• Hoàng Ngọc Nguyên
NHỮNG THÁNG NGÀY NGUY HIỂM
Sống nhờ tai tiếng, vốn liếng chỉ cần cái đầu điên
Nếu ta tin rằng ngày sinh trong giấy tờ của ông là đúng, là thật, chẳng có gì sửa đổi cho thích hợp với việc “chạy lính”, thì ngày 14-6 này, chúng ta có thể gởi lời chúc “Happy Birthday, Mr. President” đến cho ông. Trên trang mạng, cũng đầy rẫy lời kêu gọi: “Hãy chúc mừng sinh nhật của tổng thống bằng một hành động thiết thực: đóng góp cho cuộc vận động bầu cử để ông có thể hy sinh thêm bốn năm nữa”. Ông ưa nói chuyện tiền, nhưng rõ rệt ông có thiếu tiền đâu. Cái ông cần, chỉ ông có thể có!
Năm nay ông đã vào tuổi 74, thuộc lớp đầu của thế hệ baby boom sinh ra sau Đệ nhị Thế chiến. Chúng ta đang sống trong một thời đại dịch mà người cao niên như ông không cần nhắc cũng nhớ rằng họ đang ở đoạn cuối của chu kỳ sinh bệnh lão từ của đời người, cho nên lời chúc sinh nhật có ý nghĩa nhất đối với tổng thống là “Thôi thì thôi, chỉ là phù vân”, ông hãy mượn đại dịch này để rút lui cho yên chuyện. Thứ nhất là cho sức khỏe: ai cũng biết ông là người có tiền sử bệnh. Nhất là vào một lứa tuổi ngước nhìn lên trời thì xa, cúi xuống thì đất quá gần, bệnh tật đến tới tấp như lũ nhặng chẳng hiểu vì sao. Thứ nhì là giữ bình an tâm thần, đừng quá trầm cảm vì đơn chiếc và sợ hãi. Kiếp người là thế thôi. Ai cũng nói tuổi già trong thời đại dịch này càng rất dễ phát điên, huống gì đã có tiền sử! Thứ ba là có thời giờ nhiều hơn cho gia đình, vợ con, cháu chắt. Chưa nói đến chuyện ngồi thiền. Ông đâu còn mấy thời gian? Thế nhưng quanh ông có ai muốn ông rút đâu. Ông là chỗ dựa, là sức đẩy, là lối ra, là bệ phóng...
Thôi thì hãy mượn ý của “bốn sự thật cao cả” (tứ diệu đế - chẳng liên quan gì đến chuyện uống rượu đế) để khuyên ông hãy bớt (cũng khó cho ông), nếu không bỏ được (còn lâu) tham sân si mạn, để có thể cứu khổ, diệt khổ. Chẳng những ông không bỏ mà cách nói của ông bao giờ cũng cho thấy ông tự hào hơn người vì bốn cái nghiệp này. Ông còn chưa đến năm tháng nữa tại Tòa Bạch Ốc nếu chỉ nói đến một nhiệm kỳ và không làm gì đến mức người ta truất bãi. Ông chỉ nên dồn sức vào những trách nhiệm nặng nề, to tát mà ông phải gánh vác – ít nhất trong những ngày ông còn tweet sáng ở đó. Ít nhất là ba việc – ba việc chẳng phải ít bởi vì nếu ông thực sự làm thì chưa chắc có đủ thì giờ mà làm – không nói gì làm những chuyện hay nói những chuyện không đâu, có khi còn vô bổ và lắm khi có hại!!
Ai cũng thấy nổi bật nhất là đại dịch COVID-19 mà ông phải lo, không chỉ vì ông là lãnh đạo cao nhất nước, mà còn vì ông đã có trách nhiệm phần nào để cho “giặc vào nhà” mà không đánh đúng lúc, đúng mức. Sau hơn 100 ngày xuất hiện chính thức (kể từ đầu tháng ba), số người nhiễm bệnh hơn 2 triệu (chính là “huân chương kháng chiến” của ông); số người tử nạn: cả 115.000 người (con số ông không bao giờ đề cập trong những phát biểu, vì sợ người ta hỏi phần của ông bao nhiêu trong đó). Ông lại đạt được một kỷ lục thế giới nữa cho Hoa Kỳ, không nước nào theo kịp! Từ 1-5, ông phát động chấm dứt bế tỏa (end lockdown), mở lại nước Mỹ (reopening), dĩ nhiên là để kinh tế hoạt động trở lại, thêm người đi làm, giảm người thất nghiệp - chủ yếu là để cho cơ hội tái đắc cử của ông khá hơn.
