Hoàng Ngọc Nguyên: 2 CÁI TẾT TRONG TÂM TRÍ

Hoàng Ngọc Nguyên

2 CÁI TẾT TRONG TÂM TRÍ




Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia








Khi nhìn đến “cộng đồng người Việt” tại nước Mỹ, chúng ta đương nhiên có thể thấy có nhiều khoảng cách – không thua gì người Mỹ. Và một trong những khoảng cách có thể ám ảnh tâm trí của nhiều người, nhất là những người cao niên mấy chục năm trước từng phải bỏ quê hương và nay phải “nhớ nước, thương nhà”, chính là khoảng cách thế hệ rất khó thu ngắn. Những thế hệ trẻ, lớn lên hay không lớn lên trên đất Mỹ, khó có ý niệm về những cái tết lịch sử trên quê nhà trưóc đây. Ngay cả những người hiện nay trong độ tuổi 60. Nhưng những người hiện nay trên 70, tức khoảng 20 trở lên vào năm 1975 nước mất nhà tan, có lẽ còn nhiều người, nhất là những người đã “được học tập cải tạo”,  vẫn có thể hồi tưởng lại những cái Tết trước năm 1975 để ngậm ngùi cho số phận đất nước.

      Có hai cái Tết trước đây lẽ ra đã có thể giúp chúng ta thời đó rút ra những bài học sống còn – nếu chúng ta chịu học. Tiếc thay, chúng ta sống trong một thời “xếp bút nghiên”, cho nên hình như không nghe một tiếng nói nào có tính cách cảnh giác trước hiểm họa Cộng Sản. Cũng có lẽ một phần là vì cái hiểm họa đó sờ sờ trước mắt, ai cũng thấy. Nhưng thấy là một chuyện, hiểu lại là chuyện khác. Và hành động kịp thời lại là chuyện khác nữa.

      Rất quen thuộc trong tâm trí của chúng ta là Tết Mậu Thân 1968. Tết năm đó lẽ ra phải là một cái Tết rất “huy hoàng” cho Miền Nam chúng ta. Huy hoàng đến mức Tổng thống tân cử Nguyễn Văn Thiệu bỏ thủ đô Saigon mặc áo gấm về quê vợ ở Mỹ Tho ăn Tết. Lúc đó duới thời Tồng thống Johnson đã có hơn nửa triệu lính Mỹ tham chiến ở Miền Nam. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng đến mức 600.000 lính. Lực lượng Mỹ-Việt đã kiểm soát tình hình chiến trận trên khắp bốn vùng chiến thuật, giặc Cộng bị đánh tan nát trên các trận địa chính, từ Khê Sanh (Quảng Trị) đến Ban Mê Thuột (vùng 2), An Lộc (vùng 3). Lực lượng của Mặt trận Giải phóng Miền Nam hầu như đã tiêu vong, và chủ yếu quân Miền Bắc đang điều khiển cuộc chiến tranh xâm lược. Bởi thế từ đầu năm 1967, Bộ Chính trị của Cộng Sản Hà Nội phải quyết định mở chiến dịch Tết Mậu Thân trên khắp các tỉnh thành của Miền Nam – ngay cả thủ đô Saigon - để thay đổi tình thế. Hà Nội thực tin rằng chiến dịch “tổng tấn công, tổng khởi nghĩa” này có thể khuyến khích người dân nổi dậy lật đổ “ngụy quyền Saigon”. Một chiến dịch có tính sống còn.

      Cho đến bây gìờ người ta vẫn còn tranh cãi tình báo Mỹ và Việt có nắm được mưu đồ của địch hay không. Tuy thế, thực tế vẫn rõ là phía Mỹ và Miền Nam đã thiếu chuẩn bị - nếu không nói là không chuẩn bị - cho cuộc tổng tấn công của địch. Bằng chứng là Việt Cộng đã tấn công miền trung trước một ngày, nhưng chính quyền Miền Nam chẳng biết, chẳng sợ gì cả. Vẫn có người tin rằng địch sẽ giữ cam kết ngưng bắn nhân dịp Tết.

