• Thế Sự Thăng Trầm, HOÀNG NGỌC NGUYÊN: ÁC MỘNG CỦA AI

• Thế Sự Thăng Trầm, HOÀNG NGỌC NGUYÊN

 
ÁC MỘNG CỦA AI




Đừng hỏi nước Mỹ làm sao đã đem ác mộng này đến cho chúng ta,
 mà hãy hỏi chúng ta làm sao đã tạo ác mộng này cho nước Mỹ



Có một thời người ta cứ đứng nhìn từ xa mà nói nước Mỹ là “thiên đàng hạ giới”. Nay thì người ta nhìn gần cái Nhà Trắng trước mắt và lại nói “địa ngục trần gian”,  quỷ sứ lộng hành, quậy nát nền dân chủ nước Mỹ. Nhưng nói gì thì nói, thực sự là chúng ta đang sống trong một thời ác mộng, từ ác mộng này đến ác mộng khác. Bao nhiêu ác mộng dồn dập chỉ vì một ác mộng duy nhất hơn ba năm chưa dứt!

Nếu chẳng gọi đại dịch coronavirus là một cơn ác mộng dai dẳng thì có lẽ chẳng có cách đặt tên nào khác. Chỉ có điều nó chẳng phải là mộng mà là thực. Cho nên phải gọi nó là đại họa.

       COVID-19 này xuất phát từ bên Tàu, nhưng nhanh chóng lan rộng khắp thế giới (chúng ta đang sống trong thời “toàn cầu hóa”, cho dù Tổng thống Trump thường quên hay không hiểu rõ ý niệm này), đến châu Âu trước, đến nước Mỹ sau. Chuyện Trung Quốc dấu giếm đương nhiên phải có – đó là cách làm ăn của Ba Tàu Chợ Lớn từ ngàn xưa. Người Hoa dưới thời Tập Cận Bình muốn đi khắp thế giới, nhưng nước nào dám mở cửa nếu biết rõ câu chuyện Vũ Hán?

Nhưng thực ra, chưa hẳn người Mỹ không biết! Donald Trump thường xem nạn dịch này bắt đầu ở Mỹ từ tháng ba để chạy tội, nhưng thực ra COVID-19 đã bén mảng đến nước Mỹ từ đầu tháng giêng, các giới hữu trách đã lên tiếng báo động cả 1-2 tháng trước khi có người Mỹ đầu tiên chết vì COVID-19. Donald Trump đã hành động chậm trễ và chiếu lệ trước sự đe dọa của coronavirus, bởi vì ông không thấy được đe dọa này mà chỉ thấy tháng 11 trước mắt bầu cử tổng thống trở lại.  Do đó ông nghĩ nói chuyện đại dịch chỉ làm hỏng “đại sự”.

Điều không thể chối cãi, theo kết luận một cuộc điều tra của Đại học Colombia, nếu chính quyền Mỹ đã ra lệnh cách ly (social distancing) từ ngày đầu tháng ba, đã có đến 54.000 người được cứu mạng. Nếu quyết định cách ly trễ một tuần, cũng đã có thể có đến 30.000 người đã không chịu sự yểu mệnh này. Điều quan trọng là con số người bị nhiễm bệnh hiện nay không phải là hơn gần 1.9 triệu, con số người chết không phải là hơn 100.000 người như ghi nhận được hồi đầu tháng sáu. Có thể chỉ có khoảng 6-700.000 người dương tính, chừng 30.000 người đã nằm xuống nếu Trump đủ ý thức (con tim và cái đầu) để hành động kịp thời và thỏa đáng.

Donald Trump đã có nhiều cơ hội để đóng vai kịch một người lãnh đạo biết thương dân thương nước, nhưng chưa một lần ông bày tỏ sự ăn năn, ân hận, day dứt trước con số hơn 100.000 người đã chết chỉ trong vòng ba tháng. Ông dứt khoát nói “Không” khi đươc hỏi có thấy lương tâm cắn rứt trước sự tang tóc này hay chăng. Ngươc lại, nhiều lần ông tự ca ngợi không ngượng miệng, nhờ quyết định ngăn chận người đến từ Trung Quốc của ông mà “sinh mệnh của hàng triệu người Mỹ đã được cứu vãn”. Ông cũng bất hủ trước câu nói “Tôi xem con số người bị nhiễm bệnh càng cao càng là một huân chương danh dự (badge of honor) cho tôi”, bởi vì nó chứng tỏ  “nước Mỹ có tỷ lệ thử nghiệm coronavirus cao nhất thế giới”. Giới quan sát quốc tế lại cho rằng nước Mỹ thử nghiệm chậm nhất và cũng kém chính xác nhất thế giới.

