• Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên: PEOPLE FIRST HAY ME FIRST?

Hoàng Ngọc Nguyên

PEOPLE FIRST HAY ME FIRST?




Bình thường, người ta đã hiểu Tổng thống Donald Trump là con người như thế nào, lãnh đạo đất nước như thế nào, và hai khẩu hiệu “Make America Great Again” và “America First” ngày càng bị quên lãng trong cơn đại dịch hiện nay. Nhưng nay người ta càng có thể nhìn ông Trump rõ ràng hơn qua nạn dịch này. Những chuyện có thật mà nghe như đùa về tổng thống liên quan đến corona, phần lớn người ta đã biết rõ. Ví dụ cho đến cuối tháng hai, ông Trump vẫn nghĩ coronavirus là “Chinese virus”, chuyện bên tàu, bên tây, chẳng có liên quan gì đến Mỹ, và phía Dân Chủ đang bịa ra để phá ông, làm ông bị mất trí, chia trí. Người ta cũng kể lại bao nhiêu chuyện cảnh báo, xa như 2-3 năm trước, gần như cuối năm ngoái hay đầu năm nay, ông Trump đều bỏ ngoài tai bởi vì theo ông, chẳng có dịch nào lớn hơn dịch cúm mùa (season flu), hay cúm H1N1, hay cúm heo, cúm gà, cúm SARS, mà rồi tất cả cũng qua đi.

Ngày 7-4, báo chí tiết lộ ông Peter Navarro, cố vấn thương mãi của tổng thống, vào cuối tháng giêng (29-1) đã có một memo cho  ông Trump và Hội đồng An ninh Quốc gia, sau khi dịch Vũ Hán đã bùng nổ, cảnh báo nghiêm trọng nạn dịch này sẽ lây lan tới Mỹ, gây thiệt hại “hàng ngàn tỷ Mỹ kim” cho kinh tế Mỹ và “đe dọa nghiêm trọng tính mạng của hàng triệu người Mỹ”. Đến ngày 7-4, khi được hỏi về memo này, ông Trump đáp: “Không biết, chưa được đọc, và nó cũng không thay đổi được gì cuộc diện”. Nhưng thực ra, trong ngày 31-1, ông Trump ban hành lệnh cấm máy bay từ Trung Quốc đến Mỹ. Chẳng làm sao cả, người ta cứ quá cảnh một nước khác đến Mỹ. Trong thực tế, theo tờ New York Times, đã có 430,000 người từ Trung Quốc đến Mỹ trong ba tháng đầu trong năm nay, bao gồm cả mấy ngàn người đến từ Vũ Hán!

Người ta cũng nói giới tình báo ngay từ cuối tháng 11 năm ngoái đã cảnh báo trong ngành liên tục về khả năng bùng nổ cũa nạn dịch coronavirus ở Vũ Hán, trong báo cáo hàng tuần nào cũng bày tò sự quan ngại. Đến đầu tháng giêng năm nay, trong báo cáo đầu tháng ngành tình báo gởi cho tổng thống, người ta đã nói khả năng lây lan của nạn dịch này ở Trung Quốc gây ra những khủng hoảng y tế và kinh tế nghiêm trọng ở nước này và kết luận Hoa Kỳ phải cảnh giác. Xem chừng ông Trump chỉ thích coi TV và tweet suốt ngày thay vì phải đọc.  Đó là điều dễ hiểu ở tuổi già.

Nhưng ông Trump bỏ  ngoài tai tất cả. Trong đầu ông chỉ có mỗi một chuyện. Âm mưu  truất bãi ông của những người Dân Chủ tại Hạ Viện đã qua, nay ông phải dồn sức vào vận động tái tranh cử, tức là phải duy trì sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hiện nay. Cho nên chẳng phải là chuyện lạ chính quyền của Tổng thống Trump đã đối phó chậm trễ và không đúng mức trước sự đe dọa của coronavirus.

