- Hoàng Ngọc Nguyên
Ôn cố, tri tân. Biết chuyện đời nay mới rõ niềm đau khôn nguôi của chuyện đời xưa.
Trong tất cả tổng thống Mỹ, có lẽ người Việt chúng ta biết hai ông Richard Nixon và Donald Trump nhiều nhất. Hai ông đều có liên hệ với kết thúc thảm khốc, bi đát của cuộc chiến tranh Việt Nam. Chính vì quyết định Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon mà Miền Nam cuối cùng sụp đổ. Trong thời gian đó, ông Trump, mới hăm mấy tuổi, bị “sưng gót chân” nên được miễn dịch. Chính vì thế mà ông là tổng thống Mỹ được Hà Nội hâm mộ nhất từ trước đến nay. Và ông là tổng thống Mỹ duy nhất đã ca ngợi không tiếc lời mô hình phát triển không cần dân chủ của Hà Nội.
Thực ra, hai ông Tricky Dick và Don Trump cũng khá giống nhau trong nhiều chuyện.
Trong bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968, Nixon đã phải nhờ đến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phá ứng cử viên của đảng Dân Chủ là Phó Tổng thống đương nhiệm Hubert Humphrey bằng cách lần lửa, không chịu quyết định về việc tham dự hòa đàm Paris.
Trong vận động tranh cử năm 2016 của Trump, ông đã công khai kêu gọi người Nga tiếp tay xâm nhập vào máy chủ của bà Hillary Clinton để tìm cách bươi móc những chuyện xấu xa của bà Clinton. Chẳng thể phủ nhận Tồng thống Nga Putin đã ủng hộ ông Trump hết mình trong cuộc bầu cử vì Trump đã gợi ý thần phục Putin từ mấy năm trước trong kế hoạch xây Trump Tower ở Moscow. Rõ ràng là có một sự đổi chác giữa hai bên. Cuộc điều tra của Biện lý đặc biệt Robert Mueller cuối cùng đã không giải kết nghi án này cho ông Trump.
Năm 1972, Nixon tái tranh cử nhằm một nhiệm kỳ thứ hai, và ông muốn triệt hạ đối thù là Thượng nghị sĩ phản chiến George MacGovern, cho nên có vụ đột nhập trung tâm Watergate. Người ta vẫn chưa biết có phải chính Nixon ra lệnh đột nhập Watergate hay chăng, nhưng chắc chắn ông đã tìm cách che đậy. Vụ tai tiếng này đã dẫn tới điều tra truất bãi và cuối cùng ông Nixon đã quyết định từ chức đề tránh sự luận tội.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã trắng trợn gọi điện thoại cho Tổng thống Ukraine, Zelensky, để buộc ông này phải giúp ông một điều (favor): mở cuộc điều tra bươi móc cha con cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Lại là chuyện đổi chác, ông Zelensky chịu làm chuyện điều tra, thì ông Trump sẽ tái tục viện trợ cho Ukraine. Và sẽ thưởng ông Zelensky bằng một cuộc thăm viếng chính thức Tòa Bạch Ốc. Việc luận tội truất bãi ông Trump đang chuyển qua giai đoạn công khai vì chuyện lạm dụng quyền lực trắng trợn, thô thiển này.
Trở lại chuyện Nixon. Vào tháng giêng năm 1973, theo Hiệp định Paris về “ngưng bắn và tái lập hòa bình” ký với Việt Cộng, Nixon đã không đếm xỉa gì đến ông Thiệu và cũng để kệ số phận của hơn 20 triệu dân Miền Nam, nên Mỹ đã rút hết quân ra khỏi Việt Nam. Trong khi đó, Bắc Việt được quyền giữ quân lại ở Miền Nam. Đó chính là lý do Miền Nam thất thủ, khiến cho hàng trăm ngàn người phải vào trại “học tập, cải tạo”, và hàng trăm ngàn người khác phải liều mình bỏ nước ra đi. Và 44 năm sau khi thống nhất đất nước dưới sự cai trị độc đảng của Cộng Sản Việt Nam, chế độ vô sản chuyên chính thời chiến nay đã thành một chế độ độc tài tư bản tham nhũng thối nát.
