• Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên: LIVE AND LET DIE

• Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên

LIVE AND LET DIE






Ngày 1-5 là Ngày Quốc tế Lao động, chẳng phải là 1-4 Cá Tháng Tư, cho nên chuyện gì chúng ta biết trong ngày trọng đại của người lao động khắp nơi trên thế giới - trừ ở Mỹ - phải là chuyện đáng suy nghĩ.

Chúng ta có thể bắt đầu bằng ghi nhận những con số coronavirus của nước Mỹ trong ngày này - tức hai tháng sau khi đại dịch COVID-19 tràn đến Mỹ như nước vỡ bờ khiến cho Tổng thống Trump trước đó không hề chuẩn bị (vì không đọc, không nghe, không nghĩ) cho nên đã trở tay không kịp – cho dù cho đến nay ông cứ nói: We did well! We did very well! Theo ghi chép còn giữ được, ngày 2-3, số người nhiễm trên toàn nước Mỹ là 42, số người chết chỉ có 2 (đều từ một nursing home ở King County, Was). Ngày 1-5: số người nhiễm bệnh trên tất cả 50 tiểu bang: 1.103.117. Số người chết vì bệnh: 64.989! Vượt quá mức 60.000 mà Tổng thống Trump, người đã tự cho rằng mình được trời sinh ra để “lãnh đạo đất nước thời chiến” (war-time president), ba tuần trước đó (ngày 9-4) đã đinh ninh tiên đoán là mức cao điểm của đại dịch tại Mỹ.  Người ta còn nhớ trong cuộc họp báo phô trương hàng ngày hôm đó, Trump nói rằng mức tử suất ở Mỹ lả “rất thấp” so với các nước khác, chưa có nước nào sẵn sàng chống đại dịch như nước Mỹ,  và có những dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đã đến gần mức đỉnh. Tất cả là nhờ “chiến lược mạnh dạn” (aggressive strategy) của chính quyền, “Chúng ta đã cứu được không biết bao sinh mạng so với những dự đoán có thể xảy ra”. Ông nói đến “chỉ tiêu” 60.000 như chuyện xa vời,  chẳng hề nghĩ con số này sẽ nhanh chóng đạt được chỉ ba tuần sau đó. Ông tưởng phải 3-4 tháng sau - tức cuối tháng bảy hay tháng tám.

Vấn đề đang ám ảnh đầu óc của mọi người, và mỗi người, đến mức làm người ta có thể nổi điên, nổi khùng chính là trong mấy tháng tới đây tình hình sẽ như thế nào – không ai đủ can đảm đặt câu hỏi cho năm tới, xa xôi quá - liệu mình có tới đó được không. Còn trời, còn đất, còn non nước. Chẳng biết ta đây sẽ thế nào!
Bởi vì đã qua hạn kỳ 30-4, bước vào tháng năm, những con số cũ đã hết giá trị, cho nên cần phải duyệt lại, điều chỉnh, thích ứng với tình hình mới. Chẳng cần giải thích vì sao con số 60.000 của ông hoang đường như thế, ông Trump nay đưa ra con số mông lung “Chúng ta có thể mất từ 75-80 ngàn đến cả trăm ngàn người”. Ông ta không nói cái “mục tiêu” này của ông có thể đạt được trong mấy tháng nữa, hay mấy tuần. Con số 75.000 đến ngày 7-5 đã đạt dược, chẳng phải chờ đến cuối tháng năm! Chúng ta chỉ cần nhớ rằng cái đích đầu tiên của ông (60.000) chỉ cần chưa đến ba tuần là đến (9-4: 16.544; 30-4: 63.088). Ông có tin ở chỉ tiêu mới này không? Ông đương nhiên không tin, và người ta càng không tin. Ông không tin là vì ông hiểu những con số ông đưa ra chỉ có tính “tự biên tự diễn” (self-made), cơ sở duy nhất là phù hợp với mục đích nhất thời của ông. Và mục đích nhất thời đó là vận động bầu cử, cho nên phải mở cửa kinh tế trở lại bằng mọi giá, kinh tế tăng trưởng, thất nghiệp đi xuống, và do đó phải bằng cách này hay cách khác dẹp chuyện y tế COVID-19 qua một bên. Đại dịch này dù sao là chuyện “lâu bền”, từ nay đến bầu cử khó mà dẹp được. Thậm chí tình hình có xấu đi, tức người bệnh tràn lan nhiều hơn, người chết như rạ nhiều hơn, thì cũng phải chịu và cố tìm cách khỏa lấp. Đó là lý do chúng ta vẫn thấy trong mùa đại dịch ông lại thích nói chuyện mở cửa kinh tế nhiều hơn là lo lắng, xót xa, ái ngại vì tình hình cứ kéo dài, một ngày có đến hơn 2.000 người âm thầm nằm xuống.

