MUỐN GIẢM THUẾ CHO NGƯỜI GIÀU,
PHẢI CẮT CHI CHO NGƯỜI NGHÈO
PHẢI CẮT CHI CHO NGƯỜI NGHÈO
• Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên
Từ khi ông Donald Trump bước vào Tòa Bạch Ốc, chúng ta đã nghe không chỉ ông mà cả đảng Cộng Hòa nói mãi về chuyện “cải cách thuế khóa”. Nhất là ông, vì ông vẫn xem đó là một lời hứa thiêng liêng với những người đã đặt ông vào nơi này. Trong kiến thức bình thường của người dân, chẳng có gì đáng mong đợi hơn là cải cách thuế khóa. Một hệ thống đơn giản hơn, dễ hiểu hơn. Nhưng quan trọng hơn với đại đa số người dân, tức những người thuộc thành phần lao động lớp dưới (working class) hay giai cấp trung lưu lớp giữa (middle class), người ta mong chờ một thuế suất mới trên lợi tức, trên tiêu thụ, trên bất động sản… thấp hơn cho họ, để cho cuối cùng họ có thể tăng lợi tức thực sự sau thuế. Trong khi đó, thuế suất đánh vào tầng lớp trên, cùng mức lũy tiến, phải làm thế nào để cho sự bất bình đẳng xã hội về mặt lợi tức không còn khơi rộng thêm, và sự dịch động xã hội, tức đi lên, của dân lao động sẽ dễ dàng hơn. Dĩ nhiên cũng còn tùy thuộc vào thời vận kinh tế thịnh hay suy, nhưng chính sách thuế của nhà nước luôn luôn có tính quyết định cho phát triển và an lạc xã hội.
Nay Thượng Viện đã thông qua ngân sách năm 2018 (19-10), và Hạ Viện chắc chắn cũng sẽ dễ dàng thông qua, bởi vì cả hai viện đa số đều nằm trong tay đảng Cộng Hòa, và người ta đã tính toán chỉ cần đa số quá bán (còn gọi là đa số bình thường) là qua cầu. Cho nên sau khi thông qua ngân sách là đến màn dự luật giảm thuế, và Tổng thống Trump và đảng Cộng Hòa đã công khai chuẩn bị khui rượu ăn mừng thắng lớn, trong khi đảng Dân Chủ đã thề quyết chiến nhưng chẳng biết súng đạn ở đâu cho cuộc chiến này vì Hiệp hội Súng Quốc gia đã dành tất cả vũ khí cho đảng cầm quyển. Phải chăng đây là thời điểm tàn mạt của nền dân chủ Mỹ?
Chưa gì ông Trump đã khoe khoang “Đây là đợt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”, và vẽ một viễn cảnh thuế giảm, tiền công tăng cho giới trung lưu và lao động, đến mức một gia đình có thể có thêm được 4.000 đô la một năm. Ông Trump chủ yếu chỉ nói đến “giảm thuế suất cho giới trung lưu”, trong khi sự thực thì người ta thấy những khoản cắt lớn hơn cho những người lợi tức cao hàng đầu cùng những doanh nghiệp lớn. Bởi vậy, nhật báo the Washington Post đã có một bài quan điểm chính thức: “Trump’s tax “miracle”: Cowardice and Dishonesty”. “Phép lạ” thuế khóa của Trump: sự hèn nhát và bất lương. Hèn nhát là sợ giới tài phiệt và không dám nói sự thực với người dân. Bất lương là bỏ rơi lớp dưới và lấy của công nuôi mập lớp trên. Bài editorial này viết: “Giải pháp này tiến đến một sự cắt giảm thuế tắc trách khác của đảng Cộng Hòa, được chi trả bởi những suy nghĩ phép lạ, sẽ làm cho suy bại sự lành mạnh tài chánh của đất nước và tạo những gánh nặng trên vai các thế hệ tương lai”. Theo nhận định của WP, kế hoạch này chỉ toàn là những khoản “biếu không” cho lớp giàu có ở trên, và dĩ nhiên đe dọa làm cho nợ chính phủ thêm gia tăng.