Nhưng thái độ của ông khác lạ: ông cứ xem chuyện đại dịch này như đã qua rồi, không nói gi đến nữa, không nhắc nhở người ta phải cẩn trọng cách ly, đeo mạng an toàn. Thậm chí ông chẳng đeo mạng để chứng tỏ mình là anh hùng. Ông chẳng quan tâm gì đến những người đã chết, trong đó đến 80% là người thuộc thế hệ của ông! Và nay người ta nói đại dịch có thể trở lại đợt hai. Hiện có đến 26 tiểu bang COVID-19 đang trong tình trạng số người nhiễm bệnh hàng ngày tăng mạnh trở lại. Đứng đầu là Arizona! Chẳng nhìn đâu xa, đến cuối năm nay, những con số này sẽ thế nào. 4-5 triệu người dương tính? 250-300.000 người không may? Cơ quan Phòng Kiểm dịch CDC ngày 12-6 đưa ra dự đoán đầy quan ngại: đến ngày Lễ Độc Lập, con số người tử vong có thể lên đến 130.000! Chính quyền sẽ làm gì trước khi quá chậm. Và cái xã hội này sẽ biến đổi như thế nào nếu thế hệ già càng mai một, ít hơn, trẻ hơn và câm lặng hơn... Tổng thống Donald Trump không hề quan tâm đến những câu hỏi đó vì ông đang bận tâm chuyện khác. Đánh coronavirus là chuyện lâu dài. Từ từ rồi tính. Bầu cử là chuyện mấy tháng trước mắt!
Là lãnh đạo, ông cũng có trách nhiệm lo cho nước giàu, dân mạnh, kinh tế phát triển, tạo được công ăn việc làm cho dân, giảm thiểu thất nghiệp. Tình hình đang cực kỳ tế nhị: kinh tế đang tăng trưởng bỗng nhiên rơi thỏm xuống vực suy thoái (kể từ tháng hai năm nay, sau 128 tháng tăng trưởng đều đặn, kể từ tháng sáu năm 2009). Ông Trump chỉ có 36 tháng trong 128 tháng đó, nhưng cứ nói kinh tế bộc phát lâu nay là thành tích của ông bằng cách phủ nhận chính ông Barack Obama tiền nhiệm đã đưa kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái năm 2009 và giữ được tăng trường kéo dài cả tám năm. Ngày 5-6, ông họp báo cho biết đại thành công mới, nhờ ông cho mở cửa kinh tế nên tỷ lệ thất nghiệp xuống 13.3% - so với số tháng tư là 19.7%, giảm 6.4%. Chỉ có điều chuyên viên thống kê sau đó đính chính: do sai số phân loại (classification error) cho nên con số thực là 16.3%, tức chỉ giảm 3.4%. Đầu tháng sáu, có thêm 1.9 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, đưa con số tổng cộng người đã đưa đơn thấp nghiệp lên 42 triệu kề từ giữa tháng ba. Lực lượng lao động của Mỹ được ước tính 164. 4 triệu người.
Hiện nay đúng là một tình thế dầu sôi, lửa bỏng hiếm có cho tổng thống Mỹ. Ngẫm nghĩ lại thì chưa có một tổng thống nào trong thời hậu Chiến tranh Lạnh bị lạnh như thế. Đại dịch đưong nhiên là rất hoành hành, rất hiếm và kinh hoàng. Thất nghiệp xấp xỉ 20% cũng là cực hiếm. Suy thoái mà ông Obama từng phải đối đầu, thất nghiệp cũng chỉ vào khoảng 10%. Trong khi đó, chẳng biết khi nào con số của ông Trump chịu xuống đến mức 10% - đừng nói đến 5-6% nữa. Độc giả chịu khó ghi nhận những con số này để kiểm chứng.
Thách đố hiện nay chẳng phải là giỡn. Hai bài toán sống chết không có lời giải trước mắt trong khi ông chỉ còn 140 ngày nữa. Một khảo hướng bình thường là tập trung vào mục tiêu (đừng phân tâm, đừng để bận tâm vào chuyện gì khác), cùng tập họp sự đoàn kết của toàn dân (để tránh sự phân hóa, người đồng tình, người chống đối), và trước hết là sự nhất trí hay thỏa hiệp của hai đảng (để cho mọi biện pháp được thông qua nhanh chóng). Như vậy, rất cần phải có giải pháp thuyết phục cho từng vấn đề, và quyết tâm thực thi để cho người dân thấy kết quả trên từng bước một.
