Hoàng Ngọc Nguyên: AMERICA IS BACK!

AMERICA IS BACK!

Hoàng Ngọc Nguyên

@www.saigonweeklyonline.com

https://images-na.ssl-images-amazon.com/images/I/51MiRCCSKoL._SX329_BO1,204,203,200_.jpg
Ngày thứ năm 4-2, trong khung cảnh long trọng của phòng khánh tiết của Bộ Ngoại Giao Mỹ, Tồng thống Joe Biden tuyên bố “America Is Back!” (Không phải “America is black”). Hoa Kỳ nay đã trở lại với thế giới. Đó là điều tất nhiên đương nhiên. Một khi Trump đã biến mất khỏi chính trường. Chúng ta đã có thể thấy (trước) khi Biden bước vào Tòa Bạch Cung.

Kể từ thời chấm dứt chiến tranh lạnh (1990), trật tự thế giới đã bị xáo trộn mãnh liệt, các tổng thống Mỹ từ Bush (cha) đến Obama đều phải ra sức duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong giữ gìn tương đối trật tự thời hậu chiến tranh lạnh này, dựa trên những nền tảng Thế giới  Tự do đã xây dựng được trong hơn bốn thập niên ngăn chận sự bành trướng của Cộng Sản quốc tế.

Tuy nhiên, Donald Trump, vốn là một “thiên tài rất ổn định”, chỉ có tội “tâm thần bất ổn” và những giới hạn ngặt nghèo trong hiểu biết chính trị và lịch sử của nước Mỹ (Trump đổ lỗi tất cả cho “cái học thời nay”) - không nói gì đến thế giới -, lại muốn “làm lịch sử” bằng cách đảo ngược tất cả những chính sách, đường lối bấy lâu nay của bao đời tổng thống trước đây. Cho nên, ông ta đã làm cho những nước đồng minh truyền thống, từ gần tới xa, ngỡ ngàng, lúng túng, có cảm tưởng bị bỏ rơi, trong khi những nước có truyền thống đối nghịch với Mỹ thì rung đùi đắc chí: thời cơ đã tới.

Dưới triều đại của Trump, Mỹ đã ngày càng “Make America Great Again” bằng cách tự cô lập ra khỏi thế giới. Có thể mang mặc cảm “học quá cao” với những người lãnh đạo các nước châu Âu vốn là đồng minh với Mỹ từ những thời thế chiến (cách đây một thế kỷ) qua chiến tranh lạnh, ông đã không che dấu sự “thiếu thiện cảm” (tự ty) của mình bằng các quyết định đơn phương rút khỏi Hiệp ước quốc tế về thay đổi khí hậu (Paris 2015) mà cựu Tổng thống Barack Obama đã ký kết; từ tháng năm năm 2018 Mỹ cũng rút khỏi hiệp định quốc tế các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) cộng với Đức đã ký với Iran về đình chỉ vũ khí hạt nhân (Joint Comprehensive Plan of Action); ông xem nhẹ vai trò của Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) (bắt các nước thành viên đóng góp thêm, trong khi Mỹ không hề đạt được một thỏa thuận nào với NATO về trật tự thế giới ngày nay trước sự đe dọa bành trướng của Nga), và Trump quyết định rút bớt quân Mỹ ra khỏi Đức, một nước tiền đồn chống sự mở rộng của Nga ở châu Âu.  Ở Biển Đông Thái Bình Dương, Trump cũng có một thái độ “kinh doanh thuần túy”, cái gì cũng tiền bạc với những đồng minh như Nam Triều Tiên, Nhật Bản..., đang phải lưỡng đầu thọ địch Nga và Trung Cộng. Trump cũng chẳng thân thiện gì hơn với Úc và Tân Tây Lan.