Ông đã thường xuyên nói rằng đại dịch này qua mùa thu sẽ lặng lẽ biến mất (cậu quý tử “like father like son” còn nói sau bầu cử sẽ tự nhiên hết), ai muốn ngừa bệnh hay chữa bệnh thì cứ uống đại cái thuốc hydroxychloroquine của ông (có chết rán chịu), còn đeo mạng là quyền tự do ngôn luận được Đệ nhất Tu chánh án bảo vệ (?). Bởi vậy ông Trump nhất định không đeo cho dù giới y tế trong nước cũng như quốc tế đã xác nhận một cách nghiêm trọng chỉ có người tâm thần mới thấy cái mạng vưóng víu không cho người ta thể hiện “nam tính”. Và ông Trump khoe rằng ông đã uống thử thuốc “miracle cure” của ông cho dù ông chẳng có bệnh gì cả (ngoài tâm bệnh mãn tính), và uống xong mà chẳng thấy sao cả. Vấn đề là ai tin được ông đã uống thử thuốc này đến 10 ngày như ông nói để phòng ngừa?

Mới đây, Mỹ đã gởi cho Brazil 2 triệu liều hydroxychloroquine, gọi là cứu trợ của Mỹ với một đồng minh mới ở Nam Mỹ, nhưng thực ra là do chàng con rễ “cố vấn cao cấp” lấy tiền liên bang mua nhưng nay Cơ quan Phòng và Kiểm Dịch CDC không đồng tình. Tổng thống Brazil hiện nay, Jair Bolsonaro, cũng từng nổi tiếng với phát biểu theo kiểu ông Trump, “sống chết có số”, nay đã đưa nước của ông lên hàng thứ nhì bảng tổng sắp của coronavirus, dĩ nhiên không làm sao qua mặt được Mỹ. Brazil có gần 700,000 trường hợp nhiễm bệnh (thua xa Mỹ), và gần 37.000 người chết (cũng còn lâu mới bắt kịp Mỹ) . Lúc ban đầu, Bolsonaro cũng bắt chước Trump cười khẩy: “Nạn dịch này được kiểm soát chặt chẽ”. Nay ông cũng nghe lời Trump xúi, đe dọa rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới vì WHO đã “không báo động kịp thời”.

Đối với Trump, vấn đề quan trọng vẫn là nước Mỹ phải mở cửa hoạt động trở lại để cho kinh tế đi lên, thất nghiệp đi xuống, và ông có phiếu tháng 11 này, nếu không thì ông đình bầu cử vô thời hạn. Có phiếu là điều duy nhất có ý nghĩa đối với ông, bởi vì ông nhìn sự việc rất đơn giản: kinh tế mở cửa trở lại, tăng trưởng có thể xóa bỏ suy thoái và làm cho nạn thất nghiệp suy giảm là ông có phiếu. Mà đắc cử đúng là chuyện sống còn của ông. Thất cử, ông sẽ hết được “miễn nhiễm”, bao nhiêu tội lỗi trong thời gian qua đều phải trả lời trước công lý.

