Hoàng Ngọc Nguyên, Ai Cần Chiến Tranh Mậu Dịch

 
Ai Cần Chiến Tranh Mậu Dịch
Hoàng Ngọc Nguyên

LTS: Thường khi một tổng thống Hoa Kỳ rời nhiệm sở thì không ai nhắc đến nữa trừ ông Donald Trump. Những người lãnh đạo đảng Cộng Hoà hiện nay vẫn còn bị cái “hầu bao’ tức túi tiền tranh cử nằm trong tay ông Trump nên vẫn cố tình nhắm mắt không nhìn thấy những hậu quả gây lệ lụy lâu dài cho không chỉ Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng đến kinh tế toàn thế giới do chính sách mậu dịch tùy hứng nhằm mục đích phục vụ cho tham vọng của riêng ông Trump hơn là cho Hoa Kỳ. Bài nhận dịch sau đây của nhà báo Hoàng Ngọc Nguyên viết từ năm 2018 khi ông Trump khởi động chiến tranh mậu dịch với Trung Cộng hy vọng sẽ giúp cho bạn đọc có một cái nhìn rõ rệt hơn về vấn nạn này mặc dù cơn đại dịch Covid trên toàn thế giới vừa bị trấn áp nhờ thuốc chủng ngừa hữu hiệu.



Mấy năm qua, rất nhiều người lo ngại lên tiếng nói cuộc chiến tranh mậu dịch của Hoa Kỳ với Trung cộng càng ngày càng leo thang. Nhưng cũng nhiều quan sát viên lại nhún vai, cho rằng đó chỉ là trò đùa nghịch của trẻ con lâu nay chúng ta vẫn thấy. Hay vẫn là thủ đoạn chính trị tập tễnh của một người chỉ quen nghề mua rẻ bán đắt. Nói thế nào đi nữa, chơi dao có ngày đứt tay. Và người ta chẳng thể nhân danh hiến pháp mà bắt người dân cứ phải sống ngày đêm trong hồi hộp, lo âu mà cứ đổ thừa cho opioid.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã nói đến từ lâu chuyện phải có thuế quan (thuế đánh vào hàng nhập từ nước ngoài) đối với hàng hóa nhập từ Trung quốc để “tái lập công bằng” trong quan hệ thương mãi gữa hai nước. Có nghĩa là ông muốn từ bỏ đường lối tự do mậu dịch vốn là nền tảng quan hê kinh tế quốc tế của nước Mỹ trong cả thế kỳ qua. Ông đổ cho những người lãnh đạo trước đây của nước Mỹ (chủ yếu nhằm vào ông Barack Obama) đã để cho hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nước Mỹ, khiến cho thâm hụt mậu dịch nay lên đến 500 tỷ đô la (Khi kiểm chứng lại, người ta thấy ông thổi phồng con số đến 1/3, có nghĩa là chỉ 375 tỷ. Đến nay, Mỹ mua của Trung Quốc khoảng 500 tỷ và xuất qua Trung Quốc 125 tỷ. Năm 2001, Mỹ mua khoảng 100 tỷ, bán 20 tỷ).

Đầu tháng 4 năm 2018, ông đã đột ngột đơn phương hành động. Đơn phương có nghĩa là bất kể lời can gián của cố vấn kinh tế cao cấp nhất của ông là Gary Cohn – sau đó ông Cohn từ chức ngay tức thì. Và nói chung thì chủ trương dựng hàng rào quan thuế không phải là chủ trương của nước Mỹ, nhất là chủ trương của đảng Cộng Hòa. Tự do mâu dịch là đường lối căn bản, truyền thống của nước Mỹ, phù hợp với chủ nghĩa tư bản của nước này. Đảng Cộng Hòa vẫn có chính sách cổ xúy mở rộng thị trường của Mỹ ra nước ngoài, cho nên càng chống lại chuyện lập hàng rào quan thuế. Ông Paul Ryan, người Cộng Hòa tiểu bang Wisconsin, chủ tịch Hạ Viện, đã có khuyến cáo Tổng thống Trump về điều này. Lý do ông Trump áp đặt thuế quan lên hàng nước ngoài nghe có vẻ “dân tộc chủ nghĩa”: giảm quốc trái (nợ quốc gia) đang đè lên vai những thế hệ sau này, và tạo thuận lợi cho những kỹ nghệ trong nước cạnh tranh với nước ngoài, có nghĩa là thêm công ăn việc làm cho người dân.

