• Hoàng Ngọc Nguyên: MỘT CHIẾN THẮNG NÓI LÊN TẤT CẢ

MỘT CHIẾN THẮNG NÓI LÊN TẤT CẢ

• Hoàng Ngọc Nguyên

Lời giới thiệu: bài này được tác giả viết từ năm 2018 khi bà Angeka Markel đắc cử nhiệm kỳ thứ tư chức vụ Thủ Tướng nước Đức. Hãy nhìn cách bà Markel chống đại dịch Coronavirus và nước Đức đang mở cửa từng phần an toàn hiện nay và cách ông Trump chống dịch tại Hoa Kỳ để có một khái niệm về vai trò của một lãnh tụ chính trị của thế kỷ thứ 21.


Đã từ lâu, ít nhất ngay từ sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc một cách tai hại, mở đường cho sự hình thành khối cộng sản quồc tế từ Đông Âu sang Đông Á, Hoa Kỳ mặc nhiên đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo khối Thế giới Tự do. Cho dù hiện nay người ta có thể vẫn còn tranh cãi cuộc chiến tranh Việt Nam là một thành công hay thất bại của Hoa Kỳ, sự thực vẫn là sự thực: Thế giới Tự do xem chừng đứng vững và còn mạnh hơn, trong khi khối cộng sản quốc tế đã sụp đổ thảm hại trong tiếng reo hò hân hoan của hàng trăm triệu người nay đã được giải phóng.  Và khi nói đến The Free World, chúng ta chẳng bao giờ có thể quên đề cập đến nước Mỹ với vai trò lãnh đạo và Tổng thống Mỹ là người lèo lái con thuyền. Trong thời hậu chiến tranh lạnh, ảo tưởng một trât tự thế giới mới với sự sắp xếp cua Mỹ đã chóng sụp đổ với sự thách đố ngày càng nghiêm trọng của các thế lực Hồi giáo quá khích, một nước Nga mới thể hiện đầy đủ qua tham vọng bành trướng đế chế của Sa hoàng Vladimir Putin, và một Trung Quốc nay nghĩ mình đã đủ mạnh để trở lại làm thiên triều. Bởi thế Thế giới Tự do vẫn phải còn, chỉ có điều có thể đang suy yếu gần đây vì Hoa Kỳ không còn và Tồng thống Hoa Kỳ không còn – trong cương vị lãnh đạo.