Ông vẫn được nhớ đến với hai phát biểu với giọng điệu của kẻ có quyền thế và lạm quyền trong thời ác mộng coronavirus này: “Phải mở trở lại, có vaccine hay không,” và “cho dù đại dịch có bùng phát đợt nhì, sẽ chẳng có đóng cửa lần nửa. Bùng lên chỗ nào, dập tắt chỗ đó!”  
Tính ra, từ ngày 1-5 nước Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại đến nay, nhìn ra đường phố, xa lộ, các khu mua sắm, các siêu thị chợ búa... đâu đâu cũng thấy xe, thấy người. Dân Mỹ hầu như bất chấp hiểm nghèo. Và cũng mừng cho nhiều người nay đang đi làm trở lại. Nhưng chẳng phải ai cũng có may mắn đó. Và cũng chẳng phải ai cũng vui vẻ, hăng hái lên đường. Theo khảo sát của CNN, trong tháng năm vửa qua, có bảy loại công việc đang thu hút người ta trở lại làm: nhà hàng, quán rượu; xây dựng; cửa hàng bán lẻ; công nhân sàn xuất, chế biến; nha y; giao hàng và giặt áo quần; và bảo vệ. Nhưng nhìn con số 13.3% thất nghiệp vửa được công bố đầu tháng sáu, một con số đang được bàn cãi về sự chính xác nhưng ông Trump cứ nhất định là đúng, thì cũng có ít nhất cả 25 triệu người đang thất nghiệp. Bởi vậy phố xá, chợ búa xem chừng vẫn đông đảo ngay trong giờ làm việc.

Và chỉ tội cho những người già của thế hệ baby-boomers. Nhất là những người trên 70. Nhất là những baby-boomers Mỹ “chính gốc” ra đời sau Đệ nhị Thế chiến, từng được xem là thế hệ may mắn nhất, được ưu đãi nhiều nhất bởi thời thế, nhưng nay cũng có một tuổi già đơn chiếc nhất, vì hoặc thuở nhỏ ham chơi, không chịu lập gia đình, hoặc ly dị dễ dàng (ở Mỹ quá dễ), hoặc không muốn có con cái, nay hiểu ra thì đã trễ. Nhiều người cứ nghĩ rằng bước vào tuổi già, đi vào nursing home cũng “nhẹ gánh tang bồng” hơn. Nhưng nay họ mới hãi hùng trong một cơn ác mộng chẳng phải là giấc mơ. Họ từng mơ tưởng sẽ sống một thời tuổi già độc lập, nhưng nay lại hết chỗ bấu víu, nhất là trước mắt là một người lãnh đạo cao tuổi nhất trong lớp baby boomer nhưng chẳng có ý thức gì về thế hệ của mình, hoàn toàn vô cảm với những người cùng thế hệ đang sống mất hồn ban ngày và mất ngủ ban đêm.

Thứ nhất, coronavirus làm cho người ta nhớ lại rằng con đường trước mặt còn ngắn lắm. Thứ nhì, khi truyền thông đêm ngày nhắc nhở, coronavirus này đặc biệt ưu ái người già, trên 65, càng cao tuổi càng được nhắm đến, tỷ lệ 80% nạn nhân là người cao niên, và cũng đến 80% lớp người cao niên bất hạnh này là những người ở trung tâm chăm sóc cao niên dài hạn – những người đương nhiên đã có sẵn vấn đề, thì ai cũng hiểu “vai trò lịch sử” của COVID-19: dẹp bớt gánh nặng cao niên và làm giảm khoảng cách thế hệ già trẻ. Và dĩ nhiên loài người, những người hiện đang sống trên trái đất này, kinh hoàng là vì thực ra ngay cả giới chuyên môn khoa học cũng ăn nói mơ hồ về coronavirus – kẻ thù ẩn mặt vô hình này đang được xem như một sự trừng phạt của đấng tối cao (ông trời) vì con người ngày càng không hiểu được sự hữu hạn của mình.

Chúng ta cứ thấy những con số về người nhiễm bệnh hơn 20.000 một ngày mà chẳng hiểu vì sao. Cứ thấy những con số người chết gia tăng 1-2 ngàn người một ngày, ngày này qua ngày khác, mà chẳng hiểu thế nào. Nói gì thì nói, cho đến nay vẫn chưa có thuốc ngừa (vaccine), chưa có thuốc trị - ngoài thuốc của ông Trump uống vào để đi sớm. Ngày 8-6, có tin nói Remdesivir, được xem là một phần thuốc chữa trị đã được chứng nghiệm duy nhất, sẽ hết nguồn cung vào cuối tháng sáu này!