Trường hợp đầu tiên ở Mỹ được phát hiện ngày 20-1, thời điểm đã có nhiều dấu hiệu lây lan đến Mỹ. Nhưng trong họp báo ở Paris cũng như ở Mỹ vào cuối tháng hai, ông Trump vẫn cho rằng đây là chuyện nước ngoài, những trường hợp ở Mỹ là từ các tàu du lịch (cruises) bên ngoài mang về. Ông cho rằng ở Mỹ, “everything is under control”. 

Ngày 25-2, ông tweet: “Người ta có thể hỏi về coronavirus, hiện đang được kiểm soát chặt chẽ ở nước chúng ta. Chúng ta chỉ có ít người mắc phải, những người bị nhiễm đang... hồi phục. Người ta đang hồi phục... Về chuyện chúng ta đang làm gì với vi khuẩn mới này, tôi nghĩ chúng ta đang hành động hiệu quả vô cùng”.
Ngày 26-2, ông lại ngứa tay, tweet nữa: “And again, when you have 15 people, and the 15 within a couple of days is going to be down to close to zero, that’s a pretty good job we’ve done”. Đúng là ông Trump “ngây thơ” quá cỡ “thợ mộc”, lạc quan như trẻ  con, tự khen mình không ngượng ngùng, khi nghĩ chỉ có 15 người bệnh, và chỉ trong vài ngày sẽ chẳng còn ai bệnh, “đúng là một việc chúng tôi đã hoàn thành tốt đẹp”.

Ngày 28-2, ông còn nói thêm: “It’s going to disappear. One day, it’s like a miracle, it will disappear” (Nó sẽ biến mất. Một ngày nào đó, giống như có phép lạ, nó sẽ biến mất”.

Ngày 29-2 ông Trump họp báo ở Tòa Bạch Ốc, nói rằng chỉ mới có một trường hợp tử vong, một người lớn tuổi tại nursing home ở  Washington. Ông lại khẳng định chắc nịch “the risk is low”, người dân “đừng hoảng sợ”,  “it’s going to disappear”, và ông sẽ gặp các viện bào chế dược phẩm để bàn về việc làm vác-xin chữa trị! Trong thực tế, ai cũng biết, thế giới đến nay vẫn chưa có vác- xin – may ra cuối năm nay hay đầu sang năm! Cho nên người ta nói ông nói như đùa, nếu không là mỵ dân!

Bởi vậy, những nhà quan sát đã tới tấp viết về “những ngày tháng bị bỏ phí” (wasted months) của chính quyền Trump, bởi vì sự thực thì trong sáu tuần qua chẳng có gì biến mất, chỉ có tăng thêm, nhảy vọt. Hiểm tai rất cao mà chẳng biết từ đâu đến, ngưòi dân có đủ lý do, dư lý do để hoảng sợ, cho nên đường phố vắng tanh, tiệm ăn đóng cửa, chợ búa thì sắp hàng. Số trường hợp nhiễm bệnh, số người chết tăng hàng ngày theo cấp số nhân, cứ một tuần những con số lại gấp đôi.

Thấy nguy, ngày 17-3, ông Trump đổi giọng! Ông tweet khoe khoang như thường lệ: “Tôi vẫn luôn luôn biết đây là chuyện có thật – đây là đại dịch. Tôi đã cảm thấy đây là đại dịch ngay từ lâu trước khi người ta gọi là đại dịch”. Từ một người vẫn thường nói dịch cúm là chuyện bên tây, bên tàu, chẳng có gì đáng lo, nay ông nhấn mạnh đó là một đại họa cho dân Mỹ, nhưng ông là một “war-time president” (tổng thống thời chiến), ông nói ông đã thấy trước, tiên đoán trước, chuẩn bị từ trước, do đó đã cứu được sinh mệnh “hàng ngàn người” khi quyết định ngăn cấm vào Mỹ người đến từ Trung Quốc và châu Âu.  Để cho thấy sự nghiêm trọng và thử thách lớn lao ông đang gánh vác, Tòa Bạch Ốc vào cuối tháng ba nói rằng trong trường hợp may mắn nhất, nước Mỹ cũng sẽ có từ 100.000-240.000 người chết.

