trị nhân bản truyền thống của nước Mỹ.


Biểu Tình ở Iran chống Mỹ



Thế nhưng mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson xem chừng không được hoàn hảo lắm: ông Tillerson thì gọi tổng thống của mình là “rogue” (già điên) trước mặt bao thành viên trong nội các (dĩ nhiên là sau lưng ông Trump), và ông Trump thì thách đố ngoại trưởng của mình bằng chỉ số thông minh (IQ) mà ông Trump cho rằng mình cao nhất thế giới. Ông Trump vẫn thế, người ta nói ông như trẻ con (ngựa non háo đá), cứ muốn ăn thua đủ với mọi người, chẳng chịu thua ai bất cứ gì. Người ta còn nhớ ông từng nói cái “của quí” của ông lớn hơn cái của Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio trong “tranh luận” vận động bầu cử. Nay thì ông nói nút bấm nguyên từ của ông cũng lớn hơn nút bấm của ông Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Khi ông Tillerson tìm cách ăn nói nhỏ nhẹ với Bình Nhưỡng để Kim Jong-un đừng giả vờ điên hơn nữa, thì chính ông Trump lại phát điên, bảo ông Tillerson “làm chuyện ruồi bu”. Ngược lại, ông ngoại trưởng thì có thái độ khá dứt khoát với Điện Cẩm Linh, duy trì những biện pháp chế tài đối với Nga mặc dù tổng thống của mình muốn kết bạn trăm năm với Sa hoàng, “người đáng tin cậy”. Trong khi Nga muốn Mỹ “hợp thức hóa” hành động xâm lăng của Nga ở Crimea, và miền đông Ukraine, thì Mỹ nay đã quyết định trang bị vũ khí hiện đại cho Ukraine. Mọi người đều biết ông Trump từ lâu đã muốn thu hẹp lại bộ máy của Bộ Ngoại giao, cắt ngân sách, giảm bớt người, chậm trễ trong bổ nhiệm nhân sự mới… Ông Trump cũng muốn cắt bớt ngân khoản viện trợ Mỹ, cụ thề là vừa qua ông cho cắt các khoản cho Liên Hiệp Quốc cùng đe dọa những nước chống Mỹ trong vụ nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ bị cắt viện trợ.

Ông Tillerson không phải là bộ trưởng duy nhất xung đột với Tổng thống Trump.  Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cũng đã bị ông Trump khiển trách là hèn yếu khi quyết định đứng ngoài cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, và không dám có biện pháp đối với công tố viên đặc biệt Robert Mueller – là người ông Trump vừa sợ vừa ghét vì ông không biết cuộc điều tra này đã tới đâu và sẽ đi tới đâu. Ông Trump không, hay chưa, dám đuổi ông Tillerson và Sessions. Và hai người này cũng chẳng chịu từ chức. Hóa ra ông Trump cũng biết sợ!

Tuy năm 2017 là một năm rối rắm về ngoại giao trong tình hình thế giới ngày càng tao loạn và mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới với một người lãnh đạo như ông Trump, Ngoại trưởng Tillerson đang nhìn lại năm cũ với “một niềm tự hào”, như ông viết trong một bài tham luận trên tờ the New York Times: “I am proud of our diplomacy”. Ông cho rằng “Trong năm đã qua, nước Mỹ đã đứng trước những thách đố lớn lao trong hành động với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga, và trong nỗ lực đánh bại nạn khủng bố quốc tế. Nhưng người Mỹ phải thấy phấn khởi trước những tiến bộ mà Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triền Quốc tế (USAID) đã thưc hiện được trong thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu.
Thành tích đầu tiên của Mỹ, theo ông Tillerson, là chính sách tạo áp lực lên Bắc Triều Tiên (BTT) qua các biện pháp chế tài về ngoại giao và kinh tế (“từ bỏ chính sách kiên nhẫn chiến lược” đã thất bại cua ơng Obama), với kết quả là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua ba nghị quyết chế tài mạnh mẽ nhất trong lịch sử, bao gồm việc ngăn chận một số hàng xuất cảng của Bắc Triều Tiên, trong đó có than đá, sắt, hải sản và hàng dệt. “Chúng ta hy vọng một sự cô lập của quốc tế sẽ tạo áp lực cho chế độ này chấp nhận thương lượng nghiêm chỉnh về việc từ bỏ những chương trình nguyên tử và hỏa tiễn có gắn đầu đạn của nước này”. Thật ra, Hoa Kỳ không có lời giải về bài toán Bắc Triều Tiên từ bao lâu nay. Và Mỹ thừa biết rằng chìa khóa của vấn đề là ở Bắc Kinh - từ bấy lâu nay. Cho nên, ông Tillerson nói rằng Trung Quốc có thể và phải làm nhiều hơn nữa. Nhưng thực ra, giới quan sát viên vẫn còn hoang mang về mục tiêu và chính sách thực sự của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên.

