Hoàng Ngọc Nguyên, BẠO LỰC NHẰM NGƯỜI MỸ GỐC Á: CHUYỆN TẤT YẾU?

BẠO LỰC NHẰM NGƯỜI MỸ GỐC Á:
CHUYỆN TẤT YẾU?

Hoàng Ngọc Nguyên



Một trong sáu nạn nhân vụ thảm sát ở Atlanta


Những lời nhắn nhủ: đại dịch không phải là người Hoa

Như thể nước Mỹ chưa có đủ chuyện để nhức đầu, nay Tổng thống Joe Biden đang đứng ngồi không yên vì sự bùng phát của nạn bạo lực  nhằm vào người Mỹ gốc Á. “Giọt nước tràn ly” là vụ sát hại tám người tại những tiệm thoa bóp ở Atlanta, Georgia, ngày 15-3, sáu nạn nhân là phụ nữ gốc Á. Tổng thống Biden đã phải đến tận nơi nói lên lời chia buồn và lên án. Và từ đó, giới truyền thông chính lưu đã mạnh dạn phanh phui nhiều chuyện người Mỹ trắng bất chợt tấn công, đánh đập những người gốc Á cao niên hay nhỏ con, bất kể đàn ông hay đàn bà, trên đường phố, trong các cửa hàng... Thống kê ở New York hay San Francisco cũng cho thấy ít nhất từ một năm qua, bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng mạnh.

Những chuyện xảy ra ngày thứ hai 29-3 tại Manhattan, New York, hẳn phải làm cho chúng ta hằn nỗi đăm chiêu. Một phụ nữ gốc Á 65 tuổi đang đi trên đường phố vô cớ bị một người to lớn nhào tới, đá ngã xuống đường và dùng chân đạp liên tiếp vào người bà. Đặc biệt, thủ phạm là một người da đen còn rất trẻ, về sau này người ta biết thêm anh ta là một người vô gia cư, vô nghề nghiệp. Cũng đặc biệt, có một người Mỹ trắng đang đứng trong tòa nhà nhìn ra chứng kiến đầy đủ cảnh tượng này, anh ta kéo cửa xuống để khỏi liên lụy thay vì gọi điện thoại báo cho cảnh sát hay ra giúp phụ nữ này. Một người khác đến giao hàng cũng là nhân chứng, nhưng anh ta có thái độ “im lặng là vàng”.

Cùng hôm đó, một người đàn ông gốc Á bị đánh bất tỉnh trên xe điện ngầm. Hung thủ là một người da trắng, ông ta đấm vào mặt, vào người nạn nhân và cuối cùng còn siết cổ cho đến khi nạn nhân hết chống cự. Sau đó, hắn ta đàng hoàng rời khỏi xe điện ngầm, trước sự chứng kiến “thầm lặng” của vài người trong cùng toa.

Cảnh sát New York cho biết chỉ trong năm nay họ đã thụ lý hơn 30 vụ án “thù hận” (hate crimes) nhằm vào người gốc Á. Theo thống kê, kể từ tháng ba năm ngoái đến tháng ba năm nay, trên toàn nước Mỹ đã có 3.800 vụ án “thù hận” như thế này. Đó là thời gian đại dịch bùng phát trên nước Mỹ. Và Tổng thống Donald Trump đã gọi đó là “China virus” cho dù giới khoa học gia thận trọng cho đến nay vẫn chưa có kết luận.

Chuyện ngưòi da trắng kỳ thị người da vàng cũng có thể “xưa như trái đất”, xưa như chuyện người da trắng kỳ thị ngưởi da đen, dù rằng hai cách kỳ thị của người da trắng “siêu đẳng” hay “siêu chủng” này có khác nhau. Ngó lên hay ngó xuống. Người ta nói hàng thập niên qua. Nhưng sự thực có thể hàng thế kỷ qua - từ trong máu. Đương nhiên chỉ đối với những người da trắng nghĩ rằng mình đương nhiên là siêu đẳng vì mình là da trắng hậu duệ của lớp người “lập quốc”; nước Mỹ này do đó là của mình, của trời cho, bao giờ cũng thế! (Một vài người Việt qua đây được các mục sư cho đổi đạo, đổi đời cũng có ý nghĩ như thế!).

Cái từ “hiểm họa da vàng” (yellow peril) đã có từ khi người da trắng ở châu Âu kinh sợ  những cuộc chinh phạt bành trướng thế lực ở châu Âu của Thành Cát Tư Hãn và “rợ” Mông Cổ từ thế kỷ thứ 13. Đến thế kỷ thứ 19, người ta, chủ yếu người Mỹ da trắng, cũng nói đến “hiểm họa da vàng” với sự can dự của đế quốc Nhật vào việc các đại cường xâm chiếm Trung Quốc.