Chúng ta đã được biết sự cắt giàm thuế này sẽ làm cho ngân sách thiếu hụt thêm một khoản 1.500 tỷ trong mười năm. Thiếu hụt từ đâu? Và có đáng chăng? Những người Cộng Hòa thường đụng độ với Dân Chủ về ngân sách. Họ vẫn cho rằng đường lối Dân Chủ chi tiêu cho phúc lợi xã hội tạo thiếu hụt bất kể, làm cho chính phủ thêm nợ nần. Người Dân Chủ vẫn chủ trương duy trì, bảo vệ những ngân khoản về phúc lợi xã hội, Medicare, Medicaid, CHIP (Chương trình bảo hiểm y tế cho trẻ em)… và dĩ nhiên Social Security, tức khoản “an sinh xã hội” người đi làm vẫn đóng góp trừ vào tiền lương để sau này có tiền hưu dưỡng. Người Dân Chủ cũng chủ trương tăng thuế suất cho người giàu và doanh nghiệp.
Trong khi đó, bên Cộng Hòa nhấn mạnh chủ trương giảm chi để tránh tăng nợ liên bang. Họ luôn luôn chống ngân sách làm tăng thiếu hụt. Ông Trump nói nhà nước chịu thâm hụt thêm – nhưng trong cách nhìn “độc đáo” của ông, thiếu hụt ngân sách có thể đươc “bủ đắp” khi thị trường chứng khoán gia tăng! (thực ra, thiếu hụt ngân sách chẳng liên quan gì đến sự gia tăng giá chứng khoán). Ông McConnell, nay đã 75, cũng hoang đường không kém. Ông cho các người Cộng Hòa đồng viện quá dè dặt nên không thấy kinh tế trong những năm tới, với biện pháp giảm thuế đơn giản này, sẽ tăng trưởng tới mức kỷ lục, khiến cho giới nhà giàu và doanh nghiệp tiền vào như nước và do đó sẽ vui vẻ đóng thuế thêm, chẳng mấy chốc sẽ thăng bằng được khoản thiếu hụt 1.500 tỷ. Người ta chỉ có thể nói hoặc ông mỵ dân, hoặc ông ăn bả.
Ông Trump hứa cắt giảm thuế lớn cho đa số người dân, trong khi bảo đảm sẽ chẳng cắt giảm bao nhiêu cho những lớp người có thu nhập cao như ông. Tuy nhiên, người dân khó tin được ông vì nhiều lý do. Chưa có tồng thống nào trong lịch sử nước Mỹ được đề cao về thành tích chưa bao giờ nói thật như ông. Đến mức mà người ta vẫn nói những gì ông nói, chỉ suy nghĩ ngược lại, thế là xong. Ngày 24-10, Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Bob Corker thuộc tiểu bang Tennessee đã nói Tổng thống Trump “rất khó khăn khi phải nói sự thật” và “hết thuốc chữa”. Điều báo chí vẫn nói mà ông không đính chính được chính là sự thiếu lương thiện. Khi ra tranh cử, ông nhất định không công bố hồ sơ thuế của ông. Nay đã vào tháng 11. Lẽ ra ông cũng phải công bố hồ sơ thuế của ông trong năm 2016 – như các tổng thống đời trước. Không, im lặng vẫn là vàng với ông. Bởi thế mà chẳng ai biết ông làm ăn thế nào, nhất là làm ăn với kẻ thù như thế nào đến mức phải coi người ta là bạn. Ông không cần biết gì về qui luật đạo đức chính trị: transparency. Phải minh bạch. Ông vẫn nói: cử tri không cần chuyện đó.