Ông Tillerson dường như chưa thấy hết vấn đề Bắc Triều Tiên. Ví dụ như thực sự Bình Nhưỡng muốn gì? Ai có thể đang giữ chìa khóa của hòa bình? Nguời đó chắc chắn không phải là ông Trump, vẫn được ông Kim gọi là “dotard” sau khi tra tự điển nghĩa của chữ “rogue” và “dotard” gần như nhau. Cựu Tồng tham mưu trưởng Quân lực Mỹ Mike Mullen vừa lên tiếng báo động chiến tranh nguyên tử với BTT “gần kề hơn bất cứ lúc nào”, vì ông Trump đã tạo một “khí hậu nguy hiểm không tưởng được” (incredibly dangerous climate) khi ông từ bỏ khảo hướng chính sách đối ngoại truyền thống. Ông Trump đã đe dọa “tiêu diệt hoàn toàn” BTT nếu Mỹ phải bảo vệ mình hay đồng minh. Ông Mullen nhận xét “Tồng thống đã phá bỏ bất kể những định chế, những cam kết, sự lãnh đạo mà chúng ta đã theo đuổi trong 70 năm qua”.

Ông Mullen có thể quá bi quan. Vừa qua, Kim Jong-un đã nói “nút ấn” chiến tranh ở trước mặt ông nhưng ông sẽ chỉ sử dụng khi cần thiết. Đồng thời, Bắc Nam Triều Tiên đang tiếp xúc để có thỏa hiệp cho BTT tham dự Thế Vận Hội mùa đông tại thành phố Pyeongchang của NTT vào đầu tháng hai tới. Bắc Nam chưa thống nhất, nhưng rõ rệt cả hai phía đều tránh nói đến nội chiến. Trong khi đó, ông Trump không giữ được im lặng, cho nên khoe nút bấm của ông lớn hơn (nhưng không phải ông đưọc toàn quyền bấm như Kim), bà Nikky Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc thì nói Mỹ không bao giờ chấp nhận BTT là một nước có vũ khí nguyên tử. Và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của tiểu bang South Carolina thì nói nếu Bắc Triều Tiên tham dự thế vận hội này, Mỹ phải tẩy chay sự có mặt của một chế độ “bất hợp pháp”!

Ông Tillerson cũng nói sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích của nước Mỹ trong những lĩnh vực đối ngoại khác, bao gồm thiếu cân bằng ngoại thương, sự đánh cắp sở hữu trí tuệ và hoạt động quân sự của Trung Quốc gây quan ngại ở Biển Nam Hải và những nơi khác. “Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế và quân sự đòi hỏi Washington và Bắc Kinh phải xét cần thận phải làm thế nào điều hành quan hệ giữa hai nước trong 50 năm tới”. Phát biểu của ông Tillerson chưa nói hết mối đe dọa thục sự của Trung Quốc đối với Mỹ. Nhìn một cách nào đó, Trung Quốc đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và dĩ nhiên Mỹ là một tiêu điểm của sự bành trướng này. Mặt khác, phát biểu của ông Tillerson tuy không cho thấy Mỹ ý thức chừng nào “hiểm họa da vàng”

Trên nước Mỹ và Mỹ sẽ đối phó như thế nào, nhưng đã cho thấy “thành công” trong chuyến đi Trung Quốc của ông Trump vào cuối tháng 10 vừa qua đúng là một thành công của ông Tập Cận Bình khi ông Trump đã suýt soa bày tỏ sự ngưỡng mộ sức mạnh của Thiên triều dưới Tập đế chuyên chế ở trong khu vực Đông Á cũng như trong nước.
 
Về quan hệ với nước Nga, ông Tillerson viết: “chúng ta không có ảo tưởng về chế độ mà chúng ta phải đối phó. Nước Mỹ ngày nay có một quan hệ xấu với một nước Nga trỗi dậy đã xâm lăng những nước láng giềng là Georgia và Ukraine trong thập niên qua và xâm phạm chủ quyền cua nhũng nước Tây phương bằng cách can thiệp vào bầu cử của chúng ta và của các nước khác. Việc bổ nhiệm ông Kurt Volker, một cựu đại sứ NATO, làm đại diện đặc biệt cho Ukraine phản ảnh cam kết của chúng ta với mục tiêu tái lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thồ của nước này. Nếu không có một giải pháp hòa bình cho tình hình Ukraine, phải bắt đầu bằng sự tuân thủ của Nga đối với hiệp định Minsk, sẽ không thể có quan hệ bình thường với nước Nga”.