Đối với Chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Trump gần đây đã phán quyết: “Tôi chưa hề khoái cuộc chiến đó. Tôi xin nói thật. Tôi nghĩ đó là một cuộc chiến tồi tệ. Tôi nghĩ cuộc chiến đó quá xa vời... Vào thời đó, có ai biết nước đó”. Quả thật là đáng tiếc, bây giờ đã là tổng thống Mỹ, ông vẫn chẳng hiểu gì ý nghĩa cuộc chiến ở chốn “tiền đồn Đông Nam Á của Thế giới Tự do” đối với nước Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nói thế, ông Nixon cũng khác Trump rất nhiều. Ông Nixon không che dấu hồ sơ thuế. Bà Nixon, người vợ duy nhất của ông, là một phụ nữ Mỹ được kính trọng đặc biệt. Hai người cũng có hai cô con gái tuyệt diệu, đẹp đẽ, dịu dàng, không hề dính líu đến việc làm của cha.
Nixon đã có hai chuyến đi lịch sử đến Bắc Kinh và Moscow trong năm 1972, mở đường cho thế giới tiến vào giai đoạn toàn cầu hóa. Cho nên, Margaret MacMillan, một nữ tác già nổi tiếng, đã thêm nổi tiếng với tác phẩm “Nixon and Mao”.
Trump có ba chuyến đi vớ vẩn tới Singapore, Hà Nội, và Bàn Môn Điếm, trong khi ông tin rằng toàn cầu đang phi-Mỹ-hóa. Bởi vậy chẳng ai viết cuốn “Trump and Kim”.
Nixon là một chính khách chuyên nghiệp, ông hiểu văn minh chính trị là gì, và khi nào thì phải rút lui trước khi quá trễ. Ông từ chức năm 61 tuổi.
Ông tổng thống “học việc” (apprentice president), nay đã hơn 73, vẫn không thể có kiến thức đó, hiểu biết đó.
Một chuyện khác.
Cuối cùng, chúng ta cũng biết được phần lớn sự thật kinh hoàng. Cảnh sát của thành phố Essex, ngoại ô của thủ đô Luân Đôn, đã xác nhận tất cả 39 tử thi chết co quắp trong một xe hàng đông lạnh, được tìm thấy vào ngày 23-10, đều là người Việt Nam. Tất cả 39 người này đều đã được xác định danh tính, bởi vì thân nhân ở Việt Nam đều đã khai báo người “mất tích”.
Có 23 người từ Nghệ An, 10 Hà Tĩnh, 1 Hải Phòng, 1 Hải Dương, 3 Quảng Bình, 1 Huế. Nghệ An chính là “quê hương của Bác”. Những người trong chuyến xe này (31 nam, 8 nữ, trong đó có 7 trẻ dưới 15) chắc chắn không “tìm đường cứu nước” như bác. Họ chỉ tìm đường chạy thoát để mong có một cuộc “đổi đời”. Theo lời mục sư ở Anh phát biểu trong lễ tưởng niệm, nạn nhân là những người đi tìm “tự do, nhân phẩm, hạnh phúc”, hàm ý đó là những thứ không có trong nước.
Cũng thật khó tưởng một hoạt động “buôn người” táo tợn như thế lại là “made in Vietnam”. Và xem chừng căn cứ địa lại chính là “cái nôi của cách mạng”. Dĩ nhiên, chuyến đi này không phải là lần đầu. Có thể đây chỉ là chuyện xui xẻo, bể mánh. Nhưng ta có thể tưởng tượng với chút hiểu biết về địa lý chính trị về quá trình gian nan, hiểm nghèo của cuộc phiêu lưu tìm đường chạy thoát.
Phải nói rằng từ người lập chương trình đến người thực hiện kế hoạch, ai cũng có sự táo bạo mưu đồ hơn người, dám nghĩ, dám làm, dám “bỏ người chạy lấy người”, và biết cách lôi cuốn những người đang chìm trong “Việt Mộng”, muốn ở khắp nơi trên thế giới, ngay cả Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Malaysia... trừ quê nhà, Nga và Tàu... Người Việt ở chui bên Anh cũng không hiếm, cho nên xem chừng khuyến khích người trong xứ bỏ nước ra đi.
