Đinh Từ Thức giới thiệu và chuyển ngữ: ​​​​​​​Giáo Hoàng và thuốc cười đầu năm

Đinh Từ Thức giới thiệu và chuyển ngữ

Giáo Hoàng và thuốc cười đầu năm

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp các danh hài thế giới tại Vatican, ngày 14 tháng 6, 2024

 

Từ bài There Is Faith in Humor: có tín ngưỡng trong hài hước,

của Giáo Hoàng Francis trên The New York Times, Dec. 17, 2024.

———

LGT: Từ trước tới nay, các vị Giáo Hoàng đứng đầu Giáo Hội Công Giáo thường chỉ lên tiếng về những chủ đề đứng đắn khô khan, như tín lý hay sự sống còn của Giáo Hội, hoặc các lề luật buộc hàng tỷ tín hữu trên hoàn cầu phải tuyệt đối tuân phục, nếu không muốn bị phạt sa Địa Ngục. Lần đầu tiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ trương dùng hài hước như một liều thuốc để chữa căn bệnh nguy hiểm đang lan tràn khắp nơi, đó là bệnh tự cao tự đại; nguyên nhân của chia rẽ và kình chống nhau, đưa đến khổ đau cho loài người.

Vào trung tuần tháng Sáu năm 2024, trong khi các lãnh tụ thế giới trong nhóm G7 họp thượng đỉnh ở Puglia, một trung tâm nghỉ mát sang trọng tại nước Ý, để bàn về nhiều rắc rối trên thế giới, thì tại Điện Tông Đồ thuộc Toà Thánh La Mã, Giáo Hoàng Phanxicô đã phát biểu về sự quan trọng của bộ môn hài hước. Hơn một trăm danh hài thế giới thuộc 15 nước đã được mời tham dự, trong số có những người rất nổi tiếng đến từ Mỹ, như Whoopi Goldberg, Jimmy Fallon, Julia Louis-Dreyfus, Chris Rock, Stephen Colbert, Conan O’Brien…

Trong đại hội danh hài này, Đức Giáo Hoàng cho biết Ngài đã cầu nguyện trong 40 năm để có được năng khiếu hài hước, và yêu cầu mọi người hãy cầu nguyện cho Ngài có được điều lành với một nụ cười, không phải điều dữ là chống đối. Mọi người đã cười theo. Ngài đã nói về vai trò của các danh hài: "Các bạn đoàn kết mọi người, vì tiếng cười có sức lây lan”, các bạn có sức mạnh để lan tỏa hòa bình và nụ cười. Ngài thêm, "Các bạn tìm cách để khiến mọi người cười, ngay cả khi giải quyết các vấn đề và sự việc lớn nhỏ. Các bạn lên án việc lạm dụng quyền lực; các bạn lên tiếng về những tình huống bị lãng quên; các bạn nêu bật những hành vi lạm dụng; các bạn chỉ ra những hành vi không phù hợp”.

Thậm chí, Giáo Hoàng Phanxicô còn nói thêm, ngay cả việc “cười nhạo Chúa” (laugh at God) cũng OK: ”giống như chúng ta nói đùa với những người thân yêu”.

Nửa năm sau đại hội danh hài nêu trên, một bài dưới dạng “quan điểm khách mời” (Opinion guest essay) ký tên Pope Francis, đã xuất hiện trên trang bình luận của báo The New York Times, ngày 17 tháng 12, 2024, đã được chuyển sang Việt ngữ dưới đây. Bài này được trích từ một cuốn sách sắp xuất bản, mang tựa đề: “Hope: The Autobiography” được viết với Carlo Musso.

có nhiều chuyện buồn, nhiều tiếng chửi, tiếng khóc hơn tiếng cười. Giáo Hoàng nhận xét rằng, trẻ con và người già hay cười; trẻ con cười hồn nhiên, người già cười vì không còn hận thù. Đáng buồn là, có người già cư xử giống trẻ con, nhưng chỉ biết chửi, không biết cười. Hy vọng trong năm mới tiếng cười sẽ hoá giải được nỗi buồn chung.

Kính mời bạn đọc theo dõi ý tưởng về liều thuốc cười của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

ĐTT.

*

 

Cuộc đời không thể tránh khỏi những buồn phiền, đó là một phần của mọi niềm hy vọng và mọi ngả đường tiến tới sự thay đổi. Nhưng điều quan trọng là bằng mọi giá, đừng để bị chìm đắm trong nỗi buồn, đừng để nó làm cay đắng trái tim.