Rạng sáng ngày đầu tiên của cuộc ngưng bắn, cũng là mùng 1 Tết, các lực lượng Việt Cộng, được nhiều đơn vị chính qui của Bắc Việt hỗ trợ, mở cuộc tổng tấn công lớn nhất và đuợc phối hợp chặt chẽ nhất, lấn chiếm bảy thành phố lớn nhẩt ở miền trung và tấn công trên 30 tỉnh lỵ từ Vùng phi quân sự đến đồng bằng sông Cửu Long. Những thành phố bị chiếm trong những ngày đầu gồm có Quảng Trị, Huế, Kontum, Dalat. Ở phía bắc của Miền Nam, tất cả năm tỉnh lỵ đều bị tràn ngập. Nhiều căn cứ và phi trường quân sự bị pháo kích. Tại Saigon, một đội đặc công 19 tên tấn công Tòa đại sứ Mỹ và giao tranh trong suốt sáu tiếng đồng hồ. Có lẽ khoảng 1.000 đặc công đã xâm nhập thành phố, tấn công nhiều nơi. Một lực lượng Mỹ và Việt khoảng hơn 11.000 người đánh bật VC ra khỏi thành phố. Đển 10-2, cuộc tổng tiến công hầu như bị bẻ gảy, nhưng ở Huế, phải đợi đến ngày 24-2 VC mởi bị đánh bật ra khỏi Thành nội. Trong khi tháo  chạy khỏi Huế, các lực lượng CS Miền Bắc đã thảm sát khoảng 2.800 thường dân để dằn mặt – chưa kể khoảng 3.000 người mất tích. Cũng theo ước tính, tại Thành nội Huế, chỉ còn 7.000 căn nhà tồn tại trong tổng số khoảng 17.000 căn. Tính trên cả Miền Nam, khoảng gần 8.000 thường dân thiệt mạng, hơn 20.000 người bị thương, 75.000 căn nhà bị sụp đổ hay hư hại nặng. Cuộc tổng tiến công này làm số dân tỵ nạn tăng từ 800.000 lên đến 1.150.000 người.

Chiến dịch “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” là một thảm bại quân sự và chính nghĩa nghiêm trọng của Việt Cộng. Lý do đơn giản: tổng công kích thì có, tổng khởi nghĩa thì không. Phản ứng của người dân là tổng di tản. Người dân Miền Nam bỏ nhà bỏ cửa chạy loạn vì sợ phải sống dưới chế độ CS. Theo ước tính của giới sử gia, ít nhất 60.000 lính của Mặt trận và Miền Bắc đã bỏ mạng trên chiến địa. Tổn thất của Miền Nam và Đồng Minh vào khoảng gần 13.000, trong đó hơn 2.600 tử trận.

Dù là một thất bại về mặt quân sự do ảo tưởng, Chiến dịch Tết Mậu Thân của VC lại là một chiến thắng lớn của địch về mặt tuyên truyền. Chính quyền Johnson thất vọng – hay tuyệt vọng. Người dân Mỹ càng thất vọng – hay tuyệt vọng. Kết quả là Richard Nixon của đảng Cộng Hòa thắng Hubert Humphrey của đảng Dân Chù trong bầu cử tổng thống năm 1968. Và chính giới Mỹ nay chỉ thấy có một con đường “hòa đàm” để chấm dứt chiến tranh và để cho Mỹ rút “trong danh dự”.

Quân Miền Nam qua hai chiến dịch tấn công của địch trong năm 1968 (Chiến dịch thứ hai của VC bắt đầu vào khoảng tháng năm) đã cho thấy khả năng và tinh thần chiến đấu chống quân thù. Chính nhờ vậy mà VC thêm một lần nữa thảm bại. Tuy nhiên, xem chừng giới lãnh đạo cùng chính giới ở Saigon không rút ra được những bài học hay kết luận có tính sống còn. Về kẻ thù và về đồng minh.

Với kẻ thù, chế độ CS Hà Nội, với Liên Xô và Trung Cộng yểm trợ vô giới hạn vũ khí hiện đại, sẵn sàng hy sinh đến người dân Miền Bắc cuối cùng để đạt được mục tiêu xâm chiếm Miền Nam (HCM còn được truyền tụng với câu nói: “Còn non còn nước còn người…”). Cho nên đường lối quân sự của Miền Nam lâu nay có tính giới hạn chiến tranh trong lãnh thổ của mình là không có hiệu quả và chỉ làm cho chiến tranh kéo dài – là điều có lợi cho Miền Bắc.