Nhưng để cho chuyến đi trót lọt, băng qua biết bao nhiêu biên giới, chắc chắn phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa những nhà kinh doanh “tổ chức vượt biên” Việt và Hoa cũng như có sự “thỏa hiệp” của giới chức trách biên giới của hai nước Việt Hoa. Ai nói người Việt, người Hoa không làm ăn chung được với nhau? Và hai chính quyền Việt và Hoa, tuy cùng mặc áo cộng sản, vẫn đồng sàng dị mộng. Chính cái chung màu áo này mà Việt Nam vẫn tự chế trong vụ xung đột trên Biển Đông đấy thôi! Chính những dàn xếp khó khăn và khéo léo này mà nhóm hành khách người Việt đã phải trả rất hậu hỉ cho chuyến đi mạo hiểm vào nước Anh. Những nhà kinh doanh tội phạm khuất mặt này đã bò túi ít nhất 1.5 triệu đô la Mỹ!
Đương nhiên có nhiều câu hỏi hơn câu trả lời khi miên man suy nghĩ như thế. Gần 45 năm sau ngày “giải phóng miền nam”, “thống nhất đất nước”, hơn 30 năm sau khi “đổi mới kinh tế theo định hướng chủ nghĩa xã hội”, kinh tế đi lên như thế, mà chính quyền cộng sản ngày càng làm cho người dân chẳng còn ý thức gì về tự do dân chủ, dân quyền, không còn lý tưởng tự hào dân tộc, không tin vào giá trị của đất nước, và người ta chỉ lo vơ vét để trốn ra khỏi nước.
Chúng ta hãy nhớ lại một thời đáng sống của chúng ta. Miền nam trong thời chiến. Có thể nói xã hội Miền Nam thời đó là một xã hội giai cấp hòa hợp. Không có sự xung đột, tranh chấp nào về giai cấp! Không có sự phản bội hay mất niềm tin nào về đất nước, về văn hóa, về xã hội, về con người. Có ai có ý nghĩ bỏ nước ra đi, thoát khỏi đất nước như hiện nay hay chăng?
Nhiều người trong chúng ta dĩ nhiên đã chạnh lòng thương cảm khi nghe câu chuyện thương tâm, bi đát này. Nhưng chúng ta đừng vì thế mà nhầm lẫn giữa “lorry people” (thùng nhân) thời nay và “boat people” (thuyền nhân) thời xưa.
Số người rời đất nước trong xe tải như thế có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn. Họ phần lớn thuộc vào giới trung lưu cao cấp được “ưu đãi” trong xã hội trên cả hai mặt chính trị và kinh tế. Nếu những di dân này hay gia đình của họ không có sẵn đến hàng chục ngàn đô la, nếu không có chính sách “xuất khẩu lao động” dễ dãi của nhà cầm quyền cộng sản thì chắc những di dân này không dễ gì ra khỏi nước.
Giới thuyền nhân được nổi tiếng khắp thế giới sau khi chế độ Saigon sụp đổ vào năm 1975, và Hà Nội thực hiện lời hứa “nhân đạo” với chế độ cũ và xã hội cũ. Hàng trăm ngàn người dính líu với “ngụy quân, ngụy quyền” được “học tập cải tạo” để hiểu chữ “mút mùa” là gì. Thân nhân của họ ở ngoài thì bị truy bức, tước đoạt, cũng được gọi là “cải tạo”. Cho nên người ta thực ra chỉ có một con đường: liều chết để kiếm con đường sống. Họ đúng là người tỵ nạn.
Thuyền nhân ngày xưa chẳng làm sao sánh được với “thùng nhân” (xe thùng) ngày nay. Họ phải chạy từng chỉ, từng cây để kiếm một chỗ trên tàu. Khi đến Mỹ, họ tứ cố vô thân, trong túi chỉ có vài đồng đô la. Cuộc hải trình cực kỳ hiểm nghèo. Ai trong chúng ta cũng có thể kể tên bạn bè hay thân nhân chết trên biển. Theo thống kê chính thức của Liên Hiệp Quốc, có đến 400.000 người đã bỏ mạng trên biển vì đi tìm sự sống có ý nghĩa.
Làm sao so sánh được thùng nhân và thuyền nhân?