Đúng là hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Mỹ (chẳng riêng gì mì gói), mặt hàng nào trong các chợ xem cho kỹ cũng “made in China”. Thế nhưng đó có phải là vấn đề hay chăng? Đúng là có thể có vấn đề, nhưng vấn đề này phải giải quyết cách nào khác chăng thay vì dựng hàng rào, đặt ra thuế nhập đề cho hàng vào nước Mỹ đắt hơn khiến cho người dân bớt mua hay không mua. Câu hỏi thứ hai, thời điểm kinh tế đang hưng thịnh và ổn định hiện nay có cần phài dựng hàng rào ngột ngạt hay không? Và câu hỏi thứ ba, nghiệm trọng nhất, hậu quả của một cuộc chiến tranh mậu dịch là gì? Câu hỏi này đúng là khó trả lời cho ông Trump, vì bình thường ông không bao giờ tính toán hậu quả của những việc ông làm mà chỉ nhìn chuyện vui đùa trước mắt. Ông vẫn nhún vai: “Có tiền trám miệng là xong cả. Thuở nay làm quan cũng thế thôi”.

Câu chuyện “chiến tranh mậu dịch” bắt đầu vào ngày 1-3-2018 khi ông Trump tìm cách nắn gân Bắc Kinh bằng cách bỗng nhiên áp đặt mức thuế quan là 25% cho hàng thép và 10% cho   aluminium. Đúng là quyết định này đã làm cả thế giới xôn xao, các nước đồng minh sững sờ, nước vô can như Nga thì im lặng một cách hoan hỉ, còn Trung Quốc dường như đã chuẫn bị tinh thần, cảnh cáo ông Trump đang đùa với lửa, chẳng nhìn đến hậu quả bỏng tay, và nói chẳng sợ gì chiến tranh mậu dịch của Mỹ. Sau đó, Bắc Kinh đã phản ứng trả đũa sau khi thấy ông Trump chẳng “thay lòng đổi dạ”, bằng cách đặt ra thuế nhập với hàng từ Mỹ. Trung Quốc áp thuế hàng Mỹ trị giá 3 tỷ USD để trả đũa với thuế thép và nhôm mà Mỹ đã áp đặt lên Trung Quốc.

Ngày thứ ba, 3-4-2018, khi thấy Bắc Kinh “ăn miếng trả miếng” (tit for tat) Mỹ nói “thất vọng” trước biện pháp này. Donald Trump leo thang, nêu chi tiết 1.300 sản phẩm cũa Trung Quốc được dự tính sẽ bị áp dụng mừc thuế mới 25%. Người ta nói việc đặt thêm thuế nhập cảng là nhằm đáp trả cách hành xử “không công bằng” của Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ. Một danh sách hàng hóa cuối cùng sẽ được xác định sau một thời gian nhận xét và đánh giá của công chúng, dự kiến kéo dài khoảng hai tháng. Theo tin chính thức, kế hoạch đánh thêm thuế nhập cảng là kết quả của cuộc điều tra mà Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh xúc tiến năm ngoái về “tập quán quen ‘đánh cắp sở hữu trí tuệ’ của Trung Quốc. Tháng trước, ông Trump cho biết cuộc điều tra cho thấy có bằng chứng về vấn đề này, chẳng hạn như các biện pháp gây áp lực để buộc các công ty Hoa Kỳ phải chia sẻ công nghệ với các công ty Trung Quốc. Danh sách dài của những sản phẩm phải đóng thêm thuế gồm đủ loại mặt hàng trong đó sản phẩm y tế, ti vi và xe máy. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nơi điều hành các cuộc đàm phán thương mại, cho biết số tiền này “phù hợp với ước tính độ tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, và Trung Quốc phải xóa bỏ các hành động, chính sách và thông lệ có hại (cho nước Mỹ)”.





Bắc Kinh đã nhanh chóng trả đũa, ngay ngày hôm sau đã ra một mức thuế quan 25% đánh trên 106 mặt hàng của Mỹ, trong đó có cả đậu tương, xe hơi và nước cam. Bắc Kinh nói: “Phía Trung Quốc sẽ sử dụng cơ chế WTO (Tồ chức Mậu dịch Thế giới) giải quyết tranh chấp  và áp dụng các biện pháp quy mô và có sức mạnh tương đương nhằm các sản phẩm của Hoa Kỳ theo luật pháp Trung Quốc.” Khi tuyên bố chuyện “mắt đổi mắt, răng đổi răng” này, Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nói họ hy vọng Mỹ sẽ mở mắt, “với tầm nhìn dài hạn và ý thức, sẽ không đi theo con đường sai lầm”.