Ông cũng “đính chính”: “Tôi chưa hề đánh giá thấp hay xem nhẹ (underestimated, underappreciated) sự nghiêm trọng của nạn dịch này, cho dù có một số người hiểu lầm”.  Sự hiểu lầm là do người ta không hiểu ông là người lãnh đạo, ông là “cheer-leader”, có trách nhiệm “động viên”, cổ vũ cho người dân lên tinh thần. Ông đưa ra một “cẩm nang chống coronavirus” (guidelines) cho người dân (rửa tay, ho lấy khăn giấy che miệng, đừng sờ mắt mặt mũi miệng, hạn chế giao tiếp không quá 10 người...). Ông nghĩ rằng trong 15 ngày sẽ có “ép-phê”.  Và mơ tưởng kinh tế sẽ mở cửa trở lại vào Mùa Phục Sinh 12-4. “Không thể hy sinh nền kinh tế đang bộc phát này được”.

Đối với một người lãnh đạo có bản năng, nhất là một tổng thống, “the buck stops here” – trách nhiệm mọi chuyện trước hết và sau hết thuộc về người lãnh đạo (mea culpa). Nhưng ông Trump là người thực tâm nghĩ mình không hề thiếu sót, cho nên có thiếu sót, sai lầm, thì đó là trách nhiệm của người khác, ông không phài chịu. Không nhìn nhận chuyện chậm trễ (cho nên miệng ông nay nói đã cứu sinh mệnh của hàng trăm ngàn người, người ta thì nói bàn tay ông nhuốm máu hàng ngàn người đã nằm xuống) nhưng ông lại nói chậm trễ là do Trung Quốc che dấu, Tổ chức Y tế Thế giới tắc trách, và ‘di sản” của chế độ Obama để lại. Sau này, cho chắc chuyện, ông đổ luôn cho “cơ chế” bất lực của CDC (Trung tâm Phòng và Kiểm Dịch). Ông Mitch McConnell, chủ tịch phe Cộng Hòa đa số  tại Thượng Viện, đã đắc lực nói hùa theo: Chính đảng Dân Chủ bịa đặt ra điều tra truất bãi làm cho guồng máy chinh quyền khựng lại  trong việc đáp ứng hiểm họa coronavirus”.

Về việc hiện nay đâu đâu cũng thiếu giường bệnh, máy trợ thở (ventilators), trang bị y tế (nhất là dụng cụ xét nghiệm), bác sĩ, y tá điều dưỡng, trang phục an toàn (mạng che mặt)... đâu đâu cũng thế, nhưng nghiêm trọng nhất là tại New York, khiến cho có người phải chết khi đang nằm chờ vất vưởng ngoài hanh lang... theo Tổng thống, đó cũng là những thiếu hụt hoặc “phóng đại” để đòi liên bang phải trợ giúp, hoặc do kém quản lý, phân phối không chặt, và cũng có thể từ thời Tổng thống trước đó Obama không biết lo, và cơ quan CDC không tròn trách nhiệm...

Ngày 9-4, sau sáu tuần tính từ ngày trên nước Mỹ có người thiệt mạng đầu tiên, con số người dương tính với coronavirus ở Mỹ đã xấp xỉ 454,304, số người thiệt mạng đã quá 16.250 (tỷ lệ khoảng 3.4% - cứ 30 người mang bệnh thì 1 người thiệt mạng). Có thể kể New York (160.697-6.268), New Jersey (47.437-1.504), Michigan (20.346-959), California (17.803-453), Lousiana (17030-652), Pennsuylvania (16.631-318), Florida (15.456-309), Massachusetts (15.202-356), Texas (9.519-181), Washington (8.991-408)... Arizona (3036-80), Utah 1.848-13)... Ngày 8-4, New York bắt đầu treo cờ rũ!