Với Đồng Minh, người dân Mỹ không chấp nhận, không chịu được chiến tranh kéo dài, nhất là con số tổn thất của lính Mỹ ngày càng cao. Trong khi đó, chính quyền Johnson cho dù đã gia tăng quân viện trong 3-4 năm qua nhưng vẫn chủ trương giới hạn cuộc chiến ở mục đích “tìm và diệt” địch (search and destroy) ở Miền Nam cho nên vẫn không có lối ra. Qua hai chiến dịch tổng công kích của địch trong năm 1968, Miền Nam có thể đứng trước một cơ hội chuyển hướng chiến tranh qua Miền Bắc, nhưng phải chăng giới lãnh đạo Saigon, toàn là những ông tướng, lại không đủ tinh thần tự lập, độc lập để dám xướng xuất một đường lối riêng. Trong khi đó chính giới Saigon không đủ can đảm để tách “Ấn Quang” ra khỏi chính trị cho nên tạo một nến dân chủ rối rắm và bị lạm dụng.

Trong nhiệm kỳ đầu của Nixon (1969-72), đã có những thử nghiệm có tính giới hạn đánh vào hang ổ, sào huyệt của địch quân. Nhưng vì tính “thử nghiệm” và “giới hạn” cho nên những cuộc tấn công qua Campuchia năm 1970 cũng như đánh vào vùng Hạ Lào năm 1971 chỉ có kết quả nửa vời. Tuy nhiên, trong năm 1972 với “Mùa Hè Đỏ Lửa” khi quân Miền Bắc mở ra hàng loạt tấn công từ Quảng Trị vào đến Cần Thơ, quân Miền Nam một lần nữa đã chứng tỏ khả năng chiến đấu kiên cường, dũng cảm của mình - nhất là thiên anh hùng ca An Lộc. Mùa Hè Đỏ Lửa đã cho thấy quân dân Miền Nam sẵn sàng và có khả năng chiến đấu chống quân xâm lược từ Miền Bắc.

Để hiểu Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, một tuần trước Tết Quý Sửu (3-2-1973), chúng ta cần nhìn bối cảnh năm 1972. Trước hết đó là năm Tổng thống Nixon tái tranh cử để kiếm thêm một nhiệm kỳ nữa tại Tòa Bạch Ốc, và  “Dick xảo quyệt’ (Tricky Dick) chắc chắn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt mục tiêu. Và mục tiêu hàng đầu của Tricky Dick là giữ lời hứa với cử tri Mỹ bốn năm trưóc đó Mỹ sẽ rút quân ra khỏi VN bằng mọi giá. Từ gần 600.000, quân Mỹ đã rút khỏi VN gần hết, chỉ còn khoảng 25.000 vào cuối năm - bất kể Miền Nam có đủ thời gian để VN hóa chiến tranh được hay không! Đó là lý do Cố vấn An ninh Quốc gia của Nixon Henry Kissinger đã mật đàm với Lê Dức Thọ từ cuối năm 1969 để đi tìm một phương kế “hòa bình trong danh dự” (peace with honor) mà tới đầu năm 1972 Nixon mới tiết lộ. Mục tiêu này của Nixon phù hợp với chủ trương ngoại giao điếm đàng của tên cố vấn sinh ra ở Đức nhưng gốc Do Thái Kissinger đang muốn kéo Mỹ ra khỏi VN để tập trung sức vào yểm trợ Do Thái đang bi các nước A-Rập bao vây.

