LÃNH ĐẠO KHOANH TAY
• Hoàng Ngọc Nguyên
@www.saigonweeklyonline.com“Two things are infinite: the universe and human stupidity; and I'm not sure about the universe.”
― Albert Einstein
Hôm nay ngày 26-7, chỉ còn 100 ngày nữa là đến “ngày đó chúng mình”, nhưng người dân Mỹ hiện đang sống trong những ngay bồn chồn, bất an, kinh hoàng vừa vì coronavirus vừa vì sự lãnh đạo của chính quyền chống đại dịch. Muốn biết sự nguy hiểm này đến mức độ nào, nhất là cho nước Mỹ, chúng ta chỉ việc duyệt qua những con số căn bản về người mắc bệnh từ đầu tháng ba cho đến nay, và số người bất hạnh đã nằm xuống. Thực ra, đã sáu tháng hơn, nếu tinh từ khi coronavirus được xác nhận lần đầu tiên đến nước Mỹ, tức khoảng 20-1, ngày Tồng thống Trump nói “everything is under control”. Con số trường hợp nhiễm mới ngày càng tăng nhanh, nay đã lên đến 4.2 triệu. Và số người chết đang xấp xỉ ở mức 142.000. Không lẽ dân số nước Mỹ 328 triệu, cho nên những con số 4.2 triệu hay 142.000 này chẳng nhằm nhò gì? Đại dịch này xem chừng chẳng sợ gì những nỗ lực chống vi khuẩn này ở Mỹ cả. Chúng bảo nhau: Có lãnh đạo đâu mà sợ!
Con số chính thức được nêu ra là 4.2 triệu, nhưng con số thực sự, theo lời của chính những chuyên gia trong ngành y tế, thì có thể lên đến gấp mười lần, tức 42 triệu, hay 1/8 dân số nước Mỹ. Cơ quan CDC nói rằng tỷ lệ người có kháng thể (antibody) ở Mỹ rất thấp, cụ thể ở San Francisco chưa đến 1%, trong khi ở New York con số này là 6.9%. Vấn đề nay là ở chỗ trong tháng bảy này, chỉ trong 25 ngày đầu tháng, đã có cả 1.5 triệu trường hợp nhiễm bệnh, trung bình 62.500 ca/ngày, so với 22.500 ca/ngày trong bốn tháng trước đó. Và mặc dù đã có kinh nghiệm điều trị, con số người chết vẫn tăng hàng ngày – đặc biệt trong tháng bảy này, sau khi giảm trong hai tháng trước. Trong tuần cuối của tháng bảy, con số trung bình người bất hạnh vào khoảng 950/ngày. Nếu chúng ta không rùng mình mất ăn mất ngủ thương cho người, lo cho mình, mà cứ nói như ông Trump: sinh lão bệnh tử, sống chết có số, thì ... hết nói.
Chúng ta hẳn còn nhớ, khi coronavirus mới bùng phát đầu tháng ba ở Mỹ, đại dịch này hẳn phải xuất phát từ Vũ Hán đã uy hiếp châu Âu hơn cả tháng. Mỹ không có tên trong danh sách những nước bị đe dọa hàng đầu trên thế giới. Nhưng rất nhanh chóng, dưới sự lãnh đạo khoanh tay của Tổng thống Trump chống đại dịch, Mỹ đã nhanh chóng chẳng những đứng vai trò “thủ lãnh”, mà còn dẫn xa các nước đứng sau về các con số nhiễm bệnh và tử vong. Và nghiêm trọng hơn nữa, khủng khiếp hơn nữa, đại dịch ở Mỹ nay trở thành một đe dọa nghiêm trọng cho cả thế giới, và Tổng thống Trump trở thành một đại dịch cho nước Mỹ.
Vào đầu tháng ba, theo nghiên cứu khoa học của Đại học Columbia đưa ra giữa tháng năm, nếu chính quyền Mỵ ra quyết định về cách ly và hạn chế hoạt động một phần, có thể đã có hơn 50.000 sinh mạng được cứu thoát. Thế nhưng, lúc thì ông Trump nói coronavirus là chuyện phía đảng Dân Chủ dựng lên phá ông trong bầu cử, lúc thì ông sợ nói đến đại dịch Tàu thì người bạn thân thiết phiền ông, mà bạn ông là ai , ông nói chính là Tập Cận Bình (ông có nhờ Tập phá ông Joe Biden trong tranh cử). Bởi vậy, trong tháng ba khởi đầu đó, con số nhiễm bệnh ở Mỹ là 211.888, với số thiệt mạng là 4.751 – trung bình một ngày 6.835 người xét nghiệm dương tính và 153 người nằm xuống.