Sáng thứ tư (giờ Mỹ sau giờ Trung Quốc), ông Trump tweet khi mới thức dậy: “Chúng ta không có chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc, cuộc chiến này (chúng ta) đã bị thua cách đây nhiều năm vì những người điên rồ, vô năng lực đại diện nước Mỹ.

Nay chúng ta có Thiếu hụt Mậu dịch 500 tỷ một năm, và Trộm cắp Tài sàn Trí tuệ thêm 300 tỷ nữa. Chúng ta không thể để cho cuộc chiến này tiếp tục”.

Ông làm căng, ông làm găng. Đương nhiên ông làm cho người bình thường không vui, vì chẳng ai thích chiến tranh, nhất là một cuộc chiến chỉ có thiệt hại, tồn thất, cho dù đó lá cuộc chiến không đổ máu, không tiếng súng. Nhưng cách ông bình thường cứ réo bà Hillary Clinton là Crooked Hillary, gọi ông Obama là “cheating Obama”, thì đó không chỉ là sự thiếu “political correctness” hay “civility” là những điều mà ông Trump và hàng chục triệu người theo ông không cần. Gọi cho đúng chữ, ông là tồng thống đầu tiên của nước Mỹ, như ông hầu mong muốn, mà dám bác bỏ những thành tố cua tư cách con người như thế. Nếu có người tweet lại: “Cuống tín, Ngụy tín. Ngụy thiện. Bất Tín. Bất nghĩa. Bất khà tín. Vô lại. Hạ cấp. Gian dối”, có lẽ ông cũng chẳng màng mà còn vui vì có đối đáp.

Một số nhóm kinh doanh của Hoa Kỳ đang kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tìm cách giải quyết vấn đề qua đàm phán, người ta đang e rằng những đe dọa thuế quan có thể dẫn đến một cuộc xung đột tổn hại cho kinh tế Mỹ. Theo ý kiến của Phòng Thương mại Hoa Kỳ: “Chính quyền đang tập trung rất đúng vào việc khôi phục lại sự công bằng và hợp lý trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, áp dụng thuế đối với các sản phẩm hàng ngày của người tiêu dùng Mỹ và người tạo ra công ăn việc làm không phải là cách để đạt những mục tiêu đó.”

Một sự thực mà ông Trump cũng đã không nhìn thấy là hiện nay kinh tế Trung Quốc đã ít phụ thuộc hơn vào xuất cảng trong những năm gần đây, điều này có thể làm giảm tác động của cuộc tổng tấn công thuế quan của ông Trump. Theo thống kê năm 2016, Hàng của Trung Quốc xuất qua Mỹ tổng trị giá 462.6 tỷ chiếm vào khoảng 18.2% tổng số hàng xuất của Trung Quốc. Mỹ mua của Trung Quốc khoảng 129 tỷ hàng kim khí điện máy. Mức nhập dịch vụ từ Trung Quốc vào Mỹ đã tăng khoảng 59.2% trong thời gian 10 năm 2006-16.

Người ta nói trong chiến tranh mậu dịch, bên nào cũng là bên thua cuộc, nhưng bên nào được người dân ủng hộ nhiều hơn sẽ hạn chế được tổn thất. Trong cuộc chiến này, 1.3 tỳ người dân Trung Quốc đứng đàng sau ông Tập Cận Bình, một lãnh tụ đang nổi lên như Mao Trạch Đông thời trước. Trong cuộc chiến này, bao chục triệu người Mỹ đứng đàng sau ông Trump khi tỷ lệ ngưòi dân tin ở ông không quá 40%? Và rất nhiều người trong chính quyền cũng như trong đảng Cộng Hòa nghi ngại về “chính nghĩa” cũa cuộc chiến? Trong cuộc chiến mậu dịch này, ông Tập là người chống trả. Ông Trump là người khởi xướng. Và sau những đợt ăn miếng trả miếng vừa qua, ông Trump xem chừng quyết chẳng chịu thua.