            Những thăm dò dư luận quốc tế gần đây cho thấy thế giới đang có cái nhìn khác về nước Mỹ. Người ta đang thấy nước Mỹ nguy hiểm, và nói xa nói gần chẳng qua nói thật: tất cả là do người Mỹ đã bầu ông Donald Trump làm tổng thống. Theo Trung tâm Khảo sát Dư luận Pew, sự lo ngại về lạm dụng quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kỳ đã gia tăng ở nhiều nước trên thế giới giữa khi có sự suy giảm nghiêm trọng nơi sự ủng hộ và tin tưởng vào tổng thống Mỹ. Trong 30 nước được thăm dò trong năm 2013 và năm nay, một mức trung vị khoảng 38% nay cho rằng quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang đặt ra một đe dọa lớn cho đất nước của họ - tăng 13% so với trước (2013). Sự lo ngại về mối đe dọa của Hoa Kỳ nay cũng tương đương với nỗi sợ dành cho Nga và Hoa trên phần lớn thế giới. Đến ba trong mười người trên địa cầu nêu tên Trung Quốc hay Nga là đe dọa lớn. Đáng để ý trong báo cáo này, những lo ngại về ba nước này còn đứng sau những vấn đề khác mà người ta đã thấy, ví dụ như Nhà nước Hồi giáo ISIS, sự thay đổi khí hậu, tình hình kinh tế toàn cầu, nạn tấn công trên mạng (cyberattacks), luồng di dân từ những nước như Iraq và Syria đến các nước phương tây. Tuy nhiên, tỷ lệ công chúng đang xem đại cường Mỹ như là một đe dọa lớn cho đất nước của họ đã tăng lên đến 21 nước trong số 30 nước được khảo sát. Đáng chú ý là Tây Ban Nha, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ và Ghana. Những nước thường thân thiện với Mỹ như Úc, Anh, Canada, Đức và Thụy Điển, con số bất lợi tăng thêm 10%. Ở Pháp và Hòa Lan: 8%. Cũng đáng ghi nhận: ở Nhật Bản, có đến 62% xem Hoa Kỳ là một “đe dọa lớn”, trong khi 64% sợ người Hoa!
            Người ta sợ nước Mỹ chính là vì sợ ông Trump. Như sợ để cho trẻ em chơi súng thiệt. Hay ngưòi bị nghi là có vấn đề tâm thần mà chơi quanh quần những nơi bấm nút cac vũ khí nguyên tử. Đúng là nước Mỹ đang trở nên nguy hiểm thật. Nhưng nguy hiểm hơn cho thế giới chính là ở chỗ nước Mỹ không còn đáng tín nhiệm nữa, vì chẳng ai có thề tin được ông Trump. Sự bất tín nhiệm đối với ông Trump đã có từ lâu, và rất đáng tiếc càng ngày ông càng ra sức củng cố sự mất niềm tin đó. Thế giới quan của ông (America First; Buy America, Fire America) được thể hiện ở những chính sách quốc tế chẳng ai có thể tin được ở một nước lãnh đạo Thế giới Tự do: bảo hộ mậu dịch qua cắt đứt quan hệ với Hiệp định TPP, đình trệ hiệp định NAFTA (Thỏa ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ); xây tường biên giới Mexico; đòi quan hệ “sòng phẳng” với NATO và các đồng minh truyền thống Nhật Bản và Nam Triều Tiên tại Đông Á; hòa hoãn êm dịu một cách bất thường với Nga và Trung Quốc (không chỉ vì chuyện làm ăn, đầu tư lâu dài); phá vỡ các quan hệ đã có với Iran và Cuba; mạt sát tay đôi với Kim Jong-un khiến cho thế giới đứng ngồi không yên trước hai người điên, chẳng biết ai điên thật, ai điên giả.

Để xét chuyện “bình thiên hạ” của Donald Trump, người ta phải nhìn đến những chuyện “tu thân, tề gia, trị quốc” của ông. Donald Trump tu thân như thế nào thì ai cũng biết qua thành tích “Thằng người gỗ” Pinocchio của ông, cách ông làm ăn, cạnh tranh, trả thuế và giao tình với phụ nữ. Chỉ cần nhớ cho đến nay ông vẫn nhất quyết đến cùng: không công bố hồ sơ thuế, và giữ kín hồ sơ sức khỏe tâm thần!  Ơng Trump tề gia như thế nào chúng ta cũng đã biết qua “lý lịch gia đình” của ông và việc ông để cho con và rể tự ý làm ăn, đều trở thành “cố vấn Tòa Bạch Ốc”, mượn thế của cha, thao túng quyền lực để mở rộng kinh doanh.