 

Đây là những lôi cuốn mà ngay cả các tu sĩ cũng không được miễn trừ. Và đôi khi, thật không may, chúng ta lại trở thành những linh mục cay đắng, buồn rầu, độc đoán hơn là người có thẩm quyền, giống những ông già độc thân hơn là người gắn bó với giáo hội, giống các viên chức cầm quyền hơn là cha xứ, kiêu ngạo hơn là vui vẻ, và điều này chắc chắn cũng không tốt. Nhưng nói chung, là những linh mục, chúng tôi có xu hướng thích sự hài hước và thậm chí còn có cả một kho truyện cười và những câu truyện vui. Những truyện mà chúng tôi thường kể khá hay, cũng như khi là đối tượng trong câu truyện.

 

Ngay cả với giáo hoàng cũng vậy. Đức Gioan XXIII, người nổi tiếng với khiếu hài hước của mình, trong một bài phát biểu đã nói úp mở: "Tôi thường bắt đầu nghĩ về một số vấn đề nghiêm trọng vào ban đêm. Tôi can đảm lấy quyết định sẽ đến gặp và trình với giáo hoàng vào buổi sáng. Rồi tôi thức dậy trong mồ hôi ướt đẫm... và nhớ ra rằng, giáo hoàng chính là tôi”.

 

Tôi hiểu ngài rất rõ. Và Đức Gioan Phaolô II cũng vậy. Trong các phiên họp sơ bộ của một mật nghị, khi ngài vẫn còn là Hồng y Wojtyła, một hồng y lớn tuổi và khá nghiêm khắc đã đến khiến  trách vì ngài hay trượt tuyết, leo núi, đạp xe và bơi lội. Vị hồng y già nói: "Tôi không nghĩ đây là những hoạt động phù hợp với vai trò của ngài". Vị hồng y trẻ, và là giáo hoàng tương lai đã trả lời, "Nhưng ngài có biết là ở Ba Lan, ít nhất 50 phần trăm các hồng y thường có những hoạt động này không?" Vào thời điểm đó, cả Ba Lan chỉ có hai vị hồng y.

 

Sự mỉa mai là một liều thuốc, không chỉ giúp nâng đỡ và làm tươi sáng người khác, mà còn cả chính chúng ta, bởi vì sự tự chế giễu là một công cụ mạnh mẽ để vượt qua sự cám dỗ của chủ nghĩa tự cao tự đại. Những người tự kiêu liên tục soi gương, tự tô vẽ, tự ngắm nghía mình, nhưng lời khuyên tốt nhất khi đứng trước gương là hãy tự cười mình. Điều đó tốt cho chúng ta. Nó sẽ chứng tỏ sự thật của câu tục ngữ rằng, chỉ có hai loại người hoàn hảo: người đã chết và những người chưa chào đời. (người dịch tô đậm)

 

Những câu truyện cười về và được kể bởi các tu sĩ Dòng Tên (Jesuit-- một dòng tu nổi tiếng mà Giáo Hoàng Francis là một thành phần) thuộc về một đẳng cấp riêng, có lẽ chỉ có thể so sánh với những câu truyện về cảnh sát võ trang (carabinieri) ở Ý, hoặc về những bà mẹ Do Thái trong truyện cười Yiddish (ngôn ngữ người Do Thái ở Đông Âu sử dụng thời trước Thế Chiến II).

 

Đối với mối nguy hiểm của chủ nghĩa tự cao tự đại, cần tránh bằng liều lượng tự chế giễu phù hợp. Tôi nhớ câu chuyện về một tu sĩ Dòng Tên luôn tỏ ra ta đây là nhất, ông bị bệnh tim và phải điều trị tại bệnh viện. Trước khi được giải phẫu, ông hỏi Chúa: "Lạy Chúa, giờ của con đã đến chưa?"

 

Chúa nói: “Không, con sẽ sống ít nhất 40 năm nữa”. Sau ca phẫu thuật, ông quyết định làm đẹp tối đa và đã cấy tóc, căng da mặt, hút mỡ, sửa lông mày, nắn răng… tóm lại, ông đã trở thành một người đàn ông khác. Ra khỏi bệnh viện, ông bị một chiếc ô tô đụng chết. Ngay khi xuất hiện trước mặt Thiên Chúa, ông phản đối, “Lạy Chúa, nhưng Chúa đã nói với con rằng con sẽ sống thêm 40 năm nữa!” “Ồ, xin lỗi!” Chúa trả lời. “Ta đã không nhận ra con”.