Dù rằng di dân đến từ châu Á đã được xem bắt đầu từ thế kỷ thứ 17, (những phim cao bồi về chuyện Mỹ mở mang hỏa xa thường cho thấy các đầu bếp là di dân người Hoa), nhưng người châu Á chỉ tìm đến Mỹ đông đảo kể từ giữa thế kỷ thứ 19. Nhưng luật lệ nhập cư ở Mỹ trong gần nửa thế kỷ (từ những năm 1880 đến những năm 1920) không tính đến những nhóm từ châu Á, và cuối cùng ngăn cấm hoàn toàn người gốc Á di cư đến lục địa Mỹ. Sau khi có cải cách về luật di trú trong thời gian Đệ nhị Thế chiến đến những năm 60, hủy bỏ chế độ hạn ngạch (quota) di cư đối với một số sắc dân, thì số di dân từ châu Á gia tăng nhanh chóng. Tính ra hiện nay, người Mỹ gốc Á là chủng tộc thiểu số tăng trưởng mạnh nhất ở Mỹ.

Theo thống kê năm 2018, ước chừng dân số Mỹ gốc Á có 21 triệu người, tương đương 6.5% tổng dân số nước Mỹ. Một thống kê năm 2020 cho thấy dân Mỹ da trắng (không thuộc giống dân Hispanic hay Latino): 60.1%; dân Mỹ Hispanic hay Latino: 18.5%; dân Mỹ da đen: 12.2%; dân Mỹ gốc Á: 5.6%... Vấn đề người Mỹ trắng lo ngại bấy lâu nay là con số 60% của họ không vững, sẽ tuột xuống dưới 50% chỉ trong vòng 10-15 năm nữa, với tình trạng di dân hiện nay, cùng với lối sống đơn độc của người Mỹ da trắng: không lập gia đình, không có con...  Hiện nay nước Mỹ có khoảng 72.5 triệu trẻ em dưới 18 tuổi, tương đương với 22.3% tổng dân số (lứa tuổi 18-64: 61.2%; trên 65: 16.5%; trên 80: 15.2%). Dân số trẻ em ở nước Mỹ hiện nay “đa dạng” hơn: chỉ có 49.9% là da trắng.  Nghĩa là trong tương lai, dân Mỹ da trắng không còn đa số.

Người Mỹ gốc Á đến từ nhiều khu vực: Đông Á, Tây Á, Nam Á, nhưng tính ra chỉ có sáu thành phần có số dân trên 1 triệu: Trung Quốc: 5.1 triệu; Ấn Độ: 4.5 triệu; Filipino: 4 triệu; Việt Nam: 2.1 triệu; Triều Tiên: 1.9 triệu; và Nhật Bản:1.5 triệu. Sau đó là Pakistan (526.956), Thái Lan (329.343), Hmong (320,164), Campuchia (300.360), Lào (262,229), Đài Loan (213.774), Bangladesh (213.372), Miến Điện (189.250), Nepal (175.005), Indonesia (116.869), và Tích Lan: 61,416. Theo một nghiên cứu của Pew Research Center, có đến 70% di dân từ châu Á nay theo đạo Thiên Chúa hay Tin Lành, 10% không tôn giáo, và chỉ có 6% theo đạo Phật, 7% Ấn Độ giáo (Hindu). Điều này có nghĩa là người Mỹ da trắng không cảm thấy xa cách với di dân gốc Á vì lý do tín ngưỡng. Người Mỹ tuy gọi người Mỹ gốc Á (Asian Americans), nhưng họ vẫn nghĩ đến người Mỹ gốc Đông Á nhiều hơn (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Filipino, Thái Lan), và ngay cả khi nghĩ đến người Mỹ gốc Đông Á, thì ám ảnh phần lớn của họ vẫn là người Hoa. Đó là nguồn gốc của những chuyện “tai bay vạ gió” cho di dân Đông Á tại Mỹ.