Còn trị quốc? Ông vẫn thất bại trong mục tiêu số 1: repeal & replace Obamacare. Màn kịch hoa dạng về ngăn chận immigration, xây tường, cấm nhập cảnh… chính là ưu tiên số 2, không đi đến đâu. Chuyện cải cách thuế khóa chưa được thảo luận mà đã bị phê phán, chống đối. Mà rốt cuộc ông nhắm vào ai? Triệt hạ bằng mọi giá cựu Tổng thống Obama, tự tôn vinh là lãnh tụ số 1 của quấn chúng “white nationalists”, “white supremacists”. Chống Obamacare bất kể  tầng lớp lợi tức thấp nhất trong xã hội, sức khỏe kém nhất và khả năng mua bảo hiểm y tế yếu  nhất. Tạo cơn bão DACA, ông nhằm vào “tuổi thơ có tội tình gì”, cho dù cha mẹ của chúng có vô trách nhiệm, phiêu lưu hay lạm dụng. Vì quyền lợi ích kỷ của tầng lớp giàu có ở trên mà ông chủ trương cắt giảm thuế, chính là bất kể những khoản cắt giảm ngân sách phúc lợi thiệt hại cho lợi ích sống còn của lớp dưới. Vì cần khích động, nuôi dưỡng sự ủng hộ của thành phần da trắng thượng đẳng (kể cả KKK) mà ông bóp méo, xuyên tạc lịch sử của cuộc nội chiến và còn nguy hiểm hơn nữa khích động những nhóm hận thù chủng tộc trong xã hội.
Trong cả tuần qua, ông lại đi cãi cọ tay đôi hàng ngày qua tweet với những cầu thủ chơi bóng bầu dục không chịu đứng thẳng nghe quốc ca mà quì xuống. Ông đòi hiệp hội NFL phải sa thải những cầu thủ này.  Trong khi đó, báo chí lại nói ông ham chơi golf trên sân nhà cho nên quên cả chuyện phải hành động cấp thời trong cơn bão Maria đang đánh tơi tả Puerto Rico. Sau khi ông phải tìm cách cứu trợ gần 4 triệu người dân đang bị mất điện, mất nước lâu dài ở lãnh địa này của Mỹ, quyền Bộ trưởng Nội địa thay mặt ông ca ngợi sự “can thiệp nhanh chóng của chính quyền liên bang đáng làm một good news story”. Bà thị trưởng ở đây Carmen Yulin Cruz lên tiếng đáp lại đây không phải là “lúc tính chuyện đưa ra môt tin hay ho cho báo chí, mà phải là  chuyện sống chết của người dân, chuyện thiếu người cứu trợ cấp thời”. Sáng thứ bảy, tức thì ông Trump tweet, chê bà “không có năng lực lãnh đạo”, cứ muốn “người ta dọn cổ sẵn”, “không huy động được nỗ  lực trong cộng đồng”, “ăn bả của người Dân Chủ cho nên trở giọng nói xấu Trump” (The Mayor of San Juan, who was very complimentary only a few days ago, has now been told by the Democrats that you must be nasty to Trump).

Sau đó, ông vẫn đi chơi golf như thường lệ ngày cuối tuần, không bận tâm về vụ tai tiếng của các cận thần: ít nhất bốn bộ trưởng của ông đang bị phơi bày vào tội lạm dung máy bay riêng trong đi lại công vụ. Những bậc đại công thần đó là Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin, Y tế Tom Price, Nội vụ Ryan Zinke, Tổng giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Scott Pruitt. Ông Price vào ngày thứ sáu 29-9 phải từ chức, trước đó viết một chi phiếu 51.000 đô la đền bù lại cho ngân sách trong khi theo báo chí ông đã chi hơn 1 triệu. Thế nhưng người ta nói ông Trump tuy phê bình người của mình, nhưng theo thói quen muôn thuở không bao giờ tự phê: ông đã phí phạm công quỹ đến cả 50-60 triệu vì ngành an ninh quốc gia phải mở rộng mạng lưới bảo vệ cho ông và gia đình tại các khách sạn, sân golf.. của ông và các con! Vấn đề chính mà người ta đang thấy sau chín tháng của ông Trump là ông vẫn tự cho ông quyền đặc miễn về đạo đức chính trị.