Ông từng đưa ra con số cả 1-2 triệu để đe dọa người dân, cho họ đồng tình với biện pháp đóng cửa cách ly của ông khi chính ông cũng bị choáng váng mày mặt trước những con số bùng phát của coronavirus vào cuối tháng ba. Rồi ông hạ thấp xuống trăm ngàn, hai trăm ngàn, nói rằng đó chính là công lao của ông “cứu sinh mạng của hàng chục ngàn người, hàng trăm ngàn người”. Rồi bỗng nhiên ông nói đến con số 60.000, người dân ngơ ngác, bán tín bán nghi, chẳng hiểu có nên mừng không.
May mà bên ông Trump còn có Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia Khoa Dị ứng và Lây  nhiễm, nói rằng con số này là nhờ người ta chịu khó cách ly xã  hội (social distancing) nhiều hơn. Bác sĩ Deborah Birx, Phối trí viên Đối ứng Coronavirus cho Nhóm Hành động Nhà Trắng chống đại dịch, đã tiên đoán rằng những con số này có thể xuống thấp trong tháng năm nếu các tiểu bang duy trì được chuyện cách ly. Hai bác sĩ này đã đi vào lịch sử vì đã tìm đủ cách tế nhị để chỉnh ông Trump trong những chuyện vui miệng như trị đại dịch bằng hydroxylchroquinine, uống thuốc khử trùng Lysol có khi cũng giết vi khuẩn, nước Mỹ “số dách” trong trang bị thử nghiệm và đứng đầu thế giới về số người được thử, vi khuẩn coronavirus này là từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán mà ra... Ngày 6-5, nhà bình luận Nicholas Goldberg của tờ Los Angeles Times đã đưa ra câu hỏi: Liệu hai ông bà bác sĩ này còn chịu được ông Trump bao lâu nữa. Hay bao lâu nữa, ông Trump trở lại với cách hành xử quen thuộc: “You’re fired!”.

Điều gây bàng hoàng cho người ta vào đầu tháng năm chính là một “mô hình” COVID-19 thường được Tòa Bạch Ốc trích dẫn nay đang tiên đoán 134,000 người sẽ chết vì đại dịch này, gần gấp đôi dự đoán trước đây. Mô hình này từ Viện Thẩm lượng và Tính toán Y tế của Đại học Washington, từng tiên đoán con số 72.433 tính đến ngày thứ hai 4-5. Trong khi đó, một mô hình của chính quyền Trump cũng tính rằng con số người chết hàng ngày sẽ tăng từ 1.750 đầu tháng năm lên đến 3.000 vào ngày 1-6! Theo nhật báo New York Times, các tiên đoán này dựa theo mô hình của Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) và được Cơ quan Điều hành Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) đưa ra dưới hình thức biểu đồ. Sẽ có khoảng 200,000 ca bệnh mới mỗi ngày cuối tháng này, so với khoảng 25,000 hiện nay. Các con số này xác nhận một thực tế: Trong khi nước Mỹ đã đóng cửa trong bảy tuần qua, tình hình vẫn không thay đổi nhiều. Và việc mở lại nền kinh tế có thể khiến tình trạng hiện nay tệ hại. Nhiều nơi trên cả nước – kể cả Florida, Colorado, Indiana, Nebraska, South Carolina, California – đã giảm những hạn chế nhằm mục đích hồi sinh kinh tế cùng làm lắng dịu những người đang bất bình, bực bội.