Nhưng nền tảng của “chính sách đối ngoại” của Trump chính là quan hệ “khắng khít” giữa Trump và ông trùm Putin, cũng với chiêu bài gian trá MAGA. Tuy Trump nói lui nói tới căn bản của ông ta là “America First”, nhưng thực tế chính là “Putin First” – ngay cả “Trump First” cũng không phải! Nếu “Trump First”, ông ta đã không bán đứng tên tuổi, hy sinh danh dự, uy tín, liêm sĩ của mình đến thế! Dĩ nhiên, chưa có người chủ nào của Điện Cẩm Linh có thể cấy được người của mình vào Tòa Bạch Ốc như Putin đã đặt để cho Trump. Lý do đơn giản: Putin là trùm KGB từ bao đời. Và KGB đã mua chuộc Trump từ bốn thập niên qua, khi Trump chỉ mới ba mươi mấy tuổi – theo tác giả Craig Unger trong cuốn sách mới ra: American Kompromat. Một người Mỹ bị nắm thóp. Kompromat là hoàn cảnh của một người cứ phải “thỏa hiệp”, nhượng bộ (compromise), việc gì cũng phải chiều người vì bí mật sống chết của mình đã bị người ta nắm hay những ân huệ người ta đã ngầm cho mình. (Từ Kompromat theo định nghĩa là thu thập được những thông tin tai hại của một người nào đó, và dùng những tin tức này để hăm dọa, uy hiếp người đó, nhằm thao túng, giật dây “nạn nhân”... Theo tác giả Unger, kompromat là một thủ đoạn chính trị đặc biệt phổ biến ở các nước cộng sản trước đây, và nay đặc biệt ở Nga).

Cho nên, tuy Trump đã 75, Putin chỉ mới 68, nhưng trong tay Putin, Trump giống như một đứa trẻ khờ khạo, mới tập đi. Putin bảo gì, muốn gì, làm gì, Trump cũng chiều theo như một “Yes man”. Putin dắt đi đâu, Trump theo đó. Putin đàn áp các phong trào dân chủ chống đối trong nước (như hiện nay). Đó là chuyện của Nga. Putin đã để cho tình báo Nga phá hệ thống mạng của Mỹ (hacking)? Đó là chuyện mới nghe nói, chưa chắc có thật. Nga cho tiền để Taliban giết lính Mỹ ở Afghanistan? Mỹ rút khỏi nước Hồi giáo này thì Nga hết chuyện. Mỹ chẳng những nhường đất cho Nga ở Syria, Afghanistan, Iran... mà còn rút quân để mở đường cho Nga đi vào vùng này. Ngay cả với nước Venezuela Nam Mỹ, người ta những tưởng Mỹ sẽ can thiệp mạnh để chấm dứt chế độ độc tài của Nicolas Maduro, nhưng khi Putin vào cuộc bảo lãnh nhà độc tài này Trump tức thì làm ngơ trong khi người ta cứ tưởng phen này Mỹ sẽ can thiệp để xác nhận vùng ảnh hưởng của mình ở Nam Mỹ. Khi người ta tố cáo Nga phá bầu cử Mỹ, Trump hiểu ngay chính nhờ Nga phá, Trump mới đắc cử tổng thống năm 2016! Vì những tình nghĩa đó, Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên trong bốn năm tại Tòa Bạch Ốc đã chẳng đụng gì đến nước Nga mà còn dung túng, để cho Nga tự do bành trướng thế lực ở cả châu Âu và Trung Đông.

Nay thì nhiều người ca ngợi ông Trump đã “can đảm” chống Trung Quốc cho Việt Nam, vì Việt Nam (Nếu can đảm, ông đã không sưng gót chân trong thời chiến tranh Viêt Nam). Dĩ nhiên, trong thời nay, không thiếu những người nhẹ dạ, không biết nhìn thẳng vào sự thật. Trump vẫn được cố vấn của ông ta cho biết đại dịch xuất phát từ Vũ Hán, vẫn biết từ đầu năm 2020 coronavirus đã bắt đầu xâm nhập vào nước Mỹ, nhưng Trump không muốn đá động đến chuyện Vũ Hán vì sợ “người bạn thân” Tập Cận Bình thêm rối trí, và cũng không muốn nói chuyện đại dịch đến Mỹ khiến người Mỹ lo ngại, bỏ bê chuyện làm ăn. Trong tháng hai 2020, Trump đã tweet ca ngợi Tập khéo kiểm soát đại dịch ở Trung Quốc. Đến tháng sáu, Trump còn có ý bênh vực những trại tập trung (học tập cải tạo) của Tập nhốt người Hồi giáo ở Tân Cương. Họp báo Trump vẫn có ý bao che cho Tập, chỉ nói Trung Quốc đã không may để cho đại dịch bùng phát, nhưng không chịu cho thế giới biết sự thật.