            Quan điểm trên toàn cầu về nước Mỹ và ông tổng thống mới đã chuyển biến mạnh mẽ theo hướng đi xuống kể từ khi Barack Obama rời Tòa Bạch Ốc, ngang với mức có trong thời  Tổng thống George W. Bush. Chẳng những người Mexico và Canada đang lắc đầu (22% người Canada và 5% người Mễ tín nhiệm ông), nói chung người Trung Mỹ và Nam Mỹ đều thấy bất an trước tổng thống Mỹ ngày nay. Sự tin tưởng của dân Tây Âu ở ông Trump chỉ ở mức 11% (Đức), 14% (Pháp); Anh thì cao hơn (22%). Chẳng những các nước Hồi giáo Trung Đông nghi ngại về ông, mà ở cả hai nước “đồng minh” dễ dãi như Nhật Bản và Nam Triều Tiên, mức tin tưởng ở ông Trump chỉ trong khoảng 22-25%. Chỉ có ở hai nước, sự tín nhiệm dành cho ông Trump trên mức 50% : Nga (53%) và Israel (56%). No need for any comment!
Thực ra, sự mất tín nhiệm của thế giới không chỉ dành cho ông Trump. Người ta nay đang lo ngại rằng “something should be deeply wrong with America”. Nước Mỹ đang có vấn đề thực sự nghiêm trọng khi trong xã hội mức độ “civility” ngày càng suy giảm, cả hai đảng đều tê liệt, lãnh đạo mất định hướng, như rắn mất đầu, người mất hồn, và nhiều vấn đề nghiêm trọng của đất nước cứ để đấy - nhất là không ai dám nói thẳng hiến pháp của nước Mỹ đã gần 250 năm dứt khoát không thể được xem là không thể thay đổi được cho dù chỉ một chữ. Rõ rệt nước Mỹ ngáy nay đã quá biến đổi, cho nên hiến pháp cần phải được tu chỉnh một cach hòa bình (trước khi quá trễ để có một cuộc cách mạng không lường được hậu quả) vì quá bất cập trước những vấn đề của đất nước. Chẳng hạn, rõ rệt luật lệ bầu cử tổng thống phải được tính lại!
Trong khi đó, những đe doa cho thế giới ngày nay đang ngày càng nghiêm trọng hơn - đến từ Nga tại vùng Balkan, Hồi giáo khắp thế giới và Trung Quốc ở vùng Đông Á. Bởi vậy, Thế giới Tự do cần củng cố chặt chẽ và đương nhiên phải chuyển hướng tìm một lãnh đạo m ới. Ít nhất từ sau cuộc họp của khối G-20 tại Berlin vào tháng sáu vưa qua, người ta đã thấy phần nào chân dung của sự lãnh đạo mới đó. Chẳng phải là nước Anh – đương nhiên. Bà Theresa May đang loay hoay tìm con đường Brexit - đưa nước Anh ra khỏi Liên Âu. Củng chẳng phải ông Tổng thống Emmanuel Macron 39 tuổi và nước Pháp. Chẳng phải nước Tây Ban Nha, tuần qua đang điên đầu vì phong trào ly khai của người Catalan đòi độc lập.

Theo thăm dò của Pew Center trong dịp G-20 phó hội, người dân của 20 nước này tỏ niềm tin vào bà Thủ tướng Angela Merkel trong khào hướng đối với những vấn đề quốc tế và “thumb down” đối với ông Trump. Chỉ có hai nước còn tin ông Trump: Ấn Độ và Nga. Tại bảy nước Đức, Pháp, Nam Triều Tiên, Anh, Canada, Nhật Bản và Úc, đến hơn 2/3 người được hỏi tin tưởng ở bà Merkel, trong khi ông Trump được chưa đến 3/10.

Ngay ở nước Mỹ, bà Merkel còn được tín nhiệm hơn ông Trump (56% so với 44%). Ở hàng chục nước khác, mức tín nhiệm dành cho bà Merkel cũng cao hơn ông Trump – cho dù không đến mức 60%. Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên có mức tín nhiệm của thế giới chưa đến 40%. Nói chung, ngưòi ta cho rằng tư cách, kiến thức và kinh nghiệm của ông Trump về ba vấn đề then chốt của thế giới toàn cầu hóa “chưa trưởng thành”: thương mãi quốc tế, khí hậu toàn cầu, và an ninh quốc tế.

Trong khi đó, có lẽ ít có một cuộc thăm dò nào người dân của một nước mà họ cho thấy sự hài lòng về lãnh đạo đất nước ở mức chúng ta đã thấy ở Đức. Một thăm dò được thực hiện trước ngày bầu cử 24-9 vưa qua cho thấy ngưòi dân Đức cảm thấy thoải mái về “chuyện nước nhà”. Không giống như ngưòi dân ở một số nước Liên Âu đang cảm thấy bất an bất ổn về tình hình kinh tế và chính trị, người dân Đức hài lòng về nền kinh tế vẫn phát triển đều đặn trong gần chục năm qua, và cũng có y kiến tích cực về lãnh đạo chính trị của họ. Đến 86% cho rằng kinh tế đang tăng trưởng tốt, so với năm ngoái 75%. Từ năm 2011 đến nay, nước Đức rất tự hào về tăng trưởng kinh tế, cao vượt trội các nước châu Âu khác (Hy Lạp: 2%, Ý: 15%; Pháp: 21%; Tây Ban Nha: 28%).Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức chỉ có 3.7% (chỉ thua các nước cộng sản trước đây tỷ lệ thất nghiệp là 0%, cho dù tỷ lệ nghèo đói cũng gần 95% - phần 5% còn lại là cán bộ, đảng viên). Cũng theo thăm dò này, chính trị chính lưu của Đức vẫn được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ. Đến 58% có ý kiến tích cực về đảng trung hữu Liên hiệp Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel, và 68% thích đảng Dân chủ Xã hội có khuynh hướng trung tả (SPD). Chính kiến của dân Đức rất khác với các đảng phái ở Pháp, Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha và Anh, nơi tất cả các đảng đang có khuynh hướng trở nên “xa lạ” với người dân.