Thông thường trước chiến tranh, người ta phải thầm lặng đi tìm giải pháp hòa bình trước đã. Nhưng ông Trump khuấy động từ đầu, và xem chừng chẳng muốn ngừng lại. Thật hay giả? Nhà báo BBC Karishma Kaswani gọi đó là điệu vũ mậu dịch (trade dance). Nhưng chúng ta chẳng thể an tâm, vì dường như ông Trump đang cho thấy ông muốn chiến tranh! Hay ông cần chiến tranh. Khi một nước dính vào một cuộc chiến với nước ngoài, hoặc xâm lăng hoặc tự vệ, người dân thường sẽ phải quên tất cả những chuyện “tuế toái” khác để đối phó với nguy cơ đao binh, cho dù chỉ là mâu dịch. Đao binh đây chính là giá cả (và nguy cơ lạm phát gia tăng) và công ăn việc làm. Khi người ta lo lắng những chuyện như thế, lòng dạ nào mà nghĩ tới cô Stormy Daniels hay Karen McDougal hay Summer Davos (Nay người ta còn tò mò muốn biết cô  Daniels rốt cuộc có kiện được tổng thống “lỗi hẹn” hay không. Sau nhiều tháng im lặng, cóc mở miệng. Tổng thống Trump cuối cùng đã nói “Không” khi được hỏi ông có biết có thỏa thuận trám miệng hay không. Khi người ta lại hỏi tại sao luật sư của ông phải trả $130.000 cho cô Daniels, ông nói “Cứ hỏi luật sư của tôi). Hay cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã đi đến đâu (có tin ông Mueller sẽ công bố báo cáo sơ khởi trong tháng này, và Bộ Tư pháp đã nói họ ủng hộ cuộc điều tra của ông, làm cho Tổng thống Trump thấy càng khó đuổi ông Mueller, trừ phi thay hết cả giàn lãnh đạo bộ này).

Bởi thế chiều thứ năm 5-4-2018, ông Trump lại “đơn phương” leo thang. Đơn phương ở đây có nghĩa là đột ngột, chẳng hỏi ý kiến của ai. Ông cho công bố một phát biểu: “Trước phản kích bất công của Trung Quốc, tôi đã ra chỉ thị cho Đại diện Thương Mãi Hoa Kỳ xem xét tăng thêm 100 tỷ thuế quan nữa có thich hợp hay chăng”. Khoản này cộng thêm vào 50 tỷ đầu tuần nữa tính vào hàng trăm mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Ngày thứ sáu, ông Trump trả lời một phỏng vấn trong chương trình Bernie & Sid in the Morning” của đài phát thanh 77 WABC Radio: “Cuộc đối đầu mậu dịch này trong đoản kỳ sẽ có thể tác động không hay đối với kinh tế, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ có một đất nước mạnh hơn vô kể khi kết thúc, và đó chính là ý đồ của tôi”. Ông cũng nói đã chỉ thị cho Bộ Nông nghiệp tìm cách “bảo vệ giới nông gia” của Hoa Kỳ khi các biện pháp của Trung Quốc rõ rệt nhằm vào khu vực nông nghiệp rất bấp bênh và nhậy cảm.

Bắc Kinh lần này cũng đã nhanh chóng phản ứng: Trung Quốc không muốn chiến tranh mậu dịch, nhưng sẵn sàng “chơi tới cùng”. Hầu như cùng lúc ông Trump phát biểu trên đây, một phát ngôn viên của Bộ Thương mãi Trung Quốc, Gao Feng, đã xác định mạnh mẽ Trung Quốc sẽ “trả đũa tức thì, hết sức và không do dự” nếu Mỹ dám thực hiện danh sách mới về thuế quan cho khoảng 100 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc. Ông nói Trung Quốc đã sẵn sàng trước những cuộc công này và đã hoàn thành kế hoạch chi tiết đáp trả. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã đưa đơn kiện Mỹ trước Tồ chức WTO, cho rằng Mỹ đã vi phạm nguyên tắc tự do mậu dịch của thế giới. Theo giới quan sát, Trung Quốc vẫn còn “tự chế” trong phản ứng.

Ngày thứ sáu 6/4/2018 thời tiết kinh tế xấu trên toàn nước Mỹ. Tin về lao động: Trong tháng ba, chỉ có thêm 103.000 việc làm mới, là mức thấp nhất trong khoảng 15 tháng qua. Trong khi nhịp độ tăng trưởng còn mạnh, con số việc làm mới này là một cảnh báo đáng quan tâm. Chính phủ vẫn phải tích cực tạo điều kiện thuận lợi, sự an tâm của giới kinh doanh và lao động, đề duy trì nhịp độ tăng trưởng hiện nay và giữ cho tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4.1%.