Nhưng những điều kiện vừa được kể ra xem chừng khó quá, từ giải pháp đến sự tập trung, rồi kêu gọi sự ủng hộ của người dân và đồng tình của cả hai đảng. Chớ quên tình hình đất nước là “nội chiến” thường trực. Làm sao cho người ta “ngồi gần ngồi gần nhau” đây?
Ông Trump sẽ làm sao đây? Cứ xem nhũng gì ông đang làm và những gì ông đã và đang không làm thì hiểu được sự chọn lựa của ông.
Tổng thống Donald Trump là người vẫn không hề mệt mỏi cho rằng mình là người lỗi lạc nhất trên thế gian. Gần đây, ông mạnh dạn cho rằng chỉ có hai người có thể bằng ông: Tổng thống lập quốc George Washington và Tổng thống của cuộc Nội chiến Abraham Lincoln. Nhưng thực ra ông vẫn có hai nguồn ám ảnh lớn: người đời coi thường ông, cho dù ông là tồng thống nước Mỹ, vì hai chuyện trong đầu ông: không sáng lắm và không ổn định lắm. Trí não và tâm thần. Ông vẫn cay cú bởi chuyện ngay cả một số người từng làm việc với ông cứ xác nhận hai thiếu sót cơ bản đó nơi ông. Cho nên ông đã nói không ngớt: You’re fired!
Người ta còn nhớ một cái tweet của ông vào lúc 6:27 sáng ngày 6-1-2018, khi ông vào tạm cư tại Tòa Bạch Ốc chưa được một năm: Actually, throughout my life, my two greatest assets have been mental stability and being, like, really smart. Crooked Hillary Clinton also played these cards very hard and, as everyone knows, went down in flames. I went from VERY successful businessman, to top T.V. Star..... ....to President of the United States (on my first try). I think that would qualify as not smart, but genius....and a very stable genius at that! (Thực ra, trong suốt đời, tôi có hai nguồn vốn lớn nhất là sự ổn định tâm thần và thực sự, giống như sáng trí. Hillary Clinton Nham hiểm cũng thường chơi những lá bài này rất hung và, như mọi người biết, đều bốc cháy. Tôi đi từ chỗ một doanh nhân RẤT thành công, đến trở thành Ngôi sao Truyền hình háng đầu... đến Tổng thống Hoa Kỳ (ngay trong tranh cử lần đầu). Tôi nghĩ những điều này chứng thực không chỉ là thông minh, nhưng là thiên tài... và là một thiên tài rất ổn định).
Cách ông đánh lạc hướng dư luận hiện nay đã chứng thực cho cái đầu óc thiên tài rất ổn định đó. Thay vì mắc kẹt trong sự bế tắc của coronavirus và kinh tế đình đốn, ông đã tài tình lái dư luận qua thế mạnh quen thuộc của ơng: khai thác tâm lý kỳ thị chủng tộc của người da trắng, nhất là những người “bạch chủng siêu đẳng” như ông.
Câu chuyện bắt đầu từ vụ cố sát xảy ra ngày 28-5 tại Minneapolis, Minnesota, Derek Chauvin (44 tuổi), một người cảnh sát da trắng trong một nhóm bốn người, đã dùng đầu gối chẹn cổ George Floyd, một người da đen, đến hơn tám phút khiến cho người đàn ông 46 tuổi này phải ngộp thở chết. Fkloyd bị bắt ngoài phố sau khi bị một cửa tiệm tố cáo đã dùng một tờ giấy bạc giả 20 đô. Ông đã bị đè xuống mặt đường ngay bên cạnh xe cảnh sát vì không chịu vào xe. Hình ảnh một cảnh sát da trắng thản nhiên và thoải mái ấn đầu gối lên cổ nạn nnân trong khi ông cố nói: “I can’t breathe, Mama!” Video clip này đã gây căm phẫn không chỉ nơi người da đen. Người ta thấy rõ một thói quen lạm dụng bạo lực nơi một số không nhỏ cảnh sát da trắng - nhất là nhằm vào người da màu, đến mức phải nói là kỳ thị chủng tộc. Vấn đề là sự lạm dụng bạo lực của cảnh sát da trắng nhằm vào người da đen đã phổ biến như một “tập tục”. Gần đây nhất là vụ cảnh sát Louisville, Kentucky, bắn chết cô Breonna Taylor, 26 tuổi, một nữ điều dưỡng khoa cấp cứu một bệnh viện.