Thế nhưng sau đó Trump thay đổi thái độ. Vì nhiều lý do: cuộc chiến mậu dịch xem ra là trò đùa tai hại trong mùa đại dịch, Trump cốt lấy tiếng, không cần miếng; Tập Cận Bình chẳng cung cấp tài liệu gì giúp Trump phá Joe Biden mặc dù Trump đã có yêu cầu; Trump cần tìm vật tế thần để đổ lỗi cho sự lây lan mạnh ngoài kiểm soát của COVID-19 ở Mỹ... Bởi thế mà Trump chỉa mũi dùi vào Trung Quốc trong vụ đại dịch, quên rằng Trung Quốc có dân số gấp bốn lần Mỹ nhưng lại kiểm soát đại dịch tốt hơn. Và có điều cũng rõ ràng là kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh và GDP (giá trị Tổng sản lượng nội địa) đã vượt qua Mỹ theo theo tiêu chuẩn PPP (Purchasing Power Parity =Tương quan mãi lực) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và CIA (Trung Quốc 24.2 ngàn tỷ đô-la so với Mỹ 20.3 ngàn tỷ).  Để “dẫn dắt dư luận” theo hướng của mình, trong những tháng cuối cùng, Trump và Ngoại trưởng “thừa sai” Mike Pompeo đã dấy lên một phong trào “bài Hoa”. Nói ngay tình, chính quyền Tập vẫn có nhiều điều tệ hại, truy bức trong nước (từ Tân Cương đến Hong Kong) và “tham vọng bá quyền” đối với những nước trong vùng Biển Đông. Nhưng Trump chẳng quan tâm gì – cho đến gần đây. Trump vẫn muốn thấy một thế giới “tam quốc chí” nổi bật với ba lãnh tụ trọn đời sống chung hòa bình: Tập, Putin, Trump, cho nên trong lòng vẫn có một tình cảm ưu ái Tập – sau Putin. Nhưng hoàn cảnh đã không cho Trump may mắn như Tập, như Putin - vậy thôi!

Trump còn có những chính sách quái đản khác, hoặc vì càng già càng ưa táy máy như con nít, hoặc chủ đích phá người tiền nhiệm Obama. Một cựu ngoại trưởng của Trump, Rex Tillerson, trong phòng vấn gần đây của tạp chí Foreign Affairs, đã nói Trump chẳng có kiến thức gì về trật tự quốc tế và thế giới toàn cầu, lý do đơn giản là Trump không biết đọc, không biết viết, chỉ biết tweet. Nổi bật là ông ta mơ tưởng có thể đoạt giải Nobel hòa bình cho nên cứ nhất định theo đuổi tình bạn bất diệt bệnh hoạn với Kim Jong-un, một già, một trẻ. Trump sẵn sàng đi đến bất cứ chân trời góc biển nào để gặp Kim (Singapore, Việt Nam, Bàn Môn Điếm). Rồi khi thấy Kim khó chơi quá, Trump đi tìm Nobel theo hướng khác, nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái và mua chuộc hai nước nhỏ ở Trung Đông (United Arab Emirates 9.7 triệu dân và Bahrain 1.6 triệu) ký hòa ước với Do Thái. Nay người ta nói người rễ Do Thái của Trump (Jared Kushner) phải được giải Nobel hòa bình năm nay.
Nay tân Tổng thống Joe Biden nói “America Is Back”, câu hỏi là “back to where and how”. Trở lại thế giới  nào đây khi cảnh tượng ngày nay đã khác xưa. Và làm sao trở lại đây?

Hiện nay, dân chủ đang đổ đốn, suy đồi nơi nơi vì nhìn đâu chúng ta cũng thấy những người lãnh đạo độc tài tàn bạo cứ suy nghĩ theo cách của Trump, mình thực ra là vua, cầm quyền vô thời hạn, làm gì cũng hợp pháp, và tìm cách duy trì quyền lực bằng mọi giá. Cứ kể tổng quát: châu Phi chẳng làm sao kiếm ra được một nước dân chủ thực sự - người ta cứ đổ cho dân trí thấp kém. Ở Trung Đông cũng chẳng làm sao kể ra được một nuớc dân chủ thực sự, nhưng độc tài thì không thiếu (Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Saudi Arabia, Algeria...). Người ta viện lý do phải duy trì sức mạnh của Hồi giáo cùng chống lại những âm mưu dị giáo khuynh tả, bạo động. Nam Á là nơi dân chủ vẫn chông chênh trên bờ vực và chỉ còn cái vỏ: Bangla Desh, Pakistan, Ấn Độ.... Trung Mỹ và Nam Mỹ thì bàng bạc độc tài đội lốt cách mạng dân chủ hay dân túy. Đông Nam Á thì ngày càng tệ hại: Phi Luật Tân, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia... Tất cả đều nhân danh nhu cầu bức thiết duy trì sự “ổn định chính trị” để phát triển kinh tế và chống tham nhũng và độc tài!

