• Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên: CON TÀU DÂN CHỦ CHẠY TRONG ĐƯỜNG HẦM

Ứng Cử Viên Tổng Thống Bernie Sanders trong một buổi vận động tranh cử tại Manchester, NH.
Pablo Martinez Monsivais/AP

Trong câu chuyện vận động tranh cử năm nay, tháng hai là tháng các cuộc tỉ thí sơ bộ ở các tiểu bang bắt đầu và có thể nói sôi động nhất. Sôi động vì các ứng cử viên đang cố gắng tạo được ưu thế, giành được lợi thế trong bước đầu thường được xem là có tính thử thách, quyết định này (Chỉ có bước đầu là khó).

Bên đảng Cộng Hòa, Tồng thống đương nhiệm Donald Trump tham gia sơ bộ chỉ có tính cách thủ tục. Bình thường đảng của tổng thống đang cầm quyền ủng hộ ông ta 100% trong chuyện tái tranh cử. Cũng có hai nhân vật ra tranh cử chống ông trong đảng Con Voi Cổ Đại, nhưng đó chỉ là những quyết định có tính “biểu kiến”. Đến 94% cử tri Cộng Hòa đã ngã theo Trump. Và cũng xấp xỉ 100% các người dân cử tại lưỡng viện Quốc Hội đứng sau lưng ông bằng mọi giá – như chúng ta đã thấy trong biểu quyết trong phiên tòa luận tội và truất bãi tại Thượng Viện kết thúc ngày 5-2 vừa qua – ngày vui đại thắng của Trump. Cho nên, những gì ông đang làm, chủ yếu đang nói, thường nhằm công kích các ứng cử viên đảng Dân Chủ nhiều hơn. Cái khó cho ông là trước đây ông vẫn tưởng cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ là đối thủ cuối cùng trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, bởi thế mà ông phải nhờ Tồng thống Ukraine tìm cách bươi móc hai cha con ông Biden. Xem chừng nay ông đang hoang mang không biết rồi đây trên đường chạy ông sẽ tranh đua với ai. Cho dù có lẽ cũng chỉ vài ba tháng nữa điều này sẽ sáng tỏ.

Đương nhiên, giới quan sát chính trị đang chú mục vào đảng Dân Chủ, những ứng cử viên của họ, cử tri của họ, và cả những chương trình của họ. Cách đây mấy tháng, khi người ta đếm đầu người, có đến cả 25 người ra tranh cử, người quan sát phải nói “Đảng Dân Chủ vì ông Trump mà điên rồi”. Nhưng người biết chuyện thì nói “Đừng có lo. Mấy chính khách thường ảo tưởng, lại có tật ham vui, nhưng sau một thời gian sẽ chen nhau mà rút khi không xin được tiền nữa”. Y như rằng, vào giữa tháng hai, có lẽ còn chưa đến 10 người, nhưng nghiêm chỉnh chỉ có sáu. Và cuối tháng chưa chắc còn đủ nửa tá như thế.

 Có thể kể, theo danh sách kính lão đắc thọ: Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont Bernie Sanders, 78; cựu Phó Tồng thống Joe Biden, 77; Cựu thị trưởng New York City, tỷ phú Michael Bloomberg, 77; Thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusetts bà ElizabethWarren, 70; Thượng nghị sĩ tiểu bang Minnesota bà Amy Klobuchar, 59; cựu thị trưởng (thành phố Southbend, Indiana) Pete Buttigieg, 38. Khiếp chưa, bốn người trên 70, 2/3, trong đó ba trên 75. Thất thập cổ lai hi, hơi sức đâu mà làm việc nước khi việc nhà còn chưa xong? Hãy nhìn người đương nhiệm. Đã 74, ông chỉ nhờ khả năng “abuse of power” và “obstruction of justice” mà phá chứ làm gì nổi? Còn lại, cậu Buttigieg thì có lẽ còn nhỏ quá. Hai nhân vật khác thực ra vẫn còn trong danh sách, nhưng vài tuần tới đây có phần chắc người ta sẽ đặt câu hỏi họ “Where have all these people gone”: Nữ dân biểu trẻ xinh đẹp Tulsi Gabbard của tiểu bang Hawaii cũng chỉ mới 38 và nhà tỷ phú cấp tiến Tom Steyer, 62 tuổi, cũng xuất thân từ New York. Bà Gabbard chưa chịu rút lui vì đang kiện bà Hillary Clinton đòi bồi thường 50 triệu về chuyện phỉ báng. Nếu phỉ báng mà bị phạt nặng như thế thì nguyên cả gia tài của tỉ phú Donald Trump cũng không trả hết nợ đời cho ông. Còn Steyer? Ông cũng là tỷ phú nhưng tính ra chưa bằng ông tỷ phú bán thuốc dạo. Có cái khác là ông Steyer không ngu, không dơ!