Một phản ứng trên Wall Street cũng cần được để ý đúng mức: chỉ số Dow Jones trong ngày thứ sáu cuối tuần (6/4) rớt khoảng 550 điểm, chỉ còn 23.932.76 khi đóng lại – so với 24.103 thứ sáu tuần trước. Trong bốn ngày trước đó (hai, ba, tư, năm), chỉ số này đã lên được 460 điểm  vì theo giới phân tích, người ta nghĩ rằng ông Trump chỉ đe dọa suông chiến tranh mậu dịch vớ vẩn, không đáng lo. Có lẽ thực sự ông không nhắm đến Trung Quốc bên ngoài, mà chỉ nhằm số cử tri da trắng của ông bên trong. Nhưng chỉ số này giảm từ 24.505 thứ năm xuống còn 23.932,  điều này cho thấy giới đầu tư hết kiên nhẫn và bắt đầu ngờ vực “thiện chí” của ông Trump.

Theo VOA, “Trong nỗ lực trừng phạt Trung Quốc vì lối hành xử bất công trong thương mại, Tổng thống Donald Trump có thể mở cửa cho những nước khác chia thị phần tại Mỹ trong đó có Mexico và Nhật Bản, là những nước ông cũng nhắm vào bằng những ngôn từ thương mại gay gắt. Theo dữ liệu nhập chi tiết của Mỹ, những nước này nằm trong số các nhà cung cấp thay thế hàng đầu của khoảng 1.300 dòng sản phẩm nhập từ Trung Quốc chịu thuế suất 25%, và là những nước có thể hưởng lợi vì giá cả tăng cao đột ngột. Mexico đã gửi sang Mỹ khoảng 6 tỉ đô la giá trị mặt hàng TV màn hình phẳng, gấp hai lần Trung Quốc, trong khi Thái Lan xuất khẩu 3,5 tỉ đô la ổ cứng sang Mỹ, gấp 4 lần Trung Quốc. Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam đều là đối thủ trên thị trường về linh kiện máy in”.

Việc Trung Quốc phải “nhường chỗ” cho những nước này và các nước khác không xảy ra một sớm, một chiều. Danh sách hàng trăm mặt hàng ông Trump muốn đánh thuế có thể được xét lại và cũng có thể bị thu hồi, nếu (theo phân tích của một số phân tích gia) mục đích là nhằm đạt được một giải pháp qua các cuộc thương thuyết với Trung Quốc về một số vấn đề thương mại rộng rãi hơn. Cựu Phó Đại diện Thương mại Mỹ Robert Holleyman nói việc sử dụng thuế quan đặt các công nghiệp then chốt của Hoa Kỳ như nông nghiệp và hàng không không gian lâm vào tình trạng hiểm nghèo nhưng “chính quyền đã có những phân tích cẩn thận về vấn đề này. Chính quyền cố hạn chế đến mức tối thiểu một số thiệt hại trực tiếp đối với người tiêu dùng Mỹ.”

Thực ra, khi chỉ nhìn thấy Mỹ khiếm hụt mậu dịch hàng hóa là thấy chưa rõ bức tranh ngoai thương toàn diện của Mỹ. Người ta phải kể một mức thặng dư xuất cảng dịch vụ khoảng 250-300 tỷ một năm. Có nước nào trên thế giới đã phàn nàn bị Mỹ “bóc lột” về mặt mậu dich dịch vụ này? Các nhà kinh tế đang lo ngại suy thoái có thể trở lại sau khi kinh tế hưng thịnh đã đi qua chu kỳ của nó. Là người lãnh đạo kinh tế quốc gia, ông Trump cần hiểu phải cố níu kéo để giữ lại chu kỳ tăng trưởng mong manh này, thay vì có những biện pháp điên rồ thúc đẩy kinh tế sớm tới bờ vực. Và người bình thường cũng có thể thấy nguy cơ của chiến tranh mậu dịch nơi những hậu quả: lạm phát và thất nghiệp. Sự thực là sản xuất trong nước không thay thế được hàng nhập. Và người tiêu thụ vẫn phải chi tiêu, nhưng nay họ sẽ phải trả thêm vi thuế nhập này, hoặc vì mua hàng ở những nơi cung cấp đắt hơn, cho nên phải mua sắm ít lại, có nghĩa là mức độ thỏa mãn xuống.

Cho nên xin Tổng thống chớ đem chuyện thuế quan này ra mà táy máy! Don’t play with fire!
 
hoàng ngọc nguyên
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top