Không thể có quan điểm nào rõ ràng và phản ảnh đường lối đối ngoại truyền thống của Mỹ trong 70 năm qua hơn. Nhưng rõ rệt nước Nga như ông Tillerson, hay Bộ Ngoại giao Mỹ, nhìn thấy, rất khác với nước Nga trong mắt Trump. Ông Trump vẫn cho Sa hoàng Putin là người khả ái, đáng tin, đáng phục vì đã một mình gìn giữ nước Nga cả hai thập niên qua. Nước Nga chẳng phá gì bầu cử ở Mỹ cả, cho dù những cơ quan điều tra, tình báo, an ninh của Mỹ đều xác quyết điều đó. Khi Putin bắn tiếng qua một cuộc họp báo khen ngợi ông Trump là một tổng thống giỏi quá trong điều hành kinh tế, ông Trump chấp nhận ngay lời ca điếm đàng này, vì ông không hề nghe được lời tán tụng này trong nước. Cho nên ông Trump đã công khai gọi điện cám ơn! Và ông Trump cũng cứ đề cập đến sự hợp tác, giúp đỡ của Nga dành cho Mỹ trong sự tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq, mà quên rằng Nga cần tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo còn hơn Mỹ cần. Trong chiến lược bành trướng ảnh hưởng của Nga, triệt hạ ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông, sự có mặt của Nga ở Syria có tính chiến lược. Bởi vậy, giá nào Nga cũng phải giữ cho Bashar al-Assad tại vị. Ông Tillerson nói chuyện Nga sẵn sàng hợp tác để thay đổi chế độ tại Damacus. Còn lâu! Mỹ có ý định tiếp tục đóng quân ở Syria, cho nên sự đối đầu Nga Mỹ tại nước này hẳn còn dài dài. Ông Trump nói chuyện hợp tác gì với Nga ở Syria khi ông tiếp tuc lờ chuyện Nga đang tích cực phá Ukraine?

Vấn đê quả là tế nhị cho Tổng thống, ông có “đường lối riêng” đối với Nga, tình trong như đã mặt ngoài còn e (ông và gia đình có bao nhiêu chuyện làm ăn ở Nga), nhưng không bao giờ có thể thực hiện được. Ông ngày càng tỏ ra bồn chồn, nóng nảy, nhất là sau khi có tiết lộ chính một nhà ngoại giao Úc đã thông báo cho chính quyền Mỹ từ tháng sáu năm ngoái về chuyện Nga nắm giữ những email mà phía của ông Trump có thể lợi dụng để bôi bẩn bà Hillary Clinton trong cuộc tranh cử. Ông Trump có lẽ đã quyết định phải “hành động kịp thời” bằng một chiến dịch tồng phản công phá cuộc điều tra của Mueller bằng cách bôi nhọ, vu khống ông công tố viên đặc biệt này. Các tay chân, bộ hạ của ông tại Hạ Viện, Thượng Viện bắt đầu nhao nhao đòi phải ngưng chức ông Mueller vì cuộc điều tra “không công bằng”, “khách quan”. Paul Manafort, ngưòi trưởng ban vận động bầu cử đầu tiên, từng làm tay sai cho Nga trong việc dựng lên chế độ thân Nga tại Kiev (Ukraine), một trong bốn người bị truy tố chính thức trong vụ án “thông đồng” này, cũng đưa đơn kiện ông Mueller và cuộc điều tra của ông “không đi đúng hướng”. Sáng sớm ngày 2-1, từ 5 giờ 30 sáng, Trump tweet: “Phụ tá cao cấp của Hillary Clinton quỉ quyệt, Huma Abedin, đã bị tố cáo xem nhẹ những thủ tục an ninh căn bản. Bà ta đặt Passwords mật trong tay các điệp viên nước ngoài. Có nhớ trường hợp những bức hình thủy thủ trên tàu ngầm? Bỏ tù! Bộ Tư pháp Tiểu bang cuối cùng phải hành động chăng? Và đối với Comey&những người khác – nay phải làm gì đây”. Ngày 3-1, người ta đọc được trong môt cuốn sách viết về chính quyền Trump của một tác giả từng thân cận với ông Trump, một phát biểu của Stephen Bannon, cựu cố vấn chiến lược hàng đầu của Trump, ông nói việc con trai ông Trump tiếp xúc với người Nga vào tháng sáu năm 2016 để moi móc tin tức về bà Clinton là một “hành động phản quốc”. Ông Trump phản ứng thế nào? “Khi toi đuoi ong Bannon, ong vưa mat viec vừa mat trí”. Silly Trump! Từng là người gần gũi nhất với ông Trump, nay Bannon là kẻ thù số một và sẽ càng làm cho Trump mất ăn mất ngủ.