Bởi vậy, ai mạnh, trẻ, khỏe và khéo tự bảo vệ thì còn, chẳng có ác mộng gì đối  với họ. Còn ai già, yếu, có bệnh sẵn (ai già mà không có “tiền sử” về mắt tai mũi họng, tim phổi, gan thận...) thì... rán chịu. Sự tuyệt vọng, vô vọng, mất niềm tin, ngay cả niềm tin tôn giáo,  ngày càng sâu đậm khi người ta thấm rằng quanh mình chẳng có con cháu, từ ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác... vì nhu cầu cách ly để tồn tại, sống sót. Đến lúc này tuổi già mới nhận ra mình cần con cháu lui tới! Đã muộn. Bởi thế người ta cũng đang nói đến chuyện trầm cảm, tâm thần nơi người già. Và nếu chẳng may, bị đi cấp cứu đưa vào nhà thương, có phần đó là giây phút lìa đời đơn chiếc không hay!

Nhưng điều an ủi lớn nhất hiện nay chinh là giữa thời đại dịch này đã nổi lên sự đồng cảm giữa những thế hệ già trẻ. Nay không dám gặp nhau, kể cả “thăm nuôi”, đôi bên hẳn phải cảm thấy ân hận. Trẻ hiểu được sự bất an, cô độc, ác mộng của người già vì chính họ cũng chẳng có gì lạc quan. Già thì thương con cháu, hiểu chúng cũng có một ác mộng riêng: đó chính là công ăn việc làm. Đúng là có job là có tất cả, không job chẳng có cách gì mà sống, không có bảo hiểm y tế, không có tiền trả nợ nhà cửa, xe cộ... Theo một báo cáo chính thức của chính phủ, suy thoái ở Mỹ đã bắt đầu trở lại vào tháng hai năm 2020, kết thúc một đoạn đường dài tăng trưởng 128 tháng, từ tháng sáu năm 2009 – chẳng biết khi nào mới chấm dứt.

Người ta chỉ vái trời cho ác mộng sẽ qua đi trong sáu tháng cuối năm.

Cho đến những ngày đầu tháng sáu, tuy đã có gần 2 triệu người nhiễm bệnh, trên 110.000 người thiệt mạng, nhưng tính ra những con số này đang đi xuống khả quan – nếu tin được những con số này được ông Trump cho độc lập. Theo nghiên cứu của Đại học Berkeley, nhờ chuyện “shutdowns” và “social distancing” trong tháng ba, tuy có trễ như đã nói, mà có thể 60 triệu người không nhiễm bệnh và cũng hàng trăm ngàn người không chết. Giới quan sát khoa học do đó đã cảnh cáo: “Nguy cơ của một đợt hai xảy ra là rất thực nếu tất cả những can thiệp và biện pháp cẩn tắc bị bỏ phế”. Bởi vậy mà chúng ta tuy hiểu rằng “Black Lives Matter”, nhưng chẳng thể an tâm khi ngày nào cũng thấy người ta chen chúc xuống đường.

Ông Trump ngày thứ sáu 5-6 “hồ hởi, phấn khởi” tự khen mình đã mạnh dạn quyết định mở của kinh tế, nhờ đó kinh tế đã có bước phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp đã đi xuống 13.3% và kinh tế sẽ nhanh chóng “bộc phát tốt đẹp còn hơn trước”. Dĩ nhiên ông đã quen nằm mơ. Ngay báo cáo thống kê của Bộ Lao Động đã có ghi chú “classification error” (lỗi xếp loại”, cho nên con số thực sự là 16.3%. So với con số tháng tư là 19.7%, sự sụt giảm thất nghiệp chỉ có 3.4%, không đến 6.4% như ông Trump hoan hỉ cứ đòi họp báo cho bằng được.

Nhưng giảm 3.4% vẫn là giảm. Và người ta chờ đợi những con số tháng sáu sẽ như thế nào. Nhưng sự mong đợi chưa thể lạc quan khi ngưòi ta nhìn hàng hàng lớp lớp ngày nào cũng xuống đường để giành một chiến thắng lịch sử trong cuộc đấu tranh cho dân quyền mà quên đi khẩu hiệu “handle with care”.

Đúng là một ác mộng mới.

Và sau lưng tất cả ác mộng này vẫn là một con người ác mộng.
Bởi vậy ta phải chờ đợi ít nhất 140 ngày nữa, tinh từ ngày 16-6, nếu chẳng có gì thay đổi.

Hoàng Ngọc Nguyên

 
Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng  và hung hản.  Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top