 

Và tôi đã được nghe người ta kể một chuyện liên quan trực tiếp đến tôi, đó là câu truyện về Đức Giáo hoàng Phanxicô, sẩy ra tại Hoa Kỳ. Câu truyện đại khái như thế này: Ngay khi đến sân bay ở New York trong chuyến tông du Hoa Kỳ, Đức Giáo hoàng Phanxicô thấy một chiếc xe limousine khổng lồ đang đợi mình. Ông khá bối rối vì sự lộng lẫy tráng lệ đó, nhưng rồi nghĩ rằng đã mấy năm qua ông không lái xe, và chưa bao giờ được lái một chiếc xe sang trọng như thế, và ông tự nhủ: Được rồi, khi nào mình mới có cơ hội khác? Ông nhìn vào chiếc xe limousine và nói với tài xế, "Ông có thể cho tôi lái thử được không?" Tài xế trả lời: “Con thành thực xin lỗi Đức Thánh Cha. Con không thể làm như thế được. Ngài biết đấy, có những luật lệ và quy tắc”.

 

Nhưng bạn biết người ta nói gì không, giáo hoàng sẽ thế nào khi ông ấy nảy ra ý tưởng gì đó trong đầu— tóm lại, ông ấy cứ khăng khăng, cho đến khi tài xế chịu thua. Rồi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngồi vào ghế lái [và anh tài xế ngồi vào ghế phía sau]. Trên một trong những xa lộ thênh thang, ông ấy bắt đầu thích thú, nhấn ga, tăng tốc 50 dặm một giờ, 80, 120 ... cho đến khi ông ấy nghe thấy tiếng còi hụ, rồi một chiếc xe cảnh sát kèm bên cạnh và chặn ông lại. Một cảnh sát viên trẻ tiến đến cửa sổ tối. Giáo hoàng hơi lo lắng, hạ cửa kính xuống và mặt cảnh sát tái mét. Cảnh sát vội nói: “Xin lỗi, đợi một lát", và quay lại xe của mình để gọi điện đến cơ quan chỉ huy. “Thưa Sếp, tôi nghĩ là tôi có vấn đề”.

 

"Vấn đề gì?", cảnh sát trưởng hỏi.

“Ồ, tôi đã chặn một chiếc xe chạy quá tốc độ, nhưng trong đó có một nhân vật rất quan trọng.”

“Quan trọng đến mức nào? Ông ta là thị trưởng à?”

“Không, không, sếp… quan trọng hơn cả thị trưởng.”

“Quan trọng hơn cả thị trưởng, vậy là ai? Thống đốc à?”

“Không, không, còn quan trọng hơn.”

“Nhưng chẳng lẽ ông ta  là tổng thống sao?”

“Còn quan trọng hơn, tôi nghĩ vậy.”

“Và ai có thể quan trọng hơn cả tổng thống?”

“Coi kìa, thưa thượng cấp, tôi không biết chính xác ông ấy là ai, tất cả những gì tôi có thể nói với ông là, chính Đức Giáo hoàng đang lái xe cho ông ấy!”

 

Phúc Âm, thúc giục chúng ta trở nên giống như trẻ nhỏ để được cứu rỗi (Mat-thêu 18:3), nhắc nhở chúng ta lấy lại khả năng tươi cười của chúng.

Ngày nay, không gì làm tôi vui hơn là được gặp trẻ em. Khi còn nhỏ, đã có những người dạy tôi  cười, nhưng giờ tôi đã già, trẻ em thường là những người thầy của tôi. Những cuộc gặp gỡ với các em là những dịp khiến tôi vui sướng nhất, khiến tôi cảm thấy tốt nhất.

Và sau đó là những cuộc gặp gỡ với những người già: Những người cao niên đã gia ân cho cuộc sống, những người gạt bỏ mọi sự oán hờn, những người thích thú với loại rượu đã ủ lâu năm, thật không thể cưỡng lại được. Họ có món quà là tiếng cười và nước mắt, giống như trẻ em. Khi tôi bế trẻ em trên tay trong các buổi tiếp kiến ​​tại Quảng Trường Thánh Phêrô, hầu hết chúng đều mỉm cười; nhưng một số khác, khi thấy tôi mặc toàn đồ trắng, tưởng rằng tôi là bác sĩ đến để tiêm cho chúng, thì chúng khóc.

 

Chúng là những ví dụ về tính hồn nhiên, về nhân tính, và chúng nhắc nhở chúng ta rằng những ai từ bỏ nhân tính của mình là từ bỏ mọi thứ, và khi khó có thể khóc một cách nghiêm túc hoặc cười một cách nồng nhiệt, thì chúng ta thực sự đang trên đà xuống dốc. Chúng ta trở thành vô cảm, và những người lớn vô cảm chẳng làm được điều gì tốt cho bản thân, cho xã hội hay cho giáo hội.

Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top