Chì nói riêng sáu người còn lại, nhất thời chẳng ai chịu rút, thì chúng ta cũng có thể tưởng tượng được “trận nội chiến đẫm máu” giữa những người cùng đảng Dân Chủ với nhau. Không chỉ nội chiến giữa các ứng cử viên mà còn giữa các cử tri. Nội chiến theo nghĩa người ta chẳng còn thấy mục tiêu của đảng Dân Chủ nữa mà chỉ thấy trong mắt mình mỗi một ứng cử viên của mình. Nếu họ cứ loạn đả như thế thì rốt cuộc ông Trump có thể cả cười, ca bài “Bất chiến tự nhiên thành”. 

Nhiều nhà quan sát đã lên tiếng cảnh báo: không chỉ riêng gì cử tri Dân Chủ mà ngay cả những ứng cử viên Dân Chủ cũng chỉ thấy sự thách đố của ông Donald Trump lờ mờ, như họ bị glaucoma! Ngoài là tổng thống đương nhiệm, ông Trump đang giữ một lợi thế có phần nào “vô song”: kinh tế xem chừng vẫn có thể vững vàng tăng trưởng trong 6-7 tháng tới. Thăm dò được Gallup công bố ngày 13-2 cho thấy 6 trong 10 người Mỹ nói rằng đời sống của họ nay khá hơn ba năm trước đây, và cho rằng đó là nhờ công đức của Tổng thống Trump. Khi một quần chúng thấy kinh tế không suy thoái, thị trường nhà cửa không khủng hoảng, công ăn việc làm không đi xuống, người ta sẽ xem đó là những yếu tố quyết định lá phiếu. Họ không cần phân tích vì sao như thế (di sản của ai), và sự “ổn định” hiện nay phài trả bằng giá nào, chẳng hạn như nợ nhà nước gia tăng đến mức kỷ lục, thiếu hụt ngân sách thêm chồng chất, nhiều khoản phúc lợi xã hội bị cắt giảm... Cũng trong thăm dò này, khoảng 29% người Mỹ nói rằng kinh tế là yếu tố quan trọng nhất quyết định lá phiếu bầu cử tổng thống, trong khi đó 26% đề cập đến y tế đại chúng, 14% di dân, 13% chính sách kiểm soát súng, 10% giáo dục và 5% chống khủng bố bạo lực quốc nội. Đường lối của Trump xem chừng khá rõ ráng: nắm chắc khoảng 35-40% cử tri “ruột” của ông bằng những chuyện như hạn chế di dân cụ thể bằng xây tường với bất cứ giá nào, quyền có súng quan trọng hơn kiểm tra súng, cắt giảm phúc lợi như một biện pháp “bất dung giai cấp”, dung túng bạo lực khủng bố của chủ nghĩa bạch chủng siêu đẳng, chống phá thai, chống bình đẳng giới tính (LGBT) ... Mặt khác, ông sẽ tìm cách lôi cuốn “người ngoài” (Dân Chủ va độc lập hữu khuynh hay tả khuynh) bằng những chuyện như kinh tế, đặc biệt là ông đang tính giảm thuế cho giới trung lưu “ngắn hạn” sau khi đã thành công trong chuyện giảm thuế cho doanh nghiệp và giới nhà giàu trong nhiệm kỳ đầu... Cắt giảm thuế ai nghe cũng khoái, nhưng người ta quên rằng giảm thuế là giảm thu, giảm thu thì phải thắt lưng buộc bụng, ai chịu đây? Hỏi tức là trả lời.

Trong khi đó, đảng Dân Chủ sẽ ứng phó như thế nào đây để cho thấy có lãnh đạo, có cái đầu. Hãy nhìn qua hai kỳ sơ bộ đầu tiên tại Iowa và New Hampshire để thấy họ đang nhắm cái gì, đi về đâu? Sơ bộ đầu tiên dưới dạng “đại biểu cử tri đoàn” (caucus) được tổ chức ở Iowa ngày 3-2, sơ bộ thứ hai là bầu cử trực tiếp của cử tri ngày 11-2 tại tiểu bang New Hampshire.  Kết quả hai kỳ sơ bộ này khá bất ngờ, đáng ngạc nhiên.