Tháng tư gánh chịu hậu quả của tháng ba bất động: 891.229 người nhiễm và 60.238 người chết – trung bình 29.707 người nhiễm và 2.008 người chết một một ngày. Chính vì những con số kinh khủng này mà đầu tháng tư nhiều nơi trên nước Mỹ phải mở ra giai đoạn đóng cửa, stay at home, kinh tế đinh trệ, con số người mất việc làm tăng vọt, trong khi nền kinh tế rơi vào suy thoái . Và Tổng thống Trump hành động bằng cách đổ thừa cho Trung Quốc bưng bít, Tổ chức Y tế Thế giới đồng lõa (Mỹ cắt ngân khoản hỗ trợ WHO) và Trung tâm Kiềm và Phòng Dịch (CDC); gạt bỏ đề nghị của CDC phải đeo mạng, xem đó là sự vi phạm “liberty” hiến định của dân Mỹ; và quảng cáo bán thuốc hydroxychloroquine chết người.
Tháng năm đỡ hơn phần nào, 708.233 ca nhiễm và 40.177 người chết, trung bình 22.846 ca nhiễm và 1.296 người chết một ngày. Từ đầu tháng năm, Trump đã cồ súy việc mở cửa trở lại trên khắp nước Mỹ, lý luận như nằm mơ là “coronavirus sẽ tự nhiên biến mất” và thúc đẩy kinh tế sẽ giải quyết được đại dịch y tế. Ông còn đe dọa sẽ không bao giờ đóng cửa trở lai, đại dịch có bùng chỗ nào thì dập tắt nơi đó. Tính đến đầu tháng sáu, với tổng số 1.811.350 người nhiễm và 105.166 người chết, Mỹ đã qua mặt và dẫn xa tất cà các nước “nguy hiểm” trên thế giới như Iran, Ý, Tây Ban Nha... Nhưng Tổng thống Trump vô cảm vẫn để mặc cho Mỹ đi xa hơn.
Trong tháng sáu, số trường hợp nhiễm bệnh là 871.944 (trung bình 29.064/ngày), nhưng may thay số người chết giảm mạnh, còn 22.878 (trung bình 762/ngày). Tuy nhiên, dấu hiệu bất tường đã cho thấy khi kể từ ngày 26-6, số ca nhiễm vượt qua mức 40.000/ngày. Và sau ngày 1-7, số ca nhiễm tăng hơn 50.000/ngày. Sau ngày 8-7, hơn 60.000/ngày. Kỷ lục đến nay là ngày 17-7: 76.403 ca. Từ ngày 1-7 đến 25-7: 1.549.679 ca. Trung bình gần 62.000 ca/ngày. Số người chết trong 25 ngày: 21.883 – trung bình 875 người/ngày! Người ta nói nay có thể coronavirus đã đạt một mặt bang mới (new plateau), có nghĩa là không cao hơn nữa khiến ta có thể mừng, nhưng không xuống, khiến ta phải lo vì nhà thương, bác sĩ, thuốc men đều thiếu). Vấn đề là ở chỗ đó!
Thế giới hiện có tính đến ngày 27/7 16.4 triệu trường hợp và hơn 654.000 người chết. Mỹ đang dẫn đầu, bỏ xa nước thứ nhì Brazil, thứ ba Ấn Độ, thứ tư Nga, thứ năm Nam Phi, thứ sáu Mexico... Bất công thay, Trung Quốc “tụt hạng”, đứng thứ 26! Tính ra, dân số Mỹ chỉ bằng 4% dân số thế giới, nhưng số ca nhiễm chiếm đến 1/4, và số ca tử vong 22.5%. Đó chính là nỗi kinh hoàng của người Mỹ và thái độ kinh sợ của thế giới từng xem nước Mỹ là văn minh tiên bộ nhất thế giới nhưng nay xem Mỹ là đại dịch toàn cầu. Châu Âu nay đã cấm cửa người đến từ Mỹ. Trung Quốc cũng có biện pháp tương tự. Ngưòi Tàu từng nghe ông Trump nói coronavirus là chuyện của Tàu, nay họ nói lại đây là đại dịch của Mỹ.
Tình hình đang căng thẳng ở nhiều tiểu bang. Đến 40 bang đang phài điên đầu vì sự gia tăng số trường hợp nhiễm, không có gì kiểm soát được, nhất là ở những tiểu bang lớn như New York, California, Florida, Texas, Arizona, Georgia, New Jersey, Massachusetts. California mà thôi đã có 452.800 ca.