Ngoài ra, người ta vẫn chưa hiểu thực sự ông là nhà chính trị hay là nhà kinh doanh. Nhà chính trị đúng nghĩa phải là người vì nước vì dân. Bây giờ, cùng lắm, người ta chỉ có thể nói ông vì những người da trắng thượng đẳng (white supremacists). Hay đúng hơn, như nhiều người nhận xét, ông chẳng vì ai cả - ngoài vì ông. Bởi vậy mô tả ông là một nhà kinh doanh thì đúng hơn. Chỉ vì mình. Khi nhìn đến ông như một nhà kinh doanh, người ta có thể nhớ đến hai thành tích nổi bật: thứ nhất, tránh (trốn) thuế bằng mọi cách; thứ hai, ông vẫn tự xưng mình là “king of debts” – vua mang nợ. Mang nợ để làm ăn càng nhiều càng tốt, và khất nợ càng lâu càng hay. Người ta nghĩ rằng ông còn dính líu đến chuyện làm ăn nhiều lắm, chính trị chỉ là chuyện tạm thời, “bất đắc dĩ”, cho nên chẳng hiểu được cái luật cải cách thuế của ông làm ra cho ai. Vả lại, ông đã làm ăn cũng được 40 năm, những ngành ông kinh doanh có một đối tượng khách hàng đặc biệt: chủ yếu là giới ăn chơi. Trung lưu bậc cao và hơn nữa. Có thể phần lớn là 30% lớp trên. Bởi vậy, đừng mơ tưởng hão huyển ông Trump biết gì về cuộc sống của lớp dưới để thông cảm. Họ chẳng phải là thân chủ của ông. Họ chỉ có thể là nhân công của ông, để bị khai thác, bóc lột sức lao động. Bao nhiêu phần trăm phải ở nhà thuê, bao nhiêu không có bảo hiểm y tế, thế nào là nghèo tuyệt đối…
Giới truyền thông mà ông Trump vẫn gọi là ‘fake news” đã đưa ra nhiều phân tích, phê phán kế hoạch giảm thuế này một cách xác thực, cụ thể. Phần lớn nói đến cái lợi hiển nhiên của giới nhà giàu và những doanh nghiệp, cùng những lời hứa mơ hồ đối với giới nghèo, những mối đe dọa có thực đối với những chương trình giúp đỡ người già, người nghèo, người bệnh, trẻ em, nhất là trẻ em nhà nghèo… Trong khi đó, ngoại trừ những bài nhảm nhí phổ biến “hạn chế” trên mạng, người ta không tìm ra được một tiếng nói nào bênh vực chương trình cải cách thuế này. Bởi vì ông vẫn từ chối công khai hóa hồ sơ khai thuế của ông, người dân cũng khó biết ông sẽ hưởng lợi thế nào từ kế hoạch cải cách thuế của chính mình.
Tuy nhiên, tờ WP đã đưa ra ba điều khoản mà họ cho rằng lớp người giàu có sẽ hoan nghênh vô kể: Trước hết, ông Trump đưa ra một loại thuế suất đặc biệt dành cho những người làm kinh doanh phải điều chỉnh giá bán vì phí tổn gia tăng. Khi nại lý do tăng chi phí, doanh nghiệp rất dễ nhờ những người làm thuế điều chỉnh mức lợi tức thực sự của mình, khai thác những lỗ hổng lớn trong luật thuế, dẫn đến nạn trốn thuế lây lan trong giới tài chánh, luật sư và những người có thể trả cho tư vấn dịch vụ làm thuế. Ông Trump cũng tính bỏ thuế tối thiểu dự phòng (alternative minimum tax), là một loại thuế nhằm ngăn chận giới giàu có trốn thuế, bắt họ phải đóng một mức tối thiểu nếu không tính được đầy đủ thu chi của mình. Đây là loại thuế ông Trump vẫn bị bắt đóng trước đây khi đang cố cãi chầy cãi cối không chịu tính toán của sở thuế. Thứ ba, ông Trump còn tính luật này sẽ bỏ thuế tài sản, đương nhiên người nghèo thì tiết kiệm được chút đỉnh, nhất là vì đa số họ ở nhà thuê, nhưng mục đích chính của bãi bỏ luật là phục vụ tâp trung vào những người có những bất động sản lớn nhất. Ai cũng biết ông Trump và gia đình đang ôm một đống gia tài bất động sản kếch sù từ khách sạn đến sân golf và các nơi ăn chơi, giải trí… Trong khi đó, cải cách này chỉ đưa ra những hứa hẹn mơ hồ cho giới lao động phải đầu tắt mặt tối để kiếm sống, đâu có tiền dư thừa để được giảm thuế. Kết luận của tờ WP rất nặng nề, mà đương nhiên họ không vì lớp trên mà vì đại đa số dân lao động ở những bậc thang xã hội dưới cùng: “Đây là chuyện cải cách thuế của những kẻ hèn nhát chính trị bất chính. Họ thú nhận không sẵn sàng bù đắp đầy đủ cho những khoản cắt giảm thuế họ muốn, cho nên tự cho mình quyền cắt đến 1.5 tỷ thuế mà không tìm cách cân đối”.