Giữa lúc người ta đang lo ngại trước sức công phá, lây lan quá kinh khiếp của “Chinese virus” (nói theo kiểu quẩn trí), hàng loạt tiểu bang trên nước Mỹ ngày 1-5 bắt đầu mở cửa trở lại (reopening). Theo BBC, đến hơn một nửa số tiểu bang (nhiều nơi không đáp ứng được những điểu kiện mở cửa lại theo qui định của chính phủ liên bang, ví dụ như con số người bị nhiễm và tử nạn phải đi xuống trong thời gian ít nhất hai tuần) vẫn quyết định nới lỏng hạn chế như thường. Đến cuối tuần thứ nhì của tháng 5 (9-10 tháng năm), đã có 43 tiểu bang treo bảng “We’re Open”. Phần lớn các tiểu bang mở lại từng phần – theo địa phương hoặc theo hoạt động kinh tế. Hàng ngàn công nhân các hãng thịt heo, thịt gà... đã bị nhiễm đến mức người ta sợ không dám đi làm trở lại. Một số dịch vụ như ăn uống, làm tóc, trang điểm, tiệm tạp hóa... cũng gây quan ngại. Cho nên, đây là giây phút rất thử thách cho các thống đốc tiểu bang, phải có những quyết định mạnh dạn vì cuộc sống của người dân nhưng cực kỳ cẩn trọng vì mạng sống của người dân.

Tổng thống thì khác. Ông từng nói không tin có đại dịch này, cho rằng đây là chuyện bịa đặt của đảng Dân Chủ nhằm chơi ông. Nay thì ông đổ hết cho phía Trung Quốc làm cho ông mang tội vô trách nhiệm, chậm trễ, thiếu sót trong việc ngăn ngừa và đối phó đại dịch. Ông đang học theo sách Tôn Tử “Muốn dẹp thù trong, phải dấy giặc ngoài”. Cho nên ông làm như đang phát động chiến tranh Mỹ-Hoa đến nơi - cũng có người phụ họa như Ngoại trưởng Mike Pompeo và chàng con rễ cố vấn vô sĩ nay muốn thừa kế ông. Chỉ có điều người ta biết ông chẳng dám làm gì cả. Bởi lẽ con cái ông có bao mối làm ăn ở bên Tàu! Nếu thực là “tổng thống thời chiến”, ông phải hiểu cuộc chiến này thực chất là gì, có cần hiết hay nhiệm ý, giới hạn hay toàn diện, đánh trên mặt trận nào và chiến thắng là gì, với tổn thất nào... Nếu không thì chẳng những chỉ là trò con nít của một người “già mà như con nít”, mà còn là trò đánh giặc miệng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao, thương mãi, kinh tế giữa hai nước trong một thế gìới toàn cầu hóa mà thể hiện rõ ràng nhất là sự đa chủng nơi quần chúng Mỹ.

 Tất cả các giới tình báo, quốc phòng và khoa học đã cảnh cáo chuyện không nói có (đại dịch này không xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán), chuyện có nói không (chinh cách hành xử khinh xuất của ông mới giải thích được “Vì đâu nên nỗi” nước Mỹ đứng đầu và bỏ xa thế giới trong cuộc chạy đua coronavirus này).  Theo Bác sĩ Anne Schuchat, phó giám đốc phó giám đốc Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh  Mỹ (CDC), Chính phủ Mỹ đã chậm chạp trong việc nhận ra rằng COVID-19 cũng lan ra từ hướng Âu Châu, đưa đến việc các ổ dịch tràn lan khắp nước Mỹ. Bà nói rằng Mỹ xét nghiệm rất giới hạn vào lúc đầu và chậm trễ trong việc ngăn chặn người đến từ các khu vực khác, bên ngoài Trung Quốc, và những điều này đã góp phần làm tăng số trường hợp nhiễm bệnh ở Mỹ. Chúng ta cũng biết việc chinh quyền Trump đã “chuyển công tác” Bác sĩ Rick Bright, một chuyên viên cao cấp, phó thứ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân bản, chuyên nghiến cứu thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh dịch, vì ông đã có ý kiển bộ y tế đã không đủ cảnh giác về hiểm họa dịch bệnh và đã để cho con rể của ông Trump mua thuốc “tào lao” để chống coronavirus!