Bao trùm cả thế giới như ngọn hải đăng chinh là hai nước dẫn đầu Liên bang Nga và Trung quốc. Đây chính là hai nguồn cảm hứng, thúc giục vô tận cho thế giới phi dân chủ. Và nói ngay tình, Trump chỉ mới nổi lên sau này, do Nga cấy lên ở nước Mỹ để thúc giục thế gìới mạnh dạn từ bỏ sự theo đuổi dân quyền, nhân quyền....

Chúng ta đang chứng kiến người dân ở Moscow xuống đường dồn dập để phản đối sự bạo ngược của Putin, Ông ta đã ở Kremlin 20 năm rồi, từ 2000, và đang định trị vì ít nhất 12 năm nữa (khi được 80) – sau khi sửa hiến pháp (quá dễ ở Nga). Tất cả những người đấu tranh cho dân chủ ở Nga đều bị sát hại, hoặc bỏ tù vô thời hạn. Nay một phần người dân Nga xem chừng đã hết kiên nhẫn khi thấy Putin ngồi mãi ở Kremlin. Họ quyết vùng dậy sau vụ Putin bắt lãnh tụ đối lập Alexei Navalny trở về Nga từ nước Đức, nơi ông được điều trị vì bị đầu độc bởi tình báo Nga. Hàng chục ngàn người đã xuống đường trong nhiều ngày liên tiếp. Có ít nhất 10.000 người đã bị bắt, hành hạ, đánh đập, khủng bố trong tù... Đúng là thật khó khi tưởng tượng một đoạn kết hào hứng cho cuộc tranh đấu cho dân chủ ở một nước như Nga.

Chúng ta cũng chứng kiến Trung Quốc nay đang khủng bố Đài Loan vì nước này cứ giương cao lá cờ độc lập, không chịu làm chư hầu cho thiên triều Bắc Kinh. Trung Quốc cứ cho tàu chiến và máy bay chiến đấu vần vũ  trên Biển Đông – không chỉ đe dọa Đài Loan mà cả những nước trong vùng. Đồng thời, Tập quyết định mạnh tay với dân Hong Kong và dân Hồi giáo Uighur ở Tân Cương. Tập Cận Bình, năm nay 68 (thua Putin một tuổi), lên cầm quyền từ 2012, lẽ ra hết hai nhiệm kỳ từ 2020, nhưng nay được đảng và dân tín nhiệm với chiêu bài “Hoa Mộng”, đưa Trung Quốc lên vị trí lãnh đạo thế giới, cho nên tiếp tục là chủ tịch đảng, chủ tịch nước, không giới hạn ở nhiệm kỳ (nào kém chi Putin)!!! Điều rõ ràng là người dân Trung Quốc rất thực tế, cho nên phần lớn chẳng quan tâm gì đến dân chủ. Khó tin ở một cuộc xuống đường vĩ đại của người dân đòi thay đổi chế độ, cho dù Trung Quốc có dư người làm việc đó!

Ở Việt Nam, chúng ta vẫn nghe lý luận người dân tin Bác, tin đảng, cho nên một cơ chế dân chủ đa đảng vừa không cần thiết, vừa phí phạm, và ngay cả trong đảng, để giữ sự liên tục trong hiệu quả và công cuộc chống tham nhũng, người ta cũng quyết không thay người lãnh đạo  Đảng. Lẽ ra Nguyễn Phú Trọng, năm nay 77, lên chức tổng bí thư năm 2011, đã phải rời chức từ 2016, vì theo luật lệ trong đảng, quá 70 thì phải về vườn, nhưng Trọng vẫn được (tự) đặc cách lưu nhiệm trong khi Nguyễn Tấn Dũng bị bay chức thủ tướng. Vừa qua, lẽ ra Trọng cũng phải rút lui trong hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước (“kiêm nhiệm” vì thiếu người) nhưng vì ông đã triệt tất cả các đối thủ, chẳng còn ai cạnh tranh, nên lại buộc lòng phải làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Vì lớn tuổi hơn Putin nên Trọng bồn chồn thấy rõ, bởi thế bị tai biến mạch máu não từ tháng tư năm 2019, nhưng vì sợ việc nước không ai lo, cho nên vẫn giữ ghế. Dân trong đảng miền bắc khoái Trọng vì ông ta là lãnh đạo duy nhất dám nhân danh chuyện bài trừ tham nhũng mà chặt hết cầu của những người miền nam có tham vọng ra bắc. Nhưng cũng nhờ Trọng người ta mới thấy chế độ tham nhũng hết thuốc chữa – một chế độ không có công lý, phi dân chủ và vô văn hóa. Bởi thế đảng Cộng Sản cứ phải chuyên chính mãi mãi để duy trì công lý, dân chủ và văn hóa như hiện nay.