Dean Obeidallah, một luật sư ký mục gia trên CNN, trong bài viết “Ai là người thua cuộc trong cải cách thuế của Trump”, viết rằng giới truyền thong phải nêu rõ cho người dân Mỹ thấy ngân sách vừa được Thượng Viện thông qua sẽ cắt giảm kinh khủng hai khoản Medicare và Medicaid để có thể bù đắp thiếu hụt do những người giàu nhất nước Mỹ được giảm những khoản thuế lớn, béo bở và không cần thiết”. Ông nói trong thập niên tới, ngân sách này sẽ bị cắt 5.000 tỷ, và những người chịu thiệt hại nhất vì những cắt bỏ chi ngân sách này là người già, người nghèo và người phế tật. Ngân sách Thượng Viện thông qua đêm 19-10 sẽ cắt 473 tỷ của Medicare trong mười năm, tác động mạnh đến hơn 55 triệu người phải chống cự bệnh tật trong tuổi già. Ngoài ra, hơn 1.000 tỷ Medicaid cũng sẽ bị cắt giảm trong mười năm tới. Medicaid, như chúng ta biết, là cái phao của hơn 70 triệu người phế tật, nghèo, trẻ em và người già. Người cao niên sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất, bời vì Medicaid trang trải cho 60% những người đang ở nursing homes. Cho nên, người già vừa bị giảm Medicare vừa bị cắt Medicaid. Dĩ nhiên, ông Trump tuy đã 71 nhưng không thế nào hiểu được sự quan trọng của Medicare và Medicaid đối với người cao niên.
Theo một định chế nghiên cứu chính sách công độc lập thuộc University of Pennsylvania, khoang 90% của tầng lớp lợi tức 1% ở trên - những người kiếm trên $900.000 vào năm 2027, sẽ hưởng một khoản giảm thuế trung bình $234.500. Politifact.com cũng thấy rằng 80% tồng số giảm thuế sẽ rơi vào túi của lớp 1% vào năm thứ 10 của kế hoạch này. Trong khi đó, thành phần trung lưu lớp trên có thể thêm được mấy trăm bạc nhờ giảm thuế, nhưng đến 50% lớp dưới sẽ thấy chuyên giảm thuế này là của ngưòi ta – không phải là chuyện của mình.
Như vậy, cải cách thuế của ông Trump thực sự có thể tóm gọn là gì? Cắt Medicare, Medicaid của người già, người nghèo, người tàn phế … để có thể giảm thuế cho người giàu. Hay nói ngắn hơn nữa, giảm phúc lợi của đại đa số người dân để tăng phúc lợi cho thiểu số giàu có lớp trên. Có điều, đừng đổ tất cả cho ông Donald Trump. Chính nhiều người Cộng Hòa chủ trương như vậy – rõ rệt nhất là Paul Ryan, chủ tich Hạ Viện. Ông Ryan, dân biểu Wisconsin, vẫn giữ quan điểm “bảo thủ”: ngân sách phúc lợi đang làm hư dân Mỹ, khiến họ không chịu làm viêc, cứ “ngửa tay xin tiền”. Tương tự như trong chính sách y tế đại chúng, người ta chống lại qui định ai cũng phải có bảo hiểm khong thực sự là vì quyền tự do của con người coi trọng sức khỏe của mình hay không, mà người ta sợ một chuyện “tiểu nhân”: ai cũng có bảo hiểm thì các công ty bảo hiểm sẵn sàng ủng hộ hơn Obamacare. Trong Medicare và Medicaid cũng thế, nếu quyền hành Medicare và Medicaid tập trung vào liên bang, thì tiểu bang đương nhiên phải “ngồi chơi xơi nước”, trong khi lịch sử nước Mỹ vẫn tô đậm bằng cuộc xung đột quyền lực triền miên giữa liên bang và tiểu bang. Còn có một yếu tố “racist” trong chính sách Cộng Hòa: người da đen, Latino… hưởng Medicare, Medicaid nhiều, nhưng ít đi bầu, cho nên chinh sách cắt giảm Medicare, Medicaid chỉ làm cho người da trắng, vốn tấp nập đi bầu, vui lòng mà thôi. Và yếu tố “ý thức hệ” giai cấp: giàm thuế cho mấy ông chủ tư bản thì người ta hăng hái làm ăn, giảm thuế cho người nghèo sẽ chẳng kích thích tới đâu!