 Vấn đề là ông Trump cứ bồn chồn và không muốn nói hay nghe chuyện dịch bệnh. Ông cứ nhất quyết nó không trầm trọng đến mức phải “đóng cửa”. Ông vốn chủ trương phải mở cửa kinh tế bằng mọi giá. Nhiều người Cộng Hòa đã vọng lên quan điểm của ông: Cho dù phải hy sinh lớp người cao tuổi, vốn dễ chết nhất trong đại dịch. Cho dù con số tử vong lên cao đến hàng trăm ngàn, hàng triệu. Nhưng sự hưng thịnh kinh tế, quyền lợi quốc gia là trên cả. Cựu thống đốc dở hơi Chris Christie của bang New Jersey vừa nhắc lại quan điểm này để lấy lòng Trump, cho dù từng bị thằng con rễ của Trump hất ra khỏi Nhà Trắng như rác rưởi. Ông Bill De Blasio thị trưởng New York City bình luận: Ông Chrsitie này đúng là táng tận lương tâm (unconscionable).

Với tổng thống, ông cứ thúc đẩy chuyện mở cửa kinh tế có thể một phần vì nước Mỹ. Có thể một phần vì người dân. Nhưng trên tất cả chính là “Me First”. Cuộc bầu cử tổng thống đến hết tháng năm chỉ còn 150 ngày để vận động, và đương nhiên ông không thể nói gi với người dân trước sự tan hoang kinh tế và chết chóc tràn lan. Nếu không làm gì được cho chuyện chống đại dịch, ít ra, may ra, ông còn làm cho kinh tế lên trở lại – thay vì thất nghiệp lên đến 14.7% như hiện nay (con số mất việc làm chính thức: 20.5 triệu), Tổng sản lượng Nội địa đi xuống 4.8% trong quí 1, và trong quí 2 sẽ như thế nào đây?

Ông không có trách nhiệm cụ thể. Từng đơn giản và ảo tưởng nghĩ rằng mình là vua, như Sa hoàng Nga Putin hay Hoàng đế thiên triều Tập Cận Bình, có quyền quyết định tất cả mọi chuyện, ông đã đe rằng mình có toàn quyền quyết định chuyện mở hay đóng cửa hoạt động các tiểu bang. Cho đến khi các thống đốc thách thức, “Xin ông hãy đọc lại hiến pháp”, ông ngại không nói mình chưa đọc, nhưng nói trớ rằng “ông để cho các thống đốc toàn quyền hành động theo nhận thức của họ”.
Trump từng nói trước khi lên máy bay đi Phoenix, Arizona (ngày 5-5) thăm một xí nghiệp làm mạng che mặt:  “Người dân đất nước chúng ta phải xem mình là những chiến sĩ. Đất nước chúng ta phải mở cửa”. Người ta nói đã hai tháng rồi ông mới rời Nhà Trắng. Ông muốn đi ra ngoài vận động tranh cử, nhưng rồi chẳng dám. Và ông chọn xí nghiệp này để đi thăm, nhằm  nói rõ ý định “tự lực tự cường”, không cần nhập mạng từ Trung Quốc nữa.
Ông không nói trong điều kiện nào mở cửa trở lại. Ông chỉ nói: “We did it the right way. We did everything right. But now it’s time to go back to work”. Hiểu ý ông, xí nghiệp đón tiếp ông chơi bài nhạc “Live and Let Die” trong một phim James Bond 007 cùng tựa: Cứ sống, mặc người khác chết. Đó là bài nhạc ông ưa thích nói lên “basic instinct” của ông.