Ngày 27-7, người ta công bố một bức thư ngỏ của 150 giáo sư, chuyên gia y tế, bác sĩ, y tá, thầy giáo... thúc giục chính quyền ra lệnh đóng cửa trở lại và tái thực hiện những biện pháp ngăn chận sự lan truyền của vi khuần này trong dân chúng. Đây đúng là một thách đố lớn cho ông Trump. Thật ra, ngay chính cơ quan CDC và những chuyên gia trong ủy ban chống dịch của Tòa Bạch Ốc (Phó tồng thống Sycophant Mike Pence là chủ tịch) cũng có ý kiến tương tự. Giám đốc Robert Redfield của CDC đã nói từ cuối tháng sáu: Nước Mỹ đã bị coronavirua đánh sụm (Coronavirus has brought this nation to its knees). Ông bất chấp ý kiến của Nhà Trắng, vẫn gợi ý phải xét lại việc reopening. Bác sĩ Anthony Fauci, ngưòi đứng đầu Viện Bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm là nhân vật số 1 của Ban đặc nhiệm chống coronavirus của chính quyền, nhưng từ ngày 21-4 đến nay, Trump đã cho ngưng họp báo hàng ngày sau khi đưa ra ý kiến nên chích chất tẩy uế (disinfectant) vào người để ngừa đại dịch. Trump cũng không nhìn mặt ông nữa từ đầu tháng sáu do lỗi của ông đã phê phán chuyện mở cửa trở lại sớm, không đúng cách và không kiểm soát. Ông Fauci cũng luô nhấn mạnh phải đeo mạng, phải cách ly... Rốt cuộc, thay vì chống coronavirus, ông Trump chỉ lo chống giới chuyên khoa chống đại dịch vì họ không thấy nhu cầu chính trị của ông.
Tình hình cũng đang cho thấy dân số Latino/Hispanic và dân số người da đen chiếm tỷ lệ phần lớn trong số người nhiễm bệnh và số người chết. Dân số Latino (Hispanic) chỉ vào khoảng 18.5%, dân da đen 13.4%. Dân số cao niên (trên 65) ước chừng 56 triệu, tương đương 17% dân số. Nhưng theo thống kê của CDC, tỷ lệ người bị nhiễm có đến 33% người Latino/Hispanic, và 22% là người da đen. Lý do có thể là vì lối sống gia đình “không cách ly” của họ. Trong số người chết, đến 80% trong tuổi 65 trở lên. Cứ ba người chết lại có một người trên 85 (33%). Tuổi từ 65-74 là 20.7% và tuổi từ 75-84 là 26.6%. Đến 75% người chết trên 75 chết trong nhà an dưỡng cao niên.
Yếu điểm nhân bản lớn nhất của Tồng thống Trump, một người đã ở vào lứa tuổi gần đất xa trời, là ông chẳng hề tỏ ra đau buồn trước con số 80% nạn nhân là người già. Ông khoe: “Người chết là người già có tiền sử bệnh”, nhưng ai già mà không có “pre-existing conditions”? Ông còn nhất định không đeo mạng, tạo ra một “cuộc chiến văn hóa” chẳng những không cần thiết mà còn ngu xuẩn khích động không ít những người Cộng Hòa da trắng và ít học thức quyết đấu tranh gìn giữ “liberty” của mình.
Rồi còn chuyện ông Truimp cứ nhất định đòi trẻ em phải đi học trở lại. Như kiểu lùa trẻ em đi trước khi mở một trận đánh. Bất kể sự lo lắng của cha mẹ, thầy cô, sự an toàn cho lớp trẻ.
Người ta lo sợ là phải. Người ta chưa từng biết một đại dịch khủng khiếp như coronavirus – dĩ nhiên trừ Spanish Flu năm 1918 sau Đệ nhất Thế chiến mà đương nhiên cho đến nay chẳng còn ai biết. Những nhà khoa học vẫn còn rất mơ hồ về con vi khuẩn này, và xem chừng rất thụ động trong chuyện phòng chống và điều trị. Thuốc chữa trị chưa có gì chắc chắn. Thuốc phòng ngừa (vaccine) cũng vẫn là dấu hỏi cho dù người ta nói đang có những tín hiệu lạc quan. Cách đơn giản nhất là ở nhà (với ngưòi già thì “dễ”), giữ “khoảng cách xã hội” khi ra đường, đeo mạng, rửa tay thưòng xuyên... Đơn giản mà phức tạp, nhất là khi người ta còn phải đi làm, đi chợ, và không thể ngồi yên trong nhà.
Nhiều người đang phát điên vì thực sự lo sợ chính đáng mình còn cầm cự được tới bao lâu nữa khi mùa thu độc hại đang tới. Bởi thế, bỗng dưng nạn bạo lực súng đạn bùng lên trong gia đình cũng như ngoài đưòng phố. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người theo ông Trump không tin ở con vi khuẩn tàn sát này, làm cho vấn đề y tế lại nhuốm màu sắc chính trị chết người!!!
Ông Trump đúng là một “thiên tài rất ồn định” (như ông tự nhận xét) rất “infinite”.
Hoàng Ngọc Nguyên