Cuộc chiến này, theo giới quan sát, sẽ rất gay go chứ không dễ như chuyện thông qua ngân sách vừa rồi. Thông qua ngân sách là để cho guồng máy chính phủ chạy. Nhưng thông qua một đao luat mà ai cũng thưa biết chỉ vỗ béo tấng lớp 1% thì là mot cau hoi ve lương tam đao đức chính trị. Vế giới h4ạn cua sự tồi bại cua chính trị. Ônt Mitch McConnell có thể đã vượt giới hạn này. Ông từng bị Trump mắng mỏ như gia nhân trong nhà, nhưng vẫn có thể vì chút lợi riêng (vợ ông Elaine Chao, 64, đang là bộ trưởng cho Trump) mà quên liêm sĩ. Vừa qua, được Trump vồ vập, ông quên cả “thù xưa”, và để yên cho Trump ba xạo: “Tình bạn chúng tôi bất diệt, chưa bao giờ tốt đẹp hơn”. Nhưng cũng có một thiểu số trong đảng không như McConnell.
Người ta tính ra trong 50 thượng nghị sĩ Cộng Hòa, thì Trump đã đụng với 12 người: Bob Corker, Ted Cruz, Jeff Flake, Lindsay Graham, Dean Heller, John McCain, Lisa Murkowski, Susan Collins, Mitch McConnell, Marco Rubio, Ben Sasse, Rand Paul. Trong tuần lễ vừa qua, ít nhất có ba thượng nghị sĩ đã đến điểm không lùi lại được với Trump. John McCain đã ám chỉ Trump từng hoãn dịch vì lý do “gót chân bị đau xương”, bởi thế không thể hiểu được nỗi đau của gia đình có người tử trận. McCain đã chận đứng Trump nhiều lần trong cải tổ bảo hiểm y tế, phá Obamacare. Bob Corker đã tuyên bố không tái tranh cử, và tố thẳng mặt Trump nói láo khi tweet rằng “thằng lùn không tranh cử nữa vì xin tôi ủng hô nhưng tôi nhất định nói không”. Sự thực thì ai cũng biết ông Trump muốn ông Corker tái tranh cử nhưng ông Corker cũng nói rõ “không chơi với Trump”. Ngày thứ ba 24-10-2017, ông Corker tố ông Trump là người không biết nói thật, và chỉ có mục tiêu duy nhất là làm sụp đổ nước Mỹ.
Tuy nhiên, sự kiện chấn động trong ngày đó là thông báo của Thượng nghị sỉ Jeff Flake sẽ không tái tranh cử năm 2018, bởi vì đây là một vấn đề lương tâm chính trị của người Cộng Hòa chân chính, bảo thù chân chính: không thể làm việc chung được với người như Trump, không thể chấp nhận được (embrace) một người như Trump. Ông còn lên án đảng Cộng Hòa đồng lõa với một tội phạm chinh trị như Trump.
Đáng tiếc là những người có lương tâm chính trị của người Cộng Hòa chân chính, bảo thù chân chính như ông Jeff Flake đã không còn nhiều tại Thương viện Hoa Kỳ ngày nay.
Hoàng Ngọc Nguyên