Nếu là một tổng thống có trách nhiệm và biết xử thế, ông Trump da trắng phải nói ngay trong một phát biểu chính thức với toàn dân (không phài tweet): “Tôi ân hận, đau lòng sự việc như thế lại xảy ra ở một nước văn minh như chúng ta; sự bạo hành của cảnh sát trong một đất nước dân chủ pháp trị là không thể chấp nhận được, phải bị điều tra và kẻ có tội phai bị trừng trị thích đáng. Black Lives Matter. Ngành cảnh sát phải được cải tổ, tăng cưòng giáo dục cho nhân viên để tránh những chuyện tương tự. Nay đất nước đang phải dồn sức chống coronavirus, đang lo đến sự an toàn của người dân đang ra sức kiếm công ăn việc làm... Chính phủ và người dân cần tập trung vào hai mục tiêu đo. Cho nên, chúng ta phải cẩn trọng, chừng mực trong phản ứng trước vụ án này. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải đoàn kết...
Giá mà ông biết nói ba chữ BLM. Nhưng phản ứng duy nhất của ông Trump đúng là “shocking”. Ông chỉ tweet: “Shocking”. Rồi thôi.
Nhưng với người da đen chẳng thể rồi thôi được. Đây là giọt nước tràn ly. Giọt nước tràn ly này có thể chinh là ông Trump. Và tham gia những cuộc xuống đường khắp nơi, từ ngày này qua ngày khác, có cả người da trắng, người da vàng, người Latino. Một đàng người ta tham gia đấu tranh cho những giá trị siêu đẳng thực sự của nước Mỹ, sẵn sàng chống lại những thế lực của chủ nghĩa da trắng siêu đẳng đã có từ 400-500 năm nay, dẫn đến cuộc nội chiến từ năm 1861 và đến nay vẫn còn âm ỉ nơi các nhóm KKK bạo lực có vũ trang. Đàng khác, người ta cũng lo rằng đến một lúc nào đó, một số người da trắng cũng sẽ bảo họ “Go back to your country” là câu nhiều người Mễ, người Hoa, người Hàn... đã nghe gần đây.
Ông Trump rõ ràng đã thành công trong tạo sự phân hóa chủng tộc ở Mỹ thêm tệ hại, vì sau lưng ông là đám cử tri bạch chủng siêu đẳng... Đó chính là sự chia rẽ nguy hiểm nhất khiến cho những khác biệt giữa người Mỹ bảo thủ/cấp tiến, hữu khuynh/tả khuynh, Cộng Hòa/Dân Chủ vô phương thỏa hiệp - chỉ có người Hoa, người Nga và ông Trump vỗ tay mà thôi.
Ông đòi “shootings at the lootings” (bắn vào đám người lợi dụng cướp bóc, hôi cũa), đe dọa sẽ gởi quân chính qui đến trấn áp biểu tình mặc dù quân đội được hình thành để bảo vệ đất nước chống ngoại xâm, chẳng phải đi đàn áp chống đối tổng thống... Ông lạm dụng Vệ binh quốc gia để dùng vòi phun nước dẹp những người xuống đường ôn hòa trước Tòa Bạch Ốc để ông ép một số cận thần đi với ông băng qua đường đến một cổng nhà thờ đóng kịch một tổng thống với thánh kinh trên tay được Thượng Đế phái xuống trần gian dẹp loạn.
Chúng ta đều đã thấy phản ứng từ những cựu tướng và những người hiện đang lãnh đạo Tòa Bạch Ốc. Chúng ta cũng đã nghe những cựu tổng thống như Obama, Bush, Carter... lên án ông Trump đã lạm dung Hiến pháp, pháp luật và dân chủ, điều hành đất nước một cách tồi tệ...
Vấn đề là ông Trump cứ nghĩ mình là một nhà lãnh đạo chuyên chính với đủ quyền hành như những bạo chúa ông ao ước, khâm phục: Vladimir Putin, Tập Cận Bình... Và ong Trump đã kích thích mot số lãnh đạo các nước khác đi theo con đường đó, từ Việt Nam, Phi Luật Tân, đến Thổ Nhĩ Kỷ, Ai Cập, Ấn Độ, đến Brazil...
Ông Trump sẽ tìm mọi cách “điều động” cuộc bầu cử tháng 11 này theo ý của ông, bất kể coronavirus, bất kể chuyện an toàn kinh tế và chính trị của đất nước. Nhưng cuối cùng, dân Mỹ có trách nhiệm phải mở mắt thế giới trong kỳ bầu cử tới đây – trước khi quá muộn...