     Theo một thăm dò của tờ Washington Post kết hợp với Trung tâm Dân chủ và Tham kết Dân sự của Đại học Maryland được phổ biến ngày thứ ba 5-5, đa số người Mỹ không đồng tình với việc dở bỏ những hạn chế và tái mở cửa kinh doanh giữa khi có đại dịch coronavirus. Hầu hết rõ ràng chống việc mở cửa quán ăn, tiệm bán lẻ, trung tâm thể dục và những kinh doanh khác – ngay cả giữa khi nhiều tiểu bang bắt đầu giảm những hạn chế và các nhóm chống đối đóng cửa ngày càng ồn ào (có khi người ta dữ dằn mang súng xuống đường để thị oai). Khi được hỏi về tám loại kinh doanh khác nhau – các tiệm bán súng, quán ăn, tiệm nail, tiệm bán lẻ, tiệm tóc, thể dục, sân golf, và rạp hát – phần lớn có ý kiến không nên mở cửa hoạt động trở lại. Những nơi người ta sợ nhất là rạp hàt – 82% chống chuyện mở cửa. Theo sau là tiệm gyms (78%), tiệm ăn và tiệm nail (74%). Nói chung, người ta vẫn sợ, còn sợ, mà sợ cũng đúng!

     Ngày 7-5, tin từ Bộ Lao động cho biết số người xin trợ cấp thất nghiệp nay lên đến 33.5 triệu người. Tương đương với 20% lực lượng lao động.
Trong khi đó, báo cáo về coronavirus hàng ngày của trung tâm CDC chẳng có gì khả quan. Con số bị nhiễm tính đến ngày 7-5: 1,231,992. Số người chết ngày 5-5: 2.416; ngày 6-5: 2.653; ngày 7-5: 2.519.

Cũng từ tin mới nhất: hơn một nửa số tiểu bang đã mở cửa vẫn chưa kềm chế được những con số nhiễm bệnh và tử vong.
Cũng tin mới nhất: chính quyền Trump đã ngăn chận một bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại do chính cơ quan CDC phát hành, đặc biệt nhắm vào trường học, quán ăn, trại hè, nhà thờ, trung tâm chăm sóc người già...
Trách nhiệm, bổn phận của chính quyền bao giờ cũng là bảo vệ sự an toàn, mạng sống của người dân, nói chung, và người tiêu dùng, nói riêng. Không vì cuộc sống mà hy sinh mạng sống. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiểm nghèo hiện nay, khi giới chủ kinh doanh không đủ ý thức bảo vệ cho người làm (Trường hợp ở Utah, hai xí nghiệp đang bị truy tố vì đã để cho 68 công nhân nhiễm bệnh bởi vì chẳng có biện pháp bảo vệ an toàn.

Chỉ trong 90 ngày qua, hơn 100,000 người đã nằm xuống – rất nhiều đã chết quạnh quẽ, lăn lóc, vất vưởng. Họ có tội tình gì?
Cả hai tháng qua, Tổng thống Trump chưa một lần bày tỏ sự thương cảm, day dứt vì đã có quá nhiều người đã nằm xuống. Chưa hề thấy nơi ông một sự xác quyết trách nhiệm tìm kiếm biện pháp bảo vệ người dân tốt hơn khi chưa có vác-xin, chưa có thuốc trị (ngoại trừ kí-ninh và Lysol của ông).
Nay nói chuyện mở cửa, ông chưa hề có một lời trấn an, cho biết chính phủ sẽ làm gì để tăng cường sự an toàn cho người dân.
Ông chỉ nói “Chắc chắn sẽ có thêm người chết vì chuyện mở cửa này. Phải chịu thôi. Đúng là Live and let die.

Live and let die. Hay Lie and let die. Hay Die and let live.
Nước Mỹ vĩ đại ngày nay như thế đó.
Để xem cuối tháng năm này, chúng ta có thể nói gì thêm về tình hình kinh tế và dịch bệnh sẽ tiêu diệt nhau như thế nào.

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top