Tại Iowa, một tiểu bang vẫn được xem là “tiêu biểu” cho cử tri Dân Chủ của cả nước, đến mức giới phân tích cho rằng người thắng ở Iowa thông thường là người cuối cùng sẽ được đảng đề cử, cuộc trưng cầu và tập họp ý kiến đại biểu cử tri đã bị trục trặc một cách khó hiểu đối với thường dân trong cả 4-5 ngày. Đến ngày 12-2 thì chính Đảng Dân Chủ Iowa đồng ý tái xét nghiệm kết quả sơ bộ tại tiểu bang này theo đề nghị của hai ứng cử viên dẫn đầu, là cựu Thị trưởng Buttigieg và Thượng nghị sĩ Sanders để xem “ai thắng ai”. Những người sau đó không tranh tụng gì, thứ ba là bà Warren, thứ tư là ông Biden và thứ năm là bà Klubochar. Thất bại rõ rệt và nghiêm trọng của ông Biden và bà Warren tại tiểu bang này là điều “đáng thất vọng” và có thể báo hiệu “tiền đồ” của hai người.

Hai ông Buttigieg và Sanders so kè nhau sát nút ở đây. Tại sao thế? Hai người phàn ảnh cho hai khuynh hướng đối nghịch trong đảng Dân Chủ. Và hai thế lực này đều mạnh một cách đáng ngại cho đảng. Một khuynh hướng người ta vẫn gọi là tả khuynh, hay cấp tiến (radical, progressive) và những người Cộng Hòa như ông Trump thì chụp cho cái mũ là “chủ nghĩa xã hội” (socialism) như ngáo ộp cho cử tri Cộng Hòa thì ghét, tránh xa, ngay cả cử tri Dân Chủ cũng hoang mang, dè dặt. Không bình luận ở đây vể ám ảnh và sự sợ hãi “chủ nghĩa xã hội” ở Mỹ, có thể nói rằng đường lối của những người như ông Sanders hay bà Warren có nhiều phần giống chủ trương phúc lợi xã hội ở những nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh... Nói tóm gọn là bắt doanh nghiệp người giàu đóng thuế nhiều để chính phủ có tiền lo cho người nghèo nhà cửa, y tế đại chúng, giáo dục.. Mặt khác, chính sách thuế phải nhằm làm giảm bất bình đẳng (inequality) giữa người giàu người nghèo, mà một thể hiện khác chính là xác định mức công xá tối thiều (minimum wage). Một khuynh hướng mà ông Buttigieg đại diện thì ôn hòa (moderate), trung dung (centrist), thỏa hiệp giữa tả và hữu, tức bảo thủ, không làm cho giới chủ tư bản lo sợ, mà cũng không bỏ rơi giai cấp lao động (working class).

Đây chẳng phải là lần tranh cử đầu tiên của Sanders. Năm 2016, ông là đối thủ đến giây phút cuối cùng của bà Clintion (vừa qua bà đã  “tố cáo” ông đã chơi bà, không chịu rút khiến bà cuối cùng phải thua ông Trump. Đúng hơn, bà thua vì “stupid”). Và người ta đã biết ông là “socialist” từ dạo đó. Điều quan trọng là trong quần chúng cử tri của Dân Chủ có một khối đồng tình với ông. Trẻ, trí thức lý tưởng cũng có mà giới lao động bất mãn cũng có. Có thể xem đây là lực lượng đối nghịch hoàn toàn với khối quần chúng da trắng Cộng Hòa đi theo ông Trump. Có một điều đáng để ý là ngay cả cử tri trẻ vào tuổi hăm mấy cũng đi theo ông già bày mươi mấy này bằng mọi giá.

Tại sao Buttigieg lại ở vị thế ngang ngửa với Sanders tại Iowa?. Ông là sự lựa chọn trước mắt của khối Dân Chủ đứng giữa, vốn chù trương đường lối của cánh tả của đàng không đi tới đâu vì không thể thu hút được phiếu của người Cộng Hòa hay độc lập được và cũng chẳng thể được sự ủng hộ của phía đối lập nếu nắm được quyển. Gia đạo chẳng bình yên như bên phía Cộng Hòa, vốn chủ yếu đồng nhất là người da trắng Phúc âm (evangelicals), không có mấy người da đen, da váng, da nâu, da đỏ... bên phía Dân Chủ luôn luôn phải chứng kiến sự giao tranh giữa khối đa số là quần chúng ôn hòa, trung dung và khối thiểu số nhưng mạnh là cánh tả đã nói.
Buttigieg được lựa chọn là vì ông ta trẻ, mà người Dân Chủ ôn hòa, nếu ta nhìn lại, lâu nay vẫn chọn ứng cử viên trẻ. Kennedy, Carter, Clinton, Obama... Buttigieg cũng là người centrist, không chủ trương “làm cách mạng” xã hội, nhưng lại làm “cách mạng giới tính” khiến cho giới LGBT ủng hộ ông nồng nhiệt vì ông là người đầu tiên trong giới dám ra tranh cử.