Đất nưóc này mang tên là The United States of America, nhưng đúng hơn phải được dịch sang tiếng Việt là Hợp bang quốc Hoa Kỳ, không phải Hợp chủng quốc. Người Mỹ da trắng vẫn nghĩ đất nước này do họ làm nên với cuộc chiến “cách mạng” lật đổ chế độ thuộc địa và giành độc lập năm 1776. Tuyên ngôn Độc lập được Quốc Hội Thuộc địa thông qua ngày 4-7-1776 xác nhận những nguyên tắc căn bản, vẫn được xem là những giá trị tối thượng của chính trị nước Mỹ: “Ngưòi dân có những quyển bất khả bãi nhất định bao gồm cuộc sống, tự do và mưu tìm hạnh phúc” (People have certain inalienable Rights including Life, Liberty and Pursuit of Happiness). “Con người phải sống trong tự do, bình đẳng và tự quản” (self-government). “Tất cả mọi người được sinh ra trong bình đẳng” (All men are created equal).  Những nguyên tắc này được đề cao trong Hiến pháp vào cuối thế kỷ thứ 18 quả là tiến bộ, cấp tiến, cách mạng, nếu chúng ta nhìn tình hình chính trị quân chủ đế chế ở châu Âu... Nhưng như nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị đã phân tích, nhiều người da trắng vẫn nghĩ luật chơi chính trị này (tự do, bình đẳng, hạnh phúc) được viết ra để chỉ áp dụng cho họ trên một đất nước của họ. Nói cách khác, không áp dụng cho các chủng tộc khác trên đất nước “hợp chủng” này.

Người da trắng ở châu Âu vẫn quen với tự hào chủng tộc khi đã dựng lên chủ nghĩa đế quốc, thực dân trên cả thế giới với sự hùng mạnh của quân đội. Bởi thế, khi người dân thuộc địa dựng lên được một nước Mỹ độc lập, bao la, bát ngát, với bao nhiêu tài nguyên khai thác đời đời không hết, thì đương nhiên họ nghĩ rằng mọi chủng tộc khác phải phụ thuộc vào sự cai trị của họ. Bởi thế, họ đã nhanh chóng trấn áp các giống dân da đỏ. Chế độ nô lệ cho người da đen đã có từ thế kỷ thứ 15 ở đất Mỹ - thực ra du nhập từ châu Âu. Nội chiến 1861-65, đã chấm dứt 155 năm nay nhưng sự phân biệt chủng tộc vẫn còn trong tâm lý của nhiều người da trắng siêu chủng hay thượng đẳng (KKK), nhất là ở những tiểu bang miền nam.

Điều hiên nhiên là trên nước Mỹ, nếu xét về quyền lực chính trị, thế mạnh kinh tế và kinh doanh (khoảng cách lợi tức của các giai cấp), trình độ văn hóa, trí thức... người da trắng vượt trội rõ rệt so với người da đen cũng như người Hispanic/Latino. Sự vượt trội này nhiều khi đưa đến thái độ miệt thị chủng tộc nơi một số người da trắng lạc hậu, bảo thủ, kém văn hóa... Bằng chứng là thái độ thành kiến và thô bạo của nhiều cảnh sát da trắng đối với người da đen (vụ án hiện xử cảnh sát da trắng Derek Chauvin chèn cổ một người da đen George Floyd đến chết ở Minneapolis, Min., vào tháng năm năm ngoái). Không thể kể hết những vụ những người da đen bị chết oan vì sự quá tay và kỳ thị của một số cảnh sát da trắng. Cái chết thương tâm của cô Breonna Taylor ở Louisville, Kentucky, tháng ba năm ngoái chắc chắn là do sự lạm quyền của một số nhân viên công lực.

Trong tháng ba, đảng Cộng Hòa đang nắm đa số tại lưỡng viện Quốc Hội tiểu bang Georgia, thống đốc Brian Kemp cũng là Cộng Hòa, đã nhanh chóng thông qua một đạo luật mà chủ ý rõ rệt là hạn chế quyền bỏ phiếu của người da đen. Cộng Hòa là một đảng có đến hơn 75% đảng viên là  người da trắng gốc Âu (không Hispanic/Latino). Vừa qua, tại đây, Donald Trump đã thua Joe Biden, và hai thượng nghị sĩ tân cử đều là người đảng Dân Chủ - trong đó có một mục sư da đen (Stephen Warnock). Bởi thế, trong câu chuyện kỳ thị chủng tộc, bạch chủng thượng đẳng...  chẳng thể bỏ qua tính đảng phái trong đó. Đảng Cộng Hòa thường không cổ vũ cho một đất nước đa chủng, đa văn hòa. 

Tại sao hiện nay lại nổi lên câu chuyện bạo lực
nhằm vào người Mỹ gốc Á?

Nói chung, người da trắng từ Âu sang Mỹ đang sợ và muốn đẩy lùi di dân, nhất là di dân  Hồi giáo trong thời buổi thế giới toàn cầu hóa và khủng bố Hồi giáo cũng trở thành quốc tế hóa. Riêng ở Mỹ, người Hồi giáo còn ở xa; khủng bố lâu nay, chủ yếu, nhờ trời chỉ có tính “cây nhà lá vườn”. Nhưng ít nhất từ 10 năm qua, nhiều người Mỹ lo ngại về di dân gốc Á bởi vì “Hoa mộng” dưới thời Tập Cận Bình cổ vũ cũng được “quốc tế hóa”, nhưng chủ yếu nhằm vào “đất nước của di dân”, “vùng đất của cơ hội”. Biết đâu, 20-30 năm nữa, di dân gốc Hoa sẽ làm nên khối thiểu số mạnh nhất ở Mỹ?