Chúng ta cần biết rằng, ông Trump đã như vậy, lập trường Bộ Ngoại giao lại như vậy, thì ông Putin chỉ việc lặng lẽ cười là phải.
Trật tự quốc tế đang bị đe dọa nghiêm trọng vì Nga, vì Tàu, vì một thế giới Hồi giáo đang manh động, khuấy đảo nơi nơi. Ông Trump cũng phải biết Mỹ không có ba đầu sáu tay, có nghĩa là phải chọn mục tiêu hàng đầu, khả thi, trong tầm tay, và tạm thời im lặng trong những chuyện khác. Đó chính là bản lĩnh của một tổng thống, bản lĩnh của một người có trách nhiệm phải quyết định về đối ngoại. Người ta có thể nhớ câu nói của ông Obama: “Thà rằng không nói thì thôi, Còn hơn chỉ nói những lời ngu điên” (Nguyên văn câu đơn giản của ông: Don’t do stupid shit!). Tuy vận bị ông Trump và những người da trắng cực hữu tố là người Hồi giáo, ông Obama vẫn thấy sự phức tạp cùng cực trong cuộc tương tranh giữa hai phái Sunni (Saudi Arabia, Egypt, Turkey, Pakistan) và Shai (Afghanistan, Iran, Iraq, Syria…) đang lan đến thế giới phương tây.

Trong khi đó, ông Trump đang gây sự nơi nơi. Ông phá vỡ truyền thống trung lập trong vấn đề Jerusalem, bỗng dưng ông nhìn nhận thành phố Đông Jerusalem là thủ đô của Israel mặc dù Israel chiếm vùng này của Jordan trong cuộc chiến năm 1967. Palestine phản ứng, không nhìn nhận vai trò trung gian của Mỹ trong thương thuyết “một quốc gia, hai nhà nước” giữa Palestine và Israel. Bạo động bùng lên dai dẳng ở vùng đất này, và phản ứng của quốc tế là lên án hành động đơn phương của Mỹ.

Trump cũng không nhìn nhận thỏa ước quốc tế về hạn chế nguyên tử ký với Iran mà trước đó cả thế giới phương tây cùng với Nga đã nhiều năm kiên nhẫn đeo đuổi để thành tựu. Ông còn làm tình hình phức tạp hơn bằng cách reo hò cổ vũ lớp quần chúng biểu tình chống chính quyền Hassan Rouhani ở Tehran, quên thực tế là ít nhất ở Iran người ta còn dám biểu tinh chống chính quyển, và ông Rouhani là chính khách tiến bộ, cởi mở nhất trong lịch sử 40 năm qua của Iran (từ cuộc cach mạng 1979 lật đổ vua Pahlavi). Người ta nói cách ông Trump ủng hộ hay nhất người chống chế độ ở Iran là ông phải tập im lăng. Nhưng khó quá, ông không nói không được. Và bằng cách nói năng ồn ào đó, ông càng giúp Nga đến gần với Iran hơn!

Tồng thống cũng lên tiếng công kích nặng lời Pakistan, nói những lời thường người ta đóng cửa bảo nhau. Nhưng ông chỉ  thích “tweet” theo kiểu “presidential” của ông. “Nước Mỹ đã điên rồ cho Pakistan hơn 33 tỷ viện trợ trong 15 năm qua, và ngưòi ta chẳng cho lại chúng ta gì ngoài sự dối trá, lừa đảo, họ nghĩ người lãnh đạo của chúng ta là những thằng điên. Họ cho bọn khủng bố nơi trú ẩn an toàn mà chúng ta săn lùng ở Afghanistan, chẳng giúp gì. Không có gì hơn thế!” (The United States has foolishly given Pakistan more than 33 billion dollars in aid over the last 15 years, and they have given us nothing but lies & deceit, thinking of our leaders as fools. They give safe haven to the terrorists we hunt in Afghanistan, with little help. No more!”). Thực ra, Pakistan cũng đang khốn đốn vì nạn khủng bố từ Taliban, và Pakistan vẫn là đồng minh trụ cột, chủ yếu, lâu đời của Mỹ trong khu vực này. Ông chưởi cha người ta, thì người ta chỉ có cách nói lai: Điên và ngu!

Vấn đề chính là ông Trump không hiểu trật tự quốc tế là gì, an ninh quốc gia là gì, nhầm lẫn giữa chiến lược đối ngoai với sách lược an ninh quốc gia. Đồng thời ông chẳng thể đem chuyện kinh doanh lẫn lộn vào hai chuyện quốc gia đại sự này. Bởi thế ngưòi ta mới nói ông là người nguy hiểm cho đất nước khi phải quyết định những vấn đề sống còn mình không biết, chưa rõ.

Hoàng Ngọc Nguyên 
@www.saigonweeklyonline.com

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top