Cuộc bầu cử ngày 24-9 vừa qua ở Đức xác nhận tất cả những gì các cuộc thăm dò này muốn nói lên. Bà Merkel, một nhà chính trị đặc biệt, xuất thân từ Đông Đức nhưng đã nhanh chóng hội nhập với chính lưu, đã được bầu làm thủ tướng từ năm 2005 (chỉ 15 năm sau khi chế độ Đông Đức sụp đổ), nay đắc cử lần thứ tư – bà là một trong ba lãnh tụ đắc cử đến bốn nhiệm kỳ (hai người kia là Konrad Adenauer và Helmut Kohl). Nhất là vào một thời thử thách. Người dân có thể muốn thay đổi sau khi bà đã cầm quyền 12 năm. Sau khi có một phần dân chúng không đồng ý với thái độ khoan từ tâm của bà đối với người di dân Hồi giáo đang đổ vào châu Âu, cùng sự cương quyết của bà duy trì thống nhất của Liên Âu và eurozone bằng cách “cứu vớt” những nền kinh tế châu Âu yếu ớt, sụp đổ. Đảng của bà CDU được 33%, SPD 20.5%, tiếp theo là AfD (Alternative für Deutschland – Phương thế mới cho Đức quốc) được 12.6%, FDP 10.7%, cánh tả 9.2%, đảng Xanh 8.9%. Đây là lần đầu tiên, một đảng cực hữu AfD vào được Quốc Hội trong hơn nửa thế kỷ, tuy rằng chưa đủ mạnh để được xem là đối lập.

Người ta nhìn đến những thách đố của thời thế đang đặt ra cho bà Merkel. Các đảng cùng liên minh với đảng của bà đều đi xuống, cho thấy một phần dân tâm đang giao động, bất an vì thời thế di dân và gánh nặng lãnh đạo châu Âu. Để thiết lập chính phù sẽ mất nhiều thời gian, đảng của bà phải đi tìm liên minh, giữa khi các đảng chưa quyết định có nên liên kết với bà hay cúng thành lập khối đối lập. Trong khi đó, đảng AfD đang mừng rỡ trước cơ hội ngàn vàng, khí thế như Đức Quốc Xã hay phát xít, hô to khẩu hiệu: “Giành lại nước Đức” (giống như Make America Great Again), “Giành lại người dân”, và “Quyết liệt truy đuổi Merkel” (Hound Merkel).
Thế nhưng sự thực vẫn là sự thực. Bà Merkel vẫn đắc cử. Đảng của bà vẫn đa số trong một chế độ đa đảng. Và số người Đức “thượng đẳng” chỉ được khoảng 1/8 trong xã hội. Người tỉnh trí vẫn còn 7/8.

Thời buổi ngày nay, thắng lợi chính trị không phải dễ dàng. Tất cả chăng những tùy thuộc vào bản lĩnh và đạo đức chính trị của người làm chính trị mà còn quan trọng hơn là sự trưởng thành, trình độ của người dân, dân chủ của chế độ. Nếu nhìn đến con số 35% người dân Mỹ đang theo đường lối “white nationalism” và người Đức 13 % theo AfD, chúng ta có thể hiểu hơn vì sao bà Merkel vẫn đắc cử, và nước Đức vẫn là cái phao cho Thế giới tự do ngày nay.
Đúng là chiến thắng của bà Angela Merkel đã nói lên tất cả câu chuyện thời nay.

Hoàng Ngọc Nguyên
 
 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top