Lê Đức Thọ đương nhiên biết mục tiêu của Nixon cho nên trong những năm mật đàm đầu tiên (1969-71) ông ta quyết không để có tiến triển nào bằng cách đưa ra những đòi hỏi ngang ngược phủ nhận chế độ Miền Nam. Hà Nội chờ đến năm 1972 mới tìm cách thúc đẩy hòa đàm bằng cách mở ra từ đầu năm một chiến dịch tấn công trên nhiều mặt trận ở Miền Nam để cho thấy sức mạnh quân sự của Miền Bắc để buộc Mỹ phải nhượng bộ. Để đáp lại, Nixon đã làm lịch sử với hai chuyến đi Băc Kinh (21-2-1973) gặp Mao Trạch Đông và Moscow (22-5 -1973) gặp Leonid Brezhnev. Với hai chuyến đi này, Nixon có thể không còn cần cả Thọ và Thiệu vì ông ta đã nắm được lá phiếu của cử tri Mỹ. Tuy nhiên, để chắc thắng ứng cử viên chủ hòa George McGovern, của đảng Dân Chủ, Nixon vẫn muốn có một hiệp định hòa bình trong tay. Ngoài chuyện đơn phương rút quân, Nixon đã cho Miền Bắc một lợi thế vô song trong hiệp định: lính Miền Bắc không phải rút quân khỏi Miền Nam. Bởi thế khi Hà Nội cứ ca bài “em chả, em chả”, Nixon nổi giận và cho Hà Nội một bài học đích đáng: oanh tạc những vùng chung quanh Hà Nội và Hải Phòng trong 12 ngày đêm để buộc Hà Nội trở lại “hòa đàm”. Còn Miền Nam? Ông Thiệu năm 1971 độc diễn được là nhờ Nixon ngó lơ. Cho nên, dù ông Thiệu cứ đe dọa lui, đe dọa tới sẽ không tham gia hiệp định vì thế này, vì thế nọ, nhưng rồi cuối cùng Ngoại trưởng Trần Văn Lắm vẫn ký như thường. Trong khi đó, đến bây giờ, tức 50 năm sau, người Miền Bắc vẫn còn cao hứng: Hiệp định Paris là một thắng lợi lớn cho Hà Nội vì Nixon không buộc Miền Bắc phải rút quân cho dù Mỹ dư sức tiếp tục chiến dịch ném bom dằn mặt! Ai có thể nói Nixon tuy “tricky” nhưng không “stupid”? (Bằng chứng là vụ watergate trưóc đó và sau đó).

 Hai miền Bắc và Nam lần đầu tiên trong hơn chục năm ăn cái tết Quý Sửu trong hòa bình. Nhưng Miền Bắc ăn tết rộn ràng trong tơ tưởng chiến thắng trong khi tại Miền Nam những người hiểu biết đều cảm thấy bất an. Nói chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc với CS đúng là ngây thơ, điên rồ và đạo đức giả. Với người cộng sản, chuyên chính vô sản quan trọng hơn dân tộc ngàn lần.  Nói chuyện ngưng bắn trong khi cả trăm ngàn quân Miền Bắc vẫn còn đó trên đất Miền Nam cũng là chuyện ảo tưởng, ngây thơ, viễn vông. “Đồng minh” Mỹ khó tin, khó chơi! Lính Mỹ đã rút hết. Viện trợ kinh tế và quân sự đã bị cắt giảm đến mức Miền Nam phải chuyển qua thế thủ bấp bênh. Sau khi ông Thiệu đi Mỹ đầu tháng tư năm 1973, lẽ ra ông phải hiểu Mỹ đã “trở mặt”. Khi Nixon rớt đài vì vụ Watergate (tháng 8/1974), lẽ ra ông Thiệu phải hiểu Miền Nam đã đến sát bờ vực.

Miền Nam không hề có sách lược tự lập trước khi quá muộn – hay đã quá muộn? Miền Nam cũng không có một nền chính trị thích hợp với tình thế, vững mạnh đoàn kết để chống thù trong, giặc ngoài. Cho đến giờ phút cuối giới lãnh đạo vẫn còn bị con quỷ quyền lực ám; chính giới  và “lực lượng thứ ba” nổi lên từ những phần tử chính trị tay sai, phiêu lưu, vô ý thức, bị mua chuộc, làm cho đất nước không có lối ra. Người ta hiểu lãnh đạo Miền Nam, giới chính trị của Miền Nam đã lựa chọn con đường cùng cho chế độ, cho đất nước. Bởi vậy Dương Văn Minh là một đại tướng nhưng không hề có trong đầu ý tưởng phải chiến đấu tới cùng. Khi nhìn đến cuộc chiến đấu bất khuất chống quân Nga xâm lược của người dân Ukraine dưới sự lãnh đạo “vì nước quên mình” của Tổng thống Volodymir Zellinskyi,  chúng ta mới bàng hoàng nhận ra trong cuộc chiến chống cộng 15 năm đó, chúng ta không có lãnh đạo!

Và trong cái Tết Quí Mão 2013 năm nay, mấy ai còn nhớ Tết Quý Sửu 50 năm trước?

Hoàng Ngọc Nguyên


 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top