Như thế, chúng ta đánh giá thế nào về khả năng lãnh đạo của “thiên tài rất ổn định” (very stable genius) này? Lãnh đạo là thấy trước. Là xác định rõ mục tiêu và tập trung vào đó. Lãnh đạo được đo lường bằng kết quả, hay mức độ hoàn thành mục tiêu. Ông không thấy trước. Mục tiêu mơ hồ, hành động hỗn loạn, và cứ lẫn lộn giữa y tế (sống còn của người dân) và kinh tế (đe dọa y tế và chưa thể là chuyện ưu tiên). Kết quả kinh khủng ở cả số người nhiễm bệnh và số người chết. Ông vẫn cứ muốn mọi người vì mình, “Me First”, Re-election First!

Lãnh đạo cũng không được phiêu lưu. Nhất là phiêu lưu trên sinh mệnh của người dân. Cả 2-3 tuần qua, ông cứ quảng cáo cho bằng được thuốc hydroxychloroquine, vốn là một thuốc “ký-ninh” trị sốt rét lâu đời, nhưng có những hiệu ứng phụ nguy hiểm. Nay ông coi như thần dược (miracle cure) mặc dù người ta đã nói đó là “unproven drug” (chưa được chứng nghiệm). Chẳng biết ai mách cho ông thuốc này của hãng Sanofi. Ông chỉ có phần hùn nhỏ trong đó, nhưng vài người quanh ông dường như có dính với công ty này. Nhân danh chính phủ, ông đã ép Ấn Độ phải bán thuốc này cho Mỹ, và cũng nhân danh chính quyền ông đã mua đến 29 triệu liều.  Ông nói cứ xem đây là một “passionate drug” cho người ta hy vọng, tin tưởng “trong giờ phút tuyệt vọng”, nhưng nếu không hiệu quả thì cũng “không sao cả” (chẳng chết ai). Giới y tế đã minh định thuốc này không trị được coronavirus. Nếu được thì phải gấp rút tìm vác-xin làm gì! Nhưng ông Trump vẫn muốn may ra ông mang thần dược đến cho người dân, như thế thì ông sợ gì ông Joe Biden nữa trong bầu cử đầu thang 11 tới!

Ngày 7-4,  trong dịp tiếp xúc với báo chí hàng ngày, Tổng thống Trump lại phát biểu lạc quan: “What we have is a plague, and we’re seeing the light at the end of the tunnel”. Chúng ta đang thấy ánh sáng ở cuối đường hầm?

Ngày 9-4, bác sĩ Anthony Fauci một tiếng nói đáng tin cậy trong đội ngũ chống coronavirus của chính quyền, đã nói ông tin với cố gắng giữ khoảng cách xã hội (social distancing) hiện nay của người dân, số người chết sẽ chỉ vào khoảng 60.000 – không phải ở mức từ 100.000 đến 200.000 như được dự đoán. Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói đến khi nào cơn ác mộng này mới qua đi. Đó là lý do khiến ông Trump nói rằng ông đã cứu mạng hàng trăm ngàn người mà cử tri phải biết mang ơn cụ thể bằng lá phiếu!

Ông Fauci đã mang hy vọng đến cho người dân và nhấn mạnh ở nhu cầu  phải kiêng cử tiếp xúc với bên ngoài. Nhưng tất cả cũng tùy thuộc vào chuyện ông Trump có dám nhắm mắt mở cửa lại hoạt động kinh tế nước Mỹ vào đầu tháng năm sắp đến để cho nạn suy thoái may ra có thể chấm dứt trước bầu cử hay chăng.
Cho nên người ta  nói tất cả vẫn còn ở phía trước!
 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top