Những gì đang diễn ra ở Myanmar (Miến Điện) cho thấy dân Miến “chịu chơi” hơn dân Việt rất nhiều: hàng chục ngàn người xuống đường liên tiếp trong nhiều ngày để phản đối quân đội lạm quyển đã bác bỏ kết quả bầu cử với lý do “gian lận” và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng những lãnh đạo khác của đảng cầm quyền. Có hai điều cần biết về nước Miến Điện này:

(i) Myanmar là nước láng giềng được Bắc Kinh “bảo hộ”, cho nên gìới quân đội ở đây chẳng ngại áp đặt một chế độ độc tài quân phiệt. Họ chỉ ngại giáo hội Phật giáo. Trong thập niên vừa qua, họ đã nhượng bộ phần nào phong trào dân chủ, nhưng vẫn giữ vị thế “cầm chịch” trong quốc hội!
(ii) Đó là một nước Phật giáo quá khích, người Hồi giáo ở nước này “chỉ có chết”, giống như người Hồi giáo ở Tân Cương. Bởi thế mà dư luận quốc tế đang thất vọng vì bà Aung San Suu Kyi, trước đây nổi tiếng là một phụ nữ tranh đấu dũng cảm cho dân quyền, nay lại để cho chính quyền truy bức người Hồi giáo. Nhưng mặt khác, người dân ở nước này sẵn sàng nghe lời các nhà sư xuống đường tranh đấu. Bởi vậy, (giáo) hội và (quân) đội nhiều khi phải “thỏa hiệp” với nhau, như Thích Trí Quang với Nguyễn Khánh hồi năm 1964.

Bởi vậy, dân chủ đang hỏng nơi nơi. Ngay cả những nước dân chủ lâu đời. Đức Giáo hoàng gần đây đã phải lên tiếng trong một lần gặp giới ngoại giao tại Tòa Thánh La Mã: “Các nền dân chủ trưởng thành của thế giới nên bác bỏ việc tôn thờ cá nhân chính trị và bảo đảm pháp quyền vượt lên trên quyền lợi đảng phái. Nhấn mạnh “nhu cầu hòa hợp, ôn hòa, xây dựng và tôn trọng trong đối thoại”, ngài nói “Việc phát triển ý thức dân chủ đòi hỏi sự chú trọng vào các cá tính riêng biệt phải bị dẹp bỏ và việc tôn trọng pháp quyền phải được nêu rõ... Luật pháp là điều kiện tiên quyết, không thể thay thế, cho việc áp dụng mọi quyền hành, và phải được các cơ quan chính quyền bảo đảm, bất kể quyền lợi chính trị phe phái.”

“America is back”, nhưng trở lại đâu? Những chỗ dựa truyền thống của Mỹ là châu Âu nay cũng đang bị thử thách triệt để - đúng như ý nguyện của Putin muốn phá dân chủ phương tây. Anh nay không còn trong Liên Âu. Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel 66 tuổi nay đã hồi hưu sau 16 năm tại vị và cố gắng tối đa duy trì sự ổn định hợp nhất của khối các nước chống cộng này. Còn Mỹ? Nhiều nước châu Âu không còn tin tưởng ở sự lãnh đạo của Hoa Kỳ sau bốn năm dưới triều Trump, nhất là đã chứng kiển cuộc bạo loạn không tưởng được ngày 6-1-2021.
Biden thay Trump hứa hẹn một kỷ nguyên mới. Nhưng trong thời đại dịch toàn cầu này, chẳng có gì là dễ dàng cả!

Hoàng Ngọc Nguyên



 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top