 Như đã nói, người Mỹ bình thường vẫn chỉ biết châu Á qua Đông Á, và Đông Á thì qua  Hoa Lục. Tỷ lệ di dân gốc Á thuần túy (không pha chủng tộc) khoảng 5%, Đông Á khoảng 4.2%, và người Hoa 1.6% (trong khi Trung Quốc dân số chiếm đến 1/6 tổng dân số thế giới!) Tuy nhiên, cái thiểu số 1.6% này đối với nhiều người da trắng là đáng sợ vì tính áp lực cạnh tranh của nó. Người Hoa đổ vào Mỹ nhanh như nhịp độ hàng Trung Quốc xâm nhập và độc chiếm thị trường Mỹ. Người Hoa vào Mỹ không sợ đơn độc và thất nghiệp. Và không chỉ người Mỹ trắng cảm thấy sự đe dọa đó qua sự xâm nhập, lấn chiếm vào giáo dục, kinh doanh, kinh tế, chính quyền, gia cư, địa ốc, văn hóa... Chinatown, chợ Tàu, quán ăn Tàu, buffet Tàu, các cửa hàng Tàu, tiệm massage Tàu... Các đại học Mỹ đã từ lâu cảnh giác với giáo sư người Hoa, sinh viên người Hoa đang tràn ngập... Các bệnh viện Mỹ hiện nay không thiếu bác sĩ, y tá gốc Hoa. Và nhà cửa ở Mỹ đang ngày càng đắt đỏ cũng nhờ người Hoa hậu hỉ mua nhà trả bằng cash (để rửa tiền?).

Dĩ nhiên, lãnh đạo Mỹ phải có cái nhìn xa và rộng với toàn cảnh là toàn cầu trong thời gian ít nhất vài thập niên tới. Lãnh đạo Mỹ bao gồm ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp - liên bang và tiểu bang. Nhưng câu hỏi vẫn là lãnh đạo Mỹ là ai? Nước Mỹ có lãnh đạo hay chăng trong nghĩa đó? Câu hỏi này vẫn chưa được trả lời rõ ràng.

Ông Biden có thể chỉ có bốn năm nữa vì ông đã 78. Hay tám năm nếu may ra. Ông ở Mỹ, khó có tham vọng nắm quyền đến năm 85 tuổi như Vladimir Putin (Putin năm nay mới 68). Cho nên ông chỉ có thể nói chừng đó chuyện, làm chừng đó chuyện. Ông Obama trước đây cũng có ý hạn chế nhập cư cũng như tìm cách thúc đẩy cho người Mỹ có giáo dục tốt hơn, đủ sức cạnh tranh hơn. Nhưng bốn năm của Trump, ông chẳng quan tâm mấy về điều có tính chiến lược này.

Thực ra, nạn bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á hay phá hoại chuyện làm ăn của các tiệm Tàu vẫn chỉ là chuyện tự phát, ngẫu hứng của một số nhỏ người Mỹ tin rằng đúng như ông Trump nói, người Hoa đã gây ra đại dịch, vì thế mà ông Trump thất cử. Họ cũng thấy người gốc Á đã xâm nhập xã hội Mỹ và kinh tế Mỹ làm cho nhiều người Mỹ thất thế.  Nhưng đừng nghĩ chỉ có người da trắng mới làm những tội ác thù ghét nhằm vào người gốc Á. Nhiều người Mỹ da đen, hay gốc Hispanic/Latino cảm thấy cơ cực cũng đang mang “tâm bệnh” đó. Mối lo chính là ở chỗ đó nhưng giải đáp rõ rệt cung chưa có.

Chắc chắn Tổng thống Biden đang bù đầu vì trăm công ngàn việc nay đang cảm thấy bất định vì mối lo này.

Những người Mỹ gốc Á không phải là người Hoa đang cảm thấy bất an vì lo sợ người ta tưởng lầm về gốc gác của mình.

Một số không nhỏ người Mỹ cả trắng và đen đều có thể bất toại vì lãnh đạo chưa hiểu hết “tâm tư” của mình.

Chỉ có một người duy nhất bất động, nhưng ông ta ở tận Bắc Kinh và vẫn đang chìm trong giấc mơ “Hoa Mộng” của mình.

Hoàng Ngọc Nguyên

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top