Một ứng cử viên “moderate”, “centrist” lẽ ra phải rất mạnh trong đảng Dân Chủ nhưng nay lại yếu xìu là Joe Biden. Trên tờ USA Today ngày 13-2, nhà bình luận Peter Funt đưa ra lời kêu gọi: Biden should quit the Democratic race now”. Lý do: cho những ứng cử viên trở hơn không gian và không khí để thoải mái. Lý giải sự thất thế của ông Biden: He’s too old! Nhưng đó  chỉ là một phần lý do. Người ta đang nói rằng ông đang mất “năng lượng”, giàm sự trung thực đang bị thỏa hiệp và suy yếu uy tín (credibility) trong mắt cùa người Dân Chủ. Đó là nguyên do vì sao ông thua luôn một cách nặng nề ở New Hampshire. Bởi thế, suy cho cùng, ông Trump đã thành công trong âm mưu hạ bệ Biden qua vụ Ukraine dơ bẩn. Bà Klobuchar cũng là một chính khách ôn hòa, nhưng khi cử tri phải lựa chọn giữa bà với Buttigieg, họ có lẽ phần nào chưa sẵn sàng bỏ phiếu cho phụ nữ, đúng như lời của Sanders. Ít nhất ông Sanders cũng đúng trong trường hợp bà Warren, khi cử tri tả khuynh cũng dường như bỏ bà chạy cả qua phía Sanders.

Bầu cử sơ bộ ở New Hampshire ngày 11-2 cho người ta rõ hơn những gì đã hiểu ở Iowa. Ông Sanders càng mạnh hơn vì bà Warren yếu hơn. Ông Buttigieg yếu đi vì bà Klobuchar mạnh hơn. Ông yếu đi vì quá trẻ và quá thiếu kinh nghiệm. Vả lại, về lâu về dài, ông không kiếm phiếu được ở những người Cộng Hòa và cũng khó kiếm phiếu ở những người Dân Chủ và độc lập khó tính. Bởi thế mà cử tri Dân Chủ phải quay nhìn bà Klobuchar vì bà chững chạc hơn nhiều ở tuổi đời, kinh nghiệm và đời sống riêng tư.
Vấn đề chúng ta có thể thấy là đảng Dân Chủ thiếu lãnh đạo. Cho nên những ứng cử viên đảng Dân Chủ sẽ đánh nhau chết bò trong vài tháng tới. Ông Bloomberg vào cuộc sẽ làm cho cuộc chạy đua giữa những người Dân Chủ càng thêm rối bời, phức tạp.


Ông Sanders sẽ cố duy trì ưu thế hiên nay.
Ông Biden sẽ cố lội dòng nước ngược.
Ông Bloomberg sẽ cố cho thấy sức mạnh của đồng tiền.
Ông Buttigieg sẽ cố cho thấy chỉ có tuổi trẻ mới vô tội.
Ba Klobuchar sẽ cố cho thấy bà mới là sự lựa chọn duy nhất của đảng Dân Chủ.
Bà Warren sẽ cố cho thấy bà là ứng cử viên trí thức duy nhất có đường lối rõ ràng.
Vì chuyện tranh chấp nội bộ mà có thể họ quên, hay đểề yên cho Donald Trump cả mấy tháng tới! Ông Trump chẳng mong gì hơn!


Chẳng hiểu vì sao người ta gọi đảng Dân Chủ là đảng con lừa. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là một cách nói.
Vấn đề thực sự là đảng Dân Chủ nói tổng quát và các ứng cử viên Dân Chủ còn lại trên đường chạy nói riêng phải đủ ý thức về “tiền đồ dân tộc”.
Nếu không, Con của Thượng Đế lại sẽ là người cuối cùng toác miệng cười - kiểu đểu cáng như thường lệ.

 
